Trong phạm vi tư liệu thu thập được (hoặc do gia đình nhà thơ Yến Lan cung cấp), và qua trao đổi với một số nhà nghiên cứu dưới đây chúng tôi xin trích đăng một số tin tức có liên quan và các ý kiến bàn thảo rất đáng suy ngẫm:
* Tác giả Cây Thông: “Đêm thứ bảy, 10 Octobre 1842, ban tài tử Hà Nội đã hiến bà con Hà thành hai vở kịch giá trị: Kịch lời Thế Chiến quốc của Trần Tử Anh và kịch ca Bóng giai nhân của Nguyễn Bính cùng Yến Lan. Diễn nổi được những vở này không phải là một việc dễ dàng, vì lẽ: 1/ kịch thuộc lối lịch sử; 2/ lời kịch rất đỗi văn chương; 3/ lớp kịch không có một vai “đào” nào. Tuy vở sau có, nhưng đấy chỉ là một cái “bóng” như nhan đề đã nói, lờ mờ lướt qua trên sân khấu… Trong Bóng giai nhân, ta ngợi khen Tráng sĩ (Vũ Hoàng Chương) bao nhiêu, ta cũng nên hoan hô Đạo sĩ (Trần Huyền Trân) bấy nhiêu” (“Ban Kịch Hà Nội với Thế Chiến quốc và Bóng giai nhân”/ Tạp chí Tri tân số 68, ngày 14.10.1942)
* Nhà phê bình Lê Thanh: “Sau hai vở Anh Nga và Tiếng địch sông Ô, ta thấy xuất hiện Trần Can và Lý Chiêu Hoàng, Phạm Thái (đã xuất bản) của Phan Khắc Khoan, Quán biên thùy (đã xuất bản) của Thao Thao, Vân muội (đã diễn) của Vũ Hoàng Chương, Bóng giai nhân (đã diễn) của Nguyễn Bính… đều là những vở kịch có giá trị” (“Kịch viết bằng thơ”/Tạp chí Tri tân số 133, ngày 9.3.1944)
* Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (người thủ vai tráng sĩ trong Bóng giai nhân 2 lần): Trong hồi kí của mình, Vũ Hoàng Chương có nhắc lại lời trò chuyện của Chu Ngọc, “đạo diễn” vở Bóng giai nhân, như sau: “Kịch thì có sẵn rồi. Một kịch xuôi – Thế Chiến quốc của Trần Tử Anh và một kịch thơ Bóng giai nhân của Nguyễn Bính” (Vở kịch thơ này Nguyễn Bính lúc bấy giờ cho biết là đã hợp soạn với thi sĩ Yến Lan, nhưng Yến Lan ở miền Trung, Hoàng chưa hề gặp” (“Hà, Bắc, Hải, Đông”, trích hồi ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, Nxb. Hội Nhà văn, 1993, tr.33). Ở nhiều đoạn khác trong hồi ký này nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng nói Nguyễn Bính là tác giả Bóng giai nhân (tr.105, 106)
* Nhà thơ Hoàng Cầm: Đính chính những lầm lẫn trong văn học1
Năm 1941 tôi đã chính thức bước vào cái “nghiệp của văn chương” được vài năm. Cuối năm ấy tôi được xem vở kịch thơ đầu tiên công diễn trên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội, do nhà đạo diễn Chu Ngọc dàn dựng. Việc được xem một vở kịch thơ tề chỉnh trên sân khấu có chuẩn mực lần ấy với tôi là một bước ngoặt quyết định trong công việc sáng tác kịch thơ của tôi….Vở kịch thơ ấy có tên là Bóng giai nhân. Trong chương trình ghi là hai tác giả Nguyễn Bính và Yến Lan. Với Nguyễn Bính tôi đã quen. Đối với các bậc đàn anh nổi tiếng, tôi coi như cây cao bóng cả. Tôi chưa gặp Yến Lan bao giờ, chỉ biết anh là một thi sĩ đáng kính nể với bài Bến My Lăng, mà anh đang sánh vai đồng hành với đại thụ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê… nhóm thơ Bình Định nổi tiếng trong phong trào Thơ mới.
Cũng do Bóng giai nhân kích thích mà sang đầu năm 1942 tôi đã khởi thảo vở kịch thơ dài Kiều Loan, cả đến lúc ấy nữa, tôi vẫn chưa biết mặt Yến Lan thế nào, mặc dù suốt từ năm 1942 đến 1947, thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, tôi cứ liên miên đóng vai tráng sĩ, vai chính trong vở của hai nhà thơ mà mình yêu mến.
Năm 1955, cán bộ Miền Nam ra tập kết ở Hà Nội khá đông. Lần đầu tiên tôi gặp Yến Lan tại cuộc họp của nhà xuất bản Văn Nghệ. Yến Lan con người cực kỳ hiền lành…Tôi có khoe với Yến Lan:
– Này ông, tôi là người diễn cái nhân vật tráng sĩ của ông đi mua gươm, chót giết hai người rồi, đến khi gặp người đẹp thì quẳng gươm đi, đành chịu cho gươm mất thiêng, vì không can đảm giết một người vô tội, dẫu là giết trong kịch – theo ý muốn tai quái của một đấng thần linh siêu đẳng nào đó. Vậy thì ông cho tôi biết rõ về vở ấy, ông viết màn nào, còn Nguyễn Bính viết đoạn nào?
Viết chung theo kiểu gì? Ai đề xướng chuyện kịch, rồi ai viết, các ông phân công nhau thế nào?
Tôi thấy Yến Lan có vẻ hơi buồn, nhưng chỉ thoáng qua.Sau anh cười, làm như câu chuyện chẳng có gì quan trọng. Anh nói nho nhỏ:
– Cứ nhầm lẫn hoài mà lâu năm quá, vả lại vở cũng chẳng đáng gọi lá tác phẩm tác phiếc gì ghê gớm, tôi cũng chẳng muốn công khai cải chính nữa. Sợ anh em lại bảo tranh giành tên tuổi. Mà nhất là bây giờ, văn nghệ phục vụ công nông binh (1955), những chuyện gươm thiêng, gươm thần rồi người đẹp, người điếc, cổ lỗ sĩ thế thì bao giờ cho diễn hay in ấn gì nữa mà lo tên với tuổi, cứ cho nó vào cái sọt rác của sự lãng quên là tốt nhất.
… Rồi anh kể:
Năm 1938, sắp đến thế chiến thứ II, một dạo, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân cùng với mình hẹn nhau đến Huế chơi. Cũng là cái kiểu “giang hồ vặt cho đỡ buồn đời! Chả thằng nào còn tiền mà gọi là du khách. Nói lữ khách cho có vẻ văn hoa, chứ thực tình, chỉ vì thèm đổi gió mà đi, đi bằng tiền nhuận bút còm rom của thằng Bính, mình thì nhờ cô bạn tài trợ. Thằng Trân thì cũng khăn gói gió đưa. Đúng là ba tên “bần bách khách du”. Mới đâu có ba bốn ngày, túi đứa nào cũng vét đến đồng xu cuối. Chính thằng Bính nghĩ ra trước cách kiếm tiền chè rượu là đứa nào đấy phải viết ra một vở kịch ngăn ngắn thôi, kiểu gì cũng được, chỉ cần diễn hơn nữa tiếng rồi mỗi thằng ngâm, diễn đôi ba bài thơ là may ra đủ ăn vài tuần.Nghe cũng hay, thằng Trân và mình bày ra cốt truyện, mượn sự tích gươm thần, gươm thánh gì đó ở Đông Chu liệt quốc bên Tàu ấy mà. Hai thằng phác thảo xong, câu chuyện cũng đơn giản mà chỉ có ba thằng thì vở cũng không được quá ba nhân vật. Thế là mình cắm đầu vào viết trong khi Trân và Bính thì đi “giạm sẵn chỗ bạn bè có rượu, có cơm để ăn nhờ trong khi viết rồi tập kịch. Chỉ trong hai ngày, mình đã viết xong 3 màn. Mỗi màn chừng 20 phút, ngót nghét 600 câu thơ. Mà cũng lạ, mình có thạo về kịch cọt gì đâu, không ngờ lúc cầm bút, hứng nổi lên rồi là cứ thao thao bất tuyệt. Viết xong đọc hai thằng nghe, cả hai đều khen, vỗ tay đôm đốp. Bính còn chủ quan kêu vở này có thể diễn 10 đêm không hết khách. Trân thì dè dặt hơn bảo chỉ cần bán vé ba tối, mỗi tối kín lấy hai phần ba rạp là đủ sống một tuần rồi còn đủ tiền mua vé hạng bét về nhà nữa.
Thêm một ngụm cà phê rồi Yến Lan thong thả kể tiếp:
– Phải nhờ Lưu Trọng Lư mới thuê được rạp với giá rẻ. Lưu cũng rất hể hả với với kịch mình viết, tổ chức một số anh em đi quảng cáo, in vé bán…..
Qua hai đêm diễn .. bọn mình chia tay. Mình về Qui Nhơn, Trân và Bính ra Bắc.
Khi in chương trình ở Hà Nội, Chu Ngọc cứ tự ý ghi tên tác giả song đôi là Nguyễn Bính và Yến Lan. Ít lâu sau Bính có thư cho mình kể lại việc diễn ở Hà Nội cũng thanh minh rằng sở dĩ Chu Ngọc để cả hai tên là cốt bán được nhiều vé, vì ở Hà Nội tên Nguyễn Bính nhiều người biết hơn. Mình cũng rất vui lòng vì cũng là bạn với nhau cả.
Câu chuyện ai là tác giả bóng giai nhân là như vậy. Điều tôi muốn nói ở đây là vấn đề trách nhiệm trong văn học. Bạn hữu ngày xưa tâm đắc với nhau, đi chơi rồi sáng tác, dẫu là giải trí, là cao hứng viết chơi, hoặc là để kiếm tiền tiêu xài lặt vặt, đó là một việc. Nhưng một tác phẩm bất luận giá trị cao hay chưa cao, nổi tiếng nhiều hay ít, nhưng do ai viết ra đó là một vấn đề cần sự minh bạch, phần trách nhiệm trước độc giả thuộc về ai càng cần phải minh bạch, để sau này những người làm văn học sử đỡ mất công kiếm tìm và xác định tài liệu.
Cách đây ít năm, vào dịp Đại Hội Nhà văn lần thứ tư (1989), anh Yến Lan gặp tôi có kể rằng ở một tỉnh Miền Nam (tôi không nhớ rõ, hình như tỉnh Long An) nhà xuất bản thuộc sở văn hóa tỉnh có in một tập thơ Nguyễn Bính. Ở bìa nhà xuất bản có rao trước sẽ xuất bản “Kịch thơ Bóng gian nhân của Nguyễn Bính.
Tôi nghĩ: trong tình hình đổi mới, riêng về mặt văn hóa, các loạt sách được ấn hành ồ ạt. Dĩ nhiên với những cuốn ra đời lâu năm, khó tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Nhưng khi một tác giả nào đó còn sống (ví dụ như Yến Lan) nhà xuất bản nào có ý định ấn hành những tác phẩm có liên quan đến nhiều cây bút đồng thời, nên tìm hiểu kỹ, và còn có điều kiện trực tiếp tìm hiểu các tác giả đã qua đời, thì có thể tránh được những nhầm lẫn không đáng có giữa thời đại thông tin bùng nổ như ngày nay.
Hà Nội, Tết Giáp Tuất
* Nhà nghiên cứu Khổng Đức:
Vở kịch Bóng giai nhân là một “sáng tác tập thể” theo nghĩa có sự góp ý ban đầu về cốt truyện của Nguyễn Bính. Nhưng chuyện đó không quan trọng bằng việc Yến Lan là người chấp bút. Nguyễn Bính có góp ý hoàn thành cốt truyện nhưng nếu không có chấp bút thì làm sao thành kịch thơ được. Điều đáng chú ý trong chuyện này: Yến Lan vẫn luôn ghi tên Nguyễn Bính – trân trọng những góp ý của Nguyễn Bính đối với vở kịch Bóng giai nhân; đấy là chưa kể nếu lúc đó Vũ Trọng Can biết làm thơ có khi Yến Lan sẽ ghi tên cả ba người.
Đáng tiếc là nhà thơ Nguyễn Bính mất sớm, nếu người thân và những người làm văn học cứ khẳng định Nguyễn Bính là người soạn thảo chủ yếu, hay tự làm lấy vở kịch thơ thì rất quá đáng. Nguyễn Bính không có khả năng làm kịch… thời đó hầu hết các tác giả làm thơ ở Bình Định không ai viết kịch cả: từ Quách Tấn, Xuân Diệu đến Chế Lan Viên… đều như vậy, chỉ riêng Yến Lan có khả năng viết kịch. Yến Lan không chỉ viết Bóng giai nhân đâu, ông còn soạn kịch Gái Trữ La và kịch thơ về Phật giáo nhưng đã bị thất lạc văn bản.
Vậy tại sao nhiều nhà thơ không viết kịch? Theo tôi, trong dòng máu nhà thơ phải mang một yếu tố nào đó về diễn xuất mới có thể viết kịch được. Vở kịch là một dấu chỉ cho biết trình độ – ảnh hưởng Tây học của nhà thơ; kịch là sản phẩm từ Tây học, Quách Tấn và Yến Lan có học Tây, còn Nguyễn Bính lại rất thuần Việt. Nguyễn Bính ít làm thơ 8 chữ, trong khi kịch lại cần đến thể thơ này, kịch cần đến nói chứ không phải lúc nào cũng ngâm,….
Bóng giai nhân không phải hạng kiệt tác, nó chỉ là một tác phẩm cỡ trung bình. Điểm đặc biệt ở chỗ, Bóng giai nhân là vở kịch thơ đầu tiên của Việt Nam, mặc dù nội dung còn có nhiều chỗ yếu, nhiều khuyết điểm. Phạm Huy Thông cũng có kịch thơ Anh Nga, nhưng thực tế không diễn xuất được, đó chỉ là một vở viết chơi thôi… Dựa trên những chứng cứ mà tôi có được, tôi khẳng định Bóng giai nhân là của một Yến Lan. Song cũng nên lưu ý, có Bóng giai nhân cũng không làm cho Nguyễn Bính hay Yến Lan nổi lên, ngược lại không có Bóng giai nhân cũng không ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ai. Điều khiến chúng ta suy nghĩ, rốt cuộc là Nguyễn Bính không viết một chữ nào trong vỡ kịch thơ ấy, mà cứ cho rằng Nguyễn Bính viết vở kịch thơ này thì vô lí quá. Từ trước tới nay, hậu thế không quan tâm đến lai lịch văn bản mà cứ rập khuôn những gì sẵn có, đề Bóng giai nhân gắn với riêng tên tuổi Nguyễn Bính thì cũng không phải lẽ, không công bằng.
* Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân:
“Chuyện ai là tác giả đích thực của kịch thơ Bóng giai nhân, tôi nghĩ, nay đã rất rõ. Đó là sáng tác của duy nhất tác giả Yến Lan. Tất nhiên trong “tiền sự” chuyện tác quyền của tác phẩm này có thời gian đã bị chính tác giả cùng nhóm bạn văn của mình (Yến Lan, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân) “tung hỏa mù”, – tác phẩm viết của một người trong nhóm, khi dựng diễn thành tác phẩm sân khấu, lại có sự tham gia của hai bạn văn kia, đã được quảng cáo /thông báo, công bố/ như là của 2 trong số 3 bạn văn ấy, lý do là gắn tên Nguyễn Bính vào sẽ gây chú ý cho công chúng nhiều hơn. Theo tôi, đấy cũng là một dạng sử dụng “mặt nạ tác giả” (tác phẩm đem quảng cáo được gắn 2 tên tác giả trong đó một người thực viết ra nó, một người được gắn tên thêm vào vì cái tên người ấy nổi tiếng hơn). Rất may là người trong cuộc và những bạn văn quen biết còn kịp đưa ra những thông tin để minh định. 2 thông tin đáng giá là đoạn hồi ức của Hoàng Cầm và đoạn hồi ức của chính Yến Lan. Thật may là trường hợp này chưa gây ra tranh chấp. Nhà thơ Nguyễn Bính chưa hề khi nào tự mình viết rằng mình là đồng tác giả Bóng giai nhân (nếu có xin bạn nào biết cứ nêu ra và chúng ta tiếp tục một cuộc khảo sát chung). Trong các bản tiểu sử Nguyễn Bính chúng ta có thấy tên vở kịch thơ kia thì chỉ là vì những người biên soạn ghi như vậy, – họ cũng vẫn là những người chịu tác động của cái quảng cáo khi Bóng giai nhân được trình diễn khi xưa chứ họ chưa hề biết được cái thông tin về tác giả đích thực của tác phẩm”
* Lâm Bích Thủy (con gái nhà thơ Yến Lan): Đã hơn mấy chục năm, vấn đề tác phẩm Bóng giai nhân, mà theo kiểu nói của ba tôi – nhà thơ Yến Lan – cha đẻ của tác phẩm, “đó là vụ án về văn học” vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Tại sao ông lại cho rằng nó là vụ án, vì ông là người đã viết ra tác phẩm ấy lại bị người khác đứng tên. Nhà thơ Yến Lan đã phải thốt lên “Đến phải chịu thua thôi, vì lực bất tòng tâm”. Bức xúc cho bạn mình, nhà thơ Hoàng Cầm đã hai lần viết bài đính chính :
1/ Đính chính những nhầm lẫn trong văn học, đăng trên báo Văn nghệ năm Giáp Tuất.
2/ Ai là tác giả vở kịch thơ “Bóng giai nhân”, mà tôi mới giới thiệu, được đăng trên Văn nghệ Công an số 173/4/ 2012.
Hai bài viết của nhà thơ Hoàng Cầm đều đưa ra những lập luận xác thực, chứng minh Yến Lan là cha đẻ của vở kịch thơ này. Ông còn bảo con trai nhà thơ Yến Lan là Lâm Huy Nhuận đến gặp người sưu tập, giới thiệu tuyển tập kịch thơ Việt Nam, sắp xuất bản (1994), yêu cầu đính chính tên tác giả. Nhưng người biên soạn đã trả lời “Tôi cũng tin rằng anh Hoàng Cầm nói không sai. Nhưng từ lâu, anh chị em trong giới sân khấu, cả trong Hội nhà văn nữa đã đinh ninh rằng vở kịch ấy do hai tác giả Yến Lan và Nguyễn Bính, bây giờ tôi biên soạn lại, tự nhiên cắt bỏ Nguyễn Bính ra thì sẽ gây nên nhiều dư luận chẳng hay ho gì. Thôi, từ trước trong dư luận công chúng, vở kịch ấy đã thế rồi thì cứ giữ nguyên nó là thế. Đính chính là không cần thiết, không có lợi gì cho văn học và sân khấu…”
Tại sao đính chính sự thật lại sợ dư luận. Không đính chính mới mới làm nảy sinh nhiều hệ lụy, có lúc tác giả chính bị tước quyền, tác phẩm của một người lại phải mang song tên tác giả. Vì nhầm lẫn nên khi sách xuất bản ở một địa phương nào đó, chỉ đề tên của một mình Nguyễn Bính. Như vậy có lợi gì cho Văn học và sân khấu; nếu tính chính xác của tác phẩm không minh bạch sau này người làm văn học sẽ mất công tìm, xác định tài liệu. Cái lý do nếu bỏ tên Nguyễn Bính ra thì sẽ gây nhiều dư luận chẳng hay ho gì, vậy thì bỏ tên cha đẻ của nó thì hay lắm sao?!…
Người yêu văn học cần sự thật và công minh.
Tôi xin ví dụ một số phản hồi sau khi đọc bài của nhà thơ Hoàng Cầm (thay cho lòng mong đợi và hy vọng của gia đình nhà thơ Yến Lan) đối với vấn đề này:
– “…tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm ở Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ làm được việc mà lý ra người ta đã phải làm từ năm 2001, sau khi có bài viết nêu rõ mọi góc cạnh, uẩn khúc của vấn đề “Ai là tác giả của vở kịch thơ Bóng giai nhân” của thi sĩ Hoàng Cầm đăng trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ tháng 5 – 2001! Mong rằng những thái độ tắc trách, tùy tiện của ai đó ( Thôi lịch sử văn học thế nào thì cứ để như thế! (?) Bất bình tắc minh, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục đặt lại vấn đề cho đến khi nào chúng ta có được kết quả đúng đắn, hợp lý, hợp tình: Trả lại tác phẩm kịch thơ Bóng giai nhân về lại cho tác giả đích thực của nó, là nhà thơ Yến Lan. Như người trong cuộc là nhà thơ Hoàng Cầm đã khẳng định!
– Nếu đúng sự thật như bài viết đã nêu… sự nhầm lẫn về tác giả kịch thơ Bóng giai nhân thì thật đáng buồn…Mà lỗi “nhầm lẫn”lại do những người nổi tiếng trong “giới văn nghệ “ cùng sống một thời với nhà thơ Yến Lan thì thật đáng trách…(?)
Mong rằng kịch thơ trên được trả về đúng vị trí của Người sáng tạo ra nó! Nhưng chẳng lẽ tất cả chỉ là sự im lặng đáng sợ.
– Bài viết của thi sĩ Hoàng Cầm có tựa đề: “Ai là tác giả của vở kịch thơ Bóng giai nhân” – là một bài viết giá trị, có trách nhiệm với lịch sử văn học của đất nước. Mong rằng Hội nhà văn Việt Nam có kế hoạch làm rõ vấn đề này, để đưa vở kịch này về đúng với người đã viết ra nó: Yến Lan. Và, cũng rất mong là xin đừng để quá muộn”
1 Tư liệu do gia đình nhà thơ Yến Lan cung cấp
Trang Nhung
Nguồn: PHONGDIEP.NET