V.V

Hà Nội đầy nắng gió và mưa, một đặc sản mới của những ngày giao mùa, lòng người miên man gợi nhớ những kỷ niệm xưa cũ, chất chứa trong Phố chất đầy năm tháng.
Phố chất đầy năm tháng là tập tạp văn tuyển chọn từ Hà Nội tạp văn gồm 99 bài Hà Nội, sách được chia thành 3 phần gồm Thương nhớ Thăng Long, Miền ký ức và Khúc giao mùa.

Xuyên suốt các trang viết là những cảm xúc tinh tế, lãng mạn về một Thủ đô Hà Nội cổ xưa và hiện đại, giàu chất thơ nhưng cũng tràn ngập chất liệu thực tế của đời sống xã hội. Đọc sách, bạn sẽ có cảm giác như bất cứ điều gì ở mảnh đất linh thiêng và hào hoa này cũng có thể trở thành cảm hứng sáng tác. Đó là những mái phố thâm nâu, bóng dáng cây cầu Long Biên lịch sử hay Tháp Rùa trầm mặc rêu phong, là ký ức tuổi thơ tràn ngập yêu thương với người bà, người mẹ tần tảo nơi quê nhà, là màu trắng tinh khôi mùa hoa loa kèn xuống phố, là hoa phượng đỏ chói hay bằng lăng tím ngắt mỗi chiều mùa hạ, là bước chân thiếu nữ ngập ngừng giữa cơn mưa lá trút, là bất chợt hương hoa sữa nồng nàn, là những món ăn đậm đà hương vị Hà Nội như phở, bún chả hay bát bún ốc nơi hè phố… Đó là những gì làm nên hồn cốt Hà Nội. Tất cả đều gợi nên niềm thương nỗi nhớ không chỉ trong lòng người đi xa mà cả những người đang sống giữa thành phố nghìn năm yêu dấu…

Trong Phần đầu cuốn sách, Thương nhớ Thăng Long, là những câu chuyện nhỏ gợi nhớ Thăng Long xưa cũ. Đó là Dáng Hà Nội của tác giả- nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu, là Một thoáng Hà Nội của Phạm Khải hay Em ơi, Hà Nội ngõ của Nguyễn Quang Hưng… những nét chấm phá khiến độc giả có cái cảm giác quen thuộc, gần gũi về Hà Nội- Thăng Long xưa.

Sang Phần II lại cũng là Hà Nội nhưng trong ký ức mỗi người, Hà Nội lại hiện ra với những nét dịu dàng khiến độc giả có một hoài niệm về Hà Nội đẹp, hết sức nên thơ của những Ký ức phố, Con đường nhỏ ngoại ô, Thương về ao làng, Đi dưới những khoảnh trời, Quầng sáng tuổi thơ, Miền nắng, Rơm vàng, Tháng ngày xanh biếc… Những tác giả, có người sinh sống ở Hà Nội, lại có người từng sinh trưởng ở mảnh đất này nhưng tất cả đều lưu giữ nhiều ký ức đẹp về Thủ đô.

Ở Phần III cũng là phần tập trung nhiều bài viết về Hà Nội nhất trong tập sách, lại mang đến cho người đọc trọn vẹn cảm xúc của một năm, từ Hà Nội bốn mùa, Tháng Hai rét lộc, Phải lòng tháng Ba, Hoa gạo đỏ, Hoa loa kèn tháng Tư, Sắc màu mùa hạ, Hà Nội vào thu, Cúc họa mi dịu dàng phố, Cốm Vòng – hồn quê Hà Nội, Bỗng nhiên gió lạnh đầu mùa, Nỗi nhớ mùa đông… của nhiều cây viết gắn bó với Hà Nội như Bùi Kim Anh, Hoài Hương, Nghiêm Huyền Vũ… mỗi tản văn kể lại một câu chuyện Hà Nội, một cảm nhận về Hà Nội, là những góc nhìn sống động về một Hà Nội xưa cũ mà cũng mới mẻ đối với nhiều người.

Phố chất đầy năm tháng do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ phối hợp với báo Hà Nội mới xuất bản, đến tay bạn đọc trong những ngày tháng 10 này.

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version