(Qua lời kể của Đại tá Lê Trọng Nghĩa)

Ngày đám tang nhà văn Nguyễn Đình Thi tổ chức ngoài Hà Nội (2003) thì ở TP Hồ Chí Minh tôi đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa – nguyên Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương, Cục trưởng Cục Quân báo (Bộ Tổng Tham mưu), thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng là bạn học của nhà thơ Nguyễn Đình Thi ở Bonnal Hải Phòng. Đã ngoài 80, cụ Nghĩa vẫn sôi nổi kể về những ngày tháng Tám lịch sử.

Lứa sinh viên Hải Phòng những năm tháng ấy

… Đầu năm 1939, khi đang học trường Gia Long (Hà Nội) thì ông Nghĩa chuyển về Hải Phòng, tiếp tục học Thành chung năm thứ 3 và 4 ở trường Bonnal. Trường có nhiều thầy cô người Pháp, do thầy Le Mineur làm hiệu trưởng. Ngay buổi học đầu tiên, thấy một anh chàng cao lớn, đẹp trai, dõng dạc trả bài bằng tiếng Pháp. Hỏi ra thì biết đó là Nguyễn Đình Thi. Ai cũng khen anh Thi học giỏi. Sau này mới biết Nguyễn Đình Thi sống lãng mạn, có tài văn thơ. Nhà trường thường tổ chức liên hoan văn nghệ. Một lần anh lên sân khấu vừa đệm măng-đô-lin vừa hát. Tiết mục kết thúc được khán giả vỗ tay tán thưởng. Vừa cúi đầu chào thì có một cô bé xinh xắn, mặc áo dài trắng, chạy lên, ôm hôn lên má và dúi vào tay anh một bông hồng.

Ảnh internet

Ở trường, trong giờ lịch sử, các giáo sư tiến bộ người Pháp giảng cả về Cách mạng dân chủ tư sản Pháp cùng tên tuổi các nhà cách mạng Robespierre, Danton… Vô hình trung các bài giảng đã hình thành trong đầu óc các cô cậu học sinh người Việt tư tưởng tự do, dân chủ.

Ngoài giờ học, học sinh Hải Phòng còn tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nguyễn Đình Thi là hội viên Hướng đạo sinh. Hội này hoạt động công khai, được tổ chức từ (1929-1930) ở khắp Đông Dương, do thầy Hoàng Đạo Thúy là huynh trưởng. Hội tổ chức các sinh hoạt tập thể (dã ngoại, cắm trại hay học về lịch sử, văn hóa dân tộc). Giữa các hội viên, học sinh hình thành liên hệ giao du, hướng đến các hoạt động xã hội, yêu nước.

Đại tá Lê Trọng Nghĩa kể tiếp: “Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Lạng Sơn; sau đó ném bom Hải Phòng, ngay phố Cầu Đất trước cửa nhà anh Thi. Dân thành phố Cảng trực tiếp chịu tai họa chiến tranh, bàng hoàng lo âu, không biết số phận đất nước sẽ đi về đâu. Mỗi lần thấy giặc Nhật nghênh ngang trên phố rồi rút kiếm chém dân nghèo ra cảng mót gạo vãi làm anh em bạn bè uất hận, nung nấu chí căm hờn, căm ghét phát xít. Họ ngấm ngầm trao cho nhau sách báo Tự Lực Văn Đoàn hay của Mặt trận Bình dân, phong trào dân chủ trong Sài Gòn, thậm chí đọc cả sách báo Hitler. Sự hiểu biết dần được hé mở”. Anh Thi, anh Nghĩa cùng một số bạn bè tụ lại trong một nhóm. Chênh nhau vài tuổi nhưng hiểu nhau và 2 anh kết thân, bí mật truyền tay nhau đọc các “sách báo cấm”: Indochinois SOS!, hay Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vích Nga… Những lần “họp kín”, các thành viên từng đặt câu hỏi: Thi xong Diplome sẽ làm gì? Đi theo con đường nào – Cộng sản quốc tế hay Giải phóng dân tộc? Theo quốc tế cộng sản thì vấn đề Việt Nam được giải quyết ra sao? Cách mạng xong thì Nhà nước được tổ chức thế nào? Lớp trẻ Hải Phòng ngày ấy như đứng trước ngã ba đường…

Có tin Bắc Sơn nổ ra chiến tranh du kích rồi tin về khởi nghĩa ở Nam Kỳ… Và khi nhận được tin mới nhất về Mặt trận Việt Minh, họ đã khẳng định: “Chương trình của Việt Minh đã kết hợp được 2 vấn đề quốc gia và quốc tế, và sau khi giành chính quyền sẽ cây dựng nền dân chủ, cộng hòa”.

Hoạt động ở Hà Nội và cuộc vượt ngục Hỏa Lò

Thấy việc cấp thiết phải tìm và liên lạc với tổ chức Việt Minh, hai anh quyết định lên Hà Nội. Tự phân công nhau: Nguyễn Đình Thi vào trường Bưởi, còn Lê Trọng Nghĩa vào Thăng Long. Thành ủy Hà Nội suốt mấy năm liền bị khủng bố, bí thư mới về chưa nóng chỗ đã bị đánh bật ra. Cuối cùng hai anh bắt liên lạc được với đồng chí Xuyện (em trai đồng chí Trần Quang Huy, học sinh Thăng Long 1935-1940) – cán bộ Ban cán sự Hà Nội mới khôi phục sau lần bị đàn áp. Hai chàng trai lao vào tranh đấu, cùng tham gia Thanh niên cứu quốc.

Ngày 6/1/1942, khi tham gia rải và dán truyền đơn ở cổng trường Thăng Long, Gia Long để ra mắt Việt Minh, ủng hộ Nam Kỳ khởi nghĩa thì cả hai bị bắt cùng các anh Xuyện, Thường. Đến tháng 6/1942, anh Thi được thả, số còn lại bị đưa ra Tòa án Binh. Lê Trọng Nghĩa bị kết án 4 năm, còn anh Xuyện, anh Thường bị 5 năm và bị đưa về giam ở nhà pha Hỏa Lò cùng bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh.

Tại Hỏa Lò, các đảng viên cộng sản hình thành tổ chức công khai “Ban sinh hoạt” để bảo vệ quyền lợi tù chính trị. Xứ ủy viên Trần Tử Bình được bầu là trưởng ban, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại. Đây cũng là trường học cách mạng, bổ sung lý luận, tập diễn thuyết, học thêm về văn hóa, cả tiếng Pháp… để chuẩn bị khi thoát ngục, về tiếp tục hoạt động.

Các tù chính trị nung nấu ý chí vượt ngục. Lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp đêm 9/3/1945 mà Ban sinh hoạt chủ động vạch kế hoạch vượt ngục. Tiền quỹ được chia ra, ưu tiên cho các anh án nặng đi trước. Phương án đầu tiên là tổ chức trèo tường. Bao quanh nhà pha là tường dày đến 1m, có chỗ cao 4-5m, trên căng dây điện. Anh em tìm chỗ dễ đi nhất, xé chăn chiên bện lại thành thang dây, chuẩn bị cả chăn chiên trùm lên dây điện… còn lại là giờ G thì bí mật.

Trong nhà tù có cả cánh tù thường phạm do Cầm Văn Dung, nguyên Tri châu Mường La, bị kết án khổ sai vì liên đới vụ đầu độc Xanh Pu-lốp, Công sứ Sơn La, cầm đầu. Ban sinh hoạt cử anh Nghĩa sang điều đình với Dung. Đêm 11/3/1945, Lê Trọng Nghĩa bảo vệ “thượng cấp Trần Đăng Ninh” cùng chục người (Vũ Kỳ, Vũ Tuân, Hoàng Minh Chính, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Kha, Châu Ký, Nguyễn Chương…) dũng cảm trèo từ mái nhà sang tường rào, theo cột điện tụt xuống đất. Nhưng vì cánh thường phạm tranh nhau vượt không có tổ chức, lính Nhật canh gác thấy động, đã xả súng mà “lối đi thăng thiên” bị lộ.

Ngay trưa hôm sau, Xứ ủy viên Trần Tử Bình lang thang trong sân Trại J, bỗng nhìn thấy nắp cống có gắn khoen sắt thì nghĩ, từ miệng cống thoát này sẽ dẫn nước thải trong nhà pha ra nhập vào hệ thống thoát thành phố; đây có thể là lối đi! Ngay lập tức, ông cử Nguyễn Huy Hòa, Trần Văn Cử, Phan Vân tìm lối đi. Ngay đêm 12/3, toán đầu tiên do Trần Tử Bình chỉ huy, Nguyễn Huy Hòa dẫn đường sau một tiếng đồng hồ mò mẫm dưới cống đã lần ra nắp cống nhìn sang vườn hoa Chí Linh, sát với bờ tường đường Quán Sứ nay; còn toán thứ 2 do Trần Văn Cử dẫn đường (có ông Đỗ Mười) lạc tận bờ đê sông Hồng… Cả tuần lễ sau, cả 100 tù chính trị theo đường “độn thổ” thoát ngục trở về.

Và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945

Ông Lê Trọng Nghĩa tiếp chuyện: “Hôm sau về trú nhờ nhà Trần Quảng Kiến, bạn học Bonnal, tại 30 Triệu Việt Vương. Được vài hôm thì thấy Nguyễn Đình Thi đến tìm gặp. Đưa tôi 20 đồng bạc Đông Dương cùng một thẻ căn cước giả, anh dặn: “Tổ chức cử tôi tới gặp anh. Anh tranh tủ về quê thăm các cụ rồi lên nhận nhiệm vụ”. Sau khi từ Quảng Yên lên, gặp anh Lê Đức Thọ và được giao nhiệm vụ cùng anh Vũ Quý sang nắm tổ chức Việt Minh của nhân sĩ, trí thức yêu nước bên Dân chủ Đảng. Còn Thi từng phụ trách báo Độc lập của tổ chức này thì chuyển về Hội Văn hóa cứu quốc.

Tháng 8/1945, Nguyễn Đình Thi được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào; còn Lê Trọng Nghĩa tham gia giành chính quyền ở Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Được gặp lại anh Trần Tử Bình ở Vạn Phúc, Hà Đông và gắn bó với anh suốt mấy ngày này. Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, khắp nơi thấy vang vang hành khúc Tiến quân ca của Văn Cao và Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Chính trưa ngày 19/8/1945, Lê Trọng Ngĩa cùng Nguyễn Duy Thân trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội theo Trần Tử Bình và Nguyễn Khang tiến vào Dinh Khâm sai (nay là Nhà khách Chính phủ 12 Ngô Quyền), chứng kiến Trần Tử Bình cho bắt Khâm sai Nguyễn Xuân Chữ đưa về ATK Vạn Phúc rồi hai anh cho gọi điện xuống Hải Phòng, Nam Định… yêu cầu chính quyền cũ phải bàn giao công sở cho Việt Minh.

Cũng lúc đó, nghe tin quân Nhật cho lính bao vây Trại Bảo an binh (nay đối diện rạp Tháng Tám) cánh do anh Nguyễn Quyết chỉ huy, có nguy cơ đổ máu. Hai Thường vụ Xứ cử Lê Trọng Nghĩa ra điều đình. Sau cả tiếng đồng hồ, họ đồng ý lui quân nhưng yêu cầu “phe nổi loạn” phải gặp chỉ huy tối cao của họ. Cũng đêm ấy, Lê Trọng Nghĩa cùng Trần Đình Long được cử vào sở chỉ huy quân Nhật ở Bắc Bộ (nay là nhà khách Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng), gặp tướng Tshuchihashi – Tổng chỉ huy quân đoàn 38 phòng thủ Đông Dương – thương thảo. Trước khi đi, anh Long với kinh nghiệm dày dạn, đã dặn: “Không được động chạm đến tự ái Samurai của họ, phải uyển chuyển mềm mỏng”. Sau gần một giờ bàn luận, họ đồng ý không động chạm đến công việc của Việt Minh, đồng thời yêu cầu không để dân chúng nổi loạn, nổ súng, phá phách.

Vậy là Hà Nội đã Tổng khởi nghĩa thành công chỉ trong đúng một ngày mà không hề đổ một giọt máu, đặc biệt khi chưa hề nhận được chuẩn y của Trung ương.

Chính quyền của nhân dân

Ngay sáng hôm sau, 20/8/1945, tại vườn hoa Con Cóc trước cửa Bắc Bộ Phủ (tên mới của Phủ Khâm sai), Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ đã ra mắt. Nguyễn Khang là chủ tịch, Nguyễn Duy Thân làm phó chủ tich phụ trách hành chính, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại. “Chúng tôi đảm trách nhiệm vụ này ít ngày rồi bàn giao. Ngày 28-8-1945, cụ Hồ ra mắt Chính phủ lâm thời…” – Đại tá Lê Trọng Nghĩa kể…

Đầu năm 1946, Nguyễn Đình Thi và Lê Trọng Nghĩa cùng được bầu là đại biểu Quốc hội khóa 1. Anh Thi là đại biểu Hà Nội còn Lê Trọng Nghĩa xuất thân từ gia đình công giáo nên được bầu là đại biểu cho giáo dân Nam Định. Trở thành công dân của đất nước độc lập, tư do đã là niềm hạnh húc, nhưng là bạn học của Nguyễn Đình Thi thì Đại tá Lê Trọng Nghĩa không thể nào quên cái cảm giác lâng lâng, tự hào khi nghe cái bài hát của chính bạn mình sáng tác, được đông đảo bà con ở Hà Nội hát vang trong những ngày tháng Tám. Lòng căm giận chủ nghĩa phát xít, hừng hực với tư tưởng “quốc tế, quốc gia” và “tiến lên nền dân chủ cộng hòa” chính là cái hồn, là nguồn cảm hứng cho Nguyễn Đình Thi thai nghén, cho ra đời tác phẩm. Sau đó Nguyễn Đình Thi chuyển hẳn sang nghiệp văn, còn Lê Trọng Nghĩa tiếp tục theo nghiệp võ.

Già nửa thế kỷ trôi qua; lịch sử có nhiều biến động, lứa học sinh, sinh viên ngày ấy hy sinh và mất cũng đã nhiều, ai còn sống cũng đã qua bát tuần nhưng trong lòng Đại tá Lê Trọng Nghĩa, thì Nguyễn Đình Thi vẫn trẻ như ngày nào, cho dù anh đã đi xa….

*

Viết lại những dòng này sau 16 năm ngày nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đi xa. Rồi đại tá Lê Trọng Nghĩa cũng đã về với Tổ tiên hơn 4 năm trước (ngày 22/2/2015). Xin kính cẩn tưởng nhớ đến những người có công vì nước!

TP Hồ Chí Minh, những ngày tháng Tám 2019

Nguồn Văn nghệ số 33/2019

Exit mobile version