Mai Nam Thắng

Trong khuôn khổ các hoạt động kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga (1917 – 2017), sáng 6-7-2017, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Văn học Nga – Xô Viết với văn học Việt Nam” tại trụ sở Hội (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).

Đoàn chủ tọa điều hành hội thảo gồm: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên Hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận-Phê bình Hội nhà văn Việt Nam (Khóa IX) và nhà văn Olex Mitophanovic Bavưkin, Chủ tịch Ban đối ngoại Hội Nhà văn Nga.

Phát biểu khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỉ XX, có những cống hiến vô giá cho lịch sử nhân loại nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng. Chúng ta có hơn nửa thế kỷ chứng kiến ảnh hưởng to lớn của những tinh hoa văn học Nga đối với với công chúng và toàn giới văn học Việt Nam. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Cuộc sống dù có thể thay đổi rất nhiều nhưng lòng biết ơn của chúng tôi với nhân dân Nga, văn học Nga là vô cùng bền vững, không bao giờ thay đổi.

Tham luận có tính chất đề dẫn hội thảo của nhà phê bình Lê Thành Nghị nêu rõ: Văn học Nga và văn học Xô Viết mà ngọn nguồn là Chủ nghĩa nhân đạo cao cả trong đó có Chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, chất lãng mạn Nga rất đặc trưng, trong đó bao gồm cả “hiện thực thứ ba” mà M.Gorki đề xuất từ một luận điểm nổi tiếng của Lenin: “Con người phải biết nhìn hiện tại từ chỗ đứng của tương lai” (Lenin), nơi tôn thờ cái đẹp và tình yêu con người, nơi ký thác những khát vọng hoàn thiện nhân cách, nơi cất chứa mọi ý niệm triết học từ trí tuệ và chiều sâu văn hóa Nga, nơi lưu giữ vẻ đẹp độc đáo tính cách và tâm hồn Nga… đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam. Không sợ nói quá khi cho rằng, văn chương nghệ thuật Nga Xô viết đã làm giàu có tâm hồn, làm hình thành nhân cách, làm rắn rỏi tinh thần của rất nhiều lớp người đọc Việt Nam. Nhiều cuốn sách đã trở thành phương châm sống, gối đầu giường, thành bạn đường tin cậy và thông thái, được trích ghi trong nhật ký, theo chân các thế hệ ra mặt trận, đã góp phần làm nên những chiến công trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do ở Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Liên bang Xô Viết và văn học Nga – Xô Viết cũng luôn luôn là niềm tin, niềm tự hào của các thế hệ cầm bút ở Việt Nam. Có thể nhận ra việc tiếp nhận tinh hoa văn học Nga – Xô Viết ở Việt Nam là một quá trình liên tục và sâu sắc, đặc biệt là từ sau Hiệp định hợp tác văn hóa Xô-Việt được ký kết tháng 2 năm 1957, sau đó hàng loạt tác phẩm văn học Nga – Xô Viết được ra mắt tại Việt Nam… Qua những tác phẩm ấy, phẩm chất hiện thực sâu sắc của văn học Nga thế kỷ XIX, cũng như chất sử thi bi tráng của văn học Xô Viết không chỉ đã thu hút người đọc, mà còn in dấu khá đậm trong thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh, đây là quá trình tiếp nhận tự nguyện, từ sự đồng điệu của trí tuệ và tâm hồn.

Với lòng yêu mến, tri ân nước Nga và tình yêu với văn học Nga – Xô Viết, các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả: Giáo sư Trần Đình Sử, Dịch giả Lê Sơn, Dịch giả Thúy Toàn, Giáo sư Phong Lê, Tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh, Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng… đã trình bày những tham luận về sức lan tỏa của văn học Xô Viết dưới ánh sáng Tháng Mười; Văn học Nga thời kỳ cải tổ và hậu Xô Viết; vai trò của lý luận văn học Xô Viết đối với nền Lý luận – Phê bình văn học Việt Nam hiện đại; về việc đẩy mạnh giới thiệu văn học Nga với bạn đọc Việt Nam và văn học Việt Nam với bạn đọc Nga hôm nay.v.v.

Phát biểu tại hội thảo, nhà văn Olex Mitophanovic Bavưkin, chia sẻ: Hiện nay ở Nga vai trò của nhà văn không được đề cao như thời Xô Viết, chính vì thế, sự nghiệp văn học giữa hai nước phải thông qua các nhà văn trẻ. Bởi thế hệ chúng tôi biết rõ Việt Nam chiến đấu như thế nào, nhưng thế hệ trẻ ở Nga hiện nay không biết nhiều về Việt Nam. Cần phải có sự hợp tác giữa các nhà văn trẻ hai nước. Tại Nga, dù các nhà văn trẻ sống ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng họ vẫn sống trong lòng nước Nga. Và tôi có nhiệm vụ tập hợp họ lại, giới thiệu với các bạn những nhà văn trẻ nhất của chúng tôi, đưa các nhà văn trẻ Nga sang Việt Nam, và các bạn cũng nên đưa các nhà văn trẻ Việt sang Nga để giao lưu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh thông báo với nhà văn O.M.Bavưkin về việc đặt tượng A.S.Pushkin tại Hà Nội (Ảnh: TUYÊN HÓA)

Đáp từ phát biểu của nhà văn Olex Mitophanovic Bavưkin, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết một tin vui: Tượng đài nhà thơ thiên tài Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin do Hội Nhà văn Nga tặng thành phố Hà Nội sẽ được đặt tại công viên Hòa Bình trên đường Phạm Văn Đồng, và lễ đặt tượng sẽ được tiến hành trong thời gian sắp tới… Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Các thế hệ nhà văn Nga và Việt Nam quyết không để cho quan hệ giữa hai Hội nhà văn của hai nước bị gián đoạn. Về phía Hội Nhà văn Việt Nam luôn luôn coi quan hệ với Hội Nhà văn Nga là mối quan hệ đối ngoại quan trọng số một!

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version