Trước mặt tôi khi ấy là một phụ nữ khoảng 35 tuổi, tự do, lóng lánh. Ấn tượng đó thật đặc biệt. Nó lưu giữ trong tôi như một cái duyên thiên lý. Một đạo diễn nữ, trẻ đã có Nơi bình yên chim hótPhiên tòa cần Chánh án, không đặc biệt sao? Phong thái cho thấy nàng nhiều năm du học, xê dịch nhiều, rất thấm “Tây” và, một điếu thuốc lá giữa hai ngón tay, trông “hơi bị nỗi niềm”. Thời bao cấp giằng co ấy, cuộc sống của dân miền Tây cơ khổ như bị bão rớt, xuất hiện một người nữ mặc áo độn vai và phì phèo thuốc lá thì khỏi phải nói đám nữ chúng tôi dán mắt vào đó như thế nào. Sau này nàng viết Xin lỗi bản thân vì đã mê mẩn đốt cháy thân thể cho công việc và thuốc lá, nhưng hồi đó tôi lại thấy điếu thuốc trên môi nàng là biểu tượng của nữ quyền, pha chút tuyên ngôn, và đặc biệt phóng khoáng.

Không đốt cháy mình sao dám “dây’ với nghề đạo diễn điện ảnh? Viết văn ư, chắc không quá khó, bằng chứng là ở VN “âm đang thịnh” đó thôi. Làm thơ ư, vừa dễ vừa khó, khó nhất, bởi chắc chắn làm một bài thơ tuyệt hay khó hơn làm một bộ phim xem được. Nhưng phụ nữ làm đạo diễn vẫn cho dân làng viết chúng tôi sự khâm phục ít khi được nói ra. Ngay năm sau cuộc tiếp xúc đầu tiên ở Cần Thơ, nàng lại có Gánh xiếc rong. Chao ơi, sức lực đâu mà ba năm làm ba phim liền? Đến khi Dấu ấn của quỷ tung ra thì tôi lý giải được vì sao ngay t lần đầu biết nhau, tôi đã thấy nàng lóng lánh: Trong nàng luôn có những lung linh của năng lực, của ý chí, trách nhiệm, tình yêu với cuộc đời…

Rồi tôi “chịu duyên” với nàng khi tôi viết kịch bản một cách nghiệp dư và được nàng biên tập “nát nước” để thành kịch bản chuyên nghiệp. Tình bạn rưng rưng lặng thầm khi người này biết người kia cùng năm sinh, cùng nối gót cha vào Cứ kháng chiến khi là thiếu nữ, cùng làm tạp vụ và nuôi mộng thành danh. Lại rồi hai đứa lên hai xe hoa muộn màng, xa tít. Bạn bè đùa rằng nữ văn nghệ sĩ miền Nam có hai “con” đàn bà “ác chiến” thì một “tậu” chồng tận Paris và một kia bị gã cá gỗ “xách” ra Hà Nội! Tôi hay nhớ nàng và suy ra, tôi nhiêu khê mười thì nàng phải nhiêu khê trăm. Nghe nàng mỗi năm phải tự túc về nước ít nhất hai lần, tôi nhẩm tính và toát mồ hôi. Năng lượng nào để đốt cháy cho riêng việc kiếm tiền rắc đường như vậy? Nàng đốt thuốc nhiều hơn chăng, may sao, chuyện có con đã cản trở việc đó cho nàng. Nhưng đi về và tiếp tục có phim để phụng sự lẽ sống của mình, bấy giờ, với tôi, nàng đời thường hơn nhưng cũng phi thường hơn bởi quá nhiều nghĩa vụ: làm mẹ, làm vợ, làm dâu, làm phim và làm con thoi để được là công dân liên tục của làng điện ảnh Việt.

Khỏi nói cũng biết chúng tôi đã bị chấn động thế nào khi hay tin nàng đột quỵ. Trời có mắt nhưng trời cũng hay chơi khăm. Một thiệt hại cho điện ảnh và cho đất nước khi mà mới có mỗi Phạm Nhuệ Giang tiếp nối. Xin lỗi bản thân ư, nàng cho đó là một động thái muộn nhưng không thuốc lá, không trắng đêm sao là đạo diễn, cũng như không rượu thì thi sĩ đối ẩm với ai? Nàng lại đốt cháy mình để không là kẻ đầu hàng thương tổn. Nàng hồi phục như có phép màu. May mà nàng đã “đời thường” sớm để có chồng, con làm hậu phương và động lực. Không thấy nhưng có thể cảm nhận tiếng lòng của nàng dạo ấy: tôi không thể đoạn tuyệt với điện ảnh theo cách này, tôi muốn khán giả, tôi muốn quê hương, tôi muốn mãi là tôi đi ra thời Hoàng Cầm sương khói…

Sau “ Chuyện mình, chuyện người”, chúng ta bắt đầu có thêm nhà văn – nhà báo Việt Linh, trong lúc các đạo diễn viết được văn xuôi khá hiếm. Càng xa cái ghế đạo diễn nàng càng chăm chú với ngòi bút. Tôi dõi theo nàng từ khoảng không cách trở nhưng sự khâm phục lại tăng theo những con chữ nàng nắn nót cho đời. Một tri âm vắng mặt mà bền bỉ. Ấn tượng ban đầu ngày ấy lung linh nhắc nhớ. Tính cách, tâm hồn, ý thức và chủ kiến của con người này mà không gắn bó với chữ mới lạ. Thôi, đừng xin lỗi bản thân nữa, nàng vẫn là một đạo diễn vinh quang của nền điện ảnh non trẻ nước nhà, có khán giả yêu mến. Nhưng số phận vừa khiến nàng “rửa tay gác kiếm” vừa lại muốn nàng trở thành một người viết. Quỹ đạo nghệ thuật vẫn nguyên, từ trường sáng tạo vẫn nguyên và sự kỳ vọng của bạn bè lẫn khán giả (nay là độc giả) vẫn nguyên.

Ở đầu sách thứ hai này, những bài báo ngắn vẫn cho thấy một sức đi và một sức viết bén như dao. Không đếm xuể những vấn đề mà nhà báo có văn này quan tâm, như một thỏi nam châm, hút lấy mãnh liệt không trừ dữ kiện nào. Cảm ơn người lạ – mời mọc quá chừng; Đi quán gặp tình – không khỏi tò mò; Buổi phim xao động, đọc xong là phải mở sổ ra thuổng ngay một đoạn của nhân vật chính trong bộ phim tài liệu ấy “Người đấu tranh không bao giờ thua. Kể cả khi chúng ta chết đi thì chúng ta cũng thắng, bởi chúng ta đã giành được nhân phẩm”. Tưởng như là sống đáng nhớ bởi câu kết “Có những cái chết rất lâu trong cái – tưởng như – sống”. Thật giả kim cương khiến phải giật mình: bán một hột xoàn lớn thay hột giả vào đeo vẫn lấp lánh như cũ. Nhưng lại nghĩ “khi mình chết, con cháu đem ra sử dụng. Cái giả sẽ được phát hiện. Những câu hỏi sẽ được đưa ra…Phù phiếm người lớn sẽ để lại biết bao hậu quả. Biết bao niềm tin sẽ mất”. Liên hồi những đoản văn, những tạp bút, những bài báo đơn thuần nhưng khiến ta liên tưởng mọi thứ khi thỏi nam châm ấy xoay theo thế sự, phận người. Nỗi buồn lộng lẫy, Chu kỳ của hoa súng, Tương tư nụ cười, Bướm chết trên bông, May mắn ngập ngừng, Giọt tình thánh thót… những cái tít khiến dân làng viết phải bối rối ganh tỵ. Như thể chưa xong cái tít đặc sắc thì người viết chưa ngồi vào bàn. Mà đã viết thì nhất thiết phải có thông điệp hữu lý, hoặc buồn hoặc vui, hoặc đáng ra hay hoặc là đáng tiếc.

Tôi đặc biệt thích thú mảng truyện mà nàng và những người thân quen là nhân vật phiếm chỉ. Chị, Anh, Ông, Bà, Nó… Bắt đầu nỗi trần ai của dân truyện ngắn rồi đây. Những truyện ngắn ngắn như thể vừa thử sức vừa không muốn giống ai. Phẩm chất của nhà văn đậm lên khi nàng không rón rén với hư cấu. Nếu chuyên về vệt truyện rất ngắn này, chắc chắn nàng sẽ lại có thương hiệu. Tam giác im lặng mô tả một thứ tình yêu hoang huyễn; Thà là danh giá đề cập một đề tài không giỏi thì viết khó hay – chuyện chính- phụ, chuyện đứa con dưới ánh sáng và đứa con trong bóng tối; Chị dâu là một truyện cực ngắn điển hình và gợi mở cũng rất điển hình: người chị dâu bên nhà đã cắn răng giúp cô em chồng xăm mắt xăm môi để cô này thực tập một nghề kiếm cơm trong thời khủng hoảng, bởi bên Tây không dễ tìm người cho thực tập. Viển vông bóng đèn, trời ơi, cái tên truyện tài quá đi thôi, trong đó cái tứ truyện thật đắt: “ Chị cười, nói viễn vông để có cớ sống, Chị không biết ở đâu đó người ta viễn vông để có…tiền”. Riêng Thiện tâm buồn đã thấy “mánh lới” của nhiều câu chuyện xếp chồng lên nhau, đọc tới đâu thấm thía tới đó. Nói mánh là nói vui chứ thủ pháp đã xuất hiện. Mà trong nghệ thuật, có tìm tòi là sẽ có ghi nhận.

*

Khi tôi viết những dòng này, căn hộ nhỏ của Việt Linh giữa Paris cũng lại sáng lên trong tôi ấn tượng lóng lánh – tôi không muốn dùng từ khác. Khiêm nhường và trau chuốt, từng tiểu tiết cho thấy nhu cầu thẩm mỹ khắt khe của chủ nhân. Tư chất điện ảnh và tư chất văn chương được tự do bộc lộ. Linh bảo ở lưng chừng này Linh thấy được Paris trong rất nhiều khoảnh khắc. Tôi lại thấy nó không giống tháp ngà dù nghĩa đen của nó là tháp và cũng khá ngà. Từ đây, nơi số phận có lúc cười, có lúc không cười, thậm chí cay nghiệt, Linh vẫn luôn luôn quan sát và chuẩn bị. Chuẩn bị đi và chuẩn bị viết cái gì đó khi trở về, không ngơi nghỉ.

Tôi vẫn mong đến lúc nào đó Linh sẽ viết được tiểu thuyết. Sao lại không chứ? Bởi như một người bạn Pháp nhận xét: “Chừng như cuộc đời mỗi người Việt Nam là một câu chuyện dài”. Lớn thuyền thì lớn sóng, chắc Linh không quên điều đó.

Dạ Ngân

Nguồn: báo Văn nghệ.