Trương Hiền Lượng

 

(Hoa Hợp Hoan – Ảnh: Internet)

Chiếc xe ngựa cỡ lớn ì ạch leo qua cầu gỗ hình cánh cung.

Đã đến nông trường sinh cơ lập nghiệp của chúng tôi.

Dưới cầu là lòng mương cạn khô về mùa lạnh. Hai bờ mương mọc đầy cỏ đông vàng úa, lá nhỏ như sợi chỉ, đứng im. Vài con dế trũi bị tiếng động giật mình, hoảng hốt chạy tán loạn. Chiếc cầu hết sức sơ sài, mặt cầu rải hoàng thổ, bị xe cộ qua lại nghiền thành bụi. Nền là một lớp cây lau thò ra lởm chởm hai bên, trông như chúng mọc lên từ lòng mương, làm cho mặt cầu rộng hơn nhiều so với thực tế. Mặc cho ba con ngựa loạng choạng, thở như kéo bễ, lỗ mũi phả ra từng làn hơi trắng như sữa, những cặp mắt đáng thương trợn trừng, người đánh xe vẫn không chịu xuống. Anh ta ngồi thẳng, hai khoeo chân cặp chặt ván thùng xe một cách thành thạo, cứ như thế đàng hoàng vượt qua chiếc cầu nguy hiểm.

Những con ngựa không khoẻ bằng tôi. Tôi cao một mét bảy mươi tám chỉ nặng bốn mươi tư cân, đúng là da bọc xương. Thầy thuốc của đội cải tạo tặc lưỡi khi tôi bước xuống cân.

– Giỏi! Anh sống được thế là giỏi.

Ông ta cho rằng việc tôi vẫn còn sống là một điều kỳ diệu. Ông ta có quyền chia sẻ niềm tự hào của tôi. Còn mấy con ngựa thì không ai chăm sóc. Chiếc đầu gồ ghề của chúng cắm trên cái cổ gầy, mắt thì hõm vào. Khi chúng dướn lên, từ cái miệng há hốc lộ ra những chiếc răng bị mài vẹt, vàng khè. Con ngựa màu đỏ tía còn bị hàm thiếc cứa rách cả mép, một vệt máu rỉ ra từ vết thương, nhỏ từng giọt trên đường, nổi bật trên màu hoàng thổ.

Anh xà ích vẫn ngồi nghiêm chỉnh trên xe. Cặp mắt lạnh nhạt và hơi u uất đăm đăm nhìn ra xa, nơi hút tầm mắt. Thỉnh thoảng anh ta lại vung roi theo thói quen, và mỗi lần như vậy, mấy con ngựa cuống lên, tai vẫy rối rít, nhất là con ngựa màu tía bị thương, mặc dù anh xà ích không định vụt nó.

Chúng tôi hiểu vì sao anh xà ích im lặng. Mày đói rồi ư? Đói chứ! Đói chết chưa? Ơ, chưa. Chưa à? Vậy thì phải làm việc! Cái đói còn nguy hiểm hơn cái roi trong tay nhiều, nó đã đuổi sạch sự thương hại và niềm thông cảm trong con người.

Nhưng rốt cuộc tôi không im lặng được nữa. Tôi đưa mắt nhìn mấy con ngựa còn gầy hơn cả tôi, và cố lấy giọng nhẹ nhàng mà người ta vẫn dùng trong những năm đói kém để hỏi:

– Sư phụ Hỉ, trụ sở nông trường còn xa không?

Rõ ràng là anh ta nghe rõ nhưng không trả lời, nét mặt không hề có ý khinh miệt, nhưng thái độ như vậy tức là khinh người quá. Anh ta mặc chiếc áo khoác cũ bằng vải đen, khuy dầy đặc, từ trên xuống dưới một dãy mười mấy chiếc, chẳng khác áo của quý tộc châu Âu thế kỷ mười tám. Tuy đi được là nhờ sức mấy con ngựa còm đáng thương, nhưng anh ta vẫn to ra uy phong lẫm liệt.

Tự nhiên tôi cảm thấy ngượng.

Khinh rẻ ư? Tôi chịu đựng đã quen rồi, không còn cảm thấy bị khinh rẻ nữa. Tôi vẫn nhơn nhơn. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi rời đội cải tạo lao động, chuyển sang một cuộc sống mới, mà theo lời cán bộ quản giáo, tôi đã trở thành “Người lao động sống bằng sức của mình”. Không có gì có thể làm tôi cụt hứng!

Thực ra, nông trường này kề bên nông trường lao cải, cách xa dân, ít nhất cũng hết tầm mắt vẫn chưa thấy một cái nhà. nó cách nông trường lao cải chỉ một con mương, nhưng xe ngựa đi từ chín giờ sáng, bây giờ mới tới đây. Nhìn mặt trời chếch về nam, có lẽ đã quá trưa. Ruộng đất bên này không khác gì bên kia, bầu trời bên này cũng thế. Vậy mà chỉ cách một con mương! Con mương là ranh giới giữa tự do và mất tự do.

Hai bên đường là ruộng lúa, chân rạ rất cao, dấu cắt lởm chởm, thấy rõ là liềm bị mẻ. Chẳng lẽ các công nhân nông trường lười đến nỗi không mài liềm? Nhưng cái mà tôi tiếc rẻ là hai bên đường không có ruộng ngô. Nếu có, chưa chừng mót được dăm bắp còn bỏ sót.

Tiếc thật, ở đây không có ruộng ngô!

Nắng ấm. Chân núi Tây bốc lên một màn sương như những ngày đẹp trời, phết lên dãy núi hình răng cưa một màu sữa. Không một đám mây. Bầu trời xanh treo trên ruộng đồng bát ngát. Mà màu xanh cũng tầng tầng lớp lớp. Đỉnh giữa màu xanh đậm rồi nhạt dần, cho đến tận đường chân trời thì chỉ còn là một màn khói mỏng. dưới bầu trời xanh, cánh đồng trơ trụi lại càng trơ trụi. Lúc này tôi thấy ngứa ngáy khắp người. Những con rận từ các nếp áo bò ra. Bọn chấy rận, khi chúng không cần người thì còn dễ thương, chúng làm cho tôi mất cảm giác cô độc và nghèo hèn vì vẫn còn sinh vật ngọ nguậy, mơn trớn. Con người tôi vẫn còn nuôi được cái gì đấy.

Chiếc xe ngựa đến ngã ba thì rẽ hướng bắc, vào con đường đất đầy vết xe. Tôi chợt nhận ra mấy người đồng hành của tôi không còn ở trên xe nữa. Nhìn lại, họ đang lúi húi tìm kiếm trên một mảnh ruộng, điệu bộ chẳng khác phải học thuộc một đọan cổ văn khó hiểu. Thật tai hại! Cặp mắt cận thị của tôi đã gây ra sự chậm trễ quá đáng. Chắc chắn là họ đã phát hiện ra cái gì ăn được.

Tôi rẽ lau, vượt một con kênh, nhảy qua một con mương, vắt chân lên cổ mà chạy. đến nơi thấy tay kia cầm con dao nhỏ. Hắn vừa liếc nhìn tôi vừa cười hi hi:

– Phúc đức quá!

“Phúc đức quá” là câu cửa miệng ở nông trường lao cải mỗi khi gặp vận may. Thí dụ, lĩnh suất ăn mà trong đó có một cục bột mì, suất bánh bằng quả cỏ nhỉnh hơn của người khác, được phân công làm một việc tương đối nhẹ nhàng mà lại có thể kiếm được cái gì ăn ở ngoài đồng, gặp lúc thầy thuốc có chuyện vui, cho một giấy phép nghỉ hoàn toàn hoặc nửa nghỉ nửa làm…người ta đêu gật gù “phúc đức quá!” Tiếng “quá” kéo dài ra, thấm đượm hương vị ngọt ngào, hệt như người Nga kêu “Hu..ra”.

tôi liếc thấy củ cải trong tay hắn không nhỏ. thằng cha thường gặp may. “Chủ nhiệm kinh doanh” cũng là “phái hữu”, nhưng nghe hắn thuật lại bản án của hắn, tôi nghĩ rằng không nên xếp hắn vào “phái hữu”, mà phải liêt vào loại “phần tử thối nát” hoặc “thoái hoá biến chất” mới đúng. Hắn kêu hắn bị oan. Những lúc nói riêng, hắn nói là công ty bách hoá lôi hắn vào cho đủ chỉ tiêu, hoàn thành nhiệm vụ “chống phái hữu”. Trong hội nghị “kiểm điểm sinh hoạt”, hắn biết được kỵ tôi, cụ tôi, ông nội tôi, ông ngoại tôi đều có tên tuổi ở thời kỳ cận đại cũng như hiện đại, được biết bố tôi là tư sản có nhà máy hẳn hoi. Sau cuộc họp, hắn khẽ nói với tôi bằng một giọng háo hức “Cậu mới đúng là “phái hữu tư sản”. Ăn chơi xả láng, ngọt bùi nếm đủ. Tớ ấy à, bé thì đi ăn xin, lớn lên đi lính, vậy mà thành “phái hữu tư sản” cái mả mẹ nó! Hừ, cứ cho tớ sống một ngày của tư sản, có bị qui là “phái hữu” cũng cam…

Mc dù vậy, hắn đối xử với tôi không khá hơn chút nào, ngược lại, hắn luôn mỉa mai tôi với một thái độ hằn học, căm ghét đến xương tuỷ, để tỏ ra hắn có cái gì đấy ưu việt hơn tôi. Hắn nhiều tuổi hơn tôi, yếu hơn tôi, râu ria lơ thơ vàng hoe trên khuôn mặt vàng bủng, hai dòng nước mũi luôn chảy dài. Hắn không dám đánh nhau với tôi, nhưng hắn dùng những thứ hắn được tiếp tế, hoặc do may mà có ra khoe, hòng làm cho tôi thèm rỏ rãi. Hắn biết đấy là cách dày vò tôi có hiệu quả nhất. Trực giác bảo tôi không ưa hắn, nhưng tôi muốn tránh mà không thoát. Vì rằng cùng là “phái hữu”, khi phân tổ phải ở chung. Lần được tha này, nhà hắn ở thành phố, và bản thân hắn bị sa thải, nên cùng chúng tôi đến nông trường lập nghiệp.

Đây là mảnh ruộng trồng củ cải vàng, nó khác với ruộng trồng củ cải xanh ở chỗ không đánh luống, mà vãi hạt đầy ruộng như khi trồng hạt cỏ. Chỗ nào vãi dầy thì củ nhỏ, khi thu hoạch thế nào cũng bỏ sót. Nhưng nó cũng bị đào đi bới lại nhiều lần, lại thêm đất lạnh cứng như đá, tôi ngồi xổm dùng tay bới rất nhiều chỗ có mầm nhú lên, nhưng không được củ nào.

“Chủ nhiệm kinh doanh” cạo sạch đất, chọn chỗ không xa tôi mấy, nhai củ cải rau ráu như gặm kem que, cố ý cho tôi thấy hắn đang ăn rất ngon.

– Củ này ngon. Chưa ngọt lắm… – hắn nuốt đánh ực, ,khen.

Cái giống củ cải là phải đến khi trời lạnh nứt đất ra mới móc được. Tôi đã có kinh nghiệm, lại dò theo vết nứt lần nữa, nhưng không thấy. như vậy là trong vết nứt chỉ có một củ, và cũng có nghĩa là chỉ có một củ trong vết nứt. Chẳng nói cũng rõ, xác suất tìm thấy vô cùng nhỏ. Cái may của “chủ nhiệm kinh doanh” là ở đấy.

Nhưng hôm nay tôi không hề giận dỗi. Tôi đứng lên, bước đi khoan thai qua mặt hắn với một nụ cười gượng gạo, theo đường tắt để đuổi kịp chiếc xe có hành lý của chúng tôi.

 

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version