(đọc “Phía nào sương thôi rơi” tập truyện ngắn của Nie Thanh Mai, Công ty Sbooks liên kết NXB Văn học 2021)

Phan Mai Hương

Niê Thanh Mai là tác giả khá nổi bật ở Tây Nguyên, là cây bút văn xuôi người dân tộc Ê Đê đã thành danh vững vàng. Chị vừa là nhà văn lại vừa làm công tác quản lý – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk; Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam. Riêng ở góc độ người sáng tác, với Niê Thanh Mai vừa là đam mê song cũng vừa là áp lực không nhỏ.

Thì đây, tập truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai (do Nhà xuất bản Văn Học cấp phép và Công ty Sbooks độc quyền phát hành tháng 3/2021) như ngầm khẳng định công việc quản lí không làm vơi bớt những đam mê văn chương.
Do bị ấn tượng bởi nhan đề của tập sách, thế nào là sương thôi rơi, nên tôi đọc liền một mạch 17 câu chuyện, và có thể coi đó là 17 giọt sương xinh xắn thanh nhã. Nhà văn Niê Thanh Mai đã chọn nhan đề và sắp xếp cho tập sách của mình như chuỗi giọt sương cứ lặng lẽ rơi xuống tâm hồn bạn đọc một cách bình dị nhất. Đó là những câu chuyện về cuộc đời bình thường của con người: có khi đau đớn như “Gió thổi thì buốt sống lưng”; khi lại thư thái bình an khi “Những ngày mùa đông khép lại”; bất ngờ mà dằn vặt khi “Sớm mai thoang thoảng” và “Hoa giấy bao giờ thôi rực rỡ”; lại thấm đượm cay đắng xót xa trong “Cây thằn lằn lá xanh” và “Đêm dài hun hút” .
Trong tập sách nhỏ này, câu chuyện “Phía nào sương thôi rơi” được chọn lấy làm nhan đề không hẳn là truyện ngắn xuất sắc nhất tập, nhưng có lẽ đó là tiếng nói đại diện cho tâm hồn người nữ vốn đã yếu đuối và cô đơn mỏng manh, bị những trớ trêu cuộc đời xô đẩy, nên trôi dạt như những giọt sương, chưa kịp long lanh tỏa sáng đã lại phải buốt giá tan ra, để lại biết bao những xót xa tiếc nuối.
Nhan đề những câu chuyện kể của Niê Thanh Mai thường dài như một mệnh đề, khi lấp lửng khi thì như một kết thúc, như là cách nhà văn nhắn nhủ và chia sẻ, thì thầm với người đọc về những câu chuyện tưởng như bâng quơ mà lại đau buốt đến tận trái tim. Rằng như lời tâm tình, cuộc sống con người nhìn bề ngoài rực rỡ hay nhẫn nại thì ai cũng như ai, nhưng biết đâu bên trong chất chứa bao nỗi niềm trăn trở. Kiếp người dù là may mắn hay bất hạnh cũng là một hành trình vật vã, hạnh phúc hay khổ đau cũng đều phải bước qua cây cầu vượt sông, khiến con người ta phải dũng cảm nhấc chân lên để đi tiếp đến bờ bên kia.
Thế thì đồng hành với những mệnh đề chất chứa thân phận kiếp người, tất nhiên nhà văn Niê Thanh Mai viết chủ yếu về nhân vật là đàn bà. Nếu có nói, ừ thì đàn bà chẳng viết về đàn bà là sao, thì cũng đúng thôi, thân phận người phụ nữ là đề tài không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ trong nền văn học Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.
Nhưng đừng quên Niê Thanh Mai là người con dân tộc Ê Đê, cuộc đời chị gắn bó với Tây Nguyên đầy nắng gió phóng túng kiêu hãnh mà cũng không ít những gian truân. Hình như chị chưa khi nào rời khỏi xứ đất đỏ bazan quá lâu, nên nhân vật của chị gắn bó nhuần nhuyễn với buôn làng từ ý nghĩ đến hơi thở. Những hình dáng đàn bà “lui cui nhóm bếp”; hay “cặm cụi giã cà đắng sau chái bếp” ; những lời nói “Thy ơi Thy hỡi ra vườn hái cho bà trái ớt chỉ thiên thật xanh mới đủ cho cay xé lưỡi….”; những thắc mắc “ba năm rồi sao bụng con dâu cứ phẳng như thân cây bằng lăng…” ; những ngây thơ đến trong trẻo “điện thoại 10 con số gọi mấy lần cứ báo không liên lạc… nhưng Dương cứ đi tìm, biết đâu…”; những cái dằn vặt, tâm sự đậm chất đàn bà ấy trong tập sách khá dầy đặc, nhưng lại như những sợi dây cước mỏng mảnh trong suốt đan cài vào nhau mà xiết vào tâm can. Từ đó hình thành nên những lo âu, những bão dông, những hạnh phúc, lúc nào cũng như sẵn sàng đổ xuống cuộc đời. Vậy thì chỉ còn có cách chuẩn bị tâm thế mà chờ đón nó thôi, cho dù sung sướng hay khổ đau thì cũng là cách con người ta chấp nhận đi qua thân phận ở kiếp đời này.
Nhân vật trong “Phía nào sương thôi rơi” có nhiều lứa tuổi, từ bé gái 10 tuổi phải lo toan chăm em coi sóc nhà cửa trong vai bà chủ gia đình đến bà cụ già lụm cụm ngồi chờ con ở quầy rau nhỏ xíu đầu làng. Từ người đàn bà lăng loàn bỏ chồng bỏ con bỏ buôn làng đi ra phố kiếm tìm hạnh phúc hào nhoáng nơi phố thị, đến người đàn bà nhẫn nhịn buộc thân mình trong bát cà đắng âm thầm chịu đựng những đắng cay. Từ người đàn bà gây dựng tiền bạc giàu bằng đôi bàn tay để thứ gì cũng có mà khi cuối đời nhận ra mình không đủ đầy khi thiếu tình yêu. Từ người mẹ cay nghiệt cấm đoán tình yêu của con cái theo lí lẽ riêng của mình đến người mẹ mở lòng bao dung nhân hậu bao bọc chở che con cái.
Bao nhiêu nhân vật đàn bà là bấy nhiêu cách ứng xử, có thể là bất ngờ, có thể theo lẽ thường, có thể làm thỏa mãn người đọc kiểu kết có hậu, có thể làm cho tiếc nuối sao không thế này mà lại thế kia? Nhà văn Niê Thanh Mai đã làm cho người đọc hiểu nhiều hơn tâm lí và thân phận người phụ nữ Tây Nguyên trong cơn lốc xâm nhập của đời sống thị thành, khi mà những cố gắng giữ gìn không gian sống đậm chất Tây Nguyên trở nên mỏng manh và khó khăn bởi ý thức vật chất và thực dụng ngày càng lấn át đời sống con người. Cho dù như vậy thì chất Ê Đê trong nhân vật của “Phía nào sương thôi rơi” vẫn khá đậm nét để làm nên một thế giới riêng của Niê Thanh Mai.

Dù nhìn ở góc độ nào, nghiêm khắc hay ưu ái, thì tập truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi” vẫn là một tập sách nên có trên giá sách của người đọc. Nhà văn Niê Thanh Mai sẽ đưa bạn đi tung tăng trên xứ đất đỏ bazan đầy nắng lộng lẫy, trải buồn vui đời người trong gió cao nguyên phóng túng mà ngọt ngào, đầy thao thức trăn trở mà vẫn không thiếu niềm vui. Bởi vì nhà văn Niê Thanh Mai đang còn rất trẻ và ngòi bút đang rất sung sức,. Cũng bởi vì chị đang là đại diện cho một thế hệ nhà văn trẻ của Tây Nguyên.