Trong thơ Đinh Hùng hiện hữu hai dòng thi cảm: phương Đông và phương Tây. So với các đại diện của thơ mới (1932-1945), Đinh Hùng có tác phẩm xuất bản muộn hơn, khi các tên tuổi khác như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê đã có được những thành tựu nhất định trên con đường thi ca (Mê hồn ca hoàn thành bản thảo năm 1943).

Đi sau, vừa là khó khăn, đồng thời cũng là cơ hội để Đinh Hùng nỗ lực đưa thơ ca vượt lên khỏi những giới hạn của người đi trước. Trong bối cảnh chung của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, một đặc điểm gần như bao quát là các nhà thơ đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa, văn học phương Tây. Phương Đông là căn cốt đã tích hợp với luồng văn hóa ngoại lai để hình thành một thế giới quan, nhân sinh quan và quan niệm thẩm mĩ mới của các thi sĩ thời bấy giờ. Đinh Hùng không phải là ngoại lệ.

Đông phương trong thi giới Đinh Hùng là nguồn mạch còn phong nguyên nét hoang sơ buổi bình minh của sự sống. Đọc thơ Đinh Hùng, cái quyến luyến người ta chính là sự bí ẩn, âm u của cõi tiền sinh, tiền sử. Phương Đông hiện về với những khu rừng hoang vu, nơi nắng mật long lanh trong dấu chân cầm thú, nơi sao trời rơi trong thung xanh và ánh lửa bộ lạc chập chờn những đêm huyền sử… Đó là một thế giới của hoài niệm, một thế giới đã phôi pha, được phục dựng bằng tưởng tượng, hư cấu. Nỗi khát khao trở về với bản nguyên, với thời khắc sự sống còn đắm trong niềm thiêng chính là cách phản ứng, là thái độ của thi nhân trước sự tha hóa của cõi sống hiện tại. Trở về là chối từ, là thoát ly thực tại, hướng đến một thực tại khác – thực tại huyễn tưởng. Mê hồn ca là khúc ca mê say, khúc hát lạc hồn, cũng là khúc từ li để trở về nguyên thủy: Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ/ Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe/ Thèm ăn một chút hoa man dại/ Rồi ngủ như loại muông thú kia” (Những hướng sao rơi).

Cõi tiền sinh trong thi giới Đinh Hùng được dựng nên bằng mĩ cảm Đông Phương, bằng kinh nghiệm thẩm mĩ của Đông phương. Nghĩa là, thế giới ấy là sản phẩm của một cấu trúc tinh thần của con người được “thác sinh” trên mảnh đất này. Lệ nhòa bóng núi, vệt dương sa, loài hoang thảo, bước chân cầm thú, ánh lửa bộ lạc, tình thái cổ, bóng ác thần, màu sương linh giác, trời ảo diệu, thành lạc hồn, biển giác, cây từ bi, kỳ nữ, gót sen tố nữ, đêm huyền, mặt phù sinh… chính là những thi ảnh, biểu tượng kiến tạo nên thực tại huyễn tưởng trong hoài ức của Đinh Hùng. Một thế giới của quan niệm, phản ánh chất thơ và những hệ giá trị nằm trong trường thẩm mĩ của thi nhân. Duy linh, duy cảm là nét chủ đạo, phản ánh sinh khí Đông phương bao trùm thi giới Đinh Hùng.

Rũ bỏ một cách quyết liệt đến bạo tàn thực tại tha hóa, đòi xóa bỏ, hủy diệt thành quách, đô kỳ, cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng bị vây bủa giữa trập trùng những trại thái vừa diệu kỳ lại vừa khổ ải. Muốn Thoát duyên trần cấu, mơ về một Thần Tượng, Chiêu Niệm những giá trị nguyên sơ đã mất nhưng tất cả dường như chỉ là ước vọng, là hoài tưởng. Cái tôi mang hai nỗi đau, một của thực tại bất như ý và một của giá trị ngưỡng vọng nhưng huyễn tưởng. Cái tôi rơi vào trạng thái: khóc nhiều, đau xót, mê muội, gục khóc, muốn điên, cuồng dại, nổi giận, quên hết, làm bạo chúa, thấy lòng tê tái và say giấc ngủ đau thương

Phương Đông đã đến tận cùng trong cõi lòng Đinh Hùng. Chất tượng trưng, siêu thực có được trong thi giới là sự phát lộ của cảm quan tượng trưng trong mĩ cảm Á Đông, vừa huyền bí, siêu hình, vừa linh lung diễm ảo, bàng bạc thứ khói sương của huyền thoại.

Trong thơ Đinh Hùng còn có một nguồn mạch mang dấu ấn phương Tây mà rõ nhất là hơi hướng của Baudelaire, đặc biệt là Rimbaud. Tinh thần chung của thơ ca lãng mạn (cần phải ý thức rõ trong thơ mới Việt Nam, cho đến Đinh Hùng, Dạ Đài vẫn rất nhiều dấu vết của thơ ca lãng mạn, dù các thi sĩ đã nỗ lực đưa thơ đến địa giới của loại hình tượng trưng và siêu thực) là thoát ly, là cảm xúc tràn bờ. Sự thoát ly cố nhiên là khác nhau, do mĩ cảm, tư duy của mỗi thi sĩ khác nhau. Tuy nhiên, khi soi chiếu vào hai hệ thống thơ Pháp thế kỷ XIX và thơ mới Việt Nam (1932-1945), giữa những nhà thơ có điểm tương đồng về quan niệm thẩm mĩ ta nhận ra Đinh Hùng đã gặp gỡ với Rimbaud.

Điểm gặp gỡ lớn nhất giữa Đinh Hùng và Rimbaud chính là xúc cảm về sự trở về – một dạng thức thoát ly. Trong quan niệm thông thường, trở về luôn đem lại những hình ảnh của một thế giới hồi tưởng. Thế nhưng, trong thơ Đinh Hùng và Rimbaud đó lại là thế giới của huyễn tưởng. Một thế giới được kiến dựng bởi tưởng tượng, hư cấu. Như thế, xét đến cùng, điểm gặp nhau của Đinh Hùng và Rimbaud chính là cơ chế của tư duy và mĩ cảm.

Trong thơ Đinh Hùng và Rimbaud ta bắt gặp một thế giới gần gũi với thiên nhiên, hay nói cách khác là một cõi sống xa rời thế tục, xa rời những dấu vết thị thành, tìm về thiên nhiên thuần lương và thanh khiết: Buổi chiều xanh, trên những con đường nhỏ/ Rảo bước chân trên hoa cỏ nhẹ nhàng/ Mơ ước trong đầu, trên tóc ngọn gió/ Tôi nhận ra hơi mát dưới bàn chân/ / Không nghĩ suy, không lời trên môi lặng/ Nhưng con tim yêu hết thảy trên đời/ Và ngọt ngào trong hoàng hôn thơ thẩn/ Thiên nhiên tựa hồ như người đẹp cùng tôi (Cảm giác, Thơ Rimbaud, Nguyễn Viết Thắng dịch); Quên đi em hãy sống đời cây cỏ/ Từng linh hồn dan díu với hương hoa (Trời ảo diệu – Mê hồn ca).

Trong thơ Rimbaud ta nhận ra vẻ đẹp kì diệu, nguyên sơ của thiên nhiên nhưng cũng nhận ra sức mạnh hủy diệt của nó đối với cuộc sống trót tha hóa của con người. Trong cơn say, trong sự chuếnh choáng thi nhân nhận ra sự diệu kì của thiên nhiên. Đó là tiếng vẫy gọi để rời xa, để trở về. Nơi niềm xúc cảm đã trào dâng đến độ mê say ngây ngất, tâm hồn thi nhân là một Con tàu say xuyên qua những miền hùng vĩ và nguyên sơ, những vũng cạn, vực sâu, những ngọn sóng khủng khiếp của đại dương. Con tàu say đã vượt qua ranh giới cứng nhắc và cũ kĩ của “lan can Châu Âu”, hướng mũi về những vùng không gian huyền bí đầy vẫy gọi. Rimbaud muốn gieo xác mình trên đồng cỏ mượt nguyên sơ cũng như Đinh Hùng muốn nằm trên cỏ xanh, ăn hương hoa dại và ngủ như bầy muông thú (Như một đồng cỏ mướt/ Gieo xác chốn quên lãngBài hát từ đài cao nhất, thơ Rimbaud, Cù An Hưng dịch; Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ/ Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe/ Thèm ăn một chút hoa man dại/ Và ngủ như loài muông thú kiaNhững hướng sao rơi, Đinh Hùng). Thế giới của Rimbaud trong Một mùa ở địa ngục là sự tương phản của hai không gian. Một không gian tù đọng, đã bị nền văn minh tha hóa, chật chội (lan can cũ kĩ Châu Âu, Vũng nước Châu Âu đen ngòm và lạnh cóng) và một không gian tuyệt diệu của cuộc sống thiên nhiên. Tương tự như thế, ta bắt gặp trong Mê hồn ca của Đinh Hùng một thiên nhiên tiền sử, huyền bí, diệu kì và ẩn chứa sức mạnh. Những thung sâu, những cánh rừng, loài hoang thảo, vệt dương sa, dấu chân muông thú, ánh lửa bộ lạc và mối tình thái cổ,…là nơi thi sĩ mơ về, là nơi vẫy gọi và dẫn dắt mĩ cảm. Đối nghịch với khung cảnh ấy là đô kỳ, thị thành tha hóa, con người tha hóa, xa lạ, vong bản, “mất tinh thần từ những thuở xa xôi”. Rimbaud cuồng say, Đinh Hùng “xót thương, căm giận, hung cuồng/ … gầm thét rung mấy trời thế sự” ra tay tàn phá đô kỳ, và “thản nhiên đi trở lại núi rừng” lẫn vào trong cỏ hoa muông vật.

Trong tư duy thơ, quan niệm về chất thơ của Đinh Hùng và Rimbaud có những điểm gặp gỡ. Thi sĩ là một kẻ mang lòng hoang dã, yêu thiên nhiên và gần gũi vẻ hoang sơ. Rimbaud bỏ học và lang thang trên ruộng đồng, mơ đến những hương hồn thảo dã như Đinh Hùng vọng về tiền sử, trong vệt dương sa, dấu chân cầm thú, những đêm hoang nguyên thủy, nơi con người lẫn giữa thiên nhiên… Bài Bầu chọn nhà thơ của Rimbaud là một bảo chứng cho luận điểm này. (Tuy vậy, điểm khác biệt mà ta thấy được là thiên nhiên trong thi giới Đinh Hùng là một khu rừng phương Đông Huyền bí và âm u, Thiên nhiên của Rimbaud mang vẻ đẹp tráng lệ như trong thần thoại Hy Lạp – trở về với Hy Lạp). Thi sĩ là sứ mệnh mà thánh thần đã mang đến cho Rimbaud, khắc trên trán ông dòng chữ: “ngươi sẽ là thi sĩ”. Người thi sĩ ấy ca tụng quang năng của thánh thần và mê ca cùng các nàng tiên trên tầng mây cao sáng láng. Cảm hứng thoát tục, trở về với Hy Lạp chính là phản ứng với thực tại tha hóa, bất trắc của thi nhân: Nằm bên bờ sông um tùm lau lách/ Nghe trong giấc ngủ tiếng nước róc rách/ Tôi lê cơn lười nhác được ru êm/ Bởi bản hợp xướng tuyệt vời của chim/ Từ thung lũng cao đàn bồ câu trắng/ Xuất hiện với những vòng hoa thơm ngát / Từ đảo Chypre thần Vệ nữ hái về/ Và đàn ong bay đến rồi bất ngờ/ Tôi bị vây trong tiếng đập của cánh/ Cổ tay tôi chúng choàng hoa sặc sỡ/ Và đầu tôi cánh hoa sim ngát hương/ Chúng nâng tôi bay bổng trong không gian (Bầu chọn nhà thơ – Huỳnh Phan Anh dịch). Đinh Hùng cũng thế, thế nhân tha hóa, đô kì làm tan hoang vẻ nguyên sơ, làm con người trở nên xa lạ với nhau, xa lạ với thiên nhiên. Sự xóa bỏ quyết liệt để trở về chính là tâm thức của thi sĩ: Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ/ Bên thành quách ta ra tay tàn phá/ Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ/ Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng/ Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng” (Bài ca man rợ).

Một biểu tượng nổi bật, cho thấy sự tương đồng giữa Đinh Hùng và Rimbaud chính là người tình. Bài Kỳ nữ của Đinh Hùng và bài Đêm đầu tiên của Rimbaud là những dấu hiệu của một nguồn cảm hứng về người tình say đắm. Người tình, về thực chất là một đối ảnh của thi nhân. Người tình trong thơ Đinh Hùng là người gái thuở ban sơ, là kỳ nữ, gái muôn đời, gái Giao Đài, tố nữ đêm huyền mang vẻ đẹp nguyên sơ, thanh tân: Ta đặt em lên ngai thờ nữ sắc/ Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da/ Buổi em về da thịt tẩm hương hoa/ Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết/ Ôi cám dỗ cả mình em băng tuyết/ Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân/…/ Em đài các lòng cũng thoa son phấn/ Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ… (Kỳ nữ). Người tình trong thơ Rimbaud cũng hiện lên với vẻ đẹp thanh tân như thế: Nàng ngồi trên ghế dựa cao/ Na thân để lộ biết bao nhiêu tình/ Hai tay kh chắp bên mình/ Hai bàn chân nhỏ hữu tình làm sao/ Mầu da sáp mịn ngọt ngào/ Lung linh tia sáng dọi vào cành tươi/ Chập chờn cánh bướm môi cười/ Trên bồng ngực đó lả lơi nụ hồng (Đêm đầu tiên – Thơ Rimbaud, Lý Lãng Nhân dịch). Mĩ cảm của hai thi sĩ đã gặp nhau, kết tụ trong hình tượng mang tính đối thể của cái tôi trữ tình. Đặc biệt, với niềm ngưỡng vọng đến thiêng liêng, người tình trong thi giới của hai nhà thơ này xuất hiện trong bối cảnh hết sức diễm lệ. Dưới màu xanh thuần khiết của thiên nhiên, ruộng đồng, trên thảm cỏ lá mềm, trong sắc cỏ linh lăng, trong mùi phúc bồn tử và dâu (Rimbaud), trong hương thơm êm ái của dã hoa, trong đêm hiền hậu, đêm tiền sử, giữa mùa xuân hoa cỏ lừng thơm Hương trinh bạch… (Đinh Hùng) người tình tuyệt sắc hiện ra. Đó là một vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, là tinh chất của thiên nhiên.

Nét bút điên trên trang sách diễm tình chính là hình thái của một cấu trúc tinh thần vượt qua (chối bỏ) cái thường nhiên của trần giới. Thơ Đinh Hùng là sự hiện hình của một thực tại huyễn tưởng, nhưng đó là cõi giới mà thi nhân kiếm tìm để nương náu. Một chối bỏ, khước từ, một kiến tạo, phục sinh, thi nhân đồng thời bày tỏ hai thái cực của xúc cảm: điên trong hủy diệt và tái tạo những trang diễm tình, sự uất ức với thực tại và niềm mê đắm cõi tiền sinh, tiền sử. Trong tư duy và mĩ cảm có tính phân cực ấy của Đinh Hùng ta nhận ra dấu vết của truyền thống phương Đông và cả những nguồn thi hứng gợi lên từ Phương Tây. Vấn đề nguồn ảnh hưởng trong thơ Đinh Hùng sẽ phức tạp hơn những gì chúng ta đã phác thảo ở đây. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề từ việc đối sánh hai thi giới với ba trụ cột: cái tôi trữ tình, người tình, thế giới trong thơ Đinh Hùng và Rimbaud, chúng ta bước đầu có được cái nhìn khái quát. Hội lưu với mạch nguồn Đông phương là mạch nguồn đến từ phương Tây xa lạ, mới mẻ. Hai dòng thi cảm này đan bện vào nhau, hình thành thế giới nghệ thuật của thi nhân. Sự kế thừa và những tương đồng nhất định của Đinh Hùng với vốn liếng truyền thống Đông phương hay Tây phương cho thấy một khả năng tích hợp kì diệu của hai nền văn hóa. Còn nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề nội lực tinh thần của thi nhân chúng ta chưa có dịp bàn kĩ ở đây, nhưng sẽ hứa hẹn đem đến những kiến giải thấu đáo hơn về hiện tượng Đinh Hùng trong dòng chảy của thơ trữ tình Việt Nam.

Khải Thiên

Nguồn: Vanhocquenha.vn.