Các nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa chính là những “thợ trời”. Vậy mà trong những tác phẩm xuất thần của họ vẫn có những chi tiết bất hợp lý, những tì vết. Nhưng đó là tì vết của “thợ trời”, tức là tì vết không lộ rõ, có người nhìn thấy, có người không nhìn thấy. Tất nhiên, ước vọng của mọi người là ngọc không có vết. Điều ấy có bao giờ có không?…

Trong bài viết “Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Áo của hôm nào, người của hôm nay” (Báo Văn nghệ Công an số 184, ra ngày 17/9/2012), nhà thơ – nhà phê bình Phạm Khải có một nhận xét: “Lại có trường hợp như thể một nghịch lý, bài thơ được ghi nhận là hay song ở từng chi tiết thì lại chưa thật đúng lắm, như trường hợp câu thơ Hết rau rồi em có lấy măng không (Bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”)”. Theo Phạm Khải, sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thừa nhận viết như thế là không đúng sự thật, bởi “cả măng và rau đều chỉ có vào mùa mưa, hết rau thì cũng hết măng”. Dẫu vậy, đó vẫn là một trong những bài thơ hay nhất của Phạm Tiến Duật, một trong ít bài thơ hay về Trường Sơn và là một trong những bài thơ hay của thơ chống Mỹ. Ngọc cũng còn có vết. Thơ cũng giống như cuộc đời. Cái hay của toàn bài thơ đã làm mờ cái dở nhỏ mà không phải ai nhìn cũng thấy. Không biết thơ của thi tiên, thi thánh, các thiên tài thơ thì thế nào, chứ ở những nhà thơ lớn thì tôi đã thấy nhiều nhà thơ cũng có những vết mờ như thế, trong những bài thơ hay được nhiều người tôn vinh, những bài thơ thực sự nổi tiếng.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu – người đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng so sánh: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng”, trong truyện “Lục Vân Tiên”, một tác phẩm được đánh giá cao sau “Truyện Kiều” cũng có những câu thơ non yếu. Khi hay tin Lục Vân Tiên chết, Vương Tử Trực là bạn thân – anh em kết nghĩa của Lục Vân Tiên đến nhà Kiều Nguyệt Nga, người đã hứa hôn với Lục Vân Tiên thì cha của Kiều Nguyệt Nga có ý muốn gả Kiều Nguyệt Nga cho Vương. Vương Tử Trực đã giận dữ từ chối, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Vợ Tiên là Trực chị dâu/ Chị dâu em có dám đâu lỗi nghì”. Câu sáu diễn tả vụng, tối nghĩa. Còn cảnh Hớn Minh đánh bọn nghịch tặc được tác giả miêu tả thật là ngô nghê: “Chàng liền vật xuống bẻ ngay một giò”… Tất nhiên đánh lỗi một ông đồ mù thì cũng bất nhẫn. Nhưng tác phẩm là tác phẩm. Việc độc giả bỏ qua những chi tiết trên để yêu mến tác phẩm “Lục Vân Tiên” không phải là nương nhẹ vì tác giả, mà vì những giá trị hay, đẹp to lớn khác.

Tượng và ban thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre.

Nhà thơ Xuân Diệu cũng có câu thơ từng gây nên sự đánh giá khác nhau của nhiều người:

Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó: mũi Cà Mau

Người thì bảo viết như thế là hay, là chuẩn. Ai cũng thừa nhận so sánh Tổ quốc với hình ảnh con tàu là một hình tượng đẹp hùng vĩ. Nhưng câu trên Tổ quốc là con tàu, câu dưới Tổ quốc lại biến thành con thuyền thì không logic, mà “mũi thuyền” thì giảm đi sự hùng vĩ của Tổ quốc. Người bênh vực thì bảo nếu ở câu dưới là “con tàu” thì hai chữ “tàu” lặp nhau, mà thơ thì tối kỵ sự lặp lại. Thật ra, câu thơ này ở vào một thế rất khó sửa để hay hoàn hảo. Nhưng thà lặp nhau còn hơn có hai câu mà Tổ quốc đã từ “tàu” biến thành “thuyền”. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ “Thói đời” có 8 câu mà đã có 2 từ cuối câu lặp nhau:

Gặp thời, thân thích chen chân đến
Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi
Thớt có tanh tao ruồi đổ đến
Gang không mật mỡ, kiến bò chi

Cái hay của tổng thể đã gỡ được cho cái chưa hay của chi tiết.

Nhà thơ Tố Hữu trong những bài thơ được đánh giá cao, nhiều người yêu thích cũng có những hình ảnh chưa thật chuẩn, chưa thật điển hình. Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhiều người cho rằng thơ Việt Nam đã trả được món nợ đối với chiến thắng Điện Biên vĩ đại của dân tộc. Nhưng hai câu thơ hay “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, thì hoa mơ là không điển hình của Điện Biên. Vậy mà câu thơ vẫn ngân nga trong lòng mọi người, trong lòng dân tộc bởi nhạc điệu, hình ảnh và ý tưởng sáng đẹp. Cũng vậy, hình ảnh cây đước Nam bộ cũng được tác giả lý tưởng hóa quá mức:

Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng
Gió càng lay, càng dựng thành đồng

Hoặc:

Con tao gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm.

Sự thực thì cây đước là loại cây mọc dưới bùn lầy ở đồng bằng sông Cửu Long, không phải là cây gỗ cứng như lim, nghiến ở miền Bắc để ví với sự kiên cường, thành đồng. Khi viết những câu thơ trên, nhà thơ Tố Hữu chưa đến Nam bộ. Nhưng chất lãng mạn, anh hùng ca cứ lướt đi, để lại tình yêu trong lòng bạn đọc.

Những khiếm khuyết trong những câu thơ trên của Nguyễn Đình Chiểu, Xuân Diệu, Tố Hữu trước đây ở đâu đó hầu như đã có người nói. Nhưng có một bài thơ rất đặc sắc của nhà thơ Chế Lan Viên cũng có những khiếm khuyết (lớn hay nhỏ tùy bạn đọc khẳng định) thì chưa thấy ai nói đến ở đâu cả. Bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”:

Hỡi sông Hồng, tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
– Chưa đâu và ngay cả những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…

Phải nói rằng hào khí của dân tộc được tác giả nói đến rất điển hình, chất anh hùng ca không thua bất cứ bài thơ nào của thời chống Mỹ, tư thế dân tộc mang lịch sử ngang tầm thời đại, hình tượng thơ sáng đẹp độc đáo, nghệ thuật thơ đặc sắc bằng câu hỏi mở đầu có tầm vóc… Tất cả những ưu điểm đó làm mọi người không còn để ý đến khiếm khuyết. Vậy khiếm khuyết đó là gì? Đó là dẫn chứng rất “lộn xộn”. Vẫn biết, thơ thì có thể phi lôgic. Nhưng điều đáng nói là đang trong mạch thơ rất logic thì tác giả lại nhào xa cái logic ấy. Logic ở đây là logic thời gian theo lịch đại:

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc…

Bỗng tác giả lộn lại gần năm thế kỷ: “Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng”… Bây giờ, chúng ta nhìn lại lịch sử thì Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ đều là các anh hùng dân tộc. Nhưng theo lịch đại thì Nguyễn Huệ là cháu chắt mấy chục đời của cụ Trần Hưng Đạo. Xếp như thế là không được. Vậy mà suốt mấy chục năm kể từ khi bài thơ ra đời, mọi người đều yêu mến bài thơ. Và đến bây giờ tôi vẫn cho sự yêu mến ấy là chính đáng, bởi bài thơ quá hay, là một trong mươi bài thơ hay nhất của thời chống Mỹ. Với bài thơ này, thực sự nhà thơ Chế Lan Viên đã làm được điều ông từng nói: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Bài thơ là một viên ngọc, khiếm khuyết kia chỉ là vết mờ nên không ai để ý.

Bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa, giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 -1982 là một bài thơ hay. Nếu nói về thơ viết về biển đảo của chúng ta thì đây là một trong những bài thơ hay nhất. Nhưng bài thơ cũng có một câu thơ chưa thật hợp lý, trong khổ thơ:

Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi
Lòng thấp thỏm niềm vui không nói hết
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu
Nhưng không mưa rào thì cứ mưa ngâu
Hay mưa bụi… mưa li ti… cũng được.

Cứ theo logic của câu thơ “Nhưng không mưa rào thì cứ mưa ngâu” thì mưa ngâu là nhỏ hơn mưa rào. Thực ra thì mưa ngâu chính là những trận mưa rào liên tiếp của tháng bảy (tháng ngâu).

Các nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa chính là những “thợ trời”. Vậy mà trong những tác phẩm xuất thần của họ vẫn có những chi tiết bất hợp lý, những tì vết. Nhưng đó là tì vết của “thợ trời”, tức là tì vết không lộ rõ, có người nhìn thấy, có người không nhìn thấy. Tất nhiên, ước vọng của mọi người là ngọc không có vết. Điều ấy có bao giờ có không? Anhxtanh đã tìm ra học thuyết tương đối của vật chất. Triết học cũng có cặp phạm trù tương đối và tuyệt đối. Dẫu trong thực tế không có gì là tuyệt đối cả, thì sự hoàn hảo tuyệt đối vẫn là một khát vọng nghệ thuật. Vì thế mới có những nhà văn, họa sĩ đốt tác phẩm của mình, với mong ước sẽ sáng tác được những tác phẩm hay hơn. Đó là những người có bản lĩnh. Nhưng đốt tác phẩm của mình để có được tác phẩm hay hơn thì mười người làm, cũng chỉ có được một người thành công. Đó là cái khó của nghệ thuật. Bản lĩnh và tài năng là những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Sự thành công của nghệ thuật cũng vẫn còn là một bí ẩn

Đ.Q.T

Nguồn: văn nghệ công an

Exit mobile version