Làm tuyển tập thường là công việc của nhà văn “già”. Chưa làm thì lo, như cái nợ chưa trả. Làm xong thì vừa mừng vừa lo. Lo như một cái “điềm” ập đến bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà giờ đây cái lo ấy đã được giải toả.
Thời điểm nào nhà văn làm tuyển tập?
Nhà văn, sau vài chục năm cầm bút, đã xuất bản được nhiều đầu sách. Mỗi đầu sách, mỗi tác phẩm đều có số phận khác nhau. Cái được vinh danh đỉnh cao bằng những giải thưởng này nọ, được khen hết lời, được đông đảo độc giả nhớ tới. Cái thì lặng lẽ xuất hiện, ít ai biết, có khi còn bị chê tơi bời. Nhìn lại một, hoặc nhiều hơn, hoặc tất cả chặng đường cầm bút thông qua tác phẩm là lý do ra đời Tuyển tập.
Nói đến Tuyển tập văn học thường là những cuốn sách dày dặn về số trang cũng như số chữ.
Sách tuyển phần lớn là tập hợp các tác phẩm trước đó đã in thành sách, đã từng công bố. Cũng có những trường hợp trong Tuyển tập có in cả tác phẩm mới nhưng chiếm tỉ lệ không nhiều, phần lớn vẫn là tác phẩm cũ.
Trước đây, in Tuyển tập tác phẩm văn học phần lớn là nhà văn tuổi đã cao hoặc các nhà văn đã mất. Với nhà văn đã mất thì Tuyển tập đúng là dịp tổng kết toàn bộ sự nghiệp viết lách. Trừ khi còn những bản thảo bị thất lạc hay vì một lý do nào đó mà tác phẩm chưa công bố. Đến một thời điểm nhất định, gia đình hoặc bạn bè tìm lại được tác phẩm thất lạc, tác phẩm còn lưu giữ thì sẽ in bổ sung.
Với nhà văn tuổi đã cao, tầm khoảng từ 65-75, công việc sáng tác đã không còn như thuở sung sức là lúc có nhu cầu làm Tuyển tập. Khi nhà văn quyết định bắt tay vào làm tuyển tập dường như là một sự thừa nhận ngầm về cái đỉnh văn chương đã qua. Độc giả nhìn tên cuốn sách Tuyển tập của tác giả nào thì cũng tự cho rằng tác giả đó đang “chững lại”.
Làm Tuyển tập gần như là công việc sau cùng của một người cầm bút.
Có những người vì bệnh tật đau ốm đứng giữa sinh ly tử biệt chưa kịp làm Tuyển tập đã được bạn bè văn chương chung tay giúp sức thực hiện như nhà thơ Phạm Tiến Duật, Dương Kiều Minh…
Vì tính chất “đặc thù” của tuyển tập nên thời điểm để làm tuyển tập với mỗi nhà văn rất quan trọng và không giống nhau.Thậm chí nhiều người còn rỉ tai nhau về “tuổi làm Tuyển tập” cũng như những “biến cố” sẽ xảy ra sau khi nhà văn, nhà thơ làm Tuyển tập. Do đó, sự thận trọng là cần thiết.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, quan niệm về làm Tuyển tập như ở trên đã có những thay đổi đáng kể. Các nhà văn đã “thoáng” hơn, nhẹ nhàng hơn khi đồng ý làm Tuyển tập. Độ tuổi cũng được lùi lại, trẻ hơn, có người chưa chạm đến tuổi 60, sức viết còn dồi dào đã làm Tuyển tập như trường hợp nhà thơ Dương Thuấn, Nguyễn Quang Thiều… nhiều tuổi hơn thì có nhà thơ Hoàng Cát, Phan Thị Thanh Nhàn…
Tuyển tập trong trường hợp này được hiểu là “sơ kết” một chặng đường văn chương đã qua. Có thể đặt tên những Tuyển tập như thế bằng số thứ tự 1,2,3… hoặc tên một tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn sáng tác đó, hoặc mang tính chất chung chung của sách tuyển là: Tác phẩm chọn lọc, Tác phẩm hay… Nếu vài năm sau, sự nghiệp sáng tác dày thêm thì số thứ tự tăng lên cho đến khi nào dừng lại thành Tổng tập.
Bên cạnh các Tuyển tập của một nhà văn, nhà thơ cụ thể, trên thị trường sách nhiều năm qua còn xuất hiện dạng sách tuyển theo các mốc thời gian như một năm, năm năm, mười năm hay theo giai đoạn. Hoặc không xác định thời gian thì có chung đề tài. Chẳng hạn như Tuyển tập truyện ngắn hay năm… Văn mới năm… Tác phẩm chọn lọc về tình yêu v.v… Sách tuyển như thế này, quy tụ nhiều tác giả trong một cuốn. Các tác giả có mặt trong sách tuyển dạng này thường không phân biệt tuổi tác mà phụ thuộc phần lớn vào tiêu chí lựa chọn của người tuyển. Trong khuôn khổ bài viết, xin không đề cập nhiều đến dạng sách tuyển này.
Những “con đường” hình thành Tuyển tập
Trước kia, phần lớn các nhà văn được làm Tuyển tập là khi đã rời bỏ cõi tạm, không còn cầm bút viết thêm tác phẩm nào nữa. Độc giả và thời gian có toàn quyền “phán xét” tác phẩm của nhà văn. Tuyển tập ra đời đáp ứng nhu cầu của độc giả đương đại và độc giả thế hệ sau. Nhu cầu thưởng thức, đánh giá, nghiên cứu… Ngoài ra Tuyển tập cũng là một lưu giữ, một kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng với gia đình, người thân của nhà văn.
Nhưng hiện nay, quan niệm làm Tuyển tập đã khác thì cũng có muôn hình vạn trạng cách thức, lý do để nhà văn bắt tay vào làm Tuyển tập.
Nhà thơ Dương Thuấn làm Tuyển tập thơ vì có một nữ độc giả trẻ hâm mộ thơ anh. Độc giả trẻ đó đánh giá cao và thích đọc thơ của Dương Thuấn. Nhưng mỗi lần đọc phải đọc hết quyển này đến quyển khác nên nghĩ, nếu là độc giả khác thì họ phải đi tìm, rất mất công. Làm Tuyển tập sẽ là cách để nhiều độc giả cùng đọc được các sáng tác có chất lượng của thơ Dương Thuấn. Ban đầu, vì sợ Dương Thuấn không đồng ý, vì thời điểm đó, nhà thơ mới chỉ bước vào tuổi 50 nên độc giả đó còn hứa sẽ chịu toàn bộ chi phí in ấn Tuyển tập. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành Tuyển tập thì nhà thơ Dương Thuấn đã không để cho độc giả kia phải chịu chi phí. Hỏi thêm về nhà thơ có sợ cái “dớp” không may mắn khi làm Tuyển tập không thì nhận được câu trả lời là không và sau này sẽ còn tiếp tục làm nữa. Hiện nay, cũng có không ít nhà văn, nhà thơ vì trăm ngàn lý do thú vị mà tự đứng ra làm Tuyển tập cho riêng mình tương tự trường hợp Dương Thuấn.
Cũng tự đứng ra làm tuyển tập cho mình là trường hợp nhà thơ Hoàng Cát. Lý do được nhà thơ Hoàng Cát đưa ra rất đơn giản là được tự mình lựa chọn những cái mình thích, ưng ý, cho là hay. Rồi lo sợ khi từng chứng kiến cảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật nằm trên giường bệnh chưa kịp tự làm cho mình một Tuyển tập. Nhà thơ chia sẻ thêm là do bị bệnh nhồi máu cơ tim, nhiều lần bị ngã quỵ bất tỉnh nên đã đến lúc phải nghĩ đến việc làm Tuyển tập. Với Hoàng Cát, tự làm Tuyển tập giống như tự xây đền cho mình. Tuyển tập thơ dày dặn của Hoàng Cát với chi phí không nhỏ – gần 50 triệu khiến nhiều người giật mình. Nhưng rồi bạn bè người ít người nhiều và một số thư viện đã quyết định mua sách khiến cho kinh phí cuốn sách không trở thành cái gánh quá nặng với Hoàng Cát. Có lẽ, cách làm của nhà thơ Hoàng Cát sẽ có nhiều người ủng hộ, bởi ông xác định cái phải đến với mỗi đời người mà lặng lẽ, từ từ đón nhận nó chứ không than trời oán trách hay chối bỏ.
Không “chủ động” làm tuyển tập như hai trường hợp trên, cũng không phải tự bỏ tiền ra in sách như hai nhà thơ trên là trường hợp làm tuyển của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Sở dĩ Tuyển tập của Phan Thị Thanh Nhàn có được ưu ái là vì do phía nhà xuất bản lựa chọn tên tuổi tác giả và cho vào danh mục “sách nhà nước đặt hàng”. Cuối cùng Tuyển tập của Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ có thơ như dự kiến ban đầu mà còn có cả phần văn xuôi. Một số nhà văn, nhà thơ cũng được các đơn vị làm sách “mời” làm Tuyển tập như thế này. Tất nhiên, đó thường là những nhà văn, nhà thơ ngoài đóng góp lớn cho văn chương nghệ thuật mà còn từng được nhiều giải thưởng văn chương quan trọng.
Như vậy có thể thấy bên cạnh nhu cầu độc giả, do đặt hàng còn cả lý do “lo xa” mà tác giả bị động hoặc chủ động in Tuyển tập. Phần nội dung Tuyển tập cũng là một việc có nhiều vấn đề cần bàn. Bởi khi một tác phẩm hoàn thành thì nhà văn, nhà thơ nào cũng thấy “đứa con tinh thần” của mình là nhất. Khi làm Tuyển tập, phải cân đong đo đếm lại để lựa chọn và loại bỏ sẽ mất thời gian và đôi khi không tránh khỏi… cảm tính! Nhà văn thường cho rằng, không ai hiểu tác phẩm bằng bản thân người sáng tạo ra nó. Song văn mình, vợ người. Không loại trừ trường hợp khi độc giả cầm trên tay một Tuyển tập dày dặn mà vẫn thấy thiếu một vài tác phẩm mà theo họ có lẽ hoàn toàn xứng đáng. Ngược lại, cũng có cả tác phẩm mà tác giả cho là hay, đã lựa chọn nhưng độc giả lại thấy chưa thật chuẩn.
Thường thường việc chọn lựa tác phẩm trong Tuyển tập là do tác giả và phía nhà xuất bản thảo luận và thống nhất. Song thiên hướng và dấu ấn cá nhân nhà văn được bộc lộ rõ.
Tất nhiên, một tác phẩm, dù được chăm chút kỹ lưỡng đến đâu cũng không thể làm chiều lòng tất cả độc giả. Và độc giả khi đọc Tuyển tập, ngoài được nhìn lại quá trình sáng tác của người cầm bút còn được nhìn thấy chân dung nhà văn, nhà thơ hiện lên sau trang sách thì xin hãy tôn trọng sự lựa chọn của tác giả.
Nguồn: Vanhocquenha