(Nhân bài báo của Ngô Tự Lập Đọc sách “Lột mặt nạ Bakhtin – câu chuyện về một kẻ lừa dối, một câu chuện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể” của Jean – Paul Bronckart và Cristian Bota (Thụy Sĩ, 2011, 630 trang))

Mikhail Bakhtin – Ảnh: internet

Trong bài báo giới thiệu cuốn sách của hai tác giả người Thụy Sĩ Jean – Paul Bronckart và Cristian Bota, Ngô Tự Lập gọi cuốn sách ấy “là một quả bom đối với giới nghiên cứu”(1). Có lẽ đó là cảm nhận riêng của Ngô Tự Lập và những người thiếu thông tin do chưa có dịp tiếp xúc nhiều với di sản của M. Bakhtin (1895 – 1975) và lịch sử nghiên cứu di sản của ông trên phạm vi toàn thế giới. Quả vậy, ai cũng biết, ngay từ khi Bakhtin vừa xuất hiện, tác phẩm của ông đã làm xôn xao dư luận, người tán thành ông đã nhiều, mà người chống lại ông cũng lắm. Cho đến nay, ở Nga và trên thế giới vẫn tồn tại nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, trong việc tiếp nhận di sản của Bakhtin. Trong tiểu luận Thi pháp học của M.M. Bakhtin và sự tiếp nhận trước tác của ông thời nay (2) vừa công bố cách đây không lâu, Natan Tamarchenco (1940 – 2011) cho biết: hiện có 4 luồng ý kiến như vậy. Luồng thứ nhất coi ông là nhà triết học, chứ không phải nhà nghiên cứu văn học. V. Kozihnov, M. Gasparov đại diện cho xu hướng này(3).Luồng thứ hai, (tiêu biểu là N. Bonheskaja và I. Eshaulov) coi các công trình của ông không phải là công trình khoa học, bởi vì ông viết theo ngôn ngữ ẩn dụ. Dựa vào nhận xét trên, luồng thứ ba cho rằng các sách Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của P. Medvedev (1891 – 1938) và sách Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ của V. Voloshinov (1896 – 1934) được viết bằng ngôn ngữ khoa học, do đó, chúng không phải là của Bakhtin. Luồng thứ tư phủ nhận mối liên hệ giữa các khái niệm, thuật ngữ trong trước tác của Bakhtin, cho rằng ông chỉ viết được các bài nhỏ, các phiến đoạn rời rạc, không viết ra được các công trình hoàn chỉnh.

Sở dĩ có tình hình trên là do tư liệu về cuộc đời của Bakhtin hiện rất thiếu thốn. Hồ sơ học phổ thông cũng như đại học của ông đều không đầy đủ. Ông học lớp 4 trong tám năm, trong khi đó hồ sơ học trung không có. Cũng có thể do bệnh viêm tủy mãn tính của ông. Đầu thế kỉ XX, ông là một nhân vật ngoài lề, không có việc làm ổn định. Ông thường sinh hoạt trong các nhóm nghiên cứu. Đó là những năm tháng biến loạn, mà Bakhtin lại không quan tâm đến chuyện giấy tờ có tính pháp lí, hồ sơ cá nhân cũng có nhiều chỗ mâu thuẫn, nhầm lẫn, không nhất quán, đến ngày sinh của ông cũng có hai dị bản. Trong hoàn cảnh bị đầy ải, bài viết của Bakhtin ít có cơ hội được công bố. Đã thế, do chế độ kiểm duyệt gắt gao, ông phải giấu kín các tư tưởng sâu sắc của mình đằng sau lớp ngôn ngữ ẩn dụ. Lại thêm tập quán in sách đội tên người khác cũng dễ gây hiểu lầm. Có người nói sau cuốn sách Những vấn đề sang tác của Dostoievski và bị bắt năm 1929 vì tội “phản cách mạng”, Bakhtin coi như đã chết, do nghĩ rằng vĩnh viễn ông không còn cơ hội xuất bản. Đó cũng là lí do vì sao nhiều tác phẩm của ông dở dang, chưa hoàn thành. Thực tế đó dã gây nên các suy đoán khác nhau, đặc biệt là trước một Bakhtin nổi tiếng lừng lẫy(4). Điều đó là dễ hiểu.

Tuy vậy, bên cạnh luồng ý kiến hoài nghi chỗ này chỗ khác trong tác phẩm của Bakhtin, cho rằng Bakhtin chịu ảnh hưởng của hai tác giả Voloshinov và Medvedev, vẫn luôn tồn tại một khuynh hướng khẳng định mạnh mẽ những đóng góp xuất sắc của Bakhtin cho nghiên cứu văn học và văn hóa hiện đại. Mà xu hướng khẳng định này lại gắn với những tên tuổi lớn rất quen thuộc với giới nghiên cứu Việt Nam như J. Kristeva, Tz. Todorrov, R. Barthes… Ở Mĩ Bakhtin được giới thiệu rất kĩ. Ở Nga Bakhtin được coi như nhân vật của thế kí XX, di sản của ông được làm nền tảng cho thi pháp học hiện đại. Ở Nhật Bản, Trung Quốc tác phẩm của ông được nghiên cứu sâu rộng. Sự tiếp nhận ông trên thế giới rất là phức điệu(5).

Trong bài báo nói trên và trong chuyên luận mà chúng tôi đang có trong tay, Natan Tamarchenco đã phân tích rất kĩ ý kiến của cả xu hướng khẳng định, lẫn xu hướng phủ định di sản của M. Bakhtin(6).

Cuốn sách của hai tác giả Thụy Sĩ rõ ràng không đặt ra mục đích nghiên cứu khách quan, mà chỉ chăm chăm phủ định, phỉ báng, thậm chí bôi nhọ Bakhtin không chỉ học thuật mà cả nhân cách, nhằm gây một sự kiện giật gân. Nhan đề cuốn sách của hai ông ấy tự nó đã nói lên điều đó. Bài báo của Ngô Tự Lập cho thấy ông đứng trên lập trường của hai tác giả này để tổng thuật quan điểm của họ. Ông gọi cuốn sách ấy là “quả bom”. Ông quả quyết, nghe tiếng nổ của quả bom này dứt khoát nhiều người sẽ “giật mình”. Thiết nghĩ, cuốn sách của hai tác giả Thụy Sĩ nếu có làm người thiếu chín chắn, yếu bóng vía phải “giật mình”, thì sau cú giật mình này, người ta sẽ bình tĩnh hơn, ít giật mình hơn. Thực ra ở nước ta, việc lột mặt nạ của ai đó có gì mới đâu! Chúng ta đã từng lột mặt nạ của Phan Khôi, của Trương Tửu và nhiều nhà văn khác, nhưng rồi mặt nạ ai người ấy đeo, vì ai mà chẳng có mặt nạ?

Nhưng vấn đề cuốn sách nêu ra rất lớn, muốn phán xét nó thì phải đọc kĩ cuốn sách ấy, nghiên cứu lại toàn bộ di sản M. Bakhtin và tiểu sử của ông một cách chi tiết, mà điều đó đối với chúng tôi bây giờ là bất khả. Cũng có một cách làm khác, ấy là đem dịch các tài liệu phản bác của Nga, của Pháp và tài liệu của một số nhà Slavơ học người Mĩ mà chúng tôi biết, nhưng quỹ thời gian của chúng tôi cũng không cho phép. Ở đây chúng tôi chỉ phát biểu một số cảm nghĩ của mình về khuynh hướng nhận định của hai tác giả mà chúng tôi thấy chưa đủ sức thuyết phục.

Thứ nhất, với các luồng tiếp nhận khác nhau về Bakhtin như vừa nêu ở trên, có thể khẳng định rằng, không hề có chuyện huyền thoại hóa Bakhtin như hai tác giả Thụy Sĩ nêu. Ngay từ đầu, nhiều học giả Nga như D. Likhachev, M. Gasparov, A. Chicherin… trong khi khẳng định Bakhtin, đều phê bình Bakhtin chỗ này chỗ nọ. Các học giả ngước ngoài cũng vậy. Tz. Todorov trong hai cuốn sách M. Bakhtin và chủ nghĩa đối thoại (1981), chương Con người và quan hệ người và người, viết về Bakhtin trong sách Phê bình phê bình (1984), đều phê bình Bakhtin, thậm chí nói, về vấn đề tác giả ta thấy có ba Bakhtin. Như thế thì huyền thoại hóa Bakhtin ở chỗ nào?

Thứ hai, dựa theo những điều chúng tôi biết được, về nhân thân M. Bakhtin, đúng là hiện không có hồ sơ ông là sinh viên, không có bằng tốt nghiếp trung học và bằng đại học, nhưng ông có nói là đã dự giờ các giáo sư nổi tiếng ở đại học. Đây là chuyện khó hiểu trong tiểu sử của ông. Nhưng hoàn toàn có tư liệu để chứng minh, sau chuyến bị đày, tháng 8 năm 1945, ông được bộ giáo dục Liên bang Nga công nhận đạt chuẩn Phó giáo sư, và tháng 7 năm sau đại học sư phạm Saransk bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư cho ông, rồi ông làm Chủ nghiệm bộ môn văn học đại cương ĐHSP Saransk, Mondova. Cũng có hồ sơ đầy đủ để chứng minh, ông lại đã bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện văn học thế giới tháng 11 năm 1946. Thế tức là ông có lí lịch đủ rõ ràng, không bịa đặt. Lại nữa, ông phải tốt nghiệp đại học thì mới có tư cách bảo vệ luận án. Ông có bằng cấp hay được đặc cách? Bakhtin muốn bảo vệ luận án Tiến sĩ, nhưng vì bị dính vào “tiền án tiền sự”(ông bị bắt giam vì tội phản cách mạng”), nên ông chỉ được nhận học vị Phó tiến sĩ. Vì thế rất khó tin cái nhận định bảo rằng, ông là người chưa tốt nghiệp đại học. Nên nhớ thời ấy, khi Stalin còn sống, chế độ thẩm định nhân thân hết sức chặt chẽ và khắt khe, không đùa được. Nhưng phong P.GS trước khi bảo vệ P.TS, cũng là một sự lạ(7). Nói chung các thông tin này người ta đã biết từ lâu. Các cuốn sách của Todorov Bakhtin và chủ nghĩa đối thoại in năm 1981, Phê bình phêbình in năm 1984 đều đã đề cập đến. Trong cuốn sách sau Todorov còn dựa vào Bakhtin đề xuất lối phê bình đối thoại.

Thứ ba, chi tiết nói ông khai man xuất thân quý tộc. Đúng là có việc ông đã kể nguồn gốc xuất thân quý tộc lâu đời của mình trong đoạn đầu cuộc trò chuyện với V. D. Duvakin (gồm 18 giờ ghi âm vào năm 1973), nhưng trong tài liệu lưu trữ của thành phố thì ghi ông là con của thương nhân, thị dân. Về việc này ông V. I. Laptun, người soạn Biên niên các sự kiện cuộc đời của Bakhtin cho rằng, nên “coi đó như là một ý kiến, chưa có tư liệu chứng minh”(8). Cho nên, việc hai tác giả Thụy Sĩ dựa vào đấy để kết luận khái quát, cho rằng Bakhtin là người nói dối, suy ra, tác quyền cũng nói dối, tức là biến một chuyện còn hồ nghi thành kết luận chắc như đinh đóng cột, là việc làm không nghiêm túc. Nghiên cứu như vậy thì dễ quá! Người ta có cảm tưởng rằng hai tác giả Thụy Sĩ không có tài liệu nào mới. Hai ông chỉ xào nấu lại và ngả về một phía, nếu trước đây có người quy hết công lao cho Bakhtin, bỏ quên hai ông bạn, thì nay hai ông Thụy Sĩ lại phủ nhận sạch trơn tư tưởng của Bakhtin, quy công cho hai ông bạn của ông. Có thể coi cách làm đó là khoa học chăng?

Thứ tư, cho rằng bài báo quan trọng của Bakhtin Vấn đề nội dung, chất liệu, hình thức trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, trong đó lần đầu tiên nêu vấn đề phê phán chủ nghĩa hình thức Nga, viết năm 1924, trước công trình của P. Medvedev những bốn năm, được một số người cố ý lùi thời điểm viết của nó đến năm 1927, sát nút với cuốn sách Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học in năm 1928, để chứng minh rằng vào đầu những năm 20 Bakhtin chưa có ý tưởng khoa học về các vấn đề đó và ông chịu ảnh hưởng của Medvedev. Chúng tôi thấy nghi ngờ về việc xác định lại thời điểm như thế. Về việc này, xin cung cấp cho độc giả một nguồn tư liệu đáng tin cậy: tập Bài giảng và phát biểu của Bakhtingiai đoạn 1924 – 1925 trong sổ ghi chép của L.V. Pumpianski. Pumpianski (1894 – 1940) là người trong “nhóm” Bakhtin. Ông này đã nghe bài giảng của Bakhtin từ hồi ấy và ghi chép lại. Nội dung các bài giảng đều bàn về triết học, nghệ thuật, văn học, nhân vật và ngôn từ. Cho nên bài báo quan trọng trên viết vào năm 1924 là có cơ sở. Bài này theo chú thích của Toàn tập Bakhtin, tập 1, bản tiếng Trung tr. 499 thì ghi chú là được viết theo yêu cầu của tạp chí “Người Nga hiện đại”, Gorki là một trong những người phụ trách, nhưng viết xong thì tờ tạp chí bị đình bản, nên chưa in được. Tài liệu của Laptun thì ghi là nó được viết do yêu cầu của tạp chí “Người đương thời văn chương”(9).

Thứ năm, M. Bakhtin không phải chỉ có quan hệ với Voloshinov và Medvedev trong nội bộ “nhóm Bakhtin”. Về uy tín của ông còn có nhiều người khác, tài năng và nổi tiếng hơn chứng kiến. Đó là M. I. Kagan, Pupiamski. Ông được các tác giả nổi tiếng như A. Lunacharski, N. Berkovski và năm người nữa đều đã viết bình luận cho sách Những vấn đề sáng tác của Dostoievski trong năm 1929. Uy tín của Bakhtin đã được M. Gorki biết tới, và nhờ sự che chở của Gorki mà Bakhtin không bị tù, chỉ bị đi đày. Nên nhớ, nhờ uy tín của Bakhtin mà mấy cuốn sách ghi tên Voloshinov và Medvedev được chú ý tìm đọc, chứ không phải ngược lại. Cho đến khi Bakhtin nổi tiếng ở phương Tây người ta không biết hai ông ấy là ai. Người ta thấy rằng, ngoài cuốn sách Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học ra, Pavel Medvedev còn viết nhiều công trình khác nữa, nhưng lại theo đuổi các đề tài khác, như tâm lí học nghệ thuật, phòng thí nghiệm của nhà văn, lịch sử sáng tạo tác phẩm, chứ không theo hướng lí thuyết. Các cuốn sách này để lại dấu ấn của chủ nghĩa duy vật dung tục, máy móc rõ rệt, chẳng ai quan tâm. Năm 1934 Medvedev cho xuất bản sách Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức chủ nghĩa, lặp lại cuốn sách đã in năm 1928, nhưng sơ lược hơn, không gây được chú ý(10). Như vậy, hạ bệ Bakhtin bằng cách cho rằng ông kém hơn hai người bạn, phải lấy ý tưởng của bạn, ấy là cách làm không đủ sức thuyết phục.

Thứ sáu, về bản quyền mấy cuốn sách gây tranh cãi, nếu đọc kĩ bức thư Bakhtin gửi cho nhóm Koginov thì sẽ thấy, Bakhtin không phủ nhận tác quyền của Medvedev và Voloshinov, mà chỉ có ý thừa nhận mình là đồng tác giả. Ông nói trong quá trinh viết mấy tác phẩm đó, “chúng tôi đã cộng tác chặt chẽ với nhau”, “có một quan niệm chung về ngôn ngữ và tác phẩm ngon từ”. Đồng thời Bakhtin nói rõ, về các sách khác của Medvedev và Voloshinov, ông “không tham gia”. Có nghĩa là ông chỉ tham gia hai cuốn này, vì có quan niệm chung. Như thế Bakhtin cũng không tước đoạt quyền tác giả của bạn, cũng không phủ nhận mình có dính líu tới hai cuốn sách đó như là đồng tác giả. Về vấn đề này viện sĩ X. X. Averinsev cho rằng hiện nay không có tư liệu để giải quyết vấn đề tác quyền hơn thế. Chỉ nên coi đó là vấn đề bỏ ngỏ. Có người đã nghiên cứu phong cách học của các tác phẩm ấy để tìm cách phân biệt, nhưng kết quả chưa thuyết phục. Những ai đã đọc Những vấn đề thi pháp Dostoievski, chuyên luận về Rabelais và các bài khác, không thể nói là văn phong của ông thiếu chặt chẽ, mạch lạc, thiếu khoa học. Chỉ thiếu khoa học đối với những ai chỉ xem Bakhtin là nhà triết học, không phải nhà nghiên cứu văn học.

Thứ bảy, Có người nói rằng trong bài báo của X. Bocharov có viết “trước khi chết Bakhtin từ chối kí vào tờ giấy xác nhận bản quyền” là chi tiết không đáng tin. Bởi Tamarchenco đã đối chiếu cẩn thận và kết quả là trong tài liệu của Bochrov, ở trang 79, không thấy có chi tiết nào như vậy, mà chỉ thấy nói “ Bakhin những ngày cuối cùng trong các cuộc trò chuyện thừa nhận tác quyền của mình, nhưng không muốn xác nhận nó về mặt pháp lí”(11). Điều này theo chúng tôi là hợp lí, vì Bakhtin không thể một mình xác định bản quyền của sách đồng tác giả khi các bạn của ông đã mất. Nhân đây chúng tôi xin nói lại, việc tôi nói Bakhtin lập di chúc về tác quyền là thiếu chính xác, do tài liệu sử dụng không chính xác, nay xin đính chính lại. Như vậy việc cuối đời hay khi sắp mất Bakhtin trăng trối thế nào về tác quyền, có rất nhiều dị bản, các nhân chứng nói rất khác nhau, vì thế, ý kiến mà hai tác giả Thụy Sĩ đã nhắc đến rằng, khi sắp mất Bakhtin nói: “Điều này, sau tất cả, là tội lỗi của tôi, và tôi phải thú nhận” chưa chắc đã là có thật. Một kẻ tầm thường thì khó có thể có tư tưởng lớn, mà người có tư tưởng lớn thì nhân cách không thể tầm thường. Câu chuyện sách người này đội tên người khác trong “nhóm Bakhtin” có người giải thích là một trò chơi cacnaval về tinh thần, có người hiểu là một cách đối phó với việc xuất bản dưới thời Stalin, có người giải thích là một cách để Bakhtin có nguồn phương tiện đảm bảo đời sống, một người không có chỗ làm trong các trường viện. Những điều ấy đều có thể, song không xác quyết được. Tác quyền hiện là chỗ mờ tối nhất trong tiểu sử Bakhtin để cho người ta khai thác với nhiều mục đích khác nhau. Nếu đem so sánh ba tác phẩm với nhau sẽ thấy có cái chung trong quan niệm, nhưng vẫn có chỗ khác trong quan niệm, văn phong..

Vì thế chúng tôi cho rằng các kết luận đao to búa lớn, có tính chất công kích, phỉ báng, như M. Bakhtin là “kẻ lừa dối”, “huyền thoại về Bakhtin”, “là chuyện bịp bợm”, “một cơn mê sảng tập thể”…, tuy gây được scandal, nhưng rõ ràng là chưa đủ cơ sở thuyết phục. Chắc chắn trong sách của mình, hai tác giả Thụy Sĩ còn đưa ra nhiều bằng chứng nữa mà tác giả Ngô Tự Lập còn chưa giới thiệu, vì khuôn khổ bài báo, và ông cũng còn dành để đáp lại những ai phản ứng với các kết luận của hai tác giả Thụy Sĩ mà ông đồng tình. Tuy vậy, nếu sử dụng cứ liệu của hai ông ấy sẽ không có giá trị gì thêm, vì cũng chỉ là ý kiến một nhóm tác giả mà thôi.

Theo chúng tôi, cần phân biệt các bằng chứng lịch sử và các giả thiết, các suy luận. Ví dụ như giả thiết rằng vì Bakhtin bị đi tù cho nên Medvedev viết thay Bakhtin và giúp đưa in cuốn sách hoặc các suy luận khác… Các giả thiết vẫn cần đưa ra nhưng đó chỉ là các khả năng trừu tượng, không ai bảo đảm có thật, không nên kết luận như là chân lí. Ngay các hồi kí, hồi tưởng, như người ta đã chứng minh, cũng thường có nhầm lẫn, nhớ nhầm, khi hồi tưởng lại còn có khi thêm thắt mà không tự biết. Cho nên, các vấn đề về tác quyền của Bakhtin, trong điều kiện tư liệu gốc còn thiếu thốn vẫn nên để mở, không thể khép lại theo bất cứ chiều nào. Nhận định của hai giả Thụy Sĩ chỉ là một ý kiến trong các khuynh hướng tiếp nhận, chứ không phải là chân lí duy nhất. Cái ý định muốn giải quyết dứt điểm vấn đề tác quyền của Bakhtin trong điều kiện thiếu tư liệu gốc bản thân nó đã là không thuyết phục. Nó không phải là kết luận áp đảo, lật ngược mọi nhận định về Bakhtin từ trước đến nay.

Đề cao Bakhtin hay hoài nghi, thậm chí hạ bệ Bakhtin đều nằm trong các xu hướng tiếp nhận khác nhau di sản Bakhtin. Việc ông được đón nhận nhiệt tình ở Nga và trên thế giới, được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, nghiên cứu, tiếp biến đã chứng minh tính hợp thời, tính mới mẻ của tư tưởng của ông trong thời đại ngày nay. Các học giả các nước như Tz. Todorov, Ju. Kristeva và nhiều người khác nữa không phải là những kẻ tầm thường. Họ đã tiếp nhận và phát triển tư tưởng của Bakhtin. Không thể cho họ là một lũ bất tài, nhăng nhít, chạy theo một cơn mê sảng tập thể. Các công trình kí tên Bakhtin, các cuốn chuyên khảo về Dostoievski, về Rabelais, về mĩ học sáng tạo ngôn từ, về sử thi và tiểu thuyết, về các hình thức thời gian và chronotov, về thi pháp học lịch sử, về tiểu thuyết giáo dục, về thể loại lời nói, về quan hệ tác giả và nhân vật, về nội dung, hình thức và chất liệu trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật ngôn từ cùng mấy tác phẩm đồng tác giả vẫn là một thực thể của mĩ học ngôn từ độc đáo của M. Bakhtin không ai có thể phủ nhận. Nghiên cứu tác quyền vẫn cứ tiếp tục, nhưng không vì lí do nào mà không tiếp tục nghiên cứu di sản lí thuyết của Bakhtin. Và đó mới là điều quan trọng. Mọi cuộc tranh luận về tác quyền đều không đụng chạm được tới thực chất của bản thân lí thuyết.

Hà Nội, 19/6/2014, bổ sung ngày 23/6/2014
T.Đ.S – L.N
(SH305/07-14)


———————————————
1. Xem: Ngô Tự Lập.- Đọc sách “Lột mặt nạ Bakhtin – câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể”.- Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=12635. Xem them: tạp chí Nhà văn và tác phẩm, số 05 – 2014, tr. 188 – 194.

2. N.D. Tamarchenco.- Thi pháp học của M.M. Bakhtin và sự tiếp nhận trước tác của ông thời nay // “Những vấn đề văn học”, số 1, năm 2011(Tiếng Nga).

3. Xem: M.L. Gasparov.- Lịch sử như là sáng tác và nghiên cứu// “Nghiên cứu văn học”, số 12/2005, tr. 91-100 (bản dịch tiếng Việt của La Khắc Hoà).

4. Về những khó khăn trong việc nghiên cứu tiểu sử M. Bakhtin do hoàn cảnh gây ra, xin xem: Tz. Todorov.- Di sản Bakhtin// “Nghiên cứu văn học”, số 7/2006, tr.54 – 62 (bản dịch tiếng Việt của Lã Nguyên)

5. Muốn hiểu phần nào tính phức điệu của sự tiếp nhận di sản M. Bakhtin, xin đọc: M.M. Bakhtin: Pro et Contra. T.1 (551 trang) – Nxb. Viện nhân văn Kitô giáo Nga, Sainkt-Peteburg, 2001 và M.M. Bakhtin: Pro et Contra. T.2 (771 trang) – Nxb. Viện nhân văn Kitô giáo Nga, Sainkt-Peteburg, 2002 (tiếng Nga).

6. Xem: N.D. Tamarchenco.- Mĩ học sáng tạo ngôn từ của Bakhtin và truyền thống triết học, ngữ văn học Nga. Moskva, 2011(tiếng Nga).

7. Xem: M.M. Bakhtin: Pro et Contra. T.1 (551 trang) – Nxb. Viện nhân văn Kitô giáo Nga, Sainkt-Peteburg, 2001, tr. 537.

8. Xem: M.M. Bakhtin: Pro et Contra. T.1 (551 trang) – Nxb. Viện nhân văn Kitô giáo Nga, Sainkt-Peteburg, 2001, tr. 536.

9. Bài giảng và phát biểu của Bakhtin giai đoạn 1924 – 1925 trong sổ ghi chép của L.V. Pumpianski //Trong sách: M.M. Bakhtin: Pro et Contra. T.1. Nxb. Viện nhân văn Kitô giáo Nga, Sainkt-Peteburg, 2001, tr. 47- 84.

10. N. Tamarchenco. Mĩ học sang tác ngôn từ của Bakhtin và truyền thống triết học ngữ văn học Nga, M., 2011, tr. 18, tiếng Nga.

11. Xem: N.D. Tamarchenco.- Thi pháp học của M.M. Bakhtin và sự tiếp nhận trước tác của ông thời nay // “Những vấn đề văn học”, số 1, năm 2011(Tiếng Nga).




Trần Đình Sử – Lã Nguyên

Nguồn: Tạp chí sông Hương


Exit mobile version