Chiếc xe từ từ lăn bánh. Vết thương trên mép con ngựa tía đã cầm máu, chỉ còn lại một vết đen. Vết thương nào rồi cũng lành miệng. Ngày mai con ngựa vẫn phải kéo xe như thường. Nó kéo xe, chảy máu, kéo xe, chảy máu…cho đến chết.
Anh xà ích vẫn ngồi ngay ngắn trên xe, vẻ ưu tư phảng phất. Anh ta không ngó ngàng gì đến chúng tôi, làm như không hề có ai ở bên. Sự im lặng của anh, làm tôi thiếu yên tâm. Anh là người được cử đi đón chúng tôi từ nông trường lao cải về nông trường này. Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn không rõ anh là cán bộ hay công nhân. Anh đóng xe, điều khiển xe, chằng buộc hành lý..đều nhanh nhẹn, khéo léo. Anh rất kiệm lời, nói giọng Hà Châu, câu chữ cực kỳ ngắn gọn, dài nhất là hai ba từ, y như lúc nào cũng nặng trĩu suy tư. Anh chưa quát tháo ra lệnh, nhưng cũng chưa thấy anh tỏ ra thiện cảm, với chúng tôi. Anh lạnh lùng, nghiêm khắc, răng nghiến chặt mỗi khi vung roi, tỏ ra rất tàn nhẫn. Anh bốn mươi tuổi, nhưng tuổi thật thì chưa chắc đã đến ngần ấy. Người Tây Bắc thường già trước tuổi. Anh có thân hình cao to, vạm vỡ. Trên khuôn mặt rộng sạm đen, đường nét cặp mắt, cái mũi, đôi môi đều rất thô, y như một chân dung vẽ bằng bút sắt, gân guốc như đẽo bằng rìu.
Tôi lặng lẽ quan sát anh ta, phân tích nguyên nhân vì sao, mình phấp phỏng không yên. Cuối cùng, mới vỡ lẽ là do tôi đã quen bị quản thúc, bị chửi bới. Tuy nhận thức được ngày hôm nay mình đã được tự do, trở thành “Người lao động sống bằng sức của mình”, nhưng trong tiềm thức, tình trạng không có đe nẹt, chửi bới thì tôi chưa quen. Tôi nhất thiết phải đi theo sau người quản giáo.
Tôi cảm thấy nhục nhã, thế là, với một tâm trạng chống đối, tôi lùi lại cách anh ta mấy bước, đi theo bên đường.
Ngựa loạng choạng, xe lắc lư, vó ngựa gõ, bánh xe lăn trên con đường đất vắng vẻ. mấy người lập nghiêp chúng tôi đi theo xe, không ai nói một lời. Làn gió nhẹ lướt trên cánh đồng. Phía chân núi, một cơn lốc cuốn theo đất bụi màu vàng dựng thẳng đứng như cột chống trời. Từ lúc nào không rõ, hai con chim ưng xoè cánh lượn vòng trên đầu chúng tôi, miệng kêu kéc kéc.
Như để hoà với tiếng kéc kéc của đôi chím đói, anh xà ích đang như pho tượng đá, bỗng cất giọng cao vút và dài lê thê ơ…ơ…ơ…! Tiếp đó, anh cất tiếng hát, giọng não nùng. “Roi ngựa đã đứt, chàng ơi, Người đà cuồng chân. Chàng xa kể đã ba hôm…ời! Càng xa càng thấy nhớ thương, ơi chàng!”
Giọng nam cao của anh bị dồn ép, u uất, bật ra từ một sức nén mạnh mẽ. Những tiếng ơi ời vụt xuống trầm đục, như tiếng nức nở, tan dần trên cánh đồng hoang vắng, trải dài đến tận chân trời. Bài hát có giai điệu biến hoá nhiều vẻ, đầy sức sống, những âm tiết cuối còn run rẩy mãi, đến nỗi khi chúng đã lắng đi rồi, tôi vẫn cảm thấy sợi âm thanh cuối cùng còn bay lượn trên cánh đồng bát ngát, len lỏi trong những mảnh ruộng còn trơ gốc rạ. làn điệu thì quyến rũ. Tôi đã từng nghe tiếng hát của nhiều danh ca. Kharusô và Salia thì không tìm đâu ra nhưng Chili và Paolo Poxuyn thì trước năm 1857, tôi vẫn thường nghe. Nhưng có thể nói rằng, chưa một bài hát nào làm tôi xúc động như thế này. Nó không chỉ là sự pha trộn một cách nhuần nhuyễn những nét đặc sắc của dân ca Trung Á với nét nhạc cổ kính phương đông, mà còn ở tính chất hoang sơ, chất phác, thê thảm đến mủi lòng của nó. Cái sức mạnh tinh thần nội tại ấy không thể học mà có, không thể luyện mà thành. Nó hoà hợp với mảnh đất bao la và gây cảm giác ngỡ ngàng cho con người. Nó là bài hát của mảnh đất này – cao nguyên hoàng thổ.
Tôi sững sờ.
Anh xà ích lại hát bằng cái giọng độc đáo của anh. ” Ơi! Con thiêu thân đã lên trời…ời! Con ễnh ương chằn xuống đất. Nhớ anh đầu nửa đêm không ngủ. nhớ anh cuối nửa đêm thức hoài!…”
Anh hát ời thành ùi, không thành khôn. Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở cao nguyên mới diễn đạt được tình điệu của cao nguyên trọn vẹn đến như thế. Làn điệu, thổ âm hoà hợp với đất đai làm một. Nghe dân ca thành Naples, trong đầu đã hiện ra biển xanh. Nghe dân ca Hạ Uy Di, trước mắt đã thấy cây bằng lăng đón gió. Nhưng dưới chỉ là sự liên tưởng và tình cảm sống dậy qua lời ca. Lúc này đây, tôi cảm thấy đồng ruộng, đất đai, nắng gió, những đám mây do gió đem tới, bầu trời và những con chim ưng này…như vui sướng, sống động do lời ca mơn trớn, có sức quyến rũ đến mê mẩn. Vùng đất này bỗng trở nên đẹp đẽ, khiến tâm hồn tôi tràn ngập tình cảm êm dịu.
Điều quan trọng không phải là tiếng hát của anh, mà là tiếng hát đã thức dậy sự thiêng liêng của mảnh đất này, thức dậy trong tôi ý thơ ngủ say đã bao năm. Ô, hôm nay tôi đã là người tự do. Tôi hôn một ngàn lần mảnh đất này bằng cặp môi nứt nẻ và thâm đen vì thiếu máu.
Tôi nín thở nghe anh xà ích hát tiếp:
“Ơi!…Ngựa đã sang quê người,
Ơi chàng ơi!
Vó câu quần nát đất,
Em bỏ cả việc nhà,
Nhớ chàng đau đáu chàng ơi!”
Niềm thương nhớ là linh hồn của bài hát, một niềm thương da diết, mãnh liệt, bốc lửa, bó chặt lấy tim tôi. Ở đây, lời ca không phải là điều chủ yếu, tôi chỉ dựa vào làn điệu, vào luyến láy mà phỏng đoán ý nghĩa của lời ca. Nó nhớ nhung một người, hoặc không hắn là một người cụ thể, mà là tưởng tượng nào, đã khiến tôi, một kẻ bị dày vò đến xơ xác, vùng dậy, cũng muốn suy nghĩ…Lúc này, tôi mới thấy xót xa, sự xót xa của một con người chứ không phải của một con thú đói. Lũ chim ưng kiên nhẫn lượn theo chúng tôi. Mặt trời mùa đông đã ngả về tây.
Lời ca bỗng chuyển sang tươi mát và sôi nổi, tuy rằng trong đó vẫn còn lởn vởn cái bóng đen của sầu muộn:
Ơi chàng ơi!
Con mèo đen lên nằm lò bếp,
Cái đuôi dài miệng bát vắt ngang
Em ngả vào lòng chàng
Đôi môi chàng ấm trên khuôn mặt
Lúc này, tôi mới rõ đây là một bản tình ca. Thoạt nghe tôi sững sờ vì tiếng ca và làn điệu. Trí tưởng tượng lâu ngày không dùng đến y hệt con chim bị thương, bám vào cành cây héo chợt nghe trái phá nổ kinh hoàng bay đi, bay cho đến khi sức cùng lực kiệt. Qua cơn kinh hoàng, ngoái đầu nhìn lại, qua ánh chớp thấy gốc cây khô, cỏ đã nảy mầm. Lời ca gột sạch lớp bụi trong tâm hồn tôi qua những tháng năm ở đội lao động cải tạo, vì rằng nó phơi bầy nỗi ước mong không chút che đậy, không văn hoa. Tôi nhớ lại lời ca Ơi chàng ơi đắm đuối đến run rẩy, nhận ra rằng chưa có tình ca của dân tộc nào trên thế giới lại táo bạo, phóng khoáng, mạnh mẽ và đắm đuối đến như thế. Nào là “mặt trời của em”. “con chim ưng của em”, “con bồ câu của anh”, “đóa hoa hồng của anh”, vân vân và vân vân. Tất thảy đều mềm yếu, nhợt nhạt, thiếu khí phách. Và thế là dòng máu thanh xuân tuổi đời hai mươi lăm của tôi chảy căng huyết quản, mặc dù chúng đã teo lại do thiếu ăn. Máu dồn lên, những ảo ảnh thấp thoáng trong đầu, một cảm giác rân rân truyền khắp cơ thể…Tôi ứa nước mắt không biết tự lúc nào.
Ôi! Đây là ngày tự do đầu tiên của tôi.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài