GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình “đại thụ âm nhạc”, được thừa hưởng truyền thống và những tố chất âm nhạc, nhưng cuộc đời không trải thảm để Trần Văn Khê bước đến vinh quang. Những biến cố trong gia đình cộng với hoàn cảnh đất nước bị xâm lược… đã làm cho những năm tháng tuổi trẻ của ông gặp không ít thăng trầm.

Nhưng với tài năng bẩm sinh, nhiệt huyết cháy bỏng, ông đã vượt qua mọi trở ngại để đạt đến đỉnh cao tài năng trong âm nhạc, góp phần quan trọng làm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam được vinh danh trên thế giới.

Từ Vĩnh Kim ra đi

Trần Văn Khê sinh ngày 24.7.1921, là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Năm 9 tuổi, ông mồ côi mẹ, đến năm 10 tuổi lại mồ côi cha. Ba anh em Trần Văn Khê đã được cô ruột Trần Ngọc Viện (cô Ba Viện) nuôi và dạy dỗ chu đáo. Ông học tiểu học tại Mỹ Tho, đến năm 13 tuổi ông được cô Ba Viện đưa lên Sài Gòn học tại Trường Trung học Pétrus Ký. Tại đây, Trần Văn Khê cùng 2 bạn học là Lưu Hữu Phước và Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường và dàn nhạc trong câu lạc bộ học sinh mang tên Scola Club của Hội Đức trí Thể dục.

Năm 1941, ông được học bổng của chính phủ thuộc địa và học bổng của Hội Đức trí Thể dục ra Hà Nội học y khoa tại Đại học Đông Dương. Tại đây, Trần Văn Khê có một kỉ niệm nhớ đời. Ông kể: “Ngày khai giảng ở trường đại học (nay là số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) để lại ấn tượng không phai mờ trong tôi. Từ nhỏ đến lớn sống ở miền Nam, mỗi lần có lễ lạc gì chỉ nghe bài La Marseillaise trỗi lên cùng với lá cờ tam tài – quốc ca và quốc kỳ của nước Pháp. Nhưng trong ngày khai giảng này, sau khi dứt bài La Marseillaise, một điệu nhạc lạ tai trỗi lên tiếp theo cùng với một lá cờ màu vàng được kéo lên. Một anh bạn miền Bắc đứng kế bên khẽ nói: “Quốc kỳ và quốc ca của ta đấy!”. Tôi vô cùng xúc động, ngây người ngắm lá cờ đang lần lần vươn lên cao, lắng nghe giai điệu mới mẻ mà cả hai dòng nước mắt chảy dài”…

Kể từ ngày đó, trong ông có một ý nghĩ thôi thúc tìm hiểu thêm về đất nước, dân tộc. Tại Đại học Đông Dương, ông cùng các bạn Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Phan Huỳnh Tấng (tức Phạm Hữu Tùng)… hoạt động trong tổng hội sinh viên, tham gia ban nhạc, khuấy động phong trào thanh niên lành mạnh, khơi dậy tình dân tộc thể hiện qua các hành khúc đầu tay của Lưu Hữu Phước như: “Người xưa đâu tá”, “Bạch Đằng giang”, “Ải Chi Lăng”…

Cũng năm đó, chàng thanh niên 20 tuổi Trần Văn Khê đã đứng trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội chỉ huy dàn nhạc, hát bằng tiếng Pháp và giới thiệu dân ca 3 miền Việt Nam. Báo La Volonté Indochinoise đã viết khen ngợi: “Việt Nam có một sinh viên trẻ tuổi chỉ huy dàn nhạc với phong cách một nhạc sĩ nhà nghề”. Đó là một kỉ niệm đẹp về đêm nhạc sinh viên đầu tiên của Trần Văn Khê.

Năm 1943, khi còn đang học ngành y ở Đại học Đông Dương, Trần Văn Khê trở về Nam lập gia đình với bà Nguyễn Thị Sương – người bạn học cùng lớp triết ở Trường Pétrus Ký Sài Gòn. Bị sốt rét nặng, rồi nạn đói ở miền Bắc hoành hành, Trần Văn Khê và nhiều bạn bè phải rời trường về Nam. Tại quê nhà, ông dạy học và đi khắp nơi để hát các bài hát của Lưu Hữu Phước nhằm nhắc lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trở thành Giáo sư Đại học Sorbonne

Năm 1945, Trần Văn Khê tham gia kháng chiến, cùng Lưu Hữu Phước đặt các điệu kèn cho quân đội để thay thế các điệu kèn Tây thổi lúc sáng sớm thức dậy, lúc chào cờ, lúc đi ngủ. Các ông tổ chức đoàn quân nhạc gồm các nhạc sĩ công giáo làng Lương Hoà (Bến Tre), đi khắp vùng Đồng Tháp, chợ Thiên Hộ, tới Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… giúp ban tuyên truyền vận động toàn dân kháng chiến, vừa quyên góp tiền để giúp nhà thương quân đội, đàn hát cho thương binh nghe.

Cuối năm 1946, Trần Văn Khê về Sài Gòn vừa viết cho báo Thần Chung, Việt Báo, tạp chí Sông Hương, tạp chí Mai, vừa dạy Anh văn. Được phân công phê bình âm nhạc và sân khấu, Trần Văn Khê thường gặp gỡ các đào kép cải lương như Tư Chơi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Duy Lân… để bàn về sự phát triển của cải lương. Năm 1948, vì các hoạt động yêu nước, Trần Văn Khê bị thực dân Pháp bắt giam tại khám Catinat. Sau khi được trả tự do, năm 1949, Trần Văn Khê cùng một số bạn rời Việt Nam sang Pháp, vừa “lánh nạn” vừa đi du học. Ông ra đi với hai bàn tay trắng, một bộ đồ vải tropical và bản hợp đồng làm “phóng viên” với các báo kể trên. Ông bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người bằng cách vừa học, vừa làm nhiều nghề.

Suốt thời gian từ 1949 – 1951, ông viết mục “Điểm báo”, làm phóng viên về các sinh hoạt của Việt kiều, viết du kí, phóng sự cắt gửi về toà soạn những bài xã luận về chính trị quốc tế và chính trị liên hệ đến Việt Nam. Sau đó, Trần Văn Khê thi đỗ vào Viện Khoa học Chính trị nổi tiếng mang tên Sciences Po và tốt nghiệp hạng cao (hạng 5) Khoa Giao dịch quốc tế sau hai năm miệt mài học tập và học thêm Anh văn tại Đại học Văn khoa Paris. Sau khi tốt nghiệp, ông phải đi điều trị bệnh và giải phẫu 4 lần. Ngay trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, đọc nhiều sách tại thư viện Paris và học tiếng Ả Rập từ những bệnh nhân cùng phòng.

Cuối năm 1954, ông theo học và làm luận án tiến sĩ tại Khoa Anh văn và Âm nhạc học, Trường Đại học Sorbonne, Paris, Pháp. Để có tiền sinh hoạt, ông đã làm nhiều công việc như thuyết trình về âm nhạc, kịch nghệ, kể chuyện cổ tích Việt Nam cho đài BBC, đóng phim, lồng tiếng… Tháng 6.1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và hai đề tài phụ “Khổng Tử và âm nhạc”, “Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam”. Từ đây, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên chặng đường dài mà mình đã chọn: Sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Kể từ khi ông trở thành một giáo sư – tiến sĩ ở Đại học Sorbonne danh tiếng, thế giới bắt đầu biết đến hình ảnh một “thầy đờn” Việt Nam độc đáo và hấp dẫn kỳ lạ. Ông không bỏ lỡ một dịp nào để đem lời ca, tiếng nhạc Việt Nam đến khắp năm châu dù đó là những lần thuyết trình trên các đài truyền thanh, truyền hình hay trong các chuyến đi tham dự hội nghị âm nhạc.

GS.TS Trần Văn Khê và NSND Phùng Há.

 

Về với cội nguồn

Năm 1975, ông trở về Việt Nam với tư cách Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO. Ông không ngần ngại thừa nhận rằng, công trình khoa học về âm nhạc truyền thống Việt Nam làm nên tấm bằng tiến sĩ của ông còn nhiều thiếu sót, hạn chế do được thực hiện trong hoàn cảnh xa đất nước.

Từ năm 1976 – 1990, năm nào ông cũng về Việt Nam, lặn lội khắp các miền đất nước, ghi âm, chụp hình trên 500 bài dân ca, dân nhạc các loại nhằm tìm hiểu cặn kẽ một nền âm nhạc đa dạng và sâu rộng. Mỗi năm, ông dành ra 2-3 tháng để thuyết trình tại các trường đại học trong nước. Những kiến thức bác học và cách thuyết trình tài hoa của GS.TS Trần Văn Khê đã gieo vào lòng nhiều thế hệ sinh viên tình yêu âm nhạc truyền thống và niềm tự hào về quê hương, dân tộc. Ông không chỉ nổi tiếng là người phổ biến âm nhạc dân gian Việt Nam với thế giới mà còn là người cực kỳ am hiểu âm nhạc dân tộc của nhiều nước.

Gần nửa thế kỉ nghiên cứu, hoạt động và giảng dạy âm nhạc ở 67 quốc gia trên thế giới, GS.TS Trần Văn Khê đã viết hàng trăm bài báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam được dịch ra 14 thứ tiếng. Ông đã thực hiện được gần 30 đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc một số nước châu Á; đã tham dự 210 hội nghị quốc tế về âm nhạc và âm nhạc học trên 67 quốc gia, gần 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc khắp năm châu. GS.TS Trần Văn Khê là thành viên của nhiều hội quốc tế về âm nhạc và nghiên cứu âm nhạc.

Năm 2003, sau hơn nửa thế kỉ hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, GS.TS Trần Văn Khê đã trở về Tổ quốc với dự định tiếp tục làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ bạn bè trong và ngoài nước để góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống. Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, GS.TS Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn “Đại từ điển âm nhạc thế giới”, được tặng Giải thưởng đặc biệt về âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Văn hoá nghệ thuật của chính phủ Pháp (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHXHCN Việt Nam (1999), giải thưởng “Vinh danh nước Việt”…

GSTS Trần Văn Khê có 4 người con. Hai con trai là GS.TS Trần Quang Hải hiện là nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tại Paris và Trần Quang Minh hiện là kiến trúc sư ở TPHCM. Hai con gái của ông là Trần Thị Thuỷ Tiên (sống tại Paris) và Trần Thị Thuỷ Ngọc (nữ nhạc sĩ đàn tranh và làm việc cho Ban nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Paris). Nối nghiệp cha, GS.TS Trần Quang Hải (SN 1944) đậu tiến sĩ dân tộc nhạc học năm 1973, đã trình diễn khoảng 3.000 buổi giới thiệu nhạc Việt Nam tại 65 quốc gia trên thế giới, 1.500 buổi cho học sinh các trường học ở Châu Âu, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học trên thế giới, tham dự hơn 130 liên hoan âm nhạc quốc tế. Ông là người sáng tạo ra lối hát đồng song thanh độc đáo, là hội viên của 20 hội nghiên cứu nhạc học quốc tế; một chuyên gia về âm thanh học và âm nhạc dân tộc.

Ông được tặng thưởng Huy chương vàng của Hàn lâm viện Văn hóa Á châu (1986); Tiến sĩ Danh dự của International – Hoa Kỳ (1987); Giải thưởng đặc biệt của Đại hội thế giới về đàn môi (1998 và 2002), vinh dự được Tổng thống Pháp Jacques Chirac tặng Bắc đẩu Bội tinh.

Theo Song Kỳ, Nam Yên – Lao động online

Exit mobile version