Chuyên mục Truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Hoàng Chính.

Gồm các truyện sau:

1. Nét vẽ vô hình của thằng bé mồ côi

2. Mùa Giáng sinh xưa tôi đã hứa

3. Gói quà không bao giờ mở ra

4. Ở một góc phố tôi đã quên tên

5. Vực sương mù

Nhà văn Hoàng Chính

Quê quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1978.

Định cư tại Canada từ năm 1983.

Đã xuất bản một tập thơ và mười một tập văn xuôi trong số đó có truyện dài “Thư Tình Viết Muộn” in tại Việt Nam – Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2012, do nhà văn Tạ Duy Anh chịu trách nhiệm biên tập, nhà văn Võ Thị Xuân Hà trực tiếp biên tập.

Nhà văn Hoàng Chính là một trong hai dịch giả bộ truyện “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”, NXB Kim Đồng

Cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Có kênh YouTube “Truyện Hoàng Chính”:

https://www.youtube.com/channel/UC4Pc1_2rl5zGA6SfJzMg6DQ/featured

gồm những truyện ngắn do chính tác giả diễn đọc.

Nhà văn hiện là thông dịch viên tòa án liên bang Canada

Nét Vẽ Vô Hình Của Thằng Bé Mồ Côi

Truyện ngắn Hoàng Chính

Thằng bé đứng yên tại chỗ, dán mắt vào vách tường. Chúng tôi nhìn nó, rồi chúng tôi xoay qua tròn mắt nhìn nhau. Nó nhìn gì trên cái khoảng xám lởm chởm những vệt vôi khô tróc lở ấy. Tôi cau mày, thầm nghĩ.

Chợt nó đưa tay lên, vạch lên vách tường những đường thẳng, những đường gẫy khúc, những đoạn vòng vèo, toàn những hình dạng mơ hồ. Cánh tay múa may liên hồi, như cánh tay người nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng, ở đoạn nhạc cao trào.

Người giáo viên đến bên chúng tôi, vén lọn tóc trước trán sang một bên, nghiêng đầu thì thầm, “Nó đang vẽ đấy.”

Tôi nhìn theo đầu ngón trỏ của thằng bé. Những vạch ngang, dọc và cong vòng. Thỉnh thoảng nó dừng lại, đưa lưng bàn tay xóa như giáo viên xóa vạch phấn hay dòng chữ viết sai trên tấm bảng trong lớp học. Xóa xong, nó lại nghiêng đầu tỉ mỉ vạch thêm những nét mơ hồ khác.

Một lát, thằng bé bước lùi lại, nhìn đăm đăm khoảng xám vách tường. Tôi nhìn theo nó. Chẳng thấy gì hết. Chỉ vài mảnh vôi khô xám xịt bong lên trên vách.

Rồi nó gật gù. Vẻ mãn nguyện hiện rõ nét trên khuôn mặt trẻ thơ.

“Vẽ xong rồi à?” Đứng bên cạnh hai chúng tôi, cô giáo hỏi.

Thằng bé giật mình, quay lại phía chúng tôi và bước thụt lùi, lưng chạm vào vách tường. Tia nhìn xớn xác trong mắt.

“Vẽ gì thế?” Cô giáo hỏi.

Thằng bé cúi gằm mặt xuống. Cằm ép sát vào lồng ngực. Mắt dán xuống nền xi măng.

“Phải hình con chó đốm không?”

Cái đầu thằng bé xoay qua xoay lại chậm rãi, như đầu con búp bê biết cử động và chớp mắt.

“Hay con mèo mun?” Cô giáo lại hỏi.

Cái đầu khẽ gật. Chỉ một lần. Và thằng bé ngước lên, tia nhìn xớn xác như con chim bay về nhầm tổ.

“Ban nãy vẽ con gì mà xoá đi vậy?” Cô giáo hỏi.

Thằng bé từ từ ngẩng đầu.

Không chờ nó trả lời, cô nhắc, “Phải con chim không?”

Thằng bé lặng thinh.

“Con cá?”

Thằng bé vẫn không trả lời.

“Hay là con sư tử?”

Thằng bé vẫn lặng thinh, môi mím lại.

Cô giáo xoay qua, nháy mắt với chúng tôi, “Nó bực mình rồi đấy.”

Và quay qua thằng bé, cô dịu dàng, “Thôi cháu vẽ đi nhé.” Rồi kéo chúng tôi đi.

Cô giáo dẫn chúng tôi vào văn phòng, chỉ hai chiếc ghế kê bên cạnh chiếc bàn gỗ, “Mời anh chị ngồi đây.”

Chúng tôi ngồi xuống. Cả hai chiếc ghế đều cũ, tiếng chân ghế kẽo kẹt.

Cô mở ngăn bàn, lôi ra một xấp giấy, trải lên mặt bàn. Cả hai chúng tôi cùng nhổm dậy, tò mò nhìn những hình vẽ trên mặt giấy.

“Họa phẩm của thằng bé ấy đây.”

Chúng tôi lật từng trang giấy, chăm chú ngắm nghía những đường nét thanh thoát bằng bút chì với hai màu đen trắng. Cạnh đó là những bức vẽ màu nước đủ sắc màu. Hai chúng tôi lặng người. Bởi những bức vẽ rất đẹp, như thể được vẽ bởi bàn tay người họa sĩ chuyên nghiệp.

“Tranh của thằng bé ấy đây ư?” Mãi, Nancy – vợ tôi – mới thốt lên được bằng giọng kinh ngạc.

Cô giáo hí hửng gật đầu.

“Ban nãy nó vẽ trên vách tường à?” Tôi hỏi.

Cô giáo lại gật đầu, “Lúc nào nó cũng vẽ. Không có giấy nó cũng vẽ. Như thể nó bị ghiền. Phải vẽ mới được. Nó vậy đấy.”

Nancy suýt soa, “Đẹp quá!”

Hai chúng tôi lật từng trang vẽ, tròn mắt nhìn từng đường nét bay bướm, vô cùng thanh thoát nhưng cũng rất cứng cỏi.

Tôi cố nối kết phong cách hội họa của những bức tranh trên giấy mỏng này đến những tác phẩm của các nhà danh họa trên thế giới mà tôi có dịp thưởng ngoạn, nhưng tôi không nhận ra được dấu vết quen thuộc nào qua nét vẽ của thằng bé tự kỷ trong viện mồ côi này.

Chờ cho cơn cảm xúc trong chúng tôi lắng xuống, cô giáo lên tiếng, “Như vậy anh chị có dự tính nhận nuôi thằng bé ấy không?”

Chúng tôi xoay qua nhìn nhau. Có cô giáo ngồi trước mặt, chúng tôi ngại nói ra những điều mình nghĩ. Cô giáo hiểu ý, thong thả đẩy ghế đứng dậy, “Em ra ngoài một chút để anh chị bàn tính nhé. Thằng bé ấy vẽ giỏi. Về nhà nó vẽ tranh cho anh chị, đem bán, biết đâu lại giàu to.” Cô mỉm cười sau câu nói.

Cô giáo đi rồi, chúng tôi lại nhìn nhau. Tôi hỏi Nancy, “Em thấy sao?”

Nancy mỉm cười, tia nhìn rạng rỡ trong mắt. Tôi nheo mắt với nàng, khẽ gật gù, “Cũng hơi khó, phải không em?”

Nancy lại cười. Nàng có vẻ bị thôi miên bởi những đường nét và sắc màu thằng bé vạch lên những trang giấy học trò.

Tôi thì nghĩ là sẽ rất khó khăn. Hai chúng tôi muốn xin con nuôi nhưng không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng sẵn sàng nhận nuôi được. Nó sẽ sống với chúng tôi suốt đời. Chúng tôi đã sống gần nửa đời người. Sức khỏe không còn tốt như thời mới lấy nhau. Cả hai cùng mới khám sức khỏe toàn diện. Làm đủ thứ thử nghiệm. Dự tính có kết quả xong đâu đó mới tính chuyện đi tìm xin con nuôi. Nhưng Nancy nôn nóng, không muốn chờ. Cô nhi viện giới thiệu với chúng tôi thằng bé này. Trông nó cũng sáng sủa, lại có tài vẽ, chỉ ngại mỗi một chuyện: chứng tự kỷ của nó. Nancy vẫn chăm chú ngắm nghía những tấm tranh thô sơ của thằng bé. Có vẻ như nàng đang phác họa trong đầu một khung cảnh nào đó, có thằng bé bị chứng tự kỷ kia. Và hai chúng tôi.

“Nó…” tôi ngập ngừng. “Nó không nói năng gì hết.”

“Nhưng mà nó có vẻ ngoan,” Nancy nhìn tôi. “Có đứa con ngoan cũng thích.”

Tôi ngần ngại, “Về lỡ nó không nghe lời mình…”

“Nó có tài vẽ. Ấy là thứ em thích nhất.” Nancy nói, tay lại lật từng trang giấy vẽ của thằng bé. Nancy mê hội họa. Tranh vẽ của nàng treo đầy phòng khách nhà chúng tôi.

“Mai mốt về mình treo tranh của nó chung với tranh của em,” Nancy nói, giọng hí hửng. “Tưởng tượng có đứa con cùng sở thích hội họa với mình, hai mẹ con ngồi trong studio, cùng vẽ với nhau.”

Hai mẹ con‘ những chữ ấy Nancy nói thật nhanh, như một thoáng lỡ lời; như cái buột miệng vô tình. Những chữ làm lòng tôi xoắn lại.

Tôi ngập ngừng, “Nhưng nó không nói năng gì hết…”

“Càng tốt chứ sao. Người nói nhiều thường làm ít.” Nancy ngắt lời tôi.

Vậy là vấn đề coi như đã được giải quyết, chúng tôi sẽ nhận nuôi thằng bé mồ côi bị chứng tự kỷ ấy. Lúc cô giáo trở vào, tôi nói cho chúng tôi gặp nó thêm một lần trước khi ra về chuẩn bị lo thủ tục giấy tờ. Nancy bảo sẽ gửi tiền để viện mồ côi mua thật nhiều giấy, bút và màu nước, những thứ thật tốt, để thằng bé khỏi phải vẽ tưởng tượng trong không khí.

“Thật tiếc! Những bức tranh vô hình ấy chắc đẹp lắm,” Nancy suýt soa.

Khi chúng tôi ra tới, thằng bé vẫn đang vung tay vẽ vào không gian những bức tranh mà chỉ mình nó thấy được.

“Nãy giờ vẽ được mấy bức tranh rồi,” cô giáo hỏi.

Thằng bé sựng lại, đưa lưng bàn tay xóa vội những hình ảnh vô hình trong khoảng không gian trước vách tường.

“Bị nhòe mực rồi à?” cô giáo hỏi.

Không trả lời, cũng không quay đầu lại, thằng bé chụm những đầu ngón tay như đang cầm cây cọ, vạch những đường cong nhỏ trong không gian, nắn nót một chân dung vô hình nào đó.

Rồi nó lùi ra sau một bước, nghiêng đầu ngắm nghía, và khẽ gật đầu.

“Con vẽ ai vậy?” cô giáo hỏi.

Thằng bé bất chợt quay người lại, ngước nhìn Nancy, đưa ngón tay trỏ lên trước mặt, đưa qua đưa lại. Và lắc đầu.

“Con vẽ đẹp quá, nhưng con vẽ ai vậy?” Nancy ngọt giọng làm quen.

Thằng bé từ từ đưa tay lên, ngón tay chỉ thẳng vào Nancy, rồi buông xuôi cả hai tay hai bên thân người.

Đứng cạnh chúng tôi, cô giáo hỏi, “Con vẽ bác này à?”

Thằng bé lại đưa tay lên chỉ vào Nancy.

Tôi nhìn khoảng tường quét vôi trước mặt. Tôi cố hình dung bức chân dung vô hình của Nancy mà thằng bé vẽ trên ấy. Hẳn Nancy trong tranh thằng bé cũng có đôi mắt đẹp như Nancy của tôi ngoài đời thực.

Bất chợt nó quay người lại, đưa lưng bàn tay xóa thật nhanh những nét vẽ vô hình.

“Sai chỗ nào thế?” Cô giáo hỏi.

Thằng bé nắm tay, đấm vào khoảng trống, như ông giáo già giận dữ đấm vào tấm bảng khi học trò làm sai bài toán. Và nó lẩm bẩm, “No good! No good! No good!”

Cô giáo xoay qua chúng tôi, nét mặt nghiêm trang, “Em quên nói với anh chị là nó chỉ nói được vài chữ tiếng Anh thôi.”

Rồi cô lại xoay qua thằng bé, “Cái gì no good vậy?”

Thằng bé nhìn vách tường đăm đăm, xòe bàn tay ra, rồi nắm cả năm ngón tay lại như thể đang túm cổ áo ai đó, và xoay mạnh cổ tay rồi giật vội cánh tay ra sau. “No good! No good! No good!”

“Cái gì no good vậy?” Giọng cô giáo có phần đanh lại.

Bất chợt thằng bé xoay người lại, bước tới một bước, đưa bàn tay ra trước mặt, chộp lấy ngực áo trái của Nancy, miệng nó vẫn lẩm bẩm, “No good! No good!”

Nancy bật người ra sau. Bàn tay thằng bé túm chặt ngực áo nàng, miệng nó lắp bắp những chữ no good, no good. Cô giáo vội nhào tới vồ lấy hai vai thằng bé, dùng dằng kéo nó ra. Tôi chụp lấy hai bàn tay nó, gỡ vội những ngón tay bấu chặt lấy ngực Nancy. Cả bốn người chúng tôi nhùng nhằng trong khoảng trống căn phòng hẹp. Cô giáo vung tay tát vào má thằng bé. Cái tát mạnh đến mức đầu nó bật qua một bên. Những ngón tay nó lỏng ra. Má nó đỏ rần lên sau cái tát. Tôi vuốt vội ngực áo Nancy cho lớp vải thẳng lại. Cô giáo nắm tay thằng bé kéo đi. Bị lôi xềnh xệch nhưng nó vẫn cố quay lại, chỉ tay về phía đồi ngực gồ cao của Nancy, lẩm bẩm no good, no good không ngừng.

Suốt mười mấy tiếng đồng hồ trên chuyến bay trở về, Nancy như người mất hồn. Còn trong đầu tôi thì xao xác những ý nghĩ đen tối. Thằng bé có bị chứng rối loạn tâm trí nào không? Phải chăng trong óc nó có tiềm ẩn những ẩn ức dục tình dồn nén lại từ đời kiếp nào? Vì sao nó nắm chặt lấy bên ngực trái của Nancy? Tôi nhớ những ngón tay bấu chặt lấy ngực áo, cài sâu vào da thịt khiến mãi tới ngày hôm sau ngực nàng còn ửng đỏ. Những ngón tay bấu chặt như những cái càng một con cua biển khi kẹp vật gì đó thì thà bị bẻ gẫy chứ nhất định không buông. Tôi nhớ đã phải gồng cả người chỉ để gỡ những ngón tay bé bỏng của nó và nếu như cô giáo không tát nó mạnh như thế chắc nó vẫn không buông ra.

Và vì sao nó lẩm bẩm mãi những chữ no good, no good?

“Không nhận nuôi thằng nhỏ ấy được,” Nancy nói như thì thầm với chính mình. “Anh có thấy ánh mắt của nó không?”

Sự việc xảy ra nhanh quá, tôi không kịp ghi nhận điều gì. Tôi chỉ nhớ những chữ no good, no good phát ra từ miệng thằng bé lúc cô giáo lôi nó vào văn phòng, và tôi nhớ tôi có gọi với theo, “Đừng đánh nó, cô ơi.”

Chắc thằng bé sẽ bị phạt. Thế nào người ta cũng đánh nó, bắt nó quỳ, giam nó trong phòng tối, nhốt nó trong cái lồng hẹp, bỏ đói nó vì cái tội làm mất một khách hàng sáng giá. Bởi trong lúc vui miệng, chúng tôi đã hứa sẽ tặng cô nhi viện một số tiền để sửa sang lại phòng ốc, mở thêm lớp học.

Bây giờ thì những lời hứa ấy xem như những câu nói lỡ lời.

Chúng tôi về nhà đúng lúc kết quả khám sức khỏe tổng quát được gửi đến. Kết quả của tất cả mọi thử nghiệm đều nằm trong giới hạn bình thường ngoại trừ một thứ. Hai chúng tôi không giấu giếm bất kỳ điều gì với nhau nên Nancy mở speaker để tôi cùng nghe, và mẩu đối thoại làm tôi điếng hồn.

“Mammogram của bà có dấu hiệu bất thường,” giọng ông bác sĩ ở đầu dây kia.

“Mammogram?”

“Vâng, hình chụp quang tuyến vú.”

“Dấu hiệu bất thường gì?” Nancy nói như hụt hơi.

“Chúng tôi cần làm sinh thiết,” ông bác sĩ nhấn mạnh từng chữ.

Hai mắt Nancy mở lớn, săm soi khoảng trống trước mặt, “Sinh thiết?”

“Đúng vậy, đâm kim vào lấy tế bào ra xem trên kính hiển vi.”

“Cả hai bên?” Giọng Nancy lạc đi.

“Không, chỉ bên trái mới có dấu hiệu khác thường.”

Nancy nhìn tôi, miệng há hốc, mắt loang loang nước. Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi nhớ bầu ngực nàng ửng đỏ dấu móng tay thằng bé ở viện mồ côi. Tôi nhớ những nét vẽ vô hình của nó vào thinh không. Và cái miệng trẻ thơ lầm thầm những chữ, “No good, no good…”