“Chỉ khi nào các thế hệ chịu đọc sách của nhau, có nghiên cứu về các dòng văn họ đang diễn ra, thì mới có cơ sở đối thoại”. Cây bút trẻ Nguyễn Trương Quý đưa ra quan điểm khi tham gia trao đổi với báo điện tử Tổ Quốc về đề tài “Các thế hệ nhà văn có “đối thoại” được với nhau không?”


Các cây bút trẻ tham gia trao đổi (từ trái sang phải) Trần Lê Sơn Ý, Trịnh Sơn, Nguyễn Trương Quý

PV: Các nhà văn, nhà thơ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc phần nhiều xác định bối cảnh chiến tranh đã tác động, ảnh hưởng đến sáng tác của họ. Vậy là thế hệ sinh sau, không trải qua chiến tranh, theo các nhà văn trẻ đây có phải lý do tạo nên sự khác biệt lớn giữa các nhà văn nhà thơ trước đây và hiện nay?

Nguyễn Trương Quý: Về mặt chất liệu, nguồn cảm hứng, thì đúng. Thế hệ nào cũng sẽ viết chủ yếu về cái đương diễn ra quanh đời họ. Tuy nhiên sự khác biệt quan trọng hơn xuất phát từ góc nhìn về những điều vượt lên khỏi thời sự hay bối cảnh. Hemingway chẳng hạn, đã đi qua hai Thế chiến, từng là nhà báo chiến trường và thậm chí còn bị thương. Nhưng khá nhiều tác phẩm lớn của ông lại viết có độ tách biệt với chiến cuộc. Nhiều nhà văn không can dự vào chiến tranh hay trải qua thời đó vẫn viết hay về cuộc chiến quá khứ. Ở Việt Nam, tôi nghĩ mối bận tâm về quá khứ vẫn còn chi phối ít nhất một, hai thế hệ nữa.

Trần Lê Sơn Ý: Có thể, nhưng không phải là lý do duy nhất. Có nhiều thứ để tạo nên khác biệt: thời gian, không gian, khoảng cách thế hệ, tuổi tác, môi trường xã hội, quan điểm, tư duy…

Trịnh Sơn: Sự khác biệt, nếu có, tôi nghĩ rằng không hoàn toàn nằm ở vấn đề thời gian hoặc không gian (hoàn cảnh) mà mỗi thế hệ tác giả trải qua. Từng trải, tôi vẫn tin đây là một động từ không theo khái niệm quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Dễ dàng thấy, có rất nhiều tác phẩm sặc mùi chiến tranh được viết bởi các nhà văn salon, chưa hề chạm đến súng đạn, chết chóc. Lịch sử không là tài sản độc quyền của riêng ai. Quan trọng là bạn cảm nhận, dung chứa và khai thác nó như thế nào. Vừa qua, tôi nghe và rất thích câu nói của nhà văn Thuận: Việt Nam đâu chỉ có chiến tranh!

PV: Nhiều người kể với tôi rằng, các nhà văn thế hệ trước thường mất ăn mất ngủ, mê mẩn… một tác giả hoặc một tác phẩm nào đó – một dạng thức có thể tạm gọi là “thần tượng văn chương”. Và chính đó là con đường để sau này họ trở thành tác giả. Còn ngày nay, dường như “thần tượng văn chương” không có, hoặc rất ít mà phần nhiều là theo tâm lý đám đông, theo sự nhất thời… Anh, chị nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Nguyễn Trương Quý: Có lẽ thế hệ trước dễ yêu thích văn chương vì không có nhiều lựa chọn để giải trí hay để khám phá thế giới. Mọi phẩm chất, giá trị đời sống tinh thần xoay quanh cái trục văn chương. Vì thế dễ hiểu “thần tượng văn chương” là tất yếu. Ngày nay thì phức tạp hơn, văn chương phải chia “thị phần” với các loại hình giải trí, nhất là nghe nhìn, và nhiều khi lui về thứ yếu, được xem như một loại hình cổ điển. Lúc nào các đám đông cũng có nhu cầu tìm thần tượng, và có sự lan tỏa nhờ sức mạnh truyền thông. Tôi nghĩ chuyện thần tượng văn chương là bình thường, người đọc tìm thấy gì hữu ích cho cuộc sống của họ thì họ tự khắc lựa chọn. Chỉ sợ rằng công chúng chán văn chương đến nỗi không làm được việc đó thôi.

Trần Lê Sơn Ý: Tôi vẫn thấy nhiều người trẻ bây giờ vẫn mê mẩn một ai đó, có thể cách họ bày tỏ khác với ngày trước. Người họ mê cũng khác. Tuy nhiên cuộc sống sau này có quá điều tác động, ngoài sách, những người trẻ có phim ảnh, âm nhạc, internet… cộng với rất nhiều phương tiện nghe nhìn vây quanh, họ bị phân tâm, và ít có cơ hội tập trung cũng như sống chết với sách vở văn chương hơn. Nhưng không thiếu người sống chết với văn chương.

Trịnh Sơn: Thần tượng văn chương ư? Có chứ. Tiếng Việt, tôi yêu Nguyễn Trãi và Hồ Anh Thái. Nhưng, tôi không nghĩ mình yêu họ để cố gắng trở thành họ, hoặc trở thành điều gì đó quan trọng hơn những gì mình thực sự có. Tâm lý đám đông à? Còn gì đáng sợ hơn?

PV: Nói về thơ trẻ, có ý kiến cho rằng đọc thơ trước tiên phải hiểu tác giả viết gì và xem “hiểu thơ” là một trong những điều kiện bắt buộc để nhìn nhận và đánh giá thơ. Là một người viết trẻ, anh, chị bày tỏ quan điểm của mình?

Trần Lê Sơn Ý: Theo tôi, hiểu thì quá tốt, nhưng làm sao mà hiểu, vì có khi tác giả còn không hiểu hết chính mình nữa, vì vậy hiểu một góc độ nào đó tương đối là tốt rồi. Cái hiểu và đánh giá này có đồng nghĩa với việc phê bình không? Nếu là phê bình thì câu hỏi này lại chuyển qua vấn đề khác, ví dụ: phương pháp nào để có thể tiếp cận và tìm hiểu tác phẩm, tác giả.

Trịnh Sơn: Tôi không quan tâm lắm, thậm chí là không hề, đến người đọc. Khi viết, tôi đặt lòng tự trọng lên trên hết. Khi đọc, cũng như thế.

PV: Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, thơ đôi khi không cần phải “hiểu”, phải rạch ròi mà chỉ cần độc giả có thể “cảm” được. Tác giả Trần Lê Sơn Ý và Trịnh Sơn đồng tình hay phản đối quan điểm đó?

Trần Lê Sơn Ý: Quan điểm của tôi là chỉ cần cảm được, bài thơ đã có cơ hội sống.

Trịnh Sơn: Tôi xin lặp lại ý kiến của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, rằng “chỉ có thơ hay và thơ dở, hoặc, thơ thật và thơ giả”.

PV: Anh, chị  thấy mình có lợi thế hay thiệt thòi so với các thế hệ nhà văn, nhà thơ đi trước?

Nguyễn Trương Quý: Tôi không có trải nghiệm về việc viết lách như của thế hệ trước nên khó mà so sánh. Duy có thể thấy rõ là viết văn bây giờ đã không còn là thao tác nghệ thuật được xã hội chú trọng hàng đầu nữa. Văn chương đứng bình đẳng với các loại hình khác, thậm chí trầm lắng khi so với âm nhạc, phim ảnh… Nhà văn hiện tại không có quyền không biết các câu chuyện nghệ thuật toàn cầu, và vô cùng khó khăn khi muốn viết cái gì mới, vì đã có rất nhiều người đã viết mất rồi và độc giả đã no nê rồi.

Trần Lê Sơn Ý: Cả hai, thiệt thòi và lợi thế.

Trịnh Sơn: Thế hệ tôi may mắn hơn nhiều ấy chứ. Ít nhất là trong lĩnh vực xuất bản. Chuyện nhỏ như con thỏ, là thấy dở thì cố không sa vào; thấy hay, cũng vậy.

PV: Anh, chị  thấy tác phẩm của mình so với các thế hệ nhà văn đi trước có điểm gì khác biệt?

Nguyễn Trương Quý: Tôi chú ý đến việc diễn đạt khác đi, chú ý đến chi tiết và ngôn từ của nhân vật, tránh những trữ tình ngoại đề, những tự sự, chiêm nghiệm. Tôi chọn cách khiến nhân vật bộc lộ đặc điểm và các xung đột qua đối thoại, những đối thoại có vẻ rõ ràng nhưng hàm chứa những điều mơ hồ, phi lý. Nó là trạng thái diễn ra của thế hệ này, có gì hoang mang, trống trải.

Trần Lê Sơn Ý: Tôi chưa bao giờ so sánh. Tuy nhiên nếu phải so sánh thì khác biệt là điều đương nhiên vì các nhà văn đi trước đối diện với vấn đề khác, bối cảnh khác, sống trong một nhịp điệu khác với bây giờ mà. Mà cuộc sống thì bạn biết đấy thay đổi được tính bằng đơn vị nhỏ hơn giây…

Trịnh Sơn: Thế hệ trước? Định ngữ này trừu tượng quá. Thế hệ này, cũng trừu tượng không kém. Tôi thấy mình dở hơn, dường như, luôn phải soi vào tấm gương nào đó để tránh lặp lại. Cả cái thấp kém và điều đáng tôn vinh.

PV: Giả sử, trong vai một tác giả trẻ, khi đọc tác phẩm của các nhà văn nhà thơ thế hệ trước, thực lòng anh, chị thấy chưa hiểu, chưa ổn, chưa thật hay… thì có xuất hiện tâm lý ngại “lên tiếng” không? Vì dù sao đó cũng là một tác giả có bề dày sáng tác, có tên tuổi. Nếu “thành thật” thì dễ bị cho là “phạm thượng”, hoặc chả ai để ý vì mình chỉ là một cái tên “lạ hoắc”… tóm lại là không có lợi cho bản thân thì các anh, chị có “cất đi” sự thẳng thắn của mình không?

Nguyễn Trương Quý: Là một biên tập viên, tôi không ngại lên tiếng để nhận xét bản thảo, và tương tự với tác phẩm của các tác giả dù là thế hệ nào. Điều quan trọng là phải nói được đúng cảm nhận của mình với những phân tích chính xác. Tôi nghĩ những nhận xét chân thành chỉ có lợi cho các tác giả, ngay đối với tôi cũng vậy. Dĩ nhiên, văn chương vốn nghiệt ngã, không dễ gì tiêu hóa được sự phê bình gai góc. Người viết đã đi qua thời hoàng kim họ cũng có những nỗi niềm riêng, cũng cần một sự thông cảm nhất định. Ngay tác phẩm dở nhất của họ cũng cung cấp một bài học bổ ích cho người viết thế hệ sau. Thời này có người đọc để mà chê cũng có khi còn hơn sách ra bị rơi tõm vào im lặng.

Trần Lê Sơn Ý: Tôi có đánh giá của riêng mình, có cảm nhận của mình, có yêu thích và không yêu thích và đương nhiên cũng có sự bày tỏ kiểu của mình, trong môi trường nào, với ai, mức độ như thế nào, có thúc bách đến mức cần lên tiếng không… Không phải ai cũng có thể bày tỏ hoặc lên tiếng.

Trịnh Sơn: Tôi từng có nhiều bài viết phê bình thẳng thắn về một số tác phẩm trước đây – những tác phẩm ra đời khi tôi chưa ra đời. Phạm thượng? Ồ, có lẽ Nguyễn Du không bao giờ nói như vậy. Khi tôi góp ý một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công sơn, ông rất từ tốn dịu dàng, “à, Trịnh Sơn sửa hay lắm, nhưng mình lỡ viết rồi. Người ta nghe quen rồi. Biết làm sao đây”. Nhạc sĩ họ Trịnh không tát tai hoặc nặng lời với thằng oắt con, có lẽ vì thời niên thiếu ông cũng sẽ đầy hoài nghi và khao khát hoàn mỹ như tôi bấy giờ. Tử tế là tiêu chí đầu tiên của một nhà phê bình, nếu có nhà phê bình.

PV: Anh/chị có muốn có những cuộc “đối thoại” văn chương bình đẳng với các thế hệ cầm bút không?

Nguyễn Trương Quý: Tôi muốn chứ. Bạn nêu câu hỏi đó khiến tôi nghĩ đến sự thật là sức đọc của các thế hệ nhà văn Việt Nam không được tốt. Chỉ khi nào các thế hệ chịu đọc sách của nhau, có nghiên cứu về các dòng văn họ đang diễn ra, thì mới có cơ sở đối thoại. Tôi thú thực hơi chán khi nhiều nhà văn thế hệ 5x, 6x đã không còn đọc sách văn học dịch, và nhiều nhà phê bình vẫn chỉ dẫn tác phẩm của giai đoạn những năm 90 thế kỷ trước để minh họa cho văn học đương đại. Văn trẻ có thể không hợp gu thế hệ trước, nhưng nó là câu chuyện của những ngày này, của thế hệ này. Xét cho cùng thì chẳng có thế hệ nào là bỏ đi cả.

Trần Lê Sơn Ý: Tùy vào việc đối thoại để làm gì, ra một vấn đề gì, học được điều gì, thay đổi được điều gì hay không… tôi mới biết mình muốn hay không.

Trịnh Sơn: Đối thoại được thì tốt quá. Tác phẩm đối thoại của hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng rất có ý nghĩa với tôi. Họ dám mở một cây cầu, có đến được với nhau hay không, không quan trọng. Nhưng ít nhiều, đã tạo được một cây cầu vô hình thiêng liêng khác: đến với độc giả. Quan trọng nhất, có lẽ trước khi bắt đầu đối thoại, mỗi bên nên tự học khái niệm “đối thoại là gì?” và “đối thoại ra làm sao?”. Hy vọng, chúng ta sẽ làm được. Từ cuộc trò chuyện này.

PV: Internet đã làm cho thế giới phẳng và dễ dàng tạo ra những cơ hội ngang bằng cho các địa chỉ văn học trên thế giới nếu độc giả có ngoại ngữ và phương tiện. Theo anh, chị có phải vì lý do đó mà các nền văn học như Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ… không còn ảnh hưởng lớn đến thế hệ viết văn trẻ hiện nay, trong khi thế hệ nhà văn trước đó thì ít nhiều bị ảnh hưởng?

Nguyễn Trương Quý: Tất nhiên phải nói rõ ở đây là do ảnh hưởng của tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến rộng rãi nhờ ảnh hưởng của truyền thông và kinh tế từ Mỹ và một số quốc gia dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Các nền văn học viết bằng các thứ tiếng khác dĩ nhiên lép vế trong tương quan, tuy nhiên ngay các nền văn học đó, việc chuyển ngữ sang tiếng Anh cũng rất được chú trọng và nhanh chóng. Tôi không biết là các tác giả trẻ Việt Nam có ảnh hưởng bởi làn sóng truyện ngôn tình Trung Quốc không, nhưng thị trường sách Việt Nam cũng khá dày đặc dòng sách này, chắc chắn là có tác động đến đời sống giới trẻ.

Còn về văn học thuần túy, thì tôi nghĩ sự ảnh hưởng của các dòng văn học phi Anh ngữ bị pha loãng, vừa do việc chuyển ngữ hạn chế, vừa do nhu cầu đọc của độc giả quyết định. Tiểu thuyết đương đại Pháp chẳng hạn, dịch và đọc đều là những thách đố, vì nhiều tác phẩm không đi theo lối viết của các cuốn sách “best-seller” ở Mỹ.

Trần Lê Sơn Ý: Tôi nghĩ thế hệ nào cũng có ảnh hưởng nếu có đọc, tất nhiên, còn ảnh hưởng mức độ nào thì phải xem lại.

Trịnh Sơn: Điều chị nói, thế giới phẳng, khả năng ngoại ngữ, tiếp cận đa văn bản,… – chỉ là một phần. Tôi nghĩ, chỉ có tinh thần tự tôn, tự trọng, muốn thoát khỏi cái bóng Trung Hoa, Nga,… mới chính là động lực đáng kể giúp mỗi thế hệ (không riêng gì lớp trẻ ngày nay) nỗ lực phát huy tiếng Việt, góp phần tạo ra một nền văn chương Việt Nam thực sự.

PV: Nhà thơ Vương Trọng có nói rằng: “Những nhà văn nhà thơ nào đọc kỹ Đông Tây kim cổ, có nền tảng, có vốn văn hoá sẽ thận trọng khi đổi mới, sẽ cân nhắc rất kỹ khi quyết định đổi mới. Còn ngược lại, không có nền tảng thì dễ dàng, ít do dự khi đổi mới. Giống như một cô gái quê ra chốn phồn hoa đô thị, nếu vốn hiểu biết văn hoá ít thì thay đổi nhanh lắm. Còn ai có nền tảng văn hoá, sự giáo dục vững thì khó bị thay đổi”. Anh, chị có cho rằng điều này đúng trong văn chương?

Nguyễn Trương Quý: Ở đây tôi chưa rõ, người đã ổn định phong cách muốn đổi mới, hay đổi mới là một cụm từ để nói về việc làm khác đi các thế hệ trước? Đổi mới trong hoàn cảnh nào cũng có giá trị cả. Có nền tảng chắc chắn càng có động lực và lợi thế để đổi mới.

Trần Lê Sơn Ý: Tôi không biết, tôi không suy tư về chuyện đổi mới. Nghề hiện tại của tôi là làm báo. Những người làm báo hay đùa với nhau khi sếp đòi bài phải hay, tin phải mới rằng: bài hay thì không mới, mới thì không hay, giờ sếp chọn cái nào (Cười).

Trịnh Sơn: Bạn có thể mặc quần loe, áo thun, hở rốn, hở vai, tóc vàng, tóc đỏ, hoặc bất cứ model nào bạn thấy thích hợp, đẹp với bản thân mình. Nhưng, xin đừng mặc áo dài với một chiếc quần short. Bài học lịch sử đã chứng mình đấy thôi.

PV: Là một người viết trẻ, anh, chị mong muốn các nhà văn thế hệ đi trước có cách “đọc” và “đánh giá” như thế nào với tác phẩm của mình viết ra?

Nguyễn Trương Quý: Đơn giản họ cứ đọc thôi. Đọc đã là rất quý báu rồi. Tôi không mong muốn gì, cũng không đòi hỏi gì.

Trần Lê Sơn Ý: Tôi không biết bạn đang mong một câu trả lời như thế nào, nhưng tôi nghĩ một người viết họ sẽ không mong đợi rằng độc giả sẽ đọc mình như thế này, nhà văn thế trước đọc như thế kia, các bạn văn cùng thời sẽ đọc như thế khác. Họ cứ đọc, cứ đánh giá như tác phẩm đó là, đọc, đánh giá như những độc giả khác đọc về một tác phẩm một nhà văn nào đó thôi, quan tâm đến chuyện thế hệ để làm gì.

Trịnh Sơn: Mong ước của tôi có thể quá đáng, rằng, các nhà văn lão thành nên đọc thế hệ chúng tôi như họ đang đọc tác phẩm của chính họ. Hoặc, không nên đọc.

* Cảm ơn các nhà văn, nhà thơ trẻ!

Hiền Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version