Rít một hơi thuốc thật dài và sâu để cho cái đốm lửa đỏ trên điếu thuốc bén đến tận đầu lọc, phả ra luồng khói đặc quánh, khét lẹt, Báu râu vừa vung vẩy tập tiền hai trăm nghìn trước mặt Vàng Lao Lánh vừa cất giọng khàn khàn:
– Bốn triệu, có đồng ý bán không? Nói thật, từ ngày đi buôn cành đào tới giờ, tao chưa mua cây đào nào bằng nửa số tiền này đâu. Chẳng qua thương mày nghèo…
Lánh cứ tưởng cái tai mình nghe nhầm. Nhưng Lánh không nghe nhầm. Báu đập bộp tập tiền xuống cái bàn gỗ trước mặt Lánh, khụng khiệng. Đấy, có bán thì đếm đi để tao gọi người đến đào. Cây này phải đào cả bầu đem về.
Suýt nữa thì Lánh gật đầu và vồ lấy tập tiền. Nhưng bỗng dưng trong đầu Lánh hiện lên ánh mắt của bố đêm qua. Đêm qua, Lánh vừa chợp mắt thì thấy bố về. Bố vẫn mặc cái áo sò bạc phếch và cái quần ống rộng mẹ dệt cho ngày xưa. Bố không vào nhà, chỉ đứng cạnh gốc cây đào già duy nhất còn sót lại trong vườn, bố bảo Lánh:
– Lánh à, con nai ăn khóm cỏ non cũng còn biết để lại cái gốc, con dúi ăn củ măng còn biết giữ lại cây tre. Vại(1) mất nhiều cái sức để trồng lên vườn đào, thế mà mày chỉ biết nghĩ nông như cái muôi gỗ thôi à? Con lợn béo tốt cũng không bằng cái vườn gầy. Mày đã bán hết cả vườn đào vại trồng, còn mỗi cây đào vía thần núi cho ta, không được bán đi đâu đấy. Nhà ta không đói, bản ta không nghèo là nhờ cái cây đào này. Lúc ta nghe bài Khua Kệ của thầy cúng Sồng Lao Làng để tìm đường về với tổ tiên, vía cây đào nó đi theo ta rồi mà.  
Cây đào này là thần núi tặng cho bố, từ cái ngày Lánh còn chưa kéo nổi cái dây nỏ để bắn con chuột trong hang cơ.
*
*    *
Hôm ấy, bố Lánh là ông Lử đang mải miết cuốc nương bỗng nghe tiếng khỉ kêu thất thanh. Nương nhà Lử nằm ngay dưới chân ngọn núi đá cao vút, trên ngọn núi có cái hang khỉ đông đến cả trăm con. Ngày nào đi làm nương, vợ chồng Lử cũng điếc cả tai vì nghe chúng nó cãi nhau chí chóe. Có hôm mải làm không để ý, lũ khỉ nghịch ngợm còn mò vào cái lều ở giữa nương xách trộm cái lù cở đựng cơm. Tức lắm, có lần ông đem cái nỏ đi bắn, nhưng chỉ dám bắn dọa thôi vì nhà nước đã cấm săn bắn thú rừng, ông lại là trưởng bản nên càng phải chấp hành. Lũ khỉ biết ông không bắn nên chẳng con nào sợ, cứ thấy ông lên nương là chúng xuống trêu ngươi. Lâu dần ông Lử cũng thấy quen, lại vui nữa.
Nhưng tiếng con khỉ kêu thảm thiết lần này làm ông thấy lạnh cả sống lưng. Ông vội quẳng cái cuốc, chạy vội lên. Bên gốc cây móc tậy già, có cái lồng bẫy bằng sắt, bên trong có chú khỉ con đang lồng lộn, cuống cuồng chạy quanh tìm lối thoát. Bên ngoài lồng, con khỉ mẹ lông vàng như trái bưởi rừng đang lay mạnh những nan sắt tìm cách cứu con. Nhìn thấy ông, khỉ mẹ phủ phục xuống như van nài, từ đôi mắt nhăn nheo của nó, mấy giọt nước trong vắt như sương sớm ri rỉ chảy.
Hây a, lần nào họp bản ông cũng nói về việc không được săn bắn, bẫy thú rừng rồi, thế mà vẫn có người không để lời của ông ở trong đầu thế này. Ông đi đến tháo chốt thả con khỉ con ra rồi xách cái lồng lững thững xuống nương, lòng buồn như con dao cùn chặt vào cây gỗ cứng. Phải họp bản, phải tìm cho ra người đã đặt cái bẫy này. Nó đem bẫy đặt ngay nương nhà ông, thế này thì khác gì thách thức nhau.

goc dao gia Minh họa: Lê Trí Dũng


Hôm sau, lúc vừa lên nương, chưa kịp đặt cái cuốc khỏi vai ông đã thấy hai mẹ con khỉ hôm qua đứng đợi sẵn ở đầu nương. Thấy ông, chúng mon men đến gần, trên tay khỉ mẹ ôm một quả đào mèo to. Khi còn cách ông khoảng chục bước chân, con khỉ đặt quả đào lên hòn đá, cố để ông nhìn thấy rồi hai mẹ con chạy biến vào rừng.
Ố, cái lũ khỉ cứ tưởng chỉ biết quậy phá, thế mà cũng biết trả ơn cơ đấy. Ông Lử thấy vui vui, vội nhặt trái đào lên. Quả đào con khỉ để lại vừa chín, lấm chấm những cái chấm đỏ tươi, to đúng bằng cái vốc tay xù xì của ông. Bản Keo Đồn nhà nào mà chẳng trồng dăm bảy gốc đào mèo, nhưng từ nhỏ tới giờ ông chưa nhìn thấy quả đào nào lại to và đẹp như thế này. Ông đưa lên miệng cắn thử một miếng. Miếng đào giòn rôm rốp, ngọt lịm lan tỏa trên đầu lưỡi. Sau đó là một vị thơm rất lạ, rất đằm. Vị ngọt cùng với hương thơm lạ của trái đào cứ quyện vào nhau, lan tỏa mãi khiến ông thấy sảng khoái và khỏe mạnh lên hẳn. Chỗ miếng đào ông vừa cắn, thịt đào đỏ hồng như cánh hoa ban. Cái hạt đào lộ ra đỏ sậm với những đường vân uốn lượn như những thửa ruộng bậc thang.
Hồi bố ông còn sống, ông thường nghe bố kể lại rằng, trên đỉnh núi đá cao vút này có một rừng đào của thần núi, quả to như cái bát ăn cơm, ai bị bệnh, chỉ cần ăn một miếng là khỏe lại như thường. Nhưng bố ông cũng chỉ nghe người già kể lại chứ ngọn núi cao dựng đứng kia, chỉ nhìn lên thôi đã thấy chóng cả mặt rồi, làm gì có ai dám trèo lên, họa chăng chỉ có lũ khỉ núi mới leo lên được. Có khi nào quả đào này được lấy từ rừng đào huyền thoại đó chăng?
Ông Lử để dành miếng đào đem về nhà cho mẹ già ăn, mẹ già ăn xong cũng thấy khỏe ra, cứ đòi đi vác nước ở dưới suối xa.
Còn cái hạt đào, ông Lử đem lên gò cao nhất trong vườn, đào hố trồng. Không lâu sau hạt đào đã mọc lên cái mầm xanh mởn, to và bụ bẫm. Ông Lử ngày nào cũng xách nước, bón phân cho cây đào, lòng đầy hi vọng.
Cây đào lớn nhanh một cách kì lạ. Mới hai năm mà nó đã cao hơn cả đầu người. Những cành đào to xòe tán rộng cả một góc vườn. Vụ bói đầu tiên cây đào nở đúng mười bông hoa, những bông hoa đào đỏ tươi như hoa hồng. Mười bông hoa đậu được đúng mười quả đào. Những quả đào to như vốc tay, má rám đỏ ửng, giống hệt trái đào nhà khỉ đem đến cho ông. Chọn ngày đẹp nhất, ông Lử hái đào đem thắp hương mời thần rừng thần núi, mời ma ông bà tổ tiên về ăn quả lạ, sau đó ông gọi cả bản đến, bổ cho mỗi người ăn một miếng. Ai ăn miếng đào cũng thấy khỏe, thấy ngon, thấy vị thơm cứ ở mãi trong miệng. Ồ ồ, quả đào lạ đấy, ngon đấy, không giống quả đào mèo ở bản ta. Năm đầu không dám xin cái hạt về, nhưng năm sau ông trưởng bản phải cho chúng tôi mỗi nhà một hạt để làm cái giống tốt đấy nhé. Có chứ, phải cho chứ. Người Mông ta chung một giống lanh, có nước thì phải cùng nhau đổ, có cỗ thì phải cùng nhau ăn mà.
Vụ đào năm sau thì cây đào ra quả lúc lỉu, những quả đào to như vốc tay, đỏ ửng. Ông Lử phải đi chặt mấy cây tre chống cho cành khỏi gãy. Đợi đào chín ngọt, ông cùng vợ hái đầy hai cái lù cở đem khắp bản chia cho mỗi nhà mười quả để ăn cho cái chân cái tay thêm chắc, để lấy cái hạt làm giống vụ sau.
Ông Lử cũng ươm thêm hạt, cả khu vườn rộng mênh mông, ông trồng hết đào. Rồi cả bản Keo Đồn xanh mướt một màu xanh của giống đào lạ. Mùa xuân đến, đứng từ xa nhìn về bản Keo Đồn chỉ thấy một sắc hồng rực của hoa đào, cứ như một đám mây hồng khổng lồ, không ai nghĩ đó là một bản của người Mông sinh sống. Những ngôi nhà tường trình, những ngôi nhà gỗ lợp fibrô ximăng đã bị những cây đào rực rỡ che lấp hết. Im lặng lắng nghe mới thấy từ trong đám mây hồng khổng lồ đó vẳng ra tiếng lợn kêu thịt tết, tiếng giã bánh giầy thập thình, vui nhộn.
Từ ngày có giống đào mới, bản Keo Đồn khấm khá hẳn lên. Tiếng đồn về trái đào lạ chẳng mấy mà lan nhanh ra khắp xã, khắp huyện. Mùa đào chín, ngày nào thương lái cũng lên bản từ tinh mơ để thu mua quả đào đem bán, người trong bản mỗi sáng chỉ việc đem lù cở ra vườn hái đào về là có tiền.
Vườn đào nhà ông Lử rộng nhất bản, mỗi năm bán đào quả cũng thu về hơn chục triệu đồng.    
Ngày thằng Lánh đến tuổi đi bắt vợ, ông Lử làm cho vợ chồng Lánh một cái nhà gỗ ngay cạnh, mua cho một cái xe máy, một con trâu mộng.
Khi ông Lử trăm tuổi, đêm nằm mơ thấy mình đi đôi giày lanh để bước qua núi có nhiều con sâu to như cái chày giã gạo(2), ông biết, thế là đã đến lúc mình phải đi về tầng trời với tổ tiên ông bà. Ông gọi Lánh đến, bảo:
– Vại chết rồi không muốn lấy con trâu, con bò, con lợn đâu, con cho vại lấy mỗi cây đào già kia đem đi thôi.
Nói xong thì ông Lử nhắm mắt.
Khi bài khèn giao tài sản cho người chết thổi lên, cả bản ai cũng ngạc nhiên. Sợi lanh buộc từ cổ tay ông Lử không phải nối với con bò, con trâu để người chết đem đi như những đám ma khác mà lại buộc nối vào cây đào già khẳng khiu, mốc thếch. Cây đào ấy ông Lử đã tự tay trồng từ quả đào con khỉ trả ơn ông năm xưa.
*
*   *
Mấy năm nay ở dưới xuôi người ta bỗng rộ lên phong trào mua cành đào từ vùng cao về chơi tết. Năm nào cũng vậy, cứ gần tết là những xe ô tô to và dài hơn cả cái nhà văn hóa của bản ùn ùn kéo lên tìm mua đào núi. Bản Keo Đồn tuy ở xa, đường đi vào vừa nhỏ vừa dốc, nhưng đào trong này hoa to và đẹp nhất, nên luôn là mục tiêu săn đón đầu tiên của những tay buôn đào kinh nghiệm. Ô tô to không vào được thì thuê công nông của bản chở tăng bo ra tới đường nhựa là xong.
Những vườn đào trong bản cứ thưa dần đi mỗi năm. Bây giờ đứng từ xa nhìn lại chỉ thấy những khoảng trống loang lổ, những ngôi nhà tường trình lợp ngói xám mốc.
Nhà Vàng Lao Lánh có vườn đào rộng nhất bản, nên ngày nào cũng hơn chục người đến săm soi, ngã giá.
Từ ngày bán đào cành, năm nào nhà Lánh cũng làm cái tết to để mời anh em họ hàng đến uống rượu. Gác bếp thì treo đầy thịt lợn, thịt bò, da bò, góc bếp lúc nào cũng mấy chum rượu ngô to, bánh giầy phơi mấy mẹt ngoài sân nắng. Có tiền nhiều thì được vui nhiều hơn, tết kéo dài hơn. Ngày nào cũng được say ngất ngưởng, không say ở nhà mình thì say bên nhà anh em, họ hàng.
Nhưng cứ đến mùa đào quả thì nhà nào cũng thấy số tiền bán đào lại ít hơn đi, có nhà còn chẳng có quả để bán nữa vì chặt cành nhiều quá. Không có tiền thì mỗi lần lên nương, trong cái lù cở không có gói cơm nếp và thịt lợn treo gác bếp đem đi ăn, lại phải đem mèn mén, củ sắn củ mài ăn thay.
Năm nay thì đến nhà Lánh cũng không còn cây đào nào để bán nữa rồi. Cả khu vườn trống hoác những thân đào đã bị chặt cành nhưng từ những cành bị chặt, vẫn bật ra vài cái mầm xanh gầy guộc. Chỉ còn duy nhất cây đào già sót lại trên cái gò đất cao còn nguyên vẹn. Cây đào khẳng khiu, mốc thếch những rêu, nấm, nhưng trên những cành già nua, những cái nụ chúm chím hồng vẫn ló ra xen lẫn những chồi mầm mơn mởn xanh.
Không biết bao nhiêu gã buôn đào đến ngắm nghía, chụp ảnh và nài nỉ bán, nhưng Lánh đều lắc đầu. Cây đào ấy là của bố, đã chia cho bố đem về tầng trời rồi, làm sao mà dám bán đi.
Nhưng năm nay thì Lánh thấy lo lắm. Không còn cành đào nào để bán, lấy tiền đâu mà lo làm tết? Mấy gã lái buôn thì ngày nào cũng vè vè lên trả giá, cái giá đặt ra cứ cao dần lên mỗi ngày làm Lánh càng sốt ruột. Nhưng Lánh sợ lắm. Bán cây đào đi thì bố sẽ giận. Mấy đêm Lánh mơ thấy bố về nhìn Lánh với ánh mắt trách giận. Cứ nghĩ đến ánh mắt của bố là Lánh lại thấy sợ, không dám gật đầu.
Có tiếng công nông nổ phành phạch đi lên. Lại có người vào hỏi mua đào đây mà. Sáng ba mươi tết rồi mà vẫn có người đi tìm mua đào cơ à? Lạ đấy. Lánh nhìn ra. Là gã Báu râu năm nào cũng lên mua cành đào và năm nào cũng gạ Lánh bán cho cây đào già nua với cái dángbạt phong kì lạ. Gạ nhiều và bị từ chối nhiều nhưng gã không hề nản. Lần này lên, gã đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải mua được cây đào về. Không mua được cây đào quý này về hôm nay, không chỉ gã mất một món tiền bằng cả năm buôn đào, mà đáng lo hơn là gã sẽ mất đi một ông khách sộp hào phóng vung tiền không tiếc.
Tối qua, khách sộp gọi gã đến uống rượu, khề khà. Khách bảo, cái giống đào rừng trên Tây Bắc nó cho nhiều lộc thật. Từ ngày mua đào rừng về chơi tết, năm nào anh cũng thắng đậm, toàn trúng gói thầu ngon. Sang năm anh có một cái dự án lớn lắm, vài chục tỉ chứ chẳng chơi, nên anh muốn có thật nhiều lộc. Anh tuổi con khỉ nên hợp với mệnh đào, chỉ có giống đào rừng Tây Bắc mới đem lại nhiều lộc. Chú kiếm ngay cho anh cây đào thật già, thật đẹp nhá. Tiền không thành vấn đề.
Báu râu chợt nghĩ đến cây đào già nhà Lánh. Gã mở điện thoại, chiềng cái ảnh cây đào ra. Tay khách sộp ngó cái ảnh, hai mắt như muốn lồi ra rồi vỗ đùi đen đét: Quá đẹp! Chú phải bứng ngay cả bầu cây này về cho anh để anh trồng trước cửa biệt thự. Anh trả trăm triệu, ứng trước năm mươi củ để chú đi lo việc, chậm nhất chiều ba mươi tết là anh phải thấy cây đào này ở trước cửa.
Nài nỉ, thuyết phục thế nào Lánh vẫn chỉ lắc đầu. Báu râu bắt đầu thấy sốt ruột trước thái độ kiên quyết của Lánh, nhưng vẫn tươi cười:
– Cái cây đào này già quá rồi, có thọ lắm cũng chỉ được một năm hai năm là chặt về làm củi, đốt sưởi cũng được một đêm. Thôi giá cuối cùng, trả mày mười triệu, có bán thì cầm lấy tiền để tao còn gọi người đến đánh cả gốc, chỉ hôm nay có cái giá đó thôi, mai một nghìn tao cũng không thèm lấy.
Một tập tiền năm trăm nghìn xanh lét lại được rút ra. Lánh như không tin vào cái tai, cái mắt mình nữa. Trả mười triệu cây đào a? Không đùa nhau đấy chứ? Ừ, mười triệu, không đùa.
Lánh không còn thấy ánh mắt nóng bỏng hơn cục than cây dẻ trong lò rèn của bố nữa. Lánh chỉ nhìn thấy tập tiền xanh như cái vườn lanh gặp mưa, mát lạnh, trơn mịn. Lánh vồ lấy tập tiền, lắp bắp. Ừ bán, có bán, có bán đấy…
Sáu thanh niên lực lưỡng trong bản được Báu râu thuê về để bứng cây đào lên. Tiếng cuốc đất phầm phập bổ xuống mau mải. Lánh đứng nhìn cây đào đang rung bần bật vì những nhát cuốc bổ xuống, bỗng dưng ánh mắt Lánh chạm vào cái sợi lanh. Cái sợi lanh Lánh đã buộc nối từ cổ tay của bố đến gốc đào, vẫn còn nguyên đó. Cây đào to dần lên nhưng sợi lanh cứ thít chặt vào thân đào tạo thành cái sẹo sâu, vòng quanh gốc. Lánh định tháo sợi dây ra, nhưng sợi lanh đã ăn sâu, bám chặt vào thân cây, không làm sao mà tháo được. Nhưng bỗng nhiên Lánh ôm ngực đau đớn. Những nhát cuốc bổ huỳnh huỵch quanh gốc đào như đang bổ vào tim Lánh…
Rồi có tiếng mở cửa ken két, sau đó là tiếng ho khù khụ đứt quãng. Bà Sếu, mẹ Lánh đang run run đẩy cái cửa gỗ, chống gậy đi ra. Lánh sững sờ. Người mẹ già ốm đã gần năm nay, chỉ nằm một chỗ, chân tay cứ teo tóp dần như cái cây bị đẽo mất vỏ sao hôm nay lại chống gậy đi ra ngoài được?
Lánh vừa ôm ngực vừa chạy lại định đỡ mẹ, nhưng bà Sếu hai tay run rẩy cố bám lấy cái gậy gỗ lần từng bước về phía cây đào, giọng phều phào:
– Cây đào này vại mày đem về tầng trời rồi, không bán được đâu Lánh ơi. Nếu mày còn tham cái đồng tiền mà bán nó đi, nả(3) sẽ đâm đầu vào cái gốc cây này để đi tìm vại mày đấy. Vại mày chết đi, không có cái cây đào này làm bạn thì nả cũng đi theo vại mày…

Báu râu chưa kịp phản ứng thì bà cụ đã đứng trước cây đào run lẩy bẩy, tay nắm chặt vào một cành đào. Bỏ mẹ thật, nếu gã cố tình đánh cây đào đem đi, có khi cái bà già này đâm đầu vào cây mà chết thật chứ chẳng đùa. Nghe cái giọng đùng đục của người già, Báu râu bỗng thấy lạnh sống lưng. Nói dại, nếu bà cụ mà đâm đầu vào cây đào chết thật thì không những gã vừa mất mười triệu, vừa không lấy được cây đào, có khi lại còn bị công an gô cổ vào để phục vụ điều tra, mất tết như chơi ấy chứ.
Báu râu còn đang phân vân thì Lánh lại ôm ngực đau đớn rồi bỗng Lánh bừng tỉnh, vừa vuốt ngực vừa đập tập tiền vào tay Báu râu, hổn hển:
– Không bán cây đào nữa, trả tiền này!  
Báu râu nhăn mặt nhưng biết giờ gã không thể làm khác. Không bán thì thôi, lằng nhà lằng nhằng thế này, tao cũng chẳng thiết nữa. Mua bán với mấy thằng như mày, tức bỏ mẹ.
Báu râu đút tập tiền vào túi, hầm hầm đi ra xe, vừa đi, gã vừa làu bàu: Cứ giữ lại cái cây đào mà đốt sưởi nhá. Sang năm có van lạy, tao cũng thèm vào mua. Tiếng xe công nông rú lên rồi khục khịch khuất dần sau làn bụi đỏ quạch.
Bà Sếu dò dẫm đưa bàn tay gầy guộc nhăn nheo rờ rẫm khắp thân đào. Bàn tay bà bỗng dừng lại bên cái sợi dây lanh đã ăn sâu vào thân cây. Từ đôi mắt đục mờ, một giọt nước mắt rỉ ra, nụ cười móm mém.
Nhắng, vợ Lánh đi làm nương về, thấy mẹ chồng đi ra ngoài, cứ tưởng mình đang mơ. Nhắng vội chạy lại, ôm lấy mẹ, nước mắt giàn giụa.
Lánh lụi hụi lấy cuốc vùi lại gốc đào vừa bị đào nham nhở.
Giờ thì vợ chồng Lánh quay ra chuẩn bị làm tết. Năm nay không có nhiều tiền để làm tết to, nhà chỉ còn có con lợn nhỡ và mấy con gà. Thôi thế cũng đủ làm mâm cơm để mời ông bà, và bố về ăn tết. Lánh gọi mấy anh em hàng xóm sang thịt giúp con lợn để kịp đón giao thừa. Trong bản giờ này nhà nào cũng đã có thịt lợn treo trên gác bếp rồi, chỉ có nhà Lánh làm tết muộn nhất. Muộn nhưng vợ chồng Lánh vẫn thấy vui, thỉnh thoảng lại nhìn trộm nhau một cái rồi tủm tỉm cười.
Mùng một tết, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn núi đá, ánh nắng đầu tiên của năm mới rực rỡ như dòng mật ong rừng đang tuôn chảy, Lánh đã vội ra vườn thăm cây đào. Lánh ngạc nhiên. Những cái nụ hôm qua còn chúm chím giờ đã nở bung trăm ngàn bông hoa đỏ tươi rực rỡ trong nắng mới. Tiếng vo vo của những chú ong đi kiếm mật nghe thật vui tai. Lánh cứ đứng ngẩn ngơ nhìn mãi.
Có tiếng gậy gõ cộc cộc phía sau. Lánh vội ngoảnh lại. Nhắng đang dìu mẹ đi ra. Mẹ hôm nay trông khỏe và hồng hào hơn nhiều. Mẹ ngắm mãi cây đào, dặn dò:
– Cây đào nhiều hoa thế này, năm nay sẽ sai quả đấy. Phải học vại mày, lấy cái hạt đào, ươm trồng lại một vườn đào mới đi thằng Lánh, cái Nhắng à. Giữ được bông lúa giống thì sẽ có gạo nhiều để ăn thôi.
Vợ chồng Lánh nhìn cây đào rực rỡ hoa xen lẫn những búp non mơn mởn mà mừng thầm. Nếu không có vết đất mới thì không ai biết nó đã suýt bị bứng lên để đem đi một nơi nào đó xa lắc. Nhưng những vết đất ấy, chỉ mai kia cỏ sẽ mọc xanh lên, sẽ không ai còn nhận ra cái vết thương của lòng đất, vết thương của cây đào, và của lòng Lánh nữa…

 

Theo Văn nghệ quân đội

Exit mobile version