Truyện ngắn của Nguyễn Hội

Mùa hè năm ấy, khi tôi còn là sinh viên năm thứ ba trường Đại học Nông Lâm Thành phố, Thương gửi cho tôi một nhành ô môi. Những cánh hoa không còn tươi hồng như khi mới nở hay sẫm hồng thời điểm căng đầy viên mãn. Những cánh hoa mềm mại cong cong ôm uốn lấy nhau từa tựa những cánh ti gôn miên man màu nhớ, nhưng sắc của chúng chẳng đỏ tươi màu máu như loài hoa ấy. Những cánh ô môi trong chiếc hộp gỗ thông được người gửi gói buộc rất cẩn thận đã chuyển sang một màu tím tái rưng rưng úa sầu.

Ô môi rụng đầy bay theo gió… Sắc hồng dằng dặc bến sông… Ảnh minh họa: I.N

Tôi cầm chiếc hộp gỗ đựng nhành ô môi đã ngả màu ấy trên tay, cứ vậy mà đứng sững dưới gốc cây sao đen bên sân ký túc. Trong tôi cứ có một cảm giác xao động ngơ ngẩn. Dường như nhành ô môi đã gợi lại cho tôi cả một khung trời thân thuộc, mà tôi đã buông đâu đó trong góc ký ức.

Thuở ấu thơ, tôi và Thương cùng lớn lên bên khúc sông quê hiền hòa trong mát. Lũ trẻ con trong xóm hồn nhiên nô đùa dưới bóng mát của rặng ô môi chạy dọc con kênh Sông Trăng. Con sông thơ mộng chảy như tấm lụa màu nước trời. Ô môi cứ hồn nhiên mọc. Khắp vùng Đồng Tháp Mười, loài ô môi mọc tràn xuống cả miền Tây Nam Bộ.

Dưới sông, những con đò qua lại, mái chèo ràn rạt hòa cùng những câu ca day dứt.

Ô môi rụng đầy bay theo gió… Sắc hồng dằng dặc bến sông…

Thường nghỉ chân dưới gốc cây giữa buổi trưa nắng nóng nhưng những người dân lam lũ chẳng mấy khi để ý đến vẻ đẹp của loài cây này. Có lẽ bởi chúng cứ thế tự sinh ra, mọc tự nhiên lặng lẽ ở bất cứ nơi nào có thể. Cho đến một ngày, trong cái nắng chói chang của những ngày nửa cuối mùa khô cạn kiệt, cây ô môi tự mình trút bỏ toàn bộ lớp lá già nua nhàu úa. Ở mỗi mắt lá nhú ra chi chít những nụ hoa hồng hồng, nho nhỏ, xinh xinh. Những nụ hoa ấy cứ từ từ lớn lên, từ từ bung nở thành từng chùm bông ô môi nở kín những nhành cây, buông thõng khắp thân cây, hồng tươi rực rỡ cả một góc trời. Khi ấy mọi người mới ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm nhưng chẳng kém phần lộng lẫy kiêu sa của loài hoa này.

Nhà ngoại của Thương bên bến sông. Cây ô môi già trùm lên mái lá đơn sơ nhưng ríu ran tiếng cười đùa của bọn trẻ con làng trên xóm dưới. Buổi chiều, khi ngọn khói xanh lam bắt đầu vờn bay trên cành lá, ngoại kể cho những đôi mắt ngây thơ đang quây quần dưới chân mình nghe câu chuyện về sự tích cây ô môi. Câu chuyện được kể đi kể lại nhiều lần. Để rồi sau câu chuyện ấy, trong chúng tôi là biết bao điều suy tưởng.

Giờ đây nhìn nhành ô môi trên tay, tôi lại như nghe tiếng của ngoại em rủ rỉ ngày nào…

***

Ở vùng đất nọ có đôi trai gái người Khmer tha thiết yêu nhau. Chàng tên là Thạch Kha Phiếp, nàng tên là Om Nhô Nhâm. Nhà Kha Phiếp nghèo, hàng ngày chàng phải đi cày thuê, cuốc mướn và làm mọi công việc nặng nhọc khác. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Kha Phiếp rất thật thà, chịu thương, chịu khó. Ai nhờ việc gì cũng làm giúp, có người trả công bằng tiền, có người trả công bằng gạo, bằng bắp. Có nhiều người khó khăn quá, gặp việc, Kha Phiếp giúp không công. Mới mười chín tuổi mà Kha Phiếp đã là một tráng niên lực điền nổi tiếng khắp vùng. Những cơ bắp của chàng cuồn cuộn, mái tóc xoăn ôm trọn lấy khuôn mặt rám nắng khiến bất kể người con gái nào cũng đem lòng yêu mến.

Còn nàng Nhô Nhâm lại có hoàn cảnh khác. Cha nàng là chúa đất, người dân ở phum Rứ Sây trèo lên ngọn cây thốt nốt cao nhất, nhìn mỏi mắt vẫn chưa hết đất nhà nàng. Mười tám tuổi, nàng Nhô Nhâm đẹp như một tiên nữ Apsara giáng trần. Đôi mắt to tròn lấp lánh, làn da sáng đen, nhu mì, huyền bí. Nàng sở hữu những đường cong tuyệt mỹ. Trong những đêm hội múa lâm thôn, đám con trai trong vùng dù đi vòng tròn quanh bếp lửa mà đôi mắt vẫn hướng về đôi bàn tay mềm mại của nàng. Họ ao ước được nàng chọn làm chồng, vừa có được sắc trời ngà ngọc, vừa được thừa hưởng gia sản giàu có của gia đình nàng trong ngày “gối đôi”. Dù là con trong gia đình danh gia thế phiệt, nhưng nàng Nhô Nhâm lại rất chịu khó và thương người. Chính trong những lần mang cơm cho thợ cày, thợ gặt mà nàng đã đem lòng yêu mến chàng Kha Phiếp. Tình yêu đến từ đôi mắt biết nói của cả hai người.

Khi tình yêu của chàng và nàng cháy bùng lên như ngọn lửa của thần mặt trời. Chàng Kha Phiếp đánh bạo nhờ người mai mối để được mặc áo xà rông màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài màu trắng sánh duyên cùng nàng Nhô Nhâm xúng xính trong bộ váy xăm pốt màu tím sẫm với chiếc mũ truyền thống đính đầy những chuỗi hạt lấp lánh. Trang phục trong đám cưới của người Khmer ngày xưa là thế. Nhưng như ngọn lửa vừa mới nhen lên đã bị một cơn gió mạnh, lạnh lùng thổi tắt. Vì không môn đăng hộ đối, cho nên chuyện hôn nhân của hai người bị gia đình chúa đất thẳng thừng từ chối. Chàng Kha Phiếp buồn bỏ đi lang thang hết cánh rừng này sang cánh rừng khác cho khuây khỏa nỗi lòng. Đau khổ vì bị cha cấm cản, nàng Nhô Nhâm cũng bỏ nhà ra đi tìm người yêu. Nhưng bặt vô âm tín. Rồi một ngày, kiệt sức vì quá mệt mỏi, nàng gục chết bên bến sông, trên thảm cỏ xanh vô tận. Nơi nàng nằm xuống bỗng mọc lên một loài cây kỳ lạ. Thân cây mảnh dẻ, da cây trơn bóng và sáng đen như da người phụ nữ Khmer. Lá cây tươi tốt rì rào trò chuyện cùng đàn chim mỗi sớm mai và mỗi hoàng hôn buông xuống.

Sau ba năm rời bỏ quê nhà ra đi, một ngày chàng Kha Phiếp trở về quê hương nhưng trong lòng còn nặng trĩu. Về đến bến sông, giữa lúc đang mệt, chàng nghe tiếng lá cây hân hoan chào đón. Thế là chàng ngồi xuống, trong làn gió mơn man, chàng Kha Phiếp thiếp đi từ lúc nào không biết. Trong giấc mơ, chàng nghe tiếng lá cây rào rào trút xuống, lẫn trong gió là tiếng nàng Nhô Nhâm khóc thương kể lể vì nỗi nhớ nhung, xa vắng người yêu. Rồi bỗng tiếng khóc than ngưng bặt, những lời thủ thỉ, tâm tình, những tiếng hát ngọt ngào yêu thương ngày nào của người yêu lại cất lên khiến chàng Kha Phiếp bàng hoàng tỉnh giấc.

Trước mắt chàng, cảnh tượng như trong giấc mơ hiện ra. Toàn bộ lá cây đã rụng xuống, nhường chỗ cho những bông hoa hồng tươi rực rỡ. Những bông hoa tượng trưng cho tình yêu thủy chung, son sắc của nàng Nhô Nhâm dành cho người yêu không bao giờ thay đổi. Chàng ôm ghì lấy thân cây như thân thể người yêu cũ. Hết mùa xuân những bông hoa vẫn còn rực rỡ. Chàng vẫn ở dưới gốc cây cho đến khi những chùm quả đen tuyền đung đưa trong gió. Chàng lấy xuống thử ăn thì thật diệu kỳ, vị cơm ngọt ngào, đậm đà như môi hôn người yêu ngày nào.

Người dân trong vùng thấy chàng trai ngày ngày vẫn ở dưới gốc cây lạ bèn hỏi sự tình và tên cây. Chàng cũng không biết gọi tên cây là gì, nhưng với chàng đây là cây mà chàng vô cùng yêu quý. Ngẫm nghĩ rất lâu, cuối cùng chàng gọi đó là cây “chhơ muôi”, tiếng Khmer nghĩa là cây số một. Từ đó chàng dành hết sức lực và tình yêu đem hạt giống cây “chhơ muôi” đi trồng khắp nơi. Cho đến một ngày sức tàn, lực kiệt, chàng ôm lấy thân cây rồi thân thể chàng cùng nhập vào với thân cây làm một. Những cây “chhơ muôi” chàng trồng ngày càng lớn nhanh như thổi. Khi chín già, trái cây rụng xuống. Dòng nước hiền hòa đưa hạt giống đi khắp nơi, gặp điều kiện thuận lợi hạt cây vươn mình trỗi dậy.

Về sau này, không biết vì lý do gì, người ta đã đọc trại tên cây thành ô môi. Nhưng câu chuyện tình buồn thì không bao giờ thay đổi…

***

Mỗi lần nghe ngoại kể hết câu chuyện, Thương thường bảo:

“Đời chúng mình sau này chẳng bao giờ phải buồn giống chuyện cây ô môi này đâu anh Kiên nhỉ!”.

Tôi không hiểu em định nói điều gì, cũng không biết tình bạn của hai đứa sau này rồi sẽ ra sao, nhưng từ ngày còn nhỏ chúng tôi đã chơi thân với nhau như hình với bóng.

Những buổi trưa hè, lũ trẻ con trong xóm rủ nhau ra dưới rặng ô môi chơi trò trận giả. Hai bên đánh nhau bằng những “thanh kiếm” oai phong lẫm liệt, là những quả ô môi to dài. Thương luôn luôn ở cùng “phe” với tôi. Dù lực lượng hai bên có hơn thiệt thế nào, bao giờ tôi cũng bảo vệ em cho bằng được. Và khi “trận chiến tàn”, bao giờ chúng tôi cũng bẻ vụn “thanh kiếm” để thưởng thức những hạt cơm ô môi vừa ngọt ngào vừa hăng hắc thấm trong hơi thở. Cơm ô môi bám đầy hàm răng, tím đen đầu lưỡi. Chúng tôi nhìn nhau cười vang cả một triền sông.

Ngày tôi lên thành phố nhập học, Thương tiễn tôi ra đến bến sông, nơi có rặng ô môi đong đầy kỷ niệm. Khi ấy hoa ô môi đã nở rực cả bến sông. Tôi ngắt một cành ô môi cài lên mái tóc đen dày, óng mượt của em. Những cánh ô môi hồng tươi làm nụ cười của Thương thật dịu dàng. Em ngập ngừng nép nhẹ vào bờ vai tôi như muốn thầm nói một điều gì.

Như có một luồng điện chạy khắp cơ thể, tôi lấy hết can đảm ôm em vào lòng và khẽ thổ lộ lời tỏ tình đầu tiên trong cuộc đời.

Thương khẽ đẩy tôi ra rồi nhẹ trách:

“Tưởng không bao giờ anh Kiên nói lời yêu em chứ”.

Tôi hơi ngượng ngùng nhưng kịp trấn tĩnh:

“Sao em lại nói như vậy?”.

Thương không nhìn tôi. Đôi mắt em nhìn ra xa phía dòng sông đang chảy nhẹ nhàng rì rào dưới kia.

“Thì anh chí lớn, vẫy vùng trăm sông ngàn núi, sá gì em chốn quê nghèo lạc hậu này”.

Ôi, tưởng chuyện gì.

Tôi ôm ghì Thương, nói như với chính mình:

“Cho dù vật đổi sao dời, tình yêu của anh dành cho em sẽ không bao giờ thay đổi, anh xin thề…”.

Chẳng để tôi nói hết câu, Thương đã lấy tay ngăn lại. Chúng tôi đứng bên con sông có rặng cây ô môi hồng rực. Hai trái tim vụng về bối rối lần đầu tiên biết thế nào là hương thơm của xóm làng bến bãi đang quyện vào nhau, thắp lửa trong nhau. Tôi đã hôn em trong sự vụng về bối rối đó.

Dù học trên thành phố nhưng lòng tôi vẫn nôn nao hướng về quê nhà, nơi có người yêu ngày đêm mong nhớ. Mỗi kỳ nghỉ là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc của tôi và em. Những đêm trăng sáng, tôi thường dẫn em ra bến sông, ngồi dưới rặng ô môi tâm tình trò chuyện. Đêm trước ngày tôi trở lại trường để bước vào năm học thứ ba, một cảm giác rất lạ dâng trào trong cả hai đứa.

Thương bảo:

“Ngày mai anh lên thành phố rồi, biết khi nào chúng mình mới được gặp lại?”

“Thì tới tết anh sẽ về mà”, tôi vô tư trả lời em.

Giọng Thương chợt chùng xuống, em nói với tôi mà như nói với chính mình:

“Có đêm em mơ thấy mình như nàng Nhô Nhâm trong chuyện cây ô môi anh ạ!”.

Tôi ôm em vào lòng, thủ thỉ:

“Thì em là nàng tiên, là nàng Nhô Nhâm xinh đẹp tuyệt trần bước ra từ cổ tích mà”.

Vẫn cái giọng nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều điều tâm sự, em nói rất nhỏ:

“Nhưng chuyện tình của nàng Nhô Nhâm và chàng Kha Phiếp buồn lắm, họ yêu nhau nhưng không thuộc về nhau. Đã từ lâu rồi em luôn gìn giữ cho anh. Nhưng không biết ngày mai sẽ ra sao”.

Đêm ấy trăng sáng lắm, ánh trăng xuyên qua ngọn cây ô môi soi rõ từng sợi tóc của em vương trên đôi bờ vai trắng trong mát rượi. Ánh trăng chảy tràn xuống khuôn ngực của em căng đầy. Ánh trăng mát lạnh như cái màn khổng lồ che chở cho chúng tôi, thúc giục bản thể tinh khiết cứ sục sôi sự dâng hiến và khám phá.

Một lá thư rơi ra từ trong hộp gỗ. Tôi run run cúi nhặt thư như một linh cảm không tròn đầy.

“Anh. Em đi đây. Không mong ngày gặp lại.

Thương ngày xưa của anh”

Tôi bàng hoàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi chạy như điên dại trên ngọn đồi trồng cây của trường. Tôi không hiểu gì hết. Có lẽ tôi cũng chưa hiểu hết em, không hiểu được những người con gái đẹp như em muốn gì. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu tháng ngày, không lẽ chỉ còn lại một dòng chữ vô hồn kia. “Thương ngày xưa của anh”. Còn em giờ của ai?

Tôi cứ lang thang vô định suốt những ngày sau đó. Bao oán hận, trách móc tôi dồn hết cho em.

Đời như vô nghĩa.

Tôi vùi đầu vào học và đi làm thêm. Tôi tự cười chính mình, rằng thời gian sẽ xoá nhoà mọi vết đau trong lòng, rằng làm thằng con trai sao phải vướng bận những thứ nay đã không thuộc về mình. Tôi không muốn hỏi thăm ai ở quê về Thương. Tôi nhìn những người con gái nơi phố thị bằng ánh mắt khó chịu. Họ không hơn gì Thương của tôi ngày xưa. Nhưng có lẽ họ hơn em của hôm nay, bởi họ vẫn đang loanh quanh xung quanh những thằng con trai như tôi, dù chỉ là hỏi xem tôi hôm nay đã sống ra sao, ngày mai sẽ làm những gì…

***

Cho đến ngày tốt nghiệp ra trường tôi mới trở về thăm nhà.

Về đến bến sông xưa, tôi đi thật mau để không phải nhìn thấy rặng ô môi đau buồn kỷ niệm. Nhưng chân tôi cứ ríu lại khi nhìn thấy nếp nhà của ngoại em.

Dù sao, ngoại của em cũng là hình ảnh đẹp của tuổi thơ chúng tôi. Tôi rẽ vào cái lối nhỏ quen thuộc.

Ngoại rờ rẫm cánh tay tôi, như trách móc:

“Tội nghiệp con nhỏ. Năm trước, ngoại bị bệnh tim thập tử nhất sinh, nhà lại chẳng có đồng nào thuốc thang, chạy chữa. Lúc đó có đứa cháu họ xa lấy chồng bên Đài Loan về thăm. Thấy hoàn cảnh khó khăn, nó nói để nó lo tất. Mổ chữa, may mắn ngoại cũng tạm khỏi bệnh, nhưng cũng hết cả trăm triệu đó con. Ngoại khỏi bệnh cũng mừng nhưng lại lo không biết lấy tiền đâu mà trả cho người ta. Thế rồi, không hiểu chị em tụi nó bàn bạc thế nào, con bé nói sẽ theo chị sang bên ấy làm ăn lấy tiền trả nợ cho chị. Nó đi rồi mới biết, chị họ nó mai mối cho nó sang bên ấy là đi lấy chồng. Người ta mua vợ, chứ có phải đi làm ăn gì đâu. Mấy tháng sau mới có thư về. Nó kể cũng may gặp được gia đình người ta tử tế. Nó nói bên đó mọi thứ đủ cả, chỉ phải cái nhớ nhà thôi. Thằng chồng nó bảo, khi nào đẻ con cho nó thì nó sẽ cho về thăm nhà”.

Tôi ngồi trân nghe ngoại em kể.

Nỗi đau âm ỉ trong lòng tôi như lặng đi, chỉ còn lại sự xót xa và nỗi buồn thương trào lên. Ngoài bến sông, những cánh hoa ô môi hồng rực. Ô môi không tỏa hương cho người đời nhận thấy, cứ rực rỡ hồn nhiên sắc màu dưới nắng chiều. Mà sao tôi cứ như cảm thấy thoảng mùi hương dịu ngọt, mùi hương bến bãi của tuổi thơ ngây. Hay ô môi còn lưu giữ mùi hương mái tóc em còn vương trên bến sông ngày nào…

Tôi đi ra bến sông.

Mặt sông vẫn trong xanh lặng lẽ chảy, những hạt nước trôi theo dòng êm đềm. Rặng ô môi đang giữa mùa nở hoa rực rỡ.

Trong ánh hoàng hôn đang từ từ buông xuống, sắc hồng hoa ô môi hòa vào màn trời một màu tím ngắt. Như cánh ô môi xưa.

Tân Hưng, 3.2022

Nguồn: Báo Lao Động

Exit mobile version