1. Bỗng một đêm tôi mơ thấy: Năm… thằng cháu nội tôi đang là sinh viên Y khoa, mail về bức thư “Ông ơi, cháu đang trò chuyện cùng với… trái tim ông Nhà văn Nguyễn Đức Thiện, bạn của ông… ”. Tôi giật mình tỉnh ngủ, mướt cả mồ hôi. Thế rồi, trằn trọc, suy nghĩ miên man, chìm vào thân phận nổi nênh của một đời người…
Trái tim của một nghệ sĩ, nhà văn có khác gì với trái tim của những người bình thường? Trước bể dâu của cuộc sống và ngổn ngang của hiện thực?

Nguyễn Đức Thiện quê gốc Thanh Hóa, sinh ra tại Bắc Giang, trưởng thành ở Thái Nguyên, cầm tinh tuổi Mậu Tý (1948), mạng Phích Lịch hỏa, vốn thông minh sắc sảo, song cũng không ít lận đận cả trong tình duyên và sự nghiệp? Từ một anh công nhân của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Đức Thiện được cử đi học Khoa Báo chí – Xuất bản (1969-1973) tại Hà Nội (Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), sau đó anh xung phong vào bộ đội, chiến đấu tại cổ thành Quảng Trị năm 1972, nơi đã gieo vào thẳm sâu tâm hồn anh những ký ức một thời không thể nào quên: “Chuyện từ những ngày xưa hành quân/ Kể lại cứ như là cổ tích/ Ngày ấy hình như chỉ nghe tiếng hát/ Chỉ nghe tiếng cười khúc khích/ Ra trận mà như cuộc hẹn hò” và với sự thật làm thắt lòng: “Nhưng tôi vẫn muốn tìm/ Những người bạn ngày xưa/ Người khóc vì/ lưng đau nghiến xé/ Người dừng lại giữa hàng quân gọi mẹ/ … Ôi những người mang tiếng khóc vào cuộc hành quân/ Trên đường ra trận/ Vẫn trẻ con đến tận bây giờ.”, bài thơ này Nguyễn Đức Thiện sáng tác vào ngày 5/8/2012, sau hàng mấy chục năm chiêm nghiệm, suy nghĩ về thân phận của những thanh niên, trai trẻ trong cuộc chiến. Bên cạnh những hào quang chói lòa vẫn còn đó những sự thật rất nhân bản, đích thực con người. Trần trụi, nhói đau, nhưng không hề bi lụy. Thơ ca như một liều thuốc “giải Street” với Nguyễn Đức Thiện. Trong đời văn anh đã hai lần in thơ: Tập thơ “Thơ tình không viết ra”, anh in chung với Vũ Xuân Chinh, khi được nhà in Hoàng Lê Kha “trả thù lao” về cái phóng sự chào mừng ngày thành lập nhà in năm 1994, với những vần thơ xuất phát từ một trái tim luôn yêu đời, khi anh từ Thái Nguyên vào Tây Ninh với mơ ước lập thân, lập nghiệp: “Anh sống bao nhiêu tuổi/ Một trăm/ Một ngàn tuổi/ Vẫn còn ngắn quá… ” (Đối thoại), và anh thú nhận: “Tôi không hề, một chút biết làm thơ/ Nhưng nếu làm thơ về tình yêu tôi sẽ/ Trước tờ giấy trắng tinh, tôi để trắng tinh như thế/ Mặc con tim mình đập nhịp tình yêu.” (Thơ tình không viết ra).

Lần thứ hai Nguyễn Đức Thiện in thơ là năm 2005, một khoảng cách 11 năm, tập thơ “Lang thang” với lời đề từ như một định mệnh: “Ta xé thân ta thành từng mảnh/ Ném vào đời/ Cho trọn kiếp lang thang”. Thơ Nguyễn Đức Thiện giờ đây, trăn trở những suy tư chiêm nghiệm. Là cây viết cùng thời với Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải… với sức viết đầy nội lực, trái tim người nghệ sĩ hừng hực trên những trang văn, vậy mà anh vẫn khiêm tốn, nhắc lại: “Tôi không có ý định xếp hàng trong dòng người làm thơ đông không kể xiết/ Người làm thơ có nghề và không có nghề/ Giống đời thường/ Thị trường/ Tôi không có ý định gieo thơ tôi trên/ cánh đồng thơ đã có những cây đại thụ… ” (Hy vọng), bởi từ trái tim và nhiệt huyết của một mẫu người nhận thức rõ việc dấn thân anh bộc bạch cho anh và cũng chính cho “Thị Mầu” cụ thể như: “Giữ làm chi nữa hỡi ôi/ Vẹn nguyên có lúc ông trời lấy đi/ Làm người làm cái chi chi/ Một phút thôi cũng ra gì, Mầu ơi!”. Từ đấy, mới chia sẻ với nhận xét của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn về Nguyễn Đức Thiện: “Thơ Nguyễn Đức Thiện là thơ của một cuộc đời từng trải, ngụp lặn nhiều lần qua nhiều bến đục, bến trong, để cuối cùng trở thành người đốn ngộ. Những gì anh “ngộ” ra, chẳng phải ai cũng ngộ được, bởi một lẽ giản đơn là không phải ai cũng được tôi rèn qua bùn và máu. Bùn, máu và cả nước mắt nữa là thức ăn muôn đời của thi nhân!”. Trái tim thi nhân ấy đã “đày” anh, những ngày tháng về dưỡng bệnh ở Rẫy “Cống ngầm” lại nổi máu chơi… blog, miệt mài những lúc khỏe, post lên những bài thơ như một thông báo gửi đến bạn bè văn chương gần xa, rằng trái tim tôi vẫn còn đang đập!

2. Bùn, máu và nước mắt như Trịnh Thanh Sơn nói thì đã rõ: 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, với vai trò anh phóng viên mặt trận, Nguyễn Đức Thiện đã nếm trải. Rồi những ngày anh cầm lá thư tay với những dòng chữ giới thiệu của ông Sáu Thượng (nguyên Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh lúc bấy giờ), lang thang vào đến Tây Ninh tìm việc. Bàn tay của người cầm bút có lúc đã phải “sục vào bùn” đúng với nghĩa đen của nó để cắt rau muống thuê kiếm sống. Chưa phải là cảnh “Anh hùng mạt vận lên rừng bán than”, nhưng mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng, phên dậu của Tổ quốc này cũng lắm thử thách với Nguyễn Đức Thiện, một kẻ sĩ, một nhà văn. Có lúc anh đã nản lòng, muốn quay đầu lại… cố hương, song bạn bè thương anh, khuyên nhủ anh nên gắng chịu và vượt qua. Cuối cùng thì cơ duyên cũng đã đến với anh. Anh được nhận vào làm phóng viên của Đài PTTH Tây Ninh. Ước mơ được bay nhảy, thỏa sức trên những trang viết của Nguyễn Đức Thiện đã trở thành hiện thực. Anh xây dựng gia đình mới với một cô giáo người bản xứ và bắt đầu tung tẩy trên những trang văn. Hàng loạt giải thưởng văn chương danh giá đã đến với anh: Giải 3 cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, với chùm truyện ngắn: Tiếng chim hót lúc sớm mai, Ông Ba Láng, Dòng sông vẫn trôi. Giải A cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 2000 với truyện ngắn: Phía sau gương mặt người. giải 2 Bút ký báo Văn nghệ năm 2002 với tác phẩm: Tà Bình, cùng nhiều giải thưởng của tỉnh Thái Nguyên, Tây Ninh v.v… Trong vòng 10 năm “ngụ cư” ở Tây Ninh, Nguyễn Đức Thiện đã cho ra đời 9 tập tiểu thuyết, 7 tập truyện ký, khẳng định một bút lực sung mãn, khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Năm 2003 anh được kết nạp vào Hội NVVN, chứng thực vào lý lịch sáng tác của mình với vai trò là một nhà văn chuyên nghiệp. Thế nhưng công việc của anh ở Đài PTTH Tây Ninh là viết kịch bản, dàn dựng đạo diễn những phóng sự ngắn cho đài đồng thời phụ trách mục “Tiếng nói cử tri” và mặc nhiên người dân Tây Ninh xem đài, nhìn thấy một ông phát thanh viên, có mái tóc bạc bồng bềnh nghệ sĩ, lời nói truyền cảm, mạch lạc, khúc triết đã yêu mến và gọi anh là “ông Tiếng nói cử tri” thay cho cái tên và cũng là bút danh Nguyễn Đức Thiện. Mà thói đời cũng lạ, được quần chúng nhân dân yêu mến, tức sẽ có những… mâu thuẫn, đụng chạm đến những vị chức sắc, quan quyền thoái hóa, xa dân. Số phận người nghệ sĩ lại bấp bênh, nổi nênh cùng những yêu ghét. Trái tim anh có lúc bị tổn thương vì những bon chen danh lợi, mà người nghệ sĩ chân chính thì ít quan tâm để ý, nhưng người “đắc chí’ thì luôn soi mói, o ép, sao giống với những nhân vật mà anh đã viết ở các tập truyện: Bạn bè một thuở, Phía sau gương mặt người, Không thể đùa…

Linh cảm về những mất mát, đau buồn sẽ đến, anh lao vào “viết như điên”, vắt kiệt sức trên máy laptop, trong căn nhà trọ thiếu thốn mọi tiện nghi (Anh tự thuê nhà trọ, sống xa vợ con để hoàn thành các tập bản thảo), phải chăng đó cũng là “dấu hiệu” của sự rạn vỡ trong quan hệ vợ chồng?

Anh lại tự cất cho mình một căn nhà riêng, giống với một “cái am” nhỏ, nằm giáp ranh giữa Thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành, nơi mà nhà thơ Cảnh Trà từng đùa: “Bạn có về thăm nhà chú Thiện/ Nhớ qua Giác Ngạn chùa thiêng/ Đến chỗ treo biển: Bò nọc!/ Ngoặt vào con hẻm/ Ban ngày ngồi xe/ nhớ bật/ đèn!” (Nhà chú Thiện). Tại đây, một loạt tác phẩm mới của anh được sinh ra với hàng ngàn trang viết… Làm việc lao lực quá sức mình, ăn uống thất thường, buồn chuyện gia đình, kể cả chuyện tranh giành lợi danh ở cơ quan đã… quật anh ngã gục bằng cơn đột quỵ vào năm 2009. May nhờ có cô… láng giềng phát hiện kịp thời mà mọi người yêu mến anh, xúm lại đưa anh đi cấp cứu kịp lúc. Trong những ngày chạy chữa di chứng của tai biến, rất nhiều bạn bè, bạn đọc đã gọi điện, gửi tin nhắn thăm hỏi anh. Nhà thơ Hồ Thi Ca, nhà thơ Phan Hoàng đã trao đổi cùng với tác giả bài viết, kịp thời trích quỹ hỗ trợ “Tình Thơ” gửi tặng Nguyễn Đức Thiện 10 triệu đồng. Món tiền ấy đã đến tay anh vào đúng ngày Nguyên Tiêu năm 2010, đã tiếp cho anh thêm rất nhiều nghị lực để vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, lần mò chống gậy tập đi, và tập gõ lại từng con chữ trên bàn phím. Nguyễn Đức Thiện vốn là một người lính, một nhà báo, nên trong các tập tiểu thuyết của anh, cũng như các kết cấu truyện ngắn rất chặt chẽ. Đầy ắp hơi thở và những chi tiết thật cụ thể của cuộc sống. Văn anh gần với báo chí, ngắn gọn, rõ ràng, có vẻ hơi khô nhưng ẩn chứa nhiều tầng, vỉa, từ những kinh nghiệm và vốn sống của anh như trong tác phẩm Bạn bè một thuở, Phía sau gương mặt người. Bút ký Tiếng đàn trôi trên sông lại là một kết hợp giữa hiện thực và chất thơ, trong việc xây dựng một nhân vật có thật thành nhân vật của truyện. Nên thơ và cũng thật gần gũi. Chính vì hiểu rõ việc bếp núc của một nhà văn, mà anh đã viết: “Ai cũng có quá khứ. Tôi viết văn là viết lại quá khứ của mình, có thành văn chương hay không là do bạn đọc phán xét… Tôi sẽ ngừng viết ngay khi trong tôi không còn gì của quá khứ… ” Quá khứ chính là kinh nghiệm và vốn sống mà anh đã chìm, nổi và từng trải! Anh đã dâng hiến và dấn thân cho văn chương. Tình đến hôm nay, kể cả thời gian anh dưỡng bệnh, các tác phẩm mới vẫn lần lượt ra đời. Tổng cộng anh đã có trên 20 đầu sách vừa tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký, tiểu luận phê bình và thơ.

3. Tôi không nhớ rõ là cái năm nào mà anh đột ngột đòi… bỏ nơi ngụ cư Tây Ninh, để dấn thân đòi về… Bình Phước? Khuyên anh hết lời, anh lên xe về Sài Gòn chơi, mười ngày nửa tháng sau thì trở về Tây Ninh và “khoe” với tôi tấm giấy chứng nhận… Hiến xác cho Trường Đại học Y- Dược sau khi anh qua phần, và cái tin ấy đã ám ảnh tôi gần cả tuần, và tôi đã… mơ như đã viết ở phần đầu. Đành một lẽ chết là hết nợ, thân cát bụi trả về cho cát bụi, song “tình nguyện” hiến thân như anh không phải ai cũng làm được. Cái thân xác nhà văn cũng xương, da thịt như mọi người, nhưng mà… cao quí lắm! Phải chăng vì anh từng là lính cổ thành Quảng Trị? Hiến thân cho Y học, chắc hẳn một ngày nào đó, có thể là trong lễ hội Macchabée (Lễ hội Tri ân những người hiến xác), thầy và trò trường Đại học Y sẽ nhớ về một nhà văn của đất nước, nhà văn Nguyễn Đức Thiện! Là nhà báo luôn gần với nhân dân, thương yêu những người “thấp cổ bé miệng”? Lúc còn khỏe mạnh, anh xông xáo đi đến những nơi có “vấn đề” để phản ảnh trong các tác phẩm truyền hình của mình, một kênh thông tin nhanh nhạy và rất có hiệu quả. Viết kịch bản, rồi viết lời bình, kể cả làm đạo diễn, anh đã mang lại không ít vinh quang cho đài PTTH Tây Ninh. Cứ nhìn vào thành tích những huy chương vàng, chương bạc cho các lần liên hoan phim phóng sự, tài liệu từ năm 1992 cho đến 2007 với các tác phẩm như Theo dấu chân xưa, Mầm độc, Tình mẹ bao la, Tiếng đàn, Tây Ninh trong trận chiến bom mìn v.v… Mới thấy hết sức cống hiến của anh. Chính vì vậy, mà ngày 27/4/2012, Chính phủ đã ký quyết định phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSUT) cho anh. Một tin vui nữa trong tháng 8/2012, UBND tỉnh Quảng Trị đã tặng anh huy chương kỷ niệm Chiến sĩ bảo vệ Cổ thành Quảng Trị. Bạn bè quý mến anh lại thêm lần chia vui và chúc mừng anh, mặc dù lúc này anh vẫn đang còn dưỡng bệnh, ra vào quanh quẩn ở trong nhà.

Nhà văn, NSUT Nguyễn Đức Thiện vẫn luôn là người được các cây viết trẻ yêu mến và kính trọng, lúc còn khỏe, anh luôn quan tâm dìu dắt những cây viết trẻ, những phóng viên truyền hình mới chập chững vào nghề như Phương Nguyệt, Hồng Thanh, nhà báo Đặng Hoàng Thái, nhà thơ Trương Thứ Bảy, Đặng Mỹ Duyên, Hạ Vi Phong… Căn nhà nằm sâu trong rẫy mãng cầu, vườn cao su ở “Cống ngầm” Dương Minh Châu, thỉnh thoảng vẫn có những bạn văn trẻ tìm đến thăm anh, mới hiểu được vì sao anh đã từng phát biểu: “Bây giờ mà có người cầm bút để viết là quí ghê lắm… chúng ta cần phải trân trọng và giúp đỡ những bạn viết trẻ. Bởi họ là vốn quí của văn nghệ… ”.

Tôi đã rất nhiều lần một mình một… ngựa sắt” vượt trên 60 cây số đến thăm anh, buồn khi thấy anh còn yếu. Mừng lúc thấy anh đã khá hơn, nhưng lúc nào anh cũng áo may-ô quần đùi, khi nóng lại… ở trần. Bộ âu phục đối với anh bỗng thành xa xỉ, dư thừa. Lần gần đây nhất, khi tôi dẫn một số anh em bạn văn trẻ đến anh, mang theo cả máy chụp hình, nhà văn, NSUT Nguyễn Đức Thiện lại trịnh trọng mặc… âu phục, áo bỏ vào quần như sắp đi đám cưới hay sắp “lên hình” trên đài truyền hình…

Chia tay các bạn văn trẻ, anh tiễn chân ra tận cổng, nhìn theo mà hai mắt rưng rưng. Có bạn trẻ thương anh quá, nghẹn cả lời. Tôi nghĩ: Bệnh tật vẫn chưa thể làm anh hao tổn sức vóc và tinh thần. Anh vẫn đang còn “say” blog! Hàng ngày vẫn thường Check mail, Post bài, Comment cho bạn bè khắp nơi. Giấc mơ của tôi đã trở thành… giả tưởng thật đáng yêu!?

Nguồn: Toquoc


Exit mobile version