Trung tá Lê Đức Ổn nói với tôi:

– Thủ trưởng Binh chủng đã có quyết định thăng quân hàm thượng uý cho đồng chí. Nếu ở lại thì ngày 26 tới trao quyết định. Nếu đi học thì cứ thế mà đi.

– Vâng. Tôi đi học.

Cả hai đều thẳng thừng. Thế là tôi đeo lon trung uý thêm sáu năm nữa để đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, sau mười ba năm, ba tháng, hai mươi bảy ngày phục vụ Binh chủng Tăng Thiết giáp. Rời đơn vị cũ hăm hở bao nhiêu thì bước vào trường hụt hẫng bấy nhiêu. Đó là ngôi nhà tuềnh toàng, phên tre, mái lá, ngẩng mặt thấy trời. Bàn ghế chưa thấy đâu cả. Đã vậy, còn phải chờ thêm ba năm nữa. Tôi đạp xe quay về số 4 Lý Nam Đế báo cáo với nhà văn Hồ Phương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người được Tổng cục Chính trị phân công phụ trách bộ phận học viên quân đội. Anh Hồ Phương nói:

– Tôi sẽ vào xin ý kiến Tổng cục. Trước mắt, cậu về ở tạm nhà số 4, lấy thêm danh sách, anh em nào viết được thì cứ kéo về.

Thế là tôi xách ba lô từ trạm khách quân đội 66 Phan Đình Phùng về ở nhờ tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngày làm việc ở hội trường, tối được lên ngủ nhờ phòng anh Hồ Phương. Mở mắt ra gặp toàn người nổi tiếng. Thế cũng coi là thánh đường rồi. Thủ trưởng trực tiếp của tôi là thượng uý Mai Thế Chính, ở công binh về trước ít ngày. Anh Chính và tôi được chỉ định làm bộ khung Ban cán sự của Trại viết. Nhiệm vụ của chúng tôi là hình thành một danh sách các cây bút của các quân đoàn, sư đoàn, ngoài ra thường xuyên liên hệ với Đoàn 871 về nơi ăn ở cho anh em.

Ba năm ăn trực nằm chờ, lúc đầu chúng tôi ở bên dòng sông Tô Lịch đoạn gần nhà nhà văn Vũ Trọng Phụng, sau chuyển về Khương Hạ, sau nữa thì về “Quân khu Vân Hồ” theo cách gọi vui của anh em. Ba năm ấy, được xem như ba năm Dự bị Đại học. Toàn cánh ở đơn vị về, đói sách, đói bạn, đói thì giờ. Sự nghiệp văn chương thì mới mỏng quẹt. Lo lắm. Bảo nhau cắm đầu mà viết. Nguyễn Trọng Tạo, Thái Vượng, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng, Trung Trung Đỉnh có máy chữ gõ rào rào. Chu Lai có hon-da, lượn khoẻ mà viết càng khoẻ hơn. Xuân Đức viết lúc nào không biết, mặt lúc nào cũng như đói ăn, thế mà có tiểu thuyết Cửa gió rồi kịch Tổ quốc viết chung với Đào Hồng Cẩm, tiết mục được chọn chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 4. Thái Bá Lợi lúc nào cũng cắp một quyển sổ tay, ra dáng cán bộ, nhưng hoá ra là bản thảo tiểu thuyết Tuỳ tù. Phạm Hoa xắn quần quá gối, ở trại viết mà lúc nào cũng như sắp đi đánh nhau. Nhưng truyện ngắn của Phạm Hoa về cánh lái xe Trường Sơn khó ai bì kịp. Tô Đức Chiêu lo việc trại lẫn việc nhà đều chu đáo, truyện và ký cứ sòn sòn. Xuân Mai lính thông tin, cục tác cục tác bền bỉ. Thư sinh nhất là Đình Kính, người mặc quân phục đẹp nhất trại, đi Trường Sa vừa về, hổn hển kể, hổn hển viết. Trần Đăng Khoa được tôi đi xe máy sang tận Gia Lâm đón về. Ba lô có cái chiếu cá nhân cài ngang, xe chạy cứ lúc lắc lúc lắc. Đến ngã ba Cửa Nam hai anh em suýt bị xe cán chết. Lại còn bị hỏi bằng xe máy. Tôi bảo: Đây là nhà thơ Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ đấy, đang bị viêm ruột thừa, tôi đưa đi cấp cứu. Nếu các đồng chí giữ lại, xét hỏi mãi nó chết, tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy nhá. Thôi thôi, đã là Trần Đăng Khoa lại cấp cứu ruột thừa thì xin hai đồng chí đi ngay cho. Thế là thoát. Đến trạm sau cứ bài ấy mà diễn. Về đến Trại, tôi vào báo cơm, quay ra đã thấy vị thần đồng toe toét kể lại chuyện đau ruột thừa với anh em đang xúm lại xung quanh. Khuất Quang Thuỵ ở chung phòng với tôi, cả ngày chả thấy xào nấu gì, thế mà ra tiểu thuyết, tẩm ngẩm tầm ngầm mà bắt được voi. Thao Trường chuẩn bị thành Nguyễn Khắc Trường, vỗ đùi đen đét, thong thả giả vờ mà quyết chí một phen. Đào Thắng thủng thẳng như đi hái hoa, chúm chím cười, bí mật không cho ai biết viết gì, hoá ra đang vật nhau với tiểu thuyết. Này, Nguyễn Trí Huân diện chiếc mi-pha rất bảnh, đầu đội bê-rê, cười rất tươi, cũng cập kè với tiểu thuyết. Sáng ra, chưa kịp vươn vai đã thấy Trần Nhương chống chân bên chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, bảo: “Các bố ở tập trung sướng thật, chả bị vợ con quấy rầy gì cả”. Làm lính mà ba bữa cơm nhà còn phàn nàn gì nữa hả trời; nói là nói vậy, thế mà sắp xuất bản một tập thơ… Dương Duy Ngữ thì thôi rồi, nói nhiều mà viết cũng khoẻ. Ông này chuyên canh truyện ngắn, cứ cái vùng Chùa Thầy với lính phòng không mà giã. Nguyễn Quang Tính, Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Thái Sơn, Mai Thế Chính ở Trại một dạo thì xin về đơn vị. Trần Đăng Khoa được cử đi học sĩ quan lục quân. Nguyễn Đức Mậu oách nhất, ấm chân ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi, thơ cứ in đều, lại sắp sửa có trường ca. Chỉ có Thuỵ Kha là khổ. Vừa học vừa làm theo đúng nghĩa. Đã có bằng kỹ sư thông tin nhưng đi học rất đều. Trời ơi, lính tráng gì mà bàn tay búp măng đẹp thế, như cầm đũa nhạc, mà hoá ra cả thơ cả nhạc thật. Cánh làm thơ nói chung hay bốc, Nguyễn Hoa không bốc, anh lẳng lặng đi một lối riêng: Thơ ngắn. Thời gian ủng hộ anh. Văn thơ thì như thế, hay dở chưa biết thế nào. Nhưng vợ con là cái chắc. Ba năm chờ đợi, toàn trại đón bảy cô dâu: Phùng Khắc Bắc, Đào Thắng, Lê Văn Vọng, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Phạm Hoa, Nguyễn Quang Tính. Thế là cơ bản phủ sóng thê nhi hoàn toàn “Quân khu Vân Hồ”…

Trong suốt 3 năm chờ đợi, có những lúc sốt ruột đã có ý kiến đề xuất nên trả lại anh em chúng tôi về đơn vị, nhưng nhà thơ Chính Hữu đã kiên quyết giữ lại. Để dung hòa, anh đề xuất cho chúng tôi luân phiên về các đơn vị đi thực tế, mỗi đợt 15 ngày để bổ xung tài liệu cho các tác phẩm đang thai nghén. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi còn tham gia các chương trình tăng gia sản xuất, đáng nhớ nhất là những ngày đi trồng lúa ở Hưng Yên: đồng sâu nước ngập, thi nhau dứt đỉa vứt veo véo trên đồng mà cười vang.

Khi cuộc chiến tranh biên giới xảy ra, chúng tôi cũng lập tức “động binh”. Tôi là người đầu tiên được lựa chọn lên bám chốt tại điểm tựa Hữu nghị quan cùng nhà thơ Xuân Miễn và nhà phê bình Ngô Thảo. Anh Xuân Miễn được ưu tiên ngủ tại sở chỉ huy, tôi và Ngô Thảo được đưa lên chiến hào sát đường biên cùng bộ đội. Qua một đêm thức cùng những người lính ngay sát nách đối phương, sáng hôm sau Ngô Thảo bảo tôi, nếu đêm qua nó thả một trái pháo hay một quả lựu đạn thì tôi với cậu đã đi đứt rồi…

Rồi, như người ta nói, cái gì phải đến thì nó sẽ đến. Thầy Hoàng Ngọc Hiến rạng rỡ cười: “Này, chưa biết chừng chúng ta làm nên lịch sử đấy nhá”. Thầy Huỳnh Khái Vinh, suốt ngày chỉ huy ngăn đôi hội trường, một nửa cho học sinh nội trú, một nửa làm lớp học. Đáng sợ nhất là cái vách ngăn này, đứa nào dại mồm dại miệng tỏ tình với nhau thì ba bề bốn bên đều nghe nhìn thấy hết. Mùa đông bắc bắt đầu đánh úp những học sinh nghèo. Thương mấy anh chị miền Nam ra học không có chăn bông, nhà văn Lê Minh, thay mặt Hội Nhà văn về nhà máy dệt Nam Định xin mua chăn bông giá rẻ. Đây là chỗ quen biết. Những năm 40, chị đã được Đảng cử về đây làm công tác công vận, được cô bác gọi là “chủ nhất”. Tình cũ nghĩa xưa, thời bao cấp khó khăn là thế mà chị đánh cả chuyến ô tô tải chăn bông về cho lớp học. Danh nghĩa Trường Viết văn Nguyễn Du do Hội Nhà văn Việt Nam với Bộ Văn hoá lúc ấy cùng hợp tác, nhưng cầu nối hàng ngày về phía Hội là chị Lê Minh. Ba năm đèn sách, soi qua mặt chữ, thấy những bóng người. Thầy Lập, thầy Nguyên, cô Tuyết là những người có học vị, có công trình, bằng cấp, vì chuyên văn chương mà tình nguyện phục vụ ở một cái trường nghèo nhất trong số những trường nghèo nhất. Đã thế còn đủ các kiểu tính, khó chiều không thể tưởng tượng được. Vì biết bao nhiêu sự phiền toái nhọc nhằn như thế mà lại làm nên một kiểu trường đặc biệt “Không ai đào tạo được nhà văn, nhưng nhà văn thì rất cần đào tạo” như nhà thơ Chính Hữu đã dặn dò chúng tôi.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi, ở đâu và khi nào thì giáo dục, đào tạo trở thành một “nghệ thuật”? Câu hỏi đó ngày hôm nay đang được cả xã hội ta trăn trở để tìm ra con đường đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ngẫm lại mới thấy, thực ra ngày đó, các nhà tổ chức, nhà giáo và cả học sinh chúng tôi đã tìm ra cách dạy, cách học rất mới mẻ, hiện đại mà tới hôm nay chúng ta đang áp dụng cho công cuộc cải cách giáo dục. Đó là một triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm và người thày trở thành linh hồn của nhà trường. Trong điều kiện khó khăn lúc đó, nhà trường đã đầu tư tối đa để có được một đội ngũ giảng viên giỏi nhất, có tâm huyết nhất trong từng lĩnh vực. Chính những người thày này đã tạo ra lối dạy học rất thân thiện, dân chủ mà ở đó mỗi học viên được tôn trọng, gợi mở để phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình. Có lẽ đó là lúc trí tuệ gặp gỡ với tâm hồn, tài năng gặp gỡ với tấm lòng, tuệ giác gặp gỡ với thiên lương. Và nhà trường là nơi có nhiều cơ hội nhất để làm việc đó. Ở đó có gieo và gặt, có lan toả và kết tinh. Nơi đã làm cho lòng biết ơn trở nên không bao giờ cũ. Sau ba mươi lăm năm, đã nghĩ về Trường Viết văn Nguyễn Du như thế. Thật là tự hào dưới mái lá đơn sơ và nghèo nàn, trí tuệ bục giảng lại toả sáng đến thế. Quả thật là, dạy cái đám đã qua sống và chết, đã đọc và viết ít nhiều, đã có chút vốn liếng để tạo ra cái thao tác kỳ diệu của nhận thức đó là sự so sánh, đã ngấp nghé trước ngưỡng của sự bừng ngộ, thì quả không dễ một chút nào. Hạnh phúc của tôi là đã được dự khá nhiều bữa tiệc tinh thần trong những năm học ở Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I. Tôi nhớ những phút lên đồng của anh Nguyễn Đình Thi, khi nói về văn hoá Hy – La, về dòng triết học ánh sáng, về Nguyễn Trãi. Anh không cúi xuống để nói với đám học trò mà đang nâng chúng tôi lên thành người đối thoại tâm tình. Các khoa khác kéo đến nghe đông nghịt, lớp học phải chuyển lên hội trường lớn. Thầy Trần Quốc Vượng cầm viên phấn điệu đàng như cầm một điếu thuốc, kéo một cua giảng 16 tiết mà lớp không vắng một ai. Đó là một kỷ lục. Thầy Hồ Ngọc Đại luôn luôn coi bài giảng là một hệ thống mở để nói một cái gì sau những cái gì? Ấn tượng mạnh nhất ở thầy là sự khởi động suy nghĩ cho người học. Tôi để ý có khá đông cán bộ khoa học ở trường bạn đến nghe thầy giảng. Thầy Hoàng Ngọc Hiến suốt ba năm, chỉ giảng một tiết. Không ai nói những điều phức tạp thành những điều đơn giản và minh triết hơn thầy. Thầy thích độc đáo. Không độc đáo, không đột xuất không phải là thầy Hoàng Ngọc Hiến. Chính là lần đầu tiên, với thầy Hiến, tôi được nghe điều này “gieo một hành động gặp một tính cách, gieo một tính cách, gặt một số phận”. Thầy Hà Minh Đức thì hay ở một phương diện khác, đó là tính hệ thống và mực thước và đó là khả năng đào thật sâu vào một vấn đề. Giảng về truyện ngắn, chúng tôi nhớ thầy Nguyễn Thành Long. Câu nói “Quá trình sáng tác là quá trình lắng nghe phản ứng của trái tim” xứng đáng là chìa khoá vàng cho giới cầm bút nói chung. Biết bao nhiêu kỷ niệm về những năm tháng có tính chất dấu mốc trong đời. Tất nhiên nếu không đi học, anh em chúng tôi vẫn có thể viết, nhưng chắc chắn sẽ thành một nhà văn kiểu khác. Trần Anh Trang, Ma Trường Nguyên, Mã A Lềnh, Đỗ Thị Hiền Hoà, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Trúc Phương, Hào Vũ, Lê Xuân Khoa, Ngô Xuân Hội, Nguyễn Tùng Linh, Vương Anh, Nguyễn Mạnh Lập, Cao Duy Thảo, Ngô Viết Dinh… Ngô Thị Kim Cúc, Bùi Công Bính. Chinh Văn, Nguyễn Đức Nguyên… Những tên tuổi ấy cùng với bao nhiêu tên tuổi khác của những khoá sau, người trước người sau, lần lượt tham gia vào gia đình văn học, là một đóng góp to lớn của nhà trường vào đội ngũ nhà văn sau chiến tranh, tác phẩm là tác phẩm của một cá nhân, nhưng ở một nơi sâu xa nhất, có dòng chảy thầm thì của biết bao nhiêu tâm sức, trí tuệ, gửi gắm của các thầy, các cô. Trong đó với lòng kính trọng và biết ơn sâu nặng tôi muốn nhắc đến thầy Trần Nguyên Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và thầy Trần Văn Bòng, Bí thư Đảng uỷ nhà trường.

Hà Nội, 10/11/2014

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nguốn: Báo Văn nghệ số 46 /2014

Exit mobile version