Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Vịnh.

Gồm các truyện sau:

1. Ngọc bút vẫn nở hoa

2. Hào quang của đất

3. Mối tơ vò

4. Cạm bẫy

5. Giấc mộng buồn

Nhà văn Đào Quốc Vịnh

Sinh năm 1955

Quê quán: Hà Nội.

Thời phổ thông, ông đang học cấp 3 thì nhập ngũ. Sau hai năm phục vụ trong quân đội, ông được xuất ngũ trở về địa phương, và theo cha đi làm thợ mộc.

Đầu năm 1974 ông quay lại học nốt chương trình phổ thông tại Trường cấp 3 Dương Xá, Gia Lâm Hà Nội, rồi thi vào khoa Văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Vì đạt điểm thi cao, ông được gọi vào học tại khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhưng vì những lý do của thủ tục hành chính lúc bấy giờ, ông nhận giấy gọi đại học và nhập học muộn hai tháng, nên phải chuyển sang học khoa tiếng Nga hệ đào tạo trong nước của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học ông được phân công lên làm giáo viên dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc, sau đó chuyển về công tác tại một đơn vị trực thuộc Bộ Nội Thương, sau thành Bộ Thương Mại và nay là Bộ Công Thương.

Vốn là một người yêu và khát vọng được dấn thân vào con đường văn chương từ khi còn cắp sách đến trường, nhưng vì những thăng trầm của cuộc sống mưu sinh, mãi đến khi đã ở độ tuổi xế chiều, bước sang phía dốc bên kia của cuộc đời, ông mới cầm bút. Ông sáng tác thơ, từ thơ lục bát, đến thơ tự do, thơ dành cho thiếu nhi.

Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 và tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình khi lấn sân sang sáng tác văn xuôi từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Nhưng dù là làm thơ hay viết văn, thì trong mỗi trang viết của ông vẫn mang hơi thở của cuộc sống đương đại, với những chất liệu sống ngồn ngộn mà một đời lăn lộn, làm nhiều nghề, đến nhiều nơi để kiếm sống nuôi thân đã chất chứa trong ông.

Cho đến nay, sau gần năm năm cầm bút, ông đã cho ra đời được tám tác phẩm văn học, trong đó có sáu tập thơ, một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, ngoài ra là những tác phẩm văn học thuộc thể loại thơ và truyện ngắn đăng rải rác trên các báo trung ương và địa phương.

Tác phẩm đã xuất bản:

Cây ngọc bút vẫn nở hoa – tập thơ, NXBHNV 2018; Tình thơ – tập thơ NXBHNV 2019; Ước mơ của em – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2020; Em yêu nhà mình – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2021; Trăng Thề – tập thơ NXBHNV 2022; Hào Quang của đất – tập truyện ngắn NXBHNV 2022; Những Đôi Mắt Khoảng Trời – tập truyện NXBHNV 2023; Nắng Trong Mưa – tập thơ NXB HNV 2023.

Khi nói về mình, ông từng viết, “ta như ngọn nến bỏ quên”.

Ngọn nến văn chương Đào Quốc Vịnh đã bùng lên ngọn lửa tận hiến và sẽ tiếp tục mang đến cho bạn đọc những tác phẩm thơ, và văn xuôi trong những dự án mà ông đang theo đuổi thực hiện.

Mối tơ vò

Tôi và Hạnh vốn cùng học một lớp hồi phổ thông. Chúng tôi mỗi đứa mỗi làng, nhưng học với nhau cùng một lớp từ hồi học lớp một. Cũng chẳng hiểu chúng tôi thân nhau và ngồi cùng bàn với nhau từ ngày nào, mà suốt ngần ấy năm học phổ thông hai đứa chúng tôi, tuy là khác giới nhưng luôn như hình với bóng, luôn ngồi chung một bàn. Bọn bạn cùng học thì dứt khoát rằng chúng tôi có tình cảm khác giới với nhau. Riêng tôi, chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ yêu Hạnh. Nhưng nếu không may, vắng Hạnh một ngày thậm chí một buổi là tôi cảm thấy trống trải vô cùng, khiến tôi cứ ngóng đợi Hạnh. Vậy mà chỉ một thoáng nghĩ đến việc chúng tôi yêu nhau là tôi thấy xấu hổ, người tôi nóng ran lên như sắp mất đi một cái gì hết sức thiêng liêng và cao quý mà tôi cảm nhận thấy nó đang hiển hiện hàng ngày giữa tôi và Hạnh. Rồi tốt nghiệp trung học phổ thông, trước lúc chia tay nhau, Hạnh dúi vào tay tôi một mảnh giấy gập làm tư, nét mặt đỏ bừng lên và đôi mắt luôn nhìn thẳng của Hạnh bối rối nhìn đi nơi khác, cố tránh cái nhìn của tôi. Miệng Hạnh lúng búng mãi mới nói được một câu: “Gửi Hiền cái này!”. Nói xong Hạnh chạy vù đi, không cần biết tôi đứng đấy ra sao nữa…

Tôi vào học sư phạm tiểu học ở Hà Nội, còn Hạnh học công nghệ thông tin bên bách khoa. Cứ tối thứ năm và tối thứ bảy hàng tuần là Hạnh đến thăm tôi. Tôi luôn vui vẻ tiếp Hạnh nhưng cố lờ cái tờ giấy gấp tư mà Hạnh dúi vào tay tôi lúc chúng tôi chia tay nhau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Rồi Hạnh cũng mạnh dạn nắm lấy tay tôi và hỏi trong hơi thở ngắt quãng:

– Hiền trả lời tôi đi! Hiền có yêu tôi không?

– Hạnh ơi! Mình sợ…!

Bàn tay đàn ông của Hạnh nóng hôi hổi đang truyền vào cơ thể tôi một cảm xúc rất lạ. Cả thân thể tôi nóng bừng lên, mắt tôi như hoa lên, tai như ù đặc. Đất dưới chân tôi như sụp đổ. Tôi run rẩy không sao trả lời được, chỉ biết ngoan ngoãn ngả vào lòng anh, phó mặc tất cả cho anh và cảm nhận được hương vị ngọt ngào của tình yêu anh trao cho tôi. Đêm ấy Hạnh ở lại phòng trọ với tôi. Lần đầu tiên tôi có cảm giác của một cô gái được yêu và tôi hoàn toàn không muốn xa anh. Cả hơn chục năm trời học phổ thông bên nhau tôi luôn thần tượng tình bạn gữa hai chúng tôi, thần tượng đến mức tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc sẽ có một lần chúng tôi khẽ chạm vào tay nhau. Nhưng khi bàn tay anh nắm lấy tay tôi thì tôi đã hoàn toàn bị khuất phục. Sau đêm hôm đó chúng tôi thuê một căn phòng rộng khoảng hai chục mét vuông rồi dọn về sống chung với nhau. Cuối tuần Hạnh đưa tôi về quê thăm bố mẹ hai bên.

Cả bố mẹ tôi và bố mẹ Hạnh đều lo chúng tôi không biết giữ gìn. Bố tôi thường nhắc tôi trước lúc Hạnh sang đón đưa tôi đi lên trường: “Con nhớ giữ gìn! Leo cau đến buồng rồi, con ạ. Đừng để người ta cười chê con nhé!”. Mỗi lần nghe bố dặn, tôi chỉ khẽ lí nhí trong miệng, còn lòng dạ thì rối bời, giả bộ quay đi nơi khác cố tránh cái nhìn của bố.

Tôi tốt nghiệp sư phạm trước Hạnh một năm. Bố tôi đã lo cho tôi một chỗ làm ở trên Yên Bái. Tôi về ngay quê mình dạy học, còn Hạnh ở lại Hà Nội học nốt năm cuối Đại học. Những tháng đầu, anh thường xuyên về thăm tôi vào thứ bảy và chủ nhật. Chúng tôi ước hẹn sẽ xây dựng hạnh phúc bên nhau. Xa anh, tôi cảm thấy trống trải đến vô cùng. Chiều chiều bước trên sân trường, trong tiếng nô đùa ầm ỹ của lũ học trò, lòng bỗng nhớ về anh đến nao lòng.

Chỉ vài tháng sau thôi tôi bỗng chợt nhận ra anh ít quan tâm đến tôi hơn. Khoảng cách giữa những lần anh về thăm tôi cũng thưa dần. Tôi trách thì anh ôm lấy tôi dũi dũi cái cằm nhọn của anh vào cổ tôi hứa sẽ thường xuyên về với tôi hơn.

Lần nghỉ học kỳ một năm ấy tôi lặng lẽ xuống Hà Nội thăm anh mà không báo trước. Tôi vào đến nhà trọ nơi anh nghỉ thì bất chợt nghe có tiếng thì thầm của phụ nữ vọng ra. Tôi đứng như trời trồng. Tim tôi đập rộn lên. Cổ tôi nghẹn lại và mặt mũi tôi tối sầm. Từ trong nhà vọng ra là tiếng cười rúc rích của hai người. Tôi cố dán mắt nhìn vào căn phòng qua khe cửa. Phía trong căn phòng có tiếng đùa giỡn nhau của anh với một người phụ nữ khác, đồ đạc bày la liệt, phía dưới chân giường một đôi guốc cao gót màu đỏ của phụ nữ nằm lổng chổng. Trên chiếc ghế tựa của anh là chiếc quần con phụ nữ còn mới mầu hồng vứt vội. Chỉ suýt nữa thôi là tôi quỵ xuống. Nhưng tôi gượng đứng dậy, cố kéo lê thân xác mình ra ngoài đầu phố, gọi xe ôm đưa ra bến xe về ngay Yên Bái. Về đến nhà tôi nằm vật ra, không ăn, không ngủ, nằm ly bì mất mấy ngày mới đi làm được.

Chính tôi là người đã quyết định chia tay anh. Viết xong lá thư, tôi gửi ngay cho anh, lòng nặng trĩu một nỗi buồn. Hạnh có về tìm tôi thanh minh và xin tôi tha thứ, nhưng tôi quyết chia tay. Chúng tôi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả. Tôi đi lấy chồng sau anh một năm. Tôi chỉ mang máng nghe tin anh lấy vợ người Hà Nội, có nhà cửa bố vợ cho nhưng không hỏi anh sống ở phố nào.

Sau khi lấy chồng, tôi ở Yên Bái một thời gian, chừng năm bảy năm thì cùng chồng chuyển về Hà Nội sống. Chồng tôi làm cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn tôi về dạy học tiểu học ở một trường tư thục trong trung tâm thành phố. Tôi được phân công dạy lớp một. Trường nơi tôi dạy học có phong trào viết chữ đẹp rất sôi nổi. Hàng tuần nhà trường tổ chức buổi luyện chữ đẹp cho cả giáo viên và học sinh. Tôi được giao luyện chữ cho nhóm học sinh có khả năng và kết quả học các môn ở đầu dưới. Trong nhóm có mười học sinh thì mỗi em một hoàn cảnh, nhưng tôi đặc biệt chú ý tới hai cậu con trai sinh đôi tên là Trọng Nghĩa và Trọng Trí. Cả hai đều trắng trẻo đẹp trai và đều có đôi mắt to, đen tròn và cặp lông mày giao nhau rậm nom như một đường thẳng. Tôi cảm thấy khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt của cặp song sinh này rất quen thuộc, như tôi đã gặp ở đâu rồi thì phải. Trong số hai em thì Trọng Nghĩa khá hơn cả về mặt nhận thức cũng như về sức khỏe thể chất. Nghĩa ra trước nên là anh, tiếp thu chậm hơn Trí. Nhưng so với mặt bằng chung của lớp thì cả hai anh em Nghĩa Trí đều chậm và phát âm còn ngọng nhiều. Hàng ngày có một người đàn ông chừng 70 tuổi đi chiếc xe cup 50 cà tàng, nai nịt gọn gàng, đầy đủ mũ bảo hiểm, áo chống nắng, khẩu trang cho cả ba ông cháu. Lần đầu gặp tôi ông tỏ ra hơi nhún nhường và có chút khúm núm nhờ vả làm tôi thật khó xử. Giữa học kỳ một, sau khi biết điểm thi của hai cháu chỉ trên trung bình, trước giờ lên lớp ông vào lớp gặp tôi nài nỉ xin sửa lại điểm cho hai cháu. Tôi nói hết nước hết cái để ông ra về, nếu cần tôi sẽ giúp đỡ hai cháu hoàn toàn tự nguyện là bồi dưỡng thêm ngoài giờ miễn phí cho hai cháu, nhưng ông nhất quyết không nghe, cứ nằng nặc muốn được tôi sửa ngay điểm cho hai cháu. Ông nhìn ngang nhìn dọc, rồi nhìn khắp lớp một lượt và nhanh như cắt, ông rút vội cái phong bì ra dúi vào túi sách của tôi, miệng luyến thoắng: “Trăm sự nhờ cô giáo ạ! Dạ, tôi xin cô giáo ạ!” Vừa nói, ông vừa chày ù ra ngoài như một cơn gió thoảng, nhanh đến nỗi tôi không kịp phản ứng gì cả, chỉ biết ngây người ra cho đến khi tiếng trống vào lớp điểm lên sáu tiếng tôi mới kịp trấn tĩnh trở lại.

Giờ ra chơi giữa giờ, tôi vội vàng giở tập bài kiểm tra ra xem lại. Trong hai em Nghĩa và Trí thì Trí được kết quả kiểm tra cao hơn, điểm bảy môn toán, riêng môn tiếng Việt, phân môn tập đọc chỉ được năm điểm, các phân môn chính tả và tập viết đều được bảy điểm. Còn Nghĩa được điểm thấp hơn. Môn toán em được sáu điểm, riêng các phân môn của môn tiếng Việt chỉ được bốn điểm rưỡi, theo quy định của Bộ được làm tròn số lên năm điểm.

Đầu giờ chiều, tôi liên lạc với gia đình qua hệ thống tin nhắn điện tử để mời đại diện gia đình đến gặp, trao đổi một số vấn đề về việc học tập của hai em Nghĩa và Trí đồng thời có ý kiến với gia đình về việc ông của hai cháu xin sửa chữa điểm.

          Cuối giờ chiều hôm ấy, khi tất cả học sinh đã về gần hết thì người đàn ông buổi sáng dúi vào túi tôi chiếc phong bì mới tất tả bước vào phòng học của lớp gặp tôi. Tôi nhẹ nhàng chào hỏi ông, rồi hỏi:

          – Thưa bác, bác là thế nào với hai em Nghĩa và Trí ạ?

          – Dạ, thưa cô giáo! Tôi là ông ngoại của hai cháu Nghĩa và Trí ạ. Gia đình tôi neo người lắm, bố cháu thì bận đi làm, còn mẹ cháu thì đang công tác bên Đài Loan, phải sang tháng sau mẹ cháu mới về nước! Thành thử tất cả công việc học tập của hai cháu đều do tôi lo! Dạ, thưa cô giáo chuyện sáng nay tôi thưa với cô giáo mong cô giáo giúp đỡ, chả là ông trẻ cháu có mối quan hệ có thể xin cho cháu vào học cấp hai T, nhưng điều kiện là điểm năm năm là mười, học kỳ đều phải là học sinh giỏi, vậy nên cảm phiền cô giáo…

          Nghe ông nài nỉ, toàn thân tôi nóng ran lên, không biết phải xử lý trường hợp này thế nào, để người đàn ông này hiểu được rằng nguyện vọng của ông là điều không thể nào đáp ứng được.

          – Thưa bác – tôi cố gắng nhỏ nhẹ – việc này cháu muốn trao đổi trực tiếp với bố mẹ hai em Nghĩa và Trí ạ!- nói xong tôi rút chiếc phong bì ông dúi vào túi tôi buổi sáng đưa lại cho ông.

          – Tôi van cô giáo! – vừa nói, người đàn ông vừa dúi mạnh chiếc phong bì dày cộp về phía tôi – trước mắt xin biếu cô thế đã, chờ bố mẹ hai cháu thu xếp thời gian nói chuyện với cô sau…! Cô giáo giúp tôi đi, nếu không tôi xin quỳ trước cô giáo, bao giờ cô giáo đồng ý tôi mới về!

          Nghe giọng nói của ông vừa như thiết tha mong đợi sự giúp đỡ, vừa như dọa nạt, tôi thấy choáng váng cả người. Hơn mười năm đứng trên bục giảng, từng xử lý bao nhiêu vụ việc với những tình huống gay cấn với một số phụ huynh học sinh, nhưng với tôi, rõ ràng đây thực sự là một tình huống rất khó khăn.Tôi nhẹ nhàng đỡ ông ngồi dậy, ôn tồn nói với ông:

          – Thưa bác, cháu mời bác ngồi dậy ạ! Việc này cháu muốn trao đổi trực tiếp với bố mẹ hai cháu, bác ạ! Chúng cháu cùng lứa với nhau nói chuyện dễ hơn, vả lại thời gian từ nay đến hết học kỳ cũng còn, bác ạ.

          Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được ông ngồi lên ghế. Vừa ngồi lên ghế, ông bắt đầu nói hết chuyện nọ đến chuyện kia, rằng ông không thể về nếu tôi không hứa giúp ông, rằng ông vất vả lắm, sinh mấy lần mà chỉ nuôi được mỗi mẹ hai cháu; rồi ông khoe con gái ông thật giỏi giang, học tại chức tiếng Trung Quốc trong Đại Hoc Ngoại Ngữ Hà Nội, xong nhiều người không xin được việc làm vậy mà con gái ông tức mẹ của hai cháu làm việc trong cơ quan xuất khẩu lao động của Nhà Nước chỉ có ba năm thôi là đã có thể bỏ ra ngoài làm xuất khẩu lao động tư nhân sang Đài Loan thiện nghệ đến mức nào! Rồi ông kể về con rể ông, một người học cao, giỏi giang, tiếng là giai nhà quê nhưng ít anh giai thành phố có thể sánh kịp. Rằng đứa cháu gái của ông, tức là chị của Nghĩa và Trí rất giỏi giang và xinh gái. Nghĩa và Trí sinh đôi lại thiếu tháng nên cũng rất thiệt thòi. Ông kể rằng, bản thân ông là kỹ sư luyện kim từng công tác ở Viện luyện kim, về hưu rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn được mời đi các hội thảo khoa học. Với một gia đình như vậy, thì việc để hai cháu ngoại ông học kém, không đạt danh hiệu học sinh giỏi là điều không thể chấp nhận được.

          – Thưa bác, sáng mai bác có thể nói bố của bạn Nghĩa và Trí đến gặp cháu được không ạ? – Tôi hỏi.

          – Không biết bố cháu thế nào, có đến được không cơ đây! Thôi, tôi xin cô giáo cứ giúp gia đình chúng tôi đi… sợ bố cháu bận! Từ trước đến giờ việc học tập của các cháu, hầu hết là tôi lo mà, bố chúng có biết việc gì đâu…! Úi dào… Khó khăn quá, cô giáo ơi!

          Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục đươc ông đón hai cháu về. Trước khi chia tay, tôi nhắc đi nhắc lại để ông nói bố hai cháu gặp tôi vào đầu giờ sáng hôm sau. Còn chiếc phong bì thì nhất quyết ông không chịu cầm lại. Tôi ngồi lại trên lớp, mở tập hồ sơ trích ngang học sinh ra xem lại trường hợp của hai em Nghĩa và Trí. Hồ sơ nhập học cho các con do mẹ các em là Trần Thu Hà khai và ký tên. Mẹ của hai em làm giám đốc Công ty tư vấn du học Quốc Tế Hòa Hạnh. Phần ghi về cha của hai em ghi họ tên cha là Hoàng Tuấn Hạnh, nơi sinh Yên Bái, tuổi 40… Đọc đến những dòng chữ ghi các thông tin về cha các em, tự dưng tôi toát hết mồ hôi, mắt tôi hoa lên không còn nhận rõ các con chữ trên trang giấy nữa.Tại sao tôi lại sơ ý đến như vậy…? Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt hai cháu mà bấy lâu tôi ngờ ngợ như đã gặp ở đâu đó, rất quen thuộc. Tại sao tôi lại phải gánh chịu một sự nghiệt ngã đến vậy? Tôi đã thề với lòng mình là mãi mãi sẽ không gặp lại con người ấy nữa. Con người ấy đã cướp đi tuổi thơ, tuổi thanh nữ trong trắng của tôi, làm cho tôi từng đớn đau, dằn vặt. Gặp lại con người đó tại nơi tôi mới chân ướt chân ráo đến làm việc, trong một hoàn cảnh thật khó xử đến mức này, liệu tôi sẽ xử lý sao đây?

Tôi lần lại bài kiểm tra của Nghĩa và Trí. Nếu tôi sửa lại điểm số của Nghĩa và Trí có thể người đó sẽ không đến nữa. Liệu người đó đã nhận ra mình hay chưa? Chả lẽ ngần ấy bài vở với những nhận xét của mình về việc học tập của các cháu, người ấy lại không xem qua hay sao? Nếu người ấy biết mình chính là cô giáo chủ nhiệm của các con người ấy thì sẽ ra sao? Liệu cái phong bì mà ông ngoại các cháu dúi vào túi sách của mình thì sao nhỉ? Người ấy có thể thay đổi đến mức ấy hay sao? Mình phải làm gì nếu đó là sự thật? Hay là gia đình họ nghĩ, vào tư thục thì điểm số dễ dàng hơn chăng? Tôi có nghe người ta nói, có một số phụ huynh lo chạy điểm cho con ngay từ đầu cấp, để con em mình có một quyển học bạ thật đẹp. Có một quyển học bạ đẹp thì việc đăng ký tuyển sinh vào học ở một trường điểm ở cấp trung học cơ sở sẽ dễ dàng hơn. Chả thế mà thầy Văn Như Cương đã phải kêu lên về tình trạng cả ngàn học sinh đăng ký vào cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có số điểm các môn của từng học kỳ, từng năm học cao đến mức tuyệt đối. Mình không thể ngờ được người ta lại đang mặc cả với mình…!

Sáng hôm sau tôi đến trường sớm hơn mọi ngày. Ngồi trong phòng Hội đồng mà lòng tôi bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn. Tôi vừa như lo sợ vì phải đối mặt với Hạnh trong một hoàn cảnh không mấy vui vẻ gì, lại rất mong được nhìn thấy khuôn mặt anh một lần sau hơn mười năm chúng tôi bặt tin nhau. Dù sao, giữa tôi và anh cũng có những kỷ niệm của thời học trò. Nhưng có những giây lát cảm giác căm giận Hạnh lại trào lên cổ tôi, khiến tôi cảm thấy uất ức về một con người bạc tình, bạc nghĩa, đã phản bội tôi, xé nát trái tim tôi. Các thày cô giáo đồng nghiệp đã đến đầy đủ. Mọi người gặp nhau cười nói vui vẻ. Chỉ một mình tôi là ngồi trong tâm trạng chờ đợi khó tả.

– Chào các thầy cô! – người đàn ông là ông ngoại của hai cháu Nghĩa và Trí giọng nhẹ nhàng làm tôi giật mình – thưa cô giáo Hiền, bố hai cháu đang vào gặp cô ạ.

Các thầy cô giáo khác nhẹ nhàng chào ông rồi lên lớp nhường phòng Hội đồng cho tôi tiếp khách.

Tôi ngước lên nhìn, khuôn mặt đầy nhẫn nhịn của người đàn ông, cố tỏ vẻ bình thản và lắng nghe. Thấy vậy, ông nhẹ nhàng xoay người ra phía ngoài như có ý chỉ cho tôi, bố các cháu đang vào là đúng như ông nói. Tôi nhìn ra phía sân trường. Một người đàn ông to, cao ăn mặc chải chuốt nom rất phong độ đang nói chuyện điện thoại với một ai đó. Đúng là Hạnh. Nhìn vẻ bề ngoài từ xa anh thay đổi nhiều. Nhưng dù sao tôi vẫn dễ dàng nhận ra anh. Dường như linh cảm cho anh biết tôi đang nhìn về anh. Anh nhẹ nhàng cúp máy rồi tất bật xách một chiếc túi vải màu xanh hơi nặng, tiến thẳng vào phòng Hội đòng gặp tôi. Anh cười, nụ cười rất tươi và đôi mắt sáng như hai ngôi sao nhìn thẳng vào tôi, khiến tôi cảm thấy chua xót vô cùng.

 – Em khỏe không? – vừa hỏi tôi anh vừa vội vàng quay sang người đàn ông kia giới thiệu – con giới thiệu với bố, cô giáo Hiền chủ nhiệm lớp hai cháu là bạn học của con – đoạn anh quay sang phía tôi – Hiền đây là bố vợ anh.

Tôi mời hai người ngồi xuống ghế tranh thủ giải quyết công việc để kịp thời gian lên lớp dạy học.

Hạnh muốn nói nhiều chuyện, nhưng tôi phải xin lỗi anh vì thời gian đầu giờ có hạn. Khác với trước lúc gặp anh, tôi lo lắng hồi hộp, khi đối mặt với anh tôi lại bình tĩnh lạ thường. Dường như công việc và vị trí giáo viên chủ nhiệm lớp đã làm tôi vượt qua tất cả.

– Cháu mời ông, dạ em mời anh tranh thủ làm việc về việc học tập của hai cháu và nguyện vọng của gia đình mà bác đây có trình bày, em không hiểu anh Hạnh có biết không – vừa nói tôi vừa cố tình nhìn thẳng vào đôi mắt to, đen có cặp lông mày giao nhau tạo thành một đường thẳng đen rập rịt.- em muốn nghe ý kiến của anh .

Hạnh liếc nhìn tôi một cái rất nhanh rồi hắng giọng, nói:

– Hiền ạ, cơ chế tuyển sinh cấp hai ở thành phố này là các trường có thương hiệu lớn họ chỉ chọn những học sinh có năm năm tức là đủ mười học kỳ đạt danh hiệu học sinh giỏi thành thử có em đây vừa là chỗ quen biết với anh lại là giáo viên chủ nhiệm của hai cháu. Gia đình mong em giúp để việc học tập sau này của cháu gặp nhiều thuận lợi. Các cháu cũng có chút vấn đề đã thế hôm thi các cháu tâm lý không tốt. Chỗ quen biết anh chỉ biết nói vậy, mong em giúp đỡ!

– Thực ra, hai cháu tiếp thu chậm. Em đã kiểm tra toàn bộ bài làm kiểm tra của các cháu…

– Thưa cô giáo, có thế gia đình mới có lời với cô giáo. Mong cô rón tay làm phúc – Ông ngoại của hai em cướp lời tôi.

– Cháu có thể cho hai em một cơ hội. Cháu sẽ xin ý kiến cô Hiệu trưởng. Nếu được đồng ý, nhà trường sẽ tổ chức cho hai cháu thi lại – tôi ôn tồn nói với ông và quay sang Hạnh – anh viết giúp em một cái đơn xin cho hai cháu thi lại, tình hình cụ thể như anh vừa trao đổi với em. Em tranh thủ sang báo cáo cô Hiệu trưởng việc này ạ!

Tôi lấy tờ giấy đưa Hạnh rồi tranh thủ sang báo cáo tình hình về hai học sinh Nghĩa và Trí cũng như nguyện vọng của gia đình với cô Hiệu trưởng. May sao cô Thảo – Hiệu trưởng – đồng ý theo đề xuất của tôi và trực tiếp sang phòng Hội đồng mời mọi người sang phòng Giám hiệu làm việc.

Tôi chào mọi người rồi khẽ đút nhẹ cái phong bì mà ông ngoại hai cháu đưa  vào túi áo Hạnh và nói rất nhỏ vào tai anh: “anh cầm giúp em cái này” rồi vội quay lên lớp với các học trò, nhưng lòng tôi vẫn nặng trĩu một nỗi chua xót. Bởi chính Hạnh là người đã trực tiếp nhờ tôi lo điểm số cho hai con anh. Đây là điều làm tôi bất ngờ nhất. Nhìn các học trò khác đang cặm cụi viết nắn nót trên trang giấy tôi bỗng chạnh lòng thương chúng vô cùng.

Cuối giờ lên lớp tôi được Hiệu trưởng mời lên làm việc về việc cho hai em làm bài kiểm tra lại. Quan điểm của cô Hiệu trưởng là cho các cháu làm bài độc lập nghiêm túc nhưng không gây áp lực cho các cháu theo đúng tinh thần thông tư 20 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Thời gian kiểm tra lại sẽ vào 9 giờ sáng ngày mai. Cô Hiệu trưởng giải quyết thật có tình có lý. Vừa giải quyết đảm bảo nguyên tắc đánh giá chất lượng hoc sinh, vừa tránh mọi căng thẳng không cần thiết với phụ huynh học sinh.

– Lúc nãy bố Nghĩa và Trí có mang biếu cô túi quà nhưng cô đã nói khéo để cậu ấy mang về rồi. Làm nghề này thật khó! – Cô Hiệu trưởng vừa nói vừa tiễn tôi ra cửa.

Đêm ấy tôi thao thức mãi không sao ngủ được. Tôi nhớ mãi khuôn mặt hào hoa của Hạnh và giọng nói khi anh mở lời xin điểm cho con anh rất hồn nhiên như không hề có chuyện gì xẩy ra, không hề có chuyện gì là lạ. Nếu việc xin điểm cho con em, việc sắp đặt để thiết kế cho con em mình trở thành một hiện tượng thì thật chua xót biết chừng nào! Sau nhiều năm không gặp, lần này gặp lại Hạnh tôi không còn nhận ra Hạnh trong ứng xử với sự học nữa. Bởi ngày xưa, khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường anh rất chăm học, luôn bất bình nếu có một ai trong lớp được thầy cô ưu tiên một chút. Tôi đã mất Hạnh trong tình yêu đôi lứa và bây giờ tôi bỗng nhận ra giữa chúng tôi có một khoảng cách thật xa.

Tôi không biết mình thiếp đi từ lúc nào, chỉ biết rằng khi tôi bất chợt nghe tiếng bà bán bánh rao bằng chất giọng trong veo của người ven đô thì tôi chợt tỉnh giấc.Tôi vội vàng vệ sinh cá nhân rồi ba chân bốn cẳng ngồi lên xe máy phi thẳng đến trường, quên cả việc nhờ chồng đưa con đến lớp. May mà chồng tôi ít quan tâm đến công việc của vợ.

Hôm đó tôi không đươc giao trông hai em Nghĩa và Trí làm bài kiểm tra lại nên vẫn lên lớp bình thường như mọi ngày. Mãi tới giữa giờ học buổi chiều tôi mới được cô Hiệu trưởng trao lại cho bài kiểm tra của hai em Nghĩa và Trí. Cầm trên tay bài kiểm tra của hai em, vừa liếc vào đề bài, tôi đã giật mình vì cô Hiệu trưởng cho hai em làm đúng đề bài hôm trước các em vừa làm. Vừa ngồi xuống bàn làm việc thì chuông điện thoại đã reo lên. Tôi không khỏi bất ngờ khi đó chính là cuộc gọi của Hạnh. Vừa thấy tôi mở máy, từ phía đầu dây bên kia đã là chất giọng trầm ngọt của Hạnh. Nhưng tôi không còn cảm nhận đươc chất tinh tế từng có trong lời nói của anh như xưa nữa. Trái lại nó là một thứ gì đó kẻ cả, đưa đẩy rào đón đến mức khó chịu. Tai tôi có cảm giác ù tịt lại, không còn nghe thấy gì từ anh nữa. Tôi nhẹ nhàng cướp lời anh:

– Dạ, anh ạ, em chưa kịp đọc kết quả bài kiểm tra lại của hai cháu. Cô Hiệu trưởng cho các cháu làm đúng đề kiểm tra các em đã làm lần trước… Em bận chút lát em gọi lại! Dạ, em cúp máy đây!

Kết quả kiểm tra lại của hai em không có gì thay đổi lớn. Tôi gặp và xin ý kiến Hiệu trưởng. Vừa nghe tôi trình bày cô đã nghiêm nét mặt nói:

– Cô thấy việc này nên dừng ở đây. Trường chúng ta thu học phí để dạy tốt và học tốt chứ không để mông má điểm cho bất cứ học sinh nào! Có thể sẽ có một số bậc phụ huynh học sinh có ý muốn ấy nhưng cô tin tuyệt đại đa số họ sẽ đồng tình và hoan nghênh. Em nói phụ huynh học sinh đến gặp trực tiếp cô nhé!

Tôi chỉ kịp “dạ” lên một tiếng rồi vội vã về lớp, lấy điện thoại nhắn cho Hạnh một tin nhắn ngắn ngủi:”sáng mai đầu giờ mời anh lên gặp cô Hiệu trưởng ạ”. Hạnh có linh cảm về điểm số của hai con không được tốt thì phải, nên anh không trả lời lại tin nhắn của tôi.

Sáng hôm sau, rồi mấy hôm sau nữa tôi không thấy Hạnh đến trường gặp cô Hiệu trưởng. Bẵng đi dễ đến năm sáu hôm gì đấy, Hạnh mới đến gặp và đưa cho tôi một cái đơn xin chuyển trường cho hai con của mình. Sắp hết năm học rồi mà chuyển trường cho các con chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý các con. Cầm tờ đơn Hạnh đưa, tôi thấy bối rối nên cố gắng thuyết phục anh để các con ở lại học tiếp, tôi sẽ cố gắng kèm cặp để hai anh em Nghĩa và Trí học tốt hơn. Hạnh nhìn tôi đày trách móc, chua chát thốt lên:

– Gia đình chúng tôi không dám làm phiền cô giáo! Ông ngoại các cháu về nói lại về cô tôi cứ tưởng cụ nhầm với ai chứ không  phải cô giáo cơ đấy. Quá thất vọng! Hay cô giáo tư thù tôi…!

– Anh quá lời với em rồi, anh Hạnh nhé! Mỗi nơi, mỗi ngành có cách làm việc theo nguyên tắc của mình. Em thấy cô hiệu trưởng quyết định cho các cháu làm lại cái đề cũ là một sự giúp đỡ lắm rồi đấy. Ở đây em đang giải quyết công việc được Hiệu trưởng giao…

– Vậy phiền cô làm thủ tục cho các con tôi chuyển trường! Chắc sẽ dễ chịu hơn ở đây!

Tôi cảm thấy Hạnh chẳng những chỉ xúc phạm tới cá nhân tôi mà anh đang căm phẫn và rỉa rách vì không được chúng tôi bán điểm để thiết kế cho các con anh có hai quyển học bạ đẹp từ khi chúng mới chỉ mới học năm đầu của cấp tiểu học. Tôi mời anh đi theo tôi xuống gặp Hiệu trưởng. Nhìn qua lá đơn xin chuyển trường, cô hiệu trưởng nhẹ nhàng nói:

– Cô rất tiếc việc này không thể giúp em được. Nếu cần cô sẽ giao cho một cô giáo bồi dưỡng hàng ngày cho hai cháu, hoàn toàn là giúp đỡ, không điều kiện. Em thấy thế nào?

– Thưa cô giáo, gia đình em quyết rồi, mong cô cho hai con em chuyển trường từ sáng mai! Nguyện vọng chỉ có thế…!

Nghe Hạnh hằn học nói xong, cô Hiệu trưởng ôn tồn:

– Vậy là gia đình đã quyết rồi! Hiền làm thủ tục chuyển trường cho hai em để cô ký ngay trong chiều nay nhé! – Đoạn cô quay sang Hạnh, vẫn giọng ôn tồn: – tiếc vì không làm được theo yêu cầu của em! Thông cảm, em nhé! Cô có chút việc tiếp mấy phụ huynh trên phòng Hội đồng.

Hạnh bực dọc đứng dậy, bước những bước đi nặng chịch ra ngoài hành lang, châm thuốc hút. Chú bảo vệ đi qua khẽ nhắc anh trong trường có biển báo không hút thuốc. Hạnh không nói không rằng, nhìn chú bảo vệ vẻ khó chịu rồi nhổ điếu thuốc lá đang cháy dở trên môi xuống nền nhà lát gạch men sáng bóng, lấy mũi giầy đen bóng di di điếu thuốc đến nát bét thành một khoảng đen của tàn thuốc lẫn với những sợi thuốc cháy dở. Nhìn cái bộ dạng của anh, tôi cố làm thật nhanh công việc để nhanh chóng trả lại cho Hạnh hồ sơ chuyển trường của các con anh. Thú thực, đã đến nước này thì tôi cũng chẳng muốn công việc dây dưa ra thêm một giây, một phút nào nữa.

Làm xong bảng điểm cho các cháu xong tôi vội vàng chuyển lên để cô hiệu trưởng ký rồi đưa văn phòng nhà trường đóng dấu. Tôi kẹp phiếu điểm giữa học kỳ một vào giữa quyển học bạ của các em rồi vội vã mời Hạnh vào phòng Hội đồng trao đổi lại lần cuối rồi trả anh hai quyển học bạ. Nhận từ tay tôi hai quyển học bạ, thái độ Hạnh như trùng xuống. Anh nói với tôi bằng một giọng trầm, đượm một chút buồn:

– Kỳ thực anh cũng không muốn chuyển các cháu đi khỏi đây. Vì thứ nhất các cháu đã quen bạn, quen cô. Môi trường ở đây tốt. Sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ 30 học sinh trở lại nên các trò được quan tâm nhiều hơn. Anh cứ nghĩ môi trường dân lập thì làm những việc này giúp các cháu dễ hơn trong công lập! – Hạnh khẽ thở dài một tiếng rồi đứng dậy ngượng ngùng nói – thôi, thông cảm cho sự nóng nảy của anh, anh xin phép!

– Vâng, anh đã quyết! Chào anh! Anh chờ em chút, em lên lớp đón các cháu xuống về cùng anh luôn. Cũng sắp đến giờ tan học rồi anh.

Không đợi Hạnh trả lời, tôi lên thẳng lớp xin phép cô bộ môn đang chuẩn bị kết thúc giờ học, nói với cả lớp:

– Cô xin thông báo cho lớp mình biết một tin không vui! –  Vừa nói đến đây cổ tôi bỗng nghẹn lại, hai mắt cay xè như đang cố nhịn không dám khóc. Tôi hắng giọng để lấy lại bình tĩnh, nói tiếp – Ngày mai hai bạn Nghĩa và Trí sẽ chuyển trường. Hai bạn không tiếp tục học ở trường mình và lớp mình nữa. Vì vậy cô và cả lớp mình chúc hai bạn Nghĩa và Trí khỏe mạnh, về trường mới chăm chỉ học cho tốt!

Tôi bất giác nhìn thấy hai em Nghĩa và Trí ngồi gục mặt xuống bàn thút thít khóc. Tôi đến gần hai em, nhẹ nhàng an ủi:

– Bố mẹ các con thường xuyên công tác xa. Ông ngoai lại già rồi không thể đưa đón các con hàng ngày đi học được. Hai con nghe lời cô, ngoan, đứng dậy chào cả lớp đi nào!

Nghĩa và Trí ngoan ngoãn đứng dậy mếu máo nói không ra lời. Cả hai vừa lôi cái cặp sách vừa lấy tay gạt nước mắt. Tôi xoa đầu hai em, vừa kịp đưa mắt nhìn ra cửa lớp thì bất chợt gặp ánh mắt buồn và lạnh lùng của Hạnh. Nhìn thấy bố đến đón, cả hai em đều òa lên khóc, kêu bố dứt khoát không chuyển trường. Hạnh cúi xuống ôm lấy các con thì thầm nói một điều gì đó. Các em học sinh cả lớp không ai bảo ai, cùng đứng dậy ùa ra hai bên cửa lớp, quây quanh Nghĩa và Trí. Hạnh bế hai con lên chào các em học sinh rồi vội vàng đưa chúng ra chỗ gửi xe. Nghĩa và Trí không cầm được nước mắt khóc rưng rức chia tay các bạn. Các em học sinh cùng lớp chạy ùa theo ra tận bãi gửi xe tiễn hai bạn. Tôi giơ hai tay vẫy vẫy chào tạm biệt các bạn. Trong lòng man mát một nỗi buồn. Không hiểu cô Hiệu trưởng và đồng nghiệp có ai biết gì về mối quan hệ giữa tôi và Hạnh hay không.

Tôi không có quyền trách Hạnh. Với tôi, bây giờ anh hoàn toàn chỉ là một phụ huynh học sinh như những phụ huynh khác. Điều khiến tôi buồn, khiến tôi day dứt có thể là việc từ ngày mai lớp tôi sẽ vắng đi hai học sinh. Tôi buồn lắm chứ! Nếu bạn đang đứng trên bục giảng, bỗng dưng bạn thấy lớp mình vơi đi vài em học trò, bạn sẽ buồn đến thế nào! Nỗi buồn vắng đi vài học trò trong lớp không hề giống người bán hàng vắng đi một vài vị khách, mà cao hơn thế nữa tôi cảm thấy bỗng mất đi một thứ quý giá mà không gì đánh đổi được. Ấy là chưa kể cái lý do để các em chuyển trường là gì. Có thể một lý do nào đó làm phụ huynh không hài lòng với nhà trường hay phật ý với một giáo viên mà họ lặng lẽ xin chuyển trường. Để việc chuyển trường của con em mình nhanh gọn, họ thường khen trường, khen cô nhưng lại nêu ra những hoàn cảnh khó khăn như mới mua nhà, chuyển nhà, không có người đưa đón ..v..v… May mà gặp được những người chân tình, trong lúc ngồi chờ làm thủ tục, họ tâm sự hết về cái được và cái chưa được của thầy cô và nhà trường. Qua đó có thể nhận rõ thực trạng công việc mình đang làm hàng ngày đạt được đến đâu, để biết mà khắc phục.

Trường hợp chuyển trường của hai học trò lớp tôi chủ nhiệm mới diễn ra ngày hôm nay, lại làm tôi nghĩ khác. Tôi buồn vì không hiểu bây giờ có bao nhiêu phần trăm phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con cái họ như vậy, khiến họ phải lao tâm khổ tứ tìm cách luồn lách, xin xỏ, thậm chí là chạy chọt, cố để làm sao thiết kế cho được quyển học bạ đẹp trang bị cho con em mình. Họ đâu biết rằng con trẻ sẽ bị những áp lực lớn như thế nào trước sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ. Mong sao chỉ có mình gia đình Hạnh phải chuyển trường cho con vì lý do ấy.

Tôi thu dọn sách vở rồi ra bãi gửi xe chuẩn bị về nhà. Lòng vẫn buồn vì sự thay đổi của Hạnh, thương Nghĩa và Trí còn bé tí teo mà đã phải khoác lên mình một trọng trách quá lớn lao mà gia đình hai em đang kỳ vọng.