Đã gần nửa thế kỷ nay, kể cả trong những ngày khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, cũng như sau này, trong những ngày hoà bình dựng xây đất nước và khi mở cửa nền kinh tế để hội nhập khu vực và quốc tế, cụm từ “Thơ chống Mỹ” không mấy khi thiếu vắng trong các diễn đàn văn chương nghệ thuật cả trong nước và quốc tế, cả ở ngoài xã hội cũng như trong nhà trường, cả trong tâm trí và nhận thức của những người bước ra từ cuộc chiến, đến những người sinh ra và lớn lên thời hậu chiến, không hề được nếm trải những giây phút hào hùng mà khốc liệt, những chiến công và cả những sự hy sinh, những giây phút thăng hoa cùng nỗi buồn tê buốt… Cụm từ này lúc thì vang lên trực diện như gợi nhớ đến một thời hào hùng của toàn dân tộc ta cách đây 50 năm về trước, nhưng có khi lại lẫn khuất trong một phạm vi diễn đàn bao quát rộng lớn hơn, chẳng hạn như: các nhà thơ chống Mỹ, nền thơ ca chống Mỹ, thời kỳ thơ ca chống Mỹ, giai đoạn văn học chống Mỹ- trong đó có thơ ca


Nếu quan niệm “diễn ngôn (1) là thông qua ngôn ngữ văn bản tác phẩm thi ca để diễn đạt tinh thần thời đại, mà khi người ta nhắc đến giai đoạn văn chương của thời đại ấy, không thể không nhắc đến những tác phẩm thi ca của chính những người trong cuộc viết về những gì mà họ từng trải nghiệm, cũng như sức lan tỏa, phóng chiếu, tầm độ ảnh hưởng của nó đến các thế hệ sau, đến bạn bè của các quốc gia, dân tộc khác ở ngoài không gian và thời gian lịch sử và đồng thời xét cả ở khía cạnh ngôn ngữ, cấu trúc các khúc thức thơ tạo nên những định dạng (defaut) ổn định như là đặc trưng phong cách, khiến các nhà thơ cùng thời và khác thời không dễ vượt thoát ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của nó về lối cảm, cách nghĩ và phương thức phản ánh thời đại lịch sử trên bình diện văn bản tác phẩm thơ.

Như vậy, rõ ràng là Thơ chống Mỹ dù muốn hay không cũng đã trở thành một diễn ngôn thời đại mang tính lịch sử, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong suốt gần 30 trước đây.

Thời đại chắp cánh cho thơ ca

Bất cứ giai đoạn lịch sử nào, mỗi dân tộc, quốc gia đều tìm cho mình một diễn ngôn, như là thông điệp của thời đại, trước hết là để nói với/về chính những người trong cuộc và cũng là gửi đến xa sau. Chẳng hạn như thời kỳ Nguyên thủy, con người của các bộ lạc đã tìm cho mình một diễn ngôn bằng cách tạc lên vách đá trong các hang động, nơi cư ngụ của họ những bức họa miêu tả cuộc sống sinh hoạt quần cư, săn bắn thú rừng, hái lượm cây quả, về các lễ nghi tôn giáo sơ khai… mà các nhà khảo cổ học và văn hóa học sau này gọi là nền nghệ thuật tranh hang động (2) đầy chất thơ, bởi vì thời kỳ này chữ viết chưa ra đời.

Đến thời kỳ Nô lệ, khi của cải được con người tạo ra nhiều hơn, sự phân chia ắt sẽ khó có thể công bằng theo ý muốn của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Từ đấy nảy sinh các cuộc chiến tranh bộ tộc, mà thực chất là cuộc tranh giành quyền lực, của cải và sức lao động. Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim của sự phát sinh và phát triển các thể loại thần thoại, huyền thoại, sử thi như: Ramayana của Ấn Độ (3); trường ca  Iliad & Odyssey của Hy Lạp (4); trường ca Đam San, Xinh Nhã, Dăm Di, Khinh Dú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Đẻ đất đẻ nước của người Mường… của Việt Nam, chính là diễn ngôn của thời đại ấy.

Trong đêm trường mịt mùng của chế độ phong kiến hà khắc, con người vẫn luôn tìm được diễn ngôn mang tinh thần thời đại của mình. Đó là Thơ Đường ở Trung Quốc; các kiệt tác thơ văn như: Vua Lia, Hamlet, Otenlo… của Shakespeare, Don Quixote de la Mancha của Cervantes…; Phạm Tải- Ngọc Hoa, Tống Trân- Cúc Hoa, Phan Trần… và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du… ở Việt Nam, tất cả đã tạo nên những diễn ngôn của thời đại phong kiến ở mỗi dân tộc, quốc gia.

Đến thời kỳ ra đời của chủ nghĩa tư bản phương Tây với phương châm có thể bán đi 99 điều răn của Chúa, chỉ trừ một điều duy nhất là không thể: lợi nhuận. Ở đấy, con người ứng xử với nhau theo cách trả tiền ngay, không tình nghĩa. Dù vậy, họ vẫn cần phải tìm cho mình một diễn ngôn tương thích với tinh thần của thời đại mình và tiếng nói chân chính của con người trong thời kỳ lịch sử ấy, bất luận đấy là sự ngợi ca hay phê phán hoặc có thể là cả hai.

Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp bắt đầu đặt chân tới nước ta, cùng với sự xâm lăng về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, người Pháp không quên mang theo cả những sản phẩm văn hóa, trong đấy có văn chương đến miền đất hứa này. Phong trào Thơ Mới với một loạt các tài năng thi ca như Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Phạm Huy Thông, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… là minh chứng sinh động nhất cho sự ảnh hưởng về không khí dân chủ của văn minh tư sản phương Tây. Đồng thời Thơ Mới đã nhanh chóng trở thành như một diễn ngôn (5) cho thời đại lịch sử ấy, mà ở đó, hầu hết thanh niên trí thức Tây học hoặc là có học tiếng Pháp ở trong nước, vừa muốn từ bỏ cuộc sống chật chội, cũ mèm của kinh tế và văn hóa phương Đông, vừa muốn tân thời hóa theo mô hình kinh tế và văn hóa phương Tây. Nhưng tất cả đều bế tắc, không tìm thấy hướng đi cho tương lai của mình cũng như của dân tộc, họ quay sang tìm kiếm một hướng đi khác cho thi ca Việt truyền thống hòa nhập vào thế giới văn chương hiện đại của phương Tây.

Cùng với đó, dòng văn chương hiện thực nghiêm ngặt với mục tiêu chủ yếu là phê phán những chính sách cai trị hà khắc của chủ nghĩa tư bản phương Tây và quan lại phong kiến Việt Nam, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đẩy người dân đến chỗ bần cùng, biến họ thành kiếp trâu ngựa. Có lẽ vì tính chất phê phán nghiêm túc và gay gắt ấy, mà các nhà nghiên cứu văn học sử, cũng như các nhà lý luận, phê bình văn học gọi là dòng văn chương hiện thực phê phán?

Ở thời kỳ này, tuy dòng văn chương cách mạng chưa phát triển mạnh mẽ như các dòng văn chương khác, chưa tạo thành một diễn ngôn chính thức của thời đại đầy bất trắc và rối ren này, nhưng ít nhiều cũng đã manh nha được xu hướng tinh thần mới, tiếng nói chân chính của những người cần lao phải đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản phương Tây và bọn tay sai phong kiến Việt Nam, giải phóng con người. Đại diện cho dòng văn học này là các nhà thơ như: Sóng Hồng, Lê Ðức Thọ, Xuân Thủy, Tố Hữu…

Cuộc cách mạng tháng Tám thành công không chỉ đem lại cho toàn dân tộc ta một thời đại mới- thời đại độc lập dân tộc, tự do cho mọi người, mà cuộc cách mạng ấy còn đem lại cho thi ca nói riêng và văn chương- nghệ thuật nói chung một tâm thế mới, tâm thế của người dân làm chủ vận mệnh đất nước và làm chủ cuộc đời mình. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử dân tộc suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Ngay trong và sau cách mạng tháng Tám, một loạt nhà thơ có tên tuổi như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Tế Hanh… từ phong trào Thơ Mới đã từng vỡ òa sung sướng khi thấy cách mạng về. Họ hăm hở đi theo cách mạng như những cậu bé vừa chập chững bước vào đời, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng theo bộ đội đi kháng chiến để chống lại sự xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Các nhà Thơ Mới đã nhanh chóng hòa theo các nhà thơ cách mạng như Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tố Hữu và những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Trần Dần… làm nên một đội ngũ hùng hậu của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Có thể nói mục tiêu đánh đuổi kẻ thù của dân tộc là thực dân Pháp xâm lược đã tạo nên một tâm thế thời đại mới làm nảy sinh một dòng thi ca nói riêng và văn chương nói chung như một diễn ngôn của thời đại này. Những tiếng nói chân thật mà hào sảng, dung dị mà thơ mộng của thi ca giai đoạn này đã làm nức lòng toàn quân và toàn dân quyết xông lên đánh đuổi giặc thù, giải phóng quê hương đất nước. Đặc điểm ấy thể hiện khá rõ trong bài thơ Đèo Cả của nhà thơ Hữu Loan viết năm 1946, cách chúng ta hơn 2/3 thế kỷ, đúng vào thời kỳ bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Hình ảnh người lính Vệ quốc- thi sĩ Hữu Loan cùng đoàn quân Nam Tiến năm nào đã được ông khắc họa một cách tài tình: “Núi cao vút/ Mây trời Ai Lao/ sầu/ đại dương/ Dặm về heo hút/… Bên quán/ Hồng Quân/ người/ ngựa/ mỏi/ Nhìn dốc ngồi than/ thương ai/ lên đường/…/ Rau khe/ cơm vắt/ áo/ pha màu/ sa trường/…/ Ngày thâu/ vượn hót/ Ðêm canh/ gặp hùm/ lang thang/…/ Giặc/ từ trong/ tràn tới/ Giặc/ từ Vũng Rô/ bắn qua/ Ðèo Cả/ vẫn/ giữ vững/ Chân đèo/ máu giặc/ mấy lần/  nắng khô…”

Những người nông dân mặc áo lính thời ấy bước vào cuộc chiến vẫn còn mang theo hào khí của Cách mạng Tháng Tám, trong tư cách của người dân một nước vừa giành độc lập. Dù con đường phía trước còn bao khó khăn, gian khổ tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng không chỉ đối với riêng người lính ngoài mặt trận, mà còn cả với một dân tộc vừa mới giành được chính quyền về tay nhân dân vào thời điểm lúc bấy giờ. Hình tượng người lính Vệ quốc sau khi thắng trận đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu trong thơ ông có chút gì đó kiêu hùng của những người trai đất Việt ra trận thời bấy giờ để bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà.

Thật sự Ðèo Cả là một trong những bài thơ mẫu mực về sự sáng tạo và hình thức cách tân của thi ca thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với thể thơ tự do, giọng thơ phóng túng, nhưng rất chân thật. Có lẽ chỉ cần một Ðèo Cả cũng đủ để làm nên một danh hiệu thi ca mang đậm phong cách Hữu Loan, không trộn lẫn vào đâu được và còn sống mãi với thời gian.

Vang vọng mãi những vần Thơ chống Mỹ

Có thể nói cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, bắt đầu từ sau Hiệp định Genève. Nhưng phải đến sự hà khắc của Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm khiến đội quân tóc dài ở Bến Tre đã phát động Phong trào Đồng Khởi (1960) và nhanh chóng lan ra khắp miền Nam, thì sức nóng của cuộc chiến ấy mới được đẩy lên một cao trào mới. Tiếp đến, Mỹ mở ra hàng loạt chiến dịch hòng gây áp lực với phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam. Cuối cùng người Mỹ đã phải vin vào cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 5/8/1964, đánh vào Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh lân cận, khiến lòng sôi sục căm thù giặc Mỹ xâm lược của nhân dân hai miền Nam- Bắc như được nhân lên gấp bội phần.

Cũng chính vào thời điểm ấy, lớp lớp thanh niên miền Bắc đã xếp bút nghiên theo việc binh đao, lên đường tòng quân diệt giặc. Người ở lại hậu phương miền Bắc sôi nổi thi đua với các phong trào như Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất tung bay khắp các miền quê từ đồng bằng đến trung du miền núi, từ thành thị đến nông thôn trên tinh thần Tất cả vì miền Nam ruột thịt với các khẩu hiệu như: trai anh hùng, gái đảm đang, hậu phương thi đua với tiền phương, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với phương châm thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.

Hào khí ấy thực sự đã làm nên một tâm thế thời đại mới, tạo tiền đề về cơ sở xã hội, nhận thức tư tưởng và tâm lý cho một xu hướng sáng tạo thi ca mới. Có thể nói, nếu không có một tâm thế thời đại mới, cái tâm thế của lòng quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào thì làm sao có được đội ngũ trùng điệp những chiến sĩ- thi sĩ, vừa sung sức, vừa tài hoa và lòng nhiệt tình dường như lúc nào cũng trào dâng trong huyết quản. Những cái tên đã gắn liền với cuộc kháng chiến ấy cũng như trải dài và rộng khắp trên các trang sách học trò nhiều thế hệ và mãi về sau xa, các thế hệ con cháu cũng không thể nào quên khi nhắc đến các nhà Thơ chống Mỹ như: Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ… Họ đã cùng các thế hệ nhà thơ thành danh từ phong trào Thơ Mới, các nhà thơ lớn lên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực sự đã làm nên một diễn ngôn thời đại đánh Mỹ và thắng Mỹ, mang tầm vóc lịch sử không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với cả bạn bè khắp năm châu, bốn biển.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, từ trong vùng địch tạm chiếm đã vang vọng tình cảm thiết tha của đồng bào miền Nam đối với miền Bắc, ở đấy có Bác Hồ, có suối nguồn cách mạng. Bài thơ Bóng cây Kơ-nia của Ngọc Anh là một minh chứng rất cụ thể, sinh động: Em hỏi cây Kơ-nia/ Gió mày thổi về đâu/ Về phương mặt trời mọc/ Mẹ hỏi cây Kơ-nia/ Rễ mày uống nước đâu/ Uống nước nguồn miền Bắc… Cùng với đó, nhà thơ Tố Hữu, năm 1958 đã có bài thơ Người con gái Việt Nam, ca ngợi phẩm chất anh hùng của chị Trần Thị Lý trước đòn roi  tra tấn của kẻ thù: Ôi trái tim em trái tim vĩ đại/ Còn một giọt máu tươi còn đập mãi/ Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời/ Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!/…/ Từ cõi chết, em trở về, chói lọi/ Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi/ Em trở về, người con gái quang vinh/ Cả nước ôm em, khúc ruột của mình/…/ Em đã sống, bởi vì em đã thắng…!. Nhà thơ Thanh Hải với những vần thơ da diết mà cháy bỏng, cổ vũ tinh thần đấu tranh quật cường của đồng bào, đồng chí miền Nam trong bài Mồ anh hoa nở.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhu cầu đổi mới thơ ca diễn ra có vẻ như riết róng hơn, khiến một số người có xu hướng xa lánh và đánh giá chưa đúng về Thơ chống Mỹ, chưa thấy hết được giá trị tư tưởng, tình cảm và nghệ nghệ của dòng thơ này. Họ cho rằng thơ đánh giặc đã hết thời và cần phải bàn giao lại thi đàn cho các trào lưu thơ khác được du nhập từ nước ngoài vào như hậu hiện đại, tân hình thức, tân cổ điển…

Tất nhiên, bất cứ nền thơ ca nào cũng thuộc về một thời kỳ lịch sử nhất định. Theo đó, Thơ chống Mỹ thuộc giai đoạn lịch sử chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta từ 1954- 1975 là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa cần phải dẹp thơ chống Mỹ vào một chỗ nào đó để nhường đất cho các trào lưu thơ khác. Cần phải khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát rằng Thơ chống Mỹ đã sống, đang sống và sẽ sống đến tận xa sau cùng với các thế hệ con cháu, dù ai đó có muốn dẹp, âu cũng chỉ là một ảo mộng hão huyền. Bởi vì Thơ chống Mỹ là một phần tất yếu gắn liền với cuộc sống của người lính ngoài mặt trận và những người mẹ, người vợ, người chị, người em ở hậu phương thời đánh Mỹ giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Những chàng trai xuất thân từ nông dân, mặc áo lính, đánh giặc và làm thơ là hiện tượng phổ biến ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hầu hết trong số họ, khi bắt đầu cầm bút làm thơ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ và đoạt giải thưởng này nọ. Đơn giản là lúc nghỉ chân trên chặng đường hành quân hay khoảng lặng giữa hai trận đánh, họ cầm bút ghi lại những gì mình đã và đang làm, những tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nơi có những người thân yêu ở đó, đúng như cách mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng quan niệm: Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Đường tới thành phố).

Họ ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe hay những cảm nghĩ của mình từ trong cuộc chiến và về cuộc chiến rất chân thật, hồn nhiên chứ đâu cần gì phải tân hình thức, hậu hiện đại. Thậm chí, trước lúc hành quân hay khi trận đánh sắp bắt đầu, những người lính chỉ kịp ghi lại vài dòng như một tin báo hay một linh cảm nào đấy. Trong điều kiện như vậy lấy đâu thời gian mà trau chuốt câu chữ, lấy đâu tâm trí mà uốn éo theo kiểu làm văn. Tính chất ký và phóng sự chiến trường là đặc trưng khá nổi bật của Thơ chống Mỹ. Nhiều bài thơ được viết như là ghi tốc ký để kịp đưa tin chiến sự. Nhà thơ như Phạm Tiến Duật, cũng có khi làm thơ theo kiểu ấy: Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng/ Về số máy bay rơi và tàu chiến cháy/ Nha khí tượng tin cơn bão tan/ Bộ Nông nghiệp tình hình vụ cấy… (Công việc hôm nay).

Nếu như ở giai đoạn Thơ chống Pháp, hình ảnh người lính còn hồn nhiên, ngây thơ và chất phác, thì đến giai đoạn Thơ chống Mỹ hình ảnh của họ trở nên rắn rỏi, chắc khỏe hơn. Bởi lẽ họ luôn ý thức được rằng mình là những người đi đánh giặc giải phóng quê hương đất nước, đấy mới là nhiệm vụ chính, rồi mới đến làm thơ. Lê Anh Xuân thật sự có lý khi anh khắc họa hình ảnh Anh Giải phóng quân tượng trưng cho niềm tự hào của cả dân tộc: Chợt thấy anh giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn/ Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công/…/ Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ: Anh là chiến sỹ Giải phóng quân. (Dáng đứng Việt Nam)

Con đường ra trận không phải của riêng ai. Cả nước ra trận như đi trẩy hội. Đấy là tình cảm chân thực của người lính- nhà thơ Chính Hữu khi ông xúc động: Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục/…/ Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu/…/ Đất nước mình đây bao nhiêu năm qua/ Mưa nắng đêm ngày hành quân/ không mỏi/ Sung sướng bao nhiêu tôi là đồng đội/ Của những người đi đánh giặc hôm nay/ Của những người đi đánh giặc hôm nay (Đường ra mặt trận).

Con đường ra trận đánh Mỹ đâu chỉ có những người lính mà còn cả những người em, người chị ở hậu phương đang đợi các anh: “Đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu” (Lý ngựa ô- Phạm Ngọc Cảnh) và cũng không phải là của một cá nhân nào, mà là sức mạnh của cả dân tộc: Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng (Chế Lan Viên) và của cả quá khứ lịch sử anh hùng của những người con đất Việt: Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận (Toàn thắng về ta- Tố Hữu).

Nhưng ở một chiều kích khác lại có một Lê Bá Dương trăn trở, suy tư ở những góc khuất rất nhạy cảm của cuộc chiến: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. Dư âm ấy đến bây giờ vẫn còn vang vọng trong mỗi chúng ta, như tình yêu thưở ban đầu: Ngọn đèn bọc trong ống bơ/ Để em mờ tỏ đến giờ trong tôi (Hữu Thỉnh).

Chỉ có cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta mới đủ sức mạnh

cuốn hút, lồng quện tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước đến như vậy: Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả gian nan tương thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm, mỗi miềng anh ăn (Nguyễn Đình Thi). Đất nước trở thành hướng đích, muc tiêu cao cả nhất đối với những ai đã từng có những ngày sống cùng cuộc chiến ấy: Đất nước là nơi ta hò hẹn (Nguyễn Khoa Điềm). Họ tự hào cất lên lời ca đi giải phóng đất nước, giải phóng cho tình yêu: Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu (Tố Hữu)

Nhà thơ- chiến sĩ Anh Ngọc đã khắc họa hình ảnh anh Giải phóng quân của thời đại đánh Mỹ và thắng Mỹ, một đi không trở lại vừa sinh động, cụ thể, vừa khái quát: Những người đi cùng thế hệ với tôi/ Sắp sống trọn bản trường ca lịch sử/…/ Họ đã sống một thời khắc nghiệt/ Muốn sống bình thường thôi cũng phải sống anh hùng/ Nuôi sống người là cây lá trên rừng/ Vầng trăng đẹp nhưng bóng đêm cần cho người vượt lộ/ Đường nhiều địch không kịp nhìn hoa nở/ Thắng trận về chim báo đã sang xuân/ Cái thời khắc ngàn năm qua mới có một lần/ Ngàn năm sau chưa dễ gì có lại/…/ Và câu chuyện về những người con gái/ Tuổi xuân đi qua trong khói lửa chiến trường/ Đem máu xương giành lại quê hương/ Là câu chuyện mai sau nhiều thế hệ/ Trong độc lập tự do cầm tay nhau sẽ kể/ Với ánh trăng non với cánh rừng già/ Với con đường mà họ đã đi qua (Sông núi trên vai).

*

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã chắp cánh cho một thời kỳ thơ ca nở rộ. Và, chính nền thi ca ấy đã nâng tầm vóc cao hơn và xa hơn, cũng như khắc họa một cách sâu sắc hơn cuộc chiến ấy và đã trở thành diễn ngôn của thời đại. Chiến tranh dần lui vào quá vãng, nhưng những bản anh hùng ca về thời đại hào hùng của dân tộc vẫn còn vang vọng mãi. Tôi có thể quả quyết rằng chừng nào dân tộc Việt Nam còn, thì Thơ chống Mỹ còn. Bởi lẽ sự tồn vong của dân tộc Việt Nam hôm nay gắn liền với những trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm mà đỉnh cao là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến ấy không thể thiếu thơ ca. Và những người hôm nay và mai sau không thể không tự hào vì đã có một nền thơ ca chống Mỹ như căn cước của một thời đại lịch sử, làm hành trang cho dân tộc ta vững bước tiến về tương lại./.

Đỗ Ngọc Yên

Nguồn: Tổ quốc

———————————-

Chú thích:

(1) Xem thêm: phebinhvanhoc.com.vn/?p=6286
(2) chanhkien.org/ Tranh vẽ trong hang đá thời tiền sử (Phần 1)
(3) Ramayana, một sử thi cổ đại viết dưới dạng trường ca là một phần quan trọng của bộ kinh Ấn Độ giáo. Đây là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ cổ đại có niên đại có thể từ 500 TCN đến 100 TCN, hay là khoảng cùng thời với những bản đầu tiên của sử thi
Mahabharata. Xem: vi.wikipedia.org/wiki/Ramayana
(4). Xem: vi.wikipedia.org/wiki/Iliad
(5) vanhocquenha.vn/vi-vn/113/50/phong-trao-tho-moi‎. Nguyễn Hữu Sơn- Thơ Mới như một diễn ngôn lịch sử.

Exit mobile version