Thơ văn xuôi là một thể loại văn học ra đời muộn hơn so với các thể loại văn học khác. Nó là thể loại trung gian giữa thơ và văn xuôi. Sự mới mẻ hiện đại trong hình thức thể hiện và khả năng truyền tải cảm xúc lớn của thơ văn xuôi đã khiến nó trở thành lựa chọn của nhiều nhà thơ Việt Nam giai đoạn sau 1975 khi họ đi tìm cho mình hình thức để thể hiện những xúc cảm mạnh mẽ, dạt dào.
Sau năm 1975, “thời kỳ mới của lịch sử”, đất nước ta có những biến chuyển quan trọng trên nhiều phương diện: xã hội Việt Nam thời hậu chiến, nền kinh tế chuyển từ chế độ bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường. Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá được đẩy mạnh. Tinh thần dân chủ được chú trọng hơn, tạo một luồng sinh khí mới trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Việc chủ động mở cửa hội nhập với thế giới tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu tiếp xúc văn hoá phát triển theo hướng đa chiều.
Tất cả những điều đó đã tác động sâu sắc đến tâm thức con người thời kỳ này cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động của văn học. Những người lính trở về sau khi hoàn thành khát vọng của cả dân tộc, bao ước mơ ấp ủ trong trái tim họ về tình yêu, hạnh phúc sau chiến tranh, nay khát vọng của những con người ấy ra sao? Hồi ức về những năm tháng chiến đấu trở thành nỗi trăn trở, day dứt của những người lính. Bước ra khỏi cuộc chiến người ta không phải không đối diện với những suy tư, trăn trở về số phận của chính mình sau những trải nghiệm về chiến tranh. Nền kinh tế thị trường với tất cả những phức tạp, gai góc của nó khiến con người không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như những năm chiến tranh. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ giờ đây khi cọ xát với đời sống xô bồ, nhộn nhạo của thời hiện đại mất đi tính tuyệt đối của nó.
Thơ văn xuôi, trong dòng chảy của văn học sau 1975 nói chung cũng không nằm ngoài mạch nguồn sáng tác của dân tộc. Những vấn đề mới đặt ra trong cuộc sống thời hậu chiến đều đi vào thơ văn xuôi cùng nỗi ưu tư day dứt của các nhà thơ. Và một đối tượng thẩm mĩ của thơ văn xuôi thời kỳ sau 1975 chính là hình tượng người lính với số phận và những trăn trở của họ về cuộc sống. Và đây là thời kì hưng thịnh nhất của thể trường ca, mà hầu hết trường ca đều chọn thể loại là thơ văn xuôi.
Hoà bình lập lại, đất nước đã thống nhất, bom đạn không còn nhưng dư âm của chiến tranh vẫn còn đó. Đề tài chiến tranh vẫn là đề tài chưa cũ. Và các nhà thơ, những người sinh ra, lớn lên và đã sáng tác trong thời chiến vẫn day dứt trong mình những tâm sự chiến tranh. Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, dư âm chiến tranh vẫn rất đậm trong các sáng tác thơ ca, các trường ca, trong đó có thơ văn xuôi. Chỉ có điều cái nhìn về cuộc chiến đã qua có nhiều điểm khác biệt so với các sáng tác ra đời vào thời kỳ còn vang tiếng súng nổ.
“Sau một độ lùi về thời gian, âm hưởng hào hùng đã lắng xuống, cuộc chiến được tái hiện trong trường ca với cái nhìn trầm tĩnh. Không chỉ là những khúc anh hùng ca, cuộc chiến tranh được thể hiện với cả sắc thái bi tráng như một hành trình máu lửa vừa cao cả vừa khốc liệt. Cảm quan hiện thực về chiến tranh bổ sung cho cái nhìn sử thi, tư duy phân tích lịch sử cùng với giọng trữ tình trầm lắng là đặc điểm chung của các trường ca này.” (Vũ Tuấn Anh, Nửa thế kỉ thơ Việt Nam 1945-1975, Nxb Khoa học xã hội, 1997, tr.157).
Nhận định này có ý nghĩa khái quát cho cả mảng sáng tác về đề tài chiến tranh trong thơ ca thời kỳ hậu chiến.
Lực lượng sáng tác lúc này phần lớn là những người trưởng thành từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Họ là người lính, họ sống cuộc sống hòa bình sau khi đã trải qua sự khốc liệt của chiến tranh nên họ không thể không có những tâm trạng khác nhau khi cũng đằm mình trong cơn sóng đổi thay của cả dân tộc. Và người lính, nhân vật chính của văn học thời chiến vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng với những tư thế khác, tâm trạng và cuộc sống khác.
Trước hết, họ nhìn lại cuộc chiến mà cả dân tộc đã trải qua. Nhìn lại cuộc chiến khi đạn bom đã dừng, khi giai điệu hào hùng của bản anh hùng ca đã lắng lại, thay vào đó là những nốt trầm đầy màu sắc chiêm nghiệm, cuộc chiến không phải được phản ánh hay tái hiện mà là cái nhìn tổng kết, đậm chất triết luận của thơ văn xuôi.
Đối với người viết thơ văn xuôi sau 1975, chiến tranh được nhìn một cách toàn diện hơn. Bên cạnh giai điệu anh hùng ca ca ngợi cuộc chiến đấu của dân tộc, thơ văn xuôi sau 1975 tập trung nhìn nhận cuộc chiến bằng con mắt đời thường. Những đau thương dồn nén trong thời chiến giờ được bộc lộ. Trong sáng tác của các nhà thơ thời hậu chiến, cảm xúc về số phận người lính sau chiến tranh được trở đi trở lại nhiều lần thành một mảng đề tài có nhiều tác phẩm thành công. Đó là hình ảnh những người lính trở về từ chiến tranh với bao hào hứng, hạnh phúc của người chiến thắng. Nhìn vào cuộc sống, khi niềm phấn khích của chiến thắng tạm lắng lại, họ đứng ở vị trí con người đời thường để quan sát, chiêm nghiệm những vấn đề thế sự, hồi ức về những ngày mình đã trải nghiệm.
Đặc biệt, họ chưa quên những ngày tháng chiến tranh khốc liệt đã qua. Vì vậy, cảm hứng bi tráng bao trùm những sáng tác viết về chiến tranh thời kỳ này. Hình ảnh chiến tranh với bao đau thương mất mát xuất hiện trong rất nhiều sáng tác, như Cánh rừng nhiều đóm đóm bay của Nguyễn Đức Mậu, Mùa xuân về của Nguyễn Hoa, Ra đi của Phùng Khắc Bắc,…
Khi còn giặc, để cổ vũ tinh thần chiến đấu, để tuyên truyền, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết thì cảm hứng chủ đạo là ngợi ca. Khi hết giặc, cuộc chiến ấy được nhìn lại bằng cái nhìn của con người bình thường. Những cái đời thường, tầm thường của con người từng tạm thời được “bỏ qua” thì giờ đây được nhìn lại. Và đây là hình ảnh những kẻ cơ hội, cơ hội cả trong sự hy sinh của đồng bào, đồng chí:
“Tôi đã thấy một tay trạm trưởng vừa chửi vừa đá bay cóng cháo của mấy “khách” sốt rét, chỉ đáng tuổi em mình. Tôi đã thấy tay dân quân đánh thức những người lính đang sốt vật vã phải vượt trạm, và tranh thủ xin tiền, những đồng tiền kỷ niệm cuối cùng của họ.”
(Thanh Thảo, Khối vuông ru-bic)
Có thể nói, những góc khuất của chiến tranh đã được phơi bày, điều người lính – nhà thơ phải cố nén giờ đã được nói ra. Thời nào cũng có kẻ ác, ác ngay khi tưởng họ là anh hùng.
Nhưng cái ác đó chỉ là cá biệt, các nhà thơ mặc áo lính vẫn tự hào khi viết về thế hệ của mình: “Thế hệ chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình soi sáng đường đi tới”.
Âm hưởng sử thi vẫn còn được duy trì trong những tác phẩm thơ văn xuôi sau 1975. Và họ nhìn lại cuộc chiến đã qua với niềm kiêu hãnh, niềm kiêu hãnh của cả một thế hệ đã quên mình, đã cống hiến hết mình để có ngày hòa bình: Một người lính nói về thế hệ mình (Thanh Thảo),…
Hồi ức về cuộc chiến để tạo thêm sức mạnh chứ không phải dùng quá khứ làm cứu cánh cho hiện tại. Trong thời bình bản lĩnh người lính giúp họ mạnh mẽ hơn để đối diện với cuộc sống đời thường:
“thế hệ chúng tôi không chỉ sống
bằng kỷ niệm
không dựa dẫm những hào quang
có sẵn
lòng vô tư như gió chướng
trong lành
như sắc trời ngày nắng
tự nhiên xanh”
(Thanh Thảo – Một người lính nói về thế hệ mình)
Số phận người lính sau chiến tranh còn được đề cập trong Đối thoại biển (trích Trường ca biển) của Hữu Thỉnh. Đứng trước biển, người lính độc thoại với mình để tìm ra chân lí và họ đã nghĩ: “Sống với nước hãy bắt đầu từ nước/ Đó là nghi lễ đầu tiên và nghi lễ cuối cùng”. Những cạm bẫy của cuộc sống bon chen như đã bày ra cả đấy, để người lính đối diện. Chúng ta có thể gặp hình ảnh người lính trong thơ văn xuôi của Thanh Thảo, Thu Bồn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái,… và cả trong sáng tác của các nhà thơ trẻ thời kỳ sau đổi mới. Người lính trở về từ cuộc chiến để hòa mình vào cuộc sống đời thường với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Người anh hùng, những “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” trở về làm một con người bình thường. Và trong thơ văn xuôi, họ vẫn đẹp, vẫn giữ được phẩm chất cao thượng của người lính. Dù không phải là những dòng ngợi ca, hình ảnh người lính với những suy tư, day dứt, những trạng thái cảm xúc khác nhau về cuộc sống vẫn là những hình tượng thơ rất đẹp.
Những người lính can trường trong chiến tranh là thế, về với cuộc sống thời bình dù sao họ cũng thấy mình ít nhiều lạc lõng, “Con lưu lạc giữa bão bùng cơ chế – Đứa trẻ con lầm lũi giữa chợ trời” (Thu Bồn).
Bước ra từ cuộc chiến tàn khốc, khác với mọi người, người lính vừa phải sống cùng thực tại vừa phải sống cùng ký ức, phải chịu đựng nỗi đau mất đồng đội hoặc chứng kiến nỗi đau của người thân đồng đội. Những câu thơ văn xuôi trùng trùng, lớp lớp, day dứt khắc khoải là nơi để họ gửi gắm tâm tư: “Đâu đó dậy bước đoàn quân. Lá rừng xào xạc rẽ đường qua gai bụi. Tiếng ai ấm áp xa xôi ngày gặp mặt. Những gương mặt xa dần, tiếng đạn bom chìm khuất. Bia mộ viết vu vơ không tên đất tên người. Sông Vệ buồn bã chảy bên đồi Đình Cương, vết thương rỉ máu luênh loang gọi rừng xưa run rẩy tím màu hoa.”(Trần Anh Thái – Ngày đang mở sáng).
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt vẫn luôn hiện hữu trong dòng suy nghĩ, trong cơn mơ, lẩn quất trong mỗi không gian sống của cuộc sống người lính thời hậu chiến. Nó trở thành nỗi ám ảnh, thành những mảng ký ức, hằn in khắp nơi trên quê hương. Với những người lính trở về từ cuộc chiến, hiện tại và quá khứ cứ đan xen, có lẫn lộn và luôn lẩn quất đâu đó. Nó hiện lên trong giấc mơ của người lính, trong nỗi đau mất mát của người mẹ, trong ánh mắt sợ hãi của người em, trong nỗi cô đơn của người góa phụ và trong cảnh côi cút của những đứa trẻ mồ côi…
Đón chào cuộc đời mới, cuộc đời tự do, hòa bình, dân chủ, những kỷ niệm của một thời anh hùng mà bi tráng đã trở thành một phần máu thịt của người lính. Dù “ngày đang mở sáng” nhưng những mảng tối của chiến tranh vẫn đâu đây. Và điều đó tạo nên sức mạnh để những người lính bước tiếp vào ngày mai bằng bản lĩnh, niềm kiêu hãnh và cả sức mạnh của nỗi đau

Nguồn: Vannghequandoi