Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ toàn dân đã được nghệ thuật hoá để xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật. Ngôn ngữ văn học hiện diện trong tác phẩm không chỉ với tư cách là phương tiện để miêu tả cái thực tại bên ngoài ngôn ngữ, mà còn với tư cách là chất liệu, là đối tượng của sự miêu tả.
Trừ một số truyện ngắn đầu tiên của Nông Viết Toại, Nông Minh Châu, Vi Hồng sáng tác bằng tiếng dân tộc, thì văn xuôi các dân tộc thiểu số sau này đều sáng tác bằng tiếng Việt. Những tác phẩm đầu tiên đó thể hiện rất rõ tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, tính cách của dân tộc. Do đó, cũng mang đậm bản sắc dân tộc trong văn học. Những tác phẩm sau này không viết bằng tiếng dân tộc nữa. Điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính, tiếng dân tộc chưa thực sự phát triển (và trong điều kiện lịch sử – xã hội hiện nay, do các dân tộc sống xen kẽ nên ngôn ngữ dân tộc cũng khó có điều kiện để phát triển), do đó ngôn ngữ dân tộc có những trở ngại nhất định trong việc xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật.
Việc nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số nói chung và văn xuôi các dân tộc thiểu số nói riêng, không thể không đề cập tới vấn đề này. Việc sáng tác bằng tiếng Việt không những khó khăn trong việc thể hiện bản sắc dân tộc trong văn học, mà con khó khăn ở việc dùng tiếng Việt đối với nhà văn dân tộc thiểu số gần như một ngoại ngữ. Nhà văn Vi Hồng viết: “Người dân tộc thiểu số viết văn bằng tiếng phổ thông thì bao giờ cũng nên coi họ là những người dùng một thứ “ngoại ngữ” để viết văn. (Nói thế này dễ bị phê phán lắm nhưng là sự thực làm sao nói khác được). Có thế mới thấy được bao nhiêu là hạn chế đối với người dân tộc thiểu số viết văn. Họ khổ sở, cực nhọc trong khi vận dụng kho ngôn ngữ tiếng Việt để bộc lộ mọi ý đồ trong tác phẩm. Vì vậy, trọn cuộc đời của người dân tộc thiểu số viết văn là phải không ngừng làm giàu cái vốn ngôn ngữ tiếng phổ thông của mình. Các nhà văn miền xuôi cố một thì người viết văn người dân tộc thiểu số phải cố mười” (Văn hoá các dân tộc từ một diễn đàn – Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam – Hà Nội 1999, tr 109 – 110).H’Linh Niê viết: “Viết văn quả là một nghề nhọc nhằn khó khăn. Viết về đề tài dân tộc và miền núi lại càng khó hơn. Làm sao cho cộng đồng thiểu số của mình chấp nhận, mà người đọc chung cũng chấp nhận và hiểu đúng không chỉ cuộc sống ở Tây Nguyên, mà còn ở cả phong tục, tập quán, cách nghĩ, cách nói…” (Nhà văn Việt Nam hiện đại – Nxb Hội Nhà văn 1997, tr 231).
Nhà văn dân tộc thiễu số dù sáng tác bằng tiếng Việt, nhưng bao giờ cũng xuất phát từ tư duy dân tộc, từ tầng sâu văn hóa của dân tộc mình. Bởi vì đụng đến tư duy, đến ngôn từ chính là đụng đến lớp trầm tích văn hóa cũa dân tộc ấy. Nên không có được nội lực, tầng sâu văn hóa của dân tộc thiểu số thì không thể có được tư duy của người dân tộc thiểu số. Ngôn ngữ này có nhiều từ, ngữ không trùng khớp với từ, ngữ Việt. Nên người viết phải tìm cho được những từ ngữ tiếng Việt sát đúng với nội dung ngôn ngữ dân tộc. Trong trường hợp, không có tiếng Việt nào thể hiện sát đúng những từ ngữ, những câu văn, cách nói mang bản sắc dân tôc, các nhà văn đều có những cách viết khác nhau.Phần lớn họ đều chọn những từ, ngữ tương đương với tiếng Việt. Còn một số họ dùng ngay tiếng dân tộc với mức độ nhiều ít theo nhận thức của từng người.
Sự ảnh hưởng của văn hóa tới tư duy, ngôn ngữ trong văn xuôi các dân tộc thiểu số rõ nhất là văn học dân gian…. Người mô phỏng và bắt chước tư duy, ngôn ngữ dân gian rõ nhất là Vi Hồng. Những nhà văn sử dụng ngôn ngữ dân gian có mức độ và có chuyển hóa nhất định là Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Y Điêng, Kim Nhất, H’Linh Niê…. Những nhà văn coi văn học dân gian như là chất liệu, phương tiện và kinh nghiêm nghệ thuật cần thiết cho mục đích sáng tạo của mình là Cao Duy Sơn, Mã A Lềnh, Y Phương….
Vi Hồng là người dạy văn học dân gian, nên rất hiểu về văn học dân gian các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Tày, nên ông vận dụng ngôn ngữ văn học dân gian Tày (trong đó chủ yếu là ngôn ngữ tục ngữ, ca dao dân tộc) vào trong tác phẩm nhiều hơn là dùng tiếng nói hàng ngày của dân tộc. Nên văn xuôi của Vi Hồng thường đậm chất dân gian, chất thơ, chất trữ tình hơn là chất hiện đại, chất văn xuôi, chất tự sự. Những từ dùng để biểu thị sự vật, với hành động và tính chất của sự vật thường là: trai non, gái trẻ, trai tơ, gái nụ, trai nụ, gái hoa, trai thanh, gái nụ, nàng tiên, hoa tiên, rồng bay, phượng múa, hoa nở, ong vờn, mắt hoạ mi, cánh hoa mạ… với những câu ví von so sánh: “Đời em đã gắn với anh như dao cầm tay, như cái bát đôi đũa hay ăn từng bữa, như đôi đũa cả gắn liền với cái nồi, như ba ông đầu rau bao giờ cũng xúm quanh ngọn lửa hồng” (Đoạ đầy, 1997, tr9). Với cách viết đó, văn xuôi của Vi Hồng thường rơi vào tình trạng lời nhiều mà ý ít. Công bằng mà nói, những tiểu thuyết của Vi Hồng trong thời gian đầu như “Đất bằng” (1980), “Núi cỏ yêu thương” (1984), “Thung lũng đá rơi” (1985), “Người trong ống” (1990), “Gã ngược đời” (1990), ngôn ngữ mang tính đời thường hơn là những tiểu thuyết từ sau 1991 trở đi. Có thể nói càng về sau mức độ dân gian hoá trong ngôn ngữ tiểu thuyết của Vi Hồng càng tăng.
Sự khác nhau về ngôn ngữ văn xuôi của Vi Hồng với các nhà văn Tày khác chính là ở chỗ này. Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Hoàng Hạc, Ma Trường Nguyên… giàu vốn sống thực tế hơn Vi Hồng, nên ngôn ngữ trong các tác phẩm văn xuôi của họ chủ yếu là lời nói hàng ngày của dân tộc Tày. Trong những nhà văn này, Nông Viết Toại là một trong những người sử dụng ngôn ngữ Tày thành công nhất. Do hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ và văn học dân gian, Nông Viết Toại đã kết hợp hai mặt này trong tác phẩm tương đối rõ. Ông nói: “Điều hết sức quan trọng trong sáng tác hiện nay, ở bất cứ thể loại nào, dù mới xuất hiện như văn xuôi, cũng phải cho đậm hương sắc những di sản tốt đẹp của văn học truyền thống. Cùng với ngôn ngữ nó là chiếc cầu cảm thông sâu sắc giữa tác giả và độc giả” (Nhà văn dân tộc thiểu số hiện đại – Nxb Văn hoá dân tộc, 1988, tr189). Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông chân chất, mộc mạc, giản dị trong tả cảnh, tả người. Đây là cảnh đồng bào đi làm nương vào lúc chiều tối trở về nhà: “Tiếng ve sầu từ đỉnh đồi Ca Chắp vọng về rền rĩ không dứt. Chỉ còn chút nắng quái hắt lên đỉnh núi mấy vệt vàng nhạt. Tiếng gọi nhau từ đám rẫy này truyền sang đám khác, họ rủ nhau về nhà. Người vác cuốc, kẻ vác củi men theo rìa rẫy ra con đường mòn ở chân núi. Đàn bà con gái thì vác bó củi lớn. Đàn ông vác củi gộc kềnh càng”, hay “Rể ơi! dừng lại mẹ bảo cái này đã” (Khươi ới! dặng mẻ cạ ỷ cón!) (Đoạn đường ngoặt). Gần với Nông Viết Toại là Hoàng Hạc, tuy không hoàn toàn sáng tác bằng tiếng dân tộc như Nông Viết Toại, nhưng Hoàng Hạc rất quan tâm tới tư duy, cách nói của dân tộc, quan tâm tới việc gọt giũa, nên ngôn ngữ trong tác phẩm Hoàng Hạc có phần nào mượt mà trong sáng hơn Nông Viết Toại.
Như vậy, cùng là nhà văn của dân tộc Tày nhưng cách sử dụng ngôn ngữ của họ cũng khác nhau. Đối với các nhà văn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng vậy. Văn của Y Điêng chậm rãi điềm tĩnh, “hiền quá” (từ của Y Điêng) để viết về con người của dân tộc mình “hiền hoà và dũng cảm” (lời của Y Điêng). Chính vì vậy, bản sắc dân tộc trong tác phẩm của ông thể hiện rõ nhất trong cách kể của tác giả và cách nói của nhân vật. Đặc biệt là những từ ngữ riêng, độc đáo của người ÊĐê mà tác giả thể hiện: “Mỗi khi mặt trời thôi ngủ, lũ làng trở dậy cả thì người đi lại trong buôn Phiên nhi nhúc như bầy kiến đi xây tổ, đàn ong đi kiếm hoa”, “Mỗi khi thấy cha nhìn mình bằng con mắt đỏ ngầu, nói với mình bằng lời đau cả tai. Hơ-Yéc rất buồn. Nhưng Hơ-Yéc vẫn không giận cha. Hơ-Yéc hiểu ra rồi. Cô chỉ thấy thương cha thôi” (Ông già Kơ Rao).
Cũng là dân tộc Ê Đê như Y Điêng nhưng ngôn ngữ trong tác phẩm của H’Linh Niê sắc sảo và giàu chất huyền thoại sử thi “Im lặng úp mặt trong tóc, họ ôm riết lấy nhau, bện trong nhau như con trăn quấn mồi, như đôi sam bơi trong biển. Nhà sàn rung rinh, bay, bay, bồng bềnh trôi trong gió, mỗi lúc một dào dạt” (Hoa pơ lang) hay “Riêng tiếng chiêng náo nức thì như mời gọi, nâng bàn tay, dìu bàn chân gái trai vào vòng xoay lễ hội. Các sắc áo màu xanh, đỏ, vàng và thổ cẩm rực rỡ như bảy sắc cầu vồng làm bừng sáng cả sân nhà rông” (Trăng Xí Thoại).
Người viết gần với Y Điêng là Kim Nhất (Ba Na). Cái được, cái hay trong truyện, ký của Kim Nhất là đã phản ánh đúng và trúng những vấn đề đang đặt ra cho người dân Tây Nguyên sau giải phóng với cách viết “rất hiền”, tác giả cứ nhởn nhơ kể, nhởn nhơ viết, thể hiện rõ tình cảm chân chất, hồn nhiên của người viết: “Quê tôi ở miền rừng. Rừng già, rừng non, núi con, núi mẹ nối nhau ngút ngàn, chẳng còn biết đâu là chân trời góc biển” (Ký ức rừng xanh) hay: “Y Hun nói với người già, người già nói với hai dòng họ, hai dòng họ ngồi bàn về chuyện nối dây của Hơ Giang” (Nối dây).
Tác giả thứ tư viết về Tây Nguyên là Niê Thanh Mai (ÊĐê) là tác giả trẻ, được sinh ra và lớn lên ở đô thị. Nhưng Niê Thanh Mai rất gắn với con người cuộc sống của dân tộc mình. Cả hai cái đó tạo cho ngôn ngữ trong tác phẩm của Niê Thanh Mai vừa rất dân tộc, vừa rất Kinh. Tác giả dành cho nhân vật những câu chữ, những chi tiết những hình tượng đẹp. Cái đẹp thơ mộng mang dáng dấp tâm hồn, tính cách của con người miền núi dịu dàng, hiền hậu, đáng yêu như H’Lanh trong “Suối của rừng” : “Y Quy à, cái bụng mình thương Y Quy nhiều lắm. Mình sợ Y Quy lên thành phố thì quên ngay buôn Du nhỏ bé này, quên mất H’Lanh thôi” hay: “Phin nghĩ, sẽ cố gắng học để sau này làm cô giáo hay bác sĩ rồi trở lại buôn Tun của Phin, buôn Tun còn nghèo lắm” (Những buổi chiều). Còn “San (nhân vật Kinh) đang đi tung tăng trên cánh đồng ngập tràn hoa vàng với ai đó có khuôn mặt không rõ ràng đang mờ ảo trong khói sương” (Phía ngoài ô cửa sổ). Viết cùng một lúc về hai dân tộc khác nhau (Kinh và ÊĐê), Niê Thanh Mai đã lựa chọn chất liệu ngôn ngữ phù hợp với từng dân tộc để thể hiện được tình cảm có phần tế nhị, duyên dáng, thanh lịch của dân tộc Kinh và có phần mộc mạc, giản dị, thẳng thắn, bộc trực của dân tộc ÊĐê. Câu văn ở đây không màu mè, không tìm thấy ở đây sự cường điệu, phóng đại. Chính vì vậy, con người và thiên nhiên miền núi hiện ra rất thực.
Ngoài những nhà văn trên, Mã A Lềnh (H’Mông) là nhà văn đóng góp cho văn xuôi dân tộc thiểu số ở cách sử dụng từ chính xác, sống động làm cho sự vật, hiện tượng hiện ra một cách rõ ràng, hấp dẫn: “Cái mỏm đá La Pán Tẩn kia mỗi năm, đá lại nhú cao lên vài gang tay. Muốn có được một khóm ngô, người ta phải thò nanh cuốc, nguấy nguấy một chút đất mùn khô trong hỏm đá, để thả hai, ba hạt giống vào” (Tản mạn trước mùa xuân).
Inrasara là nhà văn đầu tiên của văn xuôi dân tộc thiểu số vận dụng nhiều những phương tiện ngôn ngữ hậu hiện đại trong “Chân dung cát”. Không giống với sự vận dụng có mức độ của những nhà văn khác, nên kiểu diễn ngôn ngữ hậu hiện đại của Inrasara thực sự mang tính sáng tạo và được cộng đồng văn hoá xã hội Chăm chấp nhận thì không có vấn đề gì cần phải bàn.
Ngôn ngữ văn học mang bản sắc dân tộc và hiện đại được thể hiện rõ nhất trong những truyên ngắn, tiểu thuyết của Cao Duy Sơn và trong tản văn của Y Phương. Cả Cao Duy Sơn và Y Phương đều biết chọn lọc trong văn học dân gian những tinh chất cần có để tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật riêng của văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Họ biết Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt. Nên tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng sắc thái Tày vẫn thể hiện rõ. Trước hết là ở ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu: “Người nhiều tiền mua đất để chơi. Họ chơi nhà lầu. Họ chơi xe hơi. Họ chơi quan chức. Chơi bồ bịch. Chơi chán, đến tuổi nghỉ hưu, bây giờ họ chơi gôn “(Thư gửi bạn chăn trâu-Y Phương) và :”Chị nhìn tôi thật dịu dàng. Một cái nhìn không bao giờ quên. Tôi thấy mình hiện trong đôi mắt đó. Đôi mắt ngời sáng hạnh phúc “(Chòm ba nhà- Cao Duy Sơn). Điều đó rất gần gũi với cách nói của người Tày, thể hiện một khẩu khí, một thái độ rõ ràng, dứt khoát của họ. Cao Duy Sơn biết điểm vào những trang viết những chi tiết, những câu chữ, những từ tiêu biểu gần gũi gắn bó với người Tày mà tiếng Việt không biểu hiện được: “Bậy, ăn với nói… làm như tao là “báo đông” không bằng” (Người lang thang), “Thử cân xem, không đủ ba kí lù (ki lô) cho mày ngay” (Súc Hỷ), “Sinh ơi, bây giờ có ai nghe thấy mình “pí noong” với nhau thế này chắc là buồn cười lắm “(Chợ tình), “Nghe hắn hô, mười cái đầu nhất loạt ngoẹo sang một bên như mười cái đầu mộc tàu hý ( rối đầu gỗ) ” (Chòm ba nhà).
So với các nhà văn khác, Y Phương là người sử dụng tiếng Tày nhiều và nhuần nhụy nhất trong tác phẩm: “Lão làm một nhát Pí! Rẳm roi! Câu này tôi chịu không thể dịch ra tiếng Kinh được. Nghĩa là xấu lắm, bẩn tưởi lắm. Tạm hiểu nó như thế “và” Miếng này bá Hanh cho… ái dà dà…. Miếng kia chú Dô biếu a nó… ăn vào bụng thì tó tò to a ríu! A rối! hấy dà… (Lão Mòn đi đâu rồi). Y Phương còn dùng những từ ngữ sóng đôi, nửa Tày, nửa Kinh làm cho ý nghĩa của Tiếng Việt được mở rộng hơn, khái quát hơn, không còn giữ ý nghĩa ban đầu của nó, mà đã pha thêm nghĩa của tiếng Tày, tâm hồn Tày trong đó, nên nó cũng dân tộc hơn : “Cơ bắp không còn nhọc nhạch rắn chắc như cột đá thề nữa rồi “(Thư gửi bạn chăn trâu), “Bóng ma nhọp nhẹp lởn vởn” (Nhào nhào ma xay thóc, “thấy cái sự eo đẳn lẳng lơ lộ liễu đến nhường này” (Áo tân thời bước vào cửa vóng), “Tiếng chóp chép nhoong nheng râm ran trong lòng mẹ” (Chắp tay con lạy mẹ)… Do dùng tiến Tày như vậy, tản văn Y Phương không chỉ mang theo những con người, những sự kiện, những hiện tượng thân quen gần gũi mà còn mang cả hình dạng, âm thanh màu sắc của sự vật, hiện tượng : ”người bạn khác giới mó mé tìm đến làm quen” (Bản nhạc mùa thu), “tôi thấy trên bàn thờ nhà mình phjọt phjẹt nở những bông hoa tám cánh” (Dọa ma), “Tôi lại thấy “dâu tây” noong néng trèo lên thang tre” (Áo tân thời bước vào cửa vóng)… . Những từ, ngữ tiếng Tày mà Y Phương dùng trong tản văn đều mang những hàm ý, ẩn ý riêng của dân tộc, nó làm sống dậy cả một lối sống, một thái độ, một cách ứng xử, một tầng sâu văn hóa của dân tộc ấy.
Tô Hoài là nhà văn sớm nhận ra sự khác biệt giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số cùng viết về đề tài dân tộc và miền núi : “Bấy giờ tôi viết cuốn “Miền Tây”, trong ngôn ngữ cụ thể từng câu, anh em ở trên đấy đọc nói rằng tôi không bắt chước tiếng nói, lối nói của người H’Mông, nhưng lại có vẻ H’Mông” (Tô Hoài – Về tác giả và tác phẩm – Nxb Giáo dục – Hà Nội, tr 2009). Chỉ có vẻ H’Mông chứ không phải thật H’Mông, thật ngôn ngữ, tư duy của dân tộc H’Mông. Nên nếu ngôn ngữ của Tô Hoài có bản sắc dân tộc (thiểu số) thì nó chỉ có vẻ bản sắc dân tộc, chứ không phải là bản sắc dân tộc đích thực. Từ “có vẻ” của Tô Hoài dùng ở đây rất đắt. Dường như các tác phẩm người Kinh viết về dân tộc và miền núi đều có vẻ bản sắc dân tộc như vậy.
Sự khác biệt này chính là xuất phát từ chiều sâu văn hóa, tư duy và ngôn ngữ dân tộc và đó cũng là yếu tố chính tạo nên bản sắc dân tộc trong văn học các dân tộc thiểu số.
Tháng 10 – 2012
Nguồn: Vanvn.net