( “Văn chương mang gương mặt nữ” nhìn từ những cây bút văn xuôi)

BÙI VIỆT THẮNG

Không có người Mẹ, không có mặt trời, không có thi ca, không có cả người anh hùng(Danh ngôn)   

Phi lộ

Văn chương nữ Việt

             Trong hơn 40 năm viết phê bình văn học, tôi đã “chạm bút” đến các nữ sĩ thuộc nhiều thế hệ thời hiện đại: Đạm Phương nữ sử, Anh Thơ, Vũ Thị Thường, Lê Thị Mây, Lê Minh Khuê, Trần Thị Thắng, Tôn Phương Lan, Dạ Ngân, Nguyễn Bích Thu, Lý Hoài Thu, Nguyễn Thị Anh Thư, Phạm Sông Hồng, Lê Thị Bích Hồng, Y Ban, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Đàm Quỳnh Ngọc, Trần Thanh Hà, Thùy Dương, Vũ Minh Nguyệt, Phong Điệp, Đỗ Thu Hiên, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Chu Thu Hằng, Nguyễn Thị Minh Hoa, Nguyễn Thu Hằng, Trần Thị Huyền Trang, Kha Thị Thường, Cẩm Hương, Di Li, Phạm Thị Phương Thảo, Lê Hồng Nguyên, Nguyễn Hồng, Trần Quỳnh Nga, Hoàng Việt Hằng, Đỗ Bích Thúy, Trần Hoàng Thiên Kim, Phạm Thị Bích Thủy, Chử Thu Hằng, Trần Kim Anh, Tống Ngọc Hân, Vũ Thanh Lịch, Meggie Phạm, Nguyễn Thị Lê Na, Hoàng Thụy Anh,… Dân gian có câu “Đức tại mẫu”. Viết về các nhà văn nữ, tôi nghĩ, là để tôn vinh phái đẹp, những người nhẫn nại và hào hiệp bồi đắp vẻ đẹp của đời, đã đành, đồng thời cũng là những người xây đắp vẻ đẹp văn chương nữ Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời từ thời đại của các bậc tiền bối Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đến những tác giả thế kỉ XX-XXI. Tôi nghĩ, văn chương nữ, trong bản chất của nó, là nhằm xoa dịu và hơn thế thuần hóa những nỗi đau của kiếp người, là để nâng đỡ con người, là để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, nuôi dưỡng khát vọng tốt đẹp.

Sự trỗi dậy của văn chương nữ báo hiệu một trạng huống “âm thịnh dương suy”, đúng là khi nào “âm thịnh” (trai thời loạn gái thời bình) thì xã hội đang trở lại cân bằng tâm thế, nhân ái, bình an, hào hiệp và vô tư.

            Văn chương nữ, nhìn từ thế hệ

Năm 2000, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành bộ sách Tuyển thơ tác giả nữ Việt NamTuyển văn tác giả nữ Việt Nam (bộ sách hoành tráng với gần 2000 trang, tuyển chọn hơn 130 tác giả; Nhóm tuyển chọn và biên soạn gồm Lại Nguyên Ân, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương, Nguyễn Xuân Nguyên). Năm 2005, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành Tuyển tập thơ văn nữ Việt Nam (sách hơn 800 trang, giới thiệu sáng tác của 133 tác giả; Ban tuyển chọn gồm Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Như Trang, Trần Thị Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Thị Trường ). Gần hơn và trên một quy mô lớn hơn, kinh nghiệm tổ chức bản thảo dày dặn hơn, bộ sách Phái đẹp, cuộc đời & cây bút (Ban Nhà văn nữ tuyển chọn, gồm 3 tập, 125 tác giả với hơn 1500 trang, Nxb Hội Nhà văn, 2015) ra mắt độc giả, một lần nữa tái khẳng định một thực thể văn chương mang gương mặt nữ. Trong số 125 nữ sĩ hiện diện trong tuyển tập lần này có những bậc “trưởng lão” trong làng văn như Nguyệt Tú (SN.1926), Nguyễn Thị Cẩm Thạnh (SN.1927), Thanh Hương (SN.1929). Lại có những người “đầu xanh tuổi trẻ” nhưng tài danh như Nguyễn Ngọc Tư (SN.1976). Tính ra có sự nối tiếp đến bốn thế hệ (với 200 nhà văn nữ trên tổng số gần 1200 hội viên Hội NVVN, số liệu Đại hội X, 2020). Văn chương là dòng chảy bất tận không có bến bờ, là sự tiếp biến biện chứng của các thế hệ nhà văn.

Nếu nhìn sâu vào từng thế hệ sẽ thấy có hai điểm nhấn sau: thế hệ tiếp nối 4X-5X, 5X-6X với những tên tuổi trở nên quen thuộc với độc giả như Đoàn Lê, Ngyễn Thị Vân Anh, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Minh Thư, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Bích Ngân, bộ ba “xe – pháo – mã” (Y Ban – Thùy Dương – Võ Thị Xuân Hà), Nguyễn Thị Anh Thư, Trầm Hương, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh,…Nếu cần nhắc tên những cây bút nữ viết truyện ngắn có thành tựu thì không thể không có Y Ban (cùng với Võ Thị Xuân Hà lập kỷ lục viết khoảng 200 truyện). Gần đây giới nghiên cứu văn học quan tâm tới thế hệ F plus (gồm 7X, 8X, 9X) – ở thế hệ này xu thế “âm thịnh dương suy” càng phát lộ rõ ràng, ít nhất có khoảng 30 cây bút nữ viết văn xuôi đang lên (đa số là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam): Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thị Hồng Chính, Lê Hà Ngân, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, Bảo Thương, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Hải Vân, Tống Phú Sa, Trần Ngọc Diệp, Lưu Thị Mười, Meggie Phạm, Võ Diệu Thanh, Trương Thị Thanh Hiền, Nguyễn Hồng, Phạm Thu Hà, Nguyệt Chu, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trác Diễm, Thương Hà, Cao Nguyệt Nguyên, Kha Thị Thường,… Nếu không quá lời thì có thể coi đây là những hạt giống của tương lai văn chương nước nhà.

    Văn chương nữ, đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ

             Từ trái tim đến trái tim là quy luật của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng trái tim dẫu có thổn thức đến bao nhiêu chăng nữa vẫn có thể chỉ là một “trái tim nhầm chỗ” nếu không đến được bến bờ của trí tuệ. Đọc văn xuôi nữ, không khó cảm thức được chất trí tuệ thấm đượm trong những trang văn. Đừng nghĩ văn chương của phái đẹp chỉ cần mềm mại, tinh tế là đủ. Tiểu thuyết Phố Hoài mới ra gần đây của Trần Thị Trường là bằng chứng nghệ thuật sinh động của một trí tuệ mẫn tiệp khi thực hành viết như là hành động nhận thức lại thực tại. Có trường hợp đằng sau câu chuyện được kể ra có vẻ như là “chuyện thường ngày ở huyện” lại lấp lánh một triết lí nào đó về cuộc đời, về con người kiểu như Quanh chuyện sống với người già của Phan Thị Vàng Anh. Vấn đề quy luật “sinh lão bệnh tử”, vấn đề thế hệ, vấn đề tồn tại theo cái nhìn hiện sinh,…tôi nghĩ đầy ắp trong một truyện ngắn vỏn vẹn 2000 chữ. Có một Nguyễn Thị Minh Thái lúc nào cũng “tung tăng như cá tươi” (Hồ Anh Thái).  Ngồi đợi ở bậc thềm là một cái truyện trĩu nặng vì tâm trạng và trí tuệ. Tập truyện Ngắn & rất ngắn Nguyễn Thị Minh Thái đứng tên chung với Nguyễn Thị Hậu, theo cách viết của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nghe rất gợi “Thái – Hậu viết ngắn”. Tôi quan sát thấy một “cặp bài trùng” trong văn xuôi nữ hiện nay khi đọc tác phẩm của họ luôn ánh lên trí tuệ lấp lánh trên nền tảng một cảm xúc tràn bờ và hào hiệp – Thùy Dương (mạnh về tiểu thuyết) và Võ Thị Xuân Hà (mạnh về truyện ngắn).

Tôi không có điều kiện liệt kê và phân tích cụ thể ở đây tất cả những biểu hiện của phẩm tính đáng quý “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ” trong văn xuôi nữ. Những ví dụ được nêu lên, không hề là bất chợt và ngẫu hứng trong khi đọc bởi tính đại diện của chúng, tôi nghĩ, có thể đồng thuận ý kiến dẫu chỉ là  tương đối.

            Văn chương nữ, lý do để hy vọng

                Nghệ thuật sinh ra là để chống lại sự nhàm chán của cuộc đời. Chính vì thế nghệ thuật bản thân nó không được phép lặp lại. Văn chương/ văn xuôi nữ đang thực sự khởi sắc và đua sắc. Nổi lên một lối viết giàu chất triết luận như Phạm Thị Minh Thư, Dạ Ngân, Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Minh Thái, Thùy Dương, Phan Thị Vàng Anh,…Tác phẩm của họ mạnh về “vấn đề”, nghĩa là có xu hướng nghiêng triết lí đời sống, đôi khi như là những luận đề nhưng đã cố kết được với chất sống tươi nguyên, đọc họ không thấy những “triết lí vặt” vốn đang ồn ào trên văn đàn đương đại ở những người viết non kém vốn sống, yếu tay nghề. Phải nói ngay rằng lối viết này kén độc giả và thực sự là một thử thách với tác giả. Lối viết trữ tình thể hiện rõ ở Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vũ Minh Nguyệt, Đỗ Bích Thúy, Như Bình, Võ Diệu Thanh, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thị Mai Phương, Trần Quỳnh Nga, Lê Hà Ngân,…Truyện của họ nhẹ về “cốt truyện”, nhiều chất thơ, nhiều những “nhánh” rẽ ngang giàu tính chất “trữ tình ngoại đề”. Lối viết “tả chân” vốn được coi như một truyền thống của văn chương Việt Nam in dấu đậm trong truyện của Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Hiền Phương, Nguyễn Thị Anh Thư, Bích Ngân, Trầm Hương, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đàm Quỳnh Ngọc, Lê Hồng Nguyên, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Phương Liên,…Truyện của họ nhiều tình huống gây cấn, nhiều chi tiết hay dễ “bắt mắt” độc giả. Ưu điểm của lối viết này, theo các nhà phê bình, là tác phẩm giàu “chất sống”.

               Cảm hứng và bản sắc nữ quyền vang vọng và rõ nét trong văn chương nữ, ít nhất qua những gì chúng ta đọc được, dẫu không thật đầy đủ.  Và điều này tôi thấy không kém phần ý nghĩa khi nhà văn nữ thông qua tác phẩm của mình cùng thể hiện niềm “kiêu hãnh được làm đàn bà” (như cách viết của Trầm Hương). Khi bàn về một thời kì văn chương, người ta thường trước hết nói đến vấn đề cảm hứng sáng tác. Tương tự khi nói về một lực lượng sáng tác cụ thể nào đó, như văn chương nữ chẳng hạn, người ta cũng hay nói đến cảm hứng. Nhà thơ Vi Thùy Linh trong phát biểu tại Hội thảo Quốc gia “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới – Thực trạng và triển vọng” do Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, ngày 28-5-2015, đã phát biểu, đại ý: Nhà văn đã không viết trên cảm hứng nữ, mà viết trên cảm hứng của nghệ sĩ. Ngẫm ngợi thấy đúng cả tình, cả lý. Như vậy văn nữ nói riêng, văn chương nói chung đều giống nhau ở cảm hứng nhân văn về con người, vì con người, đều hướng tới Chân – Thiện – Mỹ. Như thế tương lai của văn chương nói chung, cũng chính là tương lai của văn chương nữ nói riêng. Và nếu nói “văn chương mang gương mặt nữ” là nói đến khả năng điều hòa tinh thần – đạo đức xã hội, là năng lực nhân đạo hóa, thuần hóa những nỗi đau của con người mà nghệ thuật ngôn từ có thể thực hiện được sứ mệnh của mình thông qua tác phẩm của nhà văn nữ.

Tôi cũng biết nhiều nhà văn nữ đang có những kế hoạch sáng tác của mình. Lê Minh Khuê dẫu được tiếng là nhà văn “trụ hạng” và thành công với thể loại truyện ngắn cũng đang viết dài hơi. Một cuốn tiểu thuyết, theo phỏng đoán của riêng tôi, sẽ rất “gây hấn cảm xúc” (chị đã “xắt” ra một khúc thành một truyện ngắn in trên báo Văn nghệ với cái nhan đề Thằng Tomy về chơi). Một cuốn tiểu thuyết, khi in ra sẽ rất “cập thời vũ” về những vấn đề nhân tâm thời đại – hòa hợp, hòa giải dân tộc thời hậu chiến. Tôi cũng biết người thơ  Nguyễn Thị Ngọc Hà đang tương tư văn xuôi. Tôi có đọc tiểu thuyết Mưa trong nắng của chị từ khi còn là bản thảo. Tôi tin chị có thể gặt hái trong lĩnh vực văn xuôi. Gần đây chị say mê viết truyện ngắn và đăng đều trên báo chí (Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an). Võ Thị Xuân Hà với vốn liếng hơn 200 truyện ngắn (có thể ghi nhận xác lập Kỷ lục), vừa ra mắt tiểu thuyết thứ ba có tựa Câu chuyện của Nàng Thê. Một tên tuổi mới – Thương Hà ( SN.1981), trong 2 năm (2021-2022) đã in 6 tiểu thuyết. Báo Văn nghệ số 33 (ra ngày 13-8-2022) đã đăng bài phê bình Đường đến hòa bình của nhà văn Bùi Việt Thắng về tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh của cât bút mới nhiều nội lực văn chương này.

Những quan sát trên, dẫu chưa thật đầy đủ, nhưng dường như cũng vừa đủ nhen nhóm và gây men niềm tin về tương lai của “văn chương mang gương mặt nữ”, với một niềm hy vọng thiêng liêng, có lẽ không với riêng tôi. Chúng ta biết ơn phụ nữ đã cho ta lòng kiên nhẫn để sống tự tại bình an, vượt qua  những bể dâu đời người. Chúng ta tri ân các nhà văn nữ đã cống hiến cho đời cái Đẹp – Văn chương./.

                                                                             Hà Nội, tháng Phụ nữ, 2022

                                                                                                B.V.T