VanVN.Net – Tôi với sáng tác thơ ca là người ngoại đạo, tôi cả đời không làm thơ bao giờ, vả lại nghiên cứu văn học thì tôi lại chủ yếu nghiên cứu văn học nước ngoài cho nên tôi đứng từ xa, thỉnh thoảng mới ngó nhìn vào văn chương của nước nhà. Nhưng với anh Dương Thuấn, cái thời mà tôi còn làm việc ở Trường viết văn Nguyễn Du, lúc đó anh Dương Thuấn về học ở trường, trước đó tôi không hề biết anh và anh cũng không hề biết tôi.
Và thế là cũng khoảng cũng hai mươi năm trước đây rồi, ở Trường viết văn Nguyễn Du cứ hàng năm học viên phải nộp sáng tác để lấy điểm sáng tác, và anh Dương Thuấn cũng nộp một chùm thơ và tôi được đọc chùm thơ của anh Dương Thuấn, tôi còn nhớ mãi cái cảm nhận sửng sốt của tôi lúc đó. Tôi bây giờ không nhớ tất cả bài thơ, nhưng hồi đó tôi cứ sững sờ trước một câu thơ của anh. Trong một bài thơ không dài lắm, anh nói về người làm nương ở miền núi. Câu kết của bài thơ ấy, anh viết ”Gánh thóc về cho vú vợ tròn căng”. Tôi sửng sốt bởi vì trong văn chương của người Kinh chúng ta, cả trong thơ bác học và thơ bình dân cũng không bao giờ có một câu thơ như thế cả, một câu thơ mạnh mẽ, khỏe khoắn, khảng định sự sống của con người và khảng định lao động của con người. Một câu thơ tuyệt vời như vậy! Hồi ấy anh Dương Thuấn chưa có tí tên tuổi nào đâu. Anh hình như cũng chỉ bắt đầu làm thơ, và chùm thơ ấy chưa phải các bài đều chín chắn cả. Nhưng mà có những câu thơ như vậy, cho nên tôi đã cho hiện tượng này cần phải theo dõi. Thế mà chỉ học được ở Trường viết văn Nguyễn Du ba năm thôi thì anh đã sáng tác được một tập thơ tốt nghiệp Đi tìm bóng núi. Tập thơ Đi tìm bóng núi chính là sáng tác tốt nghiệp của anh Dương Thuấn ở Trường viết văn Nguyễn Du và sáng tác tốt nghiệp ấy được công nhận là sáng tác xuất sắc và chính Trường viết văn Nguyễn Du đã in tập thơ đầu tiên của anh Dương Thuấn để chào mừng ngày hội trường. Duyên nợ của tôi và của Trường viết văn Nguyễn Du với anh Dương Thuấn là như thế.
Và càng tiếp xúc với anh Dương Thuấn, tôi lại càng có một xác tín rằng, một con người như thế này thực sự sẽ đem lại cho thơ Việt Nam, cho thơ bằng tiếng Viêt một hương sắc, hương vị và những ý vị rất mới. Và tôi có cảm giác, càng đọc thơ của anh Dương Thuấn thì tôi càng cảm thấy những cái nếu mà không có những nhà thơ như anh Dương Thuấn thì thơ Việt Nam sẽ không có được, tức là thiếu những hương sắc ý vị như những câu thơ tôi vừa mới dẫn. Tôi đọc thơ anh mới càng thấy rõ rằng, đúng là các triết gia người ta nói đúng. Người ta nói ngôn ngữ là cái nhà của hữu thể, tức là của sự tồn tại của con người. Đấy là một triết gia nói như vậy, còn một triết gia khác lại bổ sung cho ông bằng những ý như thế này. Đúng đấy, ngôn ngữ là nhà đấy nhưng nó cũng có thể là nhà tù, chứ không chỉ là nhà. Vừa là nhà nhưng lại vừa là nhà tù! Tôi cứ thấm thía hai cái câu định nghĩa về ngôn ngữ của hai triết gia ấy. Và trong trường hợp anh Dương Thuấn, một người dân tộc Tày mà lại sáng tác bằng tiếng Kinh của chúng ta. Và nhờ con người ấy thì thơ Việt Nam đã được phong phú lên đáng kể. Không có anh Dương Thuấn thì thơ của chúng ta sẽ kém cái phần hồn nhiên, kém cái phần tươi khỏe, kém cái phần chân thật, kém cái phần đời sống từ gốc rễ của con người. Nhưng mà có một điểm nữa là hồi đó chúng tôi mời anh Dương Thuấn về làm giảng viên ở Trường viết văn Nguyễn Du và chúng tôi có quan niệm rằng nếu mà những người vừa có tài và vừa có đức như anh Dương Thuấn và anh Tạ Duy Anh mà ”nắm” lấy Trường viết văn Nguyễn Du thì sẽ biến Trường viết văn Nguyễn Du thành một trung tâm văn học, thành một cơ sở đào tạo và bồi dưỡng xứng đáng cho các văn tài nước nhà. Đáng tiếc là ước mơ ấy của chúng tôi đã không được thực hiện. Cho nên anh Dương Thuấn rồi Tạ Duy Anh, các anh cũng phải bỏ Trường viết văn Nguyễn Du mà đi. Mà đi ra khỏi Trường viết văn Nguyễn Du, các anh đã làm nên sự nghiệp của mình. Và thật là thiệt cho Trường viết văn Nguyễn Du, bây giờ trường cũng không còn nữa. Không phải thiệt cho cá nhân ai cả, đấy là thiệt cho nền văn học Việt Nam nói chung.
Thế còn bây giờ, anh Dương Thuấn bỗng một hôm anh đem đến cho tôi bộ tuyển tập của anh ấy. Tôi cũng thật là ngỡ ngàng, bởi vì tôi cũng không ngờ anh làm được như thế mặc dù tôi vẫn biết anh sáng tác rất khỏe. Bản thân tôi vốn làm những việc khác, không có thì giờ để theo dõi sáng tác của anh ấy. Tôi vẫn biết anh sáng tác khỏe nhưng không ngờ anh làm được như thế. Nhưng mà cái quan trọng hơn cả là anh Dương Thuấn như một nhà thơ dân tộc viết bằng tiếng Việt cũng đã thành danh rồi. Anh có tên tuổi trong cả nước chúng ta và có tên tuổi ở cả nước ngoài nữa. Bộ tuyển tập này thực ra không góp gì cho sự thành danh của anh Dương Thuấn đâu. Vả lại thành danh cũng có nhiều kiểu.
Tôi còn nhớ hồi ở Trường viết văn Nguyễn Du chúng tôi, có một lần có một học viên nói về một nhà thơ vẫn còn sống, tôi không muốn nhắc lại tên nhà thơ đó. Anh ấy nói thế này: ông ấy đối với thế giới có thể không lớn nhưng đối với ta như thế thì lớn rồi. Tôi mới trả lời anh: nếu mà ông ấy không lớn với thế giới thì ông ấy cũng không lớn đối với ta. Chúng ta không nên hạ thấp dân tộc mình như thế, những nhà thơ lớn của ta đồng thời là nhà thơ lớn của thế giới. Ở đây dân tộc và thế giới là đồng đẳng, không có hai cấp, một cấp thấp một cấp cao. Tư duy như thế là không đúng, là hạ thấp dân tộc của chúng ta. Và tôi nói rằng cái ông nhà thơ mà anh vừa mới nói tên, theo tôi trong con mắt tôi không phải là nhà thơ lớn. Anh sinh viên ấy đứng lên hỏi, vậy thầy định nghĩa thế nào là nhà thơ lớn. Tôi mới sững người vì bị choáng, tôi bảo xin em cho tôi thời gian để tìm định nghĩa. Mà tôi phải tìm một năm sau mới đưa ra định nghĩa của tôi thế nào là một nhà thơ lớn. Định nghĩa của tôi một nhà thơ lớn là như thế này: “Nhà thơ lớn là người đã làm được tối thiểu hai chục bài thơ hay”. Thế nào là bài thơ hay, tức là một bài thơ mà nó hay từ đầu cho đến cuối, nó hoàn chỉnh. Một bài thơ hay, chứ không phải câu thơ hay, hai chục câu thơ hay không thể thành nhà thơ lớn được. Và thứ hai nữa là chỉ cần dựa một số tiêu chí bề ngoài thôi, bài thơ hay là bài thơ được nhiều người khen và không có những ý kiến chê nào mà không bẻ được, đấy là bài thơ hay. Và tôi nói là đấy, bây giờ tôi lại đưa cái ví dụ nhà thơ trước đây, tôi bảo đây này các anh cứ tìm đi ở cái ông nhà thơ này có được hai mươi bài thơ hay như là tôi xác định hay không, chúng ta tự bàn với nhau. Đó là chuyện của khoá 3 Trường viết văn Nguyễn Du, quả là nhà thơ ấy không có đến năm bài thơ hay.
Bây giờ với anh Dương Thuấn, trong bộ tuyển tập này của anh và cả trước cũng thế, dù có khắt khe như thế nào, dù có kỹ lưỡng như thế nào, một người mà gọi khắt khe nhất, một người có gu nhất thì vẫn có thể tìm trong tuyển tập này hơn hai mươi bài thơ hay không chê vào đâu được, muốn chê cũng không chê được. Đấy là riêng về anh Dương Thuấn, tôi chỉ muốn nói thế thôi. Thế nhưng mà còn cái quan trọng tôi thấy ở trong trong tuyển tập này, đây là một tuyển tập song ngữ, mỗi một tác phẩm có hai tác bản, một tác bản bằng tiếng mẹ đẻ tiếng Tày và một tác bản bằng tiếng Kinh, tiếng Việt của chúng ta. Đây là một hiện tượng rất đáng hoan nghênh, đây là một hành động văn hóa rất đáng biểu dương của anh Dương Thuấn. Tôi biết rằng anh Dương Thuấn không những bỏ công ra, anh sáng tác bằng hai ngữ, mà anh còn bỏ tiền ra để anh in bộ sách này. Bộ sách này anh Dương Thuấn bỏ tiền ra anh in để anh báo cáo trước đồng bào dân tộc của anh ấy và báo cáo trước đồng bào dân tộc Kinh của chúng ta anh đã làm được những gì trong vòng hai mươi năm sáng tạo. Như vậy tức là anh Dương Thuấn tự tổ chức cho mình một cuộc sát hạch, một cuộc khảo định. Một bên là cộng đồng người Kinh, một bên là cộng đồng người Tày. Anh ấy tự tổ chức cho mình một cuộc sát hạch một cuộc khảo định như thế, tôi thấy một người dám làm như thế này phải có thực lực mới dám làm, không có thực lực không dám làm. Thơ của anh Dương Thuấn chắc chắn sẽ được sự khảo định, sẽ được sát hạch. Trước tiên sự sát hạch rất quan trọng là sát hạch của đồng bào người Tày của anh, còn chúng ta là người Kinh, theo tôi được biết có khi chúng ta biết thơ Dương Thuấn nhiều hơn đồng bào người Tày. Trong các dân tộc thiểu số của chúng ta mới có hai dân tộc có chữ viết từ xưa là Thái với Tày, trong đó chỉ có dân tộc Tày là có văn học thành văn, có văn học tác giả, chứ người Thái chưa có văn học tác giả. Những cái đó người Tày đã có được trước cách mạng, chữ viết la tinh của người Tày hiện nay không phải có sau cách mạng mà các học giả người Pháp đã đặt ra cho người Tày từ trước cách mạng để giản đơn và tiện lợi hóa văn tự. Thế thì tôi mới thấy thế này, tôi thấy Dương Thuấn là một hiện tượng quan trọng, hiện tượng anh ấy sáng tác bằng hai ngôn ngữ, tức là song ngữ. Và bằng hiện tượng này, anh ấy nuôi dưỡng cuộc sống và sự phát triển của tiếng mẹ đẻ anh ấy, của tiêng Tày. Đây là một vấn đề có ý nghĩa văn hóa cực kỳ to lớn. Tôi đơn cử một trường hợp như thế này, ví dụ như ở châu Âu, một nước như là Ai Len mà bây giờ cũng chỉ có 3,6 triệu dân thôi. Nó là một cái đảo ở bên cạnh nước Anh khổng lồ và từ thế kỷ 12 đảo Ai Len là thuộc địa của Anh Quốc. Và bây giờ phần Bắc Ai Len vẫn là của Anh Quốc. Từ thế kỷ 12 người Anh đô hộ Ai Len, cho nên văn học Ai Len từ cổ cho đến tận thế kỷ 20 là hoàn toàn văn học tiếng Anh. Hòn đảo này nhiều tài năng văn chương đến nỗi rằng những cây bút không lồ của văn học Anh như là Swift, Shaw, Oscar Wilde, Joyce, Beckett, William Butler Yeats và Seamus Heaney. Trong đó ba ông cuối cùng được giải Nobel thì toàn là người Ai Len nhưng lại viết bằng tiếng Anh. Vì bảy thế kỷ đô hộ của Anh đối với cái hòn đảo bé tí này đương nhiên là ngôn ngữ của dân tộc ấy bị xói mòn, không được phát triển. Thế mà đến khi người Ai Len giành được độc lập thì người ta đặt ra cho mình một nhiệm vụ là khôi phục và phát triển tiếng Ai Len và biến nó thành ngôn ngữ quốc gia và các nhà thơ, các nhà văn Ai Len nào mà có tinh thân yêu nước họ cũng đều làm như anh Dương Thuấn làm cả. Tức là họ cùng một lúc họ viết bằng hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Ai len. Cho nên bây giờ nền văn học Ai Len là một nền văn học lớn, ở châu Âu người ta khảng định như thế. Đây là một nền văn học lớn của một nước rất nhỏ mà được tồn tại bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Ai Len. Đây là hoạt động có ý thức của một dân tộc tuy nhỏ, tuy rất ít người nhưng mà người ta có lòng tự tôn và tự trọng của người ta. Cho nên chuyện anh Dương Thuấn làm như thế là anh ấy đi cùng bước với nhân loại của chúng ta, cùng với cái phần tinh hoa nhất của nhân loại chúng ta. Nói như thế để hiểu anh Dương Thuấn làm việc đó đúng hay không. Còn một thí dụ nữa là ở trong văn học Pháp cũng thế, có một thứ tiếng ngày xưa nó là một thứ tiếng riêng là Provensal, và người Provensal ngày xưa cũng không phải người Pháp, nhưng rồi bị người Pháp đồng hóa. Bây giờ thì hầu như không còn người nào nói tiếng Provensal nhưng mà ngôn ngữ Provengsal nó đã là ngôn ngữ văn học, nó đã để lại nhiều tác phâm văn chương xuất sắc. Cho nên rằng các nhà văn Pháp hiện nay sau khi mà Frédéric Mistral được giải Nobel vì sáng tác bằng tiếng Provensal thì các nhà văn Pháp sinh ra ở vùng Provensal mà học được tiếng của tổ tiên thì bây giờ người ta lại noi gương ông Frédéric Mistral làm sống lại nền văn học bằng tiếng Provensal của họ. Để chết một ngôn ngữ là có tội với Thượng đế, mà phát triển ngôn ngữ ấy lên là có công với Thượng đế thần linh. Người không làm ra được ngôn ngữ đúng không, những thứ Esperanto đặt ra có phổ biến được đâu. Đấy là tôi nói để chúng ta thấy ý nghĩa của những công việc rất thầm lặng mà một mình anh Dương Thuấn làm bao năm nay mà không cho ai biết, mà bây giờ chúng ta chứng kiến, chúng ta thưởng ngoạn thành quả của việc làm của anh ấy.
Tôi rất sung sướng được nói lên lời vui mừng và hạnh phúc. Bởi vì giữa chúng tôi và anh Dương Thuấn có một sự tâm đầu ý hợp với nhau.