Bút danh: Mạc Yên
Năm sinh: 22-04-1992
Quê quán: Cần Thơ
Chuyên ngành đã học:
– Nông học – Đại học Cần Thơ
– Đạo diễn Điện ảnh – Đại học Nguyễn Tất Thành
Công việc: Tự do
Tóm tắt tiểu sử: Thời học sinh từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học và theo đuổi chuyên ngành tự nhiên, nên giai đoạn 2007-2019 là khoảng thời gian sáng tác không công bố tác phẩm. Từ năm 2013-2014 tiếp xúc các khối ngành kinh tế – triết học, kiến trúc – mỹ thuật, 2018 chính thức theo học chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh và bắt đầu công bố những tác phẩm văn chương.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Miên Trạng (2020) – truyện dài – Nxb Thanh Niên.
Giải thưởng:
– Truyện ngắn Lam – Giải khuyến khích cuộc thi sáng tác thơ và truyện ngắn Bình Định 2018-2019.
– Truyện ngắn Thế giới bất tử – Giải Ba truyện ngắn trẻ Quán Chiêu Văn 2021.
Tác phẩm đã công bố khác:
– Lời của thời gian – truyện ngắn – báo Văn Nghệ số 33/2019.
– Pruh tím (Cái chết Pruh nơi lưng chừng trời) – báo Văn Nghệ số 01/2021
– Đẳng tử – truyện ngắn – báo Văn Nghệ số 52/2021.
– Bất tử – truyện ngắn – Tạp chí Viết & đọc mùa đông 2022
Nguyễn Mạc Yên Hải tới với nghệ thuật văn chương từ năm 14 tuổi. Tác giả tâm sự, với riêng mình thì văn chương là mệnh, còn nghệ thuật là đích đến chung cùng, nhất định phải tìm đường để đến được với nó. Thế nên, viết như nỗ lực ánh xạ tất cả mọi thứ thành một hình hài nghệ thuật nhỏ bé. Văn chương có thể tạo nên sự sống. Và có thể dập tắt sự sống. Văn chương tạo ra hòa bình. Và văn chương tạo ra chiến tranh. Là bất cứ cái gì phản chiếu lấy tâm hồn, tâm trí, trí tuệ của người sáng tạo và người hưởng thụ văn chương ấy.
Tự mỗi tác giả đều có một triết lý sáng tạo của riêng mình. Tự thân Nguyễn Mạc Yên Hải vốn ám ảnh với hai từ “có lý” và “vô lý”, nên đặt ra cho mình ba điều cốt lõi trong sáng tác: tối thượng nhất là cấm kị sử dụng các hình thức, thủ pháp vô lý, vô thưởng vô phạt hay chỉ nhằm khoe mẽ. Thứ nữa, hình thức phải là một loại nội dung để truyền đi nội dung, hàm ý nội dung và ẩn giấu nội dung. Chính vì thế một ý tưởng thai nghén đủ lâu mới viết thành tác phẩm, hoàn thành rồi lại chỉnh sửa thêm nhiều lần, có khi kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm. Và cuối cùng, tác giả thà tạo ra một tác phẩm khó đọc khó nắm bắt, nhưng có lý và có giá trị bởi đó thật sự là ruột gan của mình.
Vì người cầm bút không thể chỉ kể câu chuyện của bản thân mình và Nguyễn Mạc Yên Hải được cầm bút thì phải nói thay tiếng nói của thế hệ mình trong thời đại này.
Mỗi thế hệ cần có những câu chuyện và tiếng nói của mình, mang tư duy, tư tưởng của thế hệ đó một cách tự do và độc lập. Tác phẩm của người trẻ phải làm được điều ấy. Vì không phải người trẻ viết thì không có ai thực sự sống, nghe, nếm trải thay người trẻ cả, những lăng kính, những góc nhìn, khát khao, niềm tin trong đôi mắt của người trẻ sẽ không thể được cảm nhận. Tác giả trẻ có thể kế thừa nhưng rất cần sáng tạo độc lập, không bị lây nhiễm hay phủ bóng bởi bất cứ ai hay bất cứ đâu. Để tiếng nói của người trẻ không còn là những lời non nớt trẻ dại, để tiếng nói của người trẻ có thể thực sự được lắng nghe, và đặc biệt để người trẻ không mất niềm tin vào chính thế hệ của mình.
“Đẳng tử” thốt lên một điều khúc mắc trầm trọng không có lời giải trong tư duy về thiện và ác, đúng và sai, ý nghĩa và giá trị, sống cống hiến và sống cho cá nhân. Cầm Kỳ Official đã giới thiệu truyện ngắn này.
Truyện ngắn “Cái chết Pruh nơi lưng chừng trời” như một khát vọng sinh thái mà một số người trẻ vẫn cố theo đuổi trong vô vọng và cô độc, trong khi nhiều người đã buông xuôi bỏ mặc sau quá nhiều sóng gió đã trải qua.
Với truyện ngắn “Họ, khát vọng, tái sinh” đó là tiếng gọi của người trẻ dành cho thế hệ đi trước rằng hãy đặt niềm tin và đừng phán xét những sóng ngầm rồ dại trong tâm thức trẻ.
Truyện ngắn “Lời của thời gian” là một dự báo ở tám năm về trước, mà hiện nay đã nào trở thành sự thật, khi mà thực tế giáo dục cần nhiều hơn không phải là giải pháp mà là triết lý căn cơ.
Lời của thời gian
– Đó là một sự xúc phạm!
Không. Nó không chỉ dừng lại ở đó, Tùng chỉ muốn hét toáng lên nó là một ý tưởng phỉ báng, một sự báng bổ tôn nghiêm của người thầy.
– Khi người ta thỏa mãn với những gì mình đã biết thì cánh cổng tri thức đã đóng lại! – Thầy hiệu trưởng nhẹ nhàng nhưng hết sức cương quyết – Với tư cách là học sinh thì đó cũng là sự báng bổ khi một ông thầy không chịu học hỏi lại có quyền đứng trên lớp thao thao bất tuyệt dạy dỗ người khác. Khi thầy thốt ra câu nói đó thì thầy không có quyền và nghĩa vụ phải ở lại ngôi trường này nữa!
Tùng trợn mắt nhìn thầy hiệu trưởng, con người đó dám đuổi anh? Một người đã dạy học ở cái trường này hơn chục năm nay và liên tục nhận được giải giáo viên giỏi cấp thành phố? Ông dám đuổi một cây săn giải thưởng báo cáo kinh nghiệm và được rất nhiều thầy cô lão làng khác nâng đỡ?
– Đừng quá ngạc nhiên. Tôi có trong tay bốn mươi tờ đơn đóng sẵn con dấu của Sở ở đây, và bốn mươi bản hợp đồng khác đang chờ tôi kí. Tôi không ngại nói thẳng cho tất cả những con người đang mệnh danh nhà giáo trong căn phòng tồi tàn này, rằng tôi có quyền rất sâu và rất xa để cho các bạn nghỉ việc không ăn lương dài hạn. Cơ hội duy nhất cho mọi người cứu vớt cái ghế giáo viên nát bấy kia chỉ có một cách, đó là phải tham gia vào chiến dịch của tôi.
Thầy Tùng trợn mắt nhìn thầy hiệu trưởng, mạch máu trên cổ trên trán ông giật đùng đùng như muốn xé toạc những mảng da đỏ quạch đang nổi gai ốc. Và khi thầy hiệu trưởng lôi tờ giấy với dấu mộc đỏ son đè lên trên chữ kí của tay Giám đốc Sở, thì anh biết ông hiệu trưởng này không đùa chút nào.
– Thầy Tùng. Hoặc là thầy giải chức, hoặc là thầy tham gia. Thầy chọn đi!
Tùng cố nuốt cục nghẹn xuống bụng nhưng nó cứ mắc lại nơi cổ họng anh. Anh không bao giờ nuốt trôi được, không bao giờ. Bằng đôi mắt cay cú cực độ, anh cố gắng tìm một chút động lực ở bốn mươi hai con người còn lại trong căn phòng. Tất cả bọn họ đều hoàn toàn im lặng, hoàn toàn tảng lờ đi chỗ khác. Có người còn bình thản chờ đợi thời gian cuộc họp này trôi đến cuối. Anh đã bị họ lừa, tất cả chỉ muốn đẩy anh lên làm phòng tuyến đầu tiên và cuối cùng của họ, để anh chết thay họ.
– Thầy Tùng?
– Tôi không đồng ý! – Tùng hét lớn, tất cả máu nóng trong người anh chỉ muốn phun hết ra ngoài bằng câu nói đó – Tôi không đồng ý để người mới thay thế chúng tôi, họ không có đủ kinh nghiệm. Chính vì lẽ đó, chúng tôi sẽ tham gia!
Thầy hiệu trưởng rút lại tờ đơn trên tay mình, khuôn mặt không hề dấy lên bất kì cảm xúc nào cả. Cứ như thể đó là chuyện tất nhiên phải vậy.
***
Ngôi trường tôi đang học là một ngôi trường đã từng rất nổi tiếng trong thành phố này. Hơn mười năm về trước, những đàn anh đàn chị mà giờ đây đã làm đến giám đốc bệnh viện này, viện trưởng viện kia đã đem về trường cơ man nào là giải thưởng. Giải quốc gia, giải Olympic, giải quốc tế… có lẽ chỉ là một trong số đó. Tên của họ được khắc lên một tấm bảng gỗ mà giờ đây đã đóng nhiều lớp bụi dày trong phòng thầy hiệu trưởng. Dường như lớp bụi đó, và những vòng tròn đồng tâm trên gốc cây trước cửa lớp tôi, là một minh chứng rằng: từng đó năm trôi qua là từng đó thế hệ học trò rời khỏi trường và mãi mãi không trở lại. Ra khỏi ngôi trường này, chẳng biết từ khi nào trở thành một niềm hân hoan kì lạ, như thể một linh hồn tội lỗi vừa thoát khỏi cõi luyện ngục. Bố khỉ! Nói trắng ra là họ quá chán để quay lại! Văn vở quái chi dài dòng.
– Trò nghe cái tin gì chưa?
Thằng quỷ Tân, nếu lớp nào cũng cần có một đứa õng à õng ẹo chuyên đi hóng hớt chuyện thiên hạ rồi học cho người này người kia biết, thì vai trò của thằng quỷ Tân chính là thằng xăng nhớt lẫn lộn đó.
– Nói lẹ không là lột trần!
– Hoy! Tha đi mờ! Trò nhớ chỉ tui mấy bài cuộn cảm đi rồi nói! – Thằng Tân bắt đầu cất giọng “dịu dàng kinh điển”.
Tôi gật đầu chiếu lệ.
– Thầy hiệu trưởng vừa lau sạch cái bảng tên danh dự trong phòng đó!
– Hết chuyện, coi như chưa nghe thấy gì.
– Khoan! Còn! – Thằng quỷ Tân níu tay áo tôi lại bằng một nỗ lực hết sức mềm mỏng, cầu trời là nó đừng phải lòng tôi – Thầy nói với tui là trường sắp diễn ra một cuộc thi! Cuộc thi tuyển chọn giáo viên mà học sinh là người chấm!
Tôi tròn mắt nhìn thằng bạn. Thằng quỷ này mỗi khi nói láo là nó sẽ cười cười với khuôn mặt hết sức ngây thơ. Nhưng lần này nó không cười, đôi mắt cũng tròn xoe như tôi đang xoe tròn nhìn nó. Láo! Một cái tin động trời thế này mà không phải là nói láo thì đúng là quá láo!
– Làm sao ông biết! Nói láo là tội lột trần và phơi ra thị chúng!
– Thầy nói cho tui biết! Chính miệng thầy nói là trường sẽ tổ chức trong tháng tới mờ!
Và trong vô thức, bàn tay thần thánh của tôi đã thọt vào túi quần, rồi lôi ngay cái Iphone 7 bé bỏng của mình ra. Bằng một thao tác tự sướng điêu luyện, khuôn mặt xinh đẹp đang hoàn toàn kinh hoàng của tôi đã được ném thẳng lên trang “mặt sắt” với hơn năm ngàn bạn bè: “Sốc! Không còn cú sốc nào hơn cả! Làm sao đây? Những tháng ngày tẻ nhạt và buồn bã ở cái trường này dường như sẽ bắt đầu chấm dứt ư? Chúng tôi, những người làm học sinh, sẽ được trao vào tay cái quyền chấm điểm… cho chính những giáo viên của mình!”
***
Thầy hiệu trưởng nhìn lại tấm bảng danh dự trong phòng mà thở dài tiếc nuối. Vậy là đã hơn hai mươi mấy năm trôi qua từ khi ông tốt nghiệp ngôi trường này, nó đã không còn là ngôi trường của ông nữa. Bạn bè ông người ở Đông kẻ ở Tây, chẳng ai lại nghĩ về một ngôi trường đã tuyệt tình chối bỏ sự cưu mang của họ. Những giáo viên kì cựu mà ông được học thì người hoặc đã mất, hoặc quá già nua. Họ bán hết hơi thở của mình vào quá khứ, để hiện tại giờ đây chỉ là một bông hoa giả tạo luôn tỏa ra thứ mùi ngai ngái của những lò thuộc da động vật. Phải, học trò của ngôi trường này chẳng khác gì hơn là những sinh vật đang chờ được giết thịt, từng mẩu trên thân xác chúng đều được tận dụng hoàn toàn vào mọi ngóc ngách. Để làm gì ư? Để đem về những thành tích ảo giả từ tư tưởng ảo giả của thời cuộc. Những người thầy trẻ tuổi này nói cho cùng cũng chỉ là những tảng thịt viên bốc mùi được ngâm đi ngâm lại vào hàng loạt hóa chất Trung Quốc. Liệu ông có cứu được ai trong đó chăng? Ông hi vọng là thời gian không tàn khốc như người ta vẫn thường nói.
– Thầy ơi, mấy người khách tới rồi! – Cô hiệu phó trẻ trung vui mừng thông báo.
– A, chào anh Bằng! Bây giờ là hiệu trưởng rồi ha? – Trung, đàn em dưới ông một khóa – Anh coi tụi này đã tập hợp được bao nhiêu người đây?
Trung nói và nhìn ra phía cửa, theo sau cậu là hàng loạt tiếng cười chào rổn rảng cùng những dáng người đã bị thời gian bào mòn đi. Kia là chị Thắm khóa trên lúc nào cũng năng động và hài hước, là Phước chuyên Sinh lại rất giỏi Lịch sử và Chính trị, là Thanh tròn trịa năm nào luôn thật tình và sâu sắc, là Thành chân thành như cái tên của cậu. Rồi có cả Ngọc cả Nguyên, bộ đôi luôn đưa ra hàng loạt lời nhận xét chí lý chí tình, cả An cả Sang một thời cùng ông nói đủ chuyện trời đất, cả bí thư của lớp, cả cô bạn mà ông từng thầm thương nhớ. Và còn nhiều nhiều người bạn quá đỗi thân quen. Họ bước qua cánh cửa đó như đã lật lại những trang lưu bút cuối cùng, những kỉ niệm tưởng sẽ mãi mãi chỉ còn lại trong trí nhớ lúc được lúc mất. Ông cảm thấy mình đang sống ý nghĩa hơn bao giờ hết. Vô thức, nước mắt ông chợt trào, thời gian có tha thứ cho ai bao giờ.
– Được rồi! Vui mừng đủ rồi! – Ông cất tiếng nói sau một quãng dài mọi người cười nói về những kỉ niệm – Chúng ta nên bắt đầu thôi.
– Cậu Bằng chưa có cho tụi tui biết vai trò của tụi tui là gì đó! – Chị Thắm nói.
– Chắc ai có mặt ở đây cũng đọc sơ qua đề án của tôi, đề án lần này là một cuộc cải tổ chưa từng có trong lịch sử giáo dục. Mọi người ở đây, chính là làm những người ra đề, những giám thị cho cuộc thi tài này! – Bằng nói, cơn đau đầu của ông cũng không thể so sánh với niềm vui đang chiếm ngự trong tâm trí ông. Tháng sau, cuộc thi sẽ bắt đầu.
***
Luân bước vào trường, đây là ngày trọng đại nhất trong đời cậu tính đến giờ. Không biết bốn mươi mấy người đang sát cánh bên cậu có cùng cảm giác ấy không, nhưng Luân chắc chắn đây là một cuộc thi lạ lùng nhất mà chỉ có người trong cuộc mới biết mức độ nghiêm trọng của nó. Bốn mươi lăm giáo viên, bốn mươi lăm học sinh các khối 10 – 11 – 12, bốn mươi lăm giáo viên mới ra trường khác. Cả ba sẽ thi đấu với nhau về tất cả các mảng kiến thức được Ban giám hiệu và hội đồng cố vấn ra đề, trước sự chứng kiến của hàng ngàn học sinh, phụ huynh và cư dân trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận. Nghe đâu ông Tổng giám đốc Đài truyền hình và ông Giám đốc Sở, những người đang ngồi trong hội đồng cố vấn, đã đồng thuận phát sóng. Chỉ có hiệu trưởng của trường là chẳng hiểu vì sao lại vắng mặt.
– Bây giờ là thể lệ cuộc thi – Cô hiệu phó bắt đầu nói – Chúng ta có ba đội thi đại diện cho giáo viên, học sinh và giáo viên danh dự. Đề thi hoàn toàn là những câu hỏi ngắn hay trắc nghiệm do hội đồng cố vấn soạn. Chúng ta có bốn lượt như sau. Lượt thứ nhất mỗi đội trả lời bốn mươi câu hỏi, người nào chọn đúng được tính một điểm. Lượt thứ hai có bốn mươi câu hỏi khác, cả ba đội sẽ nhấn chuông giành quyền trả lời, nếu đội nhấn chuông trước trả lời đúng đội đó được mười điểm, nếu sai, cả ba đội mất mười điểm. Lượt thứ ba, cả ba đội sẽ trả lời bốn mươi câu hỏi do hai đội kia soạn, mỗi câu đúng tính một điểm. Lượt thứ tư, mỗi thầy cô giáo sẽ phải trả lời một câu hỏi của học sinh, phần này được năm trăm học sinh của trường chấm. Cuộc thi sẽ diễn ra trong năm phút nữa.
Luân hít một hơi thật sâu. Trong trò chơi này, học sinh chính là những người được lợi nhiều nhất, còn những người đang treo mình trên những sợi tơ lại là chín mươi thầy cô giáo ở đây. Cậu chợt cười, không nghĩ là hiệu trưởng lại có một cách làm táo bạo đến như vậy. Cậu lại nhìn sang chiếc ghế của con người táo bạo đó, nó vẫn trống không.
Tiếng trống nổi lên. Trò chơi đã bắt đầu.
Câu 1: Hãy cho biết kí hiệu thiên văn của Kim tinh.
GV: 37 điểm
GVDD: 41 điểm
HS: 44 điểm
Một tiếng “ồ” vang lên khắp sân trường. Và có cả những tiếng “ồ” vọng lại đâu đó từ khắp nơi trên thành phố này.
***
Hiệu trưởng vẫn chăm chú nhìn vào màn hình. Lúc này mới là lúc ông có thể mỉm cười. Chẳng ai ngờ kiến thức chiêm tinh của học sinh lại cao hơn hẳn những giáo viên, chẳng lạ gì học trò ngày nay xem Horoscope còn nhiều hơn cả ăn sáng. Chúng phân tích rõ đến mức sao Hỏa tiến về cung nào hay sao Mộc, sao Thủy có nghịch hành không. Để làm gì ư? Để chúng xem hôm đó có nên lớn tiếng không, có nên hòa nhã nhún nhường không, có nên chấp nhận những thất bại, mất mát hay sẽ đấu tranh tới cùng cho điều chúng tin là đúng.
Chẳng mấy ai biết Light Novel có nguồn gốc từ Nhật Bản, đất nước đã tạo ra Manga và Anime. Càng không nhiều giáo viên biết nham trà là gì, Wasabi là hạt hay củ. Giáo viên ngày nay đều ngập đầu trong núi việc, đâu mấy ai có nhiều tiền và thời gian để đi tới quán Sushi mới mở, xếp hàng chờ chỗ và học những gì được quảng cáo trong thực đơn. Đâu có mấy ai lật xem trong cuốn truyện tranh kia nhân vật nào đã sống chết cùng bọn trẻ. Ai dạy chúng phép toán lai, nhưng ai cùng chúng khóc khi thương con heo con bò mà ngày mai chúng sẽ giết thịt. Ai dạy cân bằng hóa học, nhưng ai cười cùng chúng khi kể chuyện một công thức hóa học mang hình hài mạng sống con người.
Câu 32: Martini là:
A. Tên một loại rượu.
B. Tên một loại cocktail.
C. Tên một loại nước hoa.
GV: 1091 điểm
GVDD: 1103 điểm
HS: 1183 điểm
Hiệu trưởng phì cười, lại là trò chơi khăm của Phước. Hẳn là cậu ta còn cay lắm ly cocktail đầu tiên trong đời vì không hợp khẩu mà khiến cậu ghét tất cả mọi thứ có tên Martini. Để rồi sau đó còn cay hơn, khi lời người phụ nữ chỉ thoáng lướt qua đời cậu lại đúng. Phải, “chỉ kẻ nông cạn mới yêu ghét trên mấy lẽ ăn theo hợp thời hời hợt đang chồng lấp lên thứ nguyên bản nằm sâu bên dưới”. Và cậu quyết không để mình hời hợt thêm lần nào nữa. Cậu trai trẻ hai mươi mấy tuổi ấy bơm tràn niềm tin và hoài bão, muốn làm doanh nhân hay chính trị để quay về xây dựng ngôi trường mới, phúc lợi tốt hơn cho giáo viên và học sinh. Đáng tiếc, khi cậu trở thành Tổng giám đốc Đài truyền hình thì ngôi trường này lại phủi đi mọi ý muốn trợ giúp từ cậu.
Câu 39: Phương trình tuyến tính hay phương trình phi tuyến tính được ứng dụng để tính chu kì sinh trưởng của động vật biến nhiệt?
GV: 1239
GVDD: 1283
HS: 1434
Hiệu trưởng lại cười. Chẳng có chuyên gia nào trong ngôi trường này cả. Và khi họ nhận ra cũng là lúc để thức tỉnh.
***
Câu 40: Hạt của Chúa là tên gọi khác của thứ gì?
Mồ hôi Tùng rơi xuống như mưa. Anh chưa hề tưởng tượng câu hỏi lại khó khăn thế này. Khi những câu đầu tiên bên học sinh đúng nhiều hơn, anh đã vô cùng tức giận và không thể nào chấp nhận được là có sự công bằng nào ở đây. Nhưng lúc này, việc chiến thắng những học trò của mình cũng không làm anh cảm thấy khá hơn. Anh đã đánh hú họa rất nhiều lần, và không ít lần anh đã liếc sang những người bên cạnh. Lòng tự tôn của anh bây giờ lại bị chính anh phá hủy, không còn gì cay đắng hơn việc khi nhận ra rằng: anh vẫn chỉ là một đứa học sinh không hơn không kém. “Khi người ta thỏa mãn với những gì mình đã biết thì cánh cổng tri thức đã đóng lại”.
Trả lời: Con người.
Đáp án: Hạt Higgs. Ngày 4 tháng 7 năm 2012, một loại hạt được phát hiện và có tính chất tương đồng với hạt Higgs, sự công bố sau đó đã làm xôn xao dư luận và tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin kéo dài.
Tùng thở dài nhìn lên bảng điểm. “Khi người ta thỏa mãn với những gì mình đã biết thì cánh cổng tri thức đã đóng lại”.
***
Nếu nhiều năm sau mấy tay paparazi có hỏi tôi đâu là chuyện khó tin nhất trong đời mình, tôi thề sẽ đá đít thằng ngáo ấy vì nó dám đi phỏng vấn người nổi tiếng mà không đọc tiểu sử của họ. E hèm. Nhưng mà để giữ hình tượng ngôi sao thanh lịch, tôi sẽ nhẹ nhàng bảo họ xem lại kết quả của vòng một.
– Dẫn điểm rồi! Dẫn điểm!
– Yeah! Thắng vòng một rồi!
– Đội học sinh cố lên! Cố lên!
Phải, reo hò nữa đi nào các anh em, chúng ta đã dẫn trước đầy thuyết phục. Hãy đòi lại tiếng nói của chúng ta mặc kệ có ai nghe thấy hay không.
– Cái đề này tụi mình không thắng mới lạ đó! – Thằng Tân chõ mõm qua thì thầm. Nếu bạn hỏi tôi vì sao một tên lắm mồm nhiều chuyện như thằng quỷ Tân lại có thể cùng tôi đại diện cho khối 12. Xin thưa, câu trả lời là vì nó quá nhiều chuyện đi! Tôi dám cá mười ngày khóa “phây búc” là cái gì trong thành phố này nó cũng biết!
– Thầy hiệu trưởng quá sức anh minh. Thần tượng của lòng em hôm nay lại vắng mặt mới ghê chứ!
“Vòng hai bắt đầu.”
Câu 1: Nghĩa đen của danh pháp khoa học loài người là gì?
Reng!
Yeah!
Cả ngàn học sinh reo ầm. Quyền trả lời đã thuộc về thằng Tân danh giá.
– Em hông có thích câu này đâu! Nói ra cái ai cũng nghĩ phụ nữ hay mấy người có tâm hồn phụ nữ không xứng hay gì? Tại từ này nghĩa của nó chỉ có “người đàn ông thông minh” thôi hà!
Tích tắc tích tắc. Thời gian chờ đợi tín hiệu chỉ có vài giây lại kéo cả trường chìm trong im lặng.
Dong dong!
– Yeah! Dé…
Đám học sinh gào rú, bất chấp sức chịu đựng của cái cổ họng bé nhỏ đáng thương đã tới giới hạn cuối cùng. Tôi dán mắt lên màn hình, quyết không để thằng bạn “mõm dài” cướp mất vinh quang.
Câu 2: Trong bài hát “Sa mưa giông” có câu: “Dẫu mà cơn nắng bấy lâu, mà dây bầu mày còn không héo mới mưa dầm mày lại héo dây”. Hãy giải thích hiện tượng này.
Reng.
Tôi dõng dạc trả lời:
– Bầu là cây chịu hạn không chịu ngập úng.
Chiến thuật của bọn tôi là nhấn chuông nhanh nhất để cướp quyền trả lời để bảo toàn khoảng cách điểm số. Chuyện đúng sai là phụ. Đấy, chủ nghĩa anh hùng phải là như thế!
Dong dong!
***
Giáo viên: 1249
Giáo viên danh dự: 1303
Học sinh: 1464
Mồ hôi Luân đổ ra như tắm. Vòng hai kết thúc và nhóm học sinh tiếp tục dẫn điểm. Khó khăn lắm đội giáo viên danh dự mới gỡ được vào phút chót. Nhưng vòng ba này là lợi thế của đội cậu.
Luân chợt mủi lòng, giáo viên danh dự chỉ là một cụm từ hoa hòe mà chỉ có thầy hiệu trưởng mới trân trọng trao cho bốn mươi lăm con người thất nghiệp. Sau bốn năm học sư phạm, Luân đã thấy cánh cửa nghề giáo hoàn toàn đóng lại trước những người như mình. Những người không bao giờ chấp nhận đánh đổi lý tưởng truyền đạt kiến thức thành cuộc đời kiếm tiền từ dạy học. Luân chẳng thà từ bỏ bốn năm tiếp theo của tuổi trẻ, bỏ thêm bốn mươi triệu đồng để học một ngành nữa.
Những giáo viên, người tối sầm, người thất vọng. Luân hoàn toàn hiểu, họ không có lựa chọn thứ hai nào cả.
Câu 13: Câu hỏi từ học sinh: Xác định đâu là lượng, đâu là chất giữa người và nghệ thuật.
Luân trố mắt đọc đi đọc lại câu hỏi vài lần mà vẫn không tài nào tin được. Cậu chợt thấy buồn cười, rồi rất nhanh, cậu thấy câu hỏi này không hoàn toàn ngớ ngẩn. Ngôi trường nào cũng có những học sinh như thế, luôn muốn thoát ly ra khỏi những trang sách để giải thích tất cả những gì chúng muốn biết. Câu trả lời chân lý có lẽ Luân không dám khẳng định, nhưng nếu yêu cầu cậu phải trả lời đúng đáp án của mấy nhóc vị thành niên thì hoàn toàn không khó.
Trả lời: Người là lượng, nghệ thuật là chất.
Đáp án: Đáp án của học sinh: Người là lượng, nghệ thuật là chất.
Giáo viên: 1283
Giáo viên danh dự: 1343
***
Câu hỏi: Có bao giờ khi đang đứng lớp, thầy bỗng nhiên muốn phá bỏ giáo án của mình không?
Tùng cầm micro nhìn một lượt năm trăm khuôn mặt đang gắn lên những cặp mắt chờ đợi. Trong lòng vẫn biết chúng muốn nghe điều gì, nhưng đã làm một người thầy, Tùng không cho phép mình quyền nói dối.
– Giá như thầy có thể trả lời là “có” thật dõng dạc như các giáo viên danh dự. Nhưng thầy không có quyền mạo hiểm với tương lai của học sinh.
***
Cô hiệu phó buông tay cầm điện thoại nhìn lên bảng điểm. Các đội chỉ còn chênh lệch nhau vài điểm. Các giáo viên của trường từ vòng hai đã bắt đầu nhận ra, cuộc thi này là vì họ chứ không phải vì những học sinh kia. Để họ thức tỉnh rằng kiến thức có ở khắp mọi nơi, và sự hàn lâm chính là chiếc chìa khóa đến với mê muội. Họ nghĩ rằng chỉ cần những cuốn sách chuyên ngành là đủ để làm một người thầy, nghĩ rằng cố bơi theo những tấm huy chương rẻ mạt là chân lý của sự học hỏi, họ đã quên cách dạy chân chính nhất chính là mở rộng tầm mắt, không nhồi nhét, không hàn lâm, không vô dụng ngoài đời thực.
Lượt bốn đã bắt đầu, những học trò kia vẫn dõi theo những thầy cô của chúng. Dù tốt hay xấu, giỏi hay tệ thì họ vẫn là những người thầy của chúng. Những điểm số của chúng dành cho họ là lời thức tỉnh cuối cùng, rằng dù họ có tệ đến đâu thì học sinh của trường vẫn tin vào họ hơn cả những người xa lạ kia.
GV: 343
GVDD: 157
Thầy hiệu trưởng, ở trên trời thầy có thấy không?