“Max vô cùng quý mến, yêu cầu cuối cùng của tôi là cậu phải đốt sạch tất cả nhật ký, bản thảo, thư từ, bản phác thảo… mà tôi để lại”. Đó là những lời cuối cùng nhà văn Franz Kafka gửi tới người bạn thân Max Brod, trước khi qua đời.
Lời nhắn gửi ấy nằm trong một mảnh giấy viết tay, lẫn lộn giữa những giấy tờ khác trên bàn viết. Trước đó, chính tay Kafka đã tự thiêu hủy đến 90% các sáng tác của mình.
“Người không thể đụng đến”
Có điều Kafka không biết là Max Brod đã không làm theo di nguyện của ông. Là bạn thân thiết trong suốt cuộc đời, Brod hiểu rõ tính cách của Kafka. Ông không bao giờ muốn đưa tác phẩm của mình ra công chúng.
Tuy vậy, khi Kafka còn sống, Brod đã vài lần “ra chiêu”, ép bạn xuất bản. Sau đó, Kafka đã phần nào thích thú với điều này. Trước bức di chúc gửi bạn, Kafka cũng viết một bức khác với lời lẽ mềm mỏng hơn, cho phép giữ lại một số tác phẩm.
Tuy nhiên, lý do chính khiến Brod không tiêu hủy các tác phẩm của Kafka là bởi ông biết rất rõ giá trị của chúng. Brod cảm thấy có trách nhiệm phải công bố chúng với những người yêu văn chương.
Những năm quân đội của trùm phát xít Adolf Hitler ráo riết lùng sục các ấn phẩm Do Thái, Brod vẫn liều mình giữ lại di sản của Kafka. Nhờ Brod, thế giới mới biết được một mê cung văn học kỳ vĩ đến vậy. Cùng với Marcel Proust và James Joyce, Franz Kafka là một trong tam vị thần kỳ của tiểu thuyết hiện đại.
Milan Kundera, tiểu thuyết gia hàng đầu của nền văn học hậu hiện đại, đã gọi Kafka là “người không thể đụng đến trong tất cả những người không thể đụng đến”. Kafka giống như lệnh bài, hễ giơ ra là người trong giới văn chương phải “tâm phục, khẩu phục” trong im lặng.
Mà không chỉ trong giới văn chương, ngay cả giới cầm quyền cũng không tìm được lý do cụ thể nào để cấm đoán, dù họ lờ mờ thấy quyền lực kì vĩ trong những trang sách. Những ngày cuối năm 2003, một bức tượng đồng tạc Kafka cao 3,7m đã được dựng lên ở Praque, CH Séc, nơi ông ra đời.
Trong cái giá lạnh tháng 12 đó, hàng trăm người mặc trang phục “phong cách Kafka”, với vest đen, cà-vạt đen, mũ đen đã tụ tập để chứng kiến giây phút ấy. Đó là cách người ta trả món nợ mà họ đã mắc với lịch sử, với một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ 20.
Quyền lực và phi lý
Franz Kafka sinh ngày 3/7/1883 tại Prague, khi đó thuộc Đế quốc Áo – Hung, trong một gia đình Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu. Cha ông là Hermann Kafka, một nhà buôn còn mẹ là Julie Kafka, con một thương gia giàu có.
Trong lịch sử văn học, có lẽ không có người cha nào lại trở thành đối tượng sáng tác văn học dai dẳng và ám ảnh như cách ông Hermann Kafka xuất hiện trong các tác phẩm của con trai Franz Kafka. Không riêng gì cha, mà cả ông nội Jakob Kafka cũng phủ bóng trong sáng tác của nhà văn.
Nhìn rộng hơn, lý lịch Do Thái tác động sâu sắc tới Kafka, đồng thời luôn khiến ông cảm thấy bị cô lập. Bản thân Kafka luôn tuyên bố rằng mình không dính dáng gì tới Do Thái, nhưng rõ ràng, xã hội thời đó đã ảnh hưởng rất lớn tới ông, người thuộc về một gia đình Do Thái thiểu số, trong một cộng đồng Do Thái thiểu số ở Prague lúc bấy giờ.
Ngay trong gia đình, Kafka cũng là một trường hợp thiểu số. Là đứa con trai duy nhất còn sống, anh trai của ba cô em gái, Kafka là mối kỳ vọng lớn của ông bố gia trưởng. Giữa hai người là một mối quan hệ mâu thuẫn phi lý: chung huyết thống, yêu thương nhau, hiểu nhau nhưng bất hòa đến cay nghiệt. Chính người cha đã hình thành nên phong cách văn học đặc trưng của Kafka: nền văn học thiểu số, phi lý và ám ảnh quyền lực.
Sinh thời, Kafka học và có bằng tiến sĩ luật. Kafka đạt thành tựu trong nghề bảo hiểm, nhưng viết lách mới là thiên hướng của ông. Sau này, ông đã phải nghỉ việc để tập trung viết lách. Thậm chí, là người yêu đương mãnh liệt nhưng ông cũng nhiều lần lỡ hẹn với những hôn thê, cũng chỉ vì muốn hết mình cho văn chương.
Chỉ duy nhất cái chết mới khiến ông ngừng viết. Ngày 3/6/1924, ông qua đời Vienna vì bệnh lao, khi mới 41 tuổi. Những ước nguyện sau cùng của ông cũng là về văn chương: đốt hết các bản thảo.
Mê cung Kafkaesque
Franz Kafka viết văn thuần túy là vì đam mê. Là người nhạy cảm nên sinh thời ông từng nói: ““Đừng đánh giá quá mức những gì tôi đã viết, nếu không tôi sẽ không viết được cái mà mình cần phải viết.” Thế nên, có thể là may mắn với Kafka, bởi sau khi ông qua đời, người ta mới dựng tượng đài văn học bất khả xâm phạm cho ông.
Văn chương của Kafka có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ 20, đặc biệt tới dòng văn học hiện sinh và hiện thực huyền ảo. Những nhà văn đứng đầu hai dòng văn học này về sau như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Milan Kundera, Gabriel García Márquez… đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Kafka.
Tuy vậy, không ai có thể bắt chước lại lối viết của ông. Kafka là nhà văn không thể trích dẫn, cách duy nhất người ta có thể đi theo đó là những tình huống mang tên Kafkaesque.
Kagkaesque là một mê cung những điều phi lý được sắp đặt một cách hợp lý. Có thể nói, Franz Kafka và Fyodor Dostoyevsky là hai phiên bản trái ngược. Trong khi Dostoyevsky đi theo con đường thuận từ tội ác tới trừng phạt thì Kafka ngược dòng, đi từ trừng phạt tới tội ác.
Con đường mà Kafka đi giống như một mê cung không tìm thấy lối thoát. Tầng tầng lớp lớp lớp các sự kiện, cái trước phủ nhận cái sau, mà vẫn hoàn toàn hợp lý, dù cục diện rõ ràng phi lý.
Văn chương Kafka là một sự biến hóa khôn cùng, giữa mơ và thực nên với nhiều người, đọc Kafka dễ bị ngột thở bởi mạng lưới căng kín của ông. Phải là một trí tuệ siêu phàm, với cái nhìn rộng lớn mà vẫn cực kỳ chi tiết, mới có thể viết được như Kafka.
Đó là lý do vì sao không ai dám “đụng đến” Kafka. Không quá khi tôn vinh ông là ông hoàng ngự trên ngai vàng của giới văn chương.
10% tác phẩm còn lại, không bị tiêu hủy của Franz Kafka, gồm 3 cuốn tiểu thuyết, đều đang viết dang dở, cùng với một số ít truyện ngắn, nhật ký và thư. Mặc dù tiểu thuyết và truyện ngắn của Kafka được tôn vinh là những tác phẩm kinh điển số 1 thế giới nhưng nhật ký và thư mới chính là mảng văn học quan trọng nhất của ông. Ở đó bộc lộ những trải nghiệm và sáng tạo mà không nhà văn nào khác có được.
Mới đây một tòa án Israel đã ra lệnh đưa một phần trong số các bản thảo của Kafka mà Max Brod đã không thiêu hủy, về cất giữ trong Thư viện quốc gia Israel.
Theo Thư Vĩ – Thể thao & Văn hóa