Ông Đỗ Thị và sản phẩm đồng vừa ra lò – Ảnh: Phạm Anh
Ở xã Đức Hiệp (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) có làng đúc đồng Chú Tượng nổi tiếng mấy trăm năm nay và được lưu danh trong nhiều giai thoại.
Đúc đại hồng chung chùa Thiên Ân
Giai thoại về cái “chuông thần” trên chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) bây giờ là nổi tiếng nhất. Chuông đánh lên nghe tiếng ngân vang không đâu bằng. Đó là sản phẩm từ tay thợ làng Chú Tượng mà ra.
Chuyện rằng, vào năm 1845, Bảo Ấn hòa thượng là tổ thứ ba của Tổ đình Thiên Ấn khi nhập thiền thì có một hộ pháp đến mách: tại làng Chú Tượng có đại hồng chung, sư hãy thỉnh về chùa. Sáng hôm sau Bảo Ấn hòa thượng sai thầy Điền Tọa đến làng Chú Tượng mua chuông. Khổ nỗi, người làng bảo không có chuông và thầy Điền Tọa về báo lại.
Tiếp hôm đó, Bảo Ấn hòa thượng lại ngồi thiền và lại cũng vị hộ pháp nọ đến mách đi mua chuông về cho chùa. Lần này vào, dân làng Chú Tượng nói thật là có đúc đại hồng chung nhưng đánh không kêu, muốn phá làm lại. Thế là chùa Thiên Ấn thỉnh chuông về và trước khi đánh chuông, Bảo Ấn hòa thượng khấn vái nếu linh hiển thì tiếng chuông ngân vang, tế chẩn cô hồn và cầu siêu cho bá tánh an lành. Khấn xong, Bảo Ấn hòa thượng đánh chuông và tiếng chuông ngân nga, âm vang lên trong niềm vui khôn xiết. Đại hồng chung này người ta gọi là chuông thần. Bên trong quả chuông hiện vẫn còn chữ “làng Chú Tượng”, treo ở chánh điện chùa Thiên Ấn.
Ông Đỗ Thị (80 tuổi), nghệ nhân đúc chuông nổi tiếng ở đây cho biết xưa làng nghề có nhiều tay thợ rất nổi tiếng. Chẳng hạn như thợ Kinh, thợ Hiệt, được lệnh phải ra tận kinh đô Huế đúc tượng cho vua Khải Định và Khâm sứ Pasquier của Pháp. Có ý kiến còn cho rằng, làng nghề này xưa từng đúc vũ khí cho nhà Tây Sơn. Bản thân ông Đỗ Thị cũng là nghệ nhân giỏi, từng làm hàng trăm chuông, chiêng, nồi đồng các loại bán khắp Tây nguyên, Bình Định.
Lục lại ký ức một thời, ông Đỗ Thị bảo, xưa mỗi ngày thu nhập 2 – 3 chỉ vàng là thường, như người giỏi kiếm 2 – 3 triệu đồng bây giờ chứ không ít. “Tui nhớ là tiền làm ra nhiều lắm, tiêu hoài hổng hết đâu. Thời thuộc Pháp, chống Pháp làng này rất thịnh. Muốn nghe hát phải ra thị xã Quảng Ngãi, nhưng nông dân thì tiền đâu, chỉ có địa chủ, phú ông nhưng mấy khi được thưởng thức. Duy chỉ có thợ đúc làng này thì chiều đi xe Tây (ô tô) ra thị xã nghe hát, rồi đi xích lô tà tà về là chuyện thường. Thợ đúc đồng làm nhiều tiền, nên nổi tiếng chơi bời”, ông Đỗ Thị kể.
Theo ông Cao Chư – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, ngày trước làng Chú Tượng đúc đồng không chỉ đúc các đồ thờ như bộ tam, lư, chuông, mà còn gồm các đồ dùng như nồi, ống nhổ trầu, khuy tủ, nhạc cụ như cồng, chiêng… Thời Chú Tượng phồn thịnh, có gần trăm lò đúc đồng. Thời kháng Pháp, người Chú Tượng tham gia chế tạo vũ khí cho bộ đội, đúc chông sắt cắm xuống cửa biển, cửa sông chống tàu Pháp xâm nhập.
Quạnh hiu làng nghề
Buổi trưa, lò đúc đồng của vợ chồng ông Nguyễn Sinh và bà Đỗ Thị Xuân Lan nóng hầm hập. Bà Lan thì lo chuẩn bị khuôn đúc mới, còn ông Sinh quai búa đục mấy thửa đồng thừa ở quanh nồi bung bằng đồng lớn mới ra lò. Ông Sinh bảo, không biết ông tổ nghề tên gì, chỉ nhớ cứ đến ngày Đông chí hằng năm là cả làng cúng ông tổ nghề. Theo ông Sinh, xưa nay dù thịnh hay suy, thợ đúc đồng đều nhọc nhằn như nhau. Phải dậy từ 3 giờ sáng, làm mãi đến 6 giờ chiều hôm sau mới nghỉ, mặt mày lấm lem. Ấy là chưa kể, muốn học nghề này phải mất mấy năm: hai năm đầu chỉ nhào đất sét không công, năm thứ 3 nhồi đất sét nhuyễn rồi mới lên thợ phụ và phải mất cả năm nữa mới lên thợ chính. Vậy mà có người cả đời không học thành nghề, phải làm thợ phụ mãi mãi. Ngày đó, sáng tinh mơ 2 – 3 giờ sáng đã thấy củi, than từ các nơi vận chuyển về tấp nập. Từ trưa đến chiều, tiếng choang choang đục mảnh đồng thừa của các nồi, chiêng mới ra lò vang khắp làng, khắp ngõ.
“Bây giờ anh nghe đó, trưa nay chỉ có vợ chồng tui làm thôi”, ông Sinh nói với giọng buồn buồn. Theo lời ông Sinh, xưa cả trăm người có lò, còn giờ làng này có 3 người làm, vừa rồi có thêm một anh cũng quay về làng làm nghề này kiếm sống. Cứ mỗi cái nồi bung làm ra phải tốn 16 kg đồng, kiếm lời 400.000 đồng/ngày, tuy không phải nhiều nhưng cũng đủ xoay xở cuộc sống. Ngày xưa sản xuất đủ thứ dụng cụ, thì nay chỉ làm duy nhất nồi bung to này cho người ta tráng bánh tráng, nhưng chỉ ai đặt mới làm, còn không thì ngồi chơi xơi nước.
“Vì sao đang thịnh, làng nghề lại quạnh hiu thế này?”, tôi hỏi. Ông Sinh thở dài: Sau 1975 vẫn thịnh lắm, nhưng khi vào hợp tác xã, do quản lý không tốt nên khoảng 1983 thì làng nghề tàn lụi. Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp – ông Huỳnh Văn Như kể thêm: Hồi đó, ai vào hợp tác xã cũng không đủ nuôi gia đình, nên ban đêm trốn đi ra ngoài làng lén lút đúc đồng để bán nuôi vợ con. Đến năm 1983 thì hợp tác xã đúc đồng giải thể, người làng mang nghề tứ tán mỗi người một phương, rồi mang kỹ thuật đúc đồng “bán” cho nơi khác để mưu sinh. Đến giờ, làng nghề chỉ có mấy người cố gắng giữ lửa, mong một ngày nào đó nghề sẽ phục hưng.
Theo Phạm Anh – Thanh niên online