Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của tác giả Võ Đào Phương Trâm.

Gồm các truyện sau:

– Rừng thiêng

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 25.9.2023

– Cầu thang tối

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 26.9.2023

– Tử tội

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 27.9.2023

– Người giữ mộ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 28.9.2023

– Huyệt mộ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Sáu ngày 29.9.2023

Tác giả Võ Đào Phương Trâm.

Sinh năm1983

Sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cử nhân Đông Nam Á học; Thạc sĩ Quản lý giáo dục.

Công việc hiện tại: Biên tập, sáng tác văn học.

Bắt đầu tham gia sáng tác vào năm 2021 bằng niềm yêu thích Văn chương và bản thân tác giả luôn có một tâm niệm được đóng góp một phần công sức, tâm huyết của mình vào con đường sáng tác để gửi đến quý độc giả một góc nhìn về cuộc sống được thu nhỏ qua tác phẩm của mình!

Các truyện ngắn được giới thiệu đều đã được in trên các báo trung ương và địa phương.

Mời quý vị đón nghe truyện ngắn Huyệt mộ qua giọng đọc của chính tác giả.

Truyện ngắn: Huyệt mộ

Những tia chớp xé dọc bầu trời khuya, tiếng côn trùng rả rích bám quyện trong vùng âm u đen đặc. Đêm qua đỉnh 0 giờ, những bóng người lờ mờ chìm trong màn mưa lạnh lẽo, những ánh chớp loang loáng rọi xuống gương mặt u ám của đám người trong đoàn đưa tang, ánh sáng loang dại hoạ lên di ảnh của người đã khuất một hình hài ám mị. Trên bãi tha ma vắng lặng, đoàn người lầm lũi bước đi, tiếng than khóc thê lương hoà lẫn tiếng mưa trùng vang sấm giật, trời khuya gầm rú, những bước chân bám riết giữa mảng bùn lầy, đưa chiếc quan tài về lòng huyệt lạnh…

***

– Hôm nay có đám hạ huyệt của người mới mất

Người đàn bà cất giọng trầm buồn, lầm lũi với chiếc kim khâu và cái áo len cũ màu đã bị tưa đi vài chỗ, những ngón tay gầy guộc lụi từng mũi kim giữa mái nhà âm tịch, u ám của ánh đèn dầu, ngôi nhà mọc lên giữa bãi tha ma, không điện đóm, chỉ có người đàn bà góa bụa gần năm mươi tuổi và đứa con gái bị tâm thần phân liệt, mỗi lần ngồi đâu là chỉ ngồi một chỗ, gương mặt xanh xao, dáng vẻ mỏng manh ốm yếu, mái tóc thì cứ lũ rũ trước mặt cùng đôi mắt nhìn đâu thì cứ đăm đăm một chỗ. Người đàn bà dường như quanh năm chỉ nói chuyện một mình, đứa con gái thỉnh thoảng thốt lên vài câu như hoang dại, vô hồn, người nghe chẳng hiểu.

Đám ma đêm qua của một người thiếu nữ làng bên cạnh, nghe nói bị bệnh ung thư và mất khi tuổi đời còn khá trẻ, ngôi mộ nhanh chóng được xây cất trong ngày, mưa ngập ngụa, những người xây mộ như những bóng ma vì người ta coi ngày giờ linh, phải lập mộ vào lúc 10 giờ tối, cả nhóm đàn ông đen đúa, thô sạm hì hục với mớ gạch vữa nhão nhoét, tấm bạt phất phơ như muốn lật tung trong cơn gió đêm ào ạt, qua 1 giờ sáng hôm sau, huyệt mộ cũng hoàn thành giữa khu đất hoang lạnh lẽo.

Căn nhà của người đàn bà nằm cạnh ngôi mộ xi măng mới đắp, trơ trọi, hoang liêu tịch mịch, băng qua một con đường nhỏ hẹp luôn vắng bóng người. Chiều đến, lại có người mang hoa quả ra cúng trên huyệt mộ và đó là phần quà cho con Nhan bởi ngày nào nó cũng lững thững ra đó để lấy dĩa trái cây, nó ngồi bệt xuống cạnh ngôi mộ hoang rồi ngấu nghiến ngon lành, áo quần lấm lem bùn đất, nó cứ ăn những quả trái cúng như một bóng ma vật vờ giữa mộ.

– Này! Đồ cúng thế kia, mày cứ ăn có ngày bệnh chết.

Người đàn bà vãng lai ghé ngang thắp một nén hương rồi ném cái giọng lanh lảnh về phía Nhan, nó khựng lại vài giây với ánh mắt man dại, ngó nhìn về phía người đàn bà xa lạ, miệng nó vẫn nhai, hai tay bấu chặt vào quả xoài còn chưa lột vỏ, quanh miệng nó ướt át, dính đầy những mảnh xoài vàng choạch.

Ăn xong, nó lững thững xách vài trái táo còn sót lại mang về, dáng nó xiêu vẹo, chậm chạp, tóc tai lũ rũ lòa xòa, chiều tối đến, nó lại vòng quanh khu mộ, người ta đồn thổi mộ này có ma, mà đã có ma nào ngoài một đứa con gái tâm thần liêu xiêu vất vưởng.

Nó đặt những quả trái cây lên chiếc bàn gỗ, người đàn bà cũng chẳng nói gì, cái nghèo của hai mẹ con góa bụa thì thức ăn nào có được cũng sẵn lòng mà cho vô bụng, những ngày đi bán bưng ngoài chợ đến trưa nắng đổ ngang triền đồi thì người đàn bà mới quải thúng mủng quay về với dăm ba đồng bạc.

Chiều tối, con Nhan lại la cà ra ngoài huyệt mộ, xem có hôm nào người ta cúng quả thì nó lấy ăn, cứ mỗi lần thấy người đàn bà đến thắp hương, nó lại len lén đi vào một góc sâu ngoài sau bia mộ, nhưng người đàn bà vẫn không quên bỏ giọng nhắc chừng. Hôm nay là ngày người ta cúng lễ cho người đã mất nên trên mộ để một số thức ăn, trái cây, nhang đèn và ít hoa thơm, lại có một người đàn ông ở lại quét dọn phần bia mộ, chắc là người nhà hay người làm công gì đấy. Thấy nó lấy đĩa trái cây, dáng vẻ nó lại chẳng bình thường nên người đàn ông cũng không phản đối, rồi ông lại loay hoay quét dọn cho phần mộ.

Nó ngồi thụp xuống đất và ăn ngấu nghiến, xong nó lại ngắt cái hoa cúc trắng gắn lên đầu, nó nở nụ cười vô thần rồi huơ tay chân xoay vài vòng thích thú.

– Ôi giời, cái con này, hôm nay lại bày trò gắn bông gắn hoa nữa đấy!

Người đàn bà thích săm soi lại buông lời chua ngoa, rồi bà đến trước mộ thắp nén hương như công việc hằng ngày, chẳng biết bà là ai, nhà có gần đây không nhưng chiều nào cũng thấy ghé ngang đây thắp hương vái lạy.

– Thôi này, đừng có mà ăn ba cái này, vong về quở chết đấy!

– Ôi, có gì đâu, đồ cúng tôi vẫn ăn hoài, nó nghèo, nói làm gì, tội nó.

Người đàn ông cất giọng đỡ lời khi nghe người đàn bà buông những lời dọa dẫm

– Nó tâm thần đấy, phải nói cho nó biết, để ăn thế này, tội chết.

– Lại mê tín dị đoan nữa rồi, ăn đồ cúng này, chả có sao đâu. Có phải cúng ngoài đường ngoài xá đâu mà bà sợ.

– Ôi giời, cái ông này, phải biết kiêng cữ chứ.

Người đàn ông dừng tay, lộ vẻ mặt không hài lòng

– Người nghèo họ có gì thì ăn đó, thần thánh ma quỷ nào quở trách chứ? Đồ ăn thức uống là cúng vong linh chứ đã có ai ăn thật đâu, cũng người sống ăn chứ có ai chạm vào đó mà bà sợ, đặt ra đủ thứ điều mê tín.

– Ôi giời, cái ông này, cứ mà cẩu thả!

Người đàn bà ngoe nguẩy ra về sau khi buông vài câu khó chịu.

Bóng tối bắt đầu phủ trùm lên bãi tha ma một màu u tịch, con Nhan ăn xong quả mãng cầu, miệng mồm vẫn còn lem luốc, nó đứng dậy đi về và không quên mang theo những quả trái cây còn lại trong cái dĩa. Khi nó đi được vài bước thì người đàn ông gọi nó lại

– Này, cô gái, lại đây chú bảo chút.

Nó ngừng lại, quay nhìn về phía phát ra tiếng gọi, rồi nó đi chầm chậm về phía người đàn ông đang đứng bên cái mộ

– Này, mang về mà ăn.

Người đàn ông đưa cho nó một cái bọc ni long và bỏ trong đó mớ thịt cúng mà chủ nhà để lại. Nó đưa tay cầm cái bịch mà ánh mắt vẫn nhìn đăm đăm vào mặt người đàn ông lạ. Nó lững thững ra về với mớ đồ trên tay, chẳng biết nó có vui không vì gương mặt chẳng bao giờ lộ ra cảm xúc.

Hôm đó, hai mẹ con người đàn bà góa có một bữa ăn ngon từ những món đồ cúng mà người ta để lại trên khu mộ, ánh đèn vàng mù mờ và tiếng côn trùng rỉ rả xung quanh, người đàn bà chậm rãi ăn những miếng thịt, có vẻ lâu rồi bà mới được ăn một bữa ăn có vị thịt thà vì cái thúng mẹt bán mớ rau, cái nấm của bà chỉ đủ một bữa cơm rau, vài con cá nhỏ.

Thời gian cứ chầm chậm trôi qua trong căn chòi nhỏ ở bãi đất hoang, mưa cuối mùa vần vũ đổ trên mái lá nghe nặng trịch, ngôi nhà tranh ướt mèm vì những mảng nước len lỏi tràn vào tứ phía, bữa cơm chiều âm u của hai người phụ nữ trong căn nhà dựng tạm, hứng trọn những cơn gió thổi mạnh như muốn xô đổ cả căn chòi giữa bốn bề hoang tịch. Hôm nay sấm chớp dữ dội, những tia lửa điện xoẹt xuống khu phần mộ, người ta nói những nơi âm khí sẽ hút nhiều tia sét trên Trời hay ở nơi nào đó có hồn ma trú ngụ, sấm sét cũng thường giáng xuống.

Con Nhan bỏ chén cơm, chạy xộc ra sau, bà Khuyên nhìn theo với cái nhìn lạ lẫm, có bao giờ con nhỏ chạy bổ đi như con sóc thế này? Hôm nay nó làm sao thế? Bà im lặng chẳng nói gì, chỉ lùa đũa cơm vào miệng, thỉnh thoảng bà ngoái nhìn ra sau bếp, bất giác bà đặt chén cơm xuống bàn rồi đi nhanh ra phía ngoài sau khi nghe tiếng nôn mửa của con Nhan.

– Mày làm sao thế?

Bà cất tiếng hỏi trong gương mặt thất thần khó hiểu, con Nhan thì chẳng trả lời, nó cứ nôn thốc nôn tháo như một gã nghiện rượu. Nó ngồi thụp xuống đất, tay vịn lấy chiếc cột gỗ, tay ôm bụng và mặt vẫn cúi gằm nôn ói. Một hồi sau, nó cũng lồm cồm đứng dậy, bà Khuyên cứ đứng thất thần nhìn nó, cho đến khi nó loạng choạng bước đi ngang qua mặt, bà chụp tay nó lại, cất giọng lo lắng

– Mày làm sao thế? Bệnh à?

Rồi bà đưa tay sờ lên trán nó, trán nó vẫn lạnh tanh, chẳng có dấu hiệu gì của người đang bệnh, nó giật tay ra khỏi tay bà, bước lững thững lên trên, nó leo lên bộ ván ọp ẹp ngồi bó gối chẳng nói chẳng rằng. Bà Khuyên chỉ lẳng lặng buông tiếng thở dài, mâm cơm ăn dở dường như chẳng còn ngon miệng, bà bê mâm cơm xuống bếp rồi lên ngồi bên chiếc ghế, bà lại bắt đầu đan những vết loang lổ của mảnh áo len bị rách. Căn nhà im lặng một cách lạnh lùng.

Con nhỏ vẫn đi ra mộ, vẫn lấy trái cây mang về, có hôm, nó lại mang về một bọc thịt lợn hoặc thịt gà, hỏi của ai, nó cũng chẳng nói, và từ những ngày sau đó, hai mẹ con nhà nó lại có những bữa cơm rau thịt, nhưng con Nhan lại cứ có triệu chứng nôn mửa thất thường, cho đến một ngày, bà Khuyên nhận ra cái bụng nó lùm lùm một cách lạ kỳ. Bà đã nhào tới, chụp lấy tay nó khi nó ngồi rũ rượi trên bộ ván

– Mày bị cái gì? Mày có chửa phải không?

Trong khi gương mặt bà Khuyên thất thần và giọng nói cuồng lên thì con Nhan vẫn cứ ngồi thù lu và nhìn chằm chằm vào mắt bà với cái nhìn kỳ lạ, dường như nó cũng chẳng hiểu “chửa” là cái gì, chỉ biết nó có vẻ sợ hãi khi thấy bà lồng lên giận dữ

– Giời ơi! Đã thần kinh mà còn chửa hoang thế này thì có phải khổ không?

Bà đổ gục xuống bộ ván rồi bất chợt ngồi bật dậy đặt những câu tra hỏi mặc dù bà biết câu trả lời sẽ là không có

– Ai? Gã nào đã làm hại mày?

Rồi bà chỉ về phía mâm cơm ngoài sau

– Có phải gã đã cho mày thịt mang về không? Phải gã đó không?… ôi Giời ơi!

Bà Khuyên bật khóc sụp đầu xuống ván, những tiếng nấc đau khổ vang lên từ cuống họng một người đàn bà nghèo lẫn trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Tiếng khóc hòa trong giọng nói khản đặc, lạc đi

– Rồi ai lo cho mày đây? Khổ lắm, biết không con!

Nó cứ nhìn chằm chặp vào mặt bà Khuyên khi thấy bà gục đầu khóc nức nở trên bộ ván, bất chợt nó đưa tay nhè nhẹ chạm vào vai bà, dường như nó cảm nhận nỗi đau của một người thân đang khóc vì thương nó. Lúc này, bà Khuyên ngồi dậy và quay sang ôm nó vào lòng, nó cũng ôm cổ bà, tiếng nấc trong cổ nó vang lên, nghe khô đặc và thống thiết. Hai người đàn bà ôm nhau trong sự cô đơn, tuyệt vọng, cảm giác lẻ loi như ngọn đèn leo lét giữa gian nhà lạnh lẽo.

Những ngày mưa, không thấy bóng con nhỏ ra ngoài huyệt mộ lấy trái cây, người đàn bà thường ra thắp hương tìm đến ngôi nhà trên khu đất hoang bỏ trống, vừa bước vào nhà, bà đã cất tiếng hỏi nghe lanh lảnh:

– Này, con nhỏ sao mấy hôm nay không thấy ra lấy trái cây?

Người đàn bà bước sâu vào nhà thì thấy bà Khuyên đang ngồi vá áo, gương mặt vẫn lầm lũi chẳng nói câu nào

– Này bà chị, con nhỏ làm sao thế?

Lúc này bà Khuyên mới ngẩng mặt lên nhìn thì thấy người đàn bà xa lạ đang đứng trước mặt mình, mà cách nói thì như có vẻ thân quen.

– Chị là ai?

– Tôi ở phía bên kia, chiều hay ra ngoài mộ này thắp hương, thấy con nhỏ hay ra lấy trái cây, mà sao mấy nay không thấy nó, chả biết nó có bị gì không nên tìm đến nhà, xem nó thế nào.

Bà Khuyên vẫn im lặng chẳng trả lời, những mũi kim trên tay bà vẫn luồn đi chậm rãi.

– Con nhỏ bị gì? Bệnh à?

Đáp lại vẻ quan tâm của người đàn bà xa lạ, bà Khuyên bỗng mếu máo:

– Không, khổ lắm chị ạ!

– Nó bị làm sao?

Lúc này, bà Khuyên buông tay rồi quệt vào mắt, đôi mắt nhăn nheo khô khốc.

– Nó chửa hoang rồi chị ạ!

– Ôi giời! Sao khổ thế này? Tên nào thất đức thế?

– Tôi cũng chẳng biết, giờ nó bụng mang dạ chửa thế này, tôi chẳng biết làm sao.

Tiếng khóc của bà Khuyên bật lên thành tiếng, người đàn bà ngồi cạnh khẽ cất tiếng thở dài.

– Này! Tôi nói cái này cho mà nghe.

Im lặng vài giây, người đàn bà nhìn dáo dác xung quanh rồi nói khẽ:

– Mấy lần tôi ra mộ, thấy một gã đàn ông, trạc ngoài năm mươi, cứ hay đến mộ rồi cho nó thịt thà này nọ, kẻo lại là gã đấy!

– Thì tôi hỏi mãi mà nó có chịu nói ra đâu.

– Chiều nay ra đây, tôi dẫn chị đến gặp gã, hãm hại đời con người ta rồi định bỏ thế à?

Bà Khuyên khẽ gật đầu. Chiều hôm đấy, bà cùng với người đàn bà cuối thôn cùng ra ngoài khu mộ, từ xa, bà Khuyên đã nhìn thấy giữa bãi đất hoang xuất hiện bóng một người đàn ông đang loay hoay quét mộ, bà chẳng chần chừ chạy nhào đến túm lấy áo người đàn ông rồi gào lên thảm thiết:

– Tên đốn mạt, có phải ông đã hãm hại cái Nhan không? Tại sao thế? Tại sao ông làm như thế?

Trong lúc bà Khuyên kêu gào thảm thiết thì người đàn ông vội đẩy bà ra, gương mặt khó chịu.

– Ơ, cái bà này, bà bị thần kinh à?

– Thần kinh? Ừ, tôi là mẹ đứa thần kinh đấy, nó đã thần kinh mà ông còn hãm hại nó được ư? Khốn nạn, khốn nạn đến thế là cùng!

– Này, này, bà đừng có mà vớ va vớ vẩn nhé! Tôi đã làm gì mà bà chửi tôi khốn nạn?

– Ông không làm gì? Không làm gì mà cái bụng của con nhỏ cứ to lên nông nốc thế à? Ngoài ông ra thì còn ai? Còn ai vào cái khu mộ hoang này chứ?

Bà Khuyên vẫn cứ kêu gào còn người đàn ông thì mặt mài vẫn nhăn nhó.

– Ơ, bà lạ chưa? Thế người ta thuê tôi vào chăm sóc mộ thì tôi không vào đây thì vào đâu? Còn con nhỏ là con nhỏ nào? Tự dưng lại ra vu oan vu khống cho tôi như thế?

– Con nhỏ thần kinh, con nhỏ mà ông cho nó thịt thà để dụ dỗ nó đấy!

Lúc này, người đàn ông mới ngớ người ra, rồi ông khoác tay, trong khi bà Khuyên vẫn vật vờ than khóc.

– Ôi thôi, rồi rồi, tôi hiểu rồi, con nhỏ hay ra đây lấy trái cây phải ko?

Người đàn bà lạ lên tiếng, giọng lanh lảnh

– Ừ, nó đấy!

– Hai cái bà này, thế nó bị gì? Tôi thấy nó nghèo, nghe người ta bảo nhà có hai mẹ con góa bụa nên tôi xin được tí thịt tí cá thì tôi mang cho, thế dụ dỗ là dụ dỗ cái gì?

– Thế không phải ông thì là ai? Là ai cơ chứ? Ông giả vờ tốt bụng mới dụ dỗ được nó, chứ nó thần kinh thì nó biết cái gì – Bà Khuyên vẫn kêu than mếu máo.

– Ơ, cái bà lạ chưa? Là ai làm sao tôi biết? Trên đời này có mỗi mình tôi là đàn ông thôi à?

– Đàn ông thì nhiều, nhưng vào đây và biết con nhỏ thì có mấy ai? Này, ông có hại nó thì nhận lấy, đừng để nhân quả nhãn tiền không hay đâu – Người đàn bà lạ lại cất giọng lanh lảnh trách móc.

– À, thế hóa ra là bà đúng không? Bà tọc mạch với bà này là tôi hại nó đúng không? Này, nói gì phải có chứng cứ đàng hoàng chứ không phải nghĩ gì thì nói đấy nhé!

– Thôi, thôi, tôi khổ quá! – Bà Khuyên ra giọng can ngăn bất lực, bà ôm đầu ngồi bệt xuống đất, gương mặt vẫn nhăn nhúm méo mó.

Lúc này, người đàn ông mới chậm rãi nói:

– Thôi, bà bình tĩnh, nó không bình thường nên bị người ta hại chứ có phải tự nó hư đốn gì đâu, giờ thì nghĩ cách mà lo cho nó thôi, nó tâm thần rồi thì đừng có mà làm cho nó ức chế nữa.

Sau buổi chiều hôm đó, người đàn ông giữ mộ thường xuyên lui tới nhà bà Khuyên, người ta cứ đồn ra đoán vào, cũng chẳng ai biết ông có phải là cha đứa nhỏ trong bụng con Nhan hay không, còn ông thì dường như cũng chẳng quan tâm đến phường dư luận, ông vẫn mang đồ ăn thức uống qua nhà cho hai mẹ con góa bụa. Sau này biết ra, ông cũng chẳng có vợ con, sống một mình đơn độc, ai thuê gì làm đấy, Trời cho ông tấm lòng thơm thảo nên thấy ai nghèo khó thì ông lại cho cái này cái nọ dù hoàn cảnh ông cũng chẳng khấm khá gì. Từ khi thấy con Nhan cứ ra ngoài mộ lấy trái cây người ta cúng, ông thấy tồi tội nên dăm bữa nửa tháng, ông lại mang cho ký thịt để ăn.

Một chiều nọ, sau khi dọn dẹp xong phần mộ, ông lại tìm đến nhà hai mẹ con, bước vào căn nhà lụp xụp, ông chậm rãi ngồi xuống góc bàn ọp ẹp, cái chỗ quen thuộc mỗi khi ông đến. Giờ thì bà Khuyên cũng chẳng còn nặng nhẹ, bởi dù ông có phải thủ phạm gây ra cái thai trong bụng con Nhan hay không thì sự xuất hiện của ông cũng là một chỗ nương tựa cho hai mẹ con bà, trong lúc túng quẫn và ngặt nghèo này.

– Này, tôi gửi cho mẹ con bà ít tiền mà lo cho con nhỏ.

Bà Khuyên chậm rãi nhìn xấp tiền nhem nhuốc, nhăn nhúm trên bàn tay đen sạm của người đàn ông, bà im lặng không nói gì, cũng không đưa tay nhận.

– Cầm đi, cầm mà lo cho con nhỏ. Tôi thì chẳng có nhiều, mỗi người góp chút, chứ mình bà thì làm sao lo nổi.

Thấy bà Khuyên vẫn im lặng không trả lời, ánh mắt vẫn nặng trì cúi xuống, ông với người nắm lấy tay bà rồi nhét nắm tiền vào tay.

– Giữ mà lo cho con nhỏ, cứ thế thì đói rã ruột ra.

Ông buông vài lời trách móc khi thấy bà Khuyên lầm lì không nhận tiền từ người lạ, sau một hồi, bà Khuyên cũng cất giọng trầm buồn:

– Cảm ơn ông!

– Ơn nghĩa gì. Thôi tôi về.

Người đàn ông đứng dậy rồi quay lưng đi về phía cửa, bóng tối phủ loang trong căn nhà nghèo nàn u tịch, bà Khuyên khẽ nhìn theo đến khi bóng người đàn ông đã khuất xa mảnh đất.

Mang bầu một thời gian, cũng đến ngày con Nhan sinh nở, thế là mấy người xóm giềng xung quanh cũng đến gửi cho bà chút ít tiền, quà để lo cho con nhỏ trong ngày đẻ chửa, đứa nhỏ sinh ra nhỏ xíu thiếu cân bởi con Nhan cũng không phải người khỏe mạnh, khi nó sinh nở vài ngày đã đứng dậy đi lại khắp nhà, nó lững thững như người mất hồn, máu me tràn ra dưới chân bê bết, bà Khuyên phải kéo giữ nó lại rồi thay băng cho nó, thỉnh thoảng bực dọc, bà lại lầm bầm trách móc: “Con dại! đã thế này còn đẻ chửa, mày đã thấy khổ chưa!”; “Này! Lên đây mà nằm với con mày đi, cứ lê la đâu thế? Máu me bê bết kia kìa”; “Ăn cho nhiều vào! Có sức mà cho con bú”.

Con Nhan có con, bà Khuyên càng phải tất bật nhiều hơn, lúc trước đi buôn muộn thì giờ bà phải dậy sớm lúc 2,3 giờ sáng để đi hái rau, hái nấm, bà phải tìm kiếm hàng hóa nhiều hơn, rồi lại mò mẫm lên tận bìa rừng tìm thêm mớ măng non cũng để có thêm tiền mà lo cho hai mẹ con nhà nó. Người đàn ông giữ mộ cũng thường lui tới thăm non con nhỏ, mà dường như con nhỏ có vẻ nghe lời của ông, mỗi khi nó lững thững đi đâu hoặc có hành vi thất thường nhưng nghe ông khuyên bảo, nó lại làm theo.

– Này! Ráng mà giữ sức khỏe, đừng có đi đâu lang thang ra ngoài nhé con!

Con Nhan đưa mắt nhìn về phía ông Bình, nó chẳng nói gì, rồi nó ngoái nhìn về phía đứa nhỏ đang nằm mút tay, chẳng biết nó có hiểu và có chút tình cảm nào không nhưng dường như là có, bởi có lúc nó cũng nằm cạnh đứa nhỏ, rồi nó lại hoảng loạn khi nghe đứa con òa khóc, nó chẳng biết làm gì, cứ huơ tay loạn xạ, những khi đó, bà Khuyên phải vào ẵm bế và dỗ cho đứa nhỏ hết khóc.

Con Nhan sinh xong, cứ lẩn thẩn đi khắp trong nhà, nó bị băng huyết hơn nửa tháng trời, cứ mỗi lần bước xuống là máu đổ ra xối xả, cái giường nó nằm cũng bê bết máu me, bước vào nhà đã nghe lạnh tanh mùi máu. Bà Khuyên cũng chẳng có tiền đưa nó đi viện, vài người trong thôn mang qua ít thuốc Tàu cho nó uống, mấy ngày nay, dường như nó ít ra máu hơn nhưng cơ thể nó vẫn gầy gò xanh xao, trải qua thời gian đẻ chửa, thiếu máu, nó ngày càng ốm yếu.

Chiều nay trời loạng choạng màu xám ngắt, đàn chim ùa nhau bay về trú ngụ trên những dãy rừng báo hiệu một trận mưa to gió lớn, lâu rồi, kể từ khi mang bầu và sinh nở, con Nhan chẳng còn ra mộ, nay nó lại lững thững đi ra, chân trần không mang dép, nó bấm những ngón chân gầy guộc lên nền đất nhơm nhớp bùn lầy. Dáng nó liêu xiêu, mái tóc vẫn rũ rượi che đi một phần gương mặt, trời xế bóng tà, nhìn nó từ khu mộ bước ra, người ta cứ nghĩ một hồn ma nào đó.

Nó ngồi thụp xuống đất, ngay chân mộ, gió thổi từng cơn bạt vào mang tai, mái tóc che kín cả khuôn mặt hiện lên những nét lạ kỳ của nó. Bất chợt gương mặt nó méo xệch, môi cong lại, nó òa khóc, tiếng khóc mỗi lúc một lớn dần, nó khóc đau đớn man dại, nó gục xuống mộ, tiếng khóc như một sợi dây lâu ngày căng ra và đứt đoạn, như moi hết cả ruột gan, vai nó run lên bần bật, bàn tay nó bấu chặt xuống mặt đất sình lầy, dường như nó đang đau đớn và uất hận…

Những ngón tay dài, gầy gò xanh mét bám đầy bùn đất lọ mọ bám víu lên thân mộ, nó vẫn khóc ngất như chưa từng được khóc, gió mỗi lúc một mạnh dần, những chùm mây đen kéo về đen đặc tạo thành màu u ám trên bãi đất hoang, gió quật bìa rừng phát ra thanh âm hoang dại. Mưa đổ mỗi lúc nặng dần, những vệt bùn bắn lên mảnh áo loang lỗ máu me, giữa mảnh đồng hoang, bóng dáng nhỏ thó của con Nhan như chìm vào mảng đất nâu đen bám quanh huyệt mộ.

Bà Khuyên vào nhà, không thấy cái Nhan đâu, bà vội vàng đội mưa chạy ra khu mộ, bóng bà liêu xiêu hớt hải băng giữa màn mưa, bà thụp xuống đất, kéo con Nhan ngồi dậy, rồi bà gào lên thảm thiết khi thấy cặp mắt con Nhan vẫn mở nhưng nước mưa rơi vào, nó chẳng còn chớp nháy, gương mặt nó bê bết bùn sình, tay chân lõng thõng.

– Nhan! Nhan ơi! Con làm sao thế hả Nhan?

Tiếng bà Khuyên kêu gào như xé toạc màn mưa, cặp mắt con Nhan vô hồn, không khép lại, những tia nước bắn vào lòng mắt, tràn cả ra ngoài, mưa quằn quại gào rú trên không, bó mảnh áo sát vào thân người gầy guộc của hai mẹ con góa bụa, con Nhan vẫn nằm đó, trên tay bà, thân nó chẳng còn cử động…

Vậy là, con Nhan mất, kết thúc một mảnh đời vắn số bất hạnh của đứa con gái tâm thần, nghèo khổ và bệnh tật. Ngôi nhà càng âm u, nặng nề và buồn bã, giờ chỉ còn mỗi bà Khuyên chăm đứa cháu dại mới vài tháng tuổi. Thỉnh thoảng người đàn bà thôn trên lại ghé sang thăm, mang cho hộp sữa, xác con Nhan được đem đi hỏa táng rồi gửi lên Chùa, tấm ảnh nó chụp lúc mới 15 tuổi để trên bàn Thờ bằng cây mà ông Bình đóng tạm. Trông thê lương nặng trịch lòng người.

Chiều, ông Bình ra thăm quét mộ, ông ngạc nhiên khi thấy một gã thanh niên tay cầm chai rượu đang ngồi ngật ngưỡng ở bãi đất hoang, gần bia mộ. Ông bước đến gần, trong lòng thoáng vẻ hồ nghi.

– Cậu là ai? Sao lại ở đây?

Gã thanh niên không trả lời, chỉ ngửa cổ tu một ngụm rượu rồi nuốt ực, dòng rượu chạy dọc cổ họng như con rắn lượn, gã ném tạt cái vỏ chai về phía mộ, nơi ông Bình đang đứng. Lúc này, ông Bình bước nhanh về phía gã thanh niên có thái độ thách thức ngông nghênh, chỉ còn cách một sải tay, mùi rượu xộc lên mũi khiến ông Bình càng tỏ ra khó chịu.

– Mày! Mày là thằng đã hại con nhỏ phải không?

Ông Bình nhìn gã thanh niên với ánh mắt trừng trừng và giọng gầm lên giận dữ, trái lại, gã say rượu chỉ nở nụ cười nhéch mép bỏ đi.

– Thằng khốn nạn, tao biết chính là mày!

Lúc này, ông Bình nhào đến túm lấy cổ áo hắn, dù ngoài năm mươi nhưng người đàn ông vẫn khỏe mạnh để ghì hắn xuống, trong khi hơi men đã ngấm vào người, gã thanh niên dường như yếu thế, gã ngã chúi về phía cánh tay cứng cỏi của ông Bình.

– Mày quỳ xuống mà tạ tội, thằng khốn!

Nhưng gã say rượu cũng chẳng vừa, hắn cố quật lại ông Bình, hắn cũng túm lấy tay ông rồi cố đấm ông một cái nhưng ông né được rồi ông đập một nắm đấm thật mạnh vào mặt hắn, làm hắn ngã chúi dụi, lúc này, ông buông tay ra rồi lại kéo xộc cổ áo hắn lên, ném mạnh hắn về phía trước, gã say rượu mất thăng bằng ngã vào cái mộ xi măng, gã nhăn mặt vì đau điếng. Sau khi tẩn cho gã lạ mặt nghênh ngáo một trận, ông Bình hậm hực bỏ về, không quên ném một câu cảnh cáo.

– Lần sau, mày còn léo hánh đến đây, thì đừng trách tao.

Gã thanh niên đợi ông Bình đi khuất thì lồm cồm ngồi dậy, tay hắn vẫn xoa xoa vào gò má sau cú đấm t

rời giáng của ông Bình, hắn loạng choạng vịn vào thành mộ rồi bước đi, bất chợt như có ai xô hắn ngã nhào lên mộ, hắn luống cuống ngồi dậy, bất chợt mắt gã mở to, miệng gã lắp bắp và thân gã run lên bần bật khi mắt gã chạm vào di ảnh người trên mộ, gương mặt lạnh lẽo u hồn của Nhan đang nhìn chằm chằm vào mặt gã.

Gã xiên xẹo vội vã rời đi khỏi khu huyệt mộ, miệng ú ớ, gã chạy đến mức quên say, nhưng được một đoạn, gã lại ngã nhào xuống đất bởi lớp bùn lầy trơn ướt, mỗi lần như vậy, gã lại la lên như một kẻ mất hồn, gã chạy như ma đuổi đến khi khuất khỏi cánh rừng vắng lặng…

***

Chiều, những ngày cuối Thu ảm đạm, người đàn ông giữ mộ âm thầm quét dọn, nhang khói cho phần mộ nhỏ, ông lầm lũi gom mớ trái cây cho vào một cái bọc rồi chôn xuống đất cạnh đó, ánh mắt nhăn nhúm trầm buồn. Gió vẫn thổi bàng bạc, nén nhang ngã khói về phía cánh đồi, tản lạc giữa hư không. Tiếng côn trùng rền rộ bãi hoang, nghe như tiếng khóc…