Trong số lượng phong phú các tác phẩm văn xuôi viết cho thiếu nhi ở Việt Nam thế kỷ XX thì truyện đồng thoại là thể loại rất được các em yêu thích, và vào bất cứ lúc nào cũng có những tác phẩm hay kể từ Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, qua Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam, Ông than đá của Viết Linh, Chú đất nung của Nguyễn Kiên, Chú gà trống choai của Hải Hồ, Cô Bê hai mươi của Văn Biển… đến Chó Bi – đời lưu lạc của Ma Văn Kháng, Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh…


Trước hết cần xác định những cách hiểu về đồng thoại – thoạt kỳ thủy
đồng thoại, trong tiếng Hoa, chỉ có nghĩa là truyện cho trẻ em. Một khái niệm bao trùm tất cả các loại truyện viết cho thiếu nhi. Dần dần về sau, diễn ra sự phân hóa và phân biệt giữa nhiều loại truyện, trong đó truyện đồng thoại chỉ còn được hiểu là một loại truyện viết về loài vật và các vật vô tri, theo phương thức nhân cách hóa. Vậy là, tưởng như thu hẹp mà hóa ra rất rộng, hơn bất cứ thể loại nào khác, đồng thoại có biên độ gần như không giới hạn, vượt ra ngoài thế giới người; nhưng lại có thể vận vào thế giới người. Ngoài thế giới loài vật quen thuộc còn là thế giới hoa cỏ, cây cối, chim muông, trong quan hệ với con người và được nhìn qua thế giới người. Một thế giới vừa rộng rãi vừa thu gọn, vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa mở rộng tri thức, vừa phát huy sức tưởng tượng – đó là đặc trưng và là ưu thế của đồng thoại.
Điều đáng lưu ý: Việc đi tìm một định nghĩa về đồng thoại là việc của những người nghiên cứu và giảng dạy. Còn nhà văn, khi viết họ không quan tâm mấy đến lý luận; và cũng không chịu ràng buộc bởi lý luận. Chẳng hạn, Tô Hoài – người viết đồng thoại sớm nhất và có nhiều tác phẩm đồng thoại hay nhất qua các thời kỳ từng viết như sau: “Ngày ấy tôi không cắt nghĩa được cách tôi viết, nhưng dường như về sau tôi vẫn phát triển viết theo lối ấy. Tất nhiên, biết phân tích và chủ động hơn, có thể vỡ vạc ra được mới tư tưởng và phương pháp sáng tác…”.
“… Theo tôi bất kỳ thể loại nào viết cho các em cần đẹp, vui. Như vậy, đồng thoại là loại truyện có nội dung trung thành về những mặt đó. Vốn đồng thoại đã lạ, càng hấp dẫn, càng gợi cảm, càng đẹp, càng thơ.
Tuổi thơ có trí tưởng tưởng không bờ bến. Vì thế bản thân sáng tác cho các em, như đồng thoại, mang những yếu tố giúp sự phát triển khả năng đó của các em. Đến hôm nay, tôi viết bao nhiêu đồng thoại một cách như kiểu đã viết về Dế mèn, về Chim gáy“.
Từ ý kiến của Tô Hoài, khái niệm đồng thoại trong nghĩa gốc của tiếng Hoa là truyện cho trẻ em, đã được khu biệt thành một loại truyện sử dụng phương thức nhân cách hóa các loài vật và các vật vô tri; đồng thời từ khuôn khổ đó lại được các nhà văn mở rộng ra các loại truyện về cây cỏ, chim muông, hoa lá – như Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ… Như vậy, theo tôi hiểu: đồng thoại trong cách hiểu của chúng ta hôm nay là một khái niệm có nhiều co dãn với các biên độ rộng hẹp khác nhau, gồm nhiều loại.
Đương nhiên, cũng miêu tả loài vật nhưng cổ tích, truyện ngụ ngôn lại mang theo các đặc trưng của văn học dân gian.
*
Nếu văn học thiếu nhi Việt Nam có độ dài khoảng hai phần ba thế kỷ, thì lịch sử đồng thoại cũng có độ dài tương ứng, nếu tính từ tác phẩm đầu tiên làm rạng danh cho nó là Dế mèn phiêu lưu ký – một tác phẩm luôn luôn có sự sống trong lòng các thế hệ độc giả nhỏ tuổi (và cả người lớn) ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Dế mèn… đã đưa tên tuổi Tô Hoài vào nghề văn từ năm 1941 cùng với nhiều tên tuổi khác cũng có những đóng góp cho dòng văn học viết cho thiếu nhi trước 1945, trong các tủ sách như Sách Hồng, sách Hoa mai, Hoa xuân, sách Truyền bá. Như vậy là trong buổi đầu nền văn xuôi Quốc ngữ, không ít người viết có tên tuổi cũng đã có ý thức gây dựng một dòng văn học viết cho thiếu nhi, để đáp ứng nhu cầu không phải chỉ là số lượng đông đảo các em ở lứa tuổi thiếu niên, mà còn là các bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc giáo dục con cháu nên người. Có thể lược kể những tên sách còn lưu lại được, như Bẩy bông lúa lép, Con mèo mắt ngọc của Nam Cao; Hạt ngọc của Thạch Lam; Vợ cóc, Cái ấm đất, Con rắn, Cóc tía, Bông hoa thài lài của Khái Hưng; Hang thuồng luồng, Chúa Ba, Úm ba la, Mã đầu vương, Con rắn trắng của Ngọc Giao… Chắc chắn số lượng truyện còn nhiều hơn nếu việc sưu tập được tiến hành ở khắp các thư viện, gồm cả thư viện ở nước ngoài, và các tủ sách tư nhân.
Thời kỳ sau 1945, trên tờ Thiếu sinh (Số Xuân 1946) Nguyễn Tuân cho đăng Cỏ độc lập, một vở kịch với mấy nhân vật chính là: Sông, Núi, Đồng cỏ, Em bé gái, Quyển sử Việt Nam và Thần Cách mệnh… Vở kịch nói lên sự chuyển đổi trong nhận thức, tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của tác giả chắc chắn là khó hiểu đối với độc giả thiếu nhi; nhưng không phải là không có những ý tưởng, những đoạn văn rất hay nói lên niềm vui và tự hào của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng.
Thời kỳ 1955-1975 là một thời kỳ phát triển sôi nổi của đồng thoại. Nhưng cũng là thời kỳ đồng thoại gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Bắt đầu từ Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam – bị nghi ngờ là có dụng ý xấu: chính trị mà không hiểu văn nghệ thì làm sao lãnh đạo được văn nghệ! Cái Tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi và Cái mai của Võ Quảng cũng có những đoạn, những câu bị giới tuyên truyền để ý.
Chúng ta nhớ lại thời này, không riêng đồng thoại của thiếu nhi mà ngay cả sáng tác của người lớn cũng có sự góp mặt của mấy con vật gây nên tai tiếng cho tác giả như Con chó xấu xí của Kim Lân, Con nai đen của Nguyễn Đình Thi, Con hùm con bồ côi của Nguyên Hồng…
Có những trở ngại và khó khăn như trên là do những quan niệm ấu trĩ và cứng nhắc một thời như cho rằng:
– Truyện cổ tích, đồng thoại không phản ánh được xã hội hôm nay, làm các em xa rời cuộc sống, xa thực tế.
– Đồng thoại có tính chất biểu tượng hai mặt, là con dao hai lưỡi.
– Viết cho các em không được viết những mặt trái của xã hội, chỉ được ca ngợi những cái tốt, những nhân vật chính diện.
– Không viết cho các em những chết chóc, mất mát trong chiến tranh.
Chính vì những quan niệm như thế nên sự phát triển văn học thiếu nhi tuy có sự phong phú nhưng lại trở nên đơn điệu, đặc biệt khu vực đồng thoại gặp nhiều cản trở nhất.
May mắn là cơn “khủng hoảng” về đồng thoại rồi cũng qua. Từ nửa sau những năm 60, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, truyện đồng thoại lại có đà phát triển. Đồng thời có sự hỗ trợ của khu vực văn học dịch của các tác giả nước ngoài, như Cuộc chiến đấu gian khổ của chú Hành, Cuộc phiêu lưu của Mũi tên xanh của G. Rodari; Con chim sẻ nhỏ của M. Gorki; Chuyện phiêu lưu của Mít đặc và biết tuốt của N. Nốtsốp; Ba con gấu của L. Tonxtôi; Chuyện người đánh cá và con cá vàng của A. Puskin; Chú người gỗ của C. Côlôđi, cùng với truyện của Andecxen và Grim…
Từ sau 1986, đồng thoại có bước phát triển mới – với các tác giả mới như Ma Văn Kháng với Chó Bi đời lưu lạc, Trần Đức Tiến với Làm mèo, Trần Hoài Dương với Nàng công chúa biển, Lưu Trọng Văn với Cọp không có răng, Nguyễn Nhật Ánh với Tôi là Bêtô, Nguyễn Quang Thiều với Chú người gỗ, Vân Long với Chuyện nhỏ trong rừng, Phan Trung Hiếu với Hạt nắng bé con,… Đặc biệt là cơn sốt lớn và kéo dài gần như là không dứt của Đôrêmôn.
Nhiều vấn đề lý luận đặt cho sự phát triển của văn học thiếu nhi nói chung, và đồng thoại nói riêng, nhưng còn ít được đề xuất và bàn luận.
*
Trong một luận án Tiến sĩ gần đây của Lê Nhật Ký có tên Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, tôi được biết tác giả đã khổ công sưu tập và phân loại để có đối tượng khảo sát là 1054 đồng thoại của 275 tác giả. Một con số thật là lớn! Trong cuốn Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, do Nxb. Từ điển bách khoa ấn hành năm 2006, số tác giả viết cho thiếu nhi, gồm chuyên và không chuyên được chọn đưa vào chỉ là 224 người. Vậy là có một độ chênh khá đáng kể – giữa các tác giả viết cho thiếu nhi nói chung và viết đồng thoại nói riêng! Tất nhiên điều đáng nói không phải chỉ ở số lượng, mà chủ yếu là chất lượng. Xét về chất lượng ta sẽ thấy khu vực đồng thoại vẫn là khu vực để lại được những tác phẩm hay. Và sau tác phẩm, còn là tác giả. Nếu được chọn để giới thiệu những người viết đồng thoại xuất sắc trong văn học thiếu nhi hơn nửa thế kỷ qua, tôi xin phép chọn Tô Hoài, Võ Quảng, Viết Linh, Xuân Quỳnh, Trần Hoài Dương, Hải Hồ, Văn Biển, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến. Cùng một số người khác, tuy chưa phải là hội viên Hội Nhà văn nhưng lại có nhiều đồng thoại hay viết cho thiếu nhi như Nguyễn Đình Quảng… Đây là những người viết gắn với thành tựu của đồng thoại trong tổng số hàng trăm người có tham gia viết đồng thoại – đó vẫn là một tỷ lệ quá nhỏ. Do vậy mà sự phát triển của đội ngũ, và yêu cầu chuyên sâu cho thể loại, xét riêng về đồng thoại – đó vẫn là vấn đề đáng quan tâm ở thời điểm hôm nay.

Nguồn tin: TCNV 08-2012