Có thể nói ngay rằng hiện thực cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược của nhân dân ta kéo dài suốt ba mươi năm từ tháng 12 năm 1946 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 là chất liệu chủ yếu và quan trọng nhất để tạo ra dòng văn học chiến tranh cách mạng nói chung và thơ ca chiến tranh cách mạng nói riêng. Năm tháng qua đi, thời thế dẫu có những biến động, chuyển dịch dữ dội và lắm bất ngờ nhưng bình tâm ngoảnh nhìn lại quá khứ chúng ta vẫn lưu trữ được nhiều ấn tượng sâu đậm về thơ ca kháng chiến. Dù cách đọc, cách cảm bây giờ đã khác nhiều so với thời kì bom đạn khốc liệt ấy (do tác động của hoàn cảnh xã hội, sự hội nhập và giao lưu quốc tế rộng mở và cả tâm thế người đọc nữa…) nhưng lật giở lại những tác phẩm thơ tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến chính nghĩa và yêu nước ta vẫn không khỏi xúc động trước tính chân thực bề bộn, chất trữ tình ấm áp, sự lãng mạn bay bổng… của nó. Có những thi phẩm ngổn ngang hiện thực cuộc sống gian lao mà anh dũng, thấm đẫm chất đời, lóng lánh những niềm vui bình dị, xao động bao ước mơ hi vọng của chiến sĩ và nhân dân. Những trang viết dù chưa xứng tầm với hiện thực vĩ đại của dân tộc trong thế kỉ XX, chưa đạt tới đỉnh cao của văn chương nhân loại nhưng nó có ích vô cùng cho cuộc sống chiến đấu và lao động đầy kì tích của chiến sĩ và đồng bào ta.

Dòng văn học chiến tranh cách mạng nói chung và thơ ca chiến tranh cách mạng nói riêng đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình là cổ vũ, động viên mọi người vượt qua thử thách cam go cùng những mất mát hi sinh không kể xiết để làm tròn bổn phận công dân – chiến sĩ – nghệ sĩ trong sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Giá trị lớn nhất, không thể phủ nhận được của văn học và thơ ca kháng chiến là nó đã thực sự bồi đắp cho phẩm chất, nhân cách con người cao đẹp hơn, vượt lên “cái tôi” bé nhỏ để vươn tới, hòa vào “cái ta” rộng lớn với mẫu số chung là yêu nước thương dân. Thơ văn ấy cũng góp phần hun đúc thêm khí phách ngoan cường, bản lĩnh vững vàng của dân tộc Việt Nam thể hiện trong mỗi thành viên cộng đồng đó.

hoa4


Tuy nhiên, thơ trong hai cuộc kháng chiến cũng bộc lộ những hạn chế về tư tưởng, tính nhân văn và nghệ thuật nếu đặt nó vào tầm nhân loại. Có không ít tác phẩm yếu tố tuyên truyền, cổ vũ hay minh họa một cách sơ lược, dễ dãi chiếm ưu thế; tính cá biệt không rõ rệt mạnh mẽ nên dễ làm cho người ta có cảm nhận thơ kháng chiến như một dàn đồng ca hùng hậu. Thơ kháng chiến không phong phú về nội dung và đa dạng trong phong cách, đặc biệt ít đề cập tới thân phận con người với tư cách là một cá thể lẻ loi, một cây sậy mong manh yếu ớt trong xã hội. “Cái ta” hầu như được tôn vinh tuyệt đối, niềm vui hay nỗi đau của mỗi người đã được hòa tan trong tâm trạng của mọi người, được xác lập bằng vị thế của tinh thần tập thể cao cả, vừa cụ thể, vừa mơ hồ, mông lung. Nhiều bài thơ không chịu được sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian đã rơi rụng trong trí nhớ của bạn đọc, tác phẩm hay đích thực mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sau năm 1975, thơ ca Việt Nam có những chuyển động mạnh mẽ và rất đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức. Thơ không còn chỉ khuôn lại trong nội dung chiến đấu và sản xuất như thời trước năm 1975 nữa mà dường như cái gì cuộc sống có thì trong thơ đều có. Tuy vậy, nội dung chiến tranh vẫn được thể hiện khá đậm đặc cùng với nội dung bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong thơ. Đương nhiên, nó đã có những cái khác so với thơ cùng đề tài này ở thời kì trước. Theo tôi, đây là hai nội dung nổi bật của thơ Việt sau năm 1975 tính đến thời điểm này.

Thơ, cuộc chiến tranh chưa kết thúc

Suy cho cùng thì không có thi phẩm đích thực nào lại không có cái mới trong đó. Vì lao động văn học nghệ thuật là lao động sáng tạo. Trong thi ca nói riêng văn học nói chung kết quả của sự sáng tạo là những sản phẩm mới, độc nhất vô nhị.

Sau năm 1975, thơ viết về chiến tranh cũng có những khác biệt về nội dung và cách diễn đạt so với trước đó, gần nhất là thơ của giai đoạn chiến tranh chống Mĩ. Có vẻ như kiểu thơ nặng về “kể – tả” dông dài, có trước – sau, đầu – cuối khá phổ biến trong thời chống Mĩ đã không còn mấy nữa khi nhiều tác giả hướng đến sự khái quát, biểu tượng, tính đa nghĩa của hình ảnh và ngôn từ. Bài thơ, câu thơ chứa những khoảng “rỗng” mở ra cho người đọc nhiều lối liên tưởng; nói cách khác quá trình đọc song hành với quá trình sáng tạo lại, sáng tạo thêm tác phẩm ngoài người viết. Xin đọc hai câu thơ này của Hữu Thỉnh:

Một đời người mà chiến chinh
nhiều quá
Em níu giường níu chiếu đợi anh

Rõ ràng, câu thơ đâu chỉ nói đến sự cách xa chồng – vợ trong chiến tranh mà là số phận dân tộc Việt đấy chứ. Một dân tộc mang số phận nghiệt ngã, éo le, ít khi được bình yên bởi giặc giã và bão giông nối nhau tàn phá; mỗi chiến công kì tích cũng là mỗi vết thương đau, kết thúc chuỗi tháng năm trận mạc dằng dặc là khúc khải hoàn ca đong đầy nước mắt nhân dân.

Quá khứ thật ám ảnh và đó là lí do để cho dòng thơ viết về chiến tranh tiếp tục chảy với những lưu vực rộng rãi hơn cùng độ sâu mới. Chúng ta cần ghi nhận đây vừa là sự tiếp nối đầy trách nhiệm công dân và nhân bản của thơ kháng chiến vừa là sự bù đắp, bổ sung cho những gì các lớp nhà thơ chưa viết ra được ở thời cả nước tưng bừng ra trận, từng vết thương đau cũng biết nín máu lại, giọt nước mắt tang tóc chảy ngược vào lòng.

Nếu như thời chống Mĩ thơ hướng tới cái to lớn, cao cả, tràn ngập chất anh hùng ca (tiêu biểu như thơ Tố Hữu, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo…) thì sau năm 1975 rất nhiều tác giả đi sâu khai thác cái bi thương, mất mát trong chiến tranh như Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Trần Mạnh Hảo, Lê Thị Mây, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Vương Trọng, Y Phương, Ngân Vịnh, Đỗ Trung Lai, Ngô Minh, Nguyễn Hồng Hà, Trần Anh Thái, Trịnh Công Lộc, Hồng Thanh Quang, Trần Quang Quý, Lương Ngọc An, Trần Quang Đạo, Nguyễn Hữu Quý, Phạm Sĩ Sáu, Lê Mạnh Tuấn, Hải Đường, Vũ Bình Lục, Nguyễn Hưng Hải… Độ lùi về thời gian càng xa thì văn học nói chung và thơ nói riêng càng có cái nhìn về chiến tranh điềm tĩnh, kĩ càng, đầy đủ, sát đúng hiện thực hơn. Chiến tranh được soi chiếu ở nhiều mặt, nhiều tầng, nhiều góc khác nhau trên mẫu số chung là thân phận con người xã hội không phân biệt địch – ta. Nhiều tác phẩm thi ca buốt nhói những đau đớn, xót xa gây chấn động mạnh trong lòng bạn đọc.

Cũng nói về đất nước bằng những khuôn thức thi ca quen thuộc nhưng hình ảnh chiến tranh trong thơ sau năm 1975 đã khác xa thời chống Mĩ với độ xoáy xiết, trăn trở gấp bội.
Trong trường ca Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo ta gặp nhiều khúc đoạn như thế:

– Chiến tranh gieo hạt bằng bom
Ở nơi mẹ vừa tiễn con
Bom bảy tấn thổi bay đi một xã…
– Mẹ ơi suốt chiều dài lịch sử
Mẹ vẫn sinh nhiều những đứa
con trai
Mỗi bận chiến trường tin báo tử
Mẹ lại hoài thai bằng nỗi đau dài…

– Hẻm phố nào của Sài Gòn
cũng mẹ
Bữa cơm nào đũa mẹ cũng so dư
Gạo thì thiếu cơm vẫn thừa
như thế
Gió rừng ơi mẹ đợi đến bao giờ…

Cái sự không trở về, không trở lại của những người lính trận sau chiến tranh là nỗi nhức nhối chẳng hiếm hoi nữa trong thơ Việt:

Thế là tao đợi chết già
Chứ không chết trẻ như là tụi bay
Tụi bay đi… thật tiếc thay
Những thằng lính trận hây hây
má hồng

(Thơ Nguyễn Hồng Hà)

Chiến tranh lùi xa, con đường mòn Trường Sơn bao giờ tôi trở lại? Đâu cái giếng nước hòa máu người tôi uống trong cơn khát, gốc cây rào rào bầy mối mục mòn đêm. Đâu năm ngôi mộ vô danh đắp bằng nỗi đau nước mắt. Nơi cánh rừng nhiều đom đóm bay…
(Thơ Nguyễn Đức Mậu)

Vẫn biết vào cơn gió bụi
Xưa nay mấy kẻ trở về
Vẫn biết những nhà liệt sĩ
Đều vì lẽ sống mà đi
Nhưng trước nấm mồ ruột thịt
Em như người đứt cánh tay
Xin liệm thêm vào dưới ấy
Của em lời xót thương này…

(Thơ Đỗ Trung Lai)

Thơ viết về chiến tranh sau năm 1975 biết lắng xuống để chạm đúng vào nỗi buồn đích thực của nhân dân đã từng bị khuất lấp trong ngân nga hào sảng một thời. Đấy là sự lựa chọn đúng đắn của thi ca, phải thấm thía hết chiều sâu giọt nước mắt khổ đau của dân tộc mình. Cái mới của tư tưởng, nội dung thơ là đây (so với trước) chứ còn đâu nữa:

Những bước chân xin hãy
nhẹ nhàng hơn
bài điếu văn cũng đừng
sang sảng quá
rừng thổn thức để rơi vài chiếc lá
lá thì vàng mà tóc họ đang xanh

(Thơ Anh Ngọc)

Tôi nghe lạnh giữa hai bờ
cuộc chiến
Cái chết nối hàng
Cái chết tiễn đưa nhau
Và:
Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước
Kéo hoàng hôn rã rời
Kẻ thắng trận hai tay ôm
mặt khóc
Thương tích tạc vào gió thổi
ngàn sau…

(Thơ Trần Anh Thái)

Phân biệt cuộc chiến tranh chính nghĩa với phi nghĩa là điều nên làm, cần làm nhưng khi non sông thống nhất rồi thì sự kết nối lòng người, xóa bỏ hận thù để hòa giải hòa hợp dân tộc mới quan trọng hơn hết và hành trình nhân văn đó có thể khởi đầu bằng nén hương không chia cách cho những linh hồn từng ở hai chiến tuyến khác biệt:

Rêu cũng đỏ như đã từng là máu
cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh
nằm

Ù ù gió hay hồn lính trận
thổi trăm năm không qua được
mùa hè

Đài chứng tích nấm mộ chung
liệt sĩ
nhưng khói hương này xin thắp cả
đôi bên
(Thơ Nguyễn Hữu Quý)

Thơ không đứng ngoài những khổ đau của con người và càng không thể vô cảm trước sự mất mát bởi chiến tranh mà dân tộc mình phải chịu đựng, gồng gánh hằng bao thập kỉ tàn khốc:

Khói hương như thể mây mù
Trắng trời lớp lớp lau gù đội tang
Xạc xào gió lá ngụy trang
Gió từ cõi đất gió sang cõi người

(Thơ Lê Đình Cánh)

Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi anh xanh cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói của
nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ
Lo liệu trong nhà dồn xuống
vai em

(Thơ Hữu Thỉnh)

Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa
ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa
gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo
khói nhang…

(Thơ Vương Trọng)

Có thể nói rằng, như để bổ sung, bù đắp phần thiếu hụt khá lớn cho thơ trước năm 1975, thơ thời hậu chiến có nhiều ngậm ngùi, đau thương, tiếc nuối. Cuộc chiến tranh chống Mĩ kéo dài quá lâu, hi sinh mất mát quá lớn, bao nhiêu hệ lụy không nhỏ còn để lại cho xã hội hôm nay. Thơ chất chứa những hoài niệm khôn nguôi và bộn bề trăn trở day dứt. Dường như cuộc chiến chưa kết thúc trong thơ. Trong nhiều trường ca, bài thơ viết về chiến tranh ta dễ dàng cảm nhận được điều đó. Và, mặc nhiên điều này cũng trùng khít với tâm cảm dân tộc thời hậu chiến như là sự tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Điều đáng sợ nhất với một dân tộc và một con người là sớm lãng quên quá khứ. May mắn sao, dân tộc Việt không như thế và thơ đã góp phần làm cho quá khứ không bị “chết” thêm lần nữa trong đời sống xã hội hôm nay.

Thơ, bài ca yêu nước gắn với chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng
Tôi nghĩ, yêu nước thương dân là giá trị tư tưởng lớn nhất của thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay. Không quá khó khăn để chứng minh rõ ràng điều này qua thơ ca của các thời đại. Hai cuộc chiến tranh biên giới xảy ra sau năm 1975 với “cặp đôi” láng giềng Campuchia và Trung Quốc đã làm cho chúng ta hao tốn thêm nhiều máu xương, tiền của. Đó là điều bất ngờ nhất với chúng ta sau chiến tranh chống Mĩ. Sự xâm lược, chiếm đoạt, gây hấn của nước láng giềng khổng lồ phương bắc đối với chủ quyền Việt Nam trên biển Đông đã tạo nên làn sóng căm phẫn của nhân dân ta. Xâm chiếm một tấc đất, con sóng của Việt Nam là đụng chạm đến tình yêu, lòng tự hào của mỗi người dân nước này. Tinh thần tự tôn dân tộc đã có sẵn trong dòng máu người Việt Nam, không phải bây giờ mà khởi thủy từ xa xưa. Lòng yêu nước được truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dòng chảy mạnh mẽ không bao giờ ngơi. Vì thế, ta không ngạc nhiên khi được đọc những thi phẩm tràn căng lòng yêu nước trong những năm vừa qua.

Thơ về biên giới, biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều và đã có những tác phẩm lan tỏa nhanh trong công chúng. Có thể xem đấy cũng là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình ảnh người lính trẻ ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống xâm lược ở biên giới phía bắc năm 1979 làm chúng ta vô cùng cảm động:

Các em đi khi mười tám tuổi xuân
Và để lại những trái tim
trong trắng
Tiếng các em thét gọi nhau trong
chiến hào khói lửa
Còn cháy lòng bao chiến sĩ
xung phong

(Thơ Nguyễn Đình Chiến)

Lại có sự hi sinh lặng lẽ đời thường hơn của những chiến sĩ nơi biên cương heo hút trong thời bình khi cuộc sống đó đây đang đầy rẫy những xô bồ, nhiễu nhương, bất ổn:

Những mùa đi thăm thẳm
Trong mung lung chiều tà
Có bao chàng trai trẻ
Cứ lặng thinh mà già…

(Thơ Trần Đăng Khoa)

Bám riết vào cuộc sống, lấy phôi liệu từ hiện thực xã hội trong đó có hoàn cảnh của riêng mình để dựng nên cấu tứ, tìm tòi chọn lọc hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ trên nền xúc cảm chân thật, sâu sắc là xu hướng chung của nhiều tác giả thơ. Có phải nhờ thế mà độ mặn của thi ca được tăng lên. Đây là trường hợp của một nhà thơ – người lính tình nguyện từng chiến đấu tại Campuchia:

Chợt vang trầm những Âm-pin,
Pôi-pét
Những Viêng-vênh, Đăng-rếch,
Tà-sanh
Cơn đói vã trận sốt rừng
nghiêng ngả
Đau đớn ấy ngoài em giờ còn ai
biết nữa
Heo hắt bóng đêm tựa cửa
dõi nhìn
Nước mắt cạn rồi em còn khóc
Những giọt buồn đọng trên tóc
bạc dần đi…

(Thơ Lê Mạnh Tuấn)

Tôi muốn nhấn mạnh tới mảng thơ viết về biển đảo sau năm 1975, một mảng thơ mà theo tôi có tác động sâu sắc tới công chúng hiện nay. Thực ra, biển đảo Tổ quốc là đề tài không xa lạ với nhiều nhà thơ Việt Nam. Một số nhà thơ nổi tiếng ở nước ta đã có những thi phẩm về biển đảo được chú ý như Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Biển của Xuân Diệu, Sóng của Tế Hanh, Cồn Cỏ của Hải Bằng, Cô gái Bạch Long Vỹ của Xuân Thiêm… (trước năm 1975); Thuyền và biển và Sóng của Xuân Quỳnh, Trường ca Biển của Hữu Thỉnh, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa, Buồm nâu biển biếc của Anh Ngọc… (sau năm 1975).

Đặc biệt, khi biển Đông có dấu hiệu nổi sóng và thực sự nổi sóng bởi những toan tính và hành động lấn chiếm của thế lực bành trướng Trung Quốc thì biển đảo thu hút mạnh mẽ những người làm thơ. Nhiều bài thơ và trường ca ra đời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước. Có thể kể đến các thi phẩm ít nhiều được bạn đọc chú ý như Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc – cánh sóng của Huệ Triệu, Tiếng chuông chùa giữa đại dương xanh của Phan Hoàng, Gió nhà giàn của Nguyễn Quang Hưng, trường ca Người sau chân sóng của Lê Thị Mây, trường ca Tổ quốc – đường chân trời của Nguyễn Trọng Văn, trường ca Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý, trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo, tập thơ Trường Sa ơi Trường Sa của Lưu Thị Bạch Liễu…

Cái chung nhất của các thi phẩm viết về biển đảo là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn. Nếu tập hợp lại ta sẽ có một bản trường ca yêu nước hoành tráng nhưng cũng rất sâu lắng. Lòng không khỏi nghẹn ngào rưng rưng khi đọc Mộ gió của Trịnh Công Lộc. Bài thơ như nén linh hương dâng lên những chiến binh giữ biển đảo của Tổ quốc không về. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ xúc động, ấn tượng nhất viết về Hoàng Sa và biển đảo của Tổ quốc:
Mộ gió đây,
đất thành xương cốt
cứ gọi lên là rõ hình hài
mộ gió đây,
cát vun thành da thịt
mịn màng đi,
dìu dặt bên trời

Mộ gió đây,
những phút giây biển lặng
gió là tay ôm ấp bến bờ xa
chạm vào gió như chạm vào
da thịt
chạm vào
nhói buốt
Hoàng Sa…
Mộ gió đấy, giăng từng hàng,
từng lớp
vẫn hùng binh giữa biển đảo
xa khơi
là mộ gió,
gió thổi hoài, thổi mãi
thổi bùng lên
những ngọn sóng
ngang trời

Tầm vóc biển đảo của Việt Nam được nâng lên đáng kể trong thơ ca, vừa bao la rộng lớn, vừa sâu thẳm dạt dào từ những thi ảnh mang tính biểu tượng rất cao:

Buồm ơi buồm, người có thực
hay chăng
Để con sóng ngổn ngang lời
tâm sự
Để mỗi sáng, mỗi chiều như
nỗi nhớ
Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên…
Và:
Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi
hành trình
Từng ngọn gió cũng ùa lên
cặp bến
Dân tộc tôi khi tìm về với biển
Gặp cánh buồm căng bát ngát
tự do

(Thơ Anh Ngọc)

Theo cha ra biển mở buồm
mây bay như nhớ cội nguồn
về non
hải trình không dấu chân mòn
ngàn năm ngực vạm vỡ còn
mặn theo
Lời ru mẹ mắc cheo leo
gừng cay đầu sóng muối neo
lòng rừng
đói lòng ăn đọt lá mưng
gánh non sông giữ điệp trùng
vẹn nguyên…

(Thơ Nguyễn Hữu Quý)

Nhặt lên hạt muối thưa rằng
Một phần biển mặn. Mấy phần
máu xương…

(Thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Tổ quốc căng như một
cánh buồm
Thẳng hướng ra khơi
Đất nước ta là một chuyến đi dài
Mấy ngàn năm không nghỉ…

(Thơ Nguyễn Trọng Văn)

Tình yêu lứa đôi cũng được lồng vào tình yêu biển đảo, tình yêu đất nước. Trong cái rất quen thuộc này ta vẫn nhận ra những lấp lánh nồng nàn của công cuộc giữ nước hôm nay:

Đất nước gian lao chưa bao giờ
bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những
vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya.
Đảo vắng
Biển một bên và em một bên…

(Thơ Trần Đăng Khoa)

Dù ở thời nào thì thơ vẫn luôn cần đến một công chúng rộng lớn đông đảo để truyền cảm, chia sẻ. Muốn làm được điều đó, trước hết thơ phải có tư tưởng lớn, phải gắn bó với đất nước, nhân dân. Thơ mang trong mình tình cảm, tâm hồn dân tộc như lá cây cần có diệp lục để xanh tươi vậy. Tách rời khỏi Đất nước, Dân tộc, Nhân dân, thơ khó tìm được điểm tựa vững chãi để tồn tại. Tôi nghĩ, thời nào, chiến tranh hay hòa bình thì thơ cũng phải có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, vừa là nghĩa vụ vừa là tình cảm của người cầm bút.

Tuy nhiên, để chuyển tải được tư tưởng và nội dung lớn, thơ cần đạt chất lượng nghệ thuật cao. Cái hay của mỗi đơn vị thơ do chất lượng nghệ thuật thơ quyết định.
Và đó cũng là cái khó đạt tới nhất của quá trình sáng tác.

Theo Nguyễn Hữu Quý – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version