Nhà văn LÊ TRÂM
Quê quán: xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Hiện sinh sống và làm vệc tại Quảng Nam
Tốt nghiệp ĐHSP Huế
Đã công tác tại Phòng Giáo dục và đào tạo Quế Sơn.
Hiện là biên tập viên văn xuôi của tạp chí Đất Quảng.
Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam
Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, Hội Nhà văn VN

Ông bắt đầu có tác phẩm in trên tuần báo Tuổi Ngọc (năm 1974).
Đã học lớp Bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội VHNT tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức năm 1987. Tham gia Lớp sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 1994.
Có tác phẩm in trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Diễn đàn văn nghệ (Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam), báo Tiền phong, Văn nghệ TP HCM, Người Lao động, Thanh niên, Sông Hương, Văn nghệ Nha Trang, Văn nghệ Bình Định, Văn nghệ Cà Mau, Văn nghệ Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Văn nghệ Thái Nguyên, Non Nước, Đất Quảng, Đà Nẵng, Quảng Nam…. Và các trang mạng vanvn.net, vannghequandoi.vn, damau.org, vanchuongviet.org, thanhnien.vn …

Giải thưởng: Liên tiếp 4 lần đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng mười năm, cho: tập truyện ngắn Lai lịch một thành hoàng, Một giấc hồ điệp, Phía gió biển không còn ai, và tập tiểu thuyết Bến cạn
Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2010, 2014, 2016, 2018
Tặng thưởng truyện ngắn năm 1993 của báo Tiền Phong với truyện ngắn Đêm dịu dàng.

Đã in: 5 tập truyện ngắn, 3 tập truyện dài, 1 tiểu thuyết, 4 tản văn, bút ký, tiểu luận, tạp văn

  • Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng mười năm 1985-1995 với tập truyện ngắn Lai lịch một thành hoàng-
  • Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ I mười năm (1998-2008) với Tập truyện ngắn Một giấc hồ điệp
    -Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II (2008-2013) với tiểu thuyết Bến cạn
    -Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III (2014-2018) với tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai.

-Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2010 với tập truyện ngắn Một giấc hồ điệp
-Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2014 với tập tiểu luận – tạp văn Nghe vọng tiếng đồng.
-Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2016 với tiểu thuyết Bến cạn.
-Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2018 với tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai.

– Tặng thưởng truyện ngắn năm 1993 của báo Tiền Phong với truyện ngắn Đêm dịu dàng.

Tác phẩm đã in: 

Một giấc hồ điệp (Tập truyện ngắn- NXB Hội Nhà văn, 2007),
Tý cô nương (Truyện dài- NXB Đà Nẵng, 1994)
Mơ về phía chân trời (Truyện dài-NXB Đà Nẵng, 2004. NXB Kim Đồng tái bản năm 2017),
Tìm lại thời gian (Tập truyện ngắn-NXB Đà Nẵng, 1999),
Bức tranh gửi lại (Truyện dài-NXB Kim Đồng, 1996),
.Lai lịch một thành hoàng(Tập truyện ngắn-Hội VHNT QN-ĐN, 1992),
Nghe vọng tiếng đồng( Tập tiểu luận & tạp văn-NXB Đà Nẵng, 2010),
Bến cạn(Tiểu thuyết- NXB Đà Nẵng, 2014)
Phía gió biển không còn ai(Tập truyện ngắn – NXB Trẻ, 2016)
Đêm nguyệt bạch(Tập truyện ngắn- NXB Trẻ, 2018)
Về yêu xứ rượu Hồng Đào(Tản vănt- NXB Đà Nẵng, 2018)
Với hình bóng thời gian (Tiểu luận&tạp văn – NXB Hội Nhà văn, 2020)
Rơi một nốt trầm(Bút ký- Tản văn- NXB Hội Nhà văn, 2022)

Mỹ nhân sinh ra từ nước

Truyện ngắn. LÊ TRÂM

 Tôi theo Diễm rời con đường chạy vào núi, đi theo cái ngõ nhỏ hơn, rẽ vào xóm. Dáng Diễm thướt tha giữa buổi chiều muộn đẹp đến nao lòng. Con đường rợp bóng tre chợt hiện ra ngôi đền nhỏ quay mặt về hướng đông, người dân ở đây gọi là Dinh, khiêm tốn nép dưới bóng lá, xung quanh trồng toàn sứ, loại có hoa màu trắng, màu của sự tinh khiết như có lần Diễm giải thích và tôi ừ à cho qua chuyện. Diễm khẽ bảo, mình vào đây đi anh, Mẹ nghỉ ở đây. Một tấm đá sa thạch tạc những dòng chữ cổ ngoằn ngoèo, có lẽ ghi thần tích người được thờ trong đền. Ban thờ phía trong, quen thuộc như nhiều điện thờ khác với một bức tượng bày ngay ngắn chính giữa phủ tấm vải đỏ. Bà vốn là người phụ nữ không có khuôn mặt cụ thể nhưng rất thiêng, sau này người ta tạc nên tượng theo ý tưởng của người thờ phụng. Phía sau là một ngôi mộ đá, rộng độ tám tấc, dài hơn hai mét, như mộ người trần. Diễm nói nhỏ, mộ Bà đây. Một luồng gió lạnh bất chợt thổi qua. Người tôi lạnh ngắt. Một khắc xuất hồn, như Bà vừa mới bay thoảng qua. Có cảm giác, vạt áo của ai đó vừa chạm vào lưng tôi. Nghe có cả mùi hương thoang thoảng, vừa huyền hoặc vừa chân thực như người trần đã từng sống, qua đời và lưu lại nhiều thần tích. Người thì bảo bà là cô công chúa xinh đẹp con của vua Mây. Người nói là dũng tướng hi sinh ở phía bên kia đèo, xác trôi xuống… Còn các nhà nghiên cứu cho rằng, ấy là Mẹ Xứ Sở. Dân đánh cá thì nói, bà là Mẹ, Mẹ Sông.

Ngày xưa, lễ tế Bà tổ chức mỗi năm hai lần vào tháng hai và tháng năm âm lịch. Sau này, chỉ một vào hai ngày đầu trung tuần tháng hai. Hội được tổ chức bởi Hội tín hữu. Họ chia làm ba nhóm: Đại diện các gia đình giàu có, có học; bà con trong làng; những người sùng bái Bà ở các làng lân cận. Mỗi nhóm dâng một mâm cúng riêng, gồm có tam sanh: trâu – heo – dê hoặc bò – heo – gà. Phẩm vật cúng tế bắt buộc phải có là nghé chông, được chọn lựa công phu. Đó là loại nghé tơ, khoẻ mạnh, đẹp, sừng cong hài hoà, màu đen nhánh. Đuôi dài, thẳng, chòm lông đuôi dài và đen mượt. Sinh thực khí không tì vết. Nghé không mổ ruột mà để sống nguyên con sinh. Trâu nghé trở thành vật hiến sinh thiêng liêng, nhằm thể hiện lòng thành tâm của dân làng trong khát vọng cầu an và cầu mùa màng quanh năm tươi tốt.

Diễm vẫn thủ thỉ bên tai, chuyện xưa chuyện nay đan xen. Năm nay ông Bảy cũng có về dự lễ tế Bà, anh ạ. Ông Bảy nào? Ông đấy! Nàng kéo tôi về phía người đàn ông mặc áo dài màu trắng, đầu quấn khăn trắng cao nghệu đang đứng tư lự một mình ở góc sân. Ông già gật đầu chào Diễm. Năm nay cô cũng về à. Diễm dạ nhỏ, như gió thoảng. Ông Bảy vẫn khoẻ chớ ạ. Người đàn ông khẽ cười. Nhờ phước Bà, tui vẫn khoẻ, cô à. Khi quay qua phía tôi, tôi kịp nhận ra đôi mắt rất sáng, khá lạ với một người tầm tuổi ông. Cậu là… Dạ, bạn cháu đó. Diễm nhanh nhảu đáp lời. Người đàn ông cười nhẹ, gật đầu, vẻ vừa ý. Phải về chớ cô. Tầm tuổi này rồi, làm được cái gì thì làm ngay. Liếc nhanh qua phía tôi, ông tiếp. Giữ cái gì được thì giữ, không còn thời gian đi tìm nữa. Diễm hơi đỏ mặt, miệng dạ nho nhỏ. Mong sang năm lại gặp ông Bảy, chúc ông Bảy mạnh khoẻ, bình an trong sự chở che của Bà. Cảm ơn cô, tui cũng mong vậy. Thiệt ơn Bà. Cả đời tui vẫn nhớ.

Khi chỉ còn lại hai đứa, Diễm hỏi tôi có thấy ông Bảy lạ không. Tôi phân vân một chút. Mái tóc dài à? Diễm gật đầu. Sinh ra được hai tuổi thì ông bịnh nặng, đầu cứ đau như búa bổ tưởng sắp chết đến nơi không thuốc gì chữa khỏi. Có người mách gia đình mới đưa ông ra tận đây. Từ trong Nam xa xôi ra tới đây phải nói thiệt kì công. Nghe Bà mách, người nhà ông lên tận núi Hóc Tó bên kia đèo kiếm đủ mười hai thứ lá, sắc uống khoảng nửa năm thì cơn đau đầu dịu hẳn. Ông để tóc dài, quấn vòng quanh đầu từ đó. Cũng mấy chục năm rồi. Ông bảo, cứ mỗi lần cắt tóc là cơn đau trở lại. Đau như chết đến nơi, nên cứ bới lên cao mãi, phải dùng chiếc khăn mới giữ được phần tóc nghểu nghện dài mấy mươi năm đời ông.

Khi Bà qua đời, theo lời dặn của Bà, nghi thức tẩm liệm chỉ dùng hoa lá. Linh cữu được quàn ở đình làng bảy ngày bảy đêm. Các vị chức sắc ngày đêm túc trực lo hương khói. Một đêm, khắp làng nghe hương hoa sứ bay toả thơm nức. Nắp áo quan bị bật tung, ngó vào, bên trong chứa đầy hoa sứ trắng, tuyệt nhiên không thấy thân xác Bà. Từ đó, vào những năm làng xóm bị hạn hán, lụt lội, dân tình đói khổ Bà đều linh ứng hiện về cứu giúp. Mọi người coi Bà là vị thần bảo hộ cho cư dân sống trên cạn và cả những người sống bằng nghề sông nước.

Câu chuyện dài dằng dặc mà Diễm vẫn nhớ như in, như người thuyết minh tour du lịch chuyên nghiệp. Một không khí huyền hoặc diễm ảo, đẹp đẽ và đáng kính.

Nhà Diễm sát chân núi. Vùng này lắm núi nhiều đồi. Trên một khoảng bằng phẳng cao nhất từng tồn tại một khu kĩ nghệ danh tiếng một thời. Nếu không có chiến tranh, vùng này đã phát triển chứ chẳng chơi. Ở đó còn một sân bay dã chiến tồn tại suốt những năm chiến tranh. Ba Diễm bảo khi chi khu quân sự quận bị quân giải phóng cô lập, muốn đi về thành phố nhiều khi phải đi nhờ máy bay quân sự hoặc dân sự. Đi bằng đường bộ thì vất vả vô cùng, thậm chí phải đổi bằng tính mạng. Thế, hồi ấy người ta sống thế nào? Tôi hỏi và bất giác nghĩ, con người là một sinh thể kì diệu, khắc nghiệt thế mà vẫn tồn tại được. Thì cũng phải sống chứ anh. Cả nhà em chỉ đi một chuyến xa làng, vừa đi vừa chạy, chuyến ra phố ấy, rồi thôi, mãi tận ngày hòa bình mới quay về. Hồi ấy, xóm làng không còn chút dấu vết nhà cửa, chỉ thấy lau cỏ bạt ngàn tít tắp từ bờ sông lên tận chân núi. Phải dò dẫm theo những bờ ruộng nhão nhoét, đầy những cỏ, men theo cảm giác bom mìn đầy rẫy dưới chân mà tìm về quê xứ. Thỉnh thoảng, một bựng khói bốc lên kèm theo những tiếng nổ chát chúa. Những tiếng kêu khóc dậy trời. Những chiếc cáng khiêng người bị thương chạy vội về phía bệnh viện huyện. Có người may mắn thoát chết, nhiều người không qua khỏi. Diễm bị ám ảnh bởi những chiếc cáng ấy. Những mảnh vườn được dọn dẹp sơ sài với căn nhà đơn sơ mong trú đỡ cho qua ngày được cất lên, những đám ruộng, những thổ khoai, sắn được khai hoang dần dần, hơn hai năm mọi chuyện mới tạm ổn. Rồi Diễm vào lớp 1, trường ở xa tít dưới chợ, phía gần sông. Đi học mỗi ngày mỗi khổ, nhất là mùa mưa…

Sao anh lại cười? Anh hỏi lễ hội cúng Bà ngày ấy ra sao hả? Diễm ngơ ngác khi tôi cắt ngang sang chuyện lễ hội. Có tổ chức đâu mà biết ra sao. Thiên hạ lo cái ăn đến mụ cả người còn đâu mà lễ với hội. Lễ hội mới phục dựng lại những năm gần đây thôi, khi mọi thứ đã dần ổn định. Lo phần xác xong mới lo nổi phần hồn chứ anh. Em tham gia lễ rước nước lần đầu tiên khi vào lớp mười. Người ta chọn mấy con bé cao ráo, khoẻ khoắn, lanh lợi và xinh một chút vào đội. Giọng Diễm đầy vẻ tự hào. Chắc xinh nhứt làng. Tôi nheo mắt ngắm Diễm. Em cũng không biết nữa. Hồi ấy còn bé tẹo và ngây thơ lắm. Chỉ thấy bọn con trai cùng lứa len lét nhìn em cứ như nhìn… người trời, phải thức trắng cả đêm chờ đến giờ đi rước nước. Nhà ở xa nên đi sớm từ hai ba giờ sáng. Bốn giờ đã vào lễ rồi. Xắn quần lội ra tận mép nước, leo lên thuyền rồi ngược lên tận phía bên kia đèo, nơi ngày xưa Bà tử trận, là nghe người ta bảo vậy. Đi trên sông giữa đêm thinh vắng, cảm giác lạ lắm anh à. Thấy vô cùng linh thiêng cho nên ngày thường vốn mồm mép ồn ào nhưng đến khi lên thuyền đứa nào đứa nấy miệng im thin thít. Các lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ đại tế tại Dinh Bà tổ chức trong hai ngày. Chiều ngày hôm trước, lễ rước sắc được tiến hành oai nghiêm với các đội hình: lân, cờ đại, cờ ngũ sắc, nhạc cổ, trống chiêng, kiệu rước sắc, lính hộ tống, đội hình rước lễ gồm các bô lão và phụ nữ. Những trang phục rực rỡ của các dân tộc Việt, Chăm… rộn rã khắp những cung đường đẹp ven một khúc sông dài. Lễ rước nước là phần sôi động nhất, rực rỡ nhất của lễ hội tế Bà, được tiến hành từ sáng sớm ngày chính lễ trên không gian rộng lớn từ thượng nguồn của sông phía bên kia đèo Phường Rập Cu về tới Dinh Bà bằng cả thuyền và đám rước bộ đông đến cả ngàn người. Nước được rước về Dinh để tắm rửa thần vị và cũng dùng để làm nước cúng. Lễ Đại tế được cử hành, là phần lễ long trọng nhất. Lễ vật chính để tế là một con trâu đực còn nguyên đã được làm sạch lông, da phết huyết đỏ thắm được cúng cùng một mâm xôi trắng lớn; ngoài ra còn có nhiều loại bánh trái đặc trưng quanh vùng và nhiều nơi khác do khách thập phương cúng dường. Phần hội gồm mấy đêm hát bội, đua ghe và thả hoa đăng trên sông, các trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao vui nhộn.

Diễm đột nhiên im lặng, mắt long lanh, như đang đắm mình vào lễ hội ấy.

Tôi quen Diễm trong dịp đi điền dã sưu tầm văn học dân gian vùng bán sơn địa của khoa Văn. Hồi ấy, Diễm là cô bé cấp ba trường huyện. Hơi đen một chút, cao lêu khêu và cái cười lấp lánh nắng. Diễm có nét cười rất lạ, ngặt nghẽo, có khi gập cả người xuống mà cười. Bà nội tôi bảo người có kiểu cười ấy thường sướng. Mà Diễm đâu có sướng. Có lần tôi hỏi, đã xém yêu ai chưa. Diễm che miệng. Ơ, hỏi chi lạ. Vô duyên rứa nà. Bọn con trai thấy bọn em đi rước nước dưới Dinh Bà có vẻ e sợ, cứ lảng dần. Chưa có đứa mô dám tán tỉnh gì. Coi bộ ế không chừng. Vậy thì oan cho tụi em quá anh hì. Cũng tại Bà nữa, sao lại quá linh thiêng đến vậy. Linh kiểu ni coi bộ chết hết con cháu. Diễm bấu vai cô bạn gái đi cùng, mắt liếc sáng và sắc như dao cau, rồi tiếp tục cười. Chỉ có mi là sướng, lắm mối hì. Lắm mối tối nằm không. Cô bạn gái đấm lưng Diễm rồi cả hai đuổi nhau chạy quanh cây sứ già đang trổ hoa trắng muốt.

Khi cả hai quay lại, cô bạn nói thầm vào tai tôi. Hồi nhỏ Diễm bị đẻ rớt anh ạ. Ngay tại bến sông. May mà có người cứu kịp cả hai mẹ con nó. Coi vậy chứ nó tội nghiệp lắm anh. Không biết rồi sau này nó có bị làm sao không nữa. Tôi sửng sốt, đứng như trời trồng, không thốt nên lời.

Mình vào đây đi anh. Diễm bỏ mũ, bỏ giày, kéo tôi bước tới trước điện thờ rồi quỳ nghiêm ngắn, hai tay chắp trước ngực. Hồi đi điền dã tôi mấy lần vào điện nhưng chưa lần nào xin Bà điều gì. Vả lại, hồi ấy, lăng Bà còn quá hoang sơ, đường vào phủ đầy cỏ dại và ít người vào viếng trừ những ngày lễ hội. Tôi thì công việc ngập đầu, định mấy lần rủ Diễm qua bên kia sông chơi mà đâu đã đi được. Bây giờ, trong nghiêm trang hương trầm, nhìn Diễm hiền dịu quỳ gối trước điện thật đáng yêu như một con chiên ngoan đạo. Diễm nhắm mắt, miệng lâm râm cầu nguyện điều gì không rõ. Nhìn Diễm tự dưng tôi muốn quỳ xuống, ôm nàng thật chặt. Diễm quay lại giục khẽ: Anh vào đây quỳ với em. Tôi quỳ xuống. Anh cầu xin Bà đi. Xin gì. Tôi hỏi nhỏ. Thì tuỳ anh chứ, ai biết được. Hôm nay chưa vào hội nên còn vắng chứ ngày mai đố mà chen chân nổi. Tôi chạm tay lên vai nàng rồi ngước mắt nhìn lên tượng Bà. Cảm nhận rất rõ không khí linh thiêng và mối giao hoà kì lạ giữa con người và thần linh. Hèn gì Diễm tin Bà đến vậy. Có lẽ Diễm cũng như nhiều cô gái ở đây, đặc biệt là những cô gái từng tham gia cùng lễ rước nước mỗi dịp lễ tế Bà mà tôi hay gọi là những người đẹp sinh ra từ nước. Diễm, đôi khi có gì đó thật là lạ, khó gần. Có phải vì thế mà nàng cứ mãi lận đận?

Chia tay khá nhiều năm, một bữa tôi bất ngờ nhận được điện thoại, giọng nói vừa lạ vừa quen. Anh còn nhớ em không. Tôi chưa kịp trả lời nàng đã buông tiếng cười trong vắt rồi tiếp. Em là Diễm, xưa thiệt là Diễm, nhưng chừ không biết có còn là Diễm nữa không chẳng biết được. Tôi đang phân vân giữa các thể loại con gái mang tên như nàng thì giọng Diễm như reo lên. Diễm rước nước á. Năm nay người ta tổ chức lễ tế Bà rất lớn, mình về đi anh. Giọng Diễm mềm, thủ thỉ nhưng tha thiết pha chút quyết đoán. Có vẻ rằng anh phải về thôi, không có lựa chọn nào khác. Dịp lễ tế Bà, nhiều người lưu lạc phương xa cả ở nước ngoài cũng tìm về, mình là… thứ gì đâu, cứ loay hoay mãi đã đời rồi có thêm được gì không. Lại nhớ lời ông Bảy, phải về chứ, về để nương nhờ Bà, xin Bà chút lộc. Tôi, thêm một ý nghĩ nữa, rằng phải về hỏi Diễm cho rõ, tại sao ngày đó lại lạc nhau. Lạc đến từng ấy năm.

Sao hôm ấy Diễm không đến. Tôi chờ suốt cả đêm. Đó là câu đầu tiên gặp nhau tôi hỏi Diễm. Gương mặt Diễm thoáng bối rối. Có cảm giác như có một đám mây đen kéo qua. Tối sầm. Diễm vân vê mấy ngón tay cuốn lấy mép váy.

Rất lâu, Diễm mới trả lời. Anh biết thằng Cư chớ. Nhà nó gần chỗ anh ở trọ… Nhớ. Bà chủ nhà bảo nó là thằng chuyên đi phá làng phá xóm. Mà sao…

Diễm bật khóc.

Đêm ấy… Nó… Em…

Tôi bật đứng dậy. Nó đang ở đâu.

Diễm lắc đầu trong nước mắt. Tù rồi. Sau một vụ án giết người trên bãi vàng Thung Máu.

Người Diễm cơ hồ muốn rũ xuống.

Sao anh gọi nhiều lần em không nghe máy?

Diễm im lặng.

Tôi muốn ôm Diễm vào lòng như cái hôm nàng cùng tôi quỳ trong Dinh Bà nhưng không hiểu sao cứ đứng bất động. Những hình ảnh từ năm nào xa xôi trôi qua rất nhanh trong đầu. Vậy là cô gái đi rước nước năm nào vẫn không được Bà che chở. Tại sao. Thế mà đám con trai bạn nàng ngày trước cứ bảo nàng là người của trời, người của Bà.

Mình vào đây đi anh. Vào viếng Bà.

Giọng Diễm nhỏ, quen thuộc như mười mấy năm trước.

Tôi khoác vai Diễm đi vào khoảng sân rộng. Lâu không có người, sân tràn hoa sứ trắng. Lá rơi ngập lối đi. Và tràn ngập hương thơm. Tôi thoáng rùng mình nhớ lại câu chuyện Diễm kể về cái hôm người ta khâm liệm Bà vốn đã rất xa xưa và huyền hoặc. Nhiều năm trước, chắc Diễm đã trải qua một đêm tối khủng khiếp. Hồi ấy, công việc không cho phép tôi nấn ná lại để chờ gặp Diễm. Không ngờ câu chuyện kinh hoàng đã xảy đúng vào đêm định mệnh.

Em cũng đi từ hồi ấy. Mãi đến bây giờ mới về lại. Diễm bảo.

*

*       *

Diễm chết khi thuyền bị đắm bởi một cơn gió chướng, ba ngày sau mới tìm thấy. Xác nàng trôi lẩn quẩn ở đoạn sông phía trước lăng Bà. Người ta đồn Diễm được Bà thương, chọn và gọi đi. Thì đó, còn chút xíu nữa là thuyền cập bến, đang trời yên sóng lặng, cơn lốc ở đâu bất ngờ nổi lên đột ngột. Con thuyền quay mòng mòng hồi lâu. Khi ngớt gió, dòm lại mới thấy mất con bé, còn lại không ai suy suyển chi hết. Không phải Bà về “dẫn” nó đi thì là cái gì?

Người ta đồn, đêm ấy, trong tù, thằng Cư cũng hộc máu ra mà chết. Cả thất khiếu nhuộm đầy máu.

Nghe bảo, khi tìm thấy Diễm, nàng như đang nằm ngủ trong bộ áo quần lụa màu xác pháo. Tóc xõa dài, mắt nhắm nghiền, hai hàng mi dày rợp đôi mắt, như đang mơ, đẹp và hiền dịu. Cứ như một mĩ nhân đến từ một thế giới nào đó không có thực, một người đẹp sinh ra từ nước. Đến từ nước và ra về cùng nước.

L.T