Trong tương quan với các thể loại khác, tiểu thuyết và truyện ngắn luôn thể hiện sự năng động và tinh thần đổi mới không ngừng. Ở đó, người viết luôn hướng về thì hiện tại chưa hoàn kết và tác phẩm trở thành nơi trải nghiệm cá nhân của những con người thích phiêu lưu, luôn nghi vấn về bản thể và tha nhân. Văn xuôi Việt Nam sau 1975, đặc biệt là từ Đổi mới xuất hiện khá phong phú hình tượng nhân vật khát khao đi tìm bản thể.


Ngay từ xa xưa, con người đã buộc phải dấn thân vào những cuộc kiếm tìm để tồn tại. Ban đầu, họ kiếm tìm điều kiện tự nhiên có thể sinh tồn: những vùng đất mới, nguồn nước, hang ấm… Trên cơ sở đó, họ tìm cách tự sản xuất ra lương thực, thực phẩm để nuôi sống mình. Họ giữ lửa, tạo tác công cụ lao động để đẩy nhanh quá trình sản xuất. Khi cuộc sống đã được đảm bảo, con người kiếm tìm những tri thức về thế giới xung quanh và mong giải mã bản thân. Khi ý thức được cá nhân mình, họ đi kiếm tìm những điều kiện thỏa mãn nhu cầu tinh thần như tình yêu, danh dự, sự tự do… Như vậy, những cuộc kiếm tìm của con người vừa làm nên, vừa thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Có thể nói, truy tìm bản ngã, được là mình là khát vọng thường trực mang tính triết học đối với con người. Hành trình dũng sĩ Đăm Săn đi chinh phục Nữ thần Mặt Trời (sử thi Đăm Săn) chính là hành trình cộng đồng dân tộc thuở sơ khai thú nhận “sự ngây thơ” của mình khi nuôi khát vọng sở hữu, chế ngự toàn triệt thế giới tự nhiên. Bản ngã con người trong Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) ghi dấu ấn qua dạng thức nhân vật thương thân, kẻ sĩ chán ghét cõi trần mà thoát lên tiên, những kẻ say đắm ái ân hay người trí thức khẳng khái, nhân cách cao đẹp, giàu tinh thần dân tộc, chuộng chính nghĩa, dám đấu tranh trừ bạo để yên dân. Thế giới nhân vật phi chính thống này khúc xạ tư tưởng phức tạp của Nguyễn Dữ, là những mảnh vỡ hóa thân mang màu sắc hiện sinh của nhà văn trên hành trình tìm mình… Văn xuôi lãng mạn đầu thế kỉ XX (tiêu biểu là sáng tác của Tự lực văn đoàn) song hành cùng Thơ mới 1932-1945 đã trình hiện đồng loạt những cái tôi bản thể sống không mục đích, vô phương hướng. Do hoàn cảnh lịch sử, con người trong ba mươi năm văn học chiến tranh đã tạm ngừng hành trình tìm bản ngã để ưu tiên phụng sự mục tiêu, lí tưởng chung của cộng đồng.


Văn học Việt Nam sau 1986 tồn tại trong bầu sinh quyển dân chủ và đổi mới. Hiện thực mới của đất nước được cộng hưởng bởi sức lây lan của cảm quan hậu hiện đại trong không gian “thế giới phẳng” khiến con người khủng hoảng niềm tin, bất an bất ổn trước sự bất toàn của cuộc sống. Giờ đây, những trải nghiệm bản thân quan trọng và có ý nghĩa hơn kinh nghiệm được truyền lại, bởi lẽ, “chúng ta đang sống trong một thế giới mà hiện thực đã bị mất ổn định đến độ không còn đảm bảo chất liệu nào cho kinh nghiệm nữa, nhưng lại có đủ cho việc tìm tòi và thử nghiệm” (F.Lyotard). Đây là thời cơ lí tưởng để con người hăm hở dấn thân vào hành trình kiếm tìm.

Kiếm tìm bản thể được coi như một yếu tố cấu trúc nên nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam đương đại. Hành trình tìm bản ngã xuất phát từ những con đường khá đa dạng: tìm chân lí trong hiện thực, bằng tâm tưởng, thậm chí đi theo tiếng gọi của vô thức. Mỗi con đường sẽ có trở lực khác nhau, điều đó quy định cách thức khám phá của từng nhân vật. Độc giả theo dõi từng bước đi của nhân vật sẽ thấy mình như đang tham dự một trò chơi. Con người không diện mạo, chẳng rõ nhân thân, không định hình bản chất và thuộc mẫu người không hoàn kết. Chúng tự phô diễn cái tôi giống như một mê cung. Nhân vật phi lịch sử, thuộc vùng chập chờn khó nắm bắt, như người trượt đi trong một chiếc hang sâu hun hút, phi trọng lượng, phi thời gian và không gian.

Nhân vật trôi theo dòng ý thức để tìm kiếm chính mình xuất hiện dày đặc trong văn xuôi sau 1975, từ Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Quy trong Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Vũ Nguyên trong Cuộc đời dài lắm (Chu Lai)… đến các nhân vật trong tác phẩm của các thế hệ cầm bút tiếp sau. Kiếm tìm quá khứ, con người sẽ gặp lực cản là trình tự tuyến tính của thời gian. Cái đã mất thuộc phạm trù quá khứ, khát vọng kiếm tìm thuộc phạm trù hiện tại còn cuộc kiếm tìm thuộc về tương lai. Nhân vật lựa chọn con đường đi phi tuyến tính để vượt lên quy luật của thời gian vật lí.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường sử dụng môtíp các nhân vật ra đi kiếm tìm. Hành trình ấy, một mặt thể hiện tinh thần hoài nghi, phủ nhận triệt để thực tại. Chương trong Con gái thủy thần đi tìm hình bóng Mẹ Cả một cách vô lí và vô nghĩa, ông Gia trong Giọt máu đưa cháu tìm thầy học chữ mong cho cờ tiến sĩ về tay, ai ngờ đứa cháu lại gây ra nghiệp chướng… Sau hành trình, thực tại không những không được cải tạo mà còn có chiều hướng bất như ý, con người trở thành nạn nhân của hoàn cảnh và của chính mình.

Cuộc trải nghiệm đi tìm cái chết của An Mi trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng là hành trình khẳng định sự tồn tại. Khi cận kề cái chết và cát bụi, hư vô, An Mi đã tìm lại được kí ức. Đó không chỉ là cội nguồn, quê hương mà còn là chân lí, là bản ngã. Kì Mai trong Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng mang đầy ám ảnh về thân phận, luôn hoài nghi, day dứt về sự thật bị ẩn giấu.

Những cuộc kiếm tìm trong vô thức khiến nhân vật không xác định được nội dung, mục đích, hành động của mình. Trong văn xuôi đương đại, quá khứ là những gì con người không thể quên, không thể để mất đi. Dù quá khứ có đau đớn đến thế nào thì nó vẫn kết dính từng cá thể với cuộc đời. Khi người ta thay đổi nó để thỏa hiệp với hoàn cảnh, nghĩa là đã đánh mất bản thân. Cuối cùng, họ vẫn phải tìm lại chính mình như là cách duy nhất để tồn tại. Kết thúc quá trình đi tìm bản thể, nhân vật thường nhận thức được sự mất mát và ngộ ra một chân lí về cuộc sống. Hành trình kiếm tìm, như vậy, đồng nghĩa với phá hủy niềm tin, kiến tạo chân lí mới trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân.

Nhân vật chính xưng “tôi” trong Tưởng tượng và dấu vết (Uông Triều) được tái hiện qua một thế giới tâm lí – tâm linh đầy những hồi tưởng, dằn vặt, ẩn ức, mặc cảm và ám ảnh. Cái vô tận của thế giới khách quan được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn. Mang trong mình giấc mộng văn chương, đam mê và tội lỗi, ngọt ngào và bi kịch, “tôi” không thể thoát ra khỏi nỗi ám ảnh từ quá khứ, mặc dù trong ý thức, anh luôn muốn lãng quên. Cuộc đấu tranh âm thầm, không khoan nhượng giữa lí trí, ý thức và vô thức, tiềm thức trở thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Câu chuyện về cuộc đời và số phận của cá nhân “tôi” bỗng hóa thành câu chuyện của nhân sinh trong hành trình tìm ý nghĩa và giá trị của tồn tại và bản thể.

Nguyễn Huy Thiệp coi cô đơn là một năng lực người. Hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn của ông – những con người có ý thức về cuộc sống, về giá trị người – đều cảm thấy cô đơn đến tột cùng. Độc giả nhận thấy kiểu cô đơn của những người anh hùng, kiểu cô đơn nghệ sĩ và nỗi lòng đơn chiếc của những con người bé nhỏ. Nỗi cô đơn của những nhân vật anh hùng như Đề Thám, Gia Long, Đặng Phú Lân, Sạ, Lò Văn Pành, ông tướng về hưu… bao giờ cũng được phát biểu trực tiếp, dường như cô đơn gắn liền với định mệnh của họ. Gia Long (Vàng lửa) cô đơn trong chính trò chơi đế vương do mình đặt ra. Nỗi cô đơn của Đề Thám (Mưa Nhã Nam) làm cho ông thoát khỏi cái xác lẫm liệt của lịch sử để làm một “phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, bất lực”. Còn ông Thuấn (Tướng về hưu) thì đau đớn thốt lên “Sao tôi cứ như lạc loài?”. Những nhân vật kể trên đã từng đứng trên tầm cao vinh quang giờ đang rơi xuống hố sâu của sự cô đơn. Nguyễn Huy Thiệp thể hiện một quan niệm mới về hiện thực và con người mang tâm thức thời đại: sự đổ vỡ niềm tin, tình trạng bất lực của con người. Với kiểu cô đơn nghệ sĩ, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ thể hiện tâm thức thời đại mà còn là trải nghiệm bản thân với nghề viết. Nhà văn cụ thể hóa tư tưởng này thành hình tượng Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Trương Chi, rồi những thi sĩ mang dáng dấp Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn và hàng loạt các nhân vật nghệ sĩ khác. Từ cậu bé sáu, bảy tuổi ngây thơ như Đăng (Tâm hồn mẹ) đã biết “cảm giác cô đơn côi cút làm nó ớn lạnh”, đến Nhâm (Thương nhớ đồng quê) thấy “đơn độc một vì sao mai”, ông Diểu (Muối của rừng) “cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi”, ông Thuấn (Tướng về hưu) “thấy cô đơn quá”… phản ánh sự phân rã của các quan hệ người. Nó vừa thể hiện ý thức sâu sắc của nhà văn về thực tại đời sống, vừa phản tỉnh con người. Nguyễn Huy Thiệp đã nắm bắt được trạng thái tinh thần thời đại: sự mất niềm tin, cảm giác lạc loài, vong thân, tâm trạng hồ nghi tồn tại và nỗi bất an của con người trên hành trình khắc khoải tìm bản ngã.

Những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời của nhân vật trong Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà chủ yếu được thực hiện qua những cuộc phiêu du tâm tưởng, nơi mà họ có thể tìm thấy chân lí, tìm thấy con đường diệt trừ cái ác, giành lại cho chính mình hạnh phúc, tình yêu và một cuộc sống đích thực – những thứ mà ở đời thực họ không được thỏa mãn. Cũng chính những cuộc phiêu du tâm tưởng đã giúp nhân vật Kiên (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh), nhân vật “tôi” (Và khi tro bụi – Đoàn Minh Phượng), ông Ba (Tấm ván phóng dao – Mạc Can), các nhân vật trong một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, của Nguyễn Ngọc Tư… đi đến cái đích cuối cùng trên hành trình sống. Nhân vật “tôi” trong Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh) hướng về hồi ức tuổi thơ, bị ám ảnh bởi oan hồn chim bồ câu và cả những giọt máu trên đệm năm nào, thoắt cái lại nhảy sang chuyện tiến sĩ N, tiếp đó là sự băn khoăn về cái chết của cậu lính trẻ hồi ở chiến trường. Trạng thái tinh thần của nhân vật “tôi” là “phi trọng lượng, phi thời gian, phi kí ức”. Tất cả chìm vào trong một “hố đen” đầy hoang mang với cái bản thể của hiện tại. Trên hành trình tìm kiếm, nhân vật “tôi” liên tục “vượt biên” quá khứ – hiện tại, làm cho đứt gãy ranh giới giữa cái đã và đang. Sự đảo lộn trình tự thời gian cộng với việc nhân vật cũng mơ hồ về không gian khiến hành trình kết nối sự kiện trở thành những đường gấp khúc, đứt đoạn và cách quãng.

Đọc Chinatown (Thuận), người đọc có cảm giác dường như nhà văn đã cố tình không cho nhân vật chính của mình đến Chinatown – Chợ Lớn, địa danh tồn tại trong suy nghĩ của “tôi” như là nơi khởi nguồn của mọi bi kịch trong cuộc đời nhân vật này. Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng) mở đầu câu chuyện bằng một cái chết. Kiếp người chồng thoáng chốc thành tro bụi, nhưng với người đàn bà ở lại, mất người chồng là mất đi mọi ràng buộc mình với thế giới này. Cuộc hành trình tìm cái chết của nhân vật “tôi” đồng hành cùng khát vọng cháy bỏng của nhân vật này được gắn kết với thế giới xung quanh. Dòng ý thức miên man của nhân vật “tôi” (anh phế binh) trong Thế giới xô lệch (Bích Ngân) phản chiếu những nhân vật khác xung quanh tác phẩm như một bức tranh đa màu của cuộc sống. Những nhân vật trong truyện theo dòng ý thức của nhân vật “tôi” đã lần lượt bước ra để làm nổi bật cái thế giới xô lệch và cái giới hạn của chính mình.

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư có sở trường miêu tả nỗi cô đơn bản thể của những con người nhỏ bé trong xã hội. Nhân vật cô đơn trên hành trình tìm kiếm cái đẹp, cô đơn khi đi tìm hạnh phúc cho bản thân trong một biển người mênh mông mà nhìn đâu cũng thấy xa lạ, khoảng cách, thậm chí thấy xa lạ với cả người thân trong gia đình. Nhân vật sống giữa hai thế giới: thế giới thực và thế giới của những giấc mơ bất tận, thế giới của hiện tại và thế giới quá vãng mù xa của hiện thực lịch sử và tâm linh con người. Nhân vật được xây dựng theo kiểu phân thân trong một thế giới đa tạp, phân mảnh. Với tiểu thuyết Sông, Nguyễn Ngọc Tư đã gửi gắm vào nhân vật khát vọng kiếm tìm, khát khao được sống là chính mình. Hệ thống nhân vật với hành trình kiếm tìm bản ngã trong tiểu thuyết này xuất hiện tương đối nhiều. Đó là Ân, Bối, Xu, Ánh, Phụng…, mỗi người một cuộc sống, khát vọng, mục đích kiếm tìm khác nhau nhưng họ cùng mang trong mình tâm trạng hoài nghi, mất niềm tin vào giá trị cuộc sống. Tác phẩm khoác tấm áo của một tiểu thuyết du khảo. Cái đích nhà văn muốn hướng đến chính là khát vọng kiếm tìm của mỗi cá nhân. Họ ra đi vì lẽ sống, mong muốn khẳng định sự tồn tại của mình, tìm cách vượt lên sự vô nghĩa, trống rỗng, tầm thường và tẻ nhạt của cuộc đời. Với kiểu nhân vật trên hành trình kiếm tìm bản thể này, nhà văn thể hiện quan niệm mới về hiện thực và con người.

Văn xuôi Việt Nam đương đại đang có những bước chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Sự thể nghiệm kĩ thuật viết và sự bổ sung những đề tài, chủ đề mới đã làm cho bức tranh đời sống văn học thêm đa dạng, là dấu hiệu của tính dân chủ và hiện đại. Thông qua chủ đề và kiểu nhân vật đi tìm bản thể, các nhà văn đã nỗ lực đổi mới mô hình phản ánh hiện thực. Từ đó, người đọc thêm tin tưởng vào sức sống và dấu ấn riêng của văn xuôi Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa và sẵn lòng chờ đợi những nhà văn tài năng mượn ngọn gió cuộc đời, gió thời đại để mở ra những trang viết mới.

Nguyễn Đức Toàn – tạp chí Văn nghệ quân đội

Exit mobile version