Trương Hiền Lượng

Ngoài trời là một thế giới màu trắng bạc. Tuyết đầu mùa san bằng dải bình nguyên bát ngát. Từ vườn cây đến thôn xóm đều biến mất vẻ riêng biệt vốn có. Phong cảnh đẹp đến mê hồn, khiến người ta không thể tưởng tượng là chỉ cách đây mấy phút một màn kịch bỉ ổi đã xảy ra, và con người ta lại có tâm địa xấu xa đến nỗi ngay cả bản thân họ cũng không hay ho gì.

Ôi thiên nhiên! Bằng sự im lặng, Người mỗi lúc lại dạy chúng tôi gột rửa tâm hồn mình.

Những vết chân của cô gái để lại trên tuyết trắng khiến người ta có cảm giác thanh thoát, ấm lòng. Cô đi một đường, khi về giẫm lên dấu chân khi đi. Những vết chân đều đặn, chững chạc không chút lộn xộn, chỗ rẽ lượn vòng rất đẹp, rất tinh tế, như một chuỗi hạt trân châu. Tôi thận trọng đặt chân lên dấu chân, như người ta dò tìm vật quý, từng hạt từng hạt…bỏ vào tim.

Tôi gõ cửa. Cô không nói mời vào hay vào đi, mà nói rất to:

–         Cứ đẩy ra, cửa mở mà!

Cô ngồi nghiêng trên giường, đang đùa với con. Cháu bé khoảng hơn hai tuổi, mặc chiếc áo bông cùng loại vải hoa như áo mẹ, trông là con gái, nhưng tóc cắt ngắn, lông mày đậm, ra dáng con trai. Thấy tôi vào, cả hai mẹ con đều cười. nhưng khi thấy tôi cũng cười, cháu bé hoảng sợ rúc vào lòng mẹ. Tôi hơi mất hứng, cho rằng dáng dấp của mình có vẻ ngáo ộp, ngay đến nụ cười cũng trở nên  đáng sợ.

–         Lò xây ở đâu? – tôi hỏi – Nhà có dao xây không? Lại phải có đất sét và gạch…

–         Vội gì anh? – Bàn tay thon thả của cô vuốt ve đứa bé. Cô cười bảo tôi – Anh cứ như cái quan tài ấy! Làm để chết à! Anh ngồi xuống đây!

Quan tài, nghe dễ sợ mà cũng tức cười! Tấm thân như cái quan tài của tôi đặt xuống chiếc ghế băng đắp bằng đất sét. Buồng cô không đốt lửa, nhưng ấm như “nhà” của chúng tôi, cái ấm toả khắp, không phải chỉ ấm một phía như sưởi bếp lò. Tác dụng của cái bếp ở nông thôn là ở chỗ đó. Nhìn thấy chiếc giường bếp nghèo nhưng sạch, tôi lại nhớ nhà. Nhà, không phải cái chỗ bọn tôi chui rúc mà đội trưởng Tạ vẫn gọi, mà là nhà thực sự. Qua bốn năm lao động bắt buộc một cách tàn khốc và nhiều lần suýt chết đói, tất cả cái gọi là hùng tâm tráng chí xa thực tế và những ảo tưởng lãng mạn, đều bị quẳng ra ngoài biển đông. Tôi nhớ mấy câu thơ trong Epghênhi Oneghin:

       Có một nữ chủ nhân

Còn có một lon thịt  bò nấu cải bẹ

Một lon thịt bò nấu cải bẹ!

Lý tưởng của tôi hiện nay là thế!

Cô tiếp tục vuốt ve đứa nhỏ, không nói gì với tôi. Tôi ngồi im lặng, đầu cúi gằm, một nỗi đau đớn vì thất vọng trào lên, không rõ thất vọng vì hy vọng ban đầu, hoặc thất vọng vì “nữ chủ nhân” và “lon thịt bò nấu cải bẹ”, hoặc vì tất cả những hy vọng đã thành tuyệt vọng…Tóm lại, tôi bước vào căn phòng nhỏ bé đơn sơ, nhưng đầy ắp hương nồng khó diễn đạt thành lời, thì hình như tôi càng thấy rõ tình cảm đau xót của tôi hiện nay.

Không rõ cô có chú ý tới thái độ của tôi hay không? Cô dỗ đứa bé, đặt nó xuống giường rồi nhanh nhẹn nhảy  xuống đất, mở vung lấy ra một cái bánh bột mì trắng, rất tự nhiên chìa ra trước mặt tôi:

–         Cho anh đấy!

Tôi giật mình, hốt hoảng nhìn cái bánh, rồi lại nhìn cô. Cô đứng trước mặt tôi, thái độ thản nhiên, nhưng sự dịu dàng và niềm thương xót thì không giấu được qua ánh mắt, tuyệt nhiên không có ý giễu cợt và rẻ rúng.

Tôi không dám cầm lấy cái bánh, vì nó quý giá quá ở thời buổi này, quý đến nỗi không ai dám tin rằng nó được cho không. Sự nghi ngờ vã niềm vui bất chợt quyên vào nhau, khiến mắt tôi hoa lên.

Cháu bé gọi:

–         Mẹ ơi! – Cánh tay nhỏ xíu quờ quạng, bò ra mép giường. Cô dúi vội cái bánh cho tôi, rồi quay lại bế cháu bé lên, mẹ con áp đầu vào nhau, cô vừa đung đưa cháu bé vừa hát:

Bắc chảo hấp, xay mẻ bột

Dượng đến chơi, đi làm cơm.

Bánh mì trắng, thì rất tiếc

Bánh mì đen thì mất mặt

Mời dượng ăn gà sống cưỡng

Gà sống gáy te te

Mời dượng ăn gà mái ghẹ

Gà mái còn để đẻ

Mời dượng ăn hai bánh tráng

Mời dượng húp bát bún thang

Em ăn luôn hai bát to đùng!

Cô hát chứ không kể vè như những phụ nữ khác, không những có nhịp điệu mà còn có cung bậc. Cung bậc được chuyển hoá mang tính nết trẻ thơ. Chất giọng trong sáng, làn điệu tươi mát, lời ca hiền hoà, tư thế bế con rún rẩy như đưa nôi trông rất hồn nhiên, cùng với tiếng cười khúc khích của cháu bé quyện vào nhau, chan hoà căn buồng nhỏ. Người nào chưa hết tính trẻ con mới hoà hợp được một cách tự nhiên với trẻ nhỏ, với bài hát dành cho trẻ. Ai cũng phải thừa nhận là cô rất thật thà. Cô cho tôi một thứ quý giá như thế mà rất tự nhiên, không tính toán, hoàn toàn do lòng tốt.

Tuy vậy, tôi rất ngượng, nói:

–         Tôi không đói, để cho cháu bé! – Tôi chìa cái bánh về phía đứa nhỏ.

–         Cháu ăn rồi! – cô nói – Anh ăn đi!

Nhưng cháu bé đã chìa tay ra đòi.

–         Cho cháu! Cho cháu!

–         Xá con, phải nghe lời chứ! – cô xoay cháu bé về phía giường, không cho tay cháu đủ tầm với đến cái bánh trong tay tôi, rồi mở nắp chảo, lấy ra một quả đậu hấp.

–         Xá, cho con này. Gì đây con? Con ăn cái này nhé?

Cháu bé cười, cầm lấy quả đậu rồi bóc vỏ bằng những ngón tay bé tí. Cô thật thà quá, khẳng khái quá khiến tôi càng không muốn ăn. Cảm giác đói đã lắng xuống do ý muốn không nỡ ăn cái bánh quý. Tôi ă, có cảm tưởng như “đánh cắp của nhà trời”. Cái bụng của tôi thì nhét cái gì mà chẳng được, không nhất thiết phải là loại thực phẩm cao cấp đến thế! Tôi rất muốn đổi bánh lấy đậu – mắt tôi cận thị, nhưng nhìn thực phẩm thì rất tinh – cô vừa mở nắp chảo, tôi liếc thấy rất nhiều đậu trên vỉ. Nhưng tôi ngượng, không dám nói ra.

Thấy tôi vẫn cầm cái bánh ở tay, cô chỉ vào tôi, nói với cháu bé:

–         Nói đi! Mời chú ăn! Nói đi!

Cháu bé lấy miếng đậu trong miệng ra, chỉ ngón tay dính đầy nhớt đậu về phía tôi:

–         Chú ăn đi, ăn đi mà!

–         Chú không ăn – tôi mủi lòng bảo cháu – Để phần cho bố cháu, đồng ý không?

–         Hì..hì… – cô lại cười – Bố cháu ở mãi tận nước Trảo Oa. Anh ăn đi! Dân có học các anh toàn những chuyện chẳng đâu vào đâu!

Tôi không hiểu cô nói “nước Trảo Oa” là có ý gì. Tôi chỉ biết rằng, trong tiểu thuyết cổ, thường gọi những nơi cực xa, hoặc không hề có cái nơi như thế, là nước Trảo Oa. Mà dân vùng này còn dùng rất nhiều từ ngữ cổ trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy thì chồng cô ở rất xa hay là cháu bé không có bố?

–         Vậy… cô để mà ăn! – Tôi nhìn cái chảo, định trả cái bánh vào đấy. Nếu còn mời mọc, tôi sẽ ăn hai quả đậu hấp là xong.

–         Anh chẳng ra thế nào cả – không ngờ cô nổi giận – chẳng làm sao mà lay chuyển được! Anh để cái bánh lại cho tôi, còn anh thì từ đâu đến thì lại về đấy! – Cô quay lại bế con, không thèm nhìn tôi nữa.

Tôi lúng túng, hai tay cầm cái bánh mà như bê chậu nước sôi đầy tràn, không biết đặt vào đâu.

–         Cô bảo đến đắp lò kia mà?

–         Đắp với chả điếm! – cô không nhịn được cười – Lò của tôi, anh Hỉ đắp cho rồi, cháy tốt lắm. chuyện là như thế này, hôm qua là ngày nghỉ, tôi xay chỗ lúa mạch mà anh Hỉ đem cho rồi làm năm cái bánh. Anh Hỉ một cái, tôi một cái, cháu bé hai cái. Còn một cái tôi muốn mời anh, nhưng hôm qua tôi tìm không thấy…Không có bột nở, đành phải làm bánh cứng, anh ăn tạm vậy. bột hãy còn, bột nở đã gây men, lần sau thì ăn bánh mềm.

Lại còn lần sau! Tôi cũng không tiện hỏi cô vì sao “muốn” cho tôi, vì hỏi như vậy là không lịch sự. Ngoài sự thương hại ra, còn vì cái gì? Tôi không như tay “Chủ nhiệm kinh doanh”, tay trung uý và lão kế toán, vừa rời nông trường lao cải là thay lốt, mặc luôn quần áo đại cán của gia đình gửi cho. Bộ quần áo bông của tôi là của nông trường lao cải phát, loại quần áo không có cổ, đóng ba cúc là ký hiệu bị trừng phạt, chẳng khác đóng kim ấn lên trên mặt. Vải thì gần như vải xô, mặc ba hôm là thủng lỗ chỗ, hiện giờ đã cứng như áo giáp. Tôi co ro trong bộ quần áo đó, chẳng khác gì con nhộng thu mình trong cái kén.

Im lặng. Lát sau, thấy tôi cúi đầu, mắt nhìn cái bánh trong tay, có ý muốn ăn, cô vén cái rèm vải, bưng ra một đĩa củ cải muối, một đôi đũa, lấy tay phủi bụi rồi đặt trước mặt tôi:

–         Từ nay anh đói thì cứ đến đây. Hôm nọ trông anh mặt xanh như tàu lá, như ipulít ấy…- không hiểu nhớ ra điều gì, cô lại cười khúc khích, nhưng lập tức ngừng bặt. Cô lấy tay che miệng, ngồi xuống giường nhìn tôi chăm chú.

Thoái thác hồi lâu, tất nhiên là “lễ phép không bằng vâng lời”, tôi định ăn nhưng vẫn thấy rất ngượng vì phải ăn trước mặt cô. Tôi vẫn  chưa từ bỏ được cái thói sĩ diện hão ấy. Đồng thời, tôi biết rằng bây giờ mà ăn thì rất khó coi, tôi sợ phụ nữ trông thấy cái bộ điệu ăn ngấu ăn nghiến của tôi. Cô không hiểu tâm trạng đó của tôi, và cũng không biết rằng ngồi một bên xem người ta ăn là thiếu lịch sự. Cô ngạc nhiên, giục tôi:

–         Ăn đi, anh còn đợi gì nữa? Ăn nhanh lên, lát nữa biết đâu lại có người đến?

Ừ nhỉ, điều này mới đáng sợ. Hôm nay ngày nghỉ, rất có thể có người đến đây chơi, thấy tôi ăn uống thì rất không hay. Tôi cũng không thể mang món ăn quý như thế này về “nhà”. Ở “nhà”, còn có mấy cặp mắt! Tôi chậm rãi cầm bánh lên.

Đúng là bánh cứng. Bột trắng mịn, chắc chắn xay tới hai lượt. Không có bột nở, nên bánh rất rắn, nặng chừng nửa cân, rắn chắc như quả khúc quân  cầu. Tôi cắn từng miếng nhỏ, nhai, cắn, nhai…cố tỏ ra mình là người phong nhã. Đã bốn năm trôi qua, tôi chưa một lần được ăn bánh mì trắng, mà tuổi đời của tôi mới có hai mươi lăm! Nó chẳng khác những bông tuyết ngoài kia, vừa ngậm trong miệng đã tan ra. Nó không qua giai đoạn lên men, còn ngậm hương của hoa lúa, của ánh nắng mặt trời, của hương đất, nó làm say lòng người dân cao nguyên, mùi mồ hôi, khi gặt hái…Nó còn giữ được tất cả mùi vị ban đầu.

Tôi chợt nhìn thấy một dấu vân tay in trên chiếc bánh.

Nó hằn lên trên mặt của chiếc bánh, rõ mồn một, và từ kích thước của nó, tôi có thể nhận ra đó là vân tay của ngón giữa. Xét theo đường vân, nó là “hoa tay”, từng vòng tròn một, trong nhỏ ngoài to dần, y như mặt nước hồ xuân khi có cá nhỏ đớp mồi.

Một giọt nước mắt của tôi rơi trên chiếc bánh. Có lẽ cô đã nhìn thấy giọt nước mắt đó.

Cô không cười nữa, cũng không nhìn tôi, quay lại giường bế con lên, thở dài:

–         Chao ôi, thật tội nghiệp!

Hai tiếng “chao ôi”, không thẳng tuột, mà như làn điệu than thở trong ca khúc, nó có sức biểu hiện phong phú, thông cảm, nuối tiếc và mang nặng xót thương. Tiếng than thở mở đường cho nước mắt của tôi. Khi đấu đá với tay “Chủ nhiệm kinh doanh”, tôi chưa bao giờ khóc, vậy mà lúc này nước mắt tôi cứ lặng lẽ trào ra. Cổ họng tôi nghẹn lại, không sao nuốt tiếp được miếng bánh.

Căn buồng lặng như tờ. Bên ngoài, thỉnh thoảng lại có vài bông tuyết bám vào cửa sổ.  Cháu bé chóp chép miệng khe khẽ. Vậy mà từ nơi tận cùng của trái tim tôi, nổi lên ầm ầm bản An hồn khúc của Uynđi, đặc biệt là chương Cứu tôi với, cứ dội lên cuồn cuộn. Ôi, cứu tôi với! Cứu tôi với!

Lát sau cô nói với cháu bé, giọng rầu rầu:

–         Xá con, con nói đi, chú cứ yên tâm! Cháu có ăn thì chú cũng có ăn

Qua tưởng nói, tôi biết là cháu đã quay về phía tôi:

–         Chú yên tâm. Chú yên tâm…

Cháu bé càng nói tiếng càng to, có lẽ cháu thấy thích thú với câu nói mà cháu chưa hiểu nghĩa, nên đứng dậy lẫm chẫm đi ra chỗ mép giường, bàn tay bé tí xíu chỉ vào tôi:

–         Chú yên tâm! Chú yên tâm!

–         Còn nữa – cô nghiêng người dìu con – Cháu có ăn thì chú cũng ó ăn. Nói đi!

–         Chú có ăn thì cháu có ăn!

Cô bật cười khanh khách, bế xốc con lên, xoay người lại đặt cháu bé xuống giường, chỉ tay vào nó:

–         Đồ bỏ đi! “Cháu có ăn thì chú có ăn” chứ không phải “chú có ăn thì cháu có ăn”. Đồ bỏ! Đồ bỏ!

Hai mẹ con quyện chặt vào nhau cười khúc khích. Bầu không khí trở nên vui vẻ, tôi thấy mình cũng thư giãn ra. Tôi ăn hết cái bánh và cả đĩa củ cải muối.

–         Đậu còn đấy! – Đợi tôi ăn xong, cô ngồi dậy vén mái tóc, kéo vạt áo bông xuống chỉ vào chảo – Đậu còn đấy, anh lấy mà ăn.

Lúc này tôi mới có tâm trạng thư thái để ngắm kỹ cô. Đầu tiên, điều làm tôi ngạc nhiên là khuôn mặt cô mang những nét đặc biệt của người con gái phương Nam, cặp môi đẹp, đồng tử có chấm sáng và rất linh hoạt, lông mi dài, có thể tưởng tượng khi hạ mi mắt xuống, lông mi có thể chạm tới má, phần dưới mắt, mũi dọc dừa, cánh mũi đường nét rất đẹp. Cặp môi hơi dầy nhưng cực kỳ gợi cảm. Rất nhiều tiểu thuyết lấy con mắt làm trung tâm để miêu tả cái đẹp. nhưng khuôn mặt của cô cho tôi cảm nhận, cặp môi là một bộ phận gợi cảm không kém gì đôi mắt. Cặp môi với đường nét đẹp, hai má hơi gầy với cái mũi thanh tú hợp thành một tổng thể hấp dẫn và sống động. Cũng như những phụ nữ khác ở đây, cô có nước da ngăm ngăm nhưng rất mịn, hai bên má lấm chấm tàn nhang. Dưới con mắt hơi gợn quầng thâm nhạt. Quầng thâm đó khiến cho cặp mắt đẹp càng thăm thẳm. Các bộ phận trên khuôn mặt cô hoà hợp với nhau, gợi lên niềm vui và sự an ủi cho mọi người. Qua những lời lẽ tuy không nhiều, qua cử chỉ, tôi đoán cô là con người sắc sảo, mạnh mẽ, rộng rãi và nhiệt tình. Tất cả những cái đó hoà nhập với khuôn mặt phương Nam của cô. Sau này tôi mới rõ, nét đặc sắc của con gái phương nam đều có ở các dân tộc di cư từ Trung Á tới.

Cô ở độ tuổi hai mươi đến hai mươi lăm, không lớn hơn tôi.

Tên cô là Mã Anh Hoa.

Phạm Thúy Quỳnh đăng bài