Chuyên mục truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn dã sử Hỏa Tước Nguyên Võ của tác giả Thành Châu.

Trong mười năm trở lại đây, chất liệu dã sử, chính sử dần được quan tâm khai thác, được nhiều tác giả, nhà văn trẻ quan tâm, đào sâu tìm tòi, để rồi từ đó phủ vết rêu mờ, vẽ lại một khoảng thời gian đã qua mà chẳng bao giờ trở lại, đưa các nhân vật từng bị đóng cứng trong các trang sách quay về với các góc nhìn khác nhau và hiện đại.

Thành Châu là một tác giả trẻ, nằm trong số các tác giả mới xuất hiện trên văn đàn, có thể thấy được tình yêu của tác giả với đề tài lịch sử này từ những câu văn trong tập truyện Thánh Dực dũng nghĩa, cũng như bản thân tác giả giãi bày: “Lịch sử là viên ngọc quý ẩn trong lớp bụi thời gian. Tôi nguyện làm một kẻ mải đi tìm ngọc. »

THÀNH CHÂU

Tên thật: Châu Thành Nhơn

Sinh năm 1991

Hiện ở Bến Tre

Là tác giả, biên kịch tự do và truyền thông cho các dự án lịch sử.

Sách đã xuất bản: Hỏa Dực, NXB Hà Nội, 2020

Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện, NXB Văn học, 2021

Truyện ngắnHỏa Tước Nguyên Võ – Kể về cuộc đời của tướng quân Võ Tánh, một trong Gia Định Tam Hùng;

Những chiến binh, những danh tướng, liệt nữ nước Việt, thời nào cũng có. Dường như họ vẫn đâu đây, bên ta. Như tác giả khẳng định: “Thân xác họ dẫu không còn, chiến bào tan thành cát bụi, nhưng lòng yêu nước và ý chí kiêu hùng của họ sẽ mãi bất tử với núi sông”.

Đọc Thành Châu, không hẳn chỉ để thưởng thức câu văn đẹp. Cũng không hẳn chỉ để tìm hiểu lịch sử đơn thuần. Tác giả dẫn dắt người đọc đi vào không gian khác bằng những kết nối tâm linh bí ẩn.

– Nhà văn Võ Thị Xuân Hà –

HỎA TƯỚC NGUYÊN VÕ | Truyện ngắn dã sử của Thành Châu

Có một quán nhỏ nằm bên bờ sông Bến Nghé, thành Gia Định. Gọi là thành trì nhưng nó chỉ là lũy đất buồn tẻ, trông chẳng mấy kiên cố. Gọi là quán nhưng ở đây không phục vụ thức ăn lẫn nước uống. Chỉ toàn là sách với sách mà thôi.

– Tại sao lại dùng lũy đất vậy, trong sử sách ghi chép thành lũy xưa đều xây gạch kiên cố lắm mà, hay người ở đây không có tiền?

– Có hàng trăm lò gạch ở xứ Đồng Nai, con à, và dân Gia Định thì không bao giờ thiếu tiền đâu! – Chủ quán ngưng nét bút, nói với cậu bé.

– Vậy tại sao?

– Con ơi, hãy tự suy ngẫm thêm đi, đừng quá cứng nhắc vào những câu chữ bất động, thời thế đã khác lắm rồi!

Chủ quán không quan tâm đến cậu nhóc nữa, tiếp tục viết chữ trên giấy ngà. Mấy chiếc đèn lồng ủ bụi cứ xoay tròn ngoài hiên. Cậu đang vẽ sơ đồ thành trì, vẽ chiến trận, vẽ đi vẽ lại, ngày càng trầm tư.

– Ở thời đại mà hỏa pháo đã đạt được sức công phá vô cùng khủng khiếp, thì thành trì bằng gạch đá vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Lũy đất có cái lợi hại là dù kẻ thù dốc sức bắn sập phía ngoài, bên trong ta cứ lấy đất vá lại, sập tới đâu vá tới đó, vừa tiện lợi vừa khiến kẻ địch… phát chán!

Một giọng nói nghe thật hay từ đâu cất lên khiến cậu giật mình, khách lạ ư? Ngày nào cậu cũng ở lì trong thư quán này suốt sáng chiều, quen nhẵn hết mặt văn nhân và thi khách, nhưng cô gái kia cậu mới thấy lần đầu. Còn là một cô nàng vô cùng xinh xắn nữa chứ. Ôi trời, cậu ngẩn ngơ chẳng nói được câu nào.

– Cháu muốn tìm đọc quyển Binh thư yếu lược ạ!

Ngữ điệu đậm đà hòa trộn với chất giọng thanh tao cứ làm người ta xao xuyến trong dạ. Nàng ngồi xuống bên cạnh cậu, chỉ vô tình mà thôi. Vô tình chạm vai nhau. Vô tình đánh rơi chiếc bút.

– Đó là quyển sách cực hiếm và giá cả thì vô cùng đắt đỏ, thêm nữa, không phải ai cũng có tư cách đọc Binh thư yếu lược đâu! – Chủ quán trầm giọng.

– Cháu không có tiền… cháu chỉ còn món trang sức nhỏ này thôi…

Cô gái chợt tháo chiếc trâm vàng xuống, để mái tóc dài xổ bung ra. Nàng rụt rè đưa cây trâm cho chủ quán với vẻ cầu thị hết mực. Cậu không dám nhìn thẳng nàng, mãi đến bây giờ cậu vẫn chưa thể bình tĩnh được.

– Tiếc là ta không có quyển đó, con tìm sách khác nghen! – Chủ quán thở dài.

– Buồn ghê nơi!

Nàng cúi đầu thiu thỉu bước ra ngoài. Sông rộng mênh mang, nhánh bần trĩu trái. Không hiểu ai xui ai khiến mà cậu vội gấp quyển sách lại, nhanh chân đuổi theo nàng.

– Cô gì ơi, cho tui hỏi?

Cậu lấy hết can đảm gọi thật to. Đến lần thứ ba thì nàng chịu dừng bước, mái tóc dài buông xuống hờ hững. Nữa rồi, lại cái cảm giác xốn xang không thể tả này.

– Cậu muốn hỏi gì?

– À… tui… số là…  – Cậu ấp úng.

– Không có gì vậy tôi đi nha! – Nàng nhún vai nói.

– Đừng đi… Quyển… quyển Binh thư yếu lược kia… Tui có đọc lỏm được chút ít… Nếu cô không ngại… thì…

Cậu cúi đầu bẽn lẽn, vẫn không dám nhìn vào mắt nàng. Ở chiều ngược lại, mặc kệ cử chỉ kì quái của cậu, nàng tỏ vẻ vui lắm, vội chạy thật nhanh đến, chẳng ngại ngùng gì mà ôm lấy cậu. Cậu cứ nhớ như in hương hoa trên tóc nàng. Hoa gì vậy? Nhẹ nhàng nhưng bổi hổi làm sao. Nàng tên gì vậy kìa? Một cô nàng mười lăm tuổi và một cậu chàng mười tuổi. Chút rung động khờ dại mà cậu không dám định nghĩa. Cứ tự nhiên đến rồi đi, miên man, lưu luyến, nhớ mãi…

*

– Rồi sao nữa đại ca? – Lượng vừa chèo xuồng vừa cười tủm tỉm.

– Cấm cậu nhạo ta!

Tánh nằm dài trên ván gỗ, ngửa cổ dốc cạn bầu rượu cay. Những tán dừa nước xòe rộng chen kín con rạch cạn.

– Chỉ lúc say ta mới kể chuyện này. Giữ bí mật nghen người anh em… Từ đó cứ hai ba ngày một lần, nàng đến quán tìm ta, ban đầu thì cùng tìm hiểu về quyển Binh thư yếu lược huyền thoại kia, sau nữa lại đem đủ thứ sử sách ra đọc, Đại Việt sử kí toàn thư nè, Kim sử, Tống sử, Minh sử, Sử kí của Tư Mã Thiên… Hiếm có cô gái nào chịu tìm tòi đọc sử sách như nàng. Nàng giỏi hơn ta nhiều, chắc vì lớn hơn ta đến tới năm tuổi lận, hay vì đôi mắt miên man và sâu thẳm của nàng. Hay vì ở bên cạnh nàng ta cứ ngu ngơ làm sao. Đời người là những cuộc chia ly, hợp rồi tan, tròn rồi khuyết… Ta biết sớm muộn gì nàng cũng lấy chồng và rời xa ta, một cô tiểu thư khuê các xinh đẹp như vậy. Còn ta chỉ là một kẻ ất ơ, phường giang hồ phiêu bạt…

– Mắc cười! – Lượng cắt lời – Đại ca là ai chứ, Võ tổng nhung em trai của Võ Nhàn đỉnh đỉnh đại danh, khắp giang hồ ai nấy đều nể trọng. Không xứng gì ở đây cha nội!

– Ừ đỉnh đỉnh đại danh, nhân vật số hai của quân Đông Sơn, rồi sao, bị người ta gán ghép cho hai chữ phản loạn, bị Nguyễn Ánh lập mưu giết chết, thiệt cay đắng… Một số anh em Đông Sơn còn lại dẫn ta chạy về đất Ba Giồng này trú ẩn, vậy là…

– Vậy là chia tay người yêu luôn! – Lượng tặc lưỡi.

– Đời người vội đến vội ly biệt… Luôn là vậy mà… Ròng rã chín năm trời từ hồi ta gặp nàng… Bây giờ người ta cũng hai mươi mấy tuổi rồi, chắc đã chồng con đề huề…

Chín năm nghe thật dài, tiếng nước chảy mênh mang qua ngã ba sông, những vùng lau lách hiu quạnh, bông điên điển nở vàng bờ bãi. Ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh ngắt và cái nắng giòn tan của xứ Nam bộ. Chợt giật mình vì tiếng cá sấu nhai xác bên kia truông.

– Thôi, không lằng nhằng chuyện xưa nữa, cậu đã nghĩ ra cách gì để đối phó với pháo thuyền chưa? – Tánh hỏi.

– À tui định chế ra mấy cỗ Hồi hồi pháo… Đầu tiên là đổ hỏa dược vào chum sành nè, đậy đệm thật kín, tẩm rơm dầu bên ngoài, rồi châm lửa bắn thôi… Đùng một cái! Chum sành đập vào thuyền bể tan nát, lửa cháy lan ra xung quanh. Thuyền chiến của họ là loại thuyền pháo nên có dự trữ một lượng thuốc súng rất lớn, khi hỏa dược chảy tràn xuống khoang dưới thì chắc mẩm banh xác luôn! – Lượng tỉnh bơ nói.

– Nghe chừng có lý thiệt – Tánh cười nhạt – Hồi hồi pháo còn gọi Tây Vực pháo là loại máy bắn đá mà quân Mông Thát đã dùng để công phá Tương Dương, Phàn Thành xưa phải không… Nhưng cậu suy tính kỹ coi, khả năng bắn trúng mấy chiến thuyền đang di chuyển trên sông là bao nhiêu, chưa kể họ đem khinh thuyền đánh ụp lại là toi mạng cả lũ. Chúng ta quân binh ít ỏi, tiềm lực không nhiều, một cân hỏa dược đổi bằng mấy cân gạo, không thể đem lương thảo bắn phung phí như vậy được!

Tánh ôm bầu rượu trầm tư. Lượng đắn đo, ậm ờ một lúc rồi quay ngoắt sang chuyện khác:

– Còn chuyện này đau đầu hơn đây nè, chúng ta sẽ đánh ai, liên minh với ai đây? Nguyễn vương vừa trở về từ Xiêm La, tướng Tây Sơn giữ Long Xuyên là Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương quy hàng quân Nguyễn, tuy nhiên Thái bảo Phạm Văn Tham là tay kiệt hiệt hiếm có, không dễ dầu để Nguyễn Ánh thu phục đất Gia Định đâu!

– Tây Sơn có một câu khẩu hiệu rất hay là “lấy của nhà giàu, chia cho nhà nghèo” – Tánh ngồi bật dậy, vấn lại mái tóc rối tung của mình – Dân chúng xứ Thuận Quảng hết lòng ủng hộ Tây Sơn cũng vì câu nói đó. Nhưng không hiểu sao Tây Sơn lại bê nguyên cách hành xử kia vào đất Nam bộ. Một vùng đất mới tạo lập chưa đầy trăm năm, dân cư đa phần là dân lưu tán và phiêu dạt. Họ gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, đánh đổi biết bao mồ hôi và xương máu để khẩn hoang rồi lập ấp. Khổ cực dữ lắm mới kiến thiết được những thương cảng sầm uất như Gia Định, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, hay Hà Tiên… Vậy mà khi Tây Sơn tràn vào, thương nhân và chủ đất Nam bộ bị gán cho hai chữ “nhà giàu”, bị tịch thu không biết bao nhiêu của cải… Cũng dễ hiểu tại sao xứ này không ai ưa Tây Sơn.

– Người ta cũng không ưa gì ông Nguyễn Ánh đâu. Xời, ai đời lại đi rước giặc Xiêm về tàn hại bách tính nhơn dân… Vua chúa xứ này tai quái hết trơn rồi. Mà… đừng nói là anh tính đầu quân cho Nguyễn Ánh nha! – Lượng gằn giọng.

– Giữa Nguyễn Ánh và ta còn món huyết hải thâm thù, nợ máu vẫn chưa trả thì liên minh quái gì, ta không muốn trở thành Đỗ Thanh Nhơn thứ hai đâu! – Võ Tánh trừng mắt.

– Ủa, vậy rốt cuộc anh tính sao? Chúng ta đâu thể đối đầu với cả hai phe… Quân Tây Sơn từ Gia Định đánh xuống, quân Nguyễn Ánh từ miệt Long Xuyên đánh lên, kẹp xứ Ba Giồng này ở giữa… Chỉ khổ nhất là dân lành thôi! – Lượng thở dài.

– Để ta suy tính đã…

Tánh trăn trở, nằm nghiêng nhìn con sóng chùng chình. Đã đến ngã rẽ. Quân Kiến Hòa từ khi tụ nghĩa đến giờ đều đặt an nguy của vùng đất Ba Giồng, Gò Công lên hàng đầu. Họ chiến đấu vì mục đích cao nhất là bảo vệ nhân dân, không phục Tây Sơn, không thờ chúa Nguyễn. Một đội quân chân đất chuyên bảo vệ ruộng đồng trước những đợt cướp phá bất chợt của loạn quân, hay đánh đuổi bọn tàn dư Thiên Địa Hội, tiễu trừ hải tặc và thảo khấu… Những người chỉ huy nghĩa quân không chút tư lợi gì cho riêng mình, như Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu và nhiều anh em khác còn đem tất cả gia sản hiến cho đại cuộc. Quân Kiến Hòa lừng danh thiên hạ, đánh đâu thắng đó, được người đời truyền nhau xưng tụng là: “Gia Định tam hùng, Võ Tánh đệ nhất”.

*

Đêm nay, ngài Võ tổng nhung cứ đứng dưới lá cờ “Khổng Tước Nguyên Võ”[1], mà trăn trở mãi. Quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn vừa đánh nhau mấy trận bất phân thắng bại, dù Đông Định vương Nguyễn Lữ đã bỏ chạy về Quy Nhơn, binh lực Tây Sơn suy yếu nghiêm trọng, nhưng Thái bảo Phạm Văn Tham vẫn kiên trì chống trả đến cùng. Cả hai thế lực này đang muốn chiêu dụ một vạn quân Kiến Hòa nhằm thay đổi cục diện phân tranh. Ai sẽ là người giành phần thắng trên ván cờ chính trị này đây?

– Cậu đã sắp xếp chỗ nghỉ cho thuyết khách Tây Sơn chưa?

– Rồi, sứ giả đã cơm no rượu say, vui vẻ lắm… – Lượng ngập ngừng hỏi – Vậy là anh quyết định theo Tây Sơn hả?

– Ta vẫn chưa quyết định! – Tánh lạnh lùng đáp.

– Sao hồi nãy sứ giả nói gì anh cũng gật gù? – Lượng ngạc nhiên.

– Thì ông ta nói đúng mà… Lão nói Nguyễn Ánh có nợ máu với Võ Tánh này… Lão nói rằng Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà… Lão nói Tây Sơn khởi nghĩa là vì bách tính nhân dân, đánh đổ triều đình thối nát… Ta tiếp đãi ân cần vì cái gì lão nói cũng đúng!

– Tui vẫn không hiểu? – Lượng tặc lưỡi.

– Ừ ta cũng không hiểu, có những thứ vô cùng đúng đắn, nhưng không phù hợp vẫn bị đào thải thôi. Tây Sơn thực sự đã tan rã rồi! – Nói đến đây Tánh thở dài, ánh mắt vương chút tiếc nuối – Anh em Nhạc Huệ bất hòa, đánh giết lẫn nhau để tranh giành quyền bính. Binh tướng phía dưới cũng học theo chủ đấu đá ghê gớm lắm. Họ không còn là những người nông dân dấy cờ vì nghĩa ngày xưa nữa.

– Vậy… Anh sẽ về phe Nguyễn Ánh! – Lượng quắc mắt dò xét.

– Không! Ta chỉ muốn tất cả bọn họ… cùng biến đi cho khuất mắt ta.

– Ừ! Anh nói vậy tui chịu đó!

*

Tờ mờ sáng hôm sau, thấp thoáng trên sông có một chiếc xuồng lẻ loi cập bến. Xuồng nho nhỏ, neo đậu kề bên chiến hạm to lớn của sứ giả Tây Sơn. Người dừng chèo, bình tĩnh bước xuống cầu tre. Lính canh lấp ló, ngó nghiêng một hồi rồi cấp tốc chạy vào trong bẩm báo Võ tổng nhung:

– Bẩm tổng nhung, có sứ giả của… của Nguyễn vương tới!

– Ai vậy? – Tánh nhỏm dậy ngáp dài ngáp ngắn – Lại lũ hủ nho ở Phú Xuân nữa à?

– Không… – Tên lính ấp úng.

– Gì mà phát hoảng lên vậy, đừng nói là Nguyễn Ánh đích thân đến đây nha, ta sẽ trói gô hắn lại mà liệng cho cá sấu ăn luôn! – Tánh cười ngạo nghễ.

– Không là… là một cô gái!

– Quỷ tha ma bắt nó chứ!

Tánh khịt mũi rồi cứ vậy bước ra ngoài, cởi trần trùng trục, không thèm vấn tóc và mang giày. Võ tổng nhung cầm gươm đứng vươn vai giữa sân, xung quanh là bầy gà chạy vòng vòng bới đất. Vừa lúc này, sứ giả của Nguyễn Ánh cũng đi vào, hai con người đứng cách nhau chưa đầy mười bước chân, tròn mắt nhìn nhau. Mái tóc nàng vẫn dài và thướt tha như vậy, nhưng bụi trần cùng khói lửa chiến tranh đã khiến nàng tiều tụy đi nhiều. Không hiểu sao Võ Tánh vội quay mặt đi, lòng bực tức và rối bời, sẵn thanh gươm trên tay, vị tổng nhung chém lìa mấy cây chuối bên cạnh. Võ Văn Lượng vội chạy tới hỏi:

– Ủa! Thằng cha sứ giả làm gì anh hả?

– Không có gì… Cậu mau giúp ta trói gô sứ giả của Nguyễn Ánh lại… rồi liệng cho cá sấu ăn!

*

Không ai biết vị Võ tổng nhung của quân Kiến Hòa nghĩ gì. Người đồn kẻ thổi, tin tức loạn cào cào hết trơn. Đúng mười ngày sau, toàn bộ quân tướng đều nhận được mật lệnh nhanh chóng xuất binh, bày trận ở rạch Kỳ Hôn[2] để đón đánh kẻ địch. Nhưng rốt cuộc là kẻ địch nào?

– Cậu Lượng nè! – Tánh phóng mắt sông nước mênh mông – Ta không muốn giết ai hết, gần hai mươi năm nay, từ khi triều đình Phú Xuân hỗn loạn, Tây Sơn khởi binh, quân Trịnh vượt Lũy Thầy tiến đánh, rồi giặc Xiêm La mấy lần cướp phá, có quá nhiều người đã chết rồi… Cùng là dân một nước Việt, tại sao cứ phải chém chém giết giết lẫn nhau?

– Có cuộc chiến nào mà không giết người, hôm nay anh nhân từ tha cho họ, ai biết một ngày nào khác họ sẽ trở giáo giết lại anh! – Lượng hậm hực.

– Đúng là không có cách nào vẹn toàn hết… Nhưng buộc họ vào thế đầu hàng sẽ tốt hơn là giết chóc cho thỏa sát ý của bản thân. Binh sĩ bên dưới phần nhiều là nông dân bị bắt đi lính chứ họ có muốn chiến tranh đâu!

– Không ai muốn chiến tranh hết Võ tổng nhung à… Kể cả tui, Võ Văn Lượng tui khởi binh chỉ vì đất nước quá loạn lạc, phản kháng cũng chết mà không phản kháng thì càng chết nhanh hơn.

Lượng chống thanh trường kiếm uy nghiêm như một vị hộ pháp. Thật khác xa dáng dấp dân dã thường ngày. Võ Tánh cúi xuống chân đê, nhặt đại một trái dừa khô rồi chợt cười bí hiểm:

– Cậu biết gì đây không?

– Dừa khô – Lượng thốt lên – Ngoài lúa gạo ra, thì xứ này dừa khô nó nhiều vô thiên lủng!

Tánh nghiêng người, xoay vai ném trái dừa đi thật xa:

– Cậu thấy không, nó nổi rất tốt… Ta đã chỉnh sửa đôi chút, khoét một lỗ nhỏ, bỏ hết nước bên trong, rồi ghém thuốc súng với hỏa dược vào, cuối cùng là đậy đệm thật kín.

– A tui hiểu rồi! – Lượng ồ lên khâm phục – Anh thả mấy vạn trái dừa xuống sông, để nó tự nhiên bám vào thuyền địch, bọn chúng không thể nào ngờ cho đến khi… Bùm, ván thuyền nổ bung ra, nước ùa vào, vậy là thuyền mẹ thuyền con đều thi nhau mà chìm nghỉm hết. Với cách này thì không cần phải chém giết ai hết.

– Ừ, nếu đúng theo kế hoạch, chúng ta sẽ bắt sống được nửa số quân địch!

– Anh đã đặt tên cho loại vũ khí mới này chưa?

– Cờ của chúng ta là “Khổng Tước Nguyên Võ”… hay đặt tên nó là “Hỏa Tước” đi.

Đúng như dự tính, lúc đoàn thuyền Tây Sơn lọt vào ổ phục kích của quân Kiến Hòa, thì những trái dừa mang tên “Hỏa Tước” từ đâu trôi tới, tắc nghẽn cả một khúc sông. Quân Tây Sơn thấy lạ liền dùng mái chèo xua đi nhưng chẳng ích gì, trái này cứ chen với trái kia lần lượt dính chặt vào ván thuyền. Nước chùng chình trôi mãi, gió nhanh chóng đổi chiều. Rồi từ phía đất liền, Hồi Hồi pháo liên tục khai hỏa, phóng đi những chum hỏa dược to tướng. Chum sành vỡ tan tành trên mặt nước, lửa cháy bung tứ phía, lửa điểm “Hỏa Tước” theo dây chuyền, cuối cùng mọi thứ nổ tung lên. Những lâu thuyền khổng lồ của Tây Sơn bị bục vỡ lỗ chỗ, không thể nào vá víu kịp, nước tràn vào, thi nhau chìm nghỉm xuống đáy sông. Phạm Văn Tham đốc thúc tướng lĩnh và một nửa số binh thuyền nhanh chóng bỏ chạy. Trận này quân Kiến Hòa thắng to, bắt sống được vô số hàng binh Tây Sơn mà không tổn hao một quân một tốt nào. Người đời tôn xưng “Gia Định tam hùng, Võ Tánh đệ nhất” quả không phải hư danh.

*

Chuyện Võ Tánh ra tay giúp Nguyễn vương đánh bại Tây Sơn giang hồ đồn đại ầm trời. Có người bĩu môi chê trách, có người tặc lưỡi mắng Võ Tánh vội quên thù anh mà đầu quân cho kẻ địch. Vậy người trong cuộc nghĩ gì?

– Anh nghĩ gì vậy Võ tổng nhung, trước liệng sứ giả của Nguyễn Ánh cho cá sấu ăn, sau giờ lại ra quân giúp họ?

– Ta chỉ nghĩ rằng Tây Sơn hết hi vọng rồi, Nhạc Huệ sớm muộn gì cũng đánh nhau một mất một còn, nếu dung dưỡng Tây Sơn ở đây, Gia Định có nguy cơ biến thành bãi chiến trường của anh em nhà họ.

– Anh thôi đi, Nguyễn Ánh cũng chả tốt lành gì đâu, ông ta sẽ vắt kiệt hết nhân lực và tài lực xứ này để trung hưng cái nhà Nguyễn của riêng ông ta. Lúc đó, dân chúng càng điêu đứng và lầm than – Võ Văn Lượng chua chát nói.

– Cứ cho là Võ Tánh này phản bội mọi người đi, phản bội quân Kiến Hòa, phản bội tấm ân tình của người dân Ba Giồng, Gò Công đối với ta!

– Không có cách nào đánh đuổi tất cả bọn họ đi sao? – Lượng cúi gầm mặt thở dài.

– Ta không nghĩ ra… Thiên hạ chỉ thái bình khi Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh, một trong hai phe bị tiêu diệt hoàn toàn. Họ đã kết oán quá sâu nặng không thể hòa giải nữa. Lựa chọn duy nhất mà chúng ta có là ra tay giúp một bên, để ngày thiên hạ đại thống đến gần hơn.

– Vậy thì tại sao anh lại chọn Nguyễn Ánh, còn mối huyết hải thâm thù của nhà anh tính sao?

Võ Tánh không trả lời, chỉ nghe tiếng thờ dài thườn thượt trong đêm vắng.

Hôm ấy, tháng Tư, năm Mậu Thân[3], Võ tổng nhung của quân Kiến Hòa lừng danh, cùng các thuộc tướng là Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô, Trần Văn Tín đáp thuyền vào bờ Nước Xoáy[4]. Võ Tánh mang theo hai mâm lễ vật ra mắt Nguyễn vương, một mâm gạo và một mâm trứng gà. Khi nhìn thấy món quà khiêm nhường đó, quan tướng phía dưới đều cười ầm lên. Riêng chỉ có một mình Nguyễn Ánh là tỏ ra niềm nở:

– “Thiên lý cống nga mao, lễ khinh nhơn ý trọng”, hậu ý của tướng quân ta xin nhận!

Nói đoạn, Nguyễn vương ra lệnh lấy một nắm gạo và một quả trứng gà nấu riêng cho mình một chén cháo, còn bao nhiêu đổ hết vào nồi lớn, nấu chín, chia cho tướng sĩ cùng thưởng thức hương vị của miền đất Gò Công. Đến lúc quân Kiến Hòa bái tạ ra về, Nguyễn vương vẫn còn chút trắc ẩn trong lòng, ngài hỏi Võ Tánh:

– Võ tướng quân hãy dừng bước… Tấm lòng của tướng quân ta đã hiểu thấu, nhưng còn một việc…

– Xin ngài cứ nói! – Võ Tánh tỏ vẻ bình thản.

– Người thuyết khách ta cử đến chỗ tướng quân… Hôm nay vẫn chưa thấy trở về – Nguyễn Ánh ngần ngại – Không biết có gặp trắc trở gì trên đường đi hay không?

– Ý ngài nói Nguyễn Phúc Ngọc Du, chị gái của ngài!

– Tướng quân biết sao? – Nguyễn Ánh giật mình.

– Quả có gặp – Võ Tánh thẳng thắn – Tâm ý của Nguyễn vương, vị thuyết khách đã bày tỏ tường tận, vậy nên tôi mới quyết định đem quân đi giúp Nguyễn vương!

– Tốt quá, thế còn người đâu?

– Trò chuyện xong xuôi tôi bắt trói lại, liệng cho cá sấu ăn rồi! – Võ Tánh tỉnh bơ nói.

– Hồ đồ!

Nguyễn Ánh gồng tay đập mạnh xuống bàn, binh tướng phía dưới xôn xao, có vài người định xông tới vây bắt Võ Tánh. Nhưng mặc nhiên Võ tổng nhung vẫn ung dung đứng thẳng, đối diện với Nguyễn Ánh.

– Tướng quân có biết vị thuyết khách kia là Ngọc Du… là chị gái ta của ta không?

– Vì biết nên tôi mới liệng cho cá sấu ăn, chứ người bình thường tôi đã thả về rồi!

Nghe đến đây, một số vị tông thất liền tuốt gươm hùng hổ xông lên. Vậy là liên minh mới kết có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Nguyễn Ánh suy tính thật nhanh, quyết định nén giận, xua tay bảo ba quân dừng lại. Ngài cố giữ bình tĩnh nói:

– Lý nào tướng quân lại hành động hồ đồ như vậy?

– Chắc ngài chưa quên mối thù giết anh tôi là Võ Nhàn. Nguyễn vương nợ Võ Tánh này một mạng, nay tôi lấy lại một mạng xem như huề… Ngài cử Ngọc Du làm thuyết khách, ắt đã lường trước sự việc này rồi chứ? – Võ Tánh nhếch môi nhưng không cười.

– Ta… – Nguyễn Ánh đanh mày ấp úng.

– Tôi còn một mâm lễ vật nữa, xin dâng lên Nguyễn vương ngự lãm!

Võ Tánh thản nhiên phất tay, bên dưới liền bưng lên một mâm đồng phủ khăn nhiễu đỏ. Trong phút chốc nó đã nằm trơ trơ trước mặt Nguyễn Ánh và tông thất triều đình. Nguyễn Ánh vừa căm tức lại vừa sợ hãi, không dám giở khăn ra. Bên dưới ai nấy đều nghiến răng ken két, chực muốn ăn tươi nuốt sống Võ Tánh để trả thù cho Ngọc Du. Ngoài bờ sông nước trôi mấy ngả. Gió hiu hiu không dứt. Cuối cùng, Nguyễn vương cũng lấy hết can đảm, bình tâm đối diện với sự thật. Võ Tánh ấn tay vào chuôi kiếm, mắt nhắm nghiền chờ đợi:

– Võ tướng quân! – Nguyễn Ánh giở khăn nhiễu đỏ, chợt ngỡ ngàng thốt lên – Trầu cau này têm đẹp lắm… Người Gò Công thật khéo tay… Mười mấy năm nay tông tộc họ Nguyễn bị đuổi giết, phải bôn ba tứ xứ, luôn mong mỏi một ngày đại hỉ… Nay Võ tổng nhung chịu cưới chị gái ta để hóa giải mối thù xưa thật không gì bằng!

– Vậy là Nguyễn vương đã ưng thuận rồi nha… Hẹn gặp lại, ngày chúng ta cùng dẫn quân tiến vào thành Gia Định!

*

Hẹn gặp lại ngày Nam Bắc đại thống, ngót nghét hơn mười năm đã trôi qua, cái ngày đó vẫn chưa đến. Võ Tánh đứng trầm ngâm trên tường thành Bình Định. Tòa thành khổng lồ này từng là nơi định đô của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc, và xưa hơn nữa là kinh đô Chà Bàn của nước Chiêm Thành. Bao nhiêu xác người vùi lấp, bao nhiêu hưng thịnh và suy phế. Tất cả như giấc mộng, như áng mây tan vỡ giữa trời. Mấy vạn quân Tây Sơn đang bao vây ngoài kia, quyết công hạ thành Bình Định, thu lại đất tổ của nghĩa quân. Áo giáp sạm màu thuốc súng, mũ trụ nứt gãy, lá cờ “Khổng Tước Nguyên Võ” đìu hiu trong ráng chiều ủ dột. Võ Tánh cứ đứng đó, mải nhìn làn khói súng xa xa.

“Lá thư này tôi gửi Nguyễn vương, ngài phải mau chóng tận dụng thời cơ, khi mà toàn bộ tinh binh Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy đang bị cầm chân tại thành Bình Định. Hãy dùng thủy quân đánh thẳng ra Phú Xuân, “bắt giặc bắt vua”, nhanh chóng kết liễu triều đình Cảnh Thịnh, hòng chấm dứt chiến tranh”

“Lá thư này gửi người vợ Ngọc Du và các con thơ, đau lòng viết mãi không tròn câu chữ. Lời hẹn thề xưa tan vỡ, đành xin trọn vẹn kiếp sau…”

Cuối cùng, lời nguyền “Tam Hùng Gia Định” cũng ứng nghiệm lên người Võ Tánh này. Ta không thể sống đến ngày Nam Bắc đại thống, đến ngày thấy hòa bình trở lại khắp non sông.

– Lượng ơi, Ngô Tùng Châu đã uống thuốc độc tuẫn tiết rồi… Cậu có nhớ trận chiến trên rạch Kỳ Hôn hồi xưa không… Nhớ, như in trong kí ức này, những trái dừa khô mà chúng ta gọi là “Hỏa Tước” đó… “Hỏa” chính là sự khởi đầu cho Võ Tánh… “Hỏa” cũng nên là điểm kết thúc cho chuyến phiêu bạc của cuộc đời ta… Cậu không được chết, Lượng à… Khi hòa bình trở lại, hãy dẫn anh em Kiến Hòa quay về Gò Công sinh sống, làm một người dân bình thường… Sáng cấy lúa, chiều chèo xuồng hái bông điên điển, ngắm nước lũ tràn bờ, bên cạnh vợ con… Hãy sống và thực hiện ước mơ cuối cùng của ta… Lượng à!

Sau mười bốn tháng bị quân Tây Sơn vây hãm, lương thực trong thành Bình Định đã cạn kiệt, thành trì sắp vỡ. Không, chiến tranh sắp kết thúc rồi, không ai được chết nữa.

– Ta sẽ cứu sống tất cả anh em trong thành!

Ngày tàn và ánh mặt trời tàn úa, một mình Võ Tánh ôm thùng hỏa dược đi lên lầu bát giác, rồi bình thản châm lửa tuẫn tiết. Hôm ấy là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801. Gần một năm sau thì cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh kết thúc.

Cảm thương tấm lòng tiết nghĩa của Võ Tánh, khi Trần Quang Diệu kéo quân vào thành, đã tẩm liệm thi hài Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tử tế, đồng thời giữ lời tha mạng cho tất cả binh lính nhà Nguyễn. Trước sự hi sinh anh dũng của Võ Tánh, người dân Bình Định còn lưu truyền câu hát rằng:

“Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên,

Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm!”


[1] Khổng Tước là tên chữ của Gò Công.

[2] Chợ Gạo, Tiền Giang.

[3] Năm 1788.

[4] Sa Đéc, Đồng Tháp.

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official

https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022

để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:

Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial

Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

#Võ Thị Xuân Hà

#Cầm Kỳ

#Nàng Thê

Email: [email protected]

Zalo & hotline: 0393 996 018