“Tôi cứng và lạnh, tôi là một cây cầu, tôi nằm trên khe núi. Ngón tay tôi bíu lấy bờ bên này, ngón chân tôi bíu lấy bờ bên kia, tôi móc chặt tôi vào trong đám đất sét đang vỡ tan dần. Cặp đuôi áo khoác phe phẩy bên sườn tôi. Xa bên dưới, dòng suối cá hồi lạnh buốt chảy ầm ĩ. Chẳng có du khách nào lạc bước đến độ cao không thể vượt qua này, bởi cây cầu vẫn chưa được đưa lên bất kỳ một bản đồ nào. Vậy nên, tôi nằm và chờ đợi; tôi chỉ có thể chờ đợi. Nếu không đổ xuống, thì không một cây cầu nào, một lần đã bắc qua, có thể thôi không làm cầu.
Ảnh minh họa
Cho đến một chiều nọ – đấy là chiều đầu tiên hay chiều thứ một ngàn? Tôi không thể nói – ý nghĩ của tôi luôn rối mù và thường xuyên di chuyển lòng vòng. Mãi cho đến một buổi chiều mùa hè, tiếng gầm của con suối trở nên trầm hơn, khi tôi nghe thấy bước chân của một con người! Đến tôi, đến tôi. Hãy vươn thẳng mình ra, hỡi cây cầu, hãy sẵn sàng, hỡi sàn gỗ không lan can, để giữ vững bước chân vị khách đã đặt niềm tin vào mày. Nếu bước chân hắn không vững, thì hãy kín đáo giữ vững chúng, nhưng nếu hắn vấp ngã thì hãy chứng tỏ chất liệu mày được làm và giống như một vị thần núi hãy quẳng hắn lên bờ bên kia.
Hắn đến, hắn tát tôi bằng mũi của cây gậy, đoạn hắn nâng đuôi áo khoác của tôi bằng cây gậy ấy rồi đặt chúng ngay ngắn lên người tôi. Hắn thọc mũi nhọn của cây gậy vào mái tóc bù xù của tôi và để nó nằm ở đó hồi lâu, hiển nhiên hắn đã lãng quên tôi trong lúc man dại nhìn chằm chằm khắp xung quanh. Nhưng rồi – ngay lúc tôi đang ruỗi theo ý nghĩ hắn qua núi và thung lũng – hắn nhảy cả hai chân lên chính giữa người tôi. Tôi quằn quại vì nỗi đau tột độ, không biết chuyện gì đang xẩy ra. Ai vậy? Một đứa trẻ? Một giấc mơ? Một du khách bộ hành? Một vụ tự sát? Một kẻ xúi giục? Một kẻ huỷ diệt? Và tôi quay vòng để nhìn hắn. Một cây cầu quay vòng! Tôi chưa quay hết vòng thì đã bắt đầu rơi xuống, tôi rơi và trong khoảnh khắc, tôi bị xé toang và bị cắt thành từng mảnh bởi đám đá nhọn cứ đăm đăm thản nhiên nhìn tôi từ dòng nước đang chảy xiết”.
Franz Kafka
Đọc, hiểu Kap-ka là điều không hề dễ dàng với nhiều bạn đọc (phổ thông). Tuy nhiên, may mắn là đã có những nhà nghiên cứu, phê bình – những bậc thầy… có thể gợi ý cho ta một cách hiểu nào đó để cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái “phi thường” trong văn của Kap-ka. Dưới đây là những trang phân tích của PGS.TS Lê Huy Bắc về truyện ngắn trên:
“Người đọc dễ tìm thấy trong tác phẩm của Kap-ka sự chuyển dạng giữa loài vật, đồ vật sang người như Chó sói, Khỉ, Chuột, Mèo, Cây cầu… Những nhân vật này không chỉ mang đặc tính đa dạng của con người, mà thậm chí chúng còn có thể kể lại câu chuyện của chúng. Cây cầu là một người kể chuyện: “Tôi cứng và lạnh, tôi là một cây cầu, tôi nằm trên khe núi. Ngón tay tôi bíu lấy bờ bên này, ngón chân tôi bíu lấy bờ bên kia, tôi móc chặt tôi vào trong đám đất sét đang vỡ tan dần. Cặp đuôi áo khoác phe phẩy bên sườn tôi. Xa bên dưới, dòng suối cá hồi lạnh buốt chảy ầm ĩ”.
Dưới cái nhìn nhân hóa, cây cầu trở thành một con người. Nó có thể miêu tả ngoại diện “tôi cứng và lạnh, tôi là một cây cầu, tôi nằm trên khe núi”, miêu tả trang phục “cặp đuôi áo khoác phe phẩy bên sườn tôi”, miêu tả cảm giác đau đớn, “tôi quằn người vì nỗi đau tột độ”… Tất cả những điều đó cho thấy cây cầu đích thực là một con người. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là Kap-ka miêu tả cây cầu làm ẩn dụ cho thân phận con người hay chỉ xem cây cầu là một nhân vật ngụ ngôn thông thường? Rõ ràng, ông thiên về hướng ẩn dụ. Bởi lẽ, cây cầu hay bất kỳ một nhân vật loài vật nào đó của Kap-ka cũng đều được đặt trong hệ quy chiếu gián tiếp với hiện thực. Trong khi đó cách làm của ngụ ngôn là quy chiếu trực tiếp. Do vậy, nếu muốn hiểu truyện Cây cầu thì người đọc phải trừu tượng hoá nó, phải vừa xem nó là cây cầu với sự tồn tại và thảm hoạ của riêng nó, đồng thời cũng xem đó là ẩn dụ cho thân phận con người. Khác với ngụ ngôn cổ, Kap-ka không lấy một đặc điểm nổi bật nào đó của cây cầu để ám chỉ đặc điểm tính cách nào đó của một lớp người. Cây cầu có sinh mạng bản thể của nó: nó nằm trên một khe núi nơi chẳng có du khách nào đến bởi nó chưa được đưa lên bản đồ, vậy nên nó kiên nhẫn nằm chờ đợi, cho đến một buổi nọ, một vị khách đến cây cầu sẵn sàng phục vụ khách với khả năng tốt nhất. Vị khách làm cây cầu đau. Cây cầu quay người lại để xác định vị khách thuộc loại người nào. Cây cầu rơi xuống vỡ tan.
Điểm đột biến của truyện là ngay tại thời điểm cây cầu quay lại, thì nó không còn là cầu nữa. Rõ ràng câu chuyện thấm đẫm yếu tố thần thoại này không hề giới hạn nội dung của nó ở một cây cầu. Sự tồn tại của nó được tập trung vào các trạng thái: cô đơn, mong chờ giao tiếp, sẵn sàng phục vụ, hiến dâng, bị đối xử tàn tệ, bội bạc nên tự huỷ hoại. Các trạng thái này thì chẳng thể nào là trạng thái của một cây cầu vô tri vô giác được. Đấy chính là cái nhìn của Kap-ka, của thời đại đã ám lên nó. Nên nó có một lô-gic nội tại bi đát đến tột cùng: “Vậy nên, tôi nằm và chờ đợi, tôi chỉ có thể chờ đợi. Nếu không đổ xuống, thì không một cây cầu nào, một lần đã bắt qua, có thể thôi không làm cầu”. Cần ghi nhớ, bên dưới cầu là vực thẳm, hai mố cầu là “lớp đất sét đang vỡ tan dần”, cây cầu đang chờ đợi trong tình thế nguy hiểm. Nó có thể “thôi làm cầu” bất kì lúc nào. Nó cần có người xác định bản thể nó là bước qua cầu.
Nhưng ân nhân lại hoá thành ác nhân. Ác nhân này không xác định được mục đích hành động. Có lẽ, ngay cả ác nhân cũng là nạn nhân của một ác nhân khác. Cái lo-gic móc xích vòng vo vô tận, tội nhân của một thế lực này là ác nhân vô thức của một ai đó thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm Kap-ka. Đây chính là bầu không khí bí hiểm giăng kín mọi trang viết của ông. Cây cầu trong cơn đau đớn vô cùng tận, quay mình lại là để xác định vị khách kia là ai: “Một đứa trẻ? Một du khách bộ hành? Một vụ tự sát? Một kẻ xúi giục? Một kẻ hủy diệt?”. Hàng loại câu hỏi được đưa ra nhưng cây cầu vẫn không tìm được lời đáp, bởi ngay khi vừa quay mình lại thì cây cầu đã thực hiện hành động tự huỷ diệt. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cây cầu như thế bao gồm cả khách thể lẫn chủ thể: một lực tác động đến, một lực phản hồi lại nên cả hai (chắc thế) không thể tồn tại. Nhưng hành động của cả chủ thể và khách thể đó đều không chủ định hướng đến sự huỷ diệt. Cả hai đều chỉ vô tình mà thôi.
Sự vô tình luôn được Kap-ka sử dụng như một động lực thúc đẩy câu chuyện. Hai đối tượng nào đó vô tình gặp nhau, gây tác hại cho nhau mà không hề biết mối nguy cơ từ hành động của mình. Đấy chính là sự ngẫu nhiên, một dạng của cái phi lí. Nhưng nếu nghĩ kĩ, người đọc sẽ nhận ra rằng dường như đằng sau sự vô tình đó còn có bàn tay sắp đặt nào đó của một thế lực vô hình mà các đối tượng đụng độ kia không thể nào tránh khỏi. Cái vô tình với Kap-ka vì thế trở thành cái vô tình – hữu tình. Vẫn có một sự sắp đặt nào đó tiềm ẩn đằng sau những hành động phi lí của nhân vật Kap-ka. Điều đó càng khẳng định việc có một sự giật dây ngầm ẩn đối với các nhân vật kia, ngay cả khi chúng chỉ là một cây cầu.
Cây cầu có một ẩn dụ tích cực: được làm cây cầu, chịu mọi hiểm nguy, dâng hiến cuộc đời mình cho con người. Thế nhưng những ước vọng cao cả đó lại gặp phải một sự thờ ơ, không thấu hiểu: “Hắn đến, hắn tát tôi bằng mũi sắt của cây gậy” rồi “hắn nhảy cả hai chân lên chính giữa người tôi. Tôi quằn người vì nỗi đau tột độ”. Bóng dáng của xã hội, thời đại đã in dấu. Mọi mục đích tốt đẹp của con người rất có thể sẽ trở thành vô nghĩa nếu con người không chịu tìm hiểu nhau, cứ sống theo ý nghĩ chủ quan của chính mình.
Thế nhưng vẫn còn cách hiểu khác: qua miêu tả của tôi – cây cầu, người đọc sẽ không thể xếp nhân vật hắn vào một dạng người nào. Chỉ biết hắn là một hệ hành động lỗ mãng, chứ không biết vì sao hắn lại hành động như thế. Phải chăng, đó là bản tính của hắn? Phải chăng trong cơn cùng quẫn muốn gieo mình xuống vực sâu tự sát nên hắn có hành động như thế? Tình huống nào cũng có thể chấp nhận. Bầu không khí hoang mang, gợi mở ngập tràn tác phẩm. Kap-ka là chủ nhân của sự bí hiểm đó. Các con rối của ông vẫn tiếp tục hành động ngay cả khi người đọc biết nó đã rơi tõm xuống đáy vực sâu…”.
(Trích từ “Nghệ thuật Phran-dơ Káp-ka”, Nxb Giáo dục, 2006)