Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký), một tập thơ nhật kí, một tập nhật ký bằng thơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong khoảng thời gian từ 29.8.1942 đến 10.9.1943. Đây là một tập thơ chữ Hán độc đáo từ nội dung đến hình thức thể hiện. Thế giới thơ của Nhật kí trong tù thấm đượm vẻ đẹp cổ điển, thể hiện rất rõ tư duy nghệ thuật Á Đông, nhưng lại rất hiện đại, chứa đựng tinh thần thời đại. Con người trong Nhật kí trong tù vừa là một chiến sĩ, một con người hành động, một tù nhân giàu bản lĩnh, vừa là một nghệ sĩ, tự do, ung dung thanh thản trước hoàn cảnh khó khăn. Nhân kỉ niệm 70 năm sáng tác Nhật kí trong tù, Báo Điện tử Tổ Quốc giới thiệu bài viết của hai tác giả Mai Vũ và Thúy Liên về hai trong số những bài thơ hay, có thể nói là khá tiêu biểu cho tư duy và vẻ đẹp đa dạng của tập thơ này.

NGƯỜI ĐI THI HỨNG BỖNG THÊM NỒNG

Nguyên tác

Tảo giải

I.

Nhất khứ kê đề dạ vị lan,

Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san;

Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,

Nghênh diện thu phong trận trận hàn

II

Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,

U ám tàn dư tảo nhất không;

Noãn khí bao la toàn vũ trụ,

Hành nhân thi hứng hốt gia nồng!

Dịch thơ

Giải đi sớm

I

Gà gáy một lần đêm chửa tan

Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn

Người đi cất bước trên đường thẳm

Rát mặt đêm thu trận gió hàn

II

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng

Bóng tối đêm tàn, quét sạch không

Hơi ấm bao la toàn vũ trụ

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng

“Tảo giải” (Giải đi sớm) được sáng tác trong khoảng thời gian đầu của thời kì Người bị giải đi khắp các nhà ngục của tỉnh Quảng Tây, cụ thể là chuyển từ nhà lao Long An sang nhà lao Đồng Chính. Tác phẩm ghi lại khung cảnh thời tiết khắc nghiệt và cảm hứng thơ nồng nàn của người tù thi sĩ trước cảnh bình minh rạng rỡ, ấm áp. Toàn bài, hầu như chỉ nói đến thiên nhiên, cảm hứng lên đường, thể hiện tâm thế lạc quan và ung dung thưởng cảnh, làm thơ của người tù, người chiến sĩ.

Giải đi sớm là nhan đề chung của hai khổ thơ số 41 và 42 trong tập Nhật kí trong tù. Mỗi khổ có thể coi là bài thơ độc lập.

Khổ thơ thứ nhất tả cảnh chuyển lao trong đêm tối giá rét, thể hiện cảm nhận về hiện tại. Tác giả gieo vần “an” liên tiếp (vị lan, thu san, trận trận hàn) vừa khắc sâu cái không gian bao la lạnh buốt và mở ra con đường xa rộng, vừa tả niềm tin mãnh liệt và sức chịu đựng bền bỉ của người chiến sĩ cách mạng. Hai câu thơ đầu mở ra một thời gian, không gian cụ thể. Nhìn chung bức tranh thiên nhiên chứa đầy thử thách khắc nghiệt.

Câu thơ thứ nhất sử dụng thành công bút pháp chấm phá và bút pháp “lấy động tả tĩnh”. Nhịp thơ 4/3 chắc gọn, cấu trúc câu thơ giống như một lời kể, kể để gợi không khí, để nhấn mạnh hoàn cảnh. Âm thanh tiếng gà báo hiệu thời gian đã quá nửa đêm, cho thấy không gian vẫn chìm trong bóng tối tĩnh mịch. Lời thơ dung dị vọng lại âm thanh đời thư­ờng, gần gũi. Câu thơ thứ nhất đậm chất hiện thực, thực trong cảnh và thực trong tâm thế của người tù.

Đọc Tảo giải ta thấy: Đứng ở trung tâm của bức tranh thiên nhiên là hình ảnh con người đang chủ động đón nhận từng cơn gió núi lạnh buốt thổi tới. Theo mạch logíc thông thường, người đọc tưởng sẽ nghe thấy ở đây một lời than đau xót, hay phẫn uất bất bình, vậy mà sau khoảnh khắc lắng nghe tiếng gà giục thời gian trôi mau, người từ Hồ Chí Minh đã ngẩng đầu ngắm trăng sao và ghi lại vẻ đẹp đầy chất thơ, sống động lạ thường của bầu trời.

Xét về cách sử dụng từ ngữ, ta thấy tác giả thật tinh tế:

“Nhất thứ kê đề dạ vị lan”

(Gà gáy một lần đêm chưa tàn)

Chưa tàn” (dạ vị lan) chứ không phải là đêm tối, bởi “chưa tàn” có nghĩa là sẽ tan: “Gà gáy một lần, đêm chưa tàn”. Lời thơ hàm nghĩa một sự vận động, thời gian chuyển dần về sáng. Theo ý nghĩa đó, âm thanh tiếng gà đâu chỉ báo hiệu trời đêm, mà còn báo hiệu một ngày mới đang đến. Âm thanh đó phần nào xua đi sự vắng lặng của đêm lạnh và mở ra một cuộc hành trình mới. Như vậy, ngay từ bước chân đầu tiên, Bác đã quên đi cảnh ngộ gian truân của mình để hướng về vũ trụ đang chuyển vần. Nói hồn thơ Nguyễn Ái Quốc thật rộng mở, phóng khoáng, tràn đầy niềm tin tưởng lạc quan là vì thế .

Nếu như câu thơ thứ nhất nghiêng về thông báo hiện thực, thì câu thơ thứ hai lại tràn đầy cảm xúc lãng mạn, cảnh thơ chuyển đổi bất ngờ thi vị. Sự xuất hiện của hình ảnh trăng, sao khiến cho không gian thơ tràn đầy ánh sáng:

“Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san”

Điểm nhấn của bức tranh thiên nhiên là cảnh trăng sao nâng đỡ nhau, giao hoà quấn quýt, là sức vươn lên mạnh mẽ của trăng sao như để thoát khỏi màn đêm tăm tối lạnh giá. Theo nguyên tác, câu thơ thứ 2 phải được hiểu là: “…vượt lên đỉnh núi mùa thu” chứ không phải “vượt lên ngàn”. Bản dịch thơ chưa sát nghĩa. Phải là trăng lên đỉnh núi mùa thu, thì bức tranh phong cảnh mới được miêu tả cụ thể hơn và đẹp hơn nhiều. Lúc này, con người hướng về thiên nhiên bao la bằng cái nhìn tinh tế nhạy cảm, trìu mến. Bức tranh thiên nhiên của đêm thu đã để lại ấn tượng sâu đậm về sự sống, về ánh sáng. Dường như người tù đã tìm thấy sự hoà hợp giữa tâm hồn mình với thiên nhiên, rung cảm trước vẻ đẹp của trăng sao rực rỡ mà dịu dàng đó. Trong nguyên tác từ “ủng” gợi lên không khí ấm áp sinh động, thể hiện được niềm hứng khởi trong lòng người đi và hai chữ “thu san” đặc tả hình ảnh đầy chất thơ. Nói chất trữ tình cách mạng hòa với bút pháp hiện thực là vì vậy.

Hai câu tiếp trở lại với hiện thực “Giải đi sớm” thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người tù, người chiến sĩ trên đường xa. Trong nguyên tác: Người tù bị giải đi từ lúc trời còn rất sớm, khi gà gáy lần thứ nhất thì Bác đã ở (dĩ tại) trên đường rồi. Người chiến sĩ ấy ung dung, chủ động đứng nhìn bầu trời đầy trăng sao và nhìn con đường xa thẳm. Đọc câu thơ thứ hai ta thấy rõ tư thế bình tình hiên ngang của chủ thể trữ tình. Phần dịch thơ chưa lột tả được sắc thái tinh tế đó, vì “cất bước” là mới bắt đầu hành động lên đường, lời thơ thiên về sắc thái bằng phẳng, nhẹ nhàng. Từ đường thẳm được thêm vào làm cho âm hưởng câu thơ đuối đi.

Biện pháp điệp ngữ (chinh, trận) thoáng gợi nỗi gian truân lạnh lẽo. Hai tiếng “chinh nhân”(người đi xa) tạo ra âm điệu rắn rỏi, khoẻ khoắn, hào hùng. Hai chữ “chinh đồ” có lẽ không đơn giản chỉ một con đường xa thẳm cụ thể, lời thơ có xu hướng khát quát về con đường đời, con đường cách mạng đã thử thách tôi rèn người chiến sĩ. Câu thơ thứ tư dịch chưa thật chuẩn, cách dùng từ, giọng văn không thích hợp với tinh thần thép, bản lĩnh thép của nhân vật trữ tình. Nếu “ nghênh diện” là sự chủ động của con người, thì “rát mặt” lại là sự chịu đựng thụ động. Ở nguyên tác, từ “nghêng diện” diễn tả khá rõ cái tư thế chủ động, sẵn sàng đón nhận thử thách và quyết tâm vượt qua mọi vất vả hiểm nguy của người tù. Đây cũng chính là biểu hiện của ý chí thép, tinh thần thép, nghị lực phi thường của con người trong thơ Bác.

Khổ thơ thứ hai tả cảnh chuyển lao vào lúc bình minh, thể hiện cảm nhận về một thời đại mới, về một tương lai rạo rực niềm vui chiến thắng

Phương đông màu trắng chuyển thành hồng

Bóng tối đêm tàn quét sạch không

Hơi ấm bao lao tràn vũ trụ

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng

Câu thơ đầu ghi nhận sự đổi sắc của bầu trời. Câu thứ hai vẽ ra sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối. Câu thứ ba tả rất hay về sự giao hoà tuyệt đối giữa thiên nhiên và con người. Câu thứ tư gợi tả phong thái ung dung, đầy hứng khởi của người đi. Trong cảm quan của người lên đường đột ngột mở ra một chân trời phương đông rực rỡ ánh hồng, cảnh vật bừng sáng mau lẹ, hơi ấm đất trời và hơi ấm tâm hồn con người bừng dậy tràn ngập cả vũ trụ. Đêm thu lạnh, gió thu buốt giá nhường chỗ niềm vui sướng hân hoan. Hòa hợp với thiên nhiên tươi mới, người tù có thêm cảm xúc. Nguồn thi hứng vốn được gợi lên từ ánh sáng trăng sao, đến lúc này “bỗng thêm nồng”. Đặng Thai Mai nhận xét “nguồn cảm hứng lớn khiến cảnh bình minh trong một ngày thường bỗng có khí thế của cảnh bình minh chung cho cả một thời đại”.

Khác với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ thứ hai, gieo vần “ông” (thành hồng, nhất không, hốt gia nồng) – tạo ấn tượng về sự tròn đầy, ấp áp, chan hoà. Nếu như từ “hồng” kết thúc câu thơ thứ nhất khẳng định sức sống, qui luật khách quan tất yếu của cảnh vật, thì từ “nồng” khép lại bài thơ lại nhấn mạnh sức sống, lí tưởng tình cảm của con người. Màu hồng rực rỡ “hồng” biểu thị kết quả của qui luật thiên nhiên vận động và là sản phẩm của nhãn quan chính trị xa rộng của người chiến sĩ cộng sản, còn từ nồng tạo nên vẻ đẹp tâm hồn thi sĩ, cho biết mức độ tình cảm của chủ thể trữ tình đối với thiên nhiên, cuộc sống. Cụm từ “bỗng thêm nồng” tả được trọn vẹn nhất, sâu sắc nhất sự vận động tâm trạng, phong thái của chủ thể trữ tình.

Sự tiếp nối của hai khổ hợp thành chỉnh thể nghệ thuật độc đáo, với tứ thơ trọn vẹn: “Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”. Sự tiếp nối của hai khổ thơ cũng cho thấy rõ một nét phong cách thơ Hồ Chí Minh: Tư tưởng, hình tượng và không gian thơ thường vận động hướng tới sự sống, tương lai tươi sáng, ấm áp. Trong thơ Bác bao giờ cũng vậy, sự sống chiếm ưu thế, mặt trời hồng luôn xuất hiện xua tan bóng đêm dày đặc và làm cho bức tranh hài hòa hòa tươi thắm .Cả hai khổ thơ liên kết với nhau diễn tả một quá trình vận động của thiên nhiên, cảm xúc – đồng thời phản ánh chân lí của cuộc đời, chân lí cách mạng.

Sự kết hợp giữa t­ư duy nghệ thuật cổ điển phư­ơng Đông (khổ 1) và t­ư duy chính trị hiện đại (khổ 2) đã tạo nên giá trị độc đáo hiện đại của thi phẩm này. Nhìn bề ngoài mỗi một thế giới nghệ thuật có một hình tượng độc đáo riêng biệt. Bốn câu đầu khắc hoạ ấn t­ượng hình ảnh ng­ười chiến sĩ cách mạng chủ động đón nhận và hiên ngang v­ượt qua thử thách. Bốn câu sau miêu tả hình ảnh một thi nhân nồng nàn cảm xúc tr­ước cảnh cuộc sống đ­ương đổi thay. Nhưng thật ra đấy chỉ là biểu hiện đa dạng vẻ đẹp tâm hồn của Bác: Chất thép và chất tình đạn quyện vào nhau. Điểm nhìn nghệ sĩ tiếp nối cảm quan chiến sĩ. Ph­ương thức t­ư duy này tạo ra những hình ảnh thơ mới mẻ, khoẻ khoắn, hào hùng phá vỡ cách cấu tứ của thi ca truyền thống vốn ­ưa sự tĩnh tại.

Cái thần của bài thơ không chỉ ở chi tiết “bỗng thêm nồng” mà chủ yếu thần thơ toát ra từ cấu trúc chuyển hoá – tương phản thời gian, không gian. Nhà thơ tạo ra các yếu tố tương phản đối lập để thể hiện nhận thức sự vật và biểu hiện cảm xúc. Sự đối lập bóng tối và ánh sáng ở đây xuất phát từ sự thống nhất của một bản lĩnh, một tâm hồn. Tất cả vận động chuyển hoá bởi cảm quan người nghệ sĩ hướng về tương lai và niềm tin cuộc sống. Hoài Thanh nhận xét : “Không thể nào có được những nét bút hùng tráng như vậy, nếu không có sẵn trong lòng một niềm tin sắt đá về một bình minh lớn trong lịch sử”.

 

Mai Vũ


VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN VÀ TINH THẦN HIỆN ĐẠI CỦA BÀI THƠ CHIỀU TỐI

Nguyên tác

Mộ

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bào túc ma hoàn lô dĩ hồng

Dịch nghĩa:

Chiều tối

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng

Thế nào là cổ điển? Chữ “cổ điển” ở đây được hiểu theo hai nghĩa, thứ nhất là từ chỉ những tác phẩm văn học đã được thử thách qua thời gian, được công nhận như mẫu mực, cổ điển là những yếu tố/tác phẩm nghệ thuật đã đạt tới sự hoàn thiện cao về mặt thẩm mỹ. Thứ hai, cổ điển là một tính từ chỉ lối viết, cách thể hiện đã trở thành một truyền thống văn học. Như vậy, phạm trù cổ điển thuyết minh cho tính ổn định, bền vững, tính gần gũi quen thuộc, giúp ta hiểu thêm sự gặp gỡ, đồng điệu giữa những tâm hồn và sự uyên bác của một nhân cách văn hoá.

Vậy, đâu là vẻ đẹp cổ điển của thi phẩm Chiều tối? Nói rộng ra là vẻ đẹp cổ điển của Nhật ký trong tù?

Bài thơ Chiều tối được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đây là thể thơ có ưu thế trong miêu tả tâm trạng, thường tạo ý ở ngoài lời, xây dựng hình ảnh tượng trưng ước lệ, và biểu lộ chủ đề ở một vài nhãn tự. Nhà văn Pháp, Roger Denux từng nhận xét: “ Thơ Người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nét để cho người đọc tự thưởng thức. Phải yên lặng một mình đọc thơ Người. Phải thỉnh thoảng phải ngừng lại để suy nghĩ mới cảm thấy hết những âm vang của nó và nghe những âm vang ấy cứ ngân dài mãi”. Tất cả những đặc điểm đó được thể hiện rõ nhất trong “Chiều tối”.

Trước hết phải khẳng định rằng, cái tứ của bài thơ nằm ngay ở nhan đề: “Chiều tối”. Cách thức triển khai tứ thơ ấy của tác giả tạo ra cảm giác thời gian đang vận động: trời chiều đang chuyển vào đêm, cô em xóm núi xay ngô xong thì bếp lò cũng đỏ rực. Xét theo mạch thơ chữ “hồng” giữ vai trò quan trọng. Chữ“ hồng” gợi không gian ấm cúng, tươi vui yên bình, chất chứa một sức sống mạnh mẽ và làm cho không gian thơ bừng sáng. Tư tưởng nhân đạo và cái nhìn nhạy cảm tinh tế, lạc quan của Bác thể hiện tập trung trong từ này. Do vậy, có thể xem, chữ hồng là một nhãn tự.

Chiều tối” gặp gỡ với cổ thi trong nghệ thuật kết cấu câu thơ. Cặp câu nào cũng hài hoà đăng đối. Đó là sự đối lập giữa cánh chim bay mỏi với chòm mây trôi nhẹ, giữa không gian hữu hạn (chốn ngủ) với không gian vô hạn (từng không), đối lập giữa tối và sáng, giữa hai câu thơ đầu miêu tả cảnh vật hắt hiu tàn tạ với hai câu thơ sau miêu tả con người lao động khỏe khoắn.

“Chiều tối” là bài thơ chữ Hán. Từ ngữ Hán Việt tự nó tạo ra vẻ đẹp cổ điển, trang trọng, với hàm nghĩa phong phú, giàu sức gợi. Cảnh thơ trong Chiều tối thâu tóm được linh hồn tạo vật, ở đấy nhân vật trữ tình giàu tình cảm đối với thiên nhiên, hoà hợp tâm hồn với thiên nhiên vũ trụ. Bác không để cho cảnh ngộ đau khổ trói buộc cảm xúc của mình; hồn thơ của Bác vẫn rung động trước thiên nhiên vùng sơn cước đẹp đẽ. Có lẽ vì thế ta bắt gặp sự tương đồng giữa cảnh ngộ tâm trạng của người tù – thi sĩ với trạng thái, hướng vận động, của cánh chim trời bay về tổ và đám mây trôi chưa biết dừng nơi nào trong thời khắc một buổi chiều tàn. Trong thơ xưa, chẳng hạn như thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cảm xúc đó cũng được thể hiện rõ nét. Nhìn chung cảm hứng trước thiên nhiên và ngôn ngữ thơ góp phần tạo tên màu sắc cổ điển của bài thơ này .

Màu sắc cổ điển của bài thơ được thể hiện ở cả thi liệu. Người đọc đã từng gặp trong ca dao, thơ trung đại hình ảnh đám mây trôi qua ngang trời, cánh chim chiều đập cánh vội. Đi giữa miền thơ, ta đã quen lắm với cảnh tượng ở một khung trời miên viễn nào đó, chợt xuất hiện cánh chim lẻ loi. Ngàn đời vẫn vậy xui khiến con người nhớ tới cảnh ngộ cô đơn của mình, từ đó thấm thía về sự xa xăm phiêu bạt của đời người. Thi nhân xưa thường đặt hình ảnh cánh chim trong tương quan với bầu trời, đám mây, ngọn gió. Đặt trong tương quan với bầu trời để cảm hết được cái rộng dài hun hút của không gian, trong tương quan với đám mây để gợi cảm giác chia ly, và phải đặt trong quan hệ với ngọn gió mới thấy hết được cái khó khăn, vất vả của cánh chim đang đập cách vội (Thơ Vương Bột, Lí Bạch, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan…)

Trong phép làm thơ Đường luật, câu thơ đầu của bài thơ thường phải nói rõ được đề tài. Đề tài của bài thơ là “ chiều tối”. Câu khai của bài thơ quả thực đã giới thiệu được rất cụ thể khoảnh khắc thời gian đặc biệt trong ngày. Chiều tối vừa là thời gian vật lí vừa là thời gian tâm trạng. Hình ảnh cánh chim bay về tổ ở đây không thể thuộc về một thời gian nào khác khoảnh khắc ngày tàn. Câu thừa của bài thơ tiếp tục làm nổi bật không khí của buổi chiều muộn nơi xóm núi. Thực ra mây trên trời lúc nào cũng có, song phải là đám mây với dáng vẻ hiu hắt, chậm chạp riêng biệt đó mới phù hợp với không khí buổi hoàng hôn. Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ được tạo nên bởi đề tài.

Nhưng có lẽ việc sử dụng bút pháp nghệ thuật quen thuộc trong thi ca xưa mới là bằng chứng sinh động nhất về vẻ đẹp cổ điển đặc sắc của tác phẩm Chiều tối. Bút pháp chấm phá tinh tế tạo ra những câu thơ nhiều tầng nghĩa, mở ra nhiều kiểu liên tưởng trong tâm tư người đọc ,cùng bút pháp tả thực tự nhiên giàu chất hoạ khiến cho cảnh vật hiện lên trong bài thơ với những đường nét rất có thần:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bào túc ma hoàn lô dĩ hồng

Trong nguyên tác không có chữ tối. Câu thơ dịch thêm từ “tối” làm cho ý thơ hơi lộ. Dụng ý của tác giả chỉ muốn người đọc cảm thấy trời tối thôi chứ không thông báo trực tiếp thời gian, không gian tối. Dùng ánh sáng để tả bóng tối, không nói tối mà tả được tối đấy là biểu hiện của thủ pháp hoạ vân hiển nguyệt thường thấy trong thơ Đường. Âm vang của thơ Đường trong Chiều tối còn biểu hiện ở chỗ, nhà thơ xây dựng các mối quan hệ, người đọc phải bằng liên tưởng của mình khám phá ra sự thống nhất giữa chủ thể trữ tình và thiên nhiên.

Chiều tối cũng sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Cảnh vật thiên nhiên như cùng tâm trạng với con người, đồng điệu với tâm hồn con người. Câu khai phác hoạ cánh chim mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn giờ đang về rừng tìm chốn đậu. Hình ảnh đó gợi ta nhớ tới một người tù bị cùm xích, bị giải suốt một ngày ròng rã đương khao khát chốn nghỉ ngơi yên bình. Thêm nữa, chi tiết chòm mây cô đơn giữa một không gian vắng vẻ… rất tương ứng với cảnh ngộ của chủ thể trữ tình chưa biết dừng lại, hay tới nhà lao nào. Cánh chim, chòm mây vừa là đối tượng của niềm thương cảm vừa là biểu hiện bên ngoài của nỗi buồn trong lòng người tù trên con đường đày ải. Hai câu cuối cảm hứng thơ chuyển sang một hướng khác: cảnh thiên nhiên buồn nhường chỗ cho cảnh đời bình dị, tươi sáng. Tâm trạng, hướng nhìn của nhà thơ cũng đổi thay theo từ buồn sang vui. Nếu thiên nhiên trong hai câu thơ đầu nói hộ tâm trạng của Hồ Chí Minh sau một ngày chuyển lao mệt mỏi, thì bức tranh phong cảnh trong hai câu kết lại gói ghém khát vọng tự do. Nhìn chung bức tranh ngoại cảnh được nội tâm hoá trở thành tâm cảnh. Nguyễn Du từng nói “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trong trường hợp này, điều đó rất đúng.

Trong thơ xưa gắn với thời gian buổi chiều thường có hình ảnh một người lữ thứ tha hương (Qua đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà,Hoàng Hạc lâu…). Nhân vật trữ tình của bài thơ Chiều tối là một con người như vậy: cô đơn mỏi mệt, trong lòng không lúc nào nguôi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng bào, đồng chí(câu 1). Tác giả không cần tả nhiều nhưng vẫn gợi được ở người đọc nhiều cảm xúc. Bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh kín đáo thể hiện niềm khát khao được tự do, sum họp, được trở về quê hương của người tù trên đất khác . Cách cấu tứ của bài thơ, vì thế, cũng mang màu sắc cổ điển.

“Chiều tối” không chỉ có màu sắc cổ điển mà còn thể hiện tinh thần hiện đại.

Thế nào là hiện đại? Tính hiện đại của tác phẩm văn chương biểu hiện phong phú, trước hết và có lẽ rõ rệt nhất trong sự đổi mới tạo ra những nét riêng, không lặp lại. Một tác phẩm văn chương mang trong mình tinh thần của thời đại, phản ánh quan điểm nghệ thuật, hệ giá trị và ý thức tư tưởng của con người trong xã hội mà nó nảy sinh, thậm chí vượt trước thời đại … đều được gọi là tác phẩm mang màu sắc hiện đại. Phạm trù hiện đại giúp ta phân biệt thế giới nghệ thuật này với vũ trụ nghệ thuật khác, xác định cá tính sáng tạo trong văn học ở những thời đại, giai đoạn khác nhau.

Biểu hiện rõ rệt nhất của tính hiện đại trong bài thơ là hai câu cuối. Thơ tứ tuyệt Đường luật tạo bất ngờ cho người đọc ở câu chuyển. Câu chuyển bất ngờ nhưng phải tự nhiên hợp lí. Bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh đạt được phẩm chất cổ điển này. Sự chuyển đổi bất ngờ thể hiện ở chỗ: mạch thơ vận động hướng về mặt đất, sự sống và ánh sáng, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng. Nói tính hiện đại được thể hiện ngay trong vẻ đẹp cổ điển là như vậy.

Nếu ở thơ cổ con người thường ẩn đi trong thiên nhiên,thiên nhiên là chủ thể, thì con người và sự sống trong thơ Bác lại hiện ra, chiếm vị trí chủ thể trong bức tranh phong cảnh .Con người lao động được khắc hoạ qua cái nhìn lạc quan của Bác có vẻ đẹp bình dị khoẻ khoắn, trở thành nhân vật chính của bức tranh .Người đọc nhận thấy: Trong bất kì hoàn cảnh nào, chủ thể trữ tình cũng giữ được phong thái ung dung tâm hồn phóng khoáng, dường như tác giả quên hẳn cảnh ngộ của mình để đồng cảm với nỗi vất vả, với niềm vui nhỏ nhoi, đời thường của người lao động. Hình ảnh cô gái xóm núi và lò than rực hồng toả ấm, toả sáng là cảnh của một tâm trạng hào hứng, tươi vui. Ánh sáng lò lửa nhỏ không chỉ sưởi ấm tâm hồn Bác lúc bị lưu đày, mà còn có tác dụng nhóm lên trong lòng người đọc niềm tin bền bỉ vào cuộc sống. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo cao cả, biểu hiện độc đáo của chất thép.

Điểm nhìn nghệ thuật của bài thơ cũng khá tiêu biểu cho phong cách thơ hiện đại của Hồ Chí Minh. Trong thơ xưa không gian trên cao chiếm ưu thế. Nhưng ở “Chiều tối” những quan sát về mặt đất dần thay thế hướng nhìn lên bầu trời. Thơ của Bác thường tập trung thể hiện mọi buồn vui trong cuộc sống con người, Bác đưa vào cảnh thiên nhiên vĩnh cửu của thơ xưa một nội dung xã hội cụ thể.

Chiều tối viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt nhưng cơ bản không theo lối tư duy hướng về các mẫu mực cổ xưa. Ở đây tác giả hướng người đọc vào tương lai và hiện thực trước mắt, hướng về quần chúng lao động. Theo Hoài Thanh, chữ hồng trong câu thơ kết có hai nghĩa, nghĩa đen là màu sắc thực của ánh sáng lò than, nghĩa bóng là màu cách mạng, màu của chiến thắng, của tương lai. Nếu thiên về cách hiểu sau, chúng ta thấy sự vận động của hình tượng thơ, xét đến cùng là sự vận động của cách mạng. Tính hiện đại của bài thơ là ở đó.

Vẻ đẹp cổ điển hoà quyện tự nhiên với tính hiện đại tạo nên sức sống lâu bền ,sức hấp dẫn của tập thơ Nhật kí trong tù nói chung và bài thơ Chiều tối nói riêng.

Hai câu thơ đầu tả không gian núi rừng rộng lớn, nhưng lại gợi thời gian chiều tối. Giọng the nhẹ nhàng, nhịp thơ thong thả. Hình ảnh thơ đậm tính ước lệ, người đọc tưởng như tác giả tả cảnh theo công thức có sẵn cứ nói tới chiều thì nhắc tới chim bay về tổ, mây trôi lững lờ… Thực ra, sự xuất hiện của hình ảnh cánh chim mỏi mệt và chòm mây cô đơn rất hợp với qui luật tự nhiên của cảnh chiều, đồng thời hài hòa với tâm trạng của người tù sau một ngày đi đường mệt mỏi đang bơ vơ nơi đất khách quê người. Nghĩa là ở đây, tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên một cách chính xác đúng như cảnh thật mà mình quan sát, cảm nhận được. Qua những nét vẽ thấm đượm phong vị Đường thi ấy, ta vẫn thấy ánh lên nét đẹp riêng của hồn thơ Hồ Chí Minh. Thiên nhiên trong thơ Bác không chết lặng mà chứa đựng biết bao dấu hiệu của sự sống. Giữa bầu trời cao rộng, chòm mây dẫu nhỏ bé đơn độc nhưng vẫn cứ chậm trôi. Nó không đứng lặng chơi vơi cả nghìn như đám mây trên “Lầu Hoàng Hạc”. Hình ảnh cánh chim chiều cũng thế, dẫu mệt mỏi vẫn không mất hút vào vô tận như trong thơ cổ:

Nghìn non chim hết vẫy vùng

Vắng tanh muôn nẻo tuyệt không dấu người

Áo tơi nón lá ông chài

Con thuyền giữa tuyết ngồi hoài buông câu

Giang tuyết, Liễu Tông Nguyên

Cánh chim trong thơ Liễu Tông Nguyên mất hút giữa không gian bao la vô cùng, dường như nó không hề tìm thấy nơi trú ẩn giữa ngàn núi trùng điệp. Trong Chiều tối của Nguyễn Ái Quốc, cánh chim mệt mỏi, nhưng vẫn có đường bay xác định, nó quay trở về khu rừng quen thuộc tìm tổ ấm. Chủ thể trữ tình trong Chiều tối như quên mình là tù nhân, quên nỗi nhọc nhằn vất vả để hòa mình vào thiên nhiên, yêu thương trìu mến với cảnh vật, nâng niu, thiết tha với từng dấu hiệu của sự sống. Một sức mạnh tinh thần như thế chỉ có thể bắt nguồn từ một tâm hồn chiến sĩ.

Xét về tứ thơ. Ta thấy, tứ thơ được mở ra bằng khung cảnh vắng vẻ, thấm đẫm nỗi buồn, nỗi cô đơn của người xa xứ. Người đọc tưởng sẽ khép lại bằng hình ảnh bóng tối, bằng niềm thương thân, than thân, xót thân của chủ thể trữ tình, nhưng thật bất ngờ: cảnh tràn đầy hơi ấm của tình đời, tình người toả lan từ hồn thơ Hồ Chí Minh. Từ hai câu đầu đến hai câu kết không chỉ là sự chuyển cảnh mà còn thay đổi về bút pháp: từ ước lệ sang tả thực, hình ảnh thơ cổ điển sóng đôi với vẻ đẹp hiện đại, cái giản dị chân thực của cuộc sống đời thường hài hoà với cái trang trọng, thanh cao. Nói khác đi, Chiều tối góp phần xác nhận một bản sắc thơ độc đáo trong đó có sự hài hoà tinh tế giữa thi pháp văn học phương Đông cổ điển với những dòng chảy của thi ca hiện đại. Hoàng Trung Thông rất đúng khi cho rằng: “Thơ Bác rất Đường mà lại không Đường”.

Vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại của thi phẩm thống nhất trong một kiểu tư duy nghệ thuật mới. Nếu không phải là một người ngay từ nhỏ đã được học chữ Hán, thơ phú Đường Tống, hấp thụ nhuần nhuyễn văn hoá phương Đông, không phải là một người hoạt động cách mạng, một kiểu nhà văn mới, nhà văn chiến sĩ am hiểu văn hoá phương Tây, thì chắc chắn thế giới thi ca sẽ không có được vẻ đẹp riêng, độc đáo đó.

Nguồn: Vanhocquenha

Exit mobile version