Nhiều năm qua, Nhà sáng tác (NST) (còn gọi là Trại sáng tác) luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ công việc sáng tác của các văn nghệ sĩ (VNS). Nhưng trong dòng chảy nhiều biến chuyển của thời đại hội nhập, yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của VNS tại các NST, theo hướng phù hợp và sát thực tế hơn.

Nhà sáng tác: Cần lắm chứ!


Không phải ngẫu nhiên mà yêu cầu đổi mới hoạt động của các NST được đặt ra. Thời gian qua, đây đó đã có ý kiến cho rằng công tác tổ chức sáng tác còn mang tính đại trà, lạc hậu, NST chỉ thu hút văn nghệ sĩ già, nghỉ hưu, chỉ “béo” những người rảnh rỗi, tới NST bù khú, tán gẫu… Những ý kiến trên, tuy là góc nhìn cá nhân, đơn lẻ nhưng phần nào phản ánh những mặt hạn chế đã và đang nảy sinh trong công tác tổ chức NST, buộc người trong cuộc phải có sự điều chỉnh.



Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của NST với VNS trong quá trình sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị, nhà văn Chu Lai nhấn mạnh: “VNS rất cần NST, bởi đây chính là một biểu hiện cho sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến không khí sáng tạo của các cá nhân. Đến với điểm hẹn này, VNS được nghe, được hiểu, được học, trao đổi và khích lệ nhau sáng tạo. Đây cũng là “lò luyện đan” cực kỳ quan trọng, bởi ngay cả những đề tài nóng, “khó nhằn” nhất, một khi có sự đóng góp ý kiến của tập thể thì tất cả khó khăn đều có thể được tháo gỡ”.

Thừa nhận trong xã hội hiện đại, VNS có khi ngồi nhà làm việc còn tiện nghi hơn ở NST, nhưng nhà văn Chu Lai cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc “được đi trại”: “Lao động nghệ thuật cô đơn dễ bị cuộc sống thường nhật xé lẻ. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, nếu không có quãng thời gian 6 tháng ở NST thì khó có thể hoàn thành bộ tiểu thuyết “Bão táp Triều Trần” nhanh và chất lượng đến vậy. Cá nhân tôi thấy viết tại trại thì có thể đạt cường độ gấp 10 lần, chất lượng gấp 2-3 lần khi viết tại nhà. Nói cách khác, các NST như “điểm dừng” cần thiết giúp VNS nhích lên trong cuộc đua khốc liệt của nghệ thuật sáng tác – cuộc đua mà hàng nghìn người khởi động nhưng chỉ rất ít đến được đích thực sự”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Trên thế giới cũng có rất nhiều mô hình trại sáng tác. Tôi từng ghé chân đến những NST ở Ailen, họ có những ngôi nhà đơn biệt hoàn toàn, thậm chí có biển treo ngoài “Ở đây có nhà văn đang sáng tác, đề nghị không làm phiền”. Tôi nghĩ, sự cần thiết của các NST trong sáng tạo nghệ thuật là chuyện không phải bàn cãi, chỉ là cách tổ chức nên như thế nào cho phù hợp mà thôi”.

Điều chỉnh, chọn lựa giải pháp khả thi

Đồng quan điểm “cần tăng phần mềm” cho các hoạt động ở NST, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Sơn đề xuất giải pháp: “Với mỗi dịp tổ chức hội trại, rất cần tổ chức thêm các sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi học thuật cần thiết”. Còn họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nêu vấn đề: “Với mỗi loại hình sáng tạo nghệ thuật, cần có sự điều chỉnh khung thời gian phù hợp. Ví như với nhà văn, thời gian ở trại có thể kéo dài hằng tháng, hằng năm. Nhưng với giới mỹ thuật, nhiếp ảnh, việc “bỏ nhà” đi dài ngày ở trại là rất khó, chưa kể, họ rất cần sự hỗ trợ về phương tiện làm việc theo đặc thù (giá vẽ, phương tiện đi lại…) – điều mà các NST còn nhiều hạn chế”.

Ở góc nhìn của nhà khoa học, GS.TS Đinh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ đề xuất: “Trong công tác tổ chức hỗ trợ sáng tác, cần lưu ý một số điểm nhấn. Thứ nhất, phải kết hợp chặt chẽ giữa các hội VHNT cấp TƯ và địa phương với NST về nội dung hoạt động, thành phần tham gia cho từng hội trại, rõ cả chủ đề, đối tượng. Thứ hai, phải có sự kết hợp giữa những người dự NST với các chuyên gia đầu ngành nhằm nâng cao phông văn hóa, trình độ hiểu biết sâu trong từng chủ đề, lĩnh vực, từ đó mới có được các sản phẩm chất lượng. Thứ ba, rất cần sự kết hợp giữa chủ thể sáng tạo với các biên tập viên, đạo diễn, NXB, hãng phim, có sự trao đổi, tranh luận ngay tại NST để tạo đầu ra cho các tác phẩm”.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT& DL Vương Duy Biên: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chúng ta cần chọn lựa những giải pháp “vừa sức”. Các NST cần phải đổi mới hoạt động, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn hình thức hỗ trợ VNS sáng tác”.

Phản ánh của VNS, ý kiến của chuyên gia và nhà quản lý cho thấy với từng loại hình nghệ thuật, cần có sự điều chỉnh về khung thời gian ở NST sao cho phù hợp; các NST nên tổ chức theo chủ đề riêng, tập trung vào những đề tài gần cuộc sống, tạo điều kiện đầu tư cho các tác phẩm có tính đột phá và có tính dự báo. Trước mắt, theo Bộ VH-TT&DL, trong năm 2017, mỗi NST sẽ bố trí 1-2 khu vực dành riêng cho các nhà điêu khắc. Bên cạnh đó, kế hoạch công bố các tác phẩm xuất sắc được hình thành từ các NST cũng đang được xây dựng, bao gồm cả nội dung liên quan đến hội đồng bình chọn, việc trao tặng giải thưởng cho các công trình sáng tạo.

Mai Hoa – Hà Nội mới
Exit mobile version