Trương Hiền Lượng

Ngày hôm sau, tôi đi xe của Hỉ, trong bụng bứt rứt không yên, làm như tôi ngồi trên người anh chứ không phải ngồi trên sàn xe. Nhưng tôi lại xấu hổ khi nhận ra sự bứt rứt của mình chỉ là vờ vĩnh. Tôi không thể nói, tôi bị kéo vào mối quan hệ không minh bạch ấy một cách thiếu tự giác, mà chính là tôi cố ý nhảy vào cuộc do tính quậy phá và ganh đua khi thấy mình đến muộn.

Thái độ của Hỉ càng quyết liệt hơn. Anh không có nội tâm phức tạp như tôi. Anh như bầu trời cao vòi vọi trên đầu tôi, chỉ cần một vẩn mây cũng in bóng trên mặt đất. Nhìn sắc mặt Hỉ hôm nay, có thể đoán sắp xảy ra bão tố.

Xúc xong chuyến đầu tiên – tất nhiên chỉ mình tôi làm – tôi ngồi ở cuối xe như hôm qua. Chiếc xe lắc lư ra khỏi thôn, tiến vào con đường đất.

“Bốp!”

Tôi bị ngọn roi quất giữa mặt. Tôi ôm lấy thái dương rát như phải bỏng, quay lại nhìn Hỉ. Anh ta ngồi trên càng xe, lưng quay về phía tôi, điều khiển ngựa như không có chuyện gì. Chuyện này cũng thường xảy ra, roi ngựa vùng Tây Bắc, sợi dây da ở đầu, dài hơn cán roi hai lần rưỡi, y hệt cái cần câu có chì để câu chìm. Xà ích vung roi, nếu sơ ý là ngọn roi quất phải người ngồi trên xe. Ở nông trường lao cải, một anh xà ích lỡ vụt phải cán bộ quản giáo một roi, bị cải tạo thêm một năm. Sau khi chuyện ấy xảy ra, anh ta bị đưa về đại đội. Anh khóc mếu, nói rằng không phải anh cố ý, rằng vợ anh đã nuôi một con thỏ, đợi anh về ăn Tết Nguyên đán…

Có thể Hỉ vô tình, cũng có thể là cố ý. Dù sao thì tôi cũng rút cây chàng nạng bốn răng cắm trên đống phân, dựng trước mặt để tự bảo vệ mình.

Kỹ thuật đáng roi của Hỉ rất điêu luyện, anh ta có thể đánh trúng tất cả những gì phía sau lưng, không bao giờ chệch. Lát sau đầu roi của anh ta lại bay vụt tới. Tôi giơ chàng nạng ra đón: roi quật vào sắt kêu reng một tiếng. Lần vụt này mạnh hơn, nếu không có chàng nạng cản lại, ngọn roi sẽ lại đánh trúng mặt tôi.

Dọc đường anh ta vụt thêm mấy lần, đều bị tôi chặn được. Tôi nổi điên vì cái trò  buồn cười đó. Cái dáng ngồi hơi chúi về phía trước của anh ta không còn cái vẻ sầu não, mà đã trở nên đáng ghét, đáng ghê tởm, đầy những mưu toan hại người. Tôi cảm thấy mình suy nghĩ đúng đắn. Tôi không xấu hổ trước một ai, nhất là trước mặt Hỉ. Số phận đã an bài cho chúng tôi. Tốt đỏ đứng trước tốt đen thì còn băn khoăn cái nỗi gì?

Khi tôi xúc chuyến thứ ba, thì các xe khác, trừ xe của ông “đồ chó chết”, đều tập hợp quanh đống phân trước chuồng ngựa. tiếng quát tháo, tiếng roi quất, tiếng vó ngựa nện xuống mặt đất, tiếng í ới của đám phụ nữ đảo phân…quyện vào nhau, ồn ào như vỡ chợ. Lúc này, từ chỗ chân tường, Hỉ đứng lên đi về phía tôi. Mặt hắn tím lại. Ánh mắt đầy vẻ khiêu khích:

–         Xúc mau lên, đồ con lừa! – hắn vung vẩy cây roi, bộ tóc rễ  tre của hắn dựng lên như một bụi quán mộc trụi lá, hai bên thái dương nổi gân xanh – Mày đừng có vật vờ như thế, mau lên!

Tất cả mọi tiếng động đều im bặt, chẳng khác ếch nhái đang kêu trong đầm bị hòn đá ném tớ . Tôi cảm thấy mọi ánh mắt đổ dồn về phía chúng tôi. Giây phút đầu tiên tôi hơi sợ, có lẽ…sinh chuyện đây, có thể mình sẽ bị một trận nhừ tử…nhưng tôi ý thức được rằng trong những ánh mắt chĩa vào mình, có ánh mắt của Mã Anh Hoa nhìn tôi như thử thách. Lòng tự trọng đã thắng nỗi e sợ, tôi quẳng chiếc chàng nạng xuống trước mặt hắn, rồi làm ra vẻ muốn nghỉ xả hơi, kỳ thực tôi muốn tránh xa hắn.

–         Còn chậm à? – tôi giận dữ kêu lên – Đồ con lừa nhà anh cũng nên xúc vài nạng. Anh xúc đi!

–         Hả, đồ con lừa còn bướng hả? – chỉ vài bước hắn đã đến trước mặt tôi – Mày xúc đi, đồ Khaphâylơ nhà mày không xúc thì ai xúc? – những người đứng chung quanh cười ầm lên.

Tôi không hiểu Khaphâylơ nghĩa là  gì, cho rằng đây là câu chửi rất tục. Đồng thời tôi lại hơi sợ vì thấy hắn rất hung hăng. Tôi muốn chỉ một câu là áp đảo hắn, bịt miệng hắn lại. Thê là, bất kể có phải như thế hay không, tôi quát to:

–         Tôi biết tại sao anh như con chó điên ấy! chẳng qua là vì anh ăn cắp bị tôi bắt được!

Không ngờ hắn không bị áp đảo, hắn giận đến run bắn lên, tay chỉ vào mặt tôi, miệng lắp bắp như đọc thần chú. Mấy giây sau, hắn mới bình tĩnh lại chửi tôi:

–         Xì! Đồ Khaphaylơ, đồ Tuxman! Khaphâylơ, Tuxman! Đồ con lừa, mày  có thiếu ăn đâu! Hôm nay tao chọc tiết mày!

Hắn rít lên như bị rạch thanh quản. hắn quẳng cái roi, vừa chửi vừa xông tới, hai tay túm lấy hai vạt áo bông của tôi, và không thèm dùng sức, hắn lẳng tôi một cú lộn nhào ba trăm sáu mươi độ. Và cũng chẳng rõ lộn mấy vòng, tôi rơi đánh bịch trên đống phân như một con gà toi.

Tôi không ngờ hắn dùng tay, vẫn tưởng hắn đánh tôi bằng roi. Mà có đám đông ở đây, sẽ có người can thiệp, ít nhất thì bác đội trưởng sẽ đứng lên. Như vậy tôi sẽ tố cáo chuyện hắn đối với tôi ở dọc đường. Lúc này tôi rất lúng túng, khắp người bê bết phân và đất, chẳng khác nào con lừa vừa tắm khan. Tôi nằm thở trên đống phân. Cú lộn nhào làm tôi choáng váng, chỉ còn nhìn thấy cặp mắt căm thù của Hỉ, và bên tai là tiếng cười ầm ĩ của đám công nhân. Nhưng lửa giận khiến tôi cảm thấy hào hứng. Đó là cái háo hức khi biết sẽ xảy ra một việc mà trong đời chưa từng gặp, chẳng khác một người mong muốn từ lâu, cuối cùng trông thấy biển, những muốn nhảy xuống bơi một trận cho thoả thích. Chơi! Tôi nhủ thầm nhiều lần. Chơi!

Tôi lộn một vòng, nhào tới vớ lấy cái chàng nạng tôi quăng ban nãy, đứng lên. Nhào vô, nhào vô! Tôi nhân đà đứng dậy, phóng mạnh chiếc nạng sắt về phía Hỉ. Chiếc nạng kêu đánh “véo”, bay như một mũi lao.

A! tiếng kêu thán phục nổi lên từ đám nữ công nhân. Hỉ khẽ tránh sang một bên. Chiếc nạng phóng thẳng vào tường đất chuồng ngựa, khoét thành bốn lỗ rồi rơi xuống đất.

Qua tiếng kêu kinh hoàng của đám công nhân, tôi cảm thấy có sự tán thưởng ở trong đó, và nhìn thấy nét hoảng sợ thoáng qua trong mắt của Hỉ khiến tôi hăng lên. Nhào vô! Nhào vô! Chỉ hai ba bước, tôi đã nhảy tới chân tường nhặt cái chàng nạng, đâm tiếp.

Hỉ không thể lường được sự phản kháng điên cuồng này. Khi tôi vọt tới, hắn đứng ngẩn ra trước bức tường, như đợi để cho tôi một nhát. Tôi nhằm chân hắn đâm tới. Hắn bắt được cán nạng, nhưng vẫn do dự, còn tôi thì giơ chân trái cho hắn một đá vào bụng dưới.

Hắn đau đến gập lưng lại, đầu gục xuống như muốn xem bị tôi đá vào chỗ nào. Liền sau đó, hắn ngửng phắt lên, mắt toé lửa, hai bên má giật giật, một tay túm chặt cái chàng nạng tay kia xoè rộng cả năm ngón, in hệt chim ưng sắp cất cánh. Đứng trước con người cường trángđó, tôi hơi hoảng, cứ sững người ra, y như hắn lúc nãy, chờ đợi một cái bạt tai. Nhưng lúc này các nam nữ công nhân đã ùa đến vây lấy chúng tôi.

–         Thôi thôi, anh Hỉ! Anh quăng anh ấy một quăng, anh ấy đá anh một đá, thế là hoà!

–         Xì! Người ta sức vóc học trò. Chữ nghĩa của người ta, tám đời nhà anh cũng không học nổi. Anh khinh người sao được?

–         Hứ, chó cùng dứt giậu! Cái đồ nhà anh đã không xúc phân, lại còn..Không thấy anh ấy liều mạng đấy ư?

Quyền hành nhất vẫn là đội trưởng Tạ. một tay quặt sau lưng, tay kia chỉ mặt Hỉ, làm như cái tay phía sau đang cầm một vũ khí lợi hại, bác lên giọng răn đe như Đông Hồng tiên sinh dạy trẻ:

–         Đồ con lừa nhà anh hôm nay làm sao thế? Đồ con lừa nhà anh hôm nay làm sao thế?

Hỉ giận dữ nhìn đội trưởng Tạ, rồi lại nhìn tôi bằng cặp mắt toé lửa, giật mạnh cái chàng nạng. Tôi vội buông tay để không bị nhào theo. Hắn nghiến răng, chiếc nạng bị văng đi, vẽ một đường cánh cung thật rộng rồi rơi xuống lòng mương cạn phía xa.

Mọi người đều thở phào. Một người nào đó nhặt chiếc mũ lông của tôi lên, chiếc mũ bị rách cả hai tai, lủng lẳng như cánh quạ chết. một công nhân trẻ cười hỉ hả đội con quạ chết lên đầu tôi, lại còn vỗ vỗ vài cái như để khích lệ tôi. Lúc này tôi mới để ý đến xung quanh. Không hiểu cả quá trình vừa rồi, thái độ của Mã Anh Hoa ra sao, lúc này cô đang đi về phía con mương cạn. các tổ viên của tôi vẫn đứng bên đống phân, vẫn nhìn ngó một cách thích thú nhưng thái độ thì tỏ ra không đứng về bên nào.

Tất nhiên tôi không thể đi xe của Hỉ nữa. Đội trưởng Tạ gọi “Chủ nhiệm kinh doanh” đi cùng Hỉ, còn tôi thì trở về xe của ông “đồ chó chết”. tay “Chủ nhiệm kinh doanh nói chết thì chết, không đi xe của Hỉ. “Phì! Phì!” Hỉ nhổ nước bọt vào tay, cầm chàng nạng của hắn lên:

–         Xì, tôi đếch cần anh nào hết. Tôi làm một mình – hắn xúc như điên. Xúc đầy xe rồi hắn cầm lấy roi ngựa, một mình chở phân ra đồng.

Mã Anh Hoa cầm cái nạng của tôi đi tới. Cô ấn nó vào tay tôi như trao cờ chiến thắng.

–         Cầm lấy – cô nói nhỏ – Trông kìa, cúc áo đứt hết rồi! Lát nữa em đính lại cho.

Tôi cúi nhìn mới rõ là ngực, bụng phơi cả ra, những chiếc cúc đã bị tay Hỉ làm đứt sạch!

Buổi tối tôi đến nhà Mã Anh Hoa như thường lệ. Trong cuộc sống, mỗi hành động được lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen chi phối. Huống hồ, tôi đến không chỉ là nhu cầu của cái bụng, mà còn là khát vọng của tâm hồn. Ở đó tôi và Hoa được bên nhau, mặc dù có Hỉ chen vào giữa. Trời đất! Phải nói là tôi chen vào giữa Hoa và Hỉ. Nhưng lúc này tôi nghĩ rằng mình phải có những thứ mà một con người bình thường phải có. Đó là những gì? Một chút âu yếm, một chút tình thương. Một chút thông cảm, một chút vì nể, một chút…tình yêu dù mờ nhạt.

Hồi nhỏ, nhà tôi gần một ngôi chùa xây trên lưng chừng núi, tường đỏ ẩn sau dãy trúc xanh. Sáng sáng, từ đó vang lên hồi chuông nặng trịch, chậm rãi và ngân vang. Tiếng chuông nặng, chậm và vang xa, nên dòng suy nghĩ của tôi bắt kịp dư âm của nó, và cùng ntan trong sương mù đậm đặc trên dòng Gia Lăng. Tiếp theo, tiếng chuông thứ hai lại đem đi một mảnh suy tư, cho đến khi đem toàn bộ con người tôi ra khỏi trần thế, bước vào cõi hư vô không anh, không tôi, không ai cả. Đến nhà Hoa, không hiểu sao tôi lại hay nhớ đến tiếng chuông đó, có thể là vì khi tôi đang lúng túng khó xử, bế tắc vì bị đời hành ạ thì Hoa xuất hiện, lôi tôi ra khỏi cái phòng tập thể của những anh độc thân dẫn đến căn buồng nhỏ ấm cúng của Hoa. Hơn nữa, Hoa lại xinh đẹp như thế, do đó, tôi rời cái nệm cỏ khô để đến căn buồng có ánh đèn khi mờ khi tỏ thì ý nghĩa đó càng trọn vẹn, không phải là không tôi, không anh, không nó, mà cả thế giới mang một ý nghĩa mới.

Chỉ có tôi mới cảm nhận được ý nghĩa ấy. Đó là cuộc sống bình thường của một con người được khôi phục không phải là xuất thế, mà là nhập thế, trở về với thế giới của con người. Ký ức của tôi vốn bị nhận chìm trong bóng tối nặng nề, chẳng khác mặt trăng bị mây đen nuốt chửng. Nhưng ở nhà Hoa, bao giờ cũng có cái gì đấy, bao gồm những ước mơ rất ấu trĩ và cũng rất trí tuệ của Hoa, đã giúp tôi nối lại dòng hồi ức, hiểu ra rằng mình là một con người, một con người bình thường. Tôi cho rằng, chuyện đánh nhau với tay Hỉ hôm nay cũng là biểu hiện của một người bình thường với cuộc sống, thậm chí là một cái mốc quan trọng, rằng tôi đã trở thành một người bình thường. Tiếng cười tán thưởng của đám công nhân và thái độ làm ngơ ban đầu rồi sau đó chỉ trích tay Hỉ của đội trưởng Tạ, là một chứng minh tốt nhất của mọi người cho rằng kết quả phải là như vậy. Hoàn cảnh sống đã sát hạch tôi, họ là những người bình thường lớn lên trong hoàn cảnh này, họ đã công nhận tôi là một thành viên trong đội ngũ của họ.

Mã Anh Hoa đang dỗ bé Xá ngủ – trẻ con nông thôn ngủ rất sớm, thấy tôi bước vào, cô bật dậy, nhảy xuống giường, ra chốt cửa lại, rồi quay về phía tôi, hai tay phủi phủi vạt áo:

–         Em xem nào! Đồ con lừa ấy đánh anh đến nỗi này cơ à?

Lúc này tôi mới cảm thấy mặt đau rát như phải bỏng. Tôi đã quên bẵng chuyện bị quất một roi vào đó.

Hoa xoay tôi về phía ánh đèn, cặp mắt đẹp lướt trên mặt tôi, vừa xem xét vừa chép miệng “Chà..chà…” Tôi cúi xuống để Hoa xoa xoa trên mặt. Khi những ngón tay nhẹ nhàng như cơn gió thoảng chạm lướt trên vết roi, tôi cảm thấy niềm an ủi của cả thế giới đều tập trung vào đấy, đồng thời bên tai tôi vẳng đến điệu ru con của Polamus sáng tác cho Phabo phu nhân.

Ôi! Số phận chưa xử tệ với tôi! Cử chỉ và thái độ của Hoa rõ ràng là thương tôi, hỉ xả vì tôi càng sâu nặng hơn. Khi nhận thấy điều đó, tôi thấy lòng thư thái. Được yêu là một quyền lợi. Tôi đàng hoàng ngồi xuống ghế băng, đợi Hoa xới cơm cho.

Hoa hôm nay rất vui, nét mặt rạng rỡ. Cái nhìn trìu mến của cô càng đằm thắm, cặp mi dài chớp chớp rất đáng yêu. Cái miệng xinh xinh hé mở như ngạc nhiên, như mong đợi điều gì đó.

Tôi vừa ăn vừa kể lại cho cô nghe chuyện xảy ra ban ngày. Tôi biết cô đã chốt cửa. Hơn hai mươi ngày nay, đây là lần đầu tiên cô không cho Hỉ vào nhà. Nhưng tôi vẫn cảnh giác. Cho đến khi ra về, bên ngoài vẫn không có tiếng chân của Hỉ.

Cô không mảy may quan tâm đến những gì ngoài cửa. Nhắc đến chuyện ban ngày, cô bênh vực tôi quá đáng, chẳng khác thú mẹ bảo vệ con. Cô chửi Hỉ bằng những lời lẽ nặng nề, khiến tôi áy náy vì cảm thấy không công bằng.

–         Hoa và anh Hỉ vốn rất tốt với nhau đấy chứ? – tôi nói – Tôi tưởng hai người là bạn của nhau?

–         Bạn đâu mà bạn? – cô đỏ mặt giận dữ – Anh ta là đồ chẳng ra gì! Có lần đã…

Nói đến đó cô ngừng bặt, người hơi cúi về phía trước, y như bị phanh gấp khi xe đang chạy. Rồi cô ngồi hẳn lên giường, lôi chiếc áo đang vá dở vào lòng, im lặng khâu tiếp.

Tôi nhận ra ngay tôi nói sai. Cái từ “bạn” mà tôi nói, có nghĩa là bè bạn, còn cô thì lại hiểu hoàn toàn khác, là “người tình”, như trong bài ca Chẳng lấy được nhau thì là người tình.

Trực giác của tôi là đúng.

Tâm lý con người rất tế nhị. Những bức tự hoạ khi đến tay ta đã thấy dấu kim ấn chi chít chứng tỏ đã qua tay nhiều người, thì cũng đắt giá. Còn tình yêu thì hầu như không cho phép kẻ khác chiếm hữu trước . Ai  cũng rõ, chỉ có tình yêu chung thuỷ mới là  đáng quý.

Tình yêu của Hoa là mối tình đã chín.

Yên lặng hồi lâu, Hoa lại ngửng lên, sắc mặt đã trở lại bình thường, mắt long lanh, khẽ cười duyên, rồi nói một câu chẳng đâu vào đâu:

–         Anh giống bọn em quá đi thôi!

Tôi cười nhìn Hoa, tỏ ra mình đã hiểu. “Bọn em” có rất nhiều nghĩa: nhân dân lao động. Điều này cực kỳ quan trọng đối với tôi, người lao động chân tay, công nhân nông nghiệp, thậm chí còn để gọi lớp con cháu của Samackhan, di cư từ Trung Á đến. Câu nói của Hoa cũng làm tôi hiểu rõ vì sao đúng vào hôm nay cô mới bộc lộ nội tâm. Đối với cô, nếu chỉ là “anh học trò”, chỉ biết kể dăm ba câu chuyện, quá lắm cũng chỉ gợi cho cô tình thương và sự thông cảm. Còn phải lao động giỏi, biết làm lụng, hơn nữa, biết lấy bạo lực chống lại bạo lực để bảo vệ mình, mới được cô yêu. Ôi, tội nghiệp lớp con cháu của Samackhan!

Cô nói là hôm nay không tìm đủ được loại cúc nhựa màu đen. Lúc này, cúc áo cũng là loại hàng khan hiếm. ngày mai tìm đủ, sẽ đính cho tôi. Cô lôi dưới gối ra một sợi dây thừng bện bằng vải để tôi làm thắt lưng.

–         Anh thì… – cô cười – một sợi thừng cũng không có!

Quả vậy, tôi thì đúng là một sợi thừng cũng không.

–         Hoa biết nhiều chuyện về tôi đấy! – tôi nhẹ nhàng hỏi – Nhưng tôi chưa biết gì về Hoa. Này – tôi hỏi Hoa – Bố của bé Xá là ai?

Cô cúi mặt mỉm cười không nói. Lát sau cô nói khẽ từng tiếng một trong tiếng cười nũng nịu:

–         Em không thể gần đàn ông. Hễ gần là bị “dính” ngay…

Câu trả lời làm tôi sững sờ. Cô không trả lời thẳng vào câu hỏi của t . Tôi vẫn tưởng sẽ được nghe chuyện của cô, có thể là ai oán, có thể là bi thương. Vậy mà cô cứ nhẹ nhàng gạt bỏ, ném đoạn hồi ức ấy vào đống rác của thời gian, chôn vùi không mảy may thương tiếc. Qua giọng nói, hình như cô cho rằng chuyện ấy chẳng hại gì đến ai, và cũng chẳng hại gì cho cô.

Thật kinh khủng! Cô đã giúp tôi trở lại con người bình thường, giúp tôi nối liền hồi ức của quá khứ với cảm thụ hiện tại, và từ đó nảy sinh trong tôi niềm say mê và tình cảm mới lạ đối với cô. Ở cô, có nhiều điều tôi chưa hiểu được, có thứ còn trái với quan niệm đạo đức của tôi. Vậy mà chính những cái đó một khi được biểu hiện ở nơi cô, thấy sao mà chân thực, sao mà lương thiện và cũng sao mà đẹp, đã lay chuyển quan niệm cũ kỹ về đạo đức của tôi, để thấy rằng cô là đúng, là không có gì đáng chê trách.

Cô và Hỉ vô hình chung đã truyền cho tôi cái chất hoang dã của vùng nẻo cao. Với tôi – một kẻ đang trở thành con người bình thường – cái chất ấy càng ảnh hưởng sâu sắc.

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version