TRỊNH BÁ ĐĨNH
Trong số những nhà khoa học nhân văn Liên Xô trước đây, M.Bakhtin (1895-1975) có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn nhất, đặc biệt trong các lĩnh vực ngữ văn học và văn hóa học. Nhiều lí thuyết văn học ra đời ở nửa sau thế kỉ XX có dấu ấn tư tưởng của M.Bakhtin như kí hiệu học, xã hội học hiện đại, chủ nghĩa hậu cấu trúc…, nhiều khái niệm trong hệ thống lí thuyết của ông đã được sử dụng rộng rãi như “tiểu thuyết phức điệu”, “tư duy carnaval”, “khronotov”, “lời kẻ khác”, “nguyên lí đối thoại”… Cốt lõi trong hệ thống tư tưởng của M.Bakhtin, cái đưa tên tuổi ông lên tầm nhà tư tưởng lớn của khoa học nhân văn thế kỉ XX là nguyên lí đối thoại (dialogizm). Bài viết này sẽ diễn giải tư tưởng đối thoại của M.Bakhtin và vị thế của nó trong bối cảnh lí luận đương đại.
Trước hết cần lưu ý, ở đây không nên quan niệm đối thoại theo nghĩa thông thường như đối đáp, phản biện, tranh cãi, đối lập…, mà cần hiểu theo nghĩa triết học như sự giao tiếp giữa hai chủ thể (cả với chính mình), hai ý thức mở, như bản chất của ý thức con người.
Theo truyền thống văn hóa phương Tây, từ thời cổ Hi Lạp, thuật ngữ đối thoại (tiếng Hi Lạp: dialogos) được dùng để chỉ cuộc trò chuyện giữa hai (ít nhất) nhân vật trong kịch hay trong tác phẩm văn xuôi. Nó cũng dùng để chỉ một thể loại chính luận – triết học, trong đó có sự tranh luận, trao đổi giữa hai hay một số người. Đối thoại của Platon là một tác phẩm như vậy. Ở thời kì Khai sáng (thế kỉ XVIII), tác phẩm của Denis Diderot Le Neveu de Rameau (Cháu của ông Rameau) cũng thuộc thể loại ấy. Đến M.Bakhtin, khái niệm đối thoại được dùng mở rộng sang các lĩnh vực khác của khoa học nhân văn: triết học, ngữ văn học, văn hóa học, xã hội học. Tính đối thoại được coi như nền tảng cơ bản của quan hệ giữa con người với nhau. Nghiên cứu tư tưởng đối thoại của M.Bakhtin, viện sĩ S.Averintsev nhận định: “Các quan hệ đối thoại (…) đó hầu như là một hiện tượng tổng hợp thâm nhập vào toàn bộ lời nói con người và toàn bộ quan hệ, sự thể hiện của đời sống con người, nói chung là tất cả những thứ có nghĩa và ý nghĩa. Nơi bắt đầu của ý thức cũng là nơi bắt đầu của đối thoại”(1).
Đối thoại trong ngôn ngữ: lời “kẻ khác”
Đối tượng lí thuyết ngôn ngữ của M.Bakhtin là lời nói (parole), tức ngôn ngữ trong thực hành giao tiếp của con người. Đây là điểm quan trọng cho thấy lí thuyết ngôn ngữ của M.Bakhtin khác biệt hoàn toàn với các lí thuyết ngôn ngữ trước đó. Các lí thuyết trước, trong đó có ngôn ngữ học của F.de Saussure, quan niệm ngôn ngữ như một hệ thống những quy tắc chuẩn, tồn tại khách quan nằm ngoài ý thức cá nhân và các tình huống giao tiếp cụ thể. Trái lại, M.Bakhtin cho rằng ngôn ngữ chỉ tồn tại với các tình huống thực hành giao tiếp cụ thể. Chính vì thế ngôn ngữ và đời sống gắn bó chặt chẽ với nhau. “Ngôn ngữ thâm nhập vào đời sống thông qua những phát ngôn cụ thể và chính thông qua các phát ngôn cụ thể, đời sống cũng thâm nhập vào ngôn ngữ”(2). Ngôn ngữ không tồn tại tự thân (một thực thể khách quan nào đó) mà phải qua các phát ngôn cụ thể, qua các giao tiếp bằng lời (tiếng nói, chữ viết) cụ thể. Nó cũng không đứng yên, tĩnh tại mà luôn vận động thành một dòng chảy giao tiếp rộng lớn của cộng đồng người. Ngôn ngữ theo lí thuyết của M.Bakhtin như là một thứ “siêu ngôn ngữ”.
Đơn vị cơ bản của “siêu ngôn ngữ” này là phát ngôn. Đấy là một chỉnh thể ngôn ngữ có ranh giới dứt khoát, thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau – các thể loại lời nói: một câu hỏi, một lời cảm thán, một mệnh lệnh, lời cầu xin, một khẳng định có tính đánh giá…, nói chung là rất phong phú. Phát ngôn có chủ thể của nó là người nói. Thế nhưng cái tổ chức nên phát ngôn không phải là ý chí chủ quan của người nói mà là môi trường xung quanh, nó là kết quả của những tương tác xã hội. Đây chính là tinh thần marxist trong tư tưởng ngôn ngữ học của M.Bakhtin(3). Mỗi phát ngôn là một mắt xích trong dòng chảy của hoạt động giao tiếp, phát ngôn là đầu mối của mọi vấn đề trong lí thuyết ngôn ngữ của M.Bakhtin.
Trong thực tế phát ngôn, người nói bao giờ cũng hướng đến một ai đó, tiến hành một sự đối thoại nào đó: với người khác hoặc với bản thân mình. Theo M.Bakhtin, nói bao giờ cũng là nhằm tới một sự “thông hiểu chủ động”. Thông hiểu chủ động là tiếp nhận – hồi đáp (phản ứng), không phải sự tái hiện nguyên xi lời người nói trong đầu người tiếp nhận, mà là sự tán thành hay phản đối, thực hiện. Để cho người khác hiểu chỉ là một công đoạn trong ý đồ phát ngôn, người nói còn muốn, còn chờ đợi một “hồi đáp”. Mỗi phát ngôn như vậy tự nó đã hàm chứa “câu trả lời sơ bộ”, đã có “lời kẻ khác” trong lời người nói. Một phát ngôn “thuần khiết” chỉ là lời người nói là không tồn tại. Trong trường hợp người phát ngôn tự nói với mình thì “mình” lúc ấy sẽ được khách quan hóa như “kẻ khác”. Khi một người nói “Hôm nay trời rất đẹp” thì ngoài việc thông báo cho ai đó một thông tin còn có sự thúc giục (hãy tiến hành một việc gì đó), hoặc phản bác lại phán đoán của người kia (cho rằng hôm nay trời sẽ xấu). Một câu nói thông thường còn thế, trong một bài văn hay một tác phẩm văn chương sự chờ đợi “hồi đáp” dĩ nhiên là rất lớn (Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như – Nguyễn Du). Trong phát ngôn, “lời kẻ khác” không chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng, trong nhiều trường hợp nó được hiện thực hóa thành “lời hai giọng”, tức là trong một phát ngôn ta thấy cả lời chủ thể nói lẫn lời của người mà phát ngôn hướng tới, khi đó lời kẻ khác đã thâm nhập vào cấu trúc lời chủ thể. Điều này rất phổ biến trong hoạt động nói năng thông thường và sáng tác văn học. Trong truyện kể, nhà văn chọn cho mình một người kể chuyện, giọng “kẻ khác” ở đây lấn át giọng nhà văn, nhưng nhà văn chính là người sáng tạo ra thiên truyện, toàn bộ ngôn từ trong tác phẩm khúc xạ lời của nhà văn, vì thế lời người kể chuyện ở đây là “lời hai giọng”. Đấy là lời hai giọng song hành, nhưng cũng có lời hai giọng đối nghịch, tiêu biểu là trong văn nhại (parodie).
Trong văn học: tiểu thuyết phức điệu
Polyphonie (phức điệu) có gốc từ tiếng Hi Lạp: “polyss” tức là “nhiều” và “phònè” là “tiếng”. Khi dịch ra tiếng Việt, có mấy cách gọi: “đa âm”, “đa thanh”… Tôi nghĩ dịch là “phức điệu” (tiểu thuyết phức điệu) trong trường hợp này thích đáng hơn cả bởi M.Bakhtin mượn một thuật ngữ của âm nhạc để dùng cho nghiên cứu văn học. Trong âm nhạc học châu Âu, thuật ngữ “phức điệu” chỉ một phong cách lớn của thời đại khoảng giữa thế kỉ XVIII, một kiểu âm nhạc có nhiều bè, dựa trên nhiều giai điệu, mỗi giai điệu lại có sự độc lập riêng, được coi trọng ngang nhau. Nó đối lập với phong cách nhạc “hòa âm” (harmonie) thời kì trước, các giai điệu hòa chung một bè.
M.Bakhtin áp dụng thuật ngữ này cho tiểu thuyết của M.Dostoyevsky trong cuốn sách Những vấn đề sáng tác của Dostoyevsky (1929), nhưng khi ấy chưa được nhiều người chú ý. Sau này công trình được in lại với cái tên mới Những vấn đề thi pháp của Dostoyevsky (1963) đã gây tiếng vang lớn không chỉ ở Liên Xô mà cả trên thế giới. M.Bakhtin coi nghệ thuật tiểu thuyết của Dostoyevsky là sự cách tân lớn trong truyền thống tiểu thuyết châu Âu, một sự đổi mới thi pháp tiểu thuyết về nguyên tắc. Lịch sử tiểu thuyết châu Âu cho đến lúc đó đều có tính độc thoại, tức là toàn bộ thế giới nghệ thuật trong tác phẩm được mô tả, biểu hiện, đánh giá theo một lập trường duy nhất là lập trường tác giả. Ngay cả trong các tiểu thuyết của bậc thầy L.Tolstoy, người cùng thời với Dostoyevsky, cũng như vậy. Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết độc thoại “được đặt vào trong cái khung vững chắc và không thể vượt qua của ý thức tác giả đã nhận định nó, miêu tả nó và được kiến tạo trên cái nền vững chắc của thế giới bên ngoài”(4).
Theo M.Bakhtin, tiểu thuyết của Dostoyevsky được kiến tạo theo cách hoàn toàn khác. Đây là đối thoại của thế giới đa chủ thể: giữa các nhân vật với nhau, nhân vật với độc giả, nhân vật với tác giả, với người kể chuyện, rồi tác giả với độc giả. Các chủ thể độc lập, có giá trị và thẩm quyền ngang nhau, không ai hơn ai. M.Bakhtin viết: “Tính nhiều tiếng nói và nhiều ý thức độc lập không hòa vào nhau, tính độc lập thực sự của những tiếng nói có đầy đủ giá trị quả là một đặc điểm cơ bản của tiểu thuyết Dostoyevsky”. Tóm lại tiểu thuyết được tổ chức trên nền tảng những đối thoại liên chủ thể. Nguyên lí đối thoại của M.Bakhtin vận dụng vào tiểu thuyết của Dostoyevsky bao gồm một loạt các quan điểm soi tỏ các bình diện của tác phẩm: hình tượng, lối tự sự, kết cấu, giọng điệu…
Về hình tượng. Nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoyevsky đã mất “các dấu hiệu bên ngoài”: một khuôn mặt được tạo nên từ nhiều nét vẽ, một tính cách cá nhân xác định và khá cố định, một điển hình xã hội, nói chung là như một nhân hình khách thể. Nhân vật của Dostoyevsky cơ bản chỉ là LỜI – “giọng của ý thức chủ thể” như một quan điểm riêng về thế giới và về bản thân mình. Chẳng hạn đókhông phải là một “kẻ phạm tội ác” với những hành vi của y mà là sự ý thức về tội ác và các nguyên tắc trừng phạt; đó không phải là “người viên chức” với những hoạt động cụ thể, số phận cụ thể, mà là ý thức về người viên chức; nói chung không phải là đối tượng – một hiện thực xã hội khách quan, mà là ý thức về đối tượng – một hiện thực tâm lí, hiện thực thứ hai trong tác phẩm. M.Bakhtin nhận xét: “Nhân vật của Dostoyevsky không phải một hình tượng khách thể, mà là một lời nói (T.B.Đ nhấn mạnh) đầy đủ trọng lượng, một tiếng nói thuần túy, chúng ta không nhìn thấy nó, chúng ta nghe thấy nó”(5). Nhân vật = lời nói + ý thức; ý thức về người khác và ý thức về chính bản thân mình (tự ý thức). Chính quan điểm ấy về nhân vật đã chi phối Dostoyevsky lựa chọn những con người phù hợp, đó là những người “mơ mộng” (hay suy tư), những chủ thể của ý thức và ước mơ. Nhân vật thường xuyên nghĩ về những điều người khác nghĩ, nhất là nghĩ về nó. Ở đây có hiện tượng nhân vật “chạy vượt lên” ý nghĩ người khác khi sự việc chưa diễn ra. Chẳng hạn khi nhân vật sắp đến gặp một người nào đó, hắn suy nghĩ, hình dung cuộc gặp sẽ tới, người ấy sẽ nói những gì, “hắn cố sức tiên đoán ý thức và giọng điệu, những sự đánh giá và cố diễn đạt tường tận những lời phát biểu có thể của người khác về mình, ngắt lời mình (và hắn cũng ngắt lời người khác trong tưởng tượng – T.B.Đ) bằng những lời đáp tưởng tượng của người khác”(6). Đấy chính là sự đối thoại trong tác phẩm, đối thoại để khám phá bộc lộ chiều sâu của tâm hồn con người. Nó làm nên chủ nghĩa hiện thực riêng của Dostoyevsky. Ông viết: “Người ta gọi tôi là nhà tâm lí học. Không phải, tôi chỉ là nhà văn hiện thực theo nghĩa cao nhất, tức là tôi miêu tả toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người”.
Về kết cấu. Theo M.Bakhtin, trong tiểu thuyết đối thoại của Dostoyevsky, tiếng nói của nhân vật vang lên bên cạnh tiếng nói của tác giả, kết nối với tiếng nói của các nhân vật khác, các tiếng nói độc lập, có giá trị ngang nhau. Trong tiểu thuyết độc thoại, ý thức của tác giả, cái nhìn và tiếng nói tác giả có tính áp đảo, hoặc các nhân vật chỉ phát ngôn thay cho tác giả. Ở tiểu thuyết phức điệu, văn bản tiểu thuyết như là một không gian cho những cuộc đối thoại, trong đó tác giả như là người tổ chức, cũng là người tham gia đối thoại, nhưng không giành cho mình quyền nói tiếng nói áp đảo, tiếng nói cuối cùng. Các sự kiện, những câu chuyện của thực tại thông thường chỉ đóng vai trò “chiếc kẹp” liên kết các đối thoại tạo nên một văn bản thống nhất. Đây là thế giới của những chủ thể với tiếng nói độc lập – thế giới đa âm. Điều ấy khiến kết cấu của tiểu thuyết phức điệu (đa âm) khác hoàn toàn với kết cấu tiểu thuyết đơn âm (hay độc thoại). Đó là một văn bản không hoàn kết vì trong thế giới đối thoại không có tiếng nói cuối cùng, văn bản kết thúc ở bình diện vật thể – chữ cuối cùng, dấu chấm hết cho một cuốn sách, nhưng những cuộc đối thoại thì vẫn tiếp tục, tiểu thuyết như vậy là “tác phẩm mở” (U.Eco). Thế giới nghệ thuật của Dostoyevsky ở đây, nhìn theo con mắt của mĩ học tiểu thuyết truyền thống, hiện ra dường như là một cái gì đó “hỗn mang”, kết cấu như là tập hợp một mớ chất liệu lộn xộn pha tạp đủ loại. Nhưng quả thực, thế giới ấy có logic riêng, sự thống nhất bên trong của nó.
Trong văn hóa: văn hóa như giao tiếp
M.Bakhtin hiểu văn hóa như hình thức giao tiếp của những con người thuộc những nền văn hóa khác nhau, nghĩa là như hình thức đối thoại. Ông viết: “Văn hóa có ở nơi (ít nhất) có hai nền văn hóa và sự tự ý thức của nền văn hóa là hình thức tồn tại của nó trên ranh giới (tiếp xúc) với một nền văn hóa khác”. Sự giao tiếp không chỉ diễn ra hôm nay mà cả với quá khứ và với tương lai (được giả định). Về hình thức, giao tiếp văn hóa được tiến hành không chỉ bởi sự trao đổi giữa hai cá nhân (ít nhất) thuộc hai nền văn hóa khác nhau, hai cộng đồng văn hóa khác nhau (lễ hội carnaval: dân gian và quý tộc), mà còn bằng sự giao tiếp của con người với văn bản. Khi chúng ta tiếp xúc với các văn bản cổ thì tức là chúng ta thông qua chữ viết đang giao tiếp với những nền văn hóa đã mất.
M.Bakhtin có những công trình lớn nghiên cứu văn hóa, nổi tiếng nhất là cuốn sách Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hoa dân gian Trung cổ và Phục hưng. Triết học của Bakhtin trong mức độ nào đó là triết học về văn hóa, thi pháp học của ông là thi pháp học văn hóa. Lí thuyết giao tiếp văn hóa của M.Bakhtin có hai khái niệm then chốt: cá nhân (chủ thể) và văn bản.
Trong lịch sử, con người xuất hiện trên trái đất như một cá thể loài-người. Qua thời gian, trong quan hệ với môi trường, trong giao tiếp với những người khác, nó mới thành một cá nhân và càng nhiều phẩm chất cá nhân nó càng được thể hiện nhiều hơn trong những người khác. Khái niệm “Người Khác” là chìa khóa để đi vào triết học của M.Bakhtin. Cá nhân chỉ trở thành cá nhân và nhận thức về mình như vậy trong tương tác với người khác. Đối với cá nhân, văn hóa như là phương thức tự xác định tính cá thể trong “chân trời cá nhân”, thông qua đối thoại. Đối tượng quan trọng trong đối thoại theo Bakhtin là cá nhân, bởi vì văn hóa là sản phẩm đặc biệt mang tính người, toàn bộ hoạt động của cá nhân đều hướng đến mình hay đến người khác. Trong quá trình hoạt động sống, con người sáng tạo ra tư tưởng về bản thân mình.
M.Bakhtin cho rằng chỉ có thể thấu hiểu con người thông qua văn bản được nó sáng tạo ra. Văn bản theo cách hiểu ở đây gồm lời nói trực tiếp, văn bản viết, mọi hệ thống kí hiệu, biểu tượng… Mỗi văn bản như một trong những nhân tố giao tiếp văn hóa, như phần hợp thành của văn hóa. Sự ra đời của nó dựa trên những văn bản đã tồn tại cho tới lúc ấy, là kết quả của đối thoại với các văn bản khác. Đặc điểm này của văn bản – sự tồn tại trong ngữ cảnh, đã chuyển văn bản thành tác phẩm (tác phẩm là sự cụ thể hóa văn bản bởi ngữ cảnh). Sự hiện diện của cá nhân tác giả trong văn bản chỉ có ý nghĩa khi có người tiếp nhận, văn bản chỉ thành tác phẩm khi có người tiếp nhận, thông hiểu. TÁC GIẢ – NGỮ CẢNH – NGƯỜI ĐỌC, đó là ba yếu tố cần thiết để có tác phẩm, để văn bản thành tác phẩm. Như vậy, tác phẩm phân biệt với những sản phẩm khác ở chỗ nó có ý nghĩa chỉ trong trường hợp là cây cầu giữa tác giả và người đọc. Văn bản luôn hướng đến người khác, nên có tính thông báo trong bản chất. Để sự giao tiếp được thực hiện, văn bản cần có logic bên trong, cần thuộc về một thể loại nhất định được tạo thành trong truyền thống văn hóa nhất định, cần được hiểu bởi người tiếp nhận. Để hiểu cần nắm được ngữ cảnh: ngữ cảnh của cái được viết ra, ngữ cảnh của tác giả, ngữ cảnh của người diễn giải. M.Bakhtin phân biệt dứt khoát giữa “giải thích” và “hiểu”. Nhà bác học viết: “Trong việc giải thích chỉ có một ý thức, một chủ thể, để hiểu, cần hai ý thức, hai chủ thể, hiểu luôn luôn là đối thoại”(7).
Mỗi văn bản dựa trên những văn bản trước và sau nó (văn bản được hình dung). Các văn bản được tạo ra bởi những tác giả có những cái nhìn thế giới của họ, mỗi văn bản mang ý nghĩa của một nền văn hóa quá khứ và viễn tượng, nó luôn ở trên ranh giới, luôn đối thoại bởi luôn nhắn gửi đến người khác. Hiểu là diễn giải văn bản với việc liên kết với các văn bản khác và ngữ cảnh văn hóa. Văn bản – tác phẩm được hiểu như sự gặp gỡ đối thoại giữa hai chủ thể ngập chìm trong bối cảnh văn hóa… Trong tác phẩm biểu hiện sự tồn tại trọn vẹn của tác giả, sự tồn tại chỉ thực sự có ý nghĩa với sự tồn tại của người nhận. “Nhìn và hiểu tác giả của tác phẩm tức là nhìn và hiểu người khác, một ý thức khác và thế giới của anh ta, nghĩa là một chủ thể khác” (M.Bakhtin).
Trong hệ hình lí thuyết mới
Vào khoảng giữa những năm 60 của thế kỉ trước, lí thuyết đối thoại của M.Bakhtin mới được giới thiệu ở phương Tây nhờ hai nhà lí luận văn học Pháp gốc Bulgari là Ju.Kristeva và Tz.Todorov. Nó ngay lập tức nổi tiếng và bắt đầu cuộc du hành khắp thế giới, được kế thừa, tích hợp vào hệ hình lí thuyết khoa học nhân văn nửa sau thế kỉ XX, đến tận ngày nay. Rõ nhất là với lí thuyết liên văn bản và các lí thuyết tiếp nhận.
Liên văn bản với tư cách một trào lưu lí thuyết ra đời ở Pháp vào khoảng giữa thập kỉ 60 của thế kỉ trước. Lúc đầu là một lí thuyết về văn bản theo tinh thần cấu trúc luận, rồi hậu cấu trúc luận với những đại diện như Ju.Kristeva, R.Barthes, M.Foucault… Về sau, trong quá trình phát triển, nó hấp thụ nhiều tư tưởng của các lí thuyết khác nữa. Sự tiếp nhận tư tưởng của M.Bakhtin là thuộc thời kì đầu.
Tính liên văn bản(intertextuality) là khái niệm được đề xướng bởi J.Kristeva trong lời tựa nổi tiếng cho bản dịch tiếng Pháp cuốn sách của M.Bakhtin: Những vấn đề thi pháp của Dostoyevsky (1966). Trong đó nữ lí thuyết gia giải thích quan điểm đối thoại của M.Bakhtin và trên cơ sở đó phát triển lí thuyết của mình bằng việc thay khái niệm “lời” của M.Bakhtin vốn có dung tích nghĩa rất lớn bằng một khái niệm có hàm nghĩa hẹp hơn là “văn bản”. Các quan hệ đối thoại của M.Bakhtin chuyển thành các quan hệ liên văn bản, nguyên lí đối thoại – tính liên văn bản. Vì thế mà cũng có những người cho rằng M.Bakhtin đã đề xướng ra lí thuyết liên văn bản, Ju.Kristeva chỉ là người kế tục. Với Ju.Kristeva, mọi điều đều xuất phát từ khái niệm văn bản. Văn bản là “bức khảm những trích dẫn” từ các văn bản khác, “mỗi văn bản đều là sản phẩm của sự hấp thu và cải biến văn bản khác nào đấy”. Theo tinh thần ấy, ngôn ngữ văn học (poetic language) là sự đối thoại của các văn bản; các văn bản này lại thuộc về những chuỗi văn bản khác, trong dòng chảy vô tận của văn bản. Lí thuyết đối thoại của M.Bakhtin mặc định hai đặc tính: tính chủ thể và tính giao tiếp. Chuyển sang lí thuyết liên văn bản, tính chủ thể mờ nhạt dần. Đến nhà hậu cấu trúc R.Barthes thì thấy tuyên bố “tác giả đã chết”(8) và người đọc lên ngôi. Ở M.Bakhtin, phía sau phát ngôn (văn bản) bao giờ cũng là người nói – một chủ thể có ý thức. Văn bản không thể tự mình đối thoại. “Giao tiếp là giao tiếp giữa các cá nhân chứ không phải giữa các sự vật”(9). M.Bakhtin luôn nhấn mạnh đến chủ thể, và đối thoại, theo ông luôn là đối thoại của những ý thức độc lập.
Gần gũi với tư tưởng đối thoại của M.Bakhtin là thông diễn học (hermeneutics), một lí thuyết có ảnh hưởng lớn đối với các ngành khoa học xã hội, nhân văn nửa sau thế kỉ XX, với những triết gia như Martin Heidegger, Hans-Georg Gadamer. Trong văn hóa, thông diễn học là lí thuyết về sự thấu hiểu và diễn giải văn bản. Thông hiểu là “thông dịch” một văn bản ngôn ngữ của người khác sang văn bản ngôn ngữ của người đọc, người diễn giải. Văn bản của tác giả có những định chế của nó, có các nghĩa trong ngữ cảnh của nó, trong khi đó ngôn ngữ của người đọc, người diễn giải cũng có các định chế của mình, ngữ cảnh của mình. Đọc là sự hòa trộn, tái tạo các định chế ngôn ngữ, ngữ cảnh, làm phát sinh những nghĩa mới. Đọc, diễn giải như vậy cũng là sáng tạo, không phải là sự tiếp thu thụ động. Quá trình đọc cũng là quá trình người đọc phát hiện trong mình các tiềm năng và tái tạo bản thân mình. Có thể thấy những quan điểm của M.Bakhtin về văn bản và hiểu văn bản khá gần gũi với tư tưởng này. Chính vì vậy một số nhà Bakhtin học coi lí luận đối thoại của ông là “phương án Nga của thông diễn học”. Thông thường, khi một lí thuyết được lưu hành, phổ biến rộng sang những vùng văn hóa khác, những thời đại khác, nội dung của nó sẽ bị xói lở, có khi bị chia tách thành những nhánh khác nhau. Đi ra với thế giới, đồng thời sang hệ hình lí thuyết đương đại (có người gọi là hậu hiện đại, kể từ giữa thập kỉ 60 của thế kỉ trước), lí thuyết đối thoại của M.Bakhtin vẫn giữ được sự vẹn nguyên độc đáo của mình bên cạnh các lí thuyết mới, không mất đi tính cập thời.
T.B.Đ
_____
1. S.Averintsev, M.Bakhtin như một nhà triết học, Nxb Khoa học, M., 1992, tr.111-115.
2. M.Bakhtin, “Vấn đề thể loại lời nói”, Lí luận văn học – những vấn đề hiện đại (Lã Nguyên dịch), Nxb Đại học sư phạm, H., 2012, tr.13.
3. Xem thêm V.N.Voloshinov, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (Ngô Tự Lập dịch), Nxb Đại học Quốc gia, H., 2015.
4. M.Bakhtin, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao, Trường Viết văn Nguyễn Du, H., 1992, tr.217.
5. M.Bakhtin, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, sđd, tr.250.
6. M.Bakhtin, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, sđd, tr.249.
7. M.Bakhtin, Mĩ học của sáng tạo ngôn từ, Nxb Văn học, M., 1979, tr.289-290.
8. Xem R.Barthes, “Cái chết của tác giả”, Từ kí hiệu đến biểu tượng (Trịnh Bá Đĩnh chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, H., 2017, tr.327-324.
9. M.Bakhtin, Mĩ học của sáng tạo ngôn từ, sđd, tr. 364.
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài