…Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng
Con sóng nào vẫn vỗ về vào đam mê…
Hà Nội đêm trở gió (Lời Chu Lai – Nhạc Trọng Đài)
Tôi muốn ngồi dậy. Vầng trăng còn bị vướng đâu đó đằng sau một đám mây ở khoảng mênh mông bị chắn bởi khung cửa sổ và tôi muốn nhìn thấy nó. Nhưng tôi vẫn nằm im. Trong căn phòng mười sáu mét vuông dội lên tiếng thở của chồng con tôi. Đã có một đêm mất ngủ, tôi nằm nghe những tiếng thở đó và nhận thấy chúng bao giờ cũng lệch nhịp. Tôi đã gắng thở theo nhịp thở hoặc của chồng, hoặc của con. Nhưng không thể. Đêm ấy cũng là một đêm có trăng. Tôi đã nhìn trăng như thế nhiều năm.
Tôi đã thôi không chống chọi lại sự mất ngủ sau khi người chồng đầu của tôi mất một năm. Căn phòng nhỏ tôi đưa con về ở theo sự thu xếp của ông bà ngoại sau những dằn vặt không ngơi của nhà chồng tôi nằm ở tầng năm giữa một khu tập thể lớn. Đêm đêm vầng trăng đi qua đó, lúc đỏ quạch, lúc sáng xanh, lúc lạnh lung linh, lúc ảo não trong mưa, lúc lại bị chìm lấp đằng sau những tảng mây nặng trĩu hơi nước. Không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy nó. Nhưng tôi biết rất rõ rằng nó đang lang thang đâu đó trên cao và có lẽ chỉ mình nó biết rằng tôi thức
Mất chồng tuổi nào thì sự góa bụa mới trở thành một nông nỗi? Tôi goá chồng. Sớm không ngờ. Hai tư tuổi. Tôi chưa kịp làm gì, chưa kịp biết gì, hình như cũng chưa kịp mê say gì. Kể cả tình yêu.
Dù rằng tôi lấy chồng không do một sự ép buộc nào. Chúng tôi biết nhau từ lúc tôi mười bảy tuổi. Anh hơn tôi bốn tuổi, vừa rời đại học lên đường. Năm đó, tôi hăm hở bước chân vào đó. Đúng ngôi trường anh vừa đành lòng rời bỏ. Phải! Đành lòng! Tôi biết điều đó mãi sau này. Tôi biết anh nhập ngũ chẳng phải vì tiếng gọi thiêng liêng nào mà chỉ vì muốn đi thay người anh cả, muốn đáp lại một mong mỏi không thể nói ra của bố mẹ. Bao giờ anh cũng có một trách nhiệm nào đấy cần phải gánh vác ở thời tương lai. Thế nhưng cái trách nhiệm lớn nhất, lâu dài nhất, lằng nhằng nhất là trách nhiệm với mẹ con tôi thì anh đã không làm.Tôi làm sao trách anh được điều đó. Nghĩ về điều đó với một niềm cay đắng tôi cũng không dám. Điều ấy cũng từa tựa việc một người mẹ tiếc là đã sinh con chỉ vì quá cơ cực.
Vậy là anh đi đã mười một năm. Con tôi nay mười hai tuổi. Nó không biết mặt bố và lúc nào cũng thèm có bố. Cũng vì vậy mà khi có ai đó đùa nhả xui nó gọi bằng bố là nó gọi liền. Nhưng đấy là lúc nó còn bé, rất bé.
Lúc biết rằng anh không thể sống, gia đình đã nói xa nói gần về việc mang nó vào thăm anh. Anh từ chối, bảo bệnh viện bẩn thỉu không tốt cho trẻ, bảo vài ba hôm nữa ra viện anh sẽ về bế con… Tôi không hiểu vì sao. Nhưng chính tôi cũng không muốn điều ấy. Thằng bé còn nhỏ quá. Mới chín tháng. Nó sẽ không thể nhớ được mặt bố. Còn anh. Anh sẽ phải rời bỏ nó, rời bỏ tôi, ngày mai, ngày kia… Anh biết điều đó. Bởi anh tỉnh táo cho đến ngày cuối cùng trong đời. Một cuộc đời rất ngắn. Có hai tám năm. Mang thằng bé vào để anh nhìn mặt như vậy tôi cảm như là bất nhẫn.
Tôi không biết anh nghĩ gì trong mấy ngày cuối cùng. Anh ngủ chập chờn. Tôi cũng chập chờn bên giường anh, trong bệnh viện. Có một lần, cảm giác như chiếc ghế chao nghiêng, tôi choàng tỉnh. Anh không ngủ. Anh nhìn tôi. Cái nhìn đó tôi không quên mười một năm qua. Có lẽ sẽ không quên suốt đời. Nỗi khổ của tôi chính là thế. Chính là không biết quên.
Lúc nào tôi cũng có cảm giác anh ở đâu đó quanh tôi và gia đình nhỏ của tôi. Bây giờ là ba người. Tôi. Con tôi. Chồng tôi. Cũng đã từng là lính như anh. Không bao giờ tôi nói với người đang sống cùng tôi cảm giác về anh – người chồng đầu đã khuất của tôi. Tôi cũng không khóc, cả vào ngày giỗ anh.
Nếu đó là tình yêu sống mãi dễ tôi còn có thể nói ra. Nhưng đó không phải là tình yêu. Đúng! Không phải! Tôi hiểu điều đó ngay từ khi lấy anh. Tự nguyện lấy. Chồng sĩ quan, trẻ, có học. Vợ giáo viên nội thành. Bạn bè đồng thanh: Vợ chồng giáo khoa. Anh cười. Rất vui. Rất yên tâm về hạnh phúc của mình.
Chỉ riêng tôi là không. Anh biệt phái ở quân khu tả ngạn, nhưng theo xe đơn vị về Hà Nội luôn luôn. Những ngày thiếu nhau nung đốt chúng tôi làm cho những đêm của chúng tôi hừng hực, hừng hực. Nhưng dù thế, tôi vẫn không sao quên được ý nghĩ rằng mình chưa yêu, rằng mình sẽ suốt đời không biết thế nào là tình yêu.
Cái cớ để tôi gật đầu khi anh ngỏ lời thật đơn giản và thực ra là vô cớ. Anh từ quân khu về, đến thăm tôi tất cả các buổi tối còn được ở nhà. Như thế, suốt mấy năm tôi học đại học. Tôi và một đứa bạn gái một hôm hứng chí ra ga tiễn anh. Buổi trưa. Nắng gắt. Ga Hàng Cỏ sặc sụa mùi nước giải. Có cảm giác cái mùi ấy bốc lên từ mọi ngóc ngách. Từ phòng bán vé. Từ phòng chờ. Từ đường ray. Từ các toa tàu. Tôi, con gái Hà Nội bốn đời, chưa bao giờ phải đi đâu xa một mình bằng tàu bằng xe. Chưa bao giờ ra ga. Buổi trưa đó tôi sững sờ. Anh khác hẳn những tối đến nhà tôi. Cái ba lô con cóc trĩu sau vai. Một chiếc khăn mặt buộc bên quai ba lô đã được dấp nước cẩn thận. Mồ hôi lan từ sau lưng ra, ướt sũng một khoảng vai áo phía trước. Chúng tôi nhìn nhau, lặng ngắt. Tôi có cảm giác bị một người vô hình lôi tuột khỏi thế giới của tôi. Cảm giác ấy tăng mãi khi một đám lính trẻ, có lẽ trẻ hơn tôi và anh ào tới:
Thủ trưởng, thủ trưởng mua dùm em một vé. Em nằm ở ga hai ngày nay rồi. Quá phép mất rồi…
Nó quá phép từ ở nhà chứ không phải vì chậm vé đâu. Nó ở nhà cày cho ông bà cụ đấy mà. Có em đây này. Em trả phép đúng hạn mà bị tắc ở đây. Thủ trưởng hỗ trợ em một vé.
Mỗi người một lời. Những lời giống nhau và khác giọng. Những khuôn mặt giống nhau, phờ phạc. Những cái nhìn giống nhau, nhẫn nhục, mà vẫn tinh quái khi họ liếc qua tôi và đứa bạn. Những bộ quần áo vải thô lùng thùng, nhàu nát, xệch xạc. Ba lô con cóc lộn trái thành một cái túi xách lếch thếch. Nắng như đổ lửa. Gió ào qua từng cơn phả cái nóng sặc sụa mùi nước giải…
Lần anh về Hà Nội sau đó tôi nhận lời anh. Chỉ vài hôm sau ngày cưới tôi biết rằng tôi chưa yêu, rằng tôi sẽ không yêu. Nhưng tôi cũng biết tôi sẽ gắn bó với anh mãi mãi.
Thế mà cái chết đã tới, rất chóng vánh tách chúng tôi ra. Vậy là bao giờ chúng tôi cũng ở hai thế giới khác nhau.
Những ngày anh nằm viện vì chứng bệnh lạ lùng, tôi hầu như không ngủ. Trông anh ở viện. Đạp về trường. Đảo qua nhà nhìn con. Bầu vú tôi căng nhức. Nhưng tôi không thể về nhà theo cữ cho con bú. Thằng bé cai sữa vào độ ấy, lúc mới được chín tháng. Những ngày ấy tôi quên ý nghĩ vẫn luẩn quẩn trong đầu bấy lâu. Nhưng rồi nó trở lại một cách quái gở. Đúng lúc tôi đứng trong nhà lạnh chuẩn bị liệm xác anh. Da anh lúc đó xám xanh, mắt nhắm, không còn ám ảnh tôi bằng cái nhìn trôi lạc, đau đáu, những ngày cuối cùng. Có hai người giữ hai cánh tay tôi. Vô ích. Tôi đứng, không gào thét, không giãy dụa, không than thở. Nước mắt ứa ra. Người bềnh bồng như chênh vênh trên ban công không có chấn song chắn. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nghĩ về cái hiệu giặt là tôi vừa thấy trên con đường từ nhà tới viện. Mười mấy năm rồi Hà Nội mới thấy có lại một cái hiệu như thế.
Tôi cũng không gào thét, than thở vào buổi chiều đưa anh. Nghĩa trang sau mấy ngày mưa, nắng chói chang trở lại. Mặt trời tựa hồ phình ra qua sự khúc xạ của hơi nước. Không khí như bị nung đốt. Tôi đứng bên mộ anh, chợt run, nghiến răng lại mà vẫn run. Hai đứa em gái anh, đứa hơn đứa kém tôi một tuổi lăn lộn. Tôi nhìn ra xa. Phía đằng kia nghĩa trang cũng có một đám ma. Lèo tèo vài người. Bóng đàn bà mặc áo xô. Sau này nhớ lại, tôi ngạc nhiên vì không hiểu sao lúc đó tôi lại đoan chắc người chết là cán bộ thoát ly, cỡ cán sự ba bốn gì đó và vợ con mới ở quê ra. Mà lúc ấy là lúc đắp mộ anh. Lúc ấy, tôi không dám nhìn vẻ chăm chỉ hào hứng của mấy người phu mộ. Mắt tôi chạm dáng đứng đứa em gái. Mặt nó bơ phờ. Lúc còn ở nhà xác bệnh viện tôi thấy nó mặt nhòe nước mà vẫn không tháo kính đi rất nhanh ra sau bức tường ngăn khu nhà xác với khu điều trị. Bao giờ nó cũng có kiểu ấy. Bao giờ nó cũng tách ra khỏi đám đông.
Tôi chỉ có nó làm chị em. Mẹ tôi mất khi chúng tôi còn rất bé. Nó và tôi không hợp nhau. Nó tính rất lỳ. Như một thằng con trai, dù cực ốm yếu. Thế nhưng không hiểu vì sao hôm tôi cưới, lúc đưa dâu, tới nhà anh, nó lại khóc. Rất thảm. Mắt cứ nhìn trừng trừng, nước từ đó dào ra. Nó khóc làm tôi khóc. Có một bà đã gắt cả hai chị em tôi đừng làm điều gở. Phải đó là điềm gở? Vì chồng tôi đi chỉ sau đó có dăm năm.
Tôi không biết có phải tôi lấy anh vì thương anh? Chắc không phải. Có thể điều đó chỉ đơn giản là cảm giác mặc cảm ở tôi, một đứa con gái chưa bao giờ sung sướng mà lại biết có người lận đận hơn mình. Nhưng khi anh mất đi, lòng thương anh gậm nhấm từng ngày của tôi. Đúng là vậy. Thương anh hơn tất cả. Hơn thương đứa con mồ côi cha sớm đến thế. Hơn thương thân. Những đứa em anh lấy chồng, anh trai anh lấy vợ, bố mẹ chồng tôi dần bớt vẻ rầu rĩ. Nhạt dần những lời nhắc anh. Rồi những lời ấy chỉ trở lại vào ngày giỗ anh. Mà ngay cả những ngày giỗ cũng dần bớt vẻ thảm não. Em anh cùng chồng con trở về tíu tít cỗ bàn. Những câu chuyện râm ran xung quanh bọn trẻ con đang lẫm chẫm tập đi đang bi bô tập nói. Tôi có cảm giác vẻ sầu muộn của mình như lạc điệu, như làm phiền cả gia đình. Tôi có cảm giác tôi và con tôi, và cả anh bị đẩy bật ra trong ngày đó.
Mà không hẳn chỉ là những ngày đó. Cả trong ngày thương binh liệt sỹ. Công đoàn nhà trường, phường phố, cán bộ phòng thương binh xã hội tới thăm mẹ con tôi. Trịnh trọng. Hoan hỷ. Ngồi tiếp mọi người mà đầu óc tôi lang thang tận đâu đâu. Có lần ý nghĩ tôi trở về nơi quàn xác anh. Nhà xác viện 108 trông thẳng ra vườn hoa Pasteur và buổi chiều đưa anh là một buổi chiều rất đẹp. Lúc xe tang từ từ đi ra, tôi thấy gần cổng đám bệnh binh đã cùng nằm với chồng tôi trong một khoa. Những người lính rất trẻ, được đưa về từ mặt trận phía bắc, có chung một chứng bệnh như anh. Da họ mỗi ngày một trong đi, trong tái, như bị rút mất máu. Mà đúng là mất máu. Chỉ cần một vết xước nhỏ là máu rỉ ra không làm sao đông lại được. Xe tang đi qua họ và tôi nhớ lúc đó tôi đã nghĩ rằng chỉ có họ là thương anh, thương tôi, thương con tôi. Chỉ có họ. Dù rằng họ không hề đến bên tôi nói một lời chia buồn. Giữa họ và tôi có một mối cảm thông, được kết bởi cái chết vừa tới và cả bởi những cái chết chưa tới. Khi hồi tưởng lại điều đó bao giờ tôi cũng đau đớn. Nỗi đau người ta chỉ có khi chứng nghiệm cái chết và hoàn toàn bất lực. Như tôi trong những ngày cuối chăm chồng.
Mà điều làm tôi thương anh nhất chính là vì tôi, vì tôi biết rằng tôi không yêu anh khi anh còn sống. Sau cái chết còn có gì? Tôi nghĩ người chết chỉ khác người sống ở mỗi một điều là không thể nói. Người chết bay lượn quanh chúng ta, hiển hiện ở mọi nơi, mọi lúc, nhưng không sao hòa được vào thế giới của người sống, và chẳng ai biết thế. Người chết đơn giản là bị quên. Chồng tôi đã bị quên, khi anh chưa đầy ba mươi tuổi.
Tôi bắt đầu mất ngủ từ khi anh qua đời. Những đêm, những đêm đi qua tôi, dằng dặc, hỗn độn bao ý nghĩ. Vầng trăng cũng từng đêm đi qua tôi. Tròn. Khuyết. Vô hình. Mất ngủ mãi, tôi đâm mong những đêm bơm nước. Ba ngày một lần tầng năm của tôi có nước, vào khoảng giờ oái oăm: đêm, mười một giờ. Phải hứng nước đổ vào phuy, giặt chăn chiếu, quần áo… Cả tầng xôn xao tới hai ba giờ sáng. Khổ nỗi nếu tôi loay hoay chuyện nước non thì thằng con tôi cũng thức. Nó bước những bước ngắn chủn, thập thững quanh phòng trong cơn buồn ngủ, nhưng nhất định không chịu lên giường trước mẹ. Nó chỉ có tôi để mà gắn bó và tôi sợ rằng nó sẽ yếu mềm về sau.
Những đêm khác, tôi nằm nghe thằng con thở. Thức qua đêm nhiều, tôi quen dần với tiếng chim lợn kêu cữ hai giờ sáng. Tiếng chim quái gở, eng éc giữa trời thành phố hồi đầu làm tôi thấp thỏm suốt cả ngày hôm sau. Người ta bảo chim lợn không mang điều lành. Điều dữ nhất đối với đời đàn bà của tôi đã xảy ra rồi. Tôi hết sợ. Chắc chim lợn cũng là loài chim mất ngủ. Tôi thường có cảm giác ấy vào những đêm mùa đông trăng suông và hoa sữa. Ban ngày nắng hanh, mùi hoa sữa về đêm nồng nàn đến khó thở. Bên kia đường, dưới khung cửa sổ phòng tôi là sông Kim Ngưu – cái cống lộ thiên của thành phố – thường bốc mùi vào những chiều hè oi ả trước khi dông đến. Mùa đông. Hoa sữa thơm bứt dứt. Dòng sông đen lặng lẽ chở trăng mờ. Tiếng chim lợn kêu đêm phập phồng một niềm tiên cảm. Có vẻ cũng lãng mạn. ý nghĩ ấy có lần đã làm tôi phì cười.
Nhưng thường thì tôi nín hơi rồi thở dài, thật dài. Không bao giờ tôi khóc. Thiên hạ thường hay tưởng tượng cảnh một người đàn bà cô đơn khóc lặng lẽ một mình trong đêm. Không đúng. Người ta chỉ khóc khi có người biết mình khóc, khi hy vọng sẽ được dỗ dành. Còn tôi? Chồng chết rồi, phận sự của tôi là dỗ con chứ không phải để con dỗ. Tôi dỗ dành nó suốt bao năm qua. Khi nó còn bé, tôi phải dỗ nó rằng bố đi xa và không được gọi chú… bác… là bố. Hồi sang cát cho chồng tôi, nó gần bốn tuổi, hý hửng suốt mấy ngày rằng sắp được đón bố về. Khi sắp xương vào tiểu sành và đưa tới nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội dưới Ngọc Hồi nó vẫn còn hý hửng. Lúc chôn tiểu xuống, nó gào lên, nhảy bổ vào người phu mộ: Mẹ mày! Giả bố tao đây! Tôi không hiểu nó học ở đâu và từ lúc nào câu chửi đó. Và cái lúc mọi người đứng khóc, bố mẹ chồng tôi, bố tôi, đại diện đơn vị cũ của chồng tôi… thì tôi phải cắn răng làm mặt tỉnh, rẽ rọt bảo con rằng bố sẽ về nhà, bố sẽ ở trên bàn thờ. Tám năm đã qua, nhiều lúc tôi thấy mình choáng váng vì cảm giác tiếng gào của nó buổi sáng tinh sương đó vẫn cứ chói lói trong đầu, và cả vì cái nhìn của đứa em gái tôi lúc đó. Chỉ riêng nó không khóc. Nó đứng nhìn hai mẹ con tôi dỗ nhau và tôi thấy rất rõ gọng kính của nó lóe sáng bởi một tia mặt trời.
Đứa em gái lỳ lợm của tôi… Bao giờ tôi cũng có cảm giác rằng mình không hiểu nó. Nó học giỏi. Thích thành nhà báo. Nhưng rút cục thì nó thành nhà giáo. Vì ốm yếu. Vì cảnh nhà. Vì đủ thứ buộc phải tính toán. Nó đích thực bị nghề chọn. Thế nhưng nó lại làm việc dễ dàng. Học trò nó lớn hơn học trò tôi, thích nó và sợ nó. Có lần nó than rằng nó rất dễ với học trò, cũng không già hơn học trò là bao, thế nhưng giữa nó với học trò vẫn không có sự chan hòa như giữa tôi và bọn trẻ của tôi. Tôi thì tôi biết. Cả trong quan hệ đó nó vẫn tách mình ra để nhìn. Nhưng chính vì thế mà học trò của nó thích. Nó giảng rất lạ. Theo tôi nó nên làm một nghề gì đó tự do. Lối lên lớp của nó vào độ mười năm trước và ở một trường huyện nào đó thì chắc ăn đủ. Sẽ không ngóc đầu lên được vì bị chỉ trích. Chẳng kiểm tra sĩ số, chẳng gọi học sinh lên bảng lấy điểm kiểm tra miệng, chẳng đọc cho học sinh chép, chẳng nêu câu hỏi phát vấn, cũng không tổng kết, củng cố và vân vân. Buông lửng như tiểu thuyết Tàu ngày xưa. Tôi có lần đến tìm nó ở trường. Đầu hè. Nắng ong ong làm buồn ngủ. Nó đang lên lớp. Tôi đứng ngoài nhìn. Những đứa học trò mười bảy mười tám đờ ra nghe, rồi đột ngột vớ bút ghi lia lịa như bị ma ám. Còn nó thì cũng chẳng khác gì bị ma ám, hay tay thọc vào túi quần, lang thang trong lớp. Có một lúc nó cầm mẩu phấn ném đánh toách lên bảng khiến lũ học trò giật mình, tôi cũng giật mình. Và tôi lạ lùng không thấy tiếng cười của bọn học trò.
Tôi biết tôi không thể tìm đâu ra hứng để giảng bài như nó. Thế nhưng theo tôi thì lối lên lớp của nó thiếu hẳn vẻ mô phạm cần có trong nghề. Điều ấy chẳng ích gì cho nó và cho cả lũ học trò. Hình như học trò của nó nhiễm dáng dấp kỳ kỳ của nó, lối sống của nó. Hay là chúng nó đã sẵn tính đó rồi? Bằng chứng là mười bảy mười tám đứa học trò mà tôi biết độ ấy đều lấy lấy vợ lấy chồng muộn. Con gái hai sáu hai bảy rồi mà cứ sống tưng tửng. Những cô gái ấy hàng năm lại cùng người yêu rồng rắn đến nhà ngoại tôi vào 20 -1. Tôi có lúc đã băn khoăn không hiểu chúng nó có liều như cô chúng nó? Có liều từ chối vào Đảng? Có liều bỏ việc? Có liều bỏ tất cả ra đi? Em tôi viết cho nhà khá đều, giọng thường rất lãnh đạm. Châu Âu tuyết dày. Châu Âu âm 10 độ. Châu Âu làng nào thành phố nào cũng có nhà thờ. Và công việc của nó. Bán hàng. Dọn dẹp. Đón con. Cơm nước chờ chồng. Có một lần nó ra khỏi sự lãnh đạm, hài hước: Toalette nhà người tìm đến cọ – Lâu rồi cưỡi chổi nổi chai tay. Từ ngày nó đi, những đêm mất ngủ, ý nghĩ của tôi lại thêm một lần hỗn độn.
Tôi biết sau tôi nó là người thương người chồng đã khuất của tôi nhất. Dù rằng lúc anh còn sống nó vẫn thẳng thừng tuyên bố rằng không sao hợp được với những người thích nghi được với đời sống quân ngũ. ấy là lúc anh định làm mối cho nó một cậu chàng bác sỹ quân y hết sức điển trai. Đến lúc nó yêu thì kỳ quặc, đúng là kiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường. Lấy tiêu chuẩn thời chiến để xét thì không thể hiểu nổi. Lấy tiêu chuẩn thời bình cũng thế. Nó cứ lừng lững yêu. Cả nhà chẳng ai dám hỏi một câu có ẩn ý nào trước khi nó thừa nhận rằng cái thằng vẫn đi thư viện cùng nó, vẫn hay mang cho nó đủ thứ hoa dại, cả hoa rau cải cúc, là người nó yêu. Cả nhà lặng phắc nhìn bố tôi khi nó thông báo hết sức lạnh lẽo việc bố mẹ người yêu nó muốn đến thưa chuyện. Cuộc sống của nó toàn thua thiệt, cũng y như tôi. Nhưng đấy là tự nó.
Tôi không hiểu sao tính khí nó vậy mà chồng tôi lúc còn sống lại thích. Những lúc chị em lục đục, bao giờ anh cũng bênh nó. Có lần tôi cáu: Sao anh cứ bênh nó chằm chặp thế? Anh cười: Không bênh em gái người yêu thì lấy ai ủng hộ mình làm một trận tổng tấn công! Lúc anh mất, nó không gào thét như mấy cô em chồng tôi, cứ mím môi lặng lẽ, khóc. Còn lúc ở nghĩa trang mặt nó khô khốc, cái kính bắt nắng lóe sáng. Tôi biết là nó thương anh xót xa. Đã có lần nó bảo bạn nó – một cô bé tính hay nhõng nhẽo và đáng yêu: Khổ à? Không thiết sống thì thử chết một cái xem nào! Sau đó lại vỗ về: Khổ nhất là phải chết. Còn sống là còn sướng. Bây giờ buồn khổ thì cứ khóc. Tao nghe. Nói giọng ấy mà cô bé kia nín được mới kỳ.
Khi thằng con tôi tròn bảy tuổi, một chiều muộn nó lên nhà tôi, bảo mệt bỏ buổi dạy thêm, dẫn hai mẹ con tôi đi ăn phở trừ bữa. Lúc về, thằng con tôi xin sang hàng xóm xem tivi, nó bảo tôi: Cu Chũn lớn rồi. Ngoan thì có. Nhưng hơi mềm tính. Lớn lên con trai con đứa thế là khổ. Với lại một mẹ một con, dồn hết cho con, đến lúc nó lớn, nó sống đời nó, thế nào mình cũng hẫng. Lúc ấy có muốn sống cho mình thì cũng muộn. Rồi thế nào cũng xoay ra đay đả con rằng nó ích kỷ, bất hiếu bất mục. Chẳng ích gì. Khổ con. Khổ mẹ. Lấy chồng bây giờ là vừa.
Rồi nó lại nói:
– Lấy chồng lần này là để tìm bố cho con. Đừng có ngõi mấy gã trai tân. Trai tân bằng lứa thì trăm ông có chín chín ông ngẫn ngẫn. Tìm ai đồng cảnh…
Tôi không biết phải trả lời nó thế nào. Im lặng. Căn phòng cuối chiều rực màu nắng quái kỳ dị, rồi chìm rất nhanh vào bóng tối. Em gái tôi đứng dậy, thắp một nén hương trên bàn thờ chồng tôi, lặng lẽ bước ra ngoài. Tiếng chân nó xuống cầu thang, bặt hẳn, sau đó là tiếng rồ xe máy. Nó đi. Tôi ngồi nguyên thế cho tới lúc bầu trời sáng dần một màu trắng sữa. Trăng. Non tái. Dịu dàng. Xa cách. Chấp chới hiện trên bầu trời. Giống như một nét mày con gái có thể ngạc nhiên trước biết bao điều. Tôi xòe tay, nhìn, những ngón nhợt nhạt. Mơ hồ nào run mãi. Mà cũng có thể là ánh trăng. Hương trên bàn thờ đã tàn. Phảng phất mùi hoa sen tôi mua lúc chiều. Mùi hương. Mùi hoa. Tôi rùng mình. Mùi chùa. Hôm đưa chồng tôi lên chùa. Gần bảy năm đã qua từ hôm ấy.
Em gái tôi đi sau đó. Chồng nó đi công tác. Trong nhà nó bảo: May. Đi được lần này chắc rửa được lý lịch cho con. Ra ngoài nó cười: Ông ấy đi vùng kinh tế mới. Thế nào, không phải à, không phải nước Đức bây giờ là vùng kinh tế mới của dân mình à?
Rồi nó bán nhà mang con theo chồng. Cả nhà không dám gàn. Nó bảo: Đời phải có lúc liều. Bố nó đã liều đi không về. May ra tính đúng thì thằng bé không phải mất công học những điều sớm muộn gì rồi cũng phải quên.
Nó đi sau khi tôi tái giá ít ngày. Không biết nó làm công tác tư tưởng thế nào mà cu Chũn của tôi người lớn hẳn. Thằng bé gọi người chồng thứ hai của tôi là ba, dù rằng anh không phải người Nam. Mấy cô dạy cùng trường tôi tò mò, nó bảo: Tại cháu có bố rồi. Mới lại ba cũng là bố. Hai cha con hòa hợp với nhau. Anh thương nó. Anh thương người đã khuất, người đồng đội mà anh chỉ tường mặt qua tấm ảnh trên bàn thờ. Tôi biết rằng tôi không thể mong đợi gì hơn khi đi bước nữa. Thế nhưng tôi vẫn mất ngủ. Đêm đêm tôi nằm nghe tiếng thở của chồng, của con, dội lên, chìm đi, bao giờ cũng lệch nhịp. Đêm đêm tôi nhìn ánh sáng bên ngoài cửa sổ để đoán độ tròn trăng và khoảng mênh mông nào trăng đi qua. Đêm đêm vầng trăng đi qua tôi. Đêm của tôi vẫn không đổi, vẫn như đêm của những ngày góa bụa. Hỗn độn bao ý nghĩ. Tôi biết mình may mắn khi tìm được người đàn ông hiền hậu biết thương con mình. Tôi nhớ lời em gái tôi. Tìm bố cho con. Vậy là ngay cả cuộc hôn nhân này của tôi cũng không bắt đầu từ tình yêu. Không, có bắt đầu từ tình yêu, nhưng đó là một tình yêu rất khác, không phải là tình yêu đàn bà.
Tôi nhớ em tôi. Nó đang ở rất xa. Khi vầng trăng đang rơi dần đâu đó phía chân trời thì nơi nó còn là buổi chiều. Nó đang làm gì? Bán đồ ăn ở một góc phố lạnh nào? Lau toalet, nhà tắm? Nó nghĩ gì? Tốt nhất là đừng nghĩ gì. Nó khác tôi. Nó có một tình yêu riêng để mà cố. Nhưng dù có dù không, nó cũng đâu sung sướng gì hơn tôi. Nó gửi tiền cho cả nhà. Nhận tiền nó gửi về, tôi thấy chua xót. Tôi hình dung cái dáng gầy ốm của nó nhoài bên một cái bồn tắm nào đó ở cái xứ xa xôi mà nó đã mang con tìm tới theo chồng. Chưa bao giờ nó than khổ với ai. Cứ lặng lẽ, lì lợm sống, sống cho cả người đang sống lẫn người đã chết.
Và tôi, cũng chưa bao giờ tôi nói với nó với ai rằng tôi mất ngủ. Tôi có đi khám. Chẳng ích gì. Bác sĩ bảo tôi bị suy nhược. Mất ngủ nên suy nhược hay suy nhược nên mất ngủ? Không biết. Vẫn là những đêm như thế, vẫn vầng trăng khi tỏ khi mờ khi tròn khi khuyết, vẫn tiếng kêu éc éc kì quái của con chim lợn mà tôi không biết hình thù, vẫn mùi thum thủm xông lên từ con sông đen bên kia đường những đêm trở trời, vẫn mùi nắng hanh trong nồng nàn hoa sữa, nồng nàn như đàn bà… Những đêm này của tôi hình như không chấm dứt. Phía trước tôi còn có bao nhiêu đêm nữa?
Tôi sống với con tôi, với chồng tôi…
1997- 2001 – Trích tập “Sâm cầm” của Lê Minh Hà và Phạm Hải Anh.