Tác giả Nguyễn Chí Ngoan


Sinh ngày: 22.02.1991
Quê quán: Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang
Nghề nghiệp: Giáo viên Tiểu học


Giải thưởng:
•    Giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2019 – tập truyện ngắnBến chờ
•    Giải Khuyến khích cuộc thi “Thành phố tôi yêu”, báo Thanh Niên, năm 2020
•    Giải thưởng thiếu nhi Khát vọng Dế Mèn lần I, báo Thể thao Văn hóa, năm 2020 – tập truyện ngắn Mộng giang hồ
•    Giải Ba cuộc thi thơ, tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng”, báo Người lao động, năm 2021
•    Giải Nhất cuộc thi “Nghĩa tình Miền Tây”, báo Thanh Niên, năm 2022


Tác phẩm đã xuất bản:
•    Bến chờ (Tập truyện ngắn – NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
•    Mưa miền đất mặn (Tản văn – NXB Kim Đồng, 2021)
•    Rồi nắng cũng lẻ loi (Tập truyện – NXB Kim Đồng, 2022) 

Nắng muộn

Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan

Đi thêm đỗi đường Tánh mới biết mình đã huốt nhà cũ một đoạn rất xa. Hơn chục năm rồi mới về lại chốn cũ, Tánh chỉ thật sự biết mình đi quá khi thấy chòi mả lạng phía trước với mấy bụi bông huệ nở tưng bừng mà chẳng biết nở cho ai. Anh quay lại đoạn đường mình vừa mới đi qua, cố nhớ ra từng ngóc ngách trên dấu thời gian khắc nghiệt. Những căn nhà tường mọc lên lạ lẫm, không biết chúng đã ở đó từ khi nào mà cỏ đã mọc lởm chởm trên mái nhà. Dấu hiệu duy nhất còn sót lại để Tánh hình dung ra nhà của thím Sáu là cây me già xù xì cặp mé mương. Không biết thím Sáu giờ còn hay mất, thím còn nhớ cái thằng Tánh giang hồ vẫn thường tạt qua nhà mượn gạo vào cuối chiều. Người kinh Mương Củi đâu có tin chuyện thằng giang hồ khét tiếng rửa tay gác kiếm làm lại cuộc đời. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở trên mấy bộ phim chiếu trên truyền hình của gánh đàn bà kinh Mương Củi mỗi tối, chứ ngoài đời làm gì có kẻ thức tỉnh quay đầu về với chánh đạo. Ngủ đi rồi mơ. Chỉ có một bà già đôn hậu, thấu suốt mọi lẽ đời, là tin.

Mỏi chân, Tánh ngồi bệt xuống cái lò rèn đổ nát, nhìn sang khu bến đò dọc ngày xưa. Chỗ Tánh từng quỳ xuống xin chủ đò chở vợ ra trạm xá với cái thai chết lưu trong bụng. Vợ Tánh nằm dưới đò mà nước mắt chảy ròng. Lâu lâu Tánh lại lật vợ quay lại phía mình.

“Em thấy trong người sao rồi?”

Bữa đó trời mưa rả rích, Tánh thả xuống sông mấy bộ đồ mua sẵn cho con, chai phấn trôi lềnh bềnh trên mặt nước, nhấp nhô rồi khuất dần. Chiếc đò dọc xé nước chạy đi mà tiếng thút thít của Đào không bị gió làm bạt đi chút nào, nước mắt của Tánh cũng không vì vậy mà khô mau trên đôi gò má sạm nám. Dòng nước kinh Mương Củi cứ cuộn mình về biển, không biết dòng nước đỏ ngầu phù sa đó có chở hết nỗi lòng của vợ chồng Tánh hay nó vẫn còn nằm nguyên vẹn dưới gốc cây tra bồ đề sau lưng trạm xá, nơi Tánh dùng tay cào lớp đất lên chôn xác con mình. Tánh ngồi tựa lưng vào gốc cây, ngước mặt lên nhìn bầu trời chao chát, giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Ngồi ở lại bên con rất lâu, cho tới khi bóng tối nuốt chửng mọi thứ.

 “Vừa lắm. Dòng cái thứ ác nhơn thất đức. Ông trời có mắt mà”

Người ta mỉm cười với nhau khi thấy nhân quả trên đời là có thật, sau cái tin Đào hư thai lan nhanh. Ngày còn làm giang hồ, Tánh xông vào nhà Út Quyên đòi nợ. Chồng Út Quyên mượn tiền qua Cam-pu-chia đánh bài, rồi trốn đi biệt xứ. Tánh máu lạnh nhìn Quyên quỳ xuống vật vã bảo vệ bàn thờ bị đám đàn em hất tung dưới đất. Tánh vung chân đạp người đàn bà đang nghén ngã lăn mấy vòng, máu bắt đầu chảy ra ướt đáy quần. Tánh chỉ thật sự rời đi khi thấy Út Quyên nằm quần quại ôm bụng mình.

Bữa rửa tay gác kiếm, Tánh lại tận nhà quỳ xuống tạ lỗi trước mặt Út Quyên. Chị lao vào đấm Tánh thình thịch, ánh mắt trừng trừng như lưỡi dao phay sẵn sàng xả xuống bất cứ đâu. Nhưng chị chỉ làm được có vậy, xong rũ người bất lực ngó theo bóng Tánh thẩn thờ ra khỏi nhà mình, chìm sâu vào đêm.

Tánh mướn miếng đất, cắm chòi ở bên bờ kinh Mương Củi đắp đổi sống qua ngày. Ở chưa hết một mùa lá lợp nhà, Tánh đã xáp lại ở với cô gái trong quán cà phê đèn mờ. Hôm Đào bị vây đánh, người kinh Mương Củi đứng dài mép lộ ngó ra nghiến răng kèo kẹo, còn Đào cũng không vừa, câng mặt lên trả treo.

“Ai biểu chồng mày ngu”

Chuyện ông chủ vựa lúa bị cô chủ quán hớp hồn, bòn rút tiền vợ đem dâng bằng hết, rốt cuộc cũng lộ ra. Người kinh Mương Củi tưng bừng đứng nhìn Đào bị đám phụ nữ xóm trên xông vào đánh tơi tả, lột quần xé áo. Nhất là đám đàn bà, họ hận không thể băm vằm cô Đào Dẹo, kẻ từng liếc mắt đưa tình với chồng, con họ.

Nhưng Đào còn có Tánh. Khoảnh khắc cô núp sau lưng anh, đợi anh dọn dẹp tàn cuộc cho mình, cô biết người đàn ông này có thể nương tựa được.

Đào dọn về căn chòi của Tánh sau câu nói gọn đeo “nghỉ bán đi, dọn về ở với tôi”. Người kinh Mương Củi luôn chờ đợi một bản án mà ông trời tuyên cho vợ chồng Tánh. Người như hai đứa nó thì làm gì có quyền được sống bình yên, họ nghĩ vậy. Năm đầu tiên thả tôm, vợ chồng Tánh trắng tay vì mấy con tôm chưa tròn tháng đã trồi đầu lên mặt nước ngắm phong cảnh quê nhà. Bầy cua buồn ai không biết mà cũng ngửa mặt nhìn mây. Muốn làm thuê mướn cũng chẳng ai dung. Người ta sợ sự thú tính trong con người của thằng giang hồ chưa dứt, cái máu lẳng lơ vẫn âm thầm chảy đâu đó trong người Đào. Túp lều tranh hai quả tim vàng với vợ chồng Tánh trở nên lục đục vì tiếng lon sữa bò cạ vào đáy khạp gạo, tiếng hàng xóm chửi đổng mỗi khi nhà nào trong xóm bị mất đồ. Chẳng biết món đồ bị thất lạc nơi đâu nhưng điểm dừng chân luôn là nhà của vợ chồng Tánh.

Ngó thấy bụng Đào bắt đầu đội áo, người kinh Mương Củi lắc đầu xì xầm “đứa nào vô phước lắm mới đầu thai vô nhà đó”. Thấy vợ nổi điên, Tánh cười:

“Người ta nói gì kệ họ. Mặt nhăn quá, nữa sanh con không đẹp”

Tánh thường cúi đầu xuống, áp tai vào bụng Đào nghe đứa con cựa quậy bên trong. Vợ chồng Tánh cứ nhấp nhổm mỗi khi đứa bé cong chân đạp vào bụng. Đào co người theo từng cú đạp của đứa bé.

“Ui da! Tao kí vô đầu cha mày bây giờ”

Đoạn đó, Tánh ngước mặt lên cười.

“Nè kí đi, kí cho đã, chứ đừng có làm đau con tui”

***

Thím Sáu mang cho vợ chồng Tánh một mớ than đước với bịch tiêu xay nhuyễn, chút thâm tình nhà quê của thím làm Tánh bùi ngùi. Người đàn bà luôn mặc kệ quá khứ của vợ chồng Tánh, sẵn sàng cưu mang họ trong lúc khó khăn. Người kinh Mương Củi hay nói thím là người tiếp tay cho cái ác. Thím Sáu đưa tay vuốt lại tóc Đào. Đào ngã vào lòng thím khóc ngất, từng giọt nước mắt rơi như những hạt mưa rơi lất phất ngoài trời. Nhịp võng vẫn đều đều, điếu thuốc trên tay Tánh lập lòe cháy sáng…

Bọn đàn em thỉnh thoảng tới thăm Tánh. Nhậu vào, nghe đứa nào lớn tiếng nhắc chuyện “ngày xưa oanh liệt” là Tánh lại đưa tay ra hiệu dừng. Đào nằm trong buồng cựa mình nghe gió rít qua song cửa, nỗi đau vừa mất con dường như vẫn còn đâu đó mỗi khi Đào đưa tay đặt lên bụng mình.

Có rượu vào, đám đàn em nổi máu yêng hùng, tức mình khi thấy đàn anh Hai Tánh bị băm vằm bởi những lời xì xầm ác ý của dân Mương Củi.

 “Để em đi lấy lưỡi của mấy bả về cho đại ca coi”

Tánh vỗ tay đám đàn em.

“Thôi đi mấy ông tướng. Để cho tui yên ổn sống với”

Bữa rượu dần trở nên buồn hiu, ai đã lấy mất của họ một đàn anh lừng lẫy, chẳng biết sợ trời đất là gì. Đám đàn em thưa thớt dần, bởi mớ lời nhẹ bâng, anh không muốn dính dáng đến giang hồ nữa.

Suốt mấy tháng nằm ở nhà ngó lên nóc mùng, Đào cũng bắt đầu bước ra khỏi giường. Căn nhà nhỏ đứng phía nào cũng thấy thênh thang bắt đầu dội vào những dự cảm bất an. “Định cạp đất ăn hả?”, Đào hỏi ngược, khi Tánh cằn nhằn, và câu hỏi làm anh tê dại.

***

Bữa Đào bỏ nhà đi, Tánh còn mải mê ngồi vá mấy cái lú để nước rằm đặt bầy tôm mới thả. Tánh còn định trúng tôm sẽ mua trả lại cho Đào chiếc vòng vàng trong những ngày túng quẫn, Tánh đã mang nó đi bán. Cái nghèo đã mang Đào đi khỏi vùng đất này, không rõ ở nơi mà chẳng ai biết quá khứ mình, Đào có được vui. Đào đã từng trông đợi từng mùa trăng, trông đợi từng chuyến xuồng về mang theo đầy ắp tôm, cua. Sự chờ đợi của Đào cũng mòn đi vì những sáng xuồng chỉ thênh thang tiếng thở dài.

Sau mười hai lần nhậu say ngủ ngoài bụi rơm, Tánh cũng biết đường mò về nhà. Mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn y như hồi Đào còn ở. Như vẫn còn hơi ấm cô trong cái gối, cái mền. Tánh không xê dịch bất cứ thứ gì, lỡ lúc Đào về lại cô sẽ giận Tánh dời đồ đạc lung tung để cô tìm hoài không thấy. Đồ đạc lạc nhau còn có thể tìm thấy, mà lòng người lạc nhau rồi không biết khi nào mới tìm lại được.

Điều duy nhất Tánh có thể làm chắc là chờ đợi. Biết đâu giữa những biến cố cuộc đời, Đào lại trở về bên Tánh như cái lần cô nép sau lưng anh trốn chạy đám đàn bà hung hãn. Giống như một cuộc ở trọ không cố định sẵn ngày đi, Đào vô tình gieo vào lòng Tánh cái gọi là hy vọng.

***

 Xã vận động mô hình hai vụ tôm một vụ lúa. Nhưng chẳng ăn thua, người ta thà chịu phạt chứ nhất quyết không muốn làm ruộng. Cây lúa bây giờ đâu phải như ngày xưa, nhiêu khê đủ đường. Có tiền mướn cắt thì cũng chưa chắc cho người làm, gánh trai gái trong xóm đã bỏ quê lên thành phố hòa vào mấy công ty, xí nghiệp. Kêu máy tuốt lúa cũng kì công không kém, có khi còn phải năn nỉ rủ nhau trên bàn nhậu, chủ máy mới cho ghe lại tuốt lúa. Những bụi rơm thấp lè tè cao qua đỉnh đầu đứa trẻ cứ gieo vào lòng người kinh Mương Củi nỗi chán chường. Người ta bắt đầu cấy năn, cấy cỏ thay vì cấy lúa. Hai năm cấy năn cấy cỏ, Tánh thấy chẳng khấm khá chút nào khi bầy tôm cứ đỏ lừ, nổi lều bều trên mặt nước.

Chiếc máy bơm lạch tạch những tiếng xập xình, một chục lít dầu Tánh mượn thím Sáu mua chịu ngoài ngã tư đâu có thấm vào đâu với cái vuông mà lỗ mội nhét hoài không hết. Nghĩ, nó thiệt giống lòng người, bù đắp được chỗ này nhưng không thể bù đắp được chỗ kia. Hay sự rã rời vẫn âm thầm nảy nở khiến lòng người ta cạn đi sau những lần chờ đợi như cái cách Đào ra đi không một lời từ biệt. Không biết có phải vì sợ chạm lại một thói quen, sợ bắt gặp hình ảnh của Đào còn vướng lại đâu đó trên vách nhà, trên cây đinh móc áo mà Tánh ít khi về nhà. Người ta thấy Tánh vơ vất ngồi đâu đó ở một gốc cây hay dầm mình xuống nước dọn cỏ bờ, đắp lỗ mội.

Lúa sạ hai ngày thì trời đổ mưa, rễ lúa bắt đầu bám đất. Tánh ngồi nhìn từng nhánh lúa vươn mình cựa dậy trong khi người trong xóm ai cũng bỏ ruộng, mấy cơn mưa dữ dội cũng không làm họ xốn xang khi quyết tâm trồng cỏ, trồng năn. Miếng đất của Tánh nằm giữa hai miếng ruộng mà chẳng miếng nào trồng lúa cho nên họ chẳng mảy may đến việc giữ nước ngọt trong vuông, họ cứ mặc tình xả nước vào ra. Mấy cái lỗ mội cũng vì thế mà ri rả nước. Đám lúa non của Tánh bị nhiễm mặn, ngọn lúa bắt đầu vàng lá, Tánh cũng mệt nhoài với việc đắp lỗ mội ngăn nước mặn tràn qua. Bữa Tánh đứng lấp ló ngoài cổng rào ngó vô nhà của ông Sáu Dần, tụi con nít như nín thở trong nhà, tay cầm khúc củi canh Tánh như canh ăn trộm. Tánh bóp chặt cái nón nhìn ông Sáu Dần.

“Chú đừng xả nước mặn vào nữa. Mấy cái lỗ mội tràn qua làm lúa con xèo gần hết rồi”

Ông Sáu Dần hắt cằm về phía Tánh.

“Ruộng nhà tao. Tao muốn mần gì thì mần. Có ngon mày kiếm tiền sang đất tao đi”

Tánh bỏ ra về. Cái máu giang hồ trong Tánh nằm im đâu đó trong cuộc đi về chao chát. Bà Sáu Dần cứ nắm tay ông chồng giật ngược, hơi sức đâu nói chuyện với thằng du côn đó. Mấy cơn mưa đâu có rửa trôi hết mặn, đám ruộng cũng vì thế mà lụn dần. Đám ruộng cỗi cằn như lòng người kinh Mương Củi. Thím Sáu tạt qua nhà mang theo tô canh khổ qua dúi vào tay Tánh.

“Ăn đi cho qua cái khổ. Thua keo này mình bày keo khác”

Không biết có còn cơ hội nào cho Tánh bày vẽ ước mơ, khi miếng đất sắp đến hạn trả lại mà Tánh chẳng còn tiền mướn lại. Thím Sáu dù có thương đến quặn lòng thì cũng phải cần tiền để lo cho đám con cái học xa nhà. Thím Sáu biểu Tánh ăn cơm mấy lần mà anh cứ lặng thinh ngó lên trời chờ mưa.

Đất người ta, người ta muốn làm gì thì làm mình đâu có cản nổi. Khi những thân lúa cuối cùng không thể nào chống chọi lại với nước mặn, với những ngày nắng gắt. Tánh bửa đập cho nước tràn vào nhấn chìm đám lúa lụn. Người kinh Mương Củi đi ngang cười cợt.

“Đồ cái thứ mắc đằng dưới, đương không bửa đập rồi ngồi trên bờ coi chơi”

Tánh ngồi trên bờ, cay đắng.

“Đất của tui. Tui muốn mần gì thì mần”

Cả tháng trời ruộng đồng bỏ trống, mặc tình với con nước lớn ròng. Tánh xuống đắp lại cái đập, thuốc cá chuẩn bị cho mùa tôm mới. Nghĩ, trụ lại ít lâu, biết đâu Đào về. Thím Sáu dúi vào tay Tánh năm phân vàng “đem bán lấy tiền mua tôm giống”. Một mùa vụ mới lại bắt đầu, với hy vọng ít ỏi còn sót lại. Chiều chiều, người kinh Mương Củi lại chắp tay sau đít ngó lên trời đong đếm từng mùa nắng hạn. Cây ớt cuối cùng trong vườn rau Đào trồng cũng đã gục chết chỉ còn lại khoảng đất trống trơn mà ghim cây gì vào cũng thấy lẻ loi. Tánh đóng khung bức tranh Đào thêu còn dang dở treo lên vách nhà ngồi ngắm bâng quơ. Không biết lúc găm từng đường kim mũi chỉ lên ngôi nhà gắn với khung cảnh thanh bình, Đào đã mơ những gì? Chỉ biết lúc đó, Tánh đã vui ran trong bụng.

***

Lái cân tôm lắc đầu khi nhìn thùng tôm sứt đầu, đỏ vỏ nhà ông Sáu Dần với nhà ông Bảy Mít. Sau một đêm, bầy tôm hai nhà nổi đầu lên rủ nhau chết tưng bừng, đàn cò đáp xuống đậu chật ních cả vuông tôm.

Tánh nhảy xuống vuông đắp lỗ mội, sợ dịch bệnh tràn qua vuông. Ông Sáu Dần đứng trên bờ ngó xuống tức anh ách, miếng đất chính giữa chẳng có hề hấn gì trong khi hai miếng đất cặp bên tôm chết đầy đồng, đâu ra chuyện nghịch đời như vậy. Công an xã dạo một vòng quanh hai miếng ruộng, chai thuốc trừ sâu nằm xớ rớ cặp mé vuông tôm. Bà Bảy Mít dắt công an xã lại chỉ thẳng mặt của Tánh, mấy chú bắt thằng này đi, chỉ có nó mới tàn ác cỡ đó. Tánh nhếch miệng cười rồi bỏ lại những ánh nhìn căm phẫn. Sau mấy cuộc mời lên mời xuống công an cũng từ bỏ vì chẳng có chút manh mối gì. Dân Mương Củi lâu lâu lại thấy bà Sáu Dần đứng trong nhà cầm gương bát quái hướng về vuông tôm của Tánh quơ quơ miệng lẩm bẩm, bà Bảy Mít còn lập bàn cầu cho cái đứa thuốc chết tôm nhà bà chết không toàn thây. Cả xóm mất một tháng chia nhau rình Tánh, coi động tĩnh thế nào nhưng chỉ thấy thằng giang hồ lầm lì vào ra phì phà khói thuốc.

– Sáu có tin lời của mấy người trong xóm không?

Tánh hỏi, lúc nằm trên võng lắc lư bên làn khói thuốc bay trắng xóa.

– Mấy người đó tiếc của quá rồi khùng. Nước thì mặn như muối, nắng thì muốn sảng. Tao còn muốn sống không nổi nữa chứ đừng nói chi tới tôm cua. Họ nói mỏi miệng rồi thôi, bây để bụng làm chi.

Thím dừng chổi quét sân ngó Tánh mà thở dài, mấy lần thím biểu Tánh đi hớt tóc, cạo râu mà Tánh lì lì, “cắt rồi cũng có ai coi”.

Rồi chuyện xảy ra lúc tóc Tánh vẫn chưa kịp cắt. Tôm chết. Hai bên bờ vuông, người ta đứng thành hàng như ăn mừng một chiến tích vẻ vang. Tánh vẫn ngồi bất động trong khi thím Sáu xoắn quần lội vớt tôm chết đem về làm khô. Đàn cò lại kéo từng bầy đậu trắng dưới vuông, hết đàn này rồi lại đến đàn khác. Giàn ka-ra-ô-kê bên nhà bà Bảy Mít vẫn chơi hết lốc, tiếng nhạc xập xình nghe đến nhức cả tai. Ông Sáu Dần hát cái gì mà “ố de, ố de đáng đời”. Bà Bảy Mít mang thau xoong ra trước nhà gõ vào bôm bốp. Những tiếng nói cười cứ hòa lẫn vào màn đêm đặc quánh như đắp dày thêm nỗi đau của Tánh.

Rồi cũng phải dậy đi dở lú, tôm sống chết gì thì cũng phải vớt lên. Cuộc vui nhà bà Bảy Mít vẫn chưa có dấu hiệu tan. Đêm sâu dần. Chiếc dầm trên tay Tánh bỗng dưng nặng trịch, từng ngọn lân tinh phát sáng dưới dòng nước mặn chát cứ gieo vào lòng anh nỗi vô vọng. Nghĩ, không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì để sống. Xuồng cập bờ, ngó lên chực thấy bờ vuông bên cạnh, ông Sáu Dần bá vai ông Bảy Mít oang oang.

– Biết vậy quăng thêm chai đề-xít nữa cho chết tiệt cho rồi.

Sau câu nói đó, người kinh Mương Củi lâu lắm mới thấy hai ông già ngồi đánh cờ với nhau vào những buổi chiều hiu hắt nắng. Ông Sáu Dần bị chém ngang bụng, kinh hoàng ngó đồng bạn Bảy Mít giãy giụa sau ánh thép lóe lên. Bàn tiệc hoang tàn, đám trẻ con trong nhà khóc ngất, bà Bảy Mít bỏ lại chồng con nhảy xuống sông bơi như trối chết, bà Sáu Dần chui xuống sàn nằm im không dám thở. Tánh vừa huơ dao phay vừa gào rú ghê rợn, thím Sáu đứng bên ngoài khóc thét. Tiếng của thím Sáu bị tiếng chó sủa xua đi, bị tiếng nhạc bập bùm làm lạc đi nên Tánh đâu có nghe thấu.

Người đầy máu, Tánh về châm lửa đốt nhà mình, rồi ngồi im lúc nhà chức trách đến mang anh đi.

“Đi đi, đáng lẽ thím phải kêu bây đi sớm hơn mới phải, đừng có về đây nữa, cái đất này có gì mà lưu luyến”

Thím Sáu đã nói vậy, trong lúc ngồi cạnh Tánh chờ nhà chức trách tới. Câu nói khiến Tánh khóc nấc lên, không, cái đất này còn một bà già thấu hiểu trước sau, bao dung, độ lượng. Lúc đó, Tánh đã không kịp nói lời xin lỗi, vì đã phụ lòng thím, vì đã để thú tính xổ lồng.

Nhưng lúc bước chân xuống Tánh đã nghĩ mãn án rồi mình cũng phải về, để nói với thím Sáu, rằng anh nhận ra người ta nên sống vì người yêu thương mình, chứ không phải người ghét bỏ mình. Và chỉ cần có một người yêu thương thôi, cũng đủ.