Tác phẩm “Giã từ” của nhà văn Phạm Việt Long đã phản ánh sâu sắc về cuộc sống, con người Việt Nam thời hậu chiến với mức khái quát cao, cụ thể và với một cái nhìn sắc sảo.
Sau những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều người lính từ mặt trận trở về lại giảng đường trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong số đó có nhà báo – phóng viên mặt trận Phạm Việt Long.
Những năm tháng vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Liên khu V, nhà văn Phạm Việt Long đã ra mắt cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Bê trọc” – một nhật ký chiến trường đã đoạt giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999 và giải thưởng Trương Hán Siêu, giải thưởng Đào Tấn. Và đến nay, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản 03 lần, được chuyển thành kịch bản phim nhiều tập chiếu trên màn ảnh nhỏ. Có thể nói, cuốn tiểu thuyết “Bê trọc” của nhà văn Phạm Việt Long đã phản ánh chân thực, sinh động tâm tư, tình cảm, những tấm gương hy sinh anh anh dũng của các chiến sỹ giải phóng, của đồng bào miền Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, phản ánh những ngày hào hùng nhất của Tổ quốc ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối.
Sau khi học xong Đại học (Khoa Văn- Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), nhà báo Phạm Việt Long về công tác tại Bộ Văn hóa, ông giữ cương vị lãnh đạo Văn phòng của Bộ trong nhiều năm và là một người đạo đức, chuẩn mực trong lối sống, được nhiều người yêu mến và kính trọng vì người chiến sỹ ấy vẫn giữ nguyên được phẩm chất của anh lính Cụ Hồ. Sống trong môi trường mới, chứng kiến các chặng đường đi lên và đổi thay của đất nước, nhà văn Phạm Việt Long thấu hiểu con người và mối quan hệ hữu cơ từ thời bao cấp đất nước vượt vô vàn khó khăn để hồi sinh đến thời kinh tế mở với bao thuận lợi đi lên kèm theo sự biến đổi của con người trong thời kinh tế thị trường với những mặt tích cực và tiêu cực cùng với những hệ lụy của nó. Giai đoạn kinh tế đầy biến động khi ta xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, cuộc sống nhân dân đi lên và no ấm hơn.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sau chiến tranh cuộc sống của nhân dân ta ngày càng tiến chuyển theo kịp xu thế chung của thời đại. Tác phẩm “Giã từ” của nhà văn Phạm Việt Long đã phản ánh sâu sắc về cuộc sống, con người Việt Nam thời hậu chiến với mức khái quát cao, cụ thể và với một cái nhìn sắc sảo.
Ta bắt gặp các bức chân dung về những nhân vật điển hình trong một hoàn cảnh điển hình. Họ là “Những hình hài đen đỏ”, là “Người hùng bên đầm”, “Người của thời bào cấp”, “Nhà cách mạng 30”, “Đại họa sĩ lếu tếu”, “Vị lãnh đạo”… Tất cả “đảo điên trong vòng xoáy” của cơ chế thị trường với bao mâu thuẫn giằng xé và cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa những người tốt và kẻ xấu… Kết thúc truyện “Giã từ” là một cái nhìn lạc quan vào ngày mai tươi sáng.
Thật ra, thưởng thức một tác phẩm viết theo thể loại tiểu thuyết nhưng cốt cách mang nhiều nét phóng sự này không dễ, ta phải có thời gian nghiễn ngẫm. Đôi lúc phải buông sách để suy tư…. Những vấn đề tác giả nêu ra thật sâu sắc, có những điều hơi có vẻ “nặng nề”, làm người đọc ngẫm ngợi trăn trở. Ta hãy thử đọc đoạn miêu tả con người thời bao cấp, tác giả Phạm Việt Long viết về nhân vật nữ Thu Minh như sau: “Thời bao cấp đã nuôi dưỡng Minh, đã giáo dục Minh để cho Minh trở thành một con người đàng hoàng. Bằng Đại học kinh tế tài chính loại ưu. Thời bao cấp cũng tạo cho Minh một ưu điểm, mà vào thời buổi thị trường này có khi lại trở thành nhược điểm, đó là tinh thần thẳng thắn và nhiệt tình vô bờ bến với công việc. Những con người của thời bao cấp rất hay tâm sự với nhau, họ trải lòng với nhau không phòng ngừa…”
Viết về “Lý Ngồ Ngộ – nhà cách mạng 30”: “Một con người đi lên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ít học, cơ hội, tham gia phong trào quần chúng và khi lên cao chiếm giữ cương vị lãnh đạo, ông này đã bộc lộ học vấn, tư cách, ông đã làm hại nhiều người tốt….”. Tác giả Phạm Việt Long đã dành khá nhiều chi tiết hay và sinh động để xây dựng nhân vật “Người hùng” này.
Bên cạnh đó là nhân vật “Họa sĩ lếu tếu”, một người nổi bật trong cuộc sống không phải vì các tác phẩm nghệ thuật chân chính mà y như một con rối biết mang tiếng cười cho một số ít người, y tiến than bởi các mỗi quan hệ thân quen, y làm ăn giàu có vì giỏi tính toán và luồn lách: “Làm ăn sành sỏi nhưng phong cách sống lại lếu tếu vô cùng. Nói bậy như hát hay. Lạ một điều, cũng lời nói bậy ấy, nếu phát ra ở miệng người khác thì nghe rất chướng tai, nhưng nghe ở cái miệng đầy râu này thì… rất êm tai”.
Rất nhiều nhân vật điển hình đã hiện rõ “hình hài” qua ngòi bút của tác giả Phạm Việt Long.
Tại sao ta không thể đọc cuốn tiểu thuyết “Giã từ” thật nhanh? Vì cuốn sách làm bạn đọc phải trăn trở và suy ngẫm, chúng ta đã đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đã qua thời bao cấp khó khăn và ngày nay đang ở thời kỳ cơ chế thị trường, cuộc sống thay đổi, đi lên nhưng còn nhiều thử thách gian nan. Vòng xoáy của cơ chế mới làm điên đảo bao con người nhưng kết cục sau đó vẫn bừng sáng lên những khuôn mặt của những con người tốt và chân chính, họ làm nên “Những huyền thoại mới” như tiêu đề của chương 3 trong tác phẩm này.
Viết về sự ăn chơi của một bộ phận tha hóa trong xã hội, nhà văn Phạm Việt Long có những nhận xét khá tinh tế: “Nếu nói Sài Gòn là đất ăn chơi hạng nhất Việt Nam, thì đó là điều nhầm lẫn cần được cải chính nhanh chóng. Đất ăn chơi có hạng phải là thủ đô Hà Nội. Dân Bắc chơi cao cấp hơn. Không xô bồ, không ồn ào, mà lặng lẽ, kín đáo, với chất lượng cao. Các điểm ăn chơi rải rác khắp nơi, mỗi nơi một vẻ. Lên Lương Sơn- Hòa Bình, có thể chơi với sơn nữ chính gốc. Qua Bắc Ninh có thể chơi với liền chị nguyên bản. Còn ở khu vực Hồ Tây, trong các biệt thự là bộ sưu tập đủ loại gái đẹp Bắc, Trung, Nam, Kinh, Thượng… Gần đây, các nơi mở ra các khu nghỉ dưỡng cao cấp cỡ bốn, năm sao, gọi là “Rì sọt” gì đó, vào đó đặt hàng tổng hợp đủ cách ăn chơi”.
Tác giả Phạm Việt Long thể hiện rõ quan điểm sống của ông qua các đoạn văn như lời tự sự về nhân cách của một con người “Những người xây dựng sự nghiệp bằng chính năng lực của mình thường rất tự tin. Họ ngẩng cao đầu đi trong cuộc sống với thái độ khiêm nhường và họ thường dám hy sinh vì sự nghiệp. Họ rất quý trọng những người có tài và biết sử dụng người tài. Còn những người đi tắt, thiếu năng lực, nhưng nhờ dựa dẫm mà thăng tiến, thường rất thiếu tự tin, không có bản lĩnh và hay đố kỵ. Tự đáy lòng họ biết mình là ai. Nhưng trên bề mặt, họ muốn mọi người nhìn mình như một con người tài ba, uy quyền”.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thức đã nhận xét về cuốn sách “Giã từ” của nhà văn Phạm Việt Long như sau: “Mặc dù tác phẩm đem đến cho người đọc dư vị chua chát bởi thói đời đen bạc, nhưng âm hưởng lạc quan, giàu nhân tính vẫn là âm hưởng chủ đạo, đưa người đọc hướng tới một tương lai tươi sáng. Có thể nói đây là một tiểu thuyết khá thành công ở chỗ vận dụng lối viết cổ điển kết hợp với lối viết hiện đại, vừa tuân thủ những chuẩn mực văn chương, vừa phá bỏ những khuôn mẫu quá chặt chẽ nhằm thể hiện sinh động nhất nội dung cần chuyển tải”.
Còn nhà văn Ma Văn Kháng cũng nhận xét rất khách quan về cuốn tiểu thuyết này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, viết về ngày hôm nay theo cái cách anh đã thể hiên ở cuốn “Giã từ” này, đó chính là ưu thế trội của cây bút Phạm Việt Long. Chả ai toàn bích cả. Mỗi người chỉ thật giỏi ở một vài thao tác thôi”.
Tâm sự về nghề văn, Phạm Việt Long bảo: “Nhà văn phải biết tích lũy vốn sống, từ đó mà sáng tạo nghệ thuật. Tạo hóa ban cho nhà văn chất liệu và cảm hứng sáng tạo. Nhà văn viết bằng cái gì ngoài cảm hứng ra nếu không có cái gọi là chất liệu cuộc đời?”.
Mỗi người có thể cảm nhận tiểu thuyết “Giã từ” của nhà văn Phạm Việt Long theo một cách riêng, với những nhận xét về nội dung và thủ pháp nghệ thuật. Riêng cá nhân chúng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ được nhanh chóng chuyển thể thành tác phẩm phim truyện, các nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đã hiện ra rõ nét, có bi hài, có mở có thắt nút, có kết cục… Có lẽ vì vậy mà tác phẩm này đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 do Hội Nhà văn tổ chức.
Giờ đây, nhà văn Phạm Việt Long đã dồn tâm huyết cho các tác phẩm nghệ thuật khác. Ông là một người tài hoa, là một người sáng tác văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh. Ngoài ra, ông còn tham gia công tác giảng dạy, kinh doanh, xuất bản ấn phẩm văn hóa…
Cuốn tiểu thuyết “Giã từ” của nhà văn Phạm Việt Long dài hơn 400 trang, do nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2011 là một tác phẩm hấp dẫn và cuốn hút người đọc bởi nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm./.
Nguồn: Vanhien.vn