Tôi có được sự nghi hoặc về vấn đề của sự bất tận là nhờ vào cái hộp thiếc lớn dùng chứa bánh qui, nó cũng là nguồn khởi điểm cho cái bí ẩn gây choáng váng trong suốt thời thơ ấu của tôi. Ở một mặt của cái vật thể lạ thường này là một khung cảnh Nhật-bản; tôi không nhớ là trẻ con hay các chiến binh tạo nên hình ảnh trong đó, nhưng tôi có nhớ ở ngay góc khung hình đó có một cái hộp bánh qui giống y như vậy cùng với một bức hình cũng y như thế trên cái hộp, rồi trong cái hộp đó lại chứa một bức hình như thế, và cứ thế (ít nhất thì nó cũng hàm ý như vậy) kéo đến bất tận… Mười bốn, mười lăm năm sau, khoảng năm 1921, tôi khám phá ra trong một tác phẩm của Russell có một ý tương tự vậy của Josiah Royce, người đặt ra giả định về một tấm bản đồ nước Anh được vẽ trên một phần lãnh thổ nước Anh; tấm bản đồ này – bởi vì nó rất chuẩn xác – ắt phải chứa đựng một tấm bản đồ về một tấm bản đồ khác, tấm bản đồ khác này tới phiên nó ắt phải chứa đựng một tấm bản đồ của một tấm bản đồ của một tấm bản đồ, và cứ thế đến bất tận… Trước đó, trong Viện bảo tàng Prado, tôi xem được bức tranh Las meninas nổi tiếng của Velázquez. Phần hậu cảnh bức tranh là chính Velázquez, đang thực hiện một bức chân dung kép vẽ vua Philip IV và phu nhân, hai người này không nằm trong khung tranh mà là hình ảnh phản chiếu trong gương. Trên ngực người hoạ sĩ có đeo cây thánh giá Santiago; người ta đồn rằng nhà vua đã vẽ cây thánh giá ở đó, do đó phong người hoạ sĩ làm phẩm cấp hiệp sĩ… Tôi nhớ là những người điều hành Viện bảo tàng Prado đã đặt một chiếc gương ở trước bức tranh nhằm kéo dài cảm giác khoái cảm này.
Kĩ thuật tạo hình chèn một bức tranh vào trong một bức tranh khác nếu xét trong thế giới chữ nghĩa thì nó tương ứng với việc chen một tác phẩm hư cấu vào bên trong một tác phẩm hư cấu khác. Cervantes đã đưa vào một cuốn tiểu thuyết ngắn vào ngay bên trong tác phẩm Quixote; Lucius Apuleius nổi tiếng là đã chen truyện ngụ ngôn Cupid and Psyche (Thần tình yêu và tâm hồn) vào trong tác phẩm The Golden Ass. Phần thêm vào thuộc về một điều tự nhiên rõ ràng như thế thì cũng tầm thường như trong thực tế có một ai đó đọc lớn lên hoặc hát lên. Hai bình diện đó, thực tế và lí tưởng, không trộn lẫn vào nhau. Trái lại, Một ngàn lẻ một đêm đã nhân đôi và lại nhân đôi các phân nhánh của cùng một câu chuyện chủ đạo khiến câu chuyện rẽ sang nhiều câu chuyện ngoài luồng khiến người đọc choáng váng, nhưng nó không hề cố gắng chuyển đổi trạng thái những thực tại trong đó, và tác động (nên là một tác động theo chiều sâu) chỉ diễn ra ở bề mặt, giống như tấm thảm xứ Ba-tư. Câu chuyện mở màn cho một loạt câu chuyện theo sau là một câu chuyện nổi tiếng: nhà vua trong lúc tan nát cõi lòng đã thề rằng mỗi đêm ông ta sẽ cưới một trinh nữ, rồi người trinh nữ đó sẽ bị chém đầu khi bình minh ló dạng, và nàng Scheherazade, người đã đánh lạc hướng nhà vua bằng những câu chuyện kì diệu suốt một ngàn lẻ một đêm, với lòng can trường của mình cứ quanh đi quẩn lại trên đầu của hai người và nàng trao cho nhà vua đứa con trai của ông ta. Nhu cầu cần phải kết thúc một ngàn lẻ một phần đã buộc những người sao chép tác phẩm này đi đến chỗ tạo ra đủ dạng câu chuyện lạc đề. Không câu chuyện nào gây hoang mang bằng câu chuyện vào đêm thứ 602, như có một chút huyền ảo xen lẫn vào trong đêm. Vào đêm lạ lùng đó, nhà vua được nghe câu chuyện của chính bản thân mình từ đôi môi của hoàng hậu. Ông nghe phần khởi đầu câu chuyện, vốn bao gồm toàn bộ những câu chuyện khác, và – đáng sợ – là có cả chính câu chuyện đó nữa. Liệu người đọc có cảm giác được rõ ràng là có một lượng rất lớn các câu chuyện có thể tiếp tục kéo dài do có sự chen vào của câu chuyện kia, một mối hiểm hoạ kì lạ do câu chuyện xen vào kia gây nên? Liệu nàng hoàng hậu kia sẽ duy trì, và nhà vua bất động kia sẽ lắng nghe mãi mãi cái câu chuyện được thu gọn về một ngàn lẻ một đêm, giờ đây đang kéo dài bất tận và cứ đi theo vòng tròn… Trong Một ngàn lẻ một đêm, Scheherazade kể rất nhiều câu chuyện; một trong số những câu chuyện đó gần như chính là câu chuyện về Một ngàn lẻ một đêm.
Trong hồi thứ ba của Hamlet, Shakespeare cho dựng một sân khấu ở ngay trên sân khấu; thực tế là vở kịch diễn ra ở sân khấu phía trên đó – việc đầu độc một nhà vua – theo một cách nào đó phản chiếu vở kịch chính, và thực tế này đủ để gợi ra một khả năng về những chiều cuộn xoắn kéo dài bất tận. (Trong một bài viết năm 1840, De Quincey nhận định rằng phong cách vững chắc và mạnh bạo của vở kịch phụ đã khiến cho toàn bộ vở kịch có chứa vở kịch phụ đó trái lại có vẻ giống đời hơn. Tôi nói thêm vào là cái mục tiêu cốt yếu của nó là ngược lại: khiến cho thực tại trông có vẻ phi thực tế đối với chúng ta.)
Hamlet xuất hiện từ năm 1602. Cho đến cuối năm 1635, nhà văn trẻ Pierre Corneille đã sáng tác nên một vở hài kịch huyền ảo mang tên L’Illusion comique. Pridamant, cha của Clindor, đã đi khắp các quốc gia ở châu u để tìm kiếm con trai mình. Bằng sự tò mò nhiều hơn là lòng thành thật, ông ta viếng thăm hang động của “vị pháp sư đầy quyền năng” Alcandre. Vị pháp sư này bằng cách dùng ảo ảnh cho ông ta thấy cuộc đời đầy nguy nan của đứa con trai. Chúng ta thấy Clindor đâm vào địch thủ, tháo chạy khỏi vòng pháp luật, bị ám sát trong một khu vườn, rồi tán gẫu cùng bè bạn. Alcandre vén màng bí ẩn. Lúc giết kẻ địch của mình là lúc Clindor bắt đầu diễn, và cảnh khu vườn bê bết máu kia không thuộc về thực tại (“thực tại” trong tác phẩm hư cấu của Corneille), mà thuộc về một vở bi kịch. Chúng ta đang trong một rạp hát mà không hề biết. Một bài văn tán tụng khá bất ngờ dành cho kẻ nổi danh kia đã đưa tác phẩm đến hồi chung cuộc:
Même notre grand Roi, ce foudre de la guerre,
Dont le nom se fait craindre aux deux bouts de la terre,
Le front ceint de lauriers, daigne bien quelquefois
Prêter l’oeil et l’oeille au Théâtre Français.
[That thunderbolt of war himself, our great King/Whose name sounds at earth’s end with fearsome ring/His forehead wreathed in laurels, sometimes deigns/To lend eye and ear to the French Theater’s refrains.]
Thật đau đớn khi lưu ý rằng Corneille đã nhét những vần thơ không mấy huyền ảo này vào miệng của một pháp sư.
Cuốn tiểu thuyết The Golem (1915) của Gustav Meyrink là câu chuyện về một giấc mơ; trong giấc mơ này có những giấc mơ khác; và trong những giấc mơ đó (tôi tin là) còn có những giấc mơ khác nữa.
Tôi đã liệt kê nhiều mê lộ bằng ngôn từ, nhưng không cái nào phức tạp bằng cuốn sách này của Flann O’Brien, cuốn At Swim-Two-Birds. Một sinh viên ở Dublin viết một cuốn tiểu thuyết về một người chủ quán rượu ở Dublin, người chủ này viết một cuốn tiểu thuyết về những người khách ruột của mình (trong số đó có chàng sinh viên nọ), những người khách này tới phiên họ cũng viết những cuốn tiểu thuyết trong đó người chủ quán rượu và chàng sinh viên cùng với các nhà văn viết tiểu thuyết khác là những nhân vật chính, và những cuốn tiểu thuyết này nói về những nhà tiểu thuyết khác. Cuốn sách chứa đựng những bản thảo khác nhau vô cùng về những con người có thật và tưởng tượng này, được chàng sinh viên chú giải rất nhiều. At Swim-Two-Birds không chỉ là một mê lộ: nó là phần thảo luận về nhiều cách tiếp nhận một cuốn tiểu thuyết Ireland và một kho những bài tập rèn luyện viết tản văn và thơ ca minh hoạ hoặc giễu nhại toàn bộ văn phong của Ireland. Ảnh hưởng đầy quyền uy của Joyce (cũng là một kiến trúc sư tạo nên các mê lộ; là một Proteus của văn chương) là điều không thể phủ nhận nhưng ảnh hưởng đó trong cuốn sách muôn mặt này không hề thiếu cân xứng.
Arthur Schopenhauer viết rằng mơ và tỉnh thức là những trang giấy trong cùng một cuốn sách, và đọc những trang này theo thứ tự chính là sống, còn lướt nhanh qua chúng theo ngẫu nhiên, tức là mơ. Những bức tranh trong những bức tranh và những cuốn sách phân nhánh thành những cuốn sách khác giúp chúng ta cảm thức được cái nhất thể này.


J.L.Borges – Duy Đoàn chuyển ngữ (Nguồn: Isach.info)
Exit mobile version