Khi tôi nói Du Nguyên gửi bản thảo tập thơ “Khúc lêu hêu mùa hè” qua email cá nhân, tôi vẫn không thể hình dung những con chữ của Du Nguyên ám ảnh mình đến vậy. Du Nguyên trẻ măng măng, Du Nguyên hay có những dòng status trên facebook đầy thú vị. Tất nhiên, sự thú vị này không dành cho đám đông.

Du Nguyên gợi cho tôi nhớ đến một nhóm những cây bút nữ ầm ào cách đây độ một thập niên… Tiếc rằng, cảm quan về văn chương của nước mình vẫn thường dừng lại ở định kiến nhiều hơn là tôn trọng, đành vậy.

1.Hiện sinh, có lẽ là cái đích mà Du Nguyên muốn hướng đến trong hành trình mỏi mệt mà một kẻ trót theo nghiệp chữ nghĩa bắt buộc phải khuân vác trên đôi vai, đôi chân, đôi tay và cả trong tư duy. Có gì ngạc nhiên đâu khi mà chữ của Du Nguyên đầy trăn trở về mình, một người trẻ lưu lạc phố phường, một người trẻ thấy mình lạc lõng và cô đơn trong sự vồ vập của thị thành.

Ngơ ngác ấy/ là tuổi trẻ của tôi/ rơi tõm từ căn nhà ngập tràn hang hốc/ đàn bò về buồn không/ cánh đồng buồn không/ không còn ai hỏi thăm/ đàn bò đi qua thành phố mất rồi/ ngơ ngác ấy” (Ngơ ngác ấy).

Cái tứ này không mới, hình ảnh cũng không mới, nhưng đó là những chi tiết gợi được cảm thức của người đọc. Và một cây bút thông minh, đích xác là cây bút gợi được cảm thức từ người đọc.

Du Nguyên, chữ cũng như người, kén.

Bạn đã chọn con đường nào để rời bỏ tôi trong hố sâu vùi chôn tất thảy mọi vui buồn/ chỉ còn đôi mắt hờ hững, nhạt phai?/ qua bao nhiêu năm tháng rời xa, bạn có hạnh phúc?/ bạn có vui nhiều không, vui nhiều lắm không?/ Bạn có nhớ tôi không?/ cô gái mắt nâu, đêm đêm vẫn nghe Trịnh và sống ngây dại giữa đời thường?/ cô gái đã xé tuyên ngôn về mình mà cô độc bước đi?/ cô gái có lần tôi rủ rỉ sẽ nhớ nhung mãi?/ tôi đã chọn con đường đẹp nhất trong tuổi trẻ của mình/ mà đi” – một đoạn mà Du Nguyên viết cho bạn trong Giấc mơ của Dung.

Du Nguyên giúp tôi nghĩ về những bức thư rỉ rả của những văn nghệ sĩ gửi cho bạn bè mình. Đã lâu lắm rồi, tự rất lâu rồi, không còn ai nhắc nhớ về những dòng thân mến đầy thi vị như vậy nữa.

Du Nguyên có bạn hữu của Du Nguyên, tôi cũng có bạn hữu của mình. Những bạn hữu theo tuổi đời mà lớn, tâm tính cũng dần đổi thay. Đôi khi trong khoảnh khắc trống vắng nhớ nhau, ngồi một góc muốn viết cho nhau điều gì đó, đã viết nhưng lại không gửi đi.

Bạn hữu khác quá, mà mình cũng dần xa lìa một thời mơ mộng. Cuộc sống vò những khuôn mặt thương mến như chúng ta vò một tờ giấy cũ trong buổi chiều vắng gió, bật lên một que diêm và đốt đi, nhìn tàn xác xơ bay.

Không đủ gió để cuốn được nỗi buồn.

Nhớ bạn, cũng như nhớ tình nhân, có khi còn hơn nhớ tình nhân. Mà bạn thì xa, còn mình thì lạ. Đau đáu thương hết tháng năm cười nói, chỉ nghe xót một đoạn thơ buồn, những câu thơ xưa viết cho nhau, mặc cho “Tôi rủ rỉ sẽ nhớ nhung mãi/ tôi đã chọn con đường đẹp nhất trong tuổi trẻ của mình/ mà đi”.

Có ai biết/ buồn là gì/ vui là gì/ nói mình nghe chơi” (Mấy chú thích nhỏ). Có lần, nhà thơ Thanh Tùng xoa đầu gối tôi, bảo rất nhỏ “Tuổi trẻ như cậu, là thích nhất”. Câu nói ấy, theo tôi suốt những tháng năm đằng đẵng, mãi mãi không thể quên.

Tuổi trẻ, là thứ vũ khí duy nhất, là thứ trang sức duy nhất, là phước báu duy nhất, là của nả duy nhất mà những cá nhân như Du Nguyên (hay cả tôi) may mắn được sở hữu.

 

Khúc Lêu hêu mùa hè – Tập thơ thứ hai của Du Nguyên, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.

Thời gian, rồi sẽ cướp thứ duy nhất ấy đi, nhìn trôi qua tầm tay, muốn khóc mà không biết khóc làm sao, muốn tiếc mà không biết tiếc làm sao.

Du Nguyên hỏi “có ai biết”, rất buồn, rất cao ngạo. Ai lại đi trách người trẻ cao ngạo. Và chỉ có người trẻ ý thức được mình mới biết cách cao ngạo.

Tôi ngồi với những tuổi tên lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam, khi tôi ngồi là lúc họ nằm, những bàn tay gầy guộc, những khuôn mặt khô khốc thời gian, những giọng nói không còn khí lực… Ôi, tuổi trẻ của Du Nguyên, tuổi trẻ của chúng ta, tuổi trẻ của tôi. “Có ai biết/ buồn là gì/ vui là gì/ nói mình nghe chơi”… Rốt lại, đơn giản là “Rồi thế đó tôi/ cả đi cả khóc cả cười”. (Khúc lêu hêu mùa hè). Mặc cho, “Ngã ba tấp nập người lại qua/ lại qua tấp nập những khuôn mặt lẫn vào nhau/ thật thà/ mệt mỏi/ những khuôn mặt quệt vào nhau/ ê chề/ nhức mỏi/ họ nói rằng họ đang sống trong một cuộc đời không vui/ không vui chút nào/ xin lỗi lại phải chú thích/ vui là gì?”. (Mấy chú thích nhỏ).

2.Du Nguyên viết, “cô gái đó bị chứng bệnh nghiện nỗi buồn/ đời sống chỉ là chất xúc tác/ để cô thêm cô độc/ vì ta đã sống những ngày quá buồn rồi/ vì ta đã sống những ngày dài quá rồi/ một bài hát và một người con gái bé bỏng nhất/ đã qua đời tối qua” (Một bài hát và một người con gái bé bỏng nhất, đã qua đời tối qua).

Chúng ta đều có những nỗi buồn, những nỗi buồn không nguyên cớ, những nỗi buồn không biết từ đâu chạy dọc từ đỉnh đầu xuống đốt cuối cùng của sống lưng…

Dăm ba bữa trước, tôi lang thang dọc đại lộ Nguyễn Huệ, ngay Trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vẫn hay lang thang như vậy, nhìn mặt người, ngắm một biển hiệu, chào một vị khách Tây (nếu như vị khách ấy cũng đang ngó tôi)… Như tôi đã từng viết, tôi là một người hay buồn. Thật ra, chúng ta đều hay buồn cả.

Thế nhưng, mãi cho đến lúc đọc Du Nguyên, tôi mới nhận ra rằng tôi cũng là một kẻ nghiện nỗi buồn.

Trong cái rã rời của tư duy lẫn hình hài, tôi thấy mình thật thư thái. Nỗi thư thái đậm rặt ưu sầu. Những lúc ấy, rất thật là tôi thấy mình tồn tại.

Phải không, những cuộc vui khiến chúng ta đôi lúc quên mất mình là ai. Chỉ có nỗi buồn là cơ hội để ta nhìn lại mình.

Và Du Nguyên đã cố gắng giải thích sự nghiện buồn của mình, giải thích chỉ là giải thích thôi, chứ xác tín cho nỗi buồn luôn là một sự bất lực của ngôn ngữ.

Tại vì hết rồi đó/ mình chẳng còn gì vui/ những ngày gi gỉ gì gi/ những ngày kiến cắn/ ngày mùa đông cắn/ ngày anh đó cắn/ mình đang mang mặc cảm bị cắn/ sáng sáng/ mình ra chợ mua những bó hoa/ lấp vào chiếc lọ bị thời gian cắn/ chết đi chết lại/ làm sao có thể mỉm cười/ trả đũa lần buồn tênh nhất?/ làm sao có thể mỉm cười/ cắn vào mỉm cười gượng gạo/ mà ta đã từng/ tại vì hết rồi đó/ những ngày thiết tha nhất” (Tại vì hết rồi đó).

Hôm Du Nguyên vào thành phố, thoáng có gặp độ vài phút, không có một câu chuyện trọn vẹn, không có một hình dung trọn vẹn, không có một câu chào trọn vẹn.

Và, tôi đọc Du Nguyên khi Nguyên viết về Sài Gòn, “Hôm nay, Sài Gòn mây đen một khúc/ cứ tưởng mưa về một khúc/ tôi vui cười một khúc/ tháng giêng, nỗi buồn như tóc/ bay bay/ ngược phía tôi là những tòa cao ốc/ tôi đi cùng phía nỗi buồn/ bay bay/ giá như có ai đó /nói cho tôi biết vì sao thỉnh thoảng mây đi lạc vòm trời/ để mơ về một khúc trời Hà Nội/ những cơn mưa phùn là đông vui/ những cơn mưa gấp khúc/ những cơn mưa làm tội làm tình bay bay” (Lạc ở Sài Gòn).

Phố, trong Du Nguyên lạ, lạ như chữ mà Du Nguyên đã sử dụng, lạ như phong cách của Du Nguyên.

Một phong cách tưởng chừng rất dễ lẫn nhưng tuyệt không lẫn vào đâu cả.

3.Tất nhiên, thơ Du Nguyên vẫn còn hạn chế. Thế nhưng, như tôi đã đưa ra nhận định bằng kiến văn thiển cận, vô cùng hạn chế của mình, Du Nguyên còn rất trẻ nên còn rất nhiều thời gian để tích lũy thêm nội lực cho hành trình khổ ải trên cánh đồng văn chương của chính mình.

Bởi, trẻ măng mà Du Nguyên đã có ý thức về chính mình là điều rất đáng mừng. Du Nguyên viết “Tôi bóc trần người bạn của tôi/ bằng những câu chuyện tưởng tượng/ điều gì đó xáo trộn/ điều gì như là tưởng tượng/ họ nói về tôi/ như một kẻ lang thang trong thế kỷ/ tuổi hai mươi trên đường/ tóc bay và gió thổi/ chỉ có nỗi buồn nằm nguyên/ tôi bóc trần chính mình/ như cởi từng lớp áo, lớp da, lớp lòng ruột/ để mơ về những điều tinh khiết nhất tự do nhất/ quay về đi, tuổi hai mươi ngủ ngoan trong giấc mơ đóng hộp/ quay về đi, gia đình, bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp/ quay về đi, nắng rất nồng và mưa rất say/ vì sao ta bỏ đi?/ vẫn có ai đang nói về tôi/bằng sự tưởng tượng đóng hộp của họ/ ngột ngạt quá/ giấc mơ của người khác cũng khiến mình ngột ngạt/ họ đã vẽ nên bức chân dung về tôi/ đứa buồn cười nhất của cuộc đời/ mà người mẫu không hề có mặt/ trong thế kỷ của họ”. (Sự bóc trần và tóc bay).

Không tự mình nhìn thấy mình một cách chân thật, thì không thể nào trở thành một nhà thơ đích danh. Ít ra, tôi nghĩ vậy.

Đây là một đoạn cực hay trong thơ Du Nguyên viết về sự lạc lõng của chính mình, “Trong mớ lùm xùm dây rợ của ngày tháng dài rộng, đôi khi mình cũng thèm sống như thèm chết. Những năm thập niên năm mươi ấy, hoặc có khi trước cả đó nữa, thuở còn nằm truồng, cả nhân loại đỏ hỏn trong bào thai của mẹ, hay những năm hai ngàn không trăm mười hai, mười ba này, người ta sinh ra đã cô đơn rồi/ Có sự thật nào đáng yêu và dịu ngọt hơn nỗi buồn sâu thẳm của riêng mình ta đổ bóng xuống vệ đường chang chang nắng?. Toàn nắng là nắng! nắng những năm năm mươi chắc cũng buồn như nắng, của năm hai ngàn không trăm mười mấy này mà thôi”. (Tôi không còn cô độc khác).

Tôi chỉ hơi tiếc là nếu Du Nguyên tiết chế một chút thôi bản năng của mình lại trong câu chữ, thì tập thơ sẽ trọn vẹn hơn. Nhất là những chữ (mà theo tôi) là thừa trong cấu trúc của một vài bài thơ.

Nhưng dẫu sao, như vậy là đã rất tuyệt cho một cô gái chưa qua ngưỡng 30 như Du Nguyên.

Cứ vậy nhé, Du Nguyên, Rồi thế đó tôi/cả đi cả khóc cả cười. (Cả đi cả khóc cả cười)


Ngô Kinh Luân

Exit mobile version