Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn VN tổng kết tọa đàm
Nhà thơ Bích Khê, tên thật là Lê Quang Lương, sinh năm 1916, quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, xuất thân trong một gia đình nhà nho có truyền thống đấu tranh yêu nước, xuất bản tập thơ “Tinh huyết” năm 1939, ông mất năm 1946.
Có 7 tham luận và ý kiến tham gia tọa đàm về thơ Bích Khê của các nhà văn, nhà nghiên cứu. Nhà thơ Thanh Thảo, Chủ tịch Hội đồng thơ HNV trong bài “Ba khúc ca ngắn về Bích Khê” đã cho rằng thi sĩ trẻ mất năm 30 tuổi vì thơ Bích Khê đã hút hết tich hoa và tinh huyết của ông. “Thơ tự bản thân nó là nguy hiểm. Nó nguy hiểm với trước hết người đẻ ra nó, là nhà thơ. Nhiều nhà thơ đã chết vì thơ của mình. Không phải cơn bệnh lao tứ chứng nan y đã giết ông. Chính là thơ ông đã giết ông. Kể từ ngày Hàn Mặc Tử nhận được 3 bài thơ đầu tiên của Bích Khê, ông đã thấy sửng sốt với cái khởi điểm của thiên tài Bích Khê”, Thanh Thảo nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét Hàn Mặc Tử và Bích Khê là hai hiện tượng vô cùng đặc biệt của văn học VN, sinh thời hai ông chơi thân và đánh giá tài năng của nhau rất cao nhưng cả hai đều thiệt thòi, mất sớm vì bệnh tật; Bích Khê là một thi tài cần được nhìn nhận, khám phá ở các khía cạnh khác nhau. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đánh giá cao tài năng của nhà thơ Bích Khê và cho biết Lễ kỷ niệm và cuộc tọa đàm hôm nay về thơ ông là dịp chính thức khẳng định một gương mặt thi ca chói sáng của văn chương Việt Nam.
Việt Chiến
Ảnh: Lễ kỷ niệm và cuộc tọa đàm về nhà thơ Bích Khê của Hữu Đố
BA KHÚC CA NGẮN VỀ BÍCH KHÊ
THANH THẢO
Thơ tự bản thân nó là nguy hiểm. Nó nguy hiểm trước hết với người đẻ ra nó, là nhà thơ. Nhiều nhà thơ đã chết vì thơ của mình. Không phải cơn bệnh lao tứ chứng nan y đã giết Bích Khê. Chính là thơ ông đã giết ông. Có lần, cùng đi với nhà văn Nguyễn Trung Đức về Thu Xà viếng mộ Bích Khê, tôi chợt nhận ra điều đó. Thơ Bích Khê đã hút hết Tinh hoa và Tinh huyết của ông, làm gì Bích Khê chẳng chết sớm. Ông chết, nhưng thơ ông sống. Kể từ ngày Hàn Mặc Tử nhận được ba bài thơ đầu tiên của Bích Khê (sau đó in trong tập Tinh huyết), ba bài thơ đã khiến Hàn thi sĩ “sửng sốt với cái khởi điểm của một thiên tài sắp sửa”, chính từ thời điểm 68 năm sau, thơ Bích Khê bắt đầu một cuộc tái sinh, bắt đầu một cuộc sống khác, có thể là mạnh mẽ hơn, nhiều sức bùng nổ hơn. Bởi giờ đây, Thơ Bích Khê kêu gọi một sự hy sinh toàn diện cho Thơ, kêu gọi một cuộc thánh chiến với cái bất khả. Nhà thơ, kẻ bị khinh bỉ ấy trong một thế giới hiện đại, sẽ đứng lên và vung lưỡi gươm thơ mà thần linh trao cho người, như Bích Khê từng vung :
“Người cho ta một thanh gươm rất sắc ?
Ồ vung lên… cắt mạch nguyệt vàng xanh !
Xẻ mạch trời, mây xô sao, răng rắc !
Phăng mạch đêm – hương vỡ, ứa ngầm tinh !
Người cho ta một thanh gươm rất sắc ?
– Ta điên rồ… múa giữa áng bình minh”
(Mộng cầm ca)
Đời thơ Bích Khê có thể chia làm ba đoạn 1. Lên núi 2. Rơi, 3. Chết như mơ, trong đó đoạn đầu là đề-pa, là chuẩn bị, đoạn cuối chỉ để trình bày cái chết của mình và giấc mơ của Thơ, còn toàn bộ thơ Bích Khê nằm ở đoạn Rơi.Với những bài thơ hay, thi sĩ sáng tạo với toàn bộ thể xác và tâm linh mình, và không biết cái nào bắt đầu trước : thể xác hay tâm linh ? Khi thể xác đang rơi, ấy là lúc tâm linh bay, và thơ thoát.Một khoa học gia nhà binh đã khuyên tôi: “Anh cứ hay rắc rối, thơ phải rõ ràng, và phải có hạt nhân du lý.”Vâng, anh nói đúng, thơ rắc rối bao giờ cũng rõ ràng, còn thơ nguyên chất, thơ chắt ra từ máu huyết, thơ trong suốt, thì lại không có gì rõ ràng cả. Thơ Bích Khê như nước sông Trà mùa nắng, cái trong suốt của nó chứa biết bao mặt trời, và cái lặng của nó là hoà điệu giữa bầu trời và mặt đất được phản chiếu qua nước.
Một con người có thể thu hút được tinh hoa của đất và nước quê hương mình với tất cả niềm vui, tất cả khổ đau, tất cả lặng thầm, thu hút vào máu huyết mình, và một ngày nào đó, từ máu anh thăng hoa những dòng thơ. Đó phải chăng là một quy trình duy lý? Không, đó là một qui trình bí ẩn.
THƠ LÀ LÚC ĐANG RƠI
Bích Khê có một bài thơ in trong tập Tinh huyết, bài thơ mang tựa đề rất mới, so với tất cả các tựa đề của thơ tiền chiến : Nàng bước tới. Đó là một tựa đề rất động, rất tự nhiên, rất bình thường, và như thế, là hiện đại, theo cách hiểu của chúng ta bây giờ. Giữa một hình thức đã ổn định của câu thơ tiền chiến, Bích Khê quẫy cựa :
“Ai giam lỏng một vì sao giữa mắt
Ánh con ngươi hàm súc biết bao lời ?
Lời truyền sóng đánh điện khắp muôn trời
Chữ bí mật chứa ngầm hơi chất nổ
Nàng bước tới là tim tôi lay đổ”
Khí chất này có hơi hướng Hàn Mặc Tử. Ở một số bài thơ khác của Bích Khê, lại có hơi hướng của những thi sĩ bậc thầy Pháp thế kỷ XIX. Nhưng làm sao khác được khi nhà thơ muốn tìm con đường riêng của mình, để thu nhận và vượt thoát, để làm nên một giá trị mới cho thơ, giữa một không khí xã hội tù đọng, bảo thủ, dị ứng với những cách tân. Hình như Bích Khê rất thích André Gide, một bậc thầy cách tân quyết liệt trong văn xuôi Pháp đầu thế kỷ XX, thích đến mức ông đã dịch cuốn hồi ký “Trở về từ Liên Xô” của Gide để sau này cứ bị nghi kỵ là “phần tử Trốt-kít”. Những người tìm đến sự hoàn mỹ của hình thức nghệ thuật thường dễ gặp nhau. Mà trong nghệ thuật, trong thơ, hình thức là gì ? Hình thức chính là sự hiện diện nghệ thuật riêng biệt của từng nghệ sĩ. Không có cái hình thức đó, thì cũng chẳng bao giờ có nghệ thuật. Nếu nhà thơ là “Con chim ngứa cổ hót chơi” như Xuân Diệu định nghĩa, thì Bích Khê chính là con chim hót chơi có ý thức, muốn tìm cho mình một giọng riêng, một giọng khác. Giọng ấy có lúc trở nên thách thức :
“Cho chân lý ngời ra như lưỡi kiếm
Cho tình ta xô dồn sang cực điểm
Và hào quang khiêu vũ với hào quang”
(Nàng bước tới)
Và
“Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo ta”
(Duy Tân)
Không khẳng định được cá nhân sáng tạo thì cũng chẳng bao giờ có sáng tạo – thông điệp ấy của Bích Khê đến giờ vẫn mang ý nghĩa thời sự. Sự toàn tâm toàn ý cho thơ, dâng hiến cả sinh mạng mình cho thơ như Bích Khê thật đáng làm gương cho những nhà thơ đương đại. Không đòi hỏi, không mặc cả, chẳng bao giờ nghĩ tới “đầu ra” dù “đầu ra” ấy có là giải Nobel chăng nữa, chỉ biết sống và thở vì thơ, sống cho thơ tới giấy phút cuối.
Có thể đưa nhiều dẫn chứng về sự hi sinh vô tư cho thơ của Bích Khê. Chính từ đó đã dẫn tới những cách tân, những khai phá, từ lời chữ đến nhịp nhạc, hình ảnh trong thơ Bích Khê. Những tìm tòi ấy không vô ích, nó đã đưa thơ ông đứng riêng, tách biệt với dòng thơ đương thời, để sau này Chế Lan Viên có được nhận định : “Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc, thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ”. Nhận định ấy không quá đáng, chính Bích Khê đã tiên cảm được số phận long đong nhưng không hư mất của thơ mình :
“Hồn tôi đã thoát để tiêu dao
Những tờ thơ nát đầy hơi hám
Taykhách đa tình sẽ chuyển trao”
(Nấm mộ)
Và như thế, đầy tự tin, Chàng bước tới ! Nhưng tự tin bao nhiêu, thì cô đơn, đau buồn bấy nhiêu, đó cũng là số phận dành cho thi sĩ :
“ Là lúc đêm về trên mái ngói
Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay
Em đang nổi bệnh trong phòng vắng
Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy…”
(Làng em)
Không phải đỉnh núi hay đáy vực làm nên thơ hay, mà chính là lúc đang rơi, lúc lơ lửng giữa đỉnh và vực là lúc mà nhà thơ có được những thi phẩm xuất thần. Với những bài thơ Duy Tân hay Xuân tượng trưng, hồi đó được coi là rất mới, hoặc tới mức khó chấp nhận, thì bây giờ đọc lại thấy cũng mới vừa vừa hoặc đã cũ, chắc vì trong những bài ấy, phần can thiệp của ý thức quá rõ, quá mạnh, phần không tự giác, phần thiếu ý thức hơi ít. Trong khi những bài thơ như Hàn Mặc Tử, hay Làng em, hay Nấm mộ bây giờđọc lại vẫn thích, vẫn gây được xúc cảm mới, vì trong đó, phần cảm giác đã được đẩy lên thành tiên cảm, những vết thương phơi trần ra, phần ý thức chìm lặng, ngôn ngữ thơ trở nên mờ đặc, như những viên gạch xây giản dị nhưng che khuất cái khoảng trống bên trong. Với những bài thơ hay thi sĩ sáng tạo bằng toàn bộ thể xác và tâm linh mình, và không biết cái nào bắt đầu trước : thể xác hay tâm linh ? Đó là những bài thơ người ta chỉ phóng ra có một lần, xuất ra có một lần, rồi ngắt. Phần tích điện, phần thu góp năng lượng là cả một quá trình, nhưng sáng tạo là khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy xảy ra càng đột ngột bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Vì thế, những bài thơ Bích Khê phải dùng nhạc điệu để đưa dần thơ vào “cõi quên”, “cõi mê”, tức là đưa dần ý thức vào vô thức, phần thành công khó được trọn vẹn cả bài, mà chỉ được từng đoạn, những đoạn thơ đã nhập, như kiểu nhập đồng. Có thể dẫn chứng bài Tỳ bà, một bài thơ nổi tiếng của Bích Khê. Hoài Thanh đã không nhầm khi trích hai câu cuối của bài :
“Ô, hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông”
Đó là hai câu thơ đã nhập, khi hình ảnh và âm nhạc hoà làm một, và câu thơ tự nhiên buột ra, ngoài sự kiểm soát của ý thức.
Rồi người ta sẽ còn viết về Bích Khê, mỗi khi thơ tự cởi bỏ cho mình những ràng buộc ngoài thơ. Bích Khê đã sống và chết cho Thơ, vì Thơ, nội điều đó cũng là một cái gì an ủi cho Thơ, cho những người làm thơ, nếu họ không muốn dùng thơ làm bậc thang hay gậy chống. Viết về thơ Bích Khê, những nhà thơ cùng thời với ông, những nhà thơ bạn thân của ông như Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, đã viết rất hay. Đó là điều dễ hiểu : viết về người cùng thời bao giờ cũng thích thú hơn, dễ chia sẻ hơn, bởi vì viết về bạn cũng là viết về mình, những khao khát và những được mất của mình. Nhưng những nhà thơ có khả năng hiện diện tới đời sau, tới những thế hệ sau, cũng cần được những người đời sau nhìn nhận theo cách của họ, với thời đại họ. Tôi tin, Bích Khê còn được yêu mến và còn bị hiểu nhầm, không chỉ ở quê hương núi Ấn sông Trà của ông. Được yêu mến và bị hiểu nhầm, đối với một người sáng tạo, một nhà cách tân, là một niềm hạnh phúc. Bích Khê là một nhà thơ có hạnh phúc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu
MỘT CÁNH BUỒM ĐƠN ĐỘC
Tôi đọc bài thơ Thi vị của Bích Khê, và lập tức tôi nhớ đến Lorca. Đây là lời thơ của một ca khúc, ở dạng thơ này Lorca đã có nhiều bài thành công. Không biết đã có nhạc sĩ nào ở ta phổ bài Thi vị chưa ? Hãy nghe :
“ Lá vàng rơi
(Tôi khóc, anh ơi !)
Đàn rung tiếng
Người yêu đương ngồi…?
Năm đoạn thơ với âm thanh nhấn đi nhấn lại, với sắc vàng ám đi ám lại, tạo những rãnh hằn trong tâm thức người nghe. Những đoạn thơ mới đọc lên đã thấy nhạc, nhạc đến trước cả hình ảnh và ý nghĩa. Lorca mất năm 37 tuổi, còn Bích Khê, 30 tuổi. Cả hai người đã tìm được âm nhạc của thơ mình, rút chất nhạc-thơ ấy từ máu mình, dòng “tinh huyết” lưu chuyển từ nghìn đời của dân tộc mình. Nếu với Lorca, tinh huyết ấy là hoà huyết từ những nguồn xa xưa Do Thái, Arập trên xứ sở Andalusia, thì với Bích Khê, đó có thể là hoà huyết Chàm-Việt-Trung Hoa. Vâng, Bích Khê là một chàng lai khách: “Những nàng lai khách vẫn buồn mơ” cơ mà. Nhưng nói cho cùng, thi sĩ bao giờ cũng là lai khách, họ ăn vào giống lai, họ thuộc thành phần đa chủng. Khi viết về Bích Khê, không hiểu sao tôi lại nhớ đến hình ảnh cánh buồm đơn độc trong thơ Lermontov, một hình ảnh đã ám ảnh tôi nhiều năm khi còn trên ghế nhà trường. Có thể vì Bích Khê cũng đã từng ngụ trên một chiếc bè xuôi ngược sông Trà, chiếc bè với một cánh buồm nhỏ, không thách thức với sóng gió, không “cầu mong bão tố” như cánh buồm Lermontov, mà chỉ lặng lẽ thách thức với chính mình, một sự thách thức cũng không hề kém quyết liệt : “Trong sáu tháng tới sẽ trở thành một thi sĩ phi thường. Bằng không, sẽ không bao giờ làm thơ nữa !”. Và sau sáu tháng ấy, Bích Khê có Tinh huyết, tập thơ đã đưa thơ ViệtNamvề một hướng cách tân có ý thức. Nhưng để có sáu tháng “bùng nổ” ấy, Bích Khê đã có nhiều năm tích chứa năng lượng, nhiều năm dằn vặt, trăn trở, sống chết với thơ. Không phải Bích Khê không đủ sức thành danh như nhiều nhà thơ mới khác cùng thời, để phải làm một cuộc “duy tân” theo kiểu “được ăn cả ngã về không” như thế. Như lời một bài hát mà thế hệ chúng tôi thường hát, ông đã “đi theo tiếng gọi từ trái tim mình”, ông đã đi theo tiếng gọi từ thiên năng của mình. Ông không có gì cả, ngoài lòng tự tin. Tự tin sẽ làm được một cái gì cho Thơ. Và thực tế, ông đã làm được. “Tin vào tư tưởng của chính bạn, tin rằng cái gì đúng với bạn trong cõi riêng tư của bạn cũng là đúng cho tất cả mọi người”. (Emerson). Bích Khê đã tin như thế. “Đó là thiên tài”. (Emerson).
“ Những con cừu tim trẻ mướt như lông
Nên da thịt lên làn sa lụa mỏng
Mỗi con cừu bốc lên men hy vọng…”
(Duy Tân)
Mỗi con cừu ấy là một con chữ, trắng trong, tinh khiết, ấp ủ những hy vọng Thơ. Nhà thơ rút từ tâm hồn mình những con-cừu-thơ ấy, và thả chúng lang thang trên cánh-đồng-trang-giấy, những-con-cừu-chữ ấy sẽ tạo nên một không gian riêng :
“Buồn, và xanh trời. Tôi trôi với bờ
Êm biếc-khóc với thu : lời úa ngô
Vàng… khi cách biệt – giữa hồn xây mộ”
(Duy Tân)
Những con chữ rải rác, những hình ảnh rải rác mà người đọc rất khó tìm sự liên kết chặt chẽ của lý trí, nhưng toàn thể chúng bao giờ cũng hướng tới một cái gì, cùng khắc khoải một điều gì : đó là cái Đẹp. Thơ đi giữa cái có ích và cái vô ích nên nó thường bối rối, thường lưỡng lự. Nếu không tìm được tiếng kèn xung trận trong thơ Bích Khê thì ngược lại, ta có thể nghe trong thơ ông tiếng sáo mùa thu lơ lửng giữa sắc xanh của trời và sắc vàng của đất quê hương : “Tràn âm hưởng như chiều thu sóng trắng – Trong vòm xanh – Màu cưới màu, bình lặng” – Chẳng lẽ thơ ấy lại không cần thiết cho tâm hồn con người ? Khi thơ được làm ra bởi một tâm hồn thanh khiết, thì dẫu có vẽ tranh “loã thể”, người đọc cũng chỉ cảm nhận được cái đẹp, duy cái đẹp mà thôi :
“Hai vú nàng ! Hai vú nàng ! Chao ôi !
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng
Ôi lồ lộ một toà hoa nghiêm động
Tôi run run hãm lại cánh hồn si…”
(Tranh lõa thể)
“Run run hãm lại…” là dừng ở giới hạn mong manh của chiêm bái và chiếm đoạt. Những câu thơ đầy cảm giác như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới dòng thơ đương đại. So với thơ Mới thời của ông, Bích Khê đã đi trước một bước. Đúng như nhận định của Chế Lan Viên : “Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ hai”. – “Một nắm hột khuya rắc vào Bến lạ” (câu thơ Đặng Đình Hưng), cái Bến Lạ muôn thuở bí mật của tâm hồn con người mà thi sĩ tự nguyện dò tìm, đưa cả sinh mạng mình ra để dò tìm. Bích Khê là một thi sĩ như vậy. Cùng với Hàn Mặc Tử, ông đã kích thích sự tìm tòi, sự không thoả mãn cho những nhà thơ lớp sau. Sự sáng tạo bao giờ cũng có phần may rủi, phần phải trả giá. Nhưng nó cũng đưa lại một nguồn hạnh phúc không gì sánh được. “Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi !”. Bích Khê đang hạnh phúc.
“Ô, hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông”
(Tỳ Bà)
Đó là “mùa thu vàng” của ViệtNammà chắc chắn Lê-vi-tan hoàn toàn cảm nhận được. Một màu vàng trong suốt như hổ phách.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại tọa đàm
SÁU MƯƠI BẢY NĂM TINH HUYẾT
Tập thơ Tinh huyết của Bích Khê với lời tựa của Hàn Mặc Tử và lời bạt của Trọng Miên chào đời năm 1939, Tết này là vừa tròn sáu mươi bảy tuổi. 67 tuổi với đời người là đã lên lão, nhưng với Tinh huyết thì vẫn còn trẻ. Nếu đây là tập thơ được viết chỉ trong vòng ba tháng, nhờ sự “kích động” của Hàn Mặc Tử, thì ta có thể coi đó là thời hạn “mang thai” vào loại ngắn kỷ lục đối với một tập thơ mà tuổi thọ nay đã trên 60. Bích Khê đã “đi lại” với thơ trước đó ngót chục năm, trong đó có gần 4 năm đánh bạn với Thơ Mới. Nhưng dường như với Thơ, không thể tính đến chuyện “thâm niên”, chuyện “sống lâu lên lão làng” được. Bởi thơ đến và đi bất chợt với từng nhà thơ. Để có ba tháng hoài thai Tinh huyết, Bích Khê đã nung nấu thơ cả một đời người. Đời Bích Khê có thể biểu diễn trên hai trục : trục ngang là con đường quốc lộ số I xuyên Việt với những điểm dừng như Huế, Hà Nội, Qui Nhơn, Phan Thiết, Sài Gòn. Còn trục dọc chính là con sông Trà, từ cửa sông Phú Thọ lên đến bến Tam Thương, chùa Thiên Ấn. Một đoạn sông đẹp như vẽ vào tiết Xuân-Hạ mà Bích Khê thuê hẳn một con thuyền thả lênh đênh cho cái hồn cái vía của dòng sông Trà ngấm hết vào ông. Bích Khê chưa từng “xuất ngoại”, nhưng liệu có nhà thơ hiện đại nào của hôm nay dám chơi trôi nổi trên một dòng sông suốt dăm sáu tháng trời như ông ? Mà Thơ lại cần những cuộc chơi lạ như thế, ít người chơi như thế, không phải để lập dị, để “khác người”, mà chỉ là để tự mở, tự khai thác các “kênh” còn ẩn khuất, còn bí mật trong con người mình, cho thơ và vì thơ. Bích Khê đã hết mình vì thơ, có thể nói, đời ông chỉ biết có thơ, chỉ có một tình yêu lớn nhất : tình yêu thơ. Ngày ấy, nếu nhiều văn sĩ thi sĩ trong Nam ngoài Bắc thường mỗi khi gặp nhau lại… lai rai bù khú, hoặc bên mâm rượu, bàn đèn, hoặc trong các phòng “karaokê-dân tộc” là phòng hát cô đầu, thì với các thi sĩ miền Trung như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Yến Lan, Xuân Diệu, Tế Hanh… gặp nhau mỗi lần là mỗi lần tụng ca thơ, và trong tất cả các câu chuyện giữa họ, chuyện gì rồi cuối cùng cũng quay trở về chuyện thơ. Có lần, tôi đã đùa một anh bạn nhà thơ chuyên viết chuyện “đời danh nhân” : “Hình như tôi nhớ đoạn ông viết Hàn Mặc Tử gặp Bích Khê, ông có để Bích Khê kêu… bia Heineken mời Hàn thi sĩ, còn Hàn thì lắc đầu mà đòi… Hennessy ?” Có lẽ chuyện đùa ấy là chuyện… thường ngày của các văn thi sĩ bây giờ, chứ thời Bích Khê, Hàn Mặc Tử, các ông chưa hề đụng đến một giọt “nước có độ cồn” chứ đừng nói chuyện say sưa. Cái say duy nhất của họ, là say thơ. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng đúng là như vậy. Và thơ cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với họ. Tôi đọc lại lời tựa của Hàn Mặc Tử cho tập Tinh huyết – “Bích Khê thi sĩ thần linh” – đọc mà cảm phục cái tình yêu trong sáng tuyệt đối, sự dâng hiến đến quên mình của họ cho cái Đẹp, cho Thơ, cùng với tình bạn vô tư không một chút đố kỵ, nhỏ nhen, cái tình bạn chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tôn vinh thơ, tôn vinh nghệ thuật. Nếu các nhà văn nghệ ở xứ ta bây giờ có được những tình bạn như thế, chắc rằng văn học ở ta sẽ không đến nỗi gì phải mặc cảm với thế giới. Sự ca ngợi của Hàn Mặc Tử với Bích Khê có vẻ hơi quá lời, nhưng hoàn toàn đó không phải là những lời tâng bốc dễ dãi. Sự “quá lời” ấy phát từ độ rung rất cực đoan của con tim Hàn thi sĩ, chỉ mong ước cho bạn mình đạt tới cõi thần diệu của thơ, và bạn đạt tới thì cũng như mình đạt tới, niềm hạnh phúc là của chung. Sự liên tài khi đó trở thành một động lực kỳ diệu cho sáng tạo. Vì sao, trong năm 1938, khi lần đầu nhận được rất nhiều thơ của Bích Khê gửi cho mình, cảm thấy thơ ấy chưa đạt, chưa “tới”, chưa thể hiện được tài năng tiềm ẩn của bạn mình, Hàn Mặc Tử đã viết thư cho Khê với những lời phê bình rất nặng nề, dùng “rất nhiều lời khiêu khích mỉa mai” ? Nếu không yêu bạn đến thế, và nhất là không yêu thơ đến độ “quên mình”, chắc Hàn Mặc Tử cũng chẳng bao giờ viết một bức thư nặng nề như thế, và ngược lại, sẽ chẳng bao giờ Bích Khê ngày ấy và chúng ta bây giờ có được tập thơ Tinh huyết. Chính Hàn Mặc Tử, bằng tình yêu bạn, đã giúp Bích Khê khai mở đúng “kênh” thơ của mình. Khi đã khơi đúng mạch, thì thơ vọt trào. Và ba tháng là thời gian rất hợp lý để Bích Khê hoàn tất một tập thơ, và không chỉ một tập, nó còn tạo “đường băng’ cho thơ Bích Khê cất cánh với tập thơ sau, tập Tinh hoa mà Chế Lan Viên cho rằng còn hay hơn cả tập Tinh huyết. “Một bông lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc”. Hàn thi sĩ đã viết, và ta nghe :
“Ô, hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi ! Thu mênh mông”
(Tỳ Bà)
Thơ Bích Khê phải được đọc lên, và phải nghe, mới cảm hết chất nhạc khơi vơi mênh mang của nó. Có thể, trong tập thơ đầu này, Bích Khê có đôi lúc hơi lạm dụng nhạc điệu du dương, một điều ông sẽ khắc phục trong tập thơ sau, tập Tinh hoa. Nhạc điệu ấy, Bích Khê chịu ảnh hưởng nhiều ở Baudelaire và Paul Valéry, như Hàn thi sĩ đã chỉ ra, nhưng khi tới Bích Khê, nó đã thành chất nhạc của riêng ông, mà nhiều bài, tôi có cảm giác Bích Khê đưa được cả cái nhịp, cái hồn của những “hò xừ xang cống líu hồ” của nhạc dân tộc, nhạc tài tử phương Nam vào thơ mình. Phần nhạc điệu luôn là phần “mờ” của bài thơ, nó được cảm nhận và thể hiện không chỉ bởi từng nhà thơ mà còn bởi từng thời đại thơ khác nhau. Nếu với thời Bích Khê, phần du dương của nhạc điệu được coi trọng, thì với thơ hiện đại bây giờ, những “nghịch âm” những quãng nghịch, những cú ngắt bất chợt, những nhịp gãy lại được các nhà thơ ưa dùng. Những sự thưởng thức thì đa dạng, thẩm mỹ là điều khó “vào khuôn”, khó tranh cãi, nên ta vẫn có chèo, có vọng cổ đi bên cạnh nhạc trẻ, bên cạnh Pop-rock. Tất cả đều có thể tồn tại đều có thể chung sống hoà bình với nhau dù dấu ấn thẩm mỹ của mỗi thời một khác. Chẳng hạn, với đoạn thơ này trong Tinh huyết, Bích Khê viết :
“ Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…”
(Mộng cầm ca)
Nếu là người làm thơ bây giờ, có lẽ tôi sẽ cắt ba chữ “tợ bài thơ” để câu thơ có nhạc điệu thế này :
“ Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng”
Và ở câu cuối, tôi lại cắt ba chữ “ở trong mơ” để câu thơ thành :
“ Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc”
Cắt như thế, sẽ tạo cho câu thơ có một nhịp gãy, nhịp hẫng, và sẽ gây một tác động khác vào nhạc cảm của người nghe thơ. Nhưng có lẽ, câu thơ kiểu ấy sẽ không được người thưởng thức của sáu mươi năm trước chấp nhận. Bởi những đoạn thơ như “tợ bài thơ”, “của đêm tơ”, “ở trong mơ” mặc dù không thêm gì về ý nghĩa, cả nghĩa ẩn và nghĩa lộ, nhưng nó tạo nên sự du dương cho câu thơ, cho đoạn thơ. Nhà thơ hiện đại khước từ sự du dương, hoặc họ quan niệm sự du dương theo kiểu khác. Từ Thơ Mới đến nay, nhạc điệu câu thơ, bài thơ đã thay đổi khá nhiều, và cũng đừng nghĩ đó là sự cách tân, mà đơn giản vì thời đại đã thay đổi. Không ai cho nhạc rock nhạc rap là cách tân so với nhạc cổ điển, với ballad hay romance… Riêng về nhạc trong tập thơ Tinh huyết, đã có thể viết được rất nhiều, điều ấy cũng đủ chứng minh phần nào cho tầm vóc của tập thơ này. Hơn 60 năm, giờ đọc lại, không phải bài thơ nào trong tập thơ đầu tay của Bích Khê cũng khiến ta đồng cảm hay hứng khởi mạnh mẽ, nhưng phải nói, có nhiều bài thơ, nhất là những bài được nhà thơ xếp vào phần “đẹp và dâm” là những bài thơ rất hay, đến giờ vẫn gây xúc cảm cho người đọc, và hoàn toàn không “dâm” không “sex” như một số nhà phê bình nhẹ dạ đã hiểu và đã phê phán. Có lẽ, “cái tội” của Bích Khê là đã đặt ngang bằng phần thơ này với tiêu đề “đẹp và dâm”. Bây giờ, khi người ta hiểu về vai trò quan trọng của ẩn ức trong sáng tạo nghệ thuật, nhất là thơ, thì không ai cho những bài thơ ấy của Bích Khê là “dâm” cả, mà chỉ có Đẹp. Vâng, chỉ có đẹp và hay, chỉ có hay và sống. Sống đã sáu mươi năm. Và còn sống tiếp.
Thanh Thảo
THƠ BÍCH KHÊ
Tỳ bà
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Cây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi
Tôi qua tìm nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
Mộng cầm ca
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;
Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương;
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
– Hồn dạ hương phơ phất ở trong sương.
Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng;
âm thanh gì sắp sửa… Ngọc Kiều ơi!
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt, – ứ muôn nơi?
Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng;
Ngọc Kiều ơi! – Hồn đến bến xa khơi!…
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi! – nầy khúc Lạc Mai Hoa.
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta đê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà;
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Còn đây em, nầy khúc Mộng Cầm Ca.
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?
Đâu hang báu cho người ta phải khóc?
– Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm!
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
– Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm!
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng.
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
Ô vung lên… cắt mạch nguyệt vàng xanh!
Xẻ mạch trời, – mây xô sao, răng rắc!
Phăng mạch đêm, – hương vỡ, ứa ngầm tinh!
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
– Ta điên rồ… múa giữa áng bình minh.
Nghê thường Ô trời hôm nay sao mà xanh ! Đêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu Là ngọc thạch hay trân châu ? Nầy ! muôn ngọc nữ ngớp y thường Diễm lệ, Hằng Nga bước xuống đền: … Hai tôi vừa ghé bến sông Ngân: |
Tranh lõa thể
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,
Ô tiên nương ! nàng lại ngự nơi nầy ?
Nàng ở mô ? Xiêm áo bỏ đâu đây ?
Ðến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú nàng ! hai vú nàng ! chao ôi !
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động !
Tôi run run hãm lại cánh hồn si…
Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly;
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;
Cho tôi nàng ! cho tôi nàng ! tất ca?…
Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,
– Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.
Tiên nương hỡi ! nàng sống trên thế hệ,
Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng –
Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng tang !
Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh !
Cớ làm sao nâng niu bầu giá lạnh,
Ấp tranh người, lơ đãng ngắm thi nhân ?
Hay nàng nhớ nhung các phượng đền lân ?
Hay nàng ước mơ tình trong trắng ngọc ?
Ôi ! nàng ôi ! Làm sao nàng chẳng khóc
Người thi nhân, vẻ đẹp của khiêu dâm –
Trăng thanh tịnh còn lóng trong thơ câm,
Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ ?
Ôi ! Nàng ôi ! thốt lên, lời ngọc nữ,
Lời trân châu rúng cả phiếm lòng tôi…
Ngọc Kiều ! Ngọc Kiều ! Ðến cặp song đôi
Cho tôi đọ vẽ hương trời sắc nước;
Vẽ huyền diệu ứ men say lướt mướt;
Vẽ yêu tinh dồn giận thấu vô gan;
Ta thiếp đi — trong một phút mê loàn
Xuống muôn đợt rồi bay lên tột bực…
Thanh Thảo
(Theo Vanvn.net)