Để tránh hiểu lầm, xin được nói ngay rằng, trong nền thơ Việt Nam hiện đại, chúng ta có không ít nhà thơ đặc sắc – đặc sắc ở những mức độ nào đó.
Theo kiểu phân chia thành thế hệ – một cách tương đối – như thường thấy, thì các nhà thơ đặc sắc ấy trưởng thành – cùng với các nhà thơ khác – trong các thế hệ: trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, và sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay. Tuy vậy, mỗi thế hệ có thể có những nhà thơ đặc sắc nhất, nổi hẳn lên, mà mỗi khi nói đến thơ của thế hệ ấy, người ta phải nói đến họ, không thể quên họ.
Với thời kỳ kháng chiếng chống Mỹ, những nhà thơ nào có thể được coi là đặc sắc nhất? Theo tôi, có hai người: Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật. Không hẹn mà nên, như một cách “phi đối xứng”, Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật, một là thiếu nhi – một là người lớn, một là người dân – một là người lính, một ở hậu phương – một ở chiến trường… Với những phong cách thơ độc đáo, họ phản ánh hiện thực của thời kỳ bi tráng này của đất nước, của dân tộc, từ những đặc điểm khác nhau, ở những cung bậc khác nhau.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Từ năm 1966 đến năm 1974, mà đặc biệt là từ 1966 đến 1970 – trong khoảng năm năm – là lúc Trần Đăng Khoa từ tám tuổi đến 12 tuổi, cậu bé này đã làm rúng động đời sống thơ ca Việt Nam – bấy giờ là miền Bắc, vì đất nước chưa thống nhất.Tôi sẽ không dẫn ra ở đây những bài thơ, những câu thơ của Trần Đăng Khoa hồi ấy mà ai cũng đã biết.
Tôi chỉ muốn lưu ý thêm: có những người đọc rất bình thường, ở xa có khi đến hàng trăm cây số, đã tìm đến cái làng Điền Trì hẻo lánh ở tỉnh Hải Dương thăm (hay xem mặt) Trần Đăng Khoa. Đã có những nhà thơ nổi tiếng về nhà Trần Đăng Khoa. Lại có cả người viết những câu thơ cảm động viếng Trần Đăng Khoa, vì nghe tin ở đâu rằng Trần Đăng Khoa đã chết.
Rồi vô tuyến truyền hình Pháp đến Việt Nam làm phim về Trần Đăng Khoa – ngay trong lúc Việt Nam đang có chiến tranh, và người hướng dẫn những người làm phim là nhà thơ Xuân Diệu. Thơ của Trần Đăng Khoa viết hồi ấy được in nhiều lần trong nước đã đành, mà còn được dịch ở nhiều nước, có lẽ vào loại nhất so với các nhà thơ, nhà văn khác của Việt Nam – không chỉ bấy giờ đến những năm sau, mà còn đến tận ngày nay.
Người ta gọi Trần Đăng Khoa là thần đồng. Nếu hiểu thần đồng như các từ điển thường giải nghĩa: đứa trẻ thông minh đặc biệt, thì Trần Đăng Khoa đúng là thần đồng. Tuy nhiên, tưởng cần nhấn mạnh hơn một mức nữa. Ba chục năm trước, tôi có lần viết: Trần Đăng Khoa là một hiện tượng thơ rất hiếm thấy, có thể phải tính bằng nhiều chục năm, thậm chí bằng những thế kỷ. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ đó không phải là một cách nói đại ngôn. Với thành tựu thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 2001, Trần Đăng Khoa đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Phạm Tiến Duật (1941 – 2007) học xong Trường Đại học Sư phạm thì đi bộ đội, và gắn bó với đường Trường Sơn tám năm liền trong 14 năm ở quân ngũ. Tám năm ấy, đường mòn Hồ Chí Minh đã làm nên nhà thơ Phạm Tiến Duật độc đáo, từ một người lính, và trước hết là của những người lính.
Chùm thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật được giải nhất cuộc thi thơ năm 1969 – 1970 của Báo Văn nghệ tập trung những tinh hoa của thơ Phạm Tiến Duật trước đó, và báo hiệu cho một tài năng thơ sẽ còn phát triển trong những năm về sau. Đêm trao giải thưởng cuộc thi thơ ấy ở Hà Nội, mà tôi có dự, không thấy Phạm Tiến Duật; về sau mới biết anh đang trong một nẻo rừng Trường Sơn chiến trận, không ra dự được. Điều đó cũng có thể coi như một sự lý thú và đầy ý nghĩa. Nghệ thuật thơ Phạm Tiến Duật bấy giờ tạo được một tiếng nói rất riêng, rất mới, được cả bộ đội và nhân dân ưa thích.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật trước khi lâm bệnh nặng và mất.
Tôi cũng sẽ không nhắc lại ở đây nhiều bài thơ, câu thơ của Phạm Tiến Duật mà ai cũng đã biết. Tôi chỉ muốn dẫn ra những câu thơ này, cách nói này, dường như chưa được chú ý, chưa được đánh giá đúng, có trong bài Công việc hôm nay Phạm Tiến Duật viết vào khoảng những năm 1967 – 1968:
Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng
Về số máy bay rơi trong ngày và tàu chiến cháy,
Nha khí tượng báo tin cơn bão tan,
Bộ Nông nghiệp báo tình hình vụ cấy…
Trong những tờ trình Thủ tướng đọc trong đêm
Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên.
Bộ thông sử hoàn thành
Trang cuối cùng viết trong hầm trú ẩn
Chồng bản thảo rời khu sơ tán
Chở trên xe xích lô
Lọc cọc xe qua trận đồ cao xạ…
Những công việc cụ thể ở tầm vĩ mô của những câu thơ như vậy, chưa bao giờ thấy trong thơ được viết từ chiến trường, kể cả ở những nhà thơ kỳ cựu và những nhà thơ trẻ tuổi – mà Phạm Tiến Duật bấy giờ là một nhà thơ trẻ tuổi.
Cho đến bây giờ, đọc những bài thơ viết trong chiến tranh của ta, sẽ thấy không ai tạo dựng được một chân dung nhà thơ đậm nét như Phạm Tiến Duật.
Phạm Tiến Duật tạo ấn tượng mạnh đến mức, đã có những chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ đề nghị dựng tượng Phạm Tiến Duật trên đường Trường Sơn.
Bằng thành tựu thơ ca chủ yếu ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ này, Phạm Tiến Duật đã hai lần được tặng giải thưởng lớn về văn học nghệ thuật: năm 2001 Giải thưởng Nhà nước, năm 2011 Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Với những gì đã nêu trên, tôi xin nói một lần nữa: Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật là hai nhà thơ đặc sắc nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
(Tất nhiên, tôi không quên, có những nhà thơ làm thơ cùng thời với hai nhà thơ trên đã từng là những nhà thơ đặc sắc của các thời kỳ trước; có người vào những ngày kháng chiến chống Mỹ chưa thực sự nổi tiếng, đến sau thời kỳ ấy mới có những đóng góp quan trọng và là những nhà thơ đặc sắc của thời kỳ mới. Nhưng đó là chuyện không thuộc phạm vi bài này).
Theo Hồng Diệu – Văn nghệ công an