Cứ mỗi khi sang Đông, tôi thấy Hà Nội đẹp nhất. Thời tiết, ánh sáng mùa Đông hợp với những hàng cổ thụ, mái phố thâm nâu. Cái đẹp để chuẩn bị đón Tết ở thời mà tưởng như người đói rét đã thành hiếm. Dân đô thị chẳng thiếu gì, trong sự tĩnh lặng cuối năm mới nhận ra thiếu rét và sự bình yên.
Hà Nội, thành phố lâu đời nhất Việt Nam nhận nhiều danh hiệu không chỉ xác định theo địa giới, vai trò hành chính, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Không phải quê gốc của số đông, Hà Nội lại là thành phố đông dân hàng đầu. Dân khắp nơi tụ về và nếu không thể che giấu được thổ âm thì hầu hết người miền Bắc, Bắc miền Trung vào miền Nam đều nhận là “người Hà Nội”. Đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, chốn quần anh hội với cảnh sắc, những thú chơi tao nhã, văn thái phong lưu nức tiếng lâu đời thanh lịch, hào hoa, là đề tài, vựa cảm hứng của các thế hệ nghệ sĩ, nơi sáng tạo – bối cảnh của nhiều loại hình nghệ thuật.
Hè 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cộng thêm tỉnh Hà Tây, một phần đất Hoà Bình, Vĩnh Phúc. Mới thế đã sắp 8 năm, tôi đã nghĩ cả đời sẽ chẳng đi hết thành phố. Đất thánh rồng cuộn hổ ngồi, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, từ năm 1010, đất Thăng Long – Kẻ Chợ, chắc tiền nhân chẳng lường nổi có ngày địa giới sẽ bao la mênh mông đến thế. Hà Nội đã vắng tàu điện 30 năm, thành phố duy nhất của Đông Dương được người Pháp lắp tàu điện, sau này chính quyền Hà Nội đã tháo dỡ đi với lý do cho đường rộng thêm. Giờ thì có thêm bao đường mới nuốt qua, xoá sổ làng, đồng ruộng, lấp mương, những ngã tư gù lưng cầu vượt vẫn không đáp ứng nổi khi tất cả mọi phương tiện đều lưu thông chung trên mặt đường. Tôi ước ao Hà Nội được như Sài Gòn xây dựng tàu điện ngầm, nhưng Hà Nội luôn chậm hơn “Hòn ngọc Viễn Đông”. Không riêng khu phố cũ (thường gọi là phố cổ), mọi phố khi không còn tàu điện, chật vẫn hoàn chật, thường xuyên không thể đi bộ trên vỉa hè. Cấm xích lô, cho xích lô là kềnh càng, lại cho xe điện Trung Quốc to gấp mấy lần chở khách bát phố lưu thông tuyến, bến.
36 năm nay, Hà Nội là nơi tôi viết hầu hết tác phẩm thơ, văn. Nói như nhà văn Mạc Ngôn, đây là “quê hương sáng tác” của chúng tôi. Hà Nội với mật độ gallery, rạp chiếu phim, nhà hát, hàng nghìn văn nghệ sĩ có khí quyển nghệ thuật đậm đặc, tính cạnh tranh khốc liệt và sự thích ứng tương liên đồng hành để bất cứ ai về đất này muốn có chỗ đứng, muốn khẳng định bản thân cần nỗ lực rất lớn; khi được công nhận rồi thì vị trí ấy bền vững và sáng giá. Ở đây, mỗi ngày đều có nhiều sự kiện nghệ thuật tại các địa điểm khác nhau, đa số tập trung ở khu vực trung tâm thành phố.
36 phố phường vẫn còn, dù đa số phường nghề chỉ còn là tên gọi, nhiều nghề bị thất truyền, mai một, thay đổi khác xa tên gọi phố cũ. Ngôi nhà của danh hoạ Bùi Xuân Phái vẫn ở 87 phố Thuốc Bắc, bà quả phụ Nguyễn Thị Sính và con trai Bùi Thanh Phương sống ở đây. Căn phòng 20m2 ông sống và vẽ trước kia, nay là phòng khách, nhà đã có thêm mấy phòng trên gác. Vợ, con, cháu không phải sống chật chội sau khi ông qua đời, nhờ tranh của ông. Bùi Xuân Phái đưa phố cổ vào tranh, khiến chúng nổi danh. Nâu, xám, đen, tông trầm là chủ đạo, phố thường xuyên vắng, người đi bộ từ xa, gánh hàng hoa, hàng rong chậm rãi, cảnh phố ngày và đêm, nắng hay mưa đều êm ả. Phái đã vẽ những ngôi nhà đặc trưng Hà Nội. 36 phố phường, khởi sinh và định vị một danh từ mới: Phố Phái hơn cả sự xưng tụng cho một thể loại mà ông đạt đỉnh cao. Tên ông đặt cho một giải thưởng hằng năm mà gia đình liên kết với báo Thể thao và Văn hoá cho những ý tưởng và việc làm “Vì tình yêu Hà Nội”. Nếu Bùi Xuân Phái sống lùi thời gian về sau hay còn sống đến lúc này, ông không thể vẽ được, không vẽ nổi, thậm chí chẳng muốn ra đường bởi những xô bồ bát nháo. Tôi nhiều lần đến ngôi nhà của Phái, xem 70 bức tranh còn lại treo trong nhà, tìm lại Hà Nội ngày xưa, tìm Hà Nội trong lòng Hà Nội.
Những vương triều vang bóng còn đâu, điện Kính Thiên chỉ còn mấy bậc thềm và đôi rồng đá, hồ Tây, Trúc Bạch hẹp dần. Lục Thuỷ – hồ Gươm – Hoàn Kiếm nước vẫn xanh, nhưng là nước của ô nhiễm, tầm nhìn bị chắn ở khắp nơi, toà nhà xấu xí “hàm cá mập” làm hỏng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục lẫn không gian hồ Gươm. Hà Nội mất rất nhiều ao, hồ, sông Hồng hẹp và cạn nước. Năm 2014, Hà Nội mất thêm cả nghìn cây vì bị cưa chặt. Cây vẫn bị cắt cành, cụt thân hằng ngày. Hà Nội là thành phố cây – hồ. Không chỉ là bóng mát, điều hoà không khí, cảnh quan, cây hồ còn là lịch sử, ký ức. Đất, nước và không khí ô nhiễm, Hà Nội còn bị ô nhiễm âm thanh. Hà Nội ngày nay ồn ào, hỗn loạn quá! Người Hà Nội sống ở nước ngoài, người Hà Nội đi xa, người Hà Nội lớp cũ vẫn kêu như thế. Những người hiểu biết có thể kêu như thế ít dần. Năm tháng lấy dần đi những con người, lấy dần sự cổ kính của kinh thành mà lẽ ra phải được giữ một cách nâng niu bởi đó là giá trị nổi trội của Thủ đô.
Tôi cứ tưởng mình đã thạo hiểu phố cổ Hà Nội và những đường phố trung tâm bởi ngoài đi bằng thực địa, tôi còn đọc kỹ văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Vũ Bằng, tìm hiểu Hà Nội qua sách của Nguyễn Vinh Phúc, Dương Trung Quốc… Nhưng xem triển lãm ảnh “Ký ức phố” của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, tôi mới nhận ra mình chưa và có lẽ không bao giờ đi hết được Hà Nội nên thơ ấy. Nguyễn Hữu Bảo sinh trưởng và sống ở ngôi nhà 48 phố Hàng Đào suốt đời, ông có vạn ảnh chụp phố cổ Hà Nội, cảnh người, những liên tưởng, liên hệ so sánh vừa hóm hỉnh vừa chua xót trước mọi đổi thay. Ông chụp Hà Nội từ khi có thể nhìn đỉnh Tam Đảo từ nóc nhà mình đến lúc muốn ngắm trọn pháo hoa hồ Gươm phải leo lên đỉnh một khách sạn gần nhất (vì đã quá nhiều nhà cao). Tôi có thể hiểu sự cực đoan của Nguyễn Hữu Bảo khi ông chỉ chuyên chú chụp Hà Nội khu vực quận Hoàn Kiếm và coi đấy là Hà Nội của ông. Ông và anh trai, nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn lấy vợ là hai chị em ruột Như Hoa – Như Quỳnh người phố Bát Đàn, con của cặp nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Tiêu Lang – Kim Xuân người Hà Nội gốc. Mấy đời họ sống ở trung tâm của trung tâm Hà Nội, thuộc từng cột điện sắt gày thời Pháp còn lác đác, thuộc từng cái cây góc phố. Tên Bùi Xuân Phái được đặt cho phố nhỏ trong khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, nơi trước đây là cánh đồng Mễ Trì, mà sinh thời danh hoạ chưa từng đến. Phố cổ, phố trung tâm không có chỗ cho ông. Song thật vô lý khi Trịnh Công Sơn, người Huế, sống và qua đời ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có bài hát “Nhớ mùa Thu Hà Nội” lại được đặt tên đường mà Hà Nội chưa hề có phố Thạch Lam. Đây là một sai, lỗi, vô lý và không thể kéo dài thêm nữa! Thạch Lam (1910-1942) đã tôn vinh Hà Nội với phố, với người với những thức quà bằng văn chương và bất tử hoá tất cả. Thạch Lam sống trong lòng nhân dân Hà Nội và độc giả, dù ông đoản mệnh qua đời ở tuổi 32. Thạch Lam viết về Hà Nội tuyệt tác thế mà bị quên, còn TP. Hồ Chí Minh lại nhớ, tôn vinh ông bằng con đường thuộc quận Tân Phú. Hà Nội chưa có phố Thạch Lam nhưng phố mang hồn Hà Nội thì vẫn thấp thoáng bóng dáng ông, người đã dồn sinh lực và tài năng hiếm biệt của mình cho “Hà Nội 36 phố phường” đầy chất thơ và sống thơ mãi mãi. Sự sống thơ ấy không lệ thuộc vào so sánh giữa hôm nay và ngày xưa, hiện tại và quá khứ mà ở những đôi mắt thơ biết/có thể nhìn hiện thực chắt lọc, tìm kiếm và gìn giữ những vẻ đẹp, sự quý giá bằng tình yêu da diết, những ý tưởng đi liền hành động.
Có quá nhiều danh hiệu, khẩu hiệu dành cho Hà Nội: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, “Thành phố vì hoà bình”, với các chỉ tiêu tăng trưởng, kế hoạch, tầm nhìn từ 10 đến 50 năm sau. Quan sát tốc độ xây dựng của Hà Nội theo một quy hoạch thiếu tầm nhìn và sự trọng thị cần thiết để bảo tồn văn hóa đã khiến Thủ đô bị mất, bị xâm hại mất di sản, xấu đi từng ngày. Có quá đông kẻ nói yêu Hà Nội mà không nhiều người biết hành động, đấu tranh, bảo vệ những vẻ đẹp và giá trị tinh thần của Hà Nội. Lời yêu đâu phải xảo ngôn, diễn ngôn lười biếng thốt ra dễ dàng, một tình yêu sâu sắc và bền bỉ rất cần hành động kịp thời và thiết thực. Hà Nội của quá nhiều người, của nhiều “chúng ta”. Còn Hà Nội của chúng tôi là Hà Nội tinh chất, chưng cất, thẩm lắng của tập đại thành văn hiến nước nhà. Thẩm lắng tiếng non sông, đất trời, khí thiêng ngàn đời qua những phả hệ, di chuyển văn hoá.
Bính Thân này là năm tuổi của tôi, cũng đúng 35 năm mất của ông nội tôi, hoạ sĩ Vi Kiến Minh (1926-1981), cựu sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (tên cũ là Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). Trên xe đạp cũ, lốp buộc chằng chịt, ông nội tôi thường đi khắp các phố, ngõ yên tĩnh để ký hoạ. Ông không tỏ bày trên báo chí, lặng lẽ viết trong sổ tay về tình yêu Hà Nội và vẫn nói với bạn bè: “Tôi có chết cũng làm ma Hà Nội”. Biết bao anh hùng các thời đại đã hiến dâng máu, tuổi xuân và sự sống cho Thủ đô yêu dấu. Tôi đã đi thăm Hà Nội cổ kính cùng Nguyễn Hữu Bảo qua 89 ảnh của ông vào trưa 20-12-2015 khi “Ký ức phố”, còn một ngày là bế mạc, ngàn lượt khách trong và ngoài nước đã xem. Không nhiều người trong số đó gặp ký ức chất chồng khi xem những bức ảnh. Ký ức phố vẫn tiếp diễn. Nguyễn Hữu Bảo đã ghi lại cảnh vật, sự vật đúng thực tế, không dàn dựng theo bản chất nghệ thuật của khoảnh khắc làm nên “một triển lãm không thể xem nhanh” như lời của nhà sử học Dương Trung Quốc, người con phố Hàng Đường nhận định.
Xuân đến, mỗi chúng ta đều có điều ước cho mình và gia đình. Ai ước cho Hà Nội? Chúng tôi, những người yêu Hà Nội tinh hoa, ước cho Hà Nội ấy đừng mất, đừng xói mòn thêm nữa, ước thành phố hoà bình xanh hơn, nhiều chim về, chim hồn nhiên, tự do sà cánh trên cành cây, đường phố, vườn hoa mà không nơm nớp âu lo trong thành phố hoà bình. Hà Nội của chúng tôi 1006 lần quang hợp thanh xuân, Hà Nội thiêng bởi linh hồn của lịch sử hào hùng, vàng son, uy dũng, thăng hoa bởi những tâm hồn người đã mất và đang sống đắm đuối yêu thương trong mạch máu. Muốn biết ai là người Hà Nội, ít nhất là định cư Hà Nội lâu bền, cứ nhìn vào đợt Tết. Khi vắng, Hà Nội đẹp hơn. Lúc đó chúng tôi thấy giá của tĩnh lặng thật thuyệt vời! Nó khiến ta cảm động và lòng trào lên xúc cảm muốn viết, vẽ, chụp ảnh… Hạnh phúc đâu phải những gì xa vời, hạnh phúc là buổi sáng mùng Một thanh thản ra phố gặp cô bán muối, không một chút phân vân mặc cả, mua ngay muối lấy may. Hàng xóm, người không quen cũng hồ hởi, tươi chào chúc nhau trên phố vắng. Ban ngày Hà Nội đỡ nhọc mệt hơn, buổi tối ánh đèn rực rỡ làm Hà Nội lung linh lộng lẫy hơn. Giấc mơ ấy chỉ diễn ra tối đa vào 2 ngày đầu năm mới.
Hà Nội vào Xuân thèm mưa phùn bay, nhớ rét…
Theo Vi Thùy Linh – Nguồn Văn nghệ số 8/2016