Bài viết sau đây là bản ghi lại câu chuyện về Tác phẩm văn học giữa Trần Thanh Đạm và Phạm Quang Trung. Trần Thanh Đạm nói và Phạm Quang Trung ghi. Cả hai người cùng xem lại. Phạm Quang Trung viết bổ sung phần mở đầu (Điểm 1).

1. Văn học và tác phẩm văn học

Từ khi loài người xuất hiện cho đến nay, dường như không một loại sản phẩm tinh thần nào lại được xã hội quan tâm rộng rãi như văn học. Có người từ bản chất nhân văn phổ biến của văn học để tìm lời giải. Có người lại đi từ bản chất ngôn từ sâu rộng của văn học để tìm câu trả lời. Ưu thế của văn học so với các họat động tinh thần khác của con người là ở đó. Mà sự phức tạp của văn học so với các hoạt động tinh thần ấy cũng từ đấy nảy sinh. Cần nhấn mạnh tới mặt sau của vấn đề. Ai cũng quan tâm, nên ai cũng có thể bàn luận về văn học, thậm chí ai cũng có thể đưa ra quan niệm văn học của riêng mình. Mọi rầy rà khởi nguồn từ đây. Cùng với sự phát triển của tri thức, sự rầy rà xem ra ngày một tăng. Để rồi, cho tới giờ, từ hữu hạn, quan niệm về văn học vốn mang tính ý thức rất cao đang có nguy cơ bị đẩy dần tới vô hạn. Nghĩa là vô cùng. Nghĩa là càng ngày càng rời xa, hơn thế, đi tới xóa nhòa mọi tiêu chí. Để rồi đến giờ thì hầu như không một ai còn đủ can đảm liệt kê những quan niệm văn học đã từng được công bố mà lại không e sợ rơi vào thiếu hụt. Dầu chỉ là những quan niệm cơ bản nhất. Dẫu chỉ là những ý kiến do những tên tuổi có thẩm quyền nhất cho mọi thời đại đã từng phát ngôn.

Từ đó đã thật sự xuất hiện những “hiểm họa” mới. Trước đây, văn hào Lỗ Tấn bảo rằng, trên đời vốn không có đường, người đi mãi thành đường. Giờ trên lãnh địa văn học xem ra lại khác: người đi lại nhiều quá, đến mức chẳng còn đường nữa. Bởi thế đã xuất hiện sự hoài nghi nhận thức mới khi nhân loại bước vào thời kỳ mà các học giả phương Tây gọi là hậu hiện đại. Nhiều người đã đặt trong ngoặc đơn các loại tri thức mà họ gọi là truyện và tự sự, nhất là các siêu truyện và siêu tự sự. Bất tín nhận thức đã trở thành cảm quan chung chi phối, quán xuyến chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong tình hình đó, không lấy làm ngạc nhiên nếu như vài thập kỷ trở lại đây xuất hiện ngày một lan rộng xu hướng phủ nhận mọi ý định đưa ra định nghĩa về văn học. Nhiều người, như các học giả Hoa Kỳ, tiêu biểu là Morris Weitz, William Kennick, Morgart MacDonald … đều nhất loạt lên tiếng chỉ trích những ai cố công đi tìm khái niệm văn học. Đơn giản vì với họ là không thể. Họ tỏ ý rất tâm đắc với câu nói của Augustin: “Xét cho cùng thời gian là gì? Không ai hỏi, tôi còn cảm thấy rõ ràng, nhưng nếu có người bảo thử giải thích, thì tôi liền cảm thấy mông lung, mơ hồ”. Sự hoài nghi lý luận của họ dựa hẳn vào triết học phân tích ngôn ngữ của nhà nghiên cứu người Anh L. Wittgenstein (1889 – 1851). Ông đã đưa ra lý thuyết nổi tiếng cho rằng, mọi diễn ngôn (discourse), về bản chất, đều chỉ là những trò chơi ngôn ngữ. Như mọi trò chơi khác, theo ông, diễn ngôn nào cũng tùy thuộc vào cách chơi. Mà cách chơi lại do luật chơi được quy ước trong từng trường hợp cụ thể chi phối. Không có luật chơi chung cho mọi trò chơi, cho mọi diễn ngôn. Rõ ràng, ông hướng trọng tâm chú ý vào hiệu quả thực tế, hiệu quả cụ thể của từng diễn ngôn. Đã thế thì mọi hình thái phát ngôn trừu tượng sẽ không còn cơ sở tồn tại. Mọi khái niệm, do vậy, cũng mất hết ý nghĩa. Khái niệm văn học cũng không phải là ngoại lệ.

Cho dầu như vậy, nhân loại từ ngàn năm nay, và có lẽ ngàn năm sau nữa, vẫn không thôi khắc khoải trước một câu hỏi: rốt cục văn học là gì? Trên Báo Văn nghệ số 31/2006, một nhà văn phải nói là khá thành đạt, hai lần trong một bài báo ngắn, thảng thốt một cách thành thật bởi chính câu hỏi ấy, để rồi phải tự thú nhận là “không thể tự trả lời”. Cũng nên xem đó là cách trả lời của một nhà văn. Riêng những người chuyên nghiên cứu văn học thì không thể không tự trả lời. Bằng một hệ thống chứng lý rõ ràng. Bởi lẽ, làm sao có thể tìm hiểu, phân tích, đánh giá văn học mà lại không có một quan niệm cho thật rành rọt và xác định về đối tượng hành động của mình? Sẽ hoàn toàn lạc lối, mất phương hướng – ai cũng đều biết như vậy! Chỉ còn mỗi một việc là phải bằng mọi cách xác lập quan niệm văn học cho bản thân. Trước quá nhiều quan niệm văn học hiện tồn, tính chủ động của nhà nghiên cứu phải rất cao. Vì ai cũng muốn có một quan niệm đáng tin cậy nhất, theo nghĩa là đúng đắn và phù hợp hơn cả với bản chất đích thực của văn học chân chính xưa nay. Buộc phải có cách ứng xử khoa học và hữu hiệu đối với những quan niệm văn học đã có. Bởi xem ra quan niệm nào cũng có những cơ sở tồn tại riêng, có sức cuốn hút riêng đến mức gần như không thể không cần trau dồi và vận dụng. Kinh nghiệm cho hay, không nên quá đề cao đến mức độc tôn một quan niệm, một phương pháp nào cả. Cần soi tỏ văn học từ nhiều góc nhìn, bằng nhiều cách xem xét. Chúng bổ sung cho nhau, giúp ta dần dà có một hình dung tương đối đầy đủ về văn học vốn là một đối tượng sống động, xa lạ với mọi sự áp đặt và mọi định kiến khác nhau trên đời.

Riêng những người chuyên làm lý luận thì lại có một chức phận khác, cần xem việc trả lời câu hỏi bản chất của văn học là một đòi hỏi mang tính bắt buộc. Phải tạo lập một hệ thống quan niệm văn học cho riêng mình. Không nhất thiết phải hoàn toàn khác lạ – thật khó có sự khác lạ như vậy, nhưng phải riêng – riêng trong trong hệ thống, riêng ở cách tiếp cận, để đi tới cái riêng trong niềm tin khoa học. Trên cơ sở cái riêng của cá nhân, nhà lý luận có điều kiện tiếp nhận, thâu thái cái đa dạng, khác biệt và độc đáo của người khác. Có lẽ đây chính là lẽ tồn tại của nhà lý luận với tư cách là một nhân cách khoa học. Chưa tạo ra được cái riêng này chưa thể được gọi là nhà lý luận theo đúng nghĩa. Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một quan niệm văn học theo cách tiếp cận ngữ học. Đây là vấn đề rộng, lớn. Và khó, tất nhiên. Rất mong bạn đọc xem đó chỉ là một trong nhiều hướng xem xét. Để rồi có một sự hình dung đầy đủ nhất về văn học vốn là một hiện tượng tinh thần phức tạp vào bậc nhất của nhân loại.

Trước nay, quan niệm văn học thật đa dạng, nhưng nếu nhìn từ các yếu tố tạo nên đời sống văn học thì có thể quy vào hai hướng chính: ngoại quan, xét văn học từ cái nhìn từ bên ngoài tác phẩm văn học, và nội quan, xét văn học từ bên trong, từ bản thân văn học, tức là từ tác phẩm văn học. Hướng xem xét của chúng tôi xuất phát từ cái nhìn nội quan. Nhiều trào lưu, trường phái lý luận, phê bình văn học chủ chốt xuất hiện và ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỷ XX như Hình thức luận Nga, Phê bình Mới Anh – Mỹ, Ký hiệu học nghệ thuật, Cấu trúc luận… thuộc xu hướng này. Trong việc xác định bản thể văn học, rõ ràng, cách nhìn nội quan tỏ ra có ưu thế hơn hẳn. Tất nhiên, ở đây, mỗi trào lưu, mỗi trường phái có những sắc thái khác nhau mặc dầu cùng coi tác phẩm (đúng hơn là văn bản) văn học là chủ âm (xin mượn lại từ dùng của R. Jacobson), dù rằng không hoàn toàn loại bỏ cái nhìn ngoại quan.

Xưa nay, những người làm văn học luôn đứng trước câu hỏi lớn: tác phẩm văn học là gì? Người ta đã tìm câu trả lời, dầu là có ý thức hay không có ý thức, có lý luận hay không có lý luận. Ngay từ xa xưa, ở phương Đông, nhiều học giả và thi nhân nói là thi ngôn chí, văn tải đạo. Đó cũng là một cách trả lời. Còn ở phương Tây thì nói văn chương là cách thức biểu hiện của xã hội. Như vậy là có nhiều cách trả lời. Như Hoài Thanh nói thơ là sự đồng cảm quảng đại và mãnh liệt thì là một cách. Khi người ta càng có ý thức về văn chương thì càng nhiều câu trả lời. Đặc biệt khi lý luận hiện đại phát triển thì càng chú mục vào bản chất của tác phẩm. Như Cấu trúc luận tập trung vào khái niệm text, cho rằng cái đó mới là văn học, những cái khác ngoài nó ra là phi văn học, siêu văn học. Trong thế kỷ XX, nhất là nửa sau của thế kỷ, người ta càng bàn nhiều hơn về tác phẩm. Ở Việt Nam ta cũng vậy. Việc trở lại thi pháp trong vài thập kỷ trở lại đây là sự biểu hiện rõ rệt xu hướng trở về với tác phẩm.

Nhìn đại thể, có hai con đường chính trong việc tìm hiểu bản chất của tác phẩm văn học. Một là dựa vào những tác phẩm hiện đại, nghĩa là nghiêng về phương pháp đồng đại. Từ triết học, từ mỹ học, ta dễ thấy văn học là một hình thái nhận thức con người và xã hội. Nó khác với khoa học mà cùng tính chất với các hình thái nghệ thuật khác ở đặc tính nhận thức bằng hình tượng, qua hình tượng. Sự phân biệt giữa văn học với các hình thái nghệ thuật khác ở chỗ văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây chỉ được xem như là chất liệu. Hạn chế của cách đi này là chỉ tập trung vào văn học hiện đại, vào dạng thức cao nhất, hoàn thiện nhất, phức tạp nhất. Tiểu thuyết – thể tài chủ chốt của thời hiện đại được coi trọng là vì thế. Thơ trữ tình – một hình thái tiêu biểu và phổ biến của văn chương lại ít được chú ý.

Con đường thứ hai đi ngược về quá khứ, tìm hiểu những tác phẩm hình thành trong buổi sơ khai của lịch sử nhân loại, chủ yếu bằng phương pháp lịch đại. Chúng tôi theo hướng này, xuất phát từ chỗ, thật ra, văn học ra đời từ ngôn ngữ. Lúc ban đầu, khi con người sinh ra, khi xã hội hình thành thì chưa có văn học. Nhưng ngôn ngữ đã có. Nó như là công cụ giao tiếp giữa người và người, giúp cho xã hội thật sự là một xã hội người. Hiện nay có những cộng đồng người chưa có văn học theo quan niệm hiện đại, mà chỉ có ngôn ngữ và văn học truyền miệng. Không thể bảo là họ không có văn học. Đó là văn học dân gian tương tự như giai đoạn đầu tiên của nhiều dân tộc phát triển sau này. Như vậy, muốn đi tìm bản chất của văn học phải trở về với khởi nguyên. Descartes nói, đối với một sự vật, hiểu được cội nguồn sẽ giúp hiểu được bản chất của nó. Cho nên nhận thức của con người có xu hướng tìm về cội nguồn của sự vật là vì vậy. Tìm về cội nguồn, ta sẽ có điều kiện biết được cái lẽ sâu xa của sự vật. Anh nhìn mãi vào sự vật, đôi khi khó hiểu, thậm chí không hiểu. Anh phải truy nguyên gốc tích mới mong nắm được bản chất đích thực. Tư duy lịch sử tìm về cái gốc gác ở đây có ưu thế riêng.

Theo con đường thứ nhất, bằng con đường logic, nhìn thực trạng hiện tại để nghiên cứu. Con đường thứ hai lại đi từ hình thái đầu tiên có thể gọi là nguyên thuỷ của văn học để rút ra bản chất. Với cách tiếp cận đầu, ta dễ nhận ra sự hoàn chỉnh của tác phẩm trong trình độ phát triển cao nhất, phức tạp nhất của nó. Tuy nhiên như thế lại rất dễ bỏ qua dạng thức tồn tại giản đơn sơ khai. Cần thấy dạng thức này kéo dài trong nhiều thế kỷ trước khi nhân loại bước vào thời hiện đại. Theo con đường này, ta xem văn học là một loại hình ngôn từ, một loại hoạt động ngôn ngữ của con người. Nói cho cùng thì hai cách đi rồi cũng gặp nhau. Bởi, con người không thể nhận thức mà không có ngôn ngữ, và ngôn ngữ để làm gì nếu không để con người dùng để nhận thức. Cho nên mỗi điểm xuất phát đều có cái lẽ riêng. Ở đây, chúng tôi xem văn học sinh ra từ ngôn ngữ. Trong thời kỳ đầu, loài người chỉ có ngôn ngữ thôi. Ngôn ngữ cùng với lao động sinh ra con người. Ban đầu con người giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên. Trong giao tiếp, dần dần nhận ra ngôn ngữ có sức mạnh. Họ tin vào sức mạnh này. Từ đó sinh ra những câu thần chú. Hay như lời ru con của mẹ, lời dỗ dành người thương. Khi đó, con người mong mỏi dùng sức mạnh của ngôn ngữ để tác động vào nhau, chứ không đơn thuần chỉ để hiểu nhau. Tác động về tâm lý, tình cảm. Từ đó sinh ra lời chúc phúc và lời nguyền rủa. Trong yếu tố gốc hình thành nên các từ này đều có nghĩa là lời nói (benediction, malediction) – tốt hay xấu nhằm cầu mong điều tốt lành hoặc mong mỏi điều ác độc đối với một ai đó, tuỳ vào mối thiện cảm hay ác cảm của mình với họ. Ở ta có câu lời nói là một đọi máu là thế. Lời nói như hoa gấm, lời nói như gươm dao. Như vậy lời nói có tác động tinh thần mạnh mẽ như là một sức mạnh vật chất. Nhưng, nếu xét kỹ, lời nói chính là vật chất chứ không đơn thuần là tinh thần.

 

2. Tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ

Để trả lời câu hỏi Tác phẩm văn học là gì?, như đã nói, có hai con đường chính: đi xuôi và đi ngược. Theo con đường đầu thì văn học nói chung và tác phẩm văn học nói riêng là hình thái nhận thức của con người đối với thế giới. Trong đó họ phân thành hai hình thái: Khoa học và Nghệ thuật. Một đằng bằng tư duy khái niệm, còn một bên là tư duy hình tượng. Hiển nhiên là họ không đối lập hai cách nhận thức này. Nhưng cũng cần phân biệt, để thấy sự khác biệt tương đối giữa khoa học và nghệ thuật trong việc thoả mãn nhu cần nhận thức vô hạn của con người. Nghệ thuật gồm có nhiều hình thái. Văn học là nghệ thuật ngôn ngữ. Chỗ phân biệt là chất liệu. Từ đó họ đi sâu vào tác phẩm, đặc biệt đã phát hiện ra tác phẩm là một văn bản có cấu trúc riêng. Phân tích tác phẩm chỉ là nhằm nắm bắt các văn bản đó. Thậm chí coi nó là thế giới biệt lập, không cần biết đó là của ai, thời nào, ở đâu. Họ tách text ra khỏi context. Tuy nhiên, càng về sau, họ càng chú ý hơn tới văn cảnh, đặt văn bản vào văn cảnh. Mà văn cảnh này không chỉ là văn cảnh ngôn ngữ, văn cảnh văn học mà còn là văn cảnh xã hội, văn cảnh lịch sử, nghĩa là lại trở về với nguyên lý văn học phản ánh xã hội, là sản phẩm xã hội. Theo cách này, người ta cũng coi tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm chất liệu thể hiện, tạo ra công trình nghệ thuật như hội hoạ dùng màu sắc, đường nét, âm nhạc là âm thanh và nhịp điệu… Đây là con đường phổ biến hiện nay. Nó gặp khó khăn ở chỗ dường như gạt ra ngoài văn học dân gian, đưa vào lĩnh vực văn hoá dân gian. Tác phẩm văn học chỉ là những tác phẩm thành văn mà thôi. Lại là những tác phẩm thành văn của thời kỳ tương đối phát triển. Chủ yếu là những sáng tác văn học thời hiện đại, khi văn học đã trở thành nghệ thuật thực sự rồi, rõ ràng rồi và sáng tác khi ấy là viết, nhất là những tác phẩm trường thiên như tiểu thuyết. Các hệ thống lý thuyết văn học hiện nay chủ yếu là theo con đường này. Thơ hay kịch dường như bị xem nhẹ, hay ít được coi là trọng tâm.

Con đường đi ngược không xuất phát từ triết học – mỹ học mà từ ngữ học. Bằng con đường này, ta đi từ nhỏ tới lớn chứ không từ lớn đến nhỏ. Từ ngôn ngữ, từ ngôn từ. Văn học sinh ra từ ngôn ngữ, tác phẩm văn học sinh ra từ hoạt động ngôn từ. Không bắt đầu từ hình thái phát triển cao của tác phẩm, tức văn học hiện đại, mà ta bắt đầu từ dạng nguyên thuỷ, tức văn học dân gian. Như vậy, văn học bao gồm cả văn hoá ngôn từ và nghệ thuật ngôn từ, với mọi hình thái lịch sử từ văn học dân gian, văn học cổ điển và văn học hiện đại. Muốn tìm hình thái sơ khai, cần nghiên cứu thời điểm văn học thoát thai ra khỏi ngôn ngữ. Như sự sống từ hữu sinh thoát thai ra khỏi vô sinh. Hình thái đầu tiên chính là tục ngữ. Cái nửa ngôn ngữ, nửa văn học là thành ngữ. Nó đã là văn học nhưng còn gắn với ngôn ngữ. Đến tục ngữ thì đã tách khỏi ngôn ngữ mà hoá thành văn học. Từ tục ngữ dần phát triển lên những hình thức khác như dân ca, hò vè, truyện dân gian, thần thoại, cổ tích, sử thi…

Khi xuất hiện chữ viết thì thành văn học thành văn ra đời. Văn học thành văn gắn với chữ viết trải qua nhiều trình độ. Buổi đầu là thủ bản, chỉ viết bằng tay. Sau này cần nhân lên nhiều bản để truyền bá thì xuất hiện khắc bản, gồm mộc bản (khắc trên gỗ) và thạch bản (khắc trên đá). Cố nhiên khi đó đã xuất hiện giấy, mực. Văn chương lúc bấy giờ được viết ra. Ban đầu bằng tay. Rồi khắc trên gỗ và trên đá, khắc lên đất sét còn ướt sau đó để khô đi như chữ hình nêm trong văn hóa cổ đại Lưỡng Hà. Sau ở phương Tây thời Phục Hưng nảy sinh ra hoạt bản, tức là chữ rời, linh hoạt hơn nhiều. Gắn với máy in, do là chữ phiên âm. Khắc bản duy trì khá lâu ở phương Đông như ở Trung Quốc và Việt Nam vì chữ là chữ tổng hợp, đòi hỏi khắc ngược và đem in. Cao cấp thì in đá. Xưa sách Tàu quý in bằng thạch bản, tinh vi hơn, chữ sắc và rõ hơn, in nhiều lần với co chữ nhỏ. Sau in chữ rời, gọi là in tipô, ưu việt hơn. Đến hiện nay thì hoạt bản cũng đã lạc hậu. Bây giờ đã chuyển sang chế bản vi tính. Văn học ngày nay xuất hiện dưới hình thức sách điện tử. Đấy là chưa nói văn học lại trở về với truyền miệng, tất nhiên với một trình độ khác, cao hơn, gắn với công nghệ ghi âm. Ta phân biệt văn hoá chữ viết, văn hoá chữ in, văn hoá điện tử. Và chữ viết giờ kết hợp với hình, mà hình còn chuyển động nữa lại kèm theo âm thanh.

Hiện giờ nhiều người nói tới cuộc khủng hoảng toàn diện của văn hoá đọc gắn với viết trước văn hoá nghe – nhìn. Thật ra cũng có khủng hoảng này, nhưng là khủng hoảng trong sự trưởng thành. Nó không làm mất đi văn học với tư cách là văn hoá ngôn từ, nghệ thuật ngôn từ. Mà xét kỹ, chỉ làm tăng thêm công suất của thứ văn hoá và nghệ thuật vốn có. Xét tác phẩm văn học thì không chỉ dừng ở dạng thức hiện đại. Chú mục vào đấy có khi thấy văn học không có tương lai, bị kỹ thuật khác lấn át, tiêu diệt. Nhiều người không hay hoạt động văn học vốn xuất phát và gắn bó với một dạng hoạt động rất nhân văn, rất cơ bản của con người là hoạt động ngôn ngữ. Mà sự giao tiếp bằng ngôn ngữ là cơ bản, trải qua nhiều cách thức để giao tiếp. Từ chỗ giao tiếp trực tiếp, xuất hiện những hình thức gián tiếp, không cần có mặt với nhau, nghĩa là giao tiếp bằng văn học. Ngay trước khi xuất hiện chữ viết, văn học dân gian cũng đã là sự giao tiếp gián tiếp bằng tục ngữ, ca dao, truyện kể… Có thể nói đi nói lại, kể đi kể lại, không cần sự có mặt trực tiếp của người nói, người kể. Anh có đấy hay không thì người ta vẫn truyền lời của anh. Văn học xuất hiện như là nhu cầu giao tiếp. Từ hình thức sơ khai, nguyên thuỷ đến hình thức phát triển, càng ngày càng nâng cao, càng ngày càng mở rộng theo sự phát triển của văn minh của con người.

Cách đi này có cơ may hơn trong việc nhận ra bản chất thật sự của tác phẩm văn học. Cố nhiên con đường này không loại trừ con đường thứ nhất, thậm chí đi tới cùng, chúng gặp gỡ nhau. Một con đường đi xuôi về, một con đường đi ngược lên, rồi sẽ gặp nhau ở tác phẩm văn học. Một bên thấy tác phẩm văn học trước hết là nghệ thuật ngôn từ. Không thể không tìm hiểu ngôn từ, dầu chỉ là chất liệu của nghệ thuật. Một bên lại thấy tác phẩm văn học trước hết là ngôn từ nghệ thuật. Phải chú tâm tìm hiểu tính nghệ thuật của ngôn từ, phân biệt nó với các dạng thức ngôn từ khác. Hai con đường từ vĩ mô đi xuống và từ vi mô đi lên, thực chất là bổ sung cho nhau để nhìn nhận tác phẩm như một công trình nghệ thuật ngôn từ. Nhưng một đằng đi từ nghệ thuật ngôn từ đến ngôn từ nghệ thuật, còn một đằng thì lại đi từ ngôn từ nghệ thuật đến nghệ thuật ngôn từ. Đó là hai con đường cơ bản đi tìm bản chất của tác phẩm văn học. Chúng tôi đề nghị đi theo con đường thứ hai.

Đó là con đường như thế nào?

Con đường này tìm hiểu văn học không xuất phát từ tác phẩm văn học là nghệ thuật mà là ngôn từ. Văn học trước khi trở thành một loại hình nghệ thuật, đã là một loại hình ngôn từ. Khác nhau ở chỗ đó. Ta cần phân biệt khái niệm ngôn ngữ và ngôn từ, theo Ferdinand de Saussure. Ngôn ngữ (langue) là chung của xã hội, tồn tại ở dạng tiềm năng. Còn ngôn từ (parole) tức sự vận dụng ngôn ngữ của con người trong giao tiếp. Đó là ngôn ngữ đang hoạt động, đang thực hiện chức năng giao tiếp. Sự phân biệt này rất quan trọng và quý giá. Đây là đóng góp lớn nhất của nhà ngữ học Thuỵ Sĩ này. Cái chỗ ông chưa có điều kiện đi đến cùng là khi phân biệt sự khác nhau của hai khái niệm, ông chưa nhấn mạnh thêm mối tương quan giữa chúng. Ngôn ngữ khác ngôn từ nhưng ngôn ngữ không thể tồn tại nếu không có ngôn từ, và ngôn từ cũng không thể tồn tại nếu không dựa vào ngôn ngữ. Nhưng rồi cũng phải phân biệt chúng với nhau. Mục đích của ông là nhằm nhận biết rành mạch đối tượng của ngữ học để biến nó trở thành một môn khoa học thật sự. Trước hết ngữ học cần nghiên cứu hệ thống phương tiện của một ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ ở đâu? Phải ở trong ngôn từ, trong hoạt động của nó. Có điều quả là có thứ ngôn ngữ chung cho hết thảy mọi người trong một cộng đồng. Mỗi ngôn ngữ có hệ thống ngữ âm, từ ngữ, từ pháp, cú pháp, tu từ riêng, tồn tại một cách khách quan. Còn ngôn từ là sự vận dụng, mang tính chủ quan. Ngôn ngữ có tính xã hội, trừu tượng, tiềm năng, trong khi ngôn từ lại có tính chất cá nhân, cụ thể, hiện thực. Ngôn từ chính là sự vận động của ngôn ngữ, sự thực hiện giao tiếp bằng ngôn ngữ. Có hai dạng chính của ngôn từ là độc thoại (một người nói) và đối thoại (hai hoặc trên hai người đối đáp với nhau). Chính ngôn ngữ hiện ra ở trong ngôn từ, ngôn từ là hiện thực của ngôn ngữ. Đồng thời ngôn ngữ tự thực hiện mình qua ngôn từ. Bản chất của ngôn từ là ở chỗ đó. Có thể nói, ngôn ngữ là đối tượng của ngữ học (khoa học về ngôn ngữ), còn ngôn từ là đối tượng của văn học (khoa học về văn chương).

Như thế ngôn ngữ sinh ra là để cho con người giao tiếp. Nếu không giao tiếp thì ngôn ngữ không để làm gì. Mà trong giao tiếp thì ngôn ngữ biến thành ngôn từ, tức là biến thành lời, lời của anh, lời của tôi, lời của người này, lời của người kia. Để mà giao tiếp với nhau. Hai người im lặng cũng có thể có giao tiếp, như bằng ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, chứ không chỉ có giao tiếp bằng ngôn ngữ. Muốn giao tiếp bằng ngôn ngữ thì ngôn ngữ phải biến thành ngôn từ, biến thành lời qua tiếng lại, nói đi nói lại. Như thế là phải có lời. Ban đầu lời chỉ nhằm mục đích hiểu nhau. Nhưng ngôn ngữ không chỉ để hiểu nhau. Hoặc giả sự hiểu nhau ở đây phải hiểu rất rộng. Không chỉ là thông tin. Dần dần ngôn ngữ còn có công hiệu tâm lý của nó nữa. Điều này được nhân loại phát hiện ra từ rất sớm. Trong khi giao tiếp, sức mạnh của ngôn ngữ hiện ra thành ngôn từ vô cùng phong phú. Nói ngắn gọn, thì ngôn từ vừa có lý vừa có tình. Vừa có nội dung lý tính, vừa có sắc thái biểu cảm, vì vậy từ ngôn ngữ mới sinh ra văn học. Hình thái đầu tiên của tác phẩm văn học với tư cách là một đơn vị ngôn từ rất đơn giản. Muốn hiệu quả phải tìm cách làm cho ngôn từ có văn hoá, nhất là có nghệ thuật. Đầu tiên con người hoàn toàn không có ý thức làm nghệ thuật. Nói có vần có điệu, nói có hình ảnh, có nhạc điệu, cốt là để cho lời nói có sức mạnh, mà không biết là mình đã “nói như thơ”, khởi đầu cho việc sáng tạo văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ. Điều này có thể tìm ngay trong dân gian. Khi ta nói Đen như cột nhà cháy, thành ngữ đó đã vận dụng biện pháp so sánh. Hay nói Trắng như trứng gà bóc. Bắt đầu bằng những hình ảnh sống động theo các biện pháp tu từ. Điều này được các học giả phát hiện ra từ rất sớm. Đó là những mầm mống đầu tiên của tác phẩm văn học như là đơn vị ngôn từ, tách ra khỏi chuỗi lời nói, tồn tại tương đối độc lập. Cách nói vần điệu, giàu hình ảnh trong tục ngữ còn lưu lại dấu vết ở những hình thái cao hơn, phức tạp hơn của văn học dân gian, như truyện cổ tích. Dấu tích của ngôn ngữ biến thành ngôn từ có tính nghệ thuật khá phổ biến trong truyện cổ dân gian, không chỉ thành cốt truyện mà ngay cả lời kể cũng nhịp nhàng, có vần điệu. Xưa hơn nữa là sử thi (như Iliad và Odyssée) đã sớm được ghi lại thành văn.

Vậy là ngôn từ có nhiều điểm khác với ngôn ngữ. Ngôn từ thì có ngôn từ nói, ngôn từ hát, ngôn từ viết. Có ngôn từ thông thường tự nhiên và ngôn từ có dụng công, dụng ý tức là ngôn từ văn hoá, ngôn từ nghệ thuật. Ở đây con người nói có tính toán, suy nghĩ. Lựa lời mà nói; Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Nghĩa là lời được gia công. Như thế, tác phẩm văn học ra đời trong sự giao tiếp ngôn ngữ giữa con người với con người, trong việc con người tạo ra các loại hình ngôn từ để giao tiếp cho hiệu quả, có chiều rộng, có chiều sâu. Hoàn toàn không bằng lòng với sự giao tiếp thông thường. Từ đó, xuất hiện ra những lời như thần chú, chúc phúc, thề thốt, nguyền rủa… Hay trẻ con chơi bằng bài hát đồng dao. Bản thân lời thì không có nghĩa gì, nhưng nó tạo ra vần, nhịp. Thả đỉa ba ba, hay Nu na nu nống… Nước nào và dân tộc nào cũng có những dạng thức như vậy. Văn học dân gian xuất hiện từ đó. Ghét ai thì muốn nói lời cay độc, thương ai thì nói lời cho tốt lành. Muốn vậy, phải nghĩ cách. Và những hình thái đầu tiên của văn học được tạo ra.

Tục ngữ là hình thái nguyên sơ của tác phẩm văn học. Ở đây ta đã thấy những đặc trưng tiêu biểu nhất của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Như trong tục ngữ đã có tính hình tượng – Nước chảy đá mòn – Người sống đống vàng – Gần mực thì đen gần đèn thì rạng… Tất cả các câu tục ngữ đều có nhịp điệu. Nghệ thuật ngôn từ bắt đầu bằng việc sử dụng ngôn ngữ một cách có dụng công trên hai phương diện chính của lời nói là ngữ nghĩa và ngữ âm. Làm thế nào cho ngữ nghĩa mạnh lên, và ngữ âm đẹp thêm. Nói khác đi là cần cường điệu hoá về mặt ý nghĩa, và cách điệu hoá về mặt âm thanh. Có thể thấy được những đặc tính này ngay trong dạng sơ khai của nghệ thuật ngôn từ. Từ thành ngữ đã có rồi, nhưng mới chỉ là bán tác phẩm, chưa thật hoàn chỉnh. Tục ngữ thì đã hoàn chỉnh. Tục ngữ là câu nói, đến ca dao là câu hát. Rồi đến các truyện kể… Hoàn chỉnh rồi, cố định rồi, tác phẩm rời khỏi ngôn từ, sống cuộc sống độc lập, thành lời nói có cánh, bay đi…

Nếu như thế mãi, thì văn học chỉ là một hình thái của văn hoá dân gian. Dù vậy cũng đã thật nhiều giá trị. Hồ Chí Minh nói là văn học dân gian có nhiều viên ngọc quý. M. Gorki thì bảo nhân dân là nhà thơ đầu tiên, nhà triết học đầu tiên, nhà thơ và nhà triết học lớn nhất. Dùng ngôn từ trong tục ngữ như siết ngón tay thành nắm đấm. Nghệ thuật phải có lao động trên một chất liệu nào đó, tạo ra kỹ thuật. Nhưng nhân loại còn tạo ra một sáng chế một phát minh lớn nữa là chữ viết, tượng hình và phiên âm. Ngôn từ nhờ chữ viết mới thành văn từ. Nó không chỉ để nói mà còn để viết, không chỉ để nghe mà còn để đọc, thậm chí để vẽ và nhìn ngắm. Chữ viết xuất hiện là một phát minh vĩ đại của nhân loại tựa như phát minh ra lửa. Trong đời sống văn hoá thì phát minh ra chữ viết để ghi lại lời nói. Cùng với chữ viết thì mới xuất hiện văn học theo đúng nghĩa của nó. Về sau, khi nói tới văn học là người ta gắn với sách báo, nghĩa là gắn với chữ viết. Thật ra gốc của văn học ban đầu không phải là viết và đọc mà là nói và nghe. Trước khi xuất hiện văn từ đã có ngôn từ, trước khi xuất hiện văn bản đã có ngôn bản. Cho nên chữ text nếu dịch là văn bản thì chưa hết nghĩa. Nên dịch là ngôn bản. Vì text không chỉ được viết ra mà còn có thể được ghi lại. Thật ra text là để viết ra đấy, nhưng theo nghĩa rộng thì nó là đơn vị ngôn từ được ổn định. Ngôn từ là một chuỗi lời nói liên tiếp nhau, nhưng nếu cắt ra một đơn vị ngôn từ nào đấy thành một ngữ đoạn ổn định nhằm lưu giữ, truyền bá. Một đơn vị ngôn từ như thế có khả năng thành một tác phẩm như một câu tục ngữ, một câu ca dao, một danh ngôn, triết ngôn, một truyện cười…

Như vậy là ta đã nói tới sự phát triển của tác phẩm từ ngôn từ đến văn từ, từ lời nói đến lời văn, từ văn học dân gian sang văn học cổ điển, từ văn học truyền miệng sang văn học thành văn. Khi xuất hiện văn học viết thì văn học dân gian vẫn song song tồn tại, không nhất thiết là thay thế văn học truyền miệng. Tất nhiên hai bộ phận này giao thoa, ảnh hưởng qua lại. Cần lưu ý, văn học viết buổi đầu có bộ phận ghi lại những tác phẩm có giá trị của văn học truyền miệng. Và chữ viết lúc đầu là dùng để ghi ngôn từ nói chung chứ không nhất thiết là ngôn từ nghệ thuật. Thậm chí là những ngôn từ có tính thực dụng, như văn học tôn giáo, văn học triết học, văn học chính trị, văn học lịch sử… Chữ viết như là công cụ văn hoá nói chung chứ chưa hoàn toàn là công cụ của nghệ thuật. Những người sử dụng chữ viết buổi đầu chủ yếu là những nhà văn hoá chứ không hẳn là những người nghệ sỹ. Chữ văn ban đầu là hàm nghĩa rộng, chưa phải là văn theo nghĩa hẹp về sau hoặc theo nghĩa hiện nay. Trong lúc chữ viết và văn học viết xuất hiện thì văn học dân gian vẫn tồn tại, văn học viết không thay thế văn học truyền miệng. Nhưng dẫu sao thì cùng với sự xuất hiện của chữ viết thì một hình thái văn học mới cũng xuất hiện. Trước đây văn học truyền miệng là duy nhất, là độc nhất. Khi xuất hiện chữ viết thì bên cạnh văn học truyền miệng là văn học viết, văn học thành văn. Có bộ phận ghi lại văn học truyền miệng. Những tác phẩm đầu tiên của văn học viết thuộc nhiều dân tộc là ghi lại văn học dân gian như Kinh Thi ở Trung Quốc, Thần thoại ở Hy Lạp, hay Triết ngôn của Ai Cập… Những câu cách ngôn, triết ngôn ở thời cổ Ai Cập chưa được chú ý đúng mức. Tất nhiên đây là văn học bác học nhưng chúng phỏng theo dân gian. Đây là dạng đặc biệt gọi là văn học triết ngôn (littérature sapientielle). Thật ra trong văn học cổ Trung Quốc cũng có nhiều dấu vết của dạng này như trong Luận ngữ cũng có nhiều câu mang dáng dấp của tục ngữ như câu cách ngôn Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, Cẩn tắc vô ưu… Và một tác phẩm giàu tính cách ngôn này là Đạo đức kinh của Lão Tử. Ở Việt Nam cũng thế. Như trong Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái ghi lại thần thoại. Còn ca dao thì được ghi lại muộn hơn. Có lẽ đầu tiên là Hồng Đức quốc âm thi tập.

Sự xuất hiện chữ viết tạo điều kiện cho văn học truyền miệng trở thành văn học thành văn, làm cho ngôn từ có cơ sở thành văn từ. Chữ văn thường liên quan đến chữ viết. Vậy nên có nhà nghiên cứu cho rằng gọi là văn học dân gian thật ra ẩn chứa nghịch lý ở bên trong. Vì theo họ, đã là văn học thì không thể truyền miệng, mà đã truyền miệng thì không thể là văn học, nên gọi văn học truyền miệng là không ổn. Nói thơ ca dân gian, tục ngữ dân gian… thì được. Còn gọi là văn học truyền miệng thì khó chấp nhận vì mâu thuẫn. Nhưng nếu coi văn học là nghệ thuật ngôn từ cả truyền miệng lẫn thành văn thì lại có thể chấp nhận được. Quan niệm này có thể dung nạp rộng rãi các hình thái lịch sử khác nhau của văn học là vì thế. Tuy nhiên, nghiêm ngặt mà nói, thì gọi văn học dân gian là theo một nghĩa nhất định nào đó mà thôi.

Văn học truyền miệng cũng như văn học thành văn được hiểu theo hai nghĩa: trước tiên là văn hoá ngôn từ hay ngôn từ văn hoá và sau đó là nghệ thuật ngôn từ hay ngôn từ nghệ thuật. Điều này đặc biệt rõ rệt trong văn học viết buổi đầu. Chữ viết khi đó được sử dụng như là công cụ của văn hoá nói chung, chưa phải là công cụ của nghệ thuật. Tức là sử dụng chữ viết để ghi lại, để viết ra, để truyền bá mọi giá trị tinh thần, đủ mọi lĩnh vực, đủ các môn loại. Đến một lúc nào đó người ta mới có ý thức dùng chữ viết để làm nghệ thuật, làm thơ làm văn. Hoặc giả, nhìn thấy trong ngôn từ văn hoá khía cạnh nghệ thuật của nó. Ở Trung Quốc đến thời Nam Bắc triều, trong Văn tuyển của Tiêu Thống hay Thi phẩm của Chung Vinh mới có ý thức phân biệt có thứ văn chung, nghĩa là văn văn hoá, và có thứ văn đặc thù là thơ từ. Thứ sau chú trong tới mỹ văn, còn thứ kia chỉ như là phương tiện để chuyên chở đạo lý. Văn tự thân là văn chương thì sau này mới nảy nở. Ở Việt Nam ta cũng tương tự… Thời ấy cũng có sự phân biệt nhưng chưa thật có ý thức. Ngày nay ta có thể tách ra được, nhưng thời trước thì không có ý thức tách ra. Gọi là thời văn – sử bất phân, văn – triết bất phân. Đến khi văn học Nôm xuất hiện thì hình như khi viết văn văn hoá, các nhà Nho chủ yếu sử dụng chữ Hán, còn khi viết văn nghệ thuật họ lại ưa dùng chữ Nôm. Văn hành thế thì như Nguyễn Trãi trong Quân trung từ mệnh tập là dùng chữ Hán, làm văn cho mình như thơ thì dùng quốc âm. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã xuất hiện như thế. Rõ ràng tác phẩm văn học lúc đầu là đơn vị ngôn từ văn hoá. Sau đó nó dần dà tách ra khỏi ngôn từ văn hoá thành ra ngôn từ nghệ thuật. Từ bấy giờ người ta mới thấy ngôn từ nghệ thuật có những đặc trưng riêng so với ngôn từ văn hoá. Người ta mới nói nhiều hơn tới mỹ từ, mỹ văn khi bàn về ngôn từ nghệ thuật. Văn không chỉ là phương tiện để chuyển tải tư tưởng, nội dung nữa.

Như vậy, dưới góc nhìn ngôn từ, ta đã đi từ văn học dân gian đến văn học cổ điển (ở ta là văn học Hán Nôm). Nhiều dân tộc khác trên thế giới đều vậy cả, lúc đầu sử dụng ngôn ngữ và chữ viết chung cho cả khu vực, không nhất thiết là ngôn ngữ dân tộc. Như chữ Latinh, cổ Arập, Sanskrit, Slavơ… Ở Đông Á là chữ Hán. Sau mới tìm tới hình thái dân tộc hoàn toàn, nhất là thời gọi là ngôn văn nhất trí, nói như viết và viết như nói. Ở Trung Quốc gọi là bạch thoại. Ở ta gọi là văn chương trơn tuột như lời nói. Khi đó mới xuất hiện văn xuôi. Ở phương Đông văn xuôi xuất hiện muộn. Ngay ở Trung Quốc cũng vậy. Trước cũng có văn xuôi, nhưng là văn ngôn. Bạch thoại về sau mới có. Ở ta, trước viết văn chủ yếu bằng chữ Hán, chỉ làm thơ mới bằng chữ Nôm. Khi có quốc ngữ mới có văn xuôi bằng quốc âm, thời ấy gọi là quốc văn. Buổi đầu quốc văn ở ta cũng có tính nguyên hợp, không chỉ có văn nghệ thuật. Trương Vĩnh Ký mới viết tác phẩm gọi là Linh tinh (Miscéllanées. Có lẽ hai chữ “tạp chí” cũng do đó mà ra?). Ngôn từ văn hoá tức văn học theo nghĩa rộng đến ngôn từ nghệ thuật tức văn học theo nghĩa hẹp trải qua quá trình phân hoá dần dần, từ nguyên hợp mà dần phân tách ra.

Đi con đường này ta dễ hình dung ra sự hình thành của tác phẩm văn học đồng thời là của văn học: từ dân gian đến cổ điển, rồi hiện đại. Nếu ta viết cuốn lịch sử văn học đích thực, thì đối tượng của nó mà lịch sử cần tiếp cận chính là văn học theo quan niệm này. Tức là phải đi từ văn học dân gian, tức những tác phẩm có tính văn hoá và có tính nghệ thuật, sau đó đi vào văn học cổ điển mà ban đầu cũng là những tác phẩm có tính văn hoá, có giá trị văn hoá nhiều hơn. Ví như: thơ Thiền. Hay thơ văn của Trần Thái Tông như Khoá hư lục. Ở đây gọi là văn học theo nghĩa nghệ thuật là không thật sát hợp. Chúng có tính văn hoá rộng rãi. Đấy là chưa nói tới Hịch tướng sỹ hay Binh thư yếu lược… Dần dà theo thời gian mới tách chúng ra. Thật ra là do cách nhìn của người đời sau. Chứ còn người đương thời thì họ không có ý tách ra, quan niệm như vậy, mà khi viết cũng vậy. Do nhu cầu tự nhiên, người ta dùng ngôn từ để ngôn chí, để tải đạo, để truyền ngôn. Thực ra người xưa không phân biệt khi nào là văn hoá, khi nào là nghệ thuật. Ngày nay bằng tư duy phân tích, tư duy lý luận nên con người hiện đại có nhu cầu phân biệt ra. Vì nếu không phân biệt thì khái niệm văn học quá rộng. Thật ra thời kỳ đầu hiện đại, báo chí cũng được đưa vào văn học. Nhiều nhà văn viết báo, và rất nhiều nhà báo trở thành nhà văn. Tác phẩm văn học xuất hiện nhiều trên báo chí. Thậm chí không thể hình dung ra được diện mạo của văn học cận – hiện đại nếu thiếu báo chí.

Con đường hình thành tác phẩm văn học trong lịch sử là như thế, đi từ những tác phẩm có tính văn hoá dần dần đến những tác phẩm có tính nghệ thuật, ngày nay có người gọi là văn học đích thực. Thực ra ngay trong thế kỷ XX, sự phân biệt giữa chúng cũng chỉ là tương đối. Như việc có nên xem văn Hồ Chí Minh như là văn học đích thực hay không cũng là cả một vấn đề không dễ giải quyết. Hay thơ văn Phan Bội Châu, phần nào là văn học đích thực phần nào không phải là văn học đích thực? Ai đây có thể chỉ ra cho rõ? Khó lắm. Nếu phân biệt cho rành rẽ, thì trong văn học hiện đại phải loại ra ngoài nhiều trường hợp đáng tiếc. Nên chia văn học ra làm 4 loại: thơ, văn, truyện, kịch. Chỉ có điều là người ta đưa thêm khái niệm tính văn học, nhằm nhấn mạnh thêm tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật ở những trường hợp đề cập đến. Tuy nhiên tính văn học là như thế nào? Cũng còn tồn tại nhiều quan niệm chưa phải đã hết tranh cãi. Như R. Jacobson cho rằng ngôn từ vì nó là văn học, còn vì cái ngoài nó là phi văn học. Thật không dễ đồng tình. Chính vì vậy đã xuất hiện trở lại khái niệm thi pháp, trong đó người ta muốn dùng chữ thi học thay cho chữ văn học. Cái gì là ngôn từ nghệ thuật thì đó là thơ, còn cái gì là ngôn từ văn hoá thì đưa vào văn. Cho nên tiểu thuyết, kịch cũng có thi pháp.

Tóm lại, văn học là một loại hình ngôn từ, mỗi tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, từ ngôn từ văn hoá đến ngôn từ nghệ thuật, từ ngôn từ văn hoá mà thành văn hoá ngôn từ, từ ngôn từ nghệ thuật mà thành ra nghệ thuật ngôn từ. Dù đã trở thành văn hoá hay nghệ thuật thì vẫn là ngôn từ, cùng anh em họ hàng, cùng dòng máu. Sự phân biệt giữa chúng nếu khó khăn thì cũng là lẽ tự nhiên. Vì chúng vốn là bà con máu mủ với nhau, nào có xa lạ gì. Nghệ thuật ngôn từ muốn đứng ngoài, đứng trên là không thể được. Ngôn từ nghệ thuật cũng chỉ là một thứ ngôn từ trên đời này. Văn học cứ đòi phân biệt với các loại hình văn hoá khác, nhất là lại cùng là ngôn từ như mình thì suy cho cùng là có chỗ bất ổn. Chính vì anh muốn nhấn mạnh tới những nét riêng của văn học đích thực mà vô tình tạo ra hàng rào, đóng khung trong lô cốt, ngăn cách với xã hội. Có lẽ đây chính là gốc gác tạo ra chủ nghĩa hiện đại với nhiều khuynh hướng khác nhau. Điểm chung giữa chúng là muốn viết lạ, nghĩa là khác với ngôn từ văn hoá thông thường. Sự phân biệt là cần, nhưng nên tránh tuyệt đối hoá. Cần phân hoá lại cũng cần hội nhập. Phải phân hoá để nhận ra cái bản sắc riêng, không giống với những hiện tượng khác, nhưng đồng thời lại phải hội nhập, cùng liên minh với các loại hình văn hoá khác để cùng tồn tại trong phát triển và thịnh vượng. Văn học phải tìm ra một cái kênh riêng mà các lĩnh vực khác không thể làm, hoặc không thể làm tốt như nó. Nhưng đồng thời văn học phải bắt tay với các lĩnh vực khác, nếu không sẽ không thể tồn tại được. Vấn đề hiện nay của văn học trong bối cảnh chung của văn hoá là cần sử dụng nhiều phương tiện hiện đại để gia tăng ưu thế của ngôn từ. Không ai có thể xoá bỏ được ngôn ngữ. Tựa như con người có thể di chuyển trên các phương tiện hiện đại như tàu thuỷ, máy bay, phi thuyền … Có điều muốn đến đích thì không thể rời bỏ được đôi chân. Mọi phương tiện hiện đại có mà thiếu đôi chân thì mọi thứ đó cũng không đáng mong ước làm gì. Tất cả những phương tiện kia chỉ là để tăng công xuất cho sự vận động sau khi đã có đôi chân lành mạnh. Cho nên con người hiện đại có rất nhiều phương tiện di chuyển, nhưng cũng không thể thay thế cho đi bộ. Chính đi bộ mới đi đến cái nơi cần đến. Ngôn từ, nhất là ngôn từ văn hoá và ngôn từ nghệ thuật tựa như đôi chân ấy, không gì có thể thay thế được. Có thể con người hiện đại cần sử dụng tất cả mọi phương tiện để vươn rộng vươn xa vào thế giới, nhưng muốn đi đến tận cùng thì không thể khước từ ngôn ngữ.

Nhưng văn học tồn tại qua văn bản muốn phát huy được ưu thế của mình thì phải viết những cái dành cho sự đọc. Đó là văn hoá viết và đọc. Tức là nghệ thuật theo chiều sâu. Nơi văn học đích thực cần đến chính là lòng người. Văn học suy cho cùng là một thứ tâm kinh. Con người cần nhất là minh tâm kiến tính. Làm sáng lòng mình là minh tâm, tự mình hiểu được bản tính của mình là kiến tính. Sáng lòng mình lên để hiểu chất người trong mình. Chức phận của văn học chân chính có lẽ nằm ở đó. Không thể phủ nhận vai trò của các loại hình văn hoá khác. Nhưng vì văn học sử dụng tới phương tiện cơ bản nhất, phổ biến nhất của con người là ngôn ngữ, nên nó cần tìm cho mình một mảnh đất riêng, cái khác không thể thay thế được. Không e ngại cái khác thay thế cho văn học. Vì dù thế nào con người cũng phải nói và nghe, đọc và viết. Ngày nay nhân loại đang đứng trước nguy cơ là khi kỹ thuật phát triển, công nghệ thông tin bùng nổ thì con người lại ít đọc, ít viết, vì vậy mà đọc kém, viết kém. Nhiều nhà giáo dục tâm huyết phàn nàn là trẻ em có thể sớm thuần thục trong sử dụng vi tính, nhưng viết và đọc lại kém. Không phải chỉ ở ta học sinh mới kém văn đâu. Ở Hoa Kỳ, 50 % học sinh sử dụng ngôn ngữ không đạt yêu cầu. Nghe – nhìn lấn lướt tất cả. Ở Nhật Bản, nơi rất phát triển công nghệ vi tính, nhưng có thời kỳ lại đòi hỏi học sinh ở bậc phổ thông phải học sử dụng bàn tính, nhằm để rèn luyện đầu óc. Chỉ bấm trên phím những chương trình đã được lập sẵn, tư duy sáng tạo sẽ trì trệ. Khi gẩy bàn tính tự học sinh phải đi vào cơ cấu. Cũng như việc sử dụng ngôn ngữ. Bản thân học sinh phải tự ghép chữ, tự phát âm. Phải luyện những kỹ năng sơ giản mà cơ bản này, rồi nâng cao hơn trong kỹ thuật và nghệ thuật viết văn.

Như vậy, bản chất của tác phẩm văn học là ở bản chất ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, từ ngôn từ thông thường mà trở thành ngôn từ văn hoa, ngôn từ nghệ thuật, từ ngôn từ rất đơn sơ như một câu tục ngữ đến một trường ca, hay tiểu thuyết trường thiên. Đó là tác phẩm nhất ngôn và tác phẩm đa ngôn. Giống như một cơ thể sống đơn bào và đa bào. Tục ngữ tựa như đơn bào. Đó là tác phẩm văn học chỉ có một lời. Còn những tác phẩm hiện đại có cấu tạo rất phức tạp, rất khác nhau. Chúng có nhiều bộ phận. Nhưng muốn hiểu cơ thể thì phải xuất phát từ tế bào. Cơ thể là do tế bào tạo ra. Sự sống xuất hiện khi có cấu trúc gọi là tế bào. Văn học xuất hiện khi có cấu trúc sơ giản nhất của ngôn từ, văn hoá và nghệ thuật. Đi tìm đơn vị ngôn từ này giống như các nhà sinh học đi tìm tế bào, các nhà vật lý học đi tìm các hạt cơ bản. Phải từ tế bào để tìm cấu trúc của sự sống nói chung. Phải từ các hạt cơ bản để tìm cấu trúc vật chất nói chung. Văn học cũng vậy, phải từ các đơn vị ngôn từ nhỏ bé nhất để đi tới cấu trúc chung của tác phẩm văn học.

Bí ẩn của tác phẩm văn học là nằm ở bản chất ngôn từ của nó. Sự sống, sức sống của tác phẩm là nằm trong hoạt động ngôn từ như là loại hoạt động nhân văn giữa người với người. Tác phẩm văn học chỉ là quyển sách hay tờ giấy, tại sao lại linh diệu như vậy? Tự nó không thể có sức sống. Nó chỉ là trung gian cho sự giao tiếp giữa người với người. Nếu không có con người tham gia vào đời sống văn học thì văn bản không thể nào có sự sống được. Gorki giơ trang sách lên soi xem trong đó có gì mà cuốn hút đến lạ lùng như vậy: “Tôi như người man rợ khi làm thế!” Đó chỉ là một cách nói. Điều khiến văn hào xúc động chính là sự giao tiếp được thực hiện qua sự đọc của những người có trình độ văn hoá, có trình độ văn chương. Trong trang sách, người viết có gửi gắm một điều gì đó qua ngôn từ, và độc giả tiếp nhận thông điệp đó. Một bên là khởi phát, một bên là tiếp nhận. Chính qua trình giao tiếp này của con người mà tác phẩm có sức sống. Nếu không thì tác phẩm chỉ là vật chết, bất động. Cuốn sách nằm trong thư viện là vật chết. Khi người đọc cầm lấy cuốn sách, đằm mình trong đó thì sự giao tiếp giữa tác giả và độc giả được thiết lập, làm cho cuốn sách trở thành vật sống. Cuốn sách ra đời từ tâm hồn và trí tuệ của nhà văn nhưng nó lại sống trong tâm hồn và trí tuệ của người đọc. Nếu cần làm một sự so sánh, thì có thể ví với giá trị của đồng tiền. Tờ bạc đơn thuần chỉ là tờ giấy. Nhưng vì sao tờ giấy bạc đó lại có sức mua của nó, thậm chí nó có sức mạnh kỳ diệu cuốn hút con người, hơn thế, giết chết con người. Tại sao vậy? Nếu chỉ nhìn vào tờ giấy bạc thì không thể giải thích nổi. Sở dĩ nó có sức mạnh là vì tờ bạc có ý nghĩa giao lưu giá trị. Trên thị trường, khi có giao lưu, nó là đại biểu của giá trị. Khi tờ bạc mất giá, hay bị huỷ thì giá trị của nó cũng mất theo. Tác phẩm văn học cũng thế, nếu không có sự giao lưu về văn hoá về tinh thần giữa người và người trong xã hội thì tác phẩm không còn ý nghĩa nữa.

Nhà văn khi sáng tác là gửi thông điệp cho bạn đọc. Đáng lẽ nói trực tiếp, nhưng nếu vậy thì rất hạn chế. Nên người viết phải dùng văn bản gián tiếp để gửi gắm điều mình muốn bày tỏ qua hình tượng, qua tác phẩm, cụ thể là qua trang giấy tới người đọc. Vấn đề là cần giãi bày thế nào cho hay, cho hấp dẫn, cho phù hợp với người đọc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự tiếp nhận. Ở đây sự cảm thông có ý nghĩa quyết định. Sự phản ứng của người đọc có nhiều tính chất và khuynh hướng. Có thể là chia sẻ, có thể là bất đồng, cũng có thể là sự phản đối… Nhưng rút cục phải có sự giao lưu.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version