Ảnh ĐHN
Tiến sĩ ĐỖ HẢI NINH


Sinh năm 1978 tại Ninh Bình
Hiện là Trưởng phòng Văn học
Việt Nam đương đại, Viện Văn học


– Chào nhà phê bình Đỗ Hải Ninh. Đến hẹn lại lên, hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc do Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm một lần lại sắp sửa diễn ra tại Hà Nội. Với tư cách là Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học, chị có thể đưa ra cái nhìn lướt của mình về bức tranh văn học trẻ nước nhà hiện nay?
+ Trước hết, nếu đưa ra một phân định rạch ròi thế nào là văn học trẻ thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và chắc chắn không thể thỏa mãn được tất cả. Ở ta, tiêu chí “trẻ” về cơ bản vẫn gắn với độ tuổi của người cầm bút. Theo đó, văn học trẻ là văn học của thế hệ cầm bút ở chặng đầu sáng tác, cũng như “mùa xuân” của cuộc đời viết văn vậy. Những tác giả trên dưới 35 tuổi tuy tuổi đời không còn trẻ nữa nhưng cũng vẫn được coi là cây bút trẻ – trẻ ở đây là trẻ ở sức sáng tạo, sức nghĩ và tinh thần cởi mở, hướng tới cái mới của những người đang trên hành trình tìm kiếm phong cách, lối viết.
Tôi quan sát thấy đang có sự phân hóa mạnh mẽ trong văn chương của những người viết trẻ với những lựa chọn, xu hướng viết đa dạng. Có một lứa đã trải qua quãng đường cầm bút khá dài, gắn bó với nghề viết và văn phong đi vào độ chín; những người này đại diện cho lớp tác giả trẻ đã trưởng thành, đã tạo cho mình giọng văn riêng, những vùng thẩm mĩ riêng. Một số cây bút mới xuất hiện vài năm trở lại đây có những dấu hiệu bứt phá khi thể hiện lối viết độc đáo, mới lạ, nhiều tìm tòi, mang lại những màu sắc mới cho văn chương trẻ. Cũng có không ít cây bút hướng tới người đọc đại chúng và bước đầu đạt được mục tiêu viết lách của họ khi đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Có thể thấy văn học trẻ là một bộ phận hết sức sôi động và thu hút được sự quan tâm chú ý của người đọc, cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ đương đại với sự nỗ lực hướng tới hội nhập quốc tế. Nhưng đó vẫn là một hành trình đang tìm kiếm và khẳng định. Tôi hi vọng trong tương lai gần họ sẽ gặt hái được nhiều thành công quan trọng.

– Nhân chị có đề cập đến các phạm trù “đại chúng”, “thị trường”, tôi muốn trao đổi với chị vấn đề như thế này. Có một dòng văn học trẻ của các tác giả còn rất trẻ như Anh Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên… với nhiều ấn phẩm có số lượng phát hành từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bản. Người thì cho đây là “văn học thị trường”, “văn học thời trang” chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời, chỉ là sản phẩm “cận văn học”, người thì bảo những ấn phẩm ấy phải có cái gì, phải như thế nào hơn thế thì mới được giới trẻ đón nhận như thế chứ, có phải cứ muốn là được đâu… Quan điểm của chị về hiện tượng văn học này là gì?


+ Hiện nay, xu hướng nghiên cứu văn học từ góc độ văn hóa sẽ giúp chúng ta bao quát, lí giải những hiện tượng đang diễn ra sôi nổi trong đời sống văn hóa đương đại. Ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có văn học. Những năm gần đây, hiện tượng các tác giả trẻ tạo thành cơn sốt best seller trong thị trường sách khiến giới xuất bản nói riêng và cộng đồng văn chương nói chung lạc quan hơn khi cho rằng sách Việt bắt đầu chiếm thị phần nhiều hơn cả sách dịch. Tôi nghĩ đó là sự trỗi dậy của văn học đại chúng trong đời sống văn hóa đương đại. Trước nay giới nghiên cứu hàn lâm thường lờ đi, tránh nói đến hiện tượng này bởi họ coi đó là loại văn học giải trí, bị thương mại hóa và họ lo âu về sự lan rộng của nó. Thực ra dù có lờ đi hay cực lực phản đối thì cũng không thể cưỡng lại một thực tế là dòng văn học này vẫn tồn tại trong không gian đô thị hóa và xã hội tiêu dùng cùng với sự phát triển của truyền thông, công nghệ ngày nay. Văn học đại chúng thể hiện nhu cầu, thị hiếu và những trải nghiệm của những con người bình thường trong xã hội. Và nếu nhìn một cách tổng thể thì văn học đại chúng cũng là động lực cho sự phát triển văn học. Tôi cho rằng nên xem nó như là một trong những loại hình văn học tương thích với sự nở rộ của văn hóa đại chúng hóa trong xã hội công nghiệp hóa. 

– Nói đến văn học đại chúng trong không gian văn hóa đương đại, không thể không nói đến văn học mạng. Theo quan sát của tôi, thời gian gần đây văn học mạng Việt Nam có vẻ trầm lắng, và tôi đang loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao. Chị có cùng kết quả quan sát với tôi không, nếu có thì chị kiến giải thế nào về sự trầm lắng có vẻ đột xuất của văn học mạng này?


+ Văn học mạng xuất hiện ở Việt Nam cùng với quá trình phát triển internet và sự bùng nổ công nghệ thông tin. Văn học mạng là một hình thức xuất bản mới, mở ra một bước ngoặt trong xuất bản. Hình thức xuất bản đặc biệt này vừa đối trọng vừa thách thức hình thức xuất bản truyền thống. Loại hình văn học mạng đặc biệt phát triển ở những nước vừa trải qua giai đoạn kinh tế bao cấp để bước sang giai đoạn kinh tế thị trường như Việt Nam. Sự ra đời và trương nở của mạng internet tạo nên một không gian rộng mở và môi trường tự do cho sáng tác, công bố tác phẩm và thể hiện quan điểm cá nhân. Không cần các nhà xuất bản và các biên tập viên, không cần giấy phép xuất bản, tác phẩm văn học mạng cứ thế tương tác nhanh và tiện với đông đảo người đọc theo cách riêng của mình. Văn học mạng gắn với văn học đại chúng, nơi mà người viết và người đọc đến với văn chương đơn giản bởi “thích” là chủ yếu, không quá chú trọng, câu nệ đến hàm lượng tính nghệ thuật, tính tư tưởng của tác phẩm…


Quả thật, sau giai đoạn khá rầm rộ, ồn ào, văn học mạng hiện nay có phần trầm lắng hơn. Tôi nghĩ rằng nó đang trong quá trình hình thành, phát triển và đang kiếm tìm phương thức tồn tại. Môi trường mạng là môi trường ảo (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) nên một số trang web, diễn đàn, blog, facebook… có thể đóng cửa và biến mất không dấu vết. Nhiều tác phẩm được coi là văn học mạng ở Việt Nam, ban đầu sống đời sống mạng nhưng sau đó lại quay về đời sống giấy, tạo nên sự nửa vời, dang dở, tự phát chứ không hình thành hệ thống và đi trọn một chu trình hoàn chỉnh như văn học mạng Trung Quốc. Một số tác giả ban đầu viết như một phương cách bộc lộ cái tôi, nhưng lại nhanh chóng chạy theo thị trường và thị hiếu của người đọc. Và phải chăng đang là thời của facebook, người ta thích lướt face để “hóng” những status nóng, gọn của những hot facebooker hơn là lướt web để đọc những tác phẩm nặng về dung lượng chữ.

– Đúng như chị vừa nói, thời mà chúng ta đang sống, cống hiến và thụ hưởng được định danh là thời của fastfood, cái đọc, cái viết theo đó cũng hướng đến tiêu chí nhanh và tiện. Nhưng theo quan sát của tôi, gần như một nghịch lí là, hiện tại lại có vẻ đang là thời của tiểu thuyết. Những cây bút truyện ngắn đã thành danh như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp… thì rẽ sang hướng tiểu thuyết, những cây bút truyện ngắn mới nổi lên như Tống Ngọc Hân, Đinh Phương… cũng nhanh chóng bập vào tiểu thuyết, những tác giả như Meggie Phạm, Trác Diễm… thì chọn trình làng những tác phẩm đầu tay cũng là tiểu thuyết. Là một người sở trường nghiên cứu thể tài văn xuôi đương đại, chị có thể lí giải về nghịch lí thú vị này?
+ Tôi nghĩ mỗi thể loại đáp ứng nhu cầu nào đó của con người. Truyện ngắn, tản văn, tùy bút… có khả năng “chớp” được khoảnh khắc vụt hiện nào đấy còn tiểu thuyết nhiều tham vọng hơn trong việc tra vấn, đối thoại và trình cái nhìn bao quát về đời sống. Tôi tin là những tác giả anh vừa kể trên tìm đến tiểu thuyết như một nỗ lực tìm kiếm, bung trỗ chính mình, nhưng họ vẫn viết truyện ngắn, tản văn hoặc đồng thời, hoặc như những quãng nghỉ.
Đúng như anh nói, truyện ngắn đã đi qua thời vàng son của nó, từ thời kì đầu Đổi mới cho đến tận những năm đầu thế kỉ XXI, khi mà mọi tờ báo từ chuyên về văn học nghệ thuật đến bất cứ lĩnh vực nào khác đều có mục truyện ngắn thu hút nhiều chú ý của người đọc. Bây giờ thì các thể loại tản văn, tạp văn, tùy bút, nhàn đàm… đã thay thế vì các thể loại này đáp ứng nhu cầu kịp thời bám sát tình hình thời sự chính trị – văn hóa – xã hội, bộc lộ, tương tác cảm xúc, suy tư một cách trực tiếp, trực diện. Tuy vậy, những thể loại ngắn này nặng về tính thông tấn báo chí, không thỏa mãn được bộ phận người đọc tinh hoa muốn được phiêu lưu dài hơi trong sự đọc, sự nghĩ, sự thưởng ngoạn thẩm mĩ. Tiểu thuyết là hình thức văn chương thể hiện rõ nhất sự định hướng cái tôi cá nhân và sự đổi mới sáng tạo, nơi mà những tra vấn, chiêm nghiệm về hiện sinh được đối thoại trong những tầng lớp hư cấu nghệ thuật, có lẽ vì vậy mà những tác giả văn xuôi bị hút về phía tiểu thuyết để được tự do hơn trong đổi mới sáng tạo và nghiệm sinh cuộc sống.

Một số tác giả tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII – Ảnh:Xuân Thủy



– Nhắc đến người đọc tinh hoa, người đọc lí tưởng, trước hết chúng ta nghĩ đến các nhà phê bình. Trong tham luận trình bày tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, tôi đã không ngần ngại cho rằng, văn đàn Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của một lực lượng phê bình trẻ đông-và-mạnh. Sau 5 năm nhìn lại, tôi vẫn muốn bảo lưu nhận định đó, và theo tôi nhận định đó vẫn đúng với thời điểm hiện nay. Quả thực thời gian gần đây, đọc những cuốn sách nghiên cứu – phê bình được công bố của Đoàn Ánh Dương, Hoài Nam, Bùi Thanh Truyền, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Cẩm Giang, Lê Hồ Quang, Trần Huyền Sâm…, và đặc biệt mới nhất là của Đoàn Cầm Thi, Phùng Gia Thế…, tôi thực sự ngỡ ngàng thích thú trước sức trỗi dậy và trưởng thành của ý thức và trình độ phê bình. Nhận định của tôi chắc hẳn sẽ nhận được không nhiều đồng tình, chia sẻ, bởi một bộ phận không nhỏ người đọc vẫn rất e ngại, định kiến với cái mà họ gọi là “đám phê bình”, nhất là “đám phê bình trẻ”. Chẳng biết cá nhân chị có đồng tình, chia sẻ với sự lạc quan có phần… “quá khích” của tôi?
+ Có lẽ do chúng ta ở trong cuộc và cùng trang lứa nên quan điểm của tôi cũng khá giống với anh. Không chỉ những cây bút phê bình đã có công trình xuất bản, mà lực lượng phê bình trẻ hiện nay còn nhiều tác giả giàu nội lực, giàu uy tín nghề nghiệp mà chúng ta không thể kể ra hết ở đây. Họ là thế hệ phê bình được đào tạo căn bản, có nền tảng lí luận với tư duy và năng lực nghiên cứu độc lập. Họ cũng có ý thức về vai trò, trách nhiệm phê bình khi hướng tới những vấn đề không chỉ của văn học đương thời mà còn là của văn học các giai đoạn trước, trong những không gian văn hóa – chính trị – triết mĩ khác nhau và bằng những cách tiếp cận mới mẻ. Mặc dù tôi cũng nhận thấy những hạn chế của thế hệ trong đó có chính mình, chẳng hạn đôi khi niềm đam mê khiến trở nên quá say sưa với đối tượng nghiên cứu, hoặc do tuổi trẻ luôn bén nhạy với cái mới nên tiếp nhận lí thuyết bên ngoài một cách quá hào hứng nhiều khi dẫn đến ồn ào, nhưng tôi rất chia sẻ quan điểm lạc quan của anh về lực lượng phê bình trẻ hiện nay.   

– Bên cạnh lực lượng phê bình trẻ là sự trình hiện ấn tượng của lực lượng dịch giả trẻ. Đó là Nguyễn Duy Bình, Phạm Xuân Thạch, Nham Hoa, Minh Thương, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hưng, Thiên Thai, Cao Việt Dũng, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Ngọc Hiếu, Hoàng Phong Tuấn, Thiên Lương, Hoàng Long, Phùng Ngọc Kiên, Lê Nguyên Long, Nguyễn Đào Nguyên… Có thể nói những gương mặt này đang là niềm tự hào của văn học dịch, đủ cơ sở để chúng ta tin tưởng vào một “phiên đổi gác” dịch thuật sắp sửa. Chị có đôi lời kiến nghị với đội ngũ dịch giả trẻ này và với những người hoạch định chiến lược phát triển văn học dịch ở Việt Nam không?
+ Tôi luôn trân trọng những cống hiến lặng thầm của các dịch giả – những người bắc cây cầu nối người đọc với tri thức nhân loại. Ai cũng biết dịch thuật không chỉ là chuyển ngữ mà là chuyển cả một nền văn hóa tới người đọc. Văn học dịch tác động đến đời sống văn chương mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện hội nhập mở cửa như hiện nay, thậm chí có thể khiến thay đổi tư duy sáng tạo của cả một thế hệ. Lực lượng dịch giả trẻ hiện nay nhiều nhưng chưa đủ, nhất là đối với công việc dịch ngược để xuất khẩu văn chương trong nước ra thế giới. Các dịch giả trẻ kể trên họ đều vừa làm dịch thuật vừa làm nghiên cứu – phê bình nên các công trình dịch thuật của họ có hàm lượng học thuật với độ tin cậy cao. Tôi mong những dịch giả trẻ dấn thân hơn và dám đối diện với những vấn đề khó, cũng như dám đi hết con đường nhọc nhằn, đòi hỏi những nỗ lực và sự bền bỉ. Về chiến lược thì tôi không dám lạm bàn, nhưng theo quan sát của tôi thì các nhà hoạch định nên chú ý hơn tới những hệ thống sách dịch, chẳng hạn như Nhà xuất bản Tri thức, Tủ sách Cánh cửa mở rộng của Nhà xuất bản Trẻ, Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại ở Pháp… với những seri sách dịch rất đáng chú ý, và nên phối hợp tích cực hơn với lực lượng dịch giả hải ngoại để có thể đưa văn chương trong nước đến rộng rãi hơn với bạn bè thế giới.

– Thời gian gần đây chị đặc biệt chú ý đến gương mặt thơ trẻ nào? Tại sao?
+ Thực tình mà nói, thời gian này, để tìm gặp được một phong cách thơ trẻ thực sự ấn tượng, thuyết phục là hơi khó. Tôi đang quan tâm đến trường hợp Nguyễn Phong Việt. Như lúc nãy anh nói, tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thơ của tác giả trẻ này tại sao lại được đông đảo bạn đọc trẻ đón nhận nồng nhiệt như vậy, sau khi sống đời sống mạng lại tạo nên những cơn sốt xuất bản khi sống đời sống giấy như vậy.

– Những người viết văn trẻ, đúng như danh xưng của họ, mặc dù nhiều táo bạo, dũng cảm trong tìm tòi, thể nghiệm, quyết liệt trong “đi tìm mặt” (chữ dùng của nhà thơ Hoàng Hưng) nhưng cũng lắm “nổi loạn”, và cả không ít “phá bĩnh”. Những hiện tượng gây ồn ào như thơ của nhóm Mở Miệng, của nhóm Ngựa Trời, rồi tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như, rồi tập thơ Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng của Nồng Nàn Phố… thời gian này có vẻ đi vắng, chưa “tái xuất”. Chị bình luận gì về sự hiện diện của những hiện tượng này trong đời sống văn học?
+ Không phải lúc nào “nổi loạn” cũng gắn với “phá bĩnh”, nhiều khi “nổi loạn” chính là phẩm chất của kẻ sáng tạo. Tôi nghĩ chúng ta nên có thái độ cởi mở hơn đối với những “cái khác”, “cái nổi loạn” của người làm nghệ thuật, nhất là “khi người ta trẻ”. Những hiện tượng gây tranh luận trái chiều không chỉ có khả năng khuấy động không khí văn học mà còn kích thích đối thoại, suy tư về văn học, về cái viết, cái đọc. Đúng là dạo này những vụ gây ồn ào trong đời sống văn học có vẻ tạm lắng, nhưng tôi nghĩ dòng chảy của nó vẫn âm thầm đâu đó. Người đọc ngày nay đủ tỉnh táo, thông minh để lựa chọn tác phẩm có giá trị đích thực, và thời gian đủ sức, đủ nhanh để đào thải những gì là phi/phản văn học.

– Đành rằng không có hội nghị Những người viết văn trẻ thì những cây bút trẻ vẫn cứ viết theo đam mê, bằng nội lực của riêng mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò, khả năng “tạo cú hích”, “tiếp lửa” đối với những người viết văn trẻ của 8 kì hội nghị đã lần lượt diễn ra. Mặc dù đã và sẽ chỉ là người quan sát hội nghị từ bên ngoài, nhưng chắc hẳn chị gửi gắm ít nhiều kì vọng vào hội nghị lần thứ XIX này?
+ Tôi vốn không quá nhiều kì vọng vào những “thể loại” hội nghị hội thảo, nhưng tôi nghĩ hội nghị Những người viết văn trẻ có khả năng tạo ra không gian tinh thần rộng mở cho những người viết văn trẻ cả nước quy tụ, gặp gỡ, giao lưu, là dịp để điểm danh, biểu dương lực lượng, xốc lại đội ngũ, là cơ hội để cùng nhìn lại và nhìn về phía trước. Điều tôi mong muốn nhất là tại đây, các cây bút trẻ mạnh dạn cất lên tiếng nói của họ, khát vọng của họ về văn chương, cuộc sống và con người.

– Cám ơn nhà phê bình Đỗ Hải Ninh đã đến với Quán văn VNQĐ!

H.Đ.K – VNQĐ

Exit mobile version